Hiển Quang
Tôn
giáo, dù xuất thế hay nhập thế, vẫn tồn tại trong xã hội và có những liên hệ mật
thiết với đời sống xã hội. Giáo thuyết của một tôn giáo cho dù nói nhiều về những
vấn đề siêu nhiên, vẫn không hoàn toàn tách rời bối cảnh văn hóa, triết học,
chính trị xã hội, và ngay cả tình cảm cộng đồng… nơi nó hình thành. Giáo chủ của
một tôn giáo thường được xem là người phát ngôn vĩ
đại nhất của thời đại của mình. Và sự tồn tại cũng như phát triển của một tôn giáo luôn gắn liền với
bối cảnh xã hội nơi nó hiện diện.
Có hai khuynh hướng thường nhìn thấy nơi những nhà Phật
học và các học giả khi thảo luận về Phật giáo và các vấn đề xã hội, đặc biệt là
triết học xã hội. Một khuynh hướng cố gắng tìm kiếm
những thuyết giáo trong hệ thống kinh sách Phật giáo liên hệ đến những vấn đề xã
hội, và cũng nỗ lực giải thích những thuyết giáo này sao cho phù hợp với ngữ
cảnh hiện đại. Một số khác xem Đức Phật như một vị Đạo
sư của một tôn giáo xuất thế; và triết học xã hội, cụ thể hơn là những quan điểm
và lý thuyết về kinh tế và chính trị, không có vị trí trong Phật giáo.
Rõ ràng là kinh sách Phật giáo nhấn mạnh vào giới xuất
gia và thường khuyến khích việc tu tập rèn luyện cá nhân. Và với một người xuất
gia, việc xa lánh những ràng buộc của đời sống trần tục được xem sẽ giúp họ
thuận tiện hơn trong việc phát triển đời sống tâm linh. Kinh điển Đại thừa có
khác hơn kinh điển Nikaya ở điểm này, khi cho rằng vị Bồ-tát tu tập tìm cầu giải
thoát không chỉ ở trong rừng vằng hay trong những ngôi chùa tĩnh lặng, mà có thể
tìm sự giải thoát ở bất kỳ nơi đâu, và có thể tham gia vào tất cả những lĩnh vực
xã hội khác nhau vì lợi ích của tha nhân. Nhưng dù có đề cao tinh thần xã hội,
thì hệ thống kinh sách của Phật giáo Đại thừa, cũng như kinh sách Phật giáo
Theravāda, không hàm chứa một lý thuyết cụ thể về triết học xã hội. Mặc dù đây
đó trong kinh sách, ta có thể tìm thấy một số bài kinh đề cập đến những vấn đề
như nguồn gốc của nhà nước, thế nào là một người lãnh đạo lý tưởng, việc tìm
lãnh đạo qua bầu chọn, thế nào là một xã hội tốt, kinh tế có ảnh hưởng như thế
nào đến chính trị v.v,.. mà nếu xâu chuỗi và hệ thống
lại, ta cũng có thể hình thành nên một “lý thuyết” của Phật giáo về triết học xã
hội.
Nhưng dù nhìn vấn đề thế nào, và dù rằng Phật giáo
không nhấn mạnh vào triết học xã hội hay cụ thể hơn là vấn đề chính trị, thì
những sinh hoạt của Phật giáo từ thời Đức Phật cho tới nay, một cách tổng thể,
đã không thể tồn tại bên ngoài xã hội, và sự thịnh suy của Phật giáo trong suốt
qua trình phát triển của nó, không thể không có sự tác động của thể chế mà ở đó
nó tồn tại.
Chúng ta hẳn biết rằng, Đức Phật sau khi thành đạo và
sau khi hóa độ những vị đệ tử đầu tiên và Tăng đoàn được hình thành, đã quay trở
lại Magadha (Vương Xá thành) để giáo hóa vua Bimbisara. Vị vua này là một người
bạn của Đức Phật khi Ngài chưa xuất gia, và về sau trở thành một đệ tử của Ngài
khi Ngài thành Phật. Ở đây chúng ta tránh không suy diễn và liên hệ thái quá,
nhưng rõ ràng là Đức Phật đã gặp nhiều thuận duyên trong việc truyến bá giáo
pháp của Ngài ở thành Magadha.
Kinh sách cũng cho thấy rằng, suốt cuộc đời giáo hóa
của mình, Đức Phật đã kinh qua nhiều vương quốc khác nhau ở Ấn Độ và Ngài đã
tiếp xúc với hầu hết các vị vua của những vương quốc này. Và cũng có một số vị
vua đã tìm đến tham vấn Ngài một số vấn đề và cũng cho thấy rằng họ đã nghe
theo lời khuyên của Ngài. Trong kinh sách, ta cũng thấy Đức Phật đã đặt
ra những nguyên tắc đạo đức cho một vị vua, nhưng nguyên tắc mà vào xã hội thời
bấy giờ, nếu một vị vua thực hành theo
sẽ đem lại những lợi ích cho vương quốc của họ. Đức Phật cũng từng hóa giải sự
xung đột giữa các vị vua, giữa các bộ tộc về những tranh chấp lợi ích…
Chúng ta nhắc lại một vài trường hợp để thấy rằng dù
Phật giáo được cho là xuất thế hay nhập thế, thì sự hành hoạt của nó không thể
tách rời khỏi đời sống xã hội và cả thể chế chính trị. Nhưng vấn đề là, Phật
giáo sẽ trở thành một công cụ cho những người làm chính trị sử dụng, hay chính
nó sẽ cung cấp những giá trị để cải đổi con người mà những người tham gia vào
hoạt động chính trị là một bộ phận? Kinh sách Phật giáo, đặc biệt là các kinh hệ
Nikaya, cho thấy rằng những giá trị Phật giáo đã chuyển đổi được các vua chúa,
đã giúp cho một vị vua từ không có đạo đức trở nên có đạo đức, từ một vị hôn
quân thành một vị minh quân.
Lịch sử Phật giáo Ấn Độ có kể lại câu chuyện vua
Ajatasatru. Vị vua này, khi còn là một hoàng
thái tử, đã bỏ ngục người cha của mình là vua Bimbisara bởi mong muốn soán ngôi.
Ajatasatru cũng cấu kết với Devadatta, người mong muốn đứng đầu vị trí lãnh đạo
Tăng đoàn Phật giáo và luôn có những hành động ám hại Đức Phật. Nhưng cuối cùng
Devadatta đã chịu quả báo, còn Ajatasatru đã phục thiện và quy y theo Đức Phật,
và về sau trở thành một vị vua hiền minh hơn. Câu chuyện về sự cấu kết giữa
Devadatta và Ajatasatru đã xảy ra hơn 2.600 năm trước, nhưng những “biến thể”
của nó vẫn có thể nhìn thấy đây đó trong suốt lịch sử và thậm chí cho đến ngày
hôm nay.
Kinh sách Phật giáo mênh mong và phong phú. Và dù Phật giáo không đặt ra “phép trị nước” một cách
cụ thể cho những vị vua, thì việc rút ra những nguyên tắc nào đó phù hợp với xã
hội thực tiễn là điều một số vị vua Phật tử đã từng làm, và cho thấy đã giúp ích
rất nhiều cho xã hội.
Khi đề cập đến việc ứng dụng những nguyên tắc Phật giáo
vào những vấn đề xã hội của các vị vua thời xưa, chúng ta không thể không nhắc
đến vua Ashoka (A Dục). Vị vua này trước khi quy y Phật giáo đã từng có những
hành vi hết sức tàn độc đối với thân tộc của mình, và
cả đối với những vương quốc lân bang. Nhưng sau chiến trận Kalinga và sau khi
quy y theo Phật giáo, ông đã trở thành một vị minh quân. Ông đã
cai trị vương quốc không chỉ bằng vũ lực và chính trị, mà cũng còn sử
dụng những nguyên tắc đạo đức để áp dụng cho bản thân, và cũng kêu gọi các quan
chức và quần chúng sống thuần thiện, đạo đức để giữ lấy một xã hội hòa hợp và
thịnh trị. Là vị vua Phật tử, Ashoka đã cố gắng ứng dụng những
nguyên tắc đạo đức Phật giáo vào trong đời sống xã hội và cho thấy ông đã thành
công.
Ở Phật giáo Ấn Độ, có hai người được xem là có những nỗ
lực trong việc triển khai và ứng dụng những nguyên tắc Phật giáo vào trong đời
sống thực tiễn, đó là vua Ashoka và Bồ-tát Nāgārjuna (Long Thọ). Trong khi Ashoka học Phật với vai trò của một vị vua,
và đã trực tiếp ứng dụng những nguyên tắc đạo đức Phật giáo cho chính bản thân
và trong một số chính sách xã hội, thì Nāgārjuna, với vai trò là một Tăng sĩ, nỗ
lực khuyến khích nhà vua, một người bạn của ngài, hãy sống có đạo đức và thực
hiện những chính sách công ích xã hội dựa trên một số nguyên tắc Phật giáo. Cụ
thể hơn, Nāgārjuna đã viết những lời đề nghị của mình thành một văn bản gửi cho
nhà vua, khuyên vua nên thực hành theo vì lợi ích của
người dân và của cả vương quốc đó.
Những vị vua như Ashoka, Kanishka, Shotoku… rõ ràng là
có sử dụng Phật giáo trong việc cai trị của mình. Nhưng những vị vua này, là những Phật tử
thuần thành, có ứng dụng Phật pháp vào trong đời sống bản thân, đã sử dụng những
nguyên tắc Phật giáo để tạo nên một xã hội hòa hợp và có đạo đức, chứ không biến
Phật giáo thành một tôn giáo lễ nghi đầy phô trương và lãng phí. Phật giáo Việt
Nam cũng từng có những vị vua thuần thành, cũng biết sử dụng Phật giáo cho việc
tạo nên hòa hợp xã hội, cũng đã đi vào quần chúng để khuyến khích từ bỏ những hủ
tục và những việc làm mê tín trong dân gian. Phật giáo Việt Nam cũng có những
nhà sư, đã thân cận với vua, khuyên vua hãy thuận theo
lòng dân, hãy lấy niềm vui nỗi buồn của dẫn làm niềm vui nỗi buồn của mình.
Đó là tinh thần Bồ-tát, là tinh thần “vì lợi ích của số đông, vì hạnh phúc của
chư thiên và loài người”.
Kinh sách Phật giáo cho thấy rằng, để cho Pháp (Dhamma)
có thể được thực hành hiệu quả trong xã hội, phải cần đến một môi trường xã hội
nơi đó Pháp được tôn trọng. Pháp bao gồm
nhiều phương diện, trong đó đạo đức là một khía cạnh; và như vậy để đạo đức nói
riêng và Pháp nói chung có sự ảnh hưởng thực sự trong
đời sống xã hội, cũng cần đến một môi trường xã hội. Một số kinh sách Đại thừa
thường nhấn mạnh điều này, và vì vậy vai trò của Bồ-tát trong công việc này, khi
một quốc độ không chấp nhận Pháp, họ phải “hoá độ” những người đứng đầu quốc độ
đó, để làm sao Pháp được chấp nhận; và khi người dân của một xứ sở không chấp
nhận Pháp bởi vì còn bận bịu với miếng cơm manh áo, bị sợ hãi chi phối, Bồ-tát
phải “tài thí” và “vô uý thí” trước rồi sau đó mới “pháp thí”.
Con đường Bồ-tát vừa là con đường lý tưởng mà cũng vừa
là con đường thực tiễn. Vị Đại Bồ-tát đi vào đời với những thệ nguyện cao vời
nhưng cũng thật sự gần gũi.
Bồ-tát có thể làm bạn với vua chúa, không phải vì mong cầu
chức tước bổng lộc mà để cứu đời, cứu giúp chúng sanh. Và một vị vua
Bồ-tát, kết giao với những cao Tăng không phải nhằm thoả mãn những nhu cầu lễ
nghi cúng kiếng hay lợi dụng cho những mục đích riêng nào đó, mà để qua đó có
thể tìm lấy những kế sách hay cho việc phát triển đạo đức và duy trì sự an bình
cho xã hội.
Thường thì những người nằm quyền lãnh đạo một quốc độ
mong muốn đất nước họ trở nên tốt hơn, tiến bộ hơn, có đạo đức và thịnh vượng
hơn… Và người ta mong muốn mọi thành phần trong xã hội, trong đó có tôn giáo,
cùng chung
tay xây dựng nên một xã hội tốt đẹp như vậy. Tôn giáo thường
được mong đợi góp phần xây dựng đạo đức cho đời sống xã hội, hoặc làm tốt xã hội
qua một vài hoạt động công ích nào đó. Tuy nhiên, để dân chúng sống có đạo đức hơn, cần phải tạo điều kiện
cho những giá trị đạo đức được tồn tại và phải thể hiện sự tôn trọng những giá
trị đạo đức đó. Nhiệm vụ của tôn giáo là phát triển đời sống tâm linh cho cộng đồng
của họ, và qua đó phát triển những giá trị đạo đức cho xã hội. Nhưng
những giá trị của một tôn giáo có được bảo đảm hay không, và ngay cả sinh mệnh
của một tôn giáo có được bảo đảm hay không, không phải chỉ do nó tự quyết định
lấy, mà còn có cả sự chi phối của những ngoại lực, điều không chỉ được nhìn thấy
trong những thời đại phong kiến xa xưa, mà cũng còn nhìn thấy nơi một số xã hội
hiện đại.
Nhưng, vấn đề quan trọng hơn hết vẫn là niềm tin của quần chúng đối với tôn giáo
đó. Cho dù một tôn giáo có “hóa độ” được những người đứng
đầu một quốc độ và được những người đứng đầu quốc độ ủng hộ, nhưng nếu những giá
trị của tôn giáo đó không được quần chúng chấp nhận, nhân cách của những người
lãnh đạo tôn giáo đó không trở thành những tấm gương sáng cho quần chúng noi
theo, và các cơ sở của tôn giáo đó không có người đến tu học… thì tôn giáo đó
vẫn không đóng góp được gì nhiều cho cuộc đời, và khó duy trì được sinh mệnh của
mình dài lâu.