Tỳ-kheo Thanissaro – Nghiệp Đức dịch
Trong suốt lịch sử của mình, Phật giáo đã hành hoạt như
một năng lực khai hóa. Ví dụ, những lời dạy về nghiệp, nguyên lý rằng tất cả những hành
động có tác ý đều tạo nên kết qủa, đã truyền trao luân lý và lòng từ bi cho
nhiều xã hội. Nhưng ở một tầm mức sâu hơn, Phật giáo đã luôn đứng giữa
đường biên của sự văn minh và chốn hoang sơ. Chính Đức Phật đã
đạt giác ngộ ở trong rừng, thuyết giảng bài pháp đầu tiên ở trong rừng, và nhập
diệt cũng ở trong rừng. Những phẩm chất của tâm mà Ngài cần có để tồn tại
cho cả thân và tâm khi đi vào trong rừng với tay
không, là chìa khóa để Ngài tìm ra Pháp (Dhamma). Chúng bao gồm sự kiên định, quyết tâm và
nhiệt huyết; sự chân thật và thận trọng; sự vững chãi trong việc đối diện với cô
độc; can đảm và khéo léo trong việc đối diện với những hiểm nguy ngoại tại;
thương yêu và kính trọng những người và những loài sống khác ở trong rừng.
Những phẩm chất này đã hình thành nên “văn hoá nguồn cội” của Pháp.
Theo định kỳ, khi Phật giáo được truyền bá và thích ứng với những xã hội khác
nhau, một số hành giả thấy rằng thông điệp đầu tiên của Pháp đã trở nên phai
loãng, vì vậy họ tìm về những nơi hoang vu để làm hồi sinh lại văn hóa nguồn cội
của nó. Ngày nay nhiều truyền thống tu tập ở trong rừng vẫn còn tồn tại, đặc
biệt là những quốc gia theo Phật giáo Theravāda như Tích Lan và Đông nam Á. Ở
đó, những Tăng sĩ khất thực khổ hạnh tiếp tục du hành khắp những khu rừng nhiệt
đới còn lại, để tìm kiếm sự giác khộ trong cùng điều kiện mà ở đó Đức Phật đã
tìm kiếm giác ngộ cho Ngài. Trong những truyền thống tu tập ở trong rừng, truyền
thống thu hút số lượng lớn nhất những đệ tử người phương Tây, và đang bắt đầu
bắt rễ ở phương Tây, là truyền thống Kammatthana (Thiền định) trong rừng của
Thái Lan.
Truyền thống Kammatthana do Ajahn Mun Bhuridatto thành lập vào những thập niên
đầu của thế kỷ 20. Phương cách tu tập của Ajahn Mun là độc cư và khổ hạnh. Ông
tuân giữ giới luật một cách trung thành, và cũng tuân theo nhiều pháp tu trong
13 pháp khổ hạnh (dhutanga), chẳng hạn
như sống bằng thức ăn khất thực, mặc y được làm từ những dẻ rách bị vứt bỏ, sống
ở trong rừng, ăn một ngày một bữa. Tìm kiếm những nơi chốn hẻo lánh ở trong
những khu rừng của Lào và Thái Lan, ông tránh xa những trách nhiệm của đời sống tu sĩ định
cư và dành hết thời gian trong ngày và đêm để thiền định.
Bất chấp bản chất ẩn dật của mình, ông đã cuốn hút một lượng
đệ tử đông đảo, những người mong muốn thử thách sự gian khổ của đời sống trong
rừng để tu học với ông.
Ông cũng có người phỉ báng,
những người cáo buộc ông không theo những tập quán của Phật giáo truyền thống
Thái Lan. Ông thường phản ứng bằng việc nói rằng ông không quan tâm đến những
tập quán của bất kỳ xã hội cụ thể nào – khi chúng, theo định nghĩa, là những tập
quán của con người với tham, sân và si ở trong tâm. Ông quan tâm nhiều hơn vào
việc tìm kiếm và đi theo văn hóa cội nguồn của Pháp, hay như những gì ông gọi là
những tập quán của chư Thánh giả: những thực hành mà chúng giúp Đức Phật và đệ
tử của Ngài đạt được giác ngộ. Cụm từ này - tập quán của chư Thánh giả - đến từ
một sự kiện bất ngờ trong cuộc đời của Đức Phật: Không lâu sau khi giác ngộ, Đức
Phật trở về quê hương của Ngài để giảng Pháp cho hoàng gia mà Ngài đã xa cách
sáu năm trước. Sau khi trải qua buổi tối ở trong một khu rừng, Ngài đi khất thực
vào tảng sáng ngày hôm sau. Phụ vương của Ngài khi biết được điều này đã lập tức
tìm đến quở trách Ngài. Nhà vua nói, “Điều này đáng hổ thẹn. Chưa hề có người
nào trong gia tộc của chúng ta đi xin ăn. Nó đi ngược lại những tập tục của gia
đình chúng ta.”
Đức Phật trả lời, “Thưa phụ vương, con bây giờ không còn thuộc về giòng dõi của
gia đình con nữa, mà thuồc về giòng dõi của những vị Thánh giả. Tập quán của họ
là những tập quán mà con theo.”
Ajahn Mun hiến dâng
nhiều năm trong cuộc đời của mình để kiếm tìm những những tập quán đó. Sinh vào
năm 1870, con trai của một gia đình trồng lúa ở tỉnh Ubon miền Đông bắc, ông thọ
giới Tỳ-kheo vào năm 1890 tại thủ phủ của tỉnh. Vào thời điểm ông thọ giới, có
hai dạng Phật giáo chính ở Thái Lan. Dạng đầu tiên có thể được gọi là
Phật giáo Phong tục – các tục lệ và nghi lễ được truyền thừa qua hàng thế kỷ
từ vị thầy này đến vị thầy khác, với rất ít, nếu không muốn nói là không có, sự
liên hệ đến kinh điển Pāli. Phần lớn những tục lệ này dạy các vị Tăng sống một
đời sống tĩnh tại ở trong những ngôi chùa làng, phục vụ dân làng địa phương như
những vị y sĩ hay những thầy pháp. Kỹ luật Tăng sĩ có chiều hướng lỏng lẻo. Đôi
khi, các Tăng sĩ thực hiện sự hành hương mà họ gọi là “dhutanga” (khổ hạnh),
điều không mấy tương đồng với những thực hành dhutanga cổ xưa. Ngoài ra, các vị
Tăng và cư sĩ thực hành những loại thiền định mà nó chệch ra khỏi con đường
thanh tịnh và trí tuệ được phác vẽ trong kinh điển Pāli. Những thực hành của họ,
được gọi là vichaa aakhom, hay sự am hiểu bùa chú, bao gồm những sự khai tâm và
những lời cầu khấn được sử dụng vì những mục đích pháp thuật, chẳng hạn như
những bùa phép hộ trì và những quyền lực siêu nhiên. Họ hiếm khi đề cập đến
Niết-bàn ngoại trừ viện dẫn nó như một thực thể cho những nghi lễ cúng kiếng.
Dạng Phật giáo thứ hai
có mặt lúc bấy giờ là Phật giáo Cải cách, được đặt cơ sở trên kinh điển Pāli và do Thái tử
Mongkut, người về sau trở thành vua Rama IV, khởi xướng vào những năm 1820. Thái
tử Mongkut sống đời xuất gia 27 năm trước khi thừa kế ngai vàng. Sau khi nghiên
cứu kinh điển trong suốt những năm đầu xuất gia, ông thấy nản chí bởi độ thực
hành mà ông nhìn thấy xung quanh mình ở những ngôi chùa Thái. Vì thế ông thọ
giới lại với những người Mon - một nhóm sắc tộc thiểu số sống giữa biên giới
Thái-Miến Điện và cư ngụ ở một vài ngôi làng ở mạn sông bên kia Bangkok – và
nghiên cứu Luật tạng cùng những thực hành dhutanga cổ xưa dưới sự hướng dẫn của
một vị thầy người Mon. Về sau, anh trai của ông, Vua Rama III, than phiền rằng
thật là ô nhục cho thành viên của hoàng gia tham gia vào tộc người thiểu số, và
vì vậy xây một tu viện cho vị Tăng-Thái tử bên bờ sông mạn Bangkok. Ở đó,
Mongkut thu hút được một số nhỏ, nhưng mạnh mẽ, những vị Tăng có cùng chí hướng
và những người ủng hộ tại gia, và bằng cách này phong trào Dhammayut (có nghĩa
đen là phù hợp với Pháp) được khai sinh.
Vào những năm đầu tiên,
phong trào Dhammayut là một nhóm không chính thức nhiệt tâm vào việc nghiên cứu
Pāli, tập trung vào Luật tạng, những thực hành dhutanga cổ xưa, một sự giải
thích duy lý về Pháp, và phục hồi lại những cách thức thiền định được giảng dạy
trong kinh điển Pāli, chẳng hạn như quán tưởng về Phật và chánh niệm về thân.
Tuy nhiên, không có ai trong số các thành viên của phong trào có thể chứng minh
rằng những lời dạy trong kinh điển Pāli là thật sự đưa đến giác ngộ. Chính
Mongkut đoan chắc rằng con đường đưa đến Niết-bàn không còn mở ra nữa, nhưng ông
thấy rằng ít ra có thể có được nhiều phước đức qua việc khôi phục lại những hình
thức bên ngoài của những truyền thống Phật giáo sớm nhất. Trang trọng phát
nguyện Bồ-tát, ông hồi hướng phước đức của nỗ lực bản thân cho qủa vị Phật tương
lai. Nhiều những đệ tử của ông cũng phát nguyện, hy vọng trở thành những đệ tử
của vị Phật tương lai đó.
Vào lúc hoàn tục và kế
thừa ngôi báu sau khi anh của ông qua đời vào năm 1851, Rama IV có quyền thế để
áp đặt những cải cách của ông vào phần còn lại của Tăng-già Thái, nhưng vấn đề
là chọn hay không chọn. Thế rồi, ông im lặng tài trợ xây dựng những trung tâm
Dhammayut mới ở thủ đô và các tỉnh, mà theo đó – vào thời Ajahn Mun - xuất hiện
một số ngôi chùa Dhammayut ở Ubon.
Ajahn Mun thấy rằng
Phật giáo Phong tục không đem lại được
điều gì vì vậy ông tham gia vào Tăng đoàn Dhammayut, nhận một người đệ tử của
Thái tử Mongkut làm thầy hướng dẫn. Không giống với nhiều người tham gia vào
Tăng đoàn vào lúc đó, ông không thấy hứng thú với sự tiến bộ xã hội mà nó đi
cùng với nghiên cứu học thuật và việc tấn phong bổ nhiệm Tăng sĩ. Thay vào đó,
đời sống của ông trên đồng ruộng đã in hằn vào trong ông những nỗi khổ đau vốn
cố hữu trong vòng luân hồi sanh tử, và mục đích duy nhất của ông là phải tìm ra
một phương cách thoát khỏi luân hồi. Kết qủa, ông nhanh chóng rời bỏ môi trường
học thuật ở ngôi chùa của vị thầy hướng dẫn và đến sống với một vị thầy có tên
là Ajahn Sao Kantasilo (1861-1941) tại một thiền viện nhỏ ở ngoại ô thành phố.
Ajahn Sao hiếm có mặt ở
Tăng đoàn Dhammayut bởi vì ông không có những hứng thú học thuật mà nhiệt tâm
với việc thực hành thiền định. Ông huấn luyện Ajahn Mun theo những nguyên tắc
khổ hạnh và những thực hành thiền định theo kinh điển, được đặt vào trong bối
cảnh của những hiểm nguy và cô độc của rừng sâu. Ông không thể cam đoan rằng sự
thực hành này sẽ đưa đến thánh qủa, nhưng ông tin rằng nó hướng theo một con
đường đúng.
Sau khi du hành một vài
năm với Ajahn Sao, Ajahn Mun bắt đầu mục đích của mình trong việc tìm kiếm một
vị thầy có thể chỉ cho ông con đường chắc chắn đưa đến các thánh qủa. Việc tìm
kiếm của ông mất hết gần hai thập kỷ và đối diện với vô số những khó khăn khi
ông di chuyển khắp những khu rừng nhiệt đới ở Lào, miền Trung Thái Lan và Miến
Điện, nhưng ông không hề tìm thấy vị thầy mà ông cần tìm. Dần dần ông nhận ra
rằng ông phải noi theo tấm gương của Đức Phật và lấy chính những khu rừng hoang
vu làm thầy của mình. Nếu một người muốn tìm cách vượt qua lão, bệnh và tử, vị
ấy sẽ phải học những bài học về một môi trường nơi lão, bệnh và tử được quăng
vào trong sự giải thoát rõ ràng. Đồng thời, những gặp gỡ của ông với những vị
Tăng khác ở trong rừng giúp ông tin rằng nhận ra những bài học của nơi hoang vu
cần đặt tâm trí nhiều hơn việc làm chủ các kỹ năng của việc tồn tại vật lý. Ông
cũng phải phát triển trí tuệ sắc bén để không bị mê lạc và chệch hướng bế tắc ở
trong thiền định. Vì vậy, với một ý thức mạnh mẽ về nhiệm vụ to lớn, ông quay
trở lại một vùng đất có nhiều đồi núi ở miền Trung Thái Lan và độc cư trong một
hang động.
Trong một thời gian dài
tu tập độc cư trong rừng, Ajahn Mun nhận thấy rằng – trái ngược với niềm tin của
Phật giáo Cải cách và Phong tục – con đường đưa đến Niết-bàn không bị đóng chặt.
Pháp chân thật phải được tìm thấy không ở nơi những tập tục hay những bản kinh
cổ xưa mà ở nơi tâm thức được tu luyện. Các bản kinh là những chỉ dẫn cho việc
tu tập, không có gì khác hơn. Nhưng giới luật, thay vì chỉ là những tập tục
ngoại tại, đóng một vai trò quan trọng trong sự tồn tại của thân và tâm. Về
những bản kinh, việc thực hành không phải là xác nhận chúng nói gì. Đọc và nghĩ
về những bản kinh không thể đem lại một sự hiểu biết đầy đủ về những gì chúng
muốn nói – và không được xem là thể hiện sự kính trọng thật sự đối với chúng.
Kính trọng thật sự các bản kinh có nghĩa là xem chúng như một sự thách thức: đưa
những lời dạy của kinh sách vào trong thực hành nghiêm túc để xem xét trong thực
tế chúng có đúng hay không.
Thái độ này đối với Pháp
tương đồng với những gì mà văn hóa cổ đại gọi là “tri thức chiến sĩ” – tri thức
đến từ những kỹ năng phát triển trong những tình huống khó khăn – như là đối
nghịch với “tri thức sao chép” mà một người ngồi trong yên ổn và thoải mãi có
thể viết xuống bằng ngôn từ. Tất nhiên, những chiến sĩ cần sử dụng ngôn ngữ
trong việc huấn luyện của họ, nhưng họ xem một bản văn có thẩm quyền chỉ khi
những lời dạy của nó được sinh ra từ nơi thực hành. Chính kinh điển khuyến khích
thái độ này khi nó dẫn việc Đức Phật thuyết giảng cho dì của Ngài: “Về những
giáo pháp mà dì phải biết, ‘những giáo pháp đưa đến ly dục, không đưa đến dục;
đưa đến tháo mở; không đưa đến trói buộc; đưa đến sự từ bỏ, không đưa đến sự
tích lũy, đưa đến sự khiêm tốn, không đưa đến sự tự đại; đưa đến sự mãn nguyện,
không đưa đến sự bất mãn; đưa đến sự độc cư; không đưa đến đến sự vướng mắc; đưa
đến tinh tấn; không đưa đến giải đãi; đưa đến không phiền não; không đưa đến
phiền não’: Dì có thể tin chắc rằng, ‘Đây là Pháp, đây là Luật, đây là sự hướng
dẫn của bậc Thầy.”
Như vậy, thẩm quyền cuối
cùng trong việc đánh giá một lời dạy không phải lời dạy đó có thể được tìm thấy
trong một bản kinh hay không. Nó nằm nơi sự chân thành không thối chuyển trong
việc đặt Pháp vào sự thực nghiệm và cẩn thận kiểm tra kết qủa.
Khi Ajahn Mun đạt đến
điểm mà ở đó ông có thể bảo đảm rằng con đường đưa đến các thánh qủa vẫn còn mở
ra, ông quay trở lại miền Đông bắc để trình báo với Ajahn Sao và sau đó tiếp tục
du hành. Dần dần ông bắt đầu cuốn hút dân chúng đi theo. Những người gặp ông đều
cảm kích cách hành xử và lời dạy của ông, điều không giống với những hành xử và
lời dạy của các Tăng sĩ mà họ biết. Họ tin rằng ông là hiện thân của Pháp và
Luật (Dhamma-Vinaya) trong những điều mà ông nói và làm. Là một vị thầy, ông
dùng “phương pháp của một chiến sĩ” để huấn luyện những đệ tử của mình. Thay vì
chỉ truyền đạt kiến thức bằng miệng, ông đặt họ vào trong mọi tình huống ở đó họ
phải phát triển những phẩm chất của tâm và nghị lực cần phải có trong việc chiến
đấu với những nhiễm ô của chính họ. Thay vì dạy một kỹ thuật thiền duy nhất, ông
dạy họ đầy đủ các kỹ năng – như một đệ tử đã nói, “mọi thứ từ việc rửa ống nhổ
trở đi” – và sau đó đưa họ vào trong những khu rừng.
Sau việc quay trở lại
miền Đông bắc của Ajahn Mun, một dạng Phật giáo thứ ba mà nó xuất hiện ở Bangkok
- Phật giáo Nhà nước - bắt đầu tác động đến cuộc đời của ông. Trong một nỗ lực
đưa ra một mặt trận thống nhất đối mặt với những đe dọa đế quốc của Pháp và Anh,
Rama V (1868-1910) muốn đưa quốc gia từ một hệ thống phong kiến lỏng lẻo đến một
nhà nước trung ương tập quyền. Như là một phần của chương trình, Rama V và những
anh em của mình – mà một trong số họ là một Tỳ-kheo – ban hành những cải cách
tôn giáo để ngăn chặn sự xâm lấn của những hội truyền đạo Thiên chúa giáo. Sau
khi nhận sự giáo dục từ các vị thầy người Anh, họ tạo nên một chương trình giảng
dạy Tăng sĩ mới mà nó khiến Pháp và Luật tùy thuộc vào những khái niệm lý tính
và thực dụng của thời Victoria. Ví dụ, bản Luật tạng mới là một sự thỏa hiệp
giữa Phật giáo Phong tục và Phật giáo Cải cách, mục đích chống lại những tấn
công của Thiên chúa giáo. Các vị Tăng được chỉ thị phải từ bỏ việc du hành của
họ, cư ngụ trong những chùa viện được dựng sẵn và chấp nhận chương trình giảng
dạy mới của nhà nước. Bởi vì các Tăng sĩ của Dhammayut được đào tạo tốt ở Thái
Lan vào thời điểm bấy giờ - và có những quan hệ mật thiết với hoàng gia - họ
được tuyển chọn để làm những công việc cho chính phủ ở những vùng miền xa xôi.
Vào năm 1928, một vị có
uy tín của Dhammayut, người không đồng tình với việc thiền định và những du Tăng
tu trong rừng, đã đảm trách những vấn đề tôn giáo ở miền Đông bắc. Nỗ lực khuất
phục những người theo Ajahn Mun, vị này ra lệnh cho họ thiết lập tu viện và giúp
phổ biến chương trình của nhà nước. Ajahn Mun và một số đệ tử của ông rời bỏ để
đến miền Bắc, nơi họ vẫn còn tự do để du hành. Vào đầu những năm 1930, Ajahn Mun
được cử làm trụ trì một ngôi chùa quan trọng ở thành phố Chieng Mai, nhưng ông
đã trốn khỏi nơi đó trước bình minh của ngày hôm sau. Ông quay trở lại định cư ở
miền Đông bắc chỉ vào những năm cuối của cuộc đời, sau khi các chức sắc địa
phương đã gia thêm sự thuận tiện cho phương cách thực hành của ông. Ông vẫn duy
trì nhiều trong số những thực hành dhutanga cho đến khi viên tịch vào năm 1949.
Mãi cho đến những năm
thập niên 50 thế kỷ trước, phong trào do ông sáng lập mới có được sự chấp nhận ở
Bangkok, và chỉ vào những năm thập niên 70 mới phổ biến khắp cả nước. Điều này
trùng với sự mất niềm tin rộng khắp của các Tăng sĩ nhà nước, mà nhiều người
trong họ chỉ là những quan chức khoác áo tu sĩ không hơn không kém. Kết qủa, các
Tăng sĩ Kammatthana, trong mắt của nhiều Tăng sĩ và quần chúng, thể hiện sự vững
chắc và xác thực về Pháp trong một thế giới hiện đại hóa nhanh chóng và điên
cuồng.
Lịch sử Phật giáo đã chỉ
ra rằng những truyền thống tu tập trong rừng trải qua một chu kỳ sống rất nhanh.
Khi một điều đánh mất sức đẩy của nó, cái khác thường mọc lên nơi chỗ của nó.
Nhưng với sự hủy diệt do bán buôn những khu rừng của Thái Lan trong vài thập kỷ
qua, truyền thống Kammatthana có thể là truyền thống tu trong rừng lớn cuối cùng
mà Thái Lan đã khai sinh. May mắn, chúng ta ở phương Tây đã nhận ra điều đó đúng
lúc để tập hợp những bài học mà chúng sẽ hữu ích trong việc nuôi dưỡng những tập
quán của các Thánh giả trên mảnh đất phương Tây, và thiết lập những truyền thống
tu trong rừng đích thực của chúng ta.
Có lẽ điều quan trọng
nhất trong những bài học đó liên quan đến vai trò rằng rừng giữ vị trí trong
việc kiểm tra và điều chỉnh những khuynh hướng mà chúng phát triển trong số
những Phật tử ở thị thành. Câu chuyện về truyền thống Kammatthana xóa tan quan
niệm hời hợt rằng Phật giáo chỉ tồn tại bằng việc thích ứng với nền văn hóa bản
địa. Sự tồn tại của Phật giáo và sự tồn tại của Pháp là hai điều khác nhau.
Những người như Ajahn Mun là những người giữ cho Pháp tồn tại. Tất nhiên, người
ta luôn tự do để tham gia vào những truyền thống Phật giáo theo bất cứ phương
cách nào mà họ muốn, nhưng những người đã đem lại lợi ích nhất từ sự tham gia đó
là những người, thay vì định dạng lại Phật giáo thích hợp với sở thích của họ,
thì lại tương thích chính họ với những tập quán và truyền thống của chư vị Thánh
giả.
Để tìm ra những tập quán
này không dễ, khi đưa ra một sự đa dạng các truyền thống mà những Phật tử đã
khai sinh ra qua hàng thế kỷ. Để kiểm tra chúng, mỗi người cần trở lại với sức
mạnh của chính mình về sự chân thành không thối thất, sự chính trực, và sự nhận
thức rõ. Và có lẽ sự thật này chính nó là một sự đo lường giá trị chân thật của
Pháp. Chỉ người chính trực thật sự mới có thể thấu hiểu nó một cách đúng đắn.
Như Ajahn Lee, một trong các đệ tử của Ajahn Mun, từng nói, “Nếu một người không
chân thành với lời dạy của Đức Phật, lời dạy của Đức Phật sẽ không chân thành
với người đó – và người đó sẽ không thể biết những gì là lời dạy chân thật của
Đức Phật.
Nguồn:
http://www.accesstoinsight.org