Thông điệp cánh chim

thong diep canh chim

Buổi chiều, đàn chim bay qua khoảng trời và gói làng lại thành một vòm yêu thương. Chúng xếp hình chữ V ở trên cao. Trẻ con ở làng nói đó là viết tắt của chữ “về”. Riêng có một người chơi đàn thì nói đó là chữ “Việt”; và anh ta hát “ai tha hương nghe ríu rít oanh ca, cánh nhạn vào mây thiết tha, lưu luyến tình vừa qua” (Đàn chim Việt – Văn Cao). Ôi, cái Bến Xuân[*] của người viết quốc ca ấy phải chăng là cội nguồn của mọi cuộc vỗ cánh!

 

 

Như chính tôi hôm nay đang trở về với làng, trong phút giây tâm tưởng miên trường. Có lẽ, khung trời quê hương – nơi mà ngày xưa đàn chim bay qua và ngưng lại ấy – đã được đánh một dấu nhớ cho mỗi người con. Để rồi đi xa mấy chăng nữa, thì khi quay lại ta vẫn dễ dàng bắt gặp được chính mình. Cái đó toán học gọi là tiêu điểm, vật lý học gọi là điểm hội tụ, âm nhạc gọi là dấu lặp với hai chấm hồi tống; còn trong mỗi người – đó chính là trái tim!

1. Thông điệp cội nguồn

Mùng mười tháng sáu là ngày chạp mả họ tộc. Sáng hôm ấy đứng ở cồn Sanh làng, tôi nhìn thấy một đàn chim bay về hướng bắc. Ông nội chỉ tay lên trời và nói đàn chim ấy đang bay về Giang Hạ quận (Trung Quốc) – nơi được coi là nguồn gốc của họ Hoàng. Ngay lúc ấy, cụ trưởng tộc dõng dạc đọc sớ tấu: “Giang Hạ quận Bổn thổ Hoàng Quý Công tôn thần”. Đấy là câu khấn niệm thiêng liêng xúc động mà tôi không bao giờ quên được.

Tôi nhớ hình ảnh các cụ khăn đóng áo dài chỉnh tề đứng nghiêm ngắn, tay vòng trước ngực kính cẩn. Tháng sáu gió nồm thổi qua, hai vạt áo dài phất phơ bay như những cánh chim đang giương ra lĩnh hội ý chỉ tiền nhân để truyền lại cho hậu thế. Tôi là hậu duệ thứ mười một của dòng họ, lắng tâm đứng nghe chuyện của các cụ như uống lấy từng lời vàng ngọc quý báu. Mỗi dịp chạp mả, ông nội dắt chúng tôi đi khắp cồn. Tới trước mỗi ngôi mộ, ông lại kể chuyện lúc sinh thời của người đang yên nghỉ dưới kia. Nhiều ngôi mộ đã xưa lắm rồi, bia đá cũng mòn chữ, lại có ngôi mộ không còn tấm bia, nhưng chính chuyện ông kể đã là tấm bia vĩnh hằng tạc lại nơi tôi. Trăm năm bia đá dẫu mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ! Lời nói không phải để gió cuốn bay, mà lời nói tạc vào hư không những điều không cầm nắm được nhưng có thể lưu truyền mãi mãi…

Ngày hôm ấy, nhiều người con tha hương bao năm đã trở về. Lại cùng ngồi dưới bóng dương cổ thụ trước mặt từ đường hàn huyên trò chuyện. Trên vòm lá châm kim, đàn chim sẻ đang tụ lại và réo ran như chưa bao giờ có một ngày hội vui như thế. Và tôi chợt nhớ đến một ý của nhà văn Hoàng Phủ rằng, bầy chim ngoẵng phát ra tiếng gáy như là lời gọi nhau “đi họ đi làng”. Ở bất kỳ nơi đâu, hình ảnh của loài chim cũng đều khiến người ta da diết nhớ quê hương và khơi gợi lại ý thức nguồn cội. Như chim có tổ, như người có tông là vậy!

Nơi thềm đá nhà thờ họ, những chén nước chè chuyền tay nhau ấm áp. Con cháu tề tựu; người già kể chuyện thế thái nhân tình, trung niên nói chuyện cơm áo nhân sinh, trẻ con râm ran chuyện học hành sách vở. Tất cả những câu chuyện ấy lắng lại trong tiếng chiêng hồi trống và ngân xa. Mỗi dịp chạp mả họ tộc là thêm một lần tình huyết thống được bện chặt.

Qua tháng tám, nắng hình quả trám. Cánh đồng gặt xong còn sót rất nhiều thóc vương vãi. Đàn chim sà xuống nhặt thóc và để lại trên những khoảnh ruộng vô vàn những dấu chân nắc nẻ. Hai dấu chân của một chú chim thường đính nhau ở một điểm phía trong. Nhìn cách bày thế ấy, người ta dễ nghĩ đến những dấu chân Giao Chỉ xa xưa thuở sông Hồng còn dậy lửa Văn Lang. Dải liên tục in dấu chân chim vắt qua cánh đồng khi ấy dẫn ta về với cội nguồn dân tộc.

Thời ở Huế, mỗi khi hoàng hôn chạm vào thành quách vương triều nhà Nguyễn, thì đàn chim sẻ lại bay ngang trước nhà trọ của tôi và đậu xuống mấy nhành cây trứng cá. Mùa thu, hoa trứng cá nở ra màu trắng muốt khôi nguyên. Chim đứng ngẩn trong làn voan trắng và ra rả bao nhiêu lời ân tình sau một ngày soãi cánh mỏi mệt. Ngắm bầy chim ấy, tôi bỗng thèm trở về mảnh làng thân thuộc ngoài kia. Vào lúc này, bữa cơm quê đạm bạc đang sắp ra trên cái nống cấm.

Chợt thèm nhát mắm cà mặn mòi, chợt khát chưng nước chè đậm vối. Kẻ đi xa như một cánh chim lưu vong, ăn gì cũng thấy nhạt, uống gì cũng thấy khát. Cái khát ấy là khát nghĩa khát tình vậy!

2. Thú chơi chim ngày thơ và bức thông điệp tự do

Tôi đã mở cửa chiếc lồng nan tre vào một ngày tết cách đây bốn năm, con chim cu bay ra vỗ cánh tung vào trời xuân. Tết năm đó đan xen những nỗi vui buồn lẫn lộn, và tôi nhận ra rằng ở đời này đừng trói buộc một điều gì cho riêng mình, đừng nhốt sự tự do của muôn loài vào trong chiếc lồng ích kỷ bản thân.

Ngày nhỏ tôi rất thích chơi chim, cái thú này học được từ ông nội. Sau giải phóng, ông nội tôi có bảy năm ngồi trong nhà tù cải tạo đối với những lính Nguỵ quyền cao cấp. Chuỗi ngày đó đã để lại nhiều di chứng trên cơ thể của ông, một căn bệnh gai cốt sống mà sau này may nhờ có thuốc Đông y của thầy Chánh trên núi Ngự Bình mới giúp ông vơi bớt. Trong những ngày ngồi sau song sắt, ông tôi nuôi một con chim sẻ non, nó rất mến ông, ban ngày ông thả cho nó thoát ra khỏi tù, mỗi lần cần tìm chỉ cần huýt sáo là nó bay về. Những người tù khao khát sự tự do, họ lấy cánh chim làm thông điệp nhắn gửi với vòm trời bên ngoài những tín hiệu của trái tim. Chim đã trở thành người bạn của ông từ độ ấy. Sau khi trở về, ông tôi giữ thú vui này và tôi có cơ hội học theo.

Tre sau nương chặt vào, dùng rựa chuốt thành những nan nhỏ dài làm song. Lấy sợi mây cỡ chiếc đũa, uốn tròn thành những vòng tròn tạo thành bộ khung. Cái tăm xe đạp được mài nhọn và hơ lên lửa than cho nóng rồi chui những lỗ nhỏ trên vòng mây. Sau đó luồn những nan tre đã vót qua. Những chiếc lồng chim xinh xắn đã cuốn lấy tôi ngày còn nhỏ, tôi bỏ cơm ngồi làm lồng chim suốt ngày.

Chim sẻ thường về làm tổ dưới mái ngói đình làng. Có lẽ loài chim cũng hiểu rằng đình làng là nơi ấm áp an lành và nhiệm mầu nên rất an toàn cho cuộc gầy tổ. Tôi cùng đám bạn nồng nồng lên lưng nhau bắt chim đem về nuôi. Chim sẻ mới ra ràng nuôi rất khó, nhưng nuôi như thế thì khi chim lớn nó mới mến người. Thức ăn cho chim sẻ non là châu chấu. Bắt châu chấu về lột lấy cái phần mềm ở dưới bụng, tiết ra một ít nước miếng rồi mớm cho chim con ăn. Loài chim rất khôn, ngay từ nhỏ nó đã nhận biết được mùi vị nước miếng từng người nên khi lớn lên nó chỉ mến người đó. Nước miếng trộn vào thức ăn của chim là vì thế.

Trẻ con ở quê có lắm thứ để chơi, song, trò chơi chim thuộc dạng chơi đẳng cấp nhất, nó đòi hỏi sự tỉ mẩn và am hiểu tâm lý chim chóc. Chẳng hạn như ngay cái cách làm lồng chim thôi đã rèn cho chúng tôi sự cần cù khéo léo; hay như nghe tiếng kêu của chim con để biết thời điểm bắt chim về; rồi thì đến lúc nuôi chim cần phải dỗ dành nó chẳng khác gì một người mẹ chăm sóc đứa con đỏ hỏn mới sinh. Chim chóc là loài khá gần gũi với con người, hiểu tâm lý loài chim cũng chính là hiểu cuộc sống xung quanh. Nhìn vào cách bày biện một chiếc lồng chim để đánh giá khả năng nhận thức và quan niệm đời sống của chủ nhân. Chẳng hạn như trong lồng có gắn một nhánh cây nhỏ để chim nhảy qua nhảy lại, cành cây này gắn ở chặng giữa để bình quân cái không gian lồng thành hai phần. Đầu ngọn của nhành cây sẽ được đặt cao hơn so với đầu kia một tí, đại ý là để tôn trọng sự sinh trưởng. Cái chén uống nước sẽ móc ở đầu cao, còn chén đặt thức ăn phải móc đầu thấp. Có nghĩa rằng loài quân tử thì phải trọng cái uống hơn cái ăn. Từ cách bài trí lồng chim mà luận ra cốt cách của người chơi chim là vậy.

Có một thời tôi nuôi bốn con chim khác nhau, mỗi con dạy cho tôi một bài học về lối sống và tính cách. Chim cá cưỡng rất hay làm rộn, miệng nó nhiếc nhiếc suốt ngày đòi ăn. Thế nhưng thức ăn của nó thì không kén chọn, chuối chín hoặc cơm nguội, châu chấu… Chim cá cưỡng có bộ lông đen trắng lẫn lộn, cái đầu nó to nên rất thông minh, nuôi từ nhỏ lên nó có thể nhái theo tiếng người như chim sáo. Cá cưỡng nói to hơn và giọng ấm hơn chim sáo, nhưng về độ rõ và chuẩn thì kém hơn. Nhiều hôm bực với cái tiếng kêu chẹc chẹc nhức óc của nó, tôi mở cửa lồng đuổi nó bay đi. Cửa mở, cá cưỡng vút lên rất cao như một câu vè trẻ con hay hát: “phiêu phiêu ảnh hưởng, cá cưỡng bay cao, chào mào bay thấp”. Chim chào mào thân nhỏ nhắn, nó có cái mũ màu đỏ trên đầu như thế sẵn sàng chào nên gọi tên như thế. Chào mào chỉ biết hót, đặc biệt khi nghe nhạc hoặc trời bên ngoài mưa thì nó cứ hót mãi không thôi. Nhưng chào mào lại có mệnh yểu, mỗi lúc gió trở trời hoặc nhuốm phải mưa thì nó đổ bệnh và chết ngay. Khướu có giọng hót được ví với sự uyên bác vì độ vang của nó rất xa. Con chim khướu nhà tôi ngày ấy hót một tiếng là vang đến tận cuối làng. Khướu thích ăn thịt nạc tươi. Mỗi lần mạ đi chợ về tôi nhón một ít thịt heo nạc hoặc bò nạc thả vào trong cho nó ăn. Tính khí chim khướu thì rất rụt rè, mặc dù tiếng hót thì lanh lảnh và hào sảng. Chim cu thì ngược hẳn với ba loại trên; chim cu như một vị sư nhà chùa, im lặng trầm tư. Loài chim cu không bao giờ mến người, nên ít ai nuôi chim cu từ nhỏ lên lắm! Dựa vào tiếng gáy của chim cu để biết độ già của nó. Những người già thường thích nuôi cu, chắc vì tính khí trầm lặng gần gũi với tâm trạng của người xế chiều tuổi.

Đầu năm 2005, đại dịch cúm gia cầm lan truyền khắp cả nước, gà vịt chết, chim chóc cũng thuộc họ hàng nhà gà nên không thể thoát được hệ luỵ. Mùng một tết, con chim cá cưỡng của tôi đã chết, xác nó hoá trơ cứng trong cái lạnh ngày xuân. Mùng năm tết, con chào mào nhiễm một trận gió ngược đầu năm rồi quay ngã lăn ra, chết! Mùng bảy chim khướu tự dưng ủ dột, đứng lụ xụ như một ổ lông, đến chiều nó cũng chết. Sáng mùng tám, chỉ còn lại con chim cu đang buồn buồn trong lồng. Tôi gỡ cái lồng xuống, mở tấm liếp cửa rồi để đó đi vào nhà. Lát sau quay ra thấy con cu vẫn đứng ở trong, dường như đã quá lâu rồi nó quên đi khái niệm của sự tự do, quên đi bầu trời bên ngoài nên cũng chẳng màng. Đột nhiên con chim cu tung ra khỏi lồng rồi bay lên đậu trên cành mít trước nhà, nó quay đầu lại nhìn tôi và nơi khoé mi nó ươn ướt. Nó đang vui hay đang buồn? Tôi không rõ! Song, tôi biết loài chim cu không vô tình như người ta vẫn nói, chí ít thì cái ngoái đầu của nó đã chứng minh rằng nó vẫn có sự luyến lưu với tháng ngày ở với tôi. Nhưng thôi, bầu trời rộng lớn kia mới chính là cuộc đời của mày, hãy bay đi! Cánh chim cu vút bay về phía xa. Ôi tự do là vậy đó! Sao bấy lâu nay mình lại nhẫn tâm nhốt lại bao nhiêu sự khao khát, để rồi cuối cùng mấy con chim phải chết?

Chiều hôm đó tôi đốt tất cả những chiếc lồng chim rất xinh xắn, những chiếc lồng chính tay mình làm ra rồi lại huỷ cháy bởi chính mình. Trong một chiều đầu xuân năm đó có tôi đứng khóc, để ăn năn cho sự vị kỷ và vô tâm.

______________

[*] Bến Xuân là tên gọi khác của bài hát Đàn chim Việt.

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle