Bài kệ - mùa xuân

bai ke mua xuan

                                                                                                           Hồ Sĩ Hiệp

 

Lại một mùa xuân mới về trên đất nước ngàn năm. Xuân của lòng người và xuân của đất trời cỏ cây cảnh vật. Chưa bao giờ khí thiêng Phật giáo tràn đầy như hôm nay. Thiền viện, Phật đường, lễ hội tưng bừng khởi sắc. Triết lý Phật giáo đã thấm sâu vào mọi người ở khắp mọi miền từ thôn quê đến chốn thị thành.

Trong những ngày xuân về Tết đến cận kề với thú vui thi vị “Cảo thơm lần giở trước đèn”, tôi tìm đọc những áng thơ xưa để tìm thấy những ý xuân mà tiền nhân đã ký thác. Thơ xuân trong thơ Đường - Tống và thơ xuân trong thơ Lý - Trần đã gợi dậy trong lòng tôi biết bao cảm xúc về cảnh vật và con người xưa. Và dường như từ bao đời mùa xuân và thơ thiền vẫn là nguồn cảm hứng vô biên của các thi nhân đời Lý. Bài “Cáo tật thị chúng” của Mãn Giác Thiền sư (1052 - 1096) có thể nói là một bài thơ bất hủ của thơ xuân đời Lý.

Mãn Giác tên thật là Lý Trường, người đất Lũng Hương, An Cách, con của Lý Hoài Tổ, làm chức Trung thư ngoại lang. Ông nổi tiếng trước khi đi tu. Sau khi tu ông đi khắp nơi kết giao bầu bạn và theo dòng Quang Bích. Vua Lý Nhân Tông quí mến cho ông làm một ngôi chùa bên cung Cảnh Hưng và mời ông đến ở để tiện hỏi về đạo Phật. Sau khi qua đời ông được vua đặt hiệu Mãn Giác.

“Cáo tật thị chúng” (Có bệnh bảo mọi người) là một bài kệ ngắn 6 câu, mỗi câu 5 chữ. Đầu đề bài kệ nói rõ Mãn Giác bị ốm, lúc sắp lâm chung biết mọi người thương tiếc âu lo nên ông làm bài kệ này để căn dặn mọi người. Đầu đề bài kệ đượm buồn vì tật bệnh nhưng toàn bài kệ toát lên một tinh thần lạc quan và đầu óc rất minh mẫn của bậc tu hành đắc đạo học rộng tài cao.

Nguyên văn bài kệ như sau :

Xuân khứ bách hoa lạc

Xuân đáo bách hoa khai

Sự tục nhãn tiền quá

Lão tòng đầu thượng lai

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

Dịch thơ :

Xuân ruổi trăm hoa rụng

Xuân tới trăm hoa cười

Trước mắt việc đi mãi

Trên đầu già đến rồi

Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua, sân trước, một cành mai.

                                   Ngô Tất Tố (dịch)

Mãn Giác viết bài kệ này khi ông lâm bệnh nặng và biết mình sẽ ra đi ở tuổi ngoài 40 (ông mất năm 45 tuổi). Thiền sư không có ý định sáng tác mà chỉ “báo cho mọi người” (thị chúng) biết những điều cần biết về qui luật của tự nhiên và con người để từ đó nung nấu tinh thần lạc quan, tin tưởng ở cuộc sống hiện tại và tương lai. Hai câu đầu của bài kệ ý và lời đơn giản mà sâu sắc khi tác giả nói đến mùa xuân - qui luật tự nhiên của thiên nhiên thời tiết. Một năm có 4 mùa xuân, hạ, thu, đông. Trong đó đẹp nhất là mùa xuân. Mùa xuân đất trời thay áo mới, cỏ cây, hoa lá đâm chồi, nẩy lộc, hoa tươi đua nở. Hai câu kệ đối nhau - đối từ và đối ý. Từ dùng trong hai câu kệ đơn giản dễ hiểu, đối rất chỉnh. Từ “xuân” và “bách hoa” lặp đi lặp lại hai lần. Từ “khứ” (đi) đối với từ “đáo” (đến); “lạc” (rụng) đối với “khai” (nở) nhằm khẳng định qui luật tất yếu của thiên nhiên, thời tiết. Đó là mùa xuân qua đi thì trăm hoa sẽ rơi rụng hết, vì rằng cỏ cây hoa lá đều phụ thuộc vào thời tiết. Tất nhiên có nơi mùa xuân đã hết rồi nhưng hoa vẫn nở, cây vẫn xanh, cỏ vẫn tốt nhưng nhìn chung là héo tàn, rơi rụng.

Cũng từ nhận thức qui luật thiên nhiên như thế nhưng những vế kệ sau tác giả mang đến cho mọi người một cảm giác khoái cảm, tươi vui và háo hức khi “mùa xuân đến thì trăm hoa đua nở”. Từ ý câu kệ của Mãn Giác mọi người liên tưởng đến câu nói của cổ nhân “vạn vật khởi ư xuân” (muôn vàn sự vật đều khởi đầu tốt đẹp từ mùa xuân). Mùa xuân là bắt đầu cho bốn mùa, mùa xuân làm cho thiên nhiên tươi tốt và mùa xuân cũng khởi đầu tốt đẹp cho con người, cuộc sống và sự việc. Tứ thơ “xuân đi hoa tàn xuân đến hoa nở” phổ biến trong thơ Đường - Tống và thơ ca cổ điển phương Đông nhưng ít có câu thơ nào lời ý súc tích mà bao hàm được nội dung cần biểu đạt như của Mãn Giác - một người chưa cao tuổi đời, chưa nhiều tuổi đạo vừa là Thi tăng có tâm hồn thi sĩ như ông. Nhà sư nghĩ đến mùa xuân là nghĩ đến hoa. “Hoa” và “xuân” trong câu kệ đan chéo và giao hoà vào nhau. Mùa đẹp nhất trong một năm là mùa xuân, trong muôn loài thực vật thì gần gũi và đẹp nhất là hoa.

Hai câu kệ tiếp theo tác giả nói đến qui luật của cuộc đời con người. Theo tác giả thiên nhiên có qui luật của thiên nhiên và con người có qui luật của con người. Điều này Thi tiên Lý Bạch (701 - 782) Trung Quốc đời Đường (618 - 907) đã nói trong bài thơ “Tương tiến tửu” (Sắp mời rượu) bằng hai câu thơ sâu sắc: “Triêu như thanh ti, mộ thành tuyết” (Buổi sáng sớm tóc như sợi tơ xanh, buổi chiều tóc bạc trắng như tuyết). Lý Bạch chịu ảnh hưởng của đạo Lão còn Mãn Giác theo đạo Phật mà cả hai đều có chung một nhận thức đúng đắn về qui luật “sinh, lão, bệnh, tử” của con người. Hãy đọc hai câu kệ đầy triết lý nhưng toát lên tinh thần ung dung tự tại của bậc chân tu rất hiểu quy luật của cuộc sống và nhân sinh:

Sư trục nhãn tiền quá

Lão tòng đầu thượng lai.

Vẫn là câu kệ đối từ và đối ý: “Sự” đối với “lão”; “trục” đối với “tòng”; “nhãn” đối với “đầu”; “tiền” đối với “thượng” và “quá” đối với “lai”.

Theo thời gian, thuận với tự nhiên sự việc của cuộc sống đời người cứ thế mà trôi qua không có gì cưỡng lại được. Nhân câu kệ của Mãn Giác mà nghĩ lại câu thơ mở đầu bài “Tương tiến tửu” của Lý Bạch: “Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai, Bôn lưu đáo hải bất phục hồi” (Nước sông Hoàng Hà từ trên trời xuống và chảy mạnh ra biển mà không trở lại). Mãn Giác hiểu rằng sự việc trôi qua vạn vật thay đổi thì tuổi già của con người cũng ập đến. Lý Bạch nói tóc bạc trắng như tuyết để chỉ tuổi già còn Mãn Giác thì nói tuổi già đến trên đầu. Tuy hai mà một ở nhận thức nhà thơ lớn và Thiền sư lớn, đó là qui luật của đời người.

Đạo Phật quan niệm “sinh, lão, bệnh, tử” là bốn nỗi khổ của con người, trong đó có nỗi khổ của tuổi già và tật bệnh. Mãn Giác thấu hiểu điều ấy nên khi lâm bệnh ở tuổi trung niên ông hoàn toàn không bi quan, đau buồn mà trái lại tỉnh táo, lạc quan để nhận biết mọi lẽ ở đời. Đạo Phật vốn không bi quan và cũng không lạc quan. Mãn Giác cũng vậy. Nhìn mùa xuân và nghĩ đến cuộc đời ông cảm nhận rằng có đến thì có đi, có nở thì có tàn, có sinh tất có tử, có trẻ tất có già…

Nếu nói sáu câu toàn bài kệ đều là những câu thơ hay đầy triết lý thì hai câu cuối có thể được coi là “giai cú”, “lệ cú” hay và sâu sắc nhất. Đây là hai câu kết (trong thơ gọi là thi vĩ - hai câu đuôi). Nếu đầu đề bài kệ Mãn Giác “Bảo mọi người” (thị chúng) thì ở hai câu cuối này tác giả nói rõ đối tượng mà ông muốn khuyên bảo mọi người là:

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

Những câu kệ trên đều theo thể ngũ ngôn (5 chữ) thì hai câu cuối tác giả chuyển sang thể thất ngôn (7 chữ) đọc lên có cảm giác khoan thai, ý vị thường thấy trong thơ thất ngôn tuyệt cú và luật thi. Mở đầu bài kệ nói đến mùa xuân, kết thúc bài kệ tác giả lại nhắc đến mùa xuân và hoa. Khác với ý trước là hoa rụng khi mùa xuân trôi qua (Xuân khứ bách hoa lạc) nhưng trong câu kết cũng nói về mùa xuân và hoa nhưng Mãn Giác khuyên bảo và khẳng định với mọi người rằng “Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết” (Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận). Xuân tàn nhưng hoa chưa rụng hết (lạc tận). Ý thơ giàu hình ảnh mang ý nghĩa liên tưởng đối lập gây ấn tượng mạnh mẽ cho mọi người. “Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết” vừa đúng vừa hay và đầy triết lý phù hợp với qui luật của tự nhiên bốn mùa. Nó đúng rằng từ xưa đến nay chưa có ai dám bảo và nghĩ rằng mùa xuân tàn rồi thì hoa lá sẽ héo úa vàng và rơi rụng hết. Xuân hết rồi nhưng vẫn có loài hoa vẫn nở và có loài hoa mới bắt đầu nở. Hoa xuân, gió xuân, sông xuân, nước xuân và bầu xuân vẫn còn mãi mãi với không gian và thời gian. Nếu hai câu cuối của bài kệ là hai câu hay nhất, thì tứ thơ độc đáo được bộc lộ trong câu cuối:

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

Thật bất ngờ và thú vị rằng trong câu kệ có bảy chữ mà Mãn Giác tạo nên một câu thơ rất giàu hình ảnh gợi tả và gợi cảm về mùa xuân. Đó là “trước sân” hôm nay mọi người đã nhìn thấy là đêm hôm qua có một cành mai vàng nở (Đình tiền tạc dạ nhất chi mai). Câu thơ hàm súc, giản dị như mọi câu nói thường nhật của con người, ấy vậy mà có bốn tầng ý nghĩa về địa điểm, không gian, thời gian và sự vật. Cụm từ gồm ba chữ “nhất chi mai” (một cành mai) được Mãn Giác đặt bút viết cuối bài kệ vào lúc lâm bệnh thật ý nghĩa. Nó gợi lên sự lạc quan và niềm tin bất tận của bậc Thiền sư đối với cuộc sống. Từ “nhất chi mai” bất hủ đến nỗi nghìn năm sau có một sinh viên Phật tử đã đấu tranh và ngã xuống đã lấy tên là Nhất Chi Mai.

Mùa xuân gắn liền với hoa đào, hoa mai. Hoa đào hồng tươi ở miền Bắc và hoa mai vàng rực rỡ ở miền Nam. Vào thời Lý ở miền Bắc nước Việt đã có mai vàng chưa? Vì sao khi ốm đau, bệnh tật khi xuân về, nghĩ về hoa, nghĩ về nhân sinh, nghĩ về cuộc đời Mãn Giác lại nhắc đến cảnh “Trước sân, đêm trước nở một cành mai”? “Trước sân”, “đêm hôm qua” và “một cành mai” bình dị, tự nhiên đã đi vào bài kệ của một Thiền sư đầy trí tuệ và tâm hồn dạt dào cảm xúc như Mãn Giác thì thật ít thấy xưa nay.

Cái hay và sâu sắc của bài kệ “Cáo tật thị chúng” không chỉ ở chỗ triết lý, nhân sinh, tư tưởng, cảm xúc mà còn tuyệt vời ở nghệ thuật thi pháp học. Ba yếu tố cơ bản của thi pháp học, đó là con người - không gian - thời gian nghệ thuật. Bài kệ có hai kiểu con người, đó là con người tác giả và con người đại chúng (chúng). Con người đại chúng được Mãn Giác khuyên bảo là bậc tu hành và người đời. Không gian bài thơ rộng lớn có thể là một ngôi chùa, sân chùa và thời gian là ban ngày, ban đêm và mùa xuân đến và mùa xuân trôi qua. Bài kệ quá nhiều hình ảnh và rất nặng cảm xúc. Cái đọng lại ở bài kệ mà Mãn Giác đưa đến cho mọi người, đó là tinh thần lạc quan và cái nhìn tươi mới, đi lên của con người trong cuộc sống. Một bông hoa nở, một cành mai vàng dù cho xuân đến, xuân đi vẫn đẹp đẽ và đáng quí ngần nào. Cảm ơn Mãn Giác Thiền sư vì bài kệ bất hủ vẫn còn mãi mãi đến hôm nay.

 Ns Giác Ngộ

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle