Hạnh Phương
Có
những người sinh ra là hành nhân cuộc lữ. Hoặc vì tác động ngoại cảnh gọi mời, hoặc vì
khát vọng lý tưởng nội tâm… đành giã biệt quê nhà mà đi.
Giã từ quê nhà, nơi chôn nhau cắt rốn, khách ly canh cánh bên lòng biết bao hình
ảnh thân thương: cha mẹ, bà con thân thuộc; lũy tre hàng chuối, bến sông giếng
nước đầu làng. Và chẳng hay tự bao giờ, hình ảnh mái chùa đã hòa quyện làm một
với quê hương làng nước. Thế nên, với ly khách, hình ảnh ngôi
chùa là hình ảnh tác động sâu lắng nhất, đậm nét nhất trong tâm thức.
Ai đã từng đọc thơ Nguyễn Bính:
Quê tôi có gió bốn mùa
Có trăng giữa tháng có chùa quanh năm
Sương hôm gió sớm trăng rằm
Chỉ thanh đạm thế, âm thầm thế thôi
Mai nầy tôi bỏ quê tôi
Bỏ trăng, bỏ gió, chao ôi bỏ chùa!
Ông Nguyễn bảo quê ông có gió bốn mùa, trăng giữa tháng… nhưng
chùa thì có cả quanh năm.
Phải chăng cái “có” ấy như là cái có tất yếu, cái có thường
trực, cái có bất khả phân ly với quê hương. Và hình như cái có ấy lấn
trùm lên mọi quê hương làng mạc Việt Nam, từng thấm đẫm nề nếp văn hóa làng mạc,
văn hóa Phật giáo Việt Nam…
Bỏ trăng, bỏ gió có thể bỏ dễ dàng nhưng khi phải bỏ cả chùa thì thi nhân Nguyễn
Bính có cảm giác rợn người như đang vấp phải nỗi đau đứt ruột, nên mới thốt lên
hai âm tiết thần tự giữa câu thơ lục bát: “chao ôi”!
Nỗi đau lớn nhất trong tâm thức ly khách là phải bỏ ngôi chùa thân thương mà đi,
bỏ lại tiếng chuông sớm tiếng mõ chiều đầm ấm quen thuộc mà đi… Vì vậy, trên vạn
dặm đường đời, trên dặm trường cát bụi, nỗi nhớ quê nhà man mác, bao giờ hình
ảnh ngôi chùa vẫn là hình ảnh đặc thù, sâu đậm được nhớ về, nhớ lại nhiều nhất,
bâng khuâng, da diết nhất…
Hãy cùng lắng nghe thi sĩ Huyền Không nhớ chùa:
Tự thuở ra đi vắng bóng chùa
Đường đời đã nhọc chuyện hơn thua
Trong tôi bừng dậy niềm chua xót
Xao xuyến mơ về lại cảnh xưa
Hệt như nhà thơ Nguyễn Bính, cất bước ra đi là canh cánh bên lòng nỗi nhớ.
Nỗi nhớ chùa. Ra đi mà hanh thông yên ả thì có thể nỗi
nhớ chùa nhẹ nhàng hơn tí chút.
Ra đi mà vấp phải lao nhọc vì chuyện hơn thua trên
đường đời thì nỗi nhớ chùa càng xuyến xao da diết bội phần.
Mà nhớ chùa thì đâu phải chỉ nhớ nhung duy nhất hình ảnh mái
chùa. Nhớ chùa là nỗi nhớ mênh mang trùm cả cảnh chùa.
Mà cảnh của chùa không chỉ là cảnh riêng của mái chùa kia.
Cảnh của chùa chính là toàn cảnh của quê hương làng nước, toàn cảnh của cả một
vùng miền văn hóa đình chùa miếu vũ khắng khít với tổng thể ngàn năm văn hiến
Việt Nam:
Thấp thoáng đâu đây cảnh tượng làng
Có con đường đỏ chạy lang thang
Có hàng tre gợi hồn sông núi
Im lặng chùa tôi ngập nắng vàng.
Đường đất đỏ, hàng tre xanh… hồn sông núi đó quyện với cảnh của chùa, hồn của
chùa:
Có những cây mai sống trọn đời
Bên hàng tùng bách mãi xanh tươi
Nhìn lên phảng phất hương trầm tỏa
Đức Phật từ bi mỉm miệng cười.
Những cây mai, cây tùng, cây bách sống trọn đời là bao nhiêu
tuổi? là những mấy trăm năm? Từ ngữ trọn đời
khiến người đọc liên tưởng đến độ lâu độ bền, độ không tính đếm được…
Đã bao nhiêu năm tháng rồi nơi điện thờ trầm lặng ấy vẫn phảng phất khói hương
trầm. Và nụ cười mỉm từ bi vô lượng của đức Phật vẫn cứ mãi mãi như là
nguồn ân phước ban phát cho muôn loại quần sinh. Ngôn
ngữ bình dị mộc mạc, chân chất, trong sáng của câu thơ “đức Phật từ bi miệng mỉm
cười” khiến bạn đọc cảm xúc đến rưng rưng nước mắt. Hình ảnh đức Phật sao mà gần gũi thân thương với chúng ta, với dân làng xóm thôn đến vậy?
Khi đã giới thiệu với người đọc nỗi nhớ một tổng thể bối cảnh thanh bình, an lạc
của ngôi chùa với quê hương xứ sở với làng mạc xóm thôn nơi chôn nhau cắt rốn,
thiền sư thi sĩ Huyền Không người làng Phương Lang còn nói thêm cho chúng ta
nghe nếp sinh hoạt thiền vị nhẹ nhàng thanh thoát, bản sắc truyền thống hàng
trăm năm, trú dạ lục thời, bốn mùa tám tiết nơi ngôi chùa đó:
Tôi nhớ làm sao những buổi chiều
Lời kinh giải thoát vọng cao siêu
Đây ngôi chùa cổ ngày hai buổi
Cầu nguyện dân làng sống mến yêu.
Lời kinh giải thoát cùng tiếng mõ cốc, tiếng chuông ngân… vang vọng cao siêu đến
chín tầng trời, ngân nga trầm tích đến bảy tầng địa ngục… ấy chính là pháp âm
mầu nhiệm vỗ về hôm sớm cho dân làng ngày hai buổi, sớm đến tối, ngày rồi đêm,
sống mà biết mến yêu nhau, đùm bọc che chở lẫn nhau, tối đèn tắt lửa có nhau.
Vì vậy đâu cần phải có cao lương mỹ vị, chẳng vòi vĩnh gì nem công chả phượng,
bánh tôm Hồ Tây, chả cá Lã Vọng… chỉ sắn khoai gạo bắp, chỉ với ánh trăng thanh,
với ngọn gió lành, với tiếng chuông chùa ngân xa lan xa… thứ lương dược, thiền
duyệt thực ấy đủ để nuôi sống dân ta, sống cuộc đời thanh cao, sống cuộc đời
bình dị, thanh thản giữa quê hương làng nước thanh bình…
Tôi nhớ làm sao những buổi chiều
Lời kinh giải thoát vọng cao siêu
Đây ngôi chùa cổ ngày hai buổi
Cầu nguyện dân làng sống mến yêu.
Vì vậy làng tôi sống thái bình
Sớm khuya gần gũi tiếng chuông linh
Sắn khoai gạo bắp nuôi dân xóm
Xây dựng tương lai xứ sở mình.
Mỗi tối dân quê đón gió lành
Khắp chùa dào dạt ánh trăng thanh
Tiếng chuông thức tỉnh lan xa mãi
An ủi dân lành mọi mái tranh.
Trầm đốt hương thơm
bay ngạt ngào
Thôn trên xóm dưới dạ nao nao
Dân làng tắm gội lên chùa lễ
Mười bốn ba mươi mỗi tối nào.
Nếp sinh hoạt mang tính thời khóa biểu nhà trường giữa trường
đời đó của dân làng đã trở thành nỗi nhớ thường trực trong tâm khảm khách tha
hương. Dù xa ngàn dặm không biết ở phương sở nào, từng
ngày từng tháng từng năm, thì nhà thơ vẫn cảm thấy mình cũng như đang hòa mình
làm một với nếp sinh hoạt nề nếp muôn đời đó.
Ôi! Cha ông chúng ta hiền lành chất phác dung dị, một nắng hai sương, chân lấm
tay bùn… mồ hôi mồ kê dầu dãi, nhưng cứ mười bốn ba mươi… cứ tắm gội sạch sẽ rồi
thì lên chùa lễ Phật.
Nề nếp sinh hoạt, nhu cầu văn hóa tín ngưỡng ấy gắn bó hữu cơ với tâm thức với
máu thịt mình. Và khi chưa có được điều kiện thuận thường đặt những bước chân
quy hồi cố quận… nhà thơ vẫn cứ bâng khuâng dằng dặc: gởi nhớ nhung về. Và dù có
bao nhiêu tang thương dâu bể đổi thay nhà thơ vẫn canh cánh tâm thành cầu nguyện
cho chùa khỏi tái tê.
Biết đến bao giờ trở lại quê
Phân vân lòng gởi nhớ nhung về
Tang thương dù có bao nhiêu nữa
Cũng nguyện cho chùa khỏi tái tê
Bài thơ Nhớ Chùa, thi sĩ Huyền Không viết ở Sài Gòn năm 1956, thuở ông còn rất
trẻ, giã từ chùa Thiên Minh ở Huế vào hành đạo ở chốn đô thành.
Sau này ông cho in lại vào tập Mây Trắng Thong Dong. Ở đó, bạn đọc thấy
tác giả bộc bạch rõ hơn tâm tư tình cảm của mình: “Tôi muốn dành tất cả thơ tôi
cho những ngôi chùa suốt đời chung thủy với quê hương, cho làng Phương Lang và
những thôn làng mộc mạc đang chia nỗi điêu linh cùng đất nước, cho mọi tấm lòng
Phật tử sắt son hộ đạo dựng đời, cho những tâm hồn biết sống gắn bó với thơ”*.
Thiền sư viết dòng này ở Los Angeles cuối thu Quý Dậu
(1993) nghĩa là hơn 37 năm sau.
Sắt son gắn bó đời mình với thơ, với mái chùa thân thương, nhà thơ Trụ Vũ từng
phát biểu:
Mỗi khi nhìn thấy bóng ngôi chùa
Tôi lại thấy quê hương mình hiển hiện
…
Mây phương đông vẫn lên hường
Ngôi chùa còn đó quê hương vẫn còn
(Trụ Vũ – Quê Hương)
Cứ nhìn thấy bóng ngôi chùa là lập tức thấy bóng hình quê hương mình hiển hiện.
Và hiển hiện là hiển hiện giữa một vòm khí hậu huy hoàng rực rỡ: mây hồng phương
Đông, phương trời tâm linh của Trời Phương Ngoại.
Đối mặt với chế độ cường quyền độc tài, các thế lực vô minh bạo ngược, toan tiêu
diệt bóp chết tín ngưỡng của 80% dân số miền Nam Việt Nam, thi sĩ Vũ Hoàng
Chương dõng dạc tuyên ngôn:
Dân tộc ta không thể nào thua!
Đạo pháp ta đời đời xán lạn
Dầu trải qua mấy phân ly tán,
Bị áp bức, phao vu, bội phản
Nhưng vẫn còn núi, còn sông,
Còn chót vót mãi Ngôi Chùa
(Vũ Hoàng Chương – Nối lửa từ bi)
Sở dĩ chúng tôi trích dẫn thêm thơ của nhà thơ Trụ Vũ, Vũ Hoàng Chương là để
người đọc thấy rõ hơn tính nhất quán hữu cơ, gắn bó máu thịt hình ảnh ngôi chùa
Phật giáo Việt Nam với chiều dài văn hóa lịch sử Việt Nam. Cả ba nhà thơ lớn,
trụ cột thi ca Phật giáo Việt Nam đều cùng chung một
cái nhìn, triệt để một nhận thức: Ngôi chùa Việt Nam tự bao giờ đã trở thành
biểu tượng cho quê hương Việt Nam.
Và cũng để bạn đọc khỏi ngỡ ngàng khi đọc thấy Thiền Sư Thích Mãn Giác, chính là
Thi sĩ Huyền Không, tác giả bài thơ Nhớ Chùa, từng minh định:
“Với lối kiến trúc đặc biệt, những ngôi chùa bao giờ cũng ẩn giấu sau lũy tre
xanh, dưới gốc cây đa, ở một nơi thanh tịnh như bản chất khiêm cung, mộc mạc hồn
nhiên, thích ứng và hòa hợp của Phật giáo, mái chùa còn chất chứa một sức mạnh
vạn năng của đời sống tâm linh và tư tưởng Việt:
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông.
Lấy nền tảng tư tưởng đạo Phật làm nền tảng lý tưởng đời mình, trọn đời hiến
thân xứng bậc sứ giả Như Lai, hoằng dương Phật pháp… nhà thơ đã dắt dẫn bạn đọc
từng bước từng bước thấy hình ảnh ngôi chùa chan hòa làm một với quê hương làng
nước Việt Nam, gắn bó thủy chung trước sau như nhất với văn hóa, với dân tộc
Việt Nam. Tác giả sống trọn đời mình với tâm thức ấy, nên dù cho đi bất cứ nơi
đâu, dù xa ngàn dặm, bất cứ thời điểm nào, có thể hàng vài ba mươi thập niên…
chỉ nghe thấy tiếng chuông chùa vang lên văng vẳng đâu đó là tác giả nhớ ngay
đến ngôi chùa, không chỉ ngôi chùa làng Phương Lang, mà còn biết bao nhiêu ngôi
chùa thân thương khác nữa. Vì tất cả mọi ngôi chùa đều là những mái chùa
chung. Do đó nhà thơ đã khép lại bài thơ của mình bằng một chân lý bất di
bất dịch:
Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ lùng
Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông.