Chờ Mặt trời

cho mat troi

Hoàng Công Danh

Mùa đông bắt đầu với vài trận mưa rải xuống vùng đồi thấp. Và dấu hiệu rõ rệt nhất của nó là khi cái lạnh chùng chình kéo qua vườn cây quanh nương chùa. Hai thầy trò quấn thêm vào cổ chiếc khăn len màu cánh gián, mặc loại áo tràng thứ vải dày.

     - Lạnh cũng vui, thầy nhỉ? – Điệu Sanh hồn nhiên nói khi sư thầy lật nắp chiếc hòm rương gỗ lấy mấy thứ khăn áo đông.

     Thầy dừng tay:

     - Vui là vui sao con?

     - Dạ. Con cũng không biết. Chỉ thấy mặc thêm mấy thứ đồ ấm vào ngồ ngộ.

     Điệu Sanh vừa nói vừa cười khi nhìn thấy sư thầy đội cái mũ len có chóp ú, trông giống một nhân vật nào đó trong truyện tranh.

     Thầy đặt tay lên hai vai điệu Sanh, xoay nhẹ để xem phần khăn choàng phía sau cổ của điệu.

     - Ấm rồi đấy. Đi học nhớ mặc như thế cho đỡ gió. Mùa lạnh mà để hở ra mắc cảm là lâu lành lắm.

     - À, thầy ơi. Thầy nhớ cái khăn choàng này không?

     Sư thầy không biết điệu Sanh muốn nói gì, đành hỏi lại:

     - Sao con?

     - Cái này của cô bán vải tặng cho năm ngoái đấy. Mà sao mấy hôm nay không thấy cô đến chùa.

     Thầy cũng không lưu tâm lắm đến chuyện cái khăn, của nả nhà chùa tất thảy đều của chúng sanh phụng cúng góp vào, làm sao nhớ được. Chỉ đến khi Sanh nhắc thì thầy mới nhớ ra, đúng rồi, mấy bữa nay tại thầy bận đôi ba công chuyện nên không để ý đến chị, hèn chi thầy cứ thấy văng vắng một cái gì đó.

     - Chắc mưa lạnh cô không tới đó con? – Thầy trả lời. Nhưng vẫn có chút thắc mắc trong lòng. Cũng lạ nhỉ. Năm ngoái mới đầu mùa lạnh là chị ấy đã lên chùa, sắm cho thầy và điệu Sanh thêm mấy đồ mặc ấm. Rồi có lần sắp bão, chị ấy còn chuẩn bị một hộp muối mè rang nữa cơ mà. Mấy hôm nay chẳng biết có chuyện gì không mà chị vắng bặt.

*

     Buổi sáng mưa tạnh hẳn, trời đằm đằm màu lam, không có nắng nhưng cũng chả có dấu hiệu của mưa sẽ tới. Thời tiết này đem giâm củ là tốt nhất. Đếm lóng tay, thầy thấy còn chỉ ba tháng nữa là Tết. Chắc đem giâm mấy củ giống hoa thược dược là được rồi. Bình thường mọi năm thầy ươm củ thược dược vào giữa tháng mười, lay ơn thì muộn hơn. Nhưng tùy vào thời tiết mỗi năm. Nếu năm nào trời tốt, có nắng giữa đông thì hoa nở sớm. Thầy coi trời, đoán có thể năm nay rét triền miên, thế thì phải ươm hoa ngay bây giờ để nó nở kịp Tết.

     Điệu Sanh vẫn còn nằm ngủ. Trời lành lạnh thế này người ta ai cũng thích nằm ngủ nán thêm một lúc, huống nữa là trẻ con. Với lại điệu Sanh đi học thường hay phải dậy sớm, hôm nay thứ bảy thôi thì cho điệu ấy ngủ thêm chút nữa. Nghĩ vậy nên thầy cũng không đánh thức Sanh dậy thỉnh chuông và tụng kinh đầu ngày. Riêng thầy vẫn dậy đúng giờ, vẫn thực hành nghi thức tụng niệm buổi sớm, không thể nương vào tiết trời mà bỏ bê công việc hành trì.

     Thầy đem cái cuốc nhỏ ra, xắn xới vạt đất bên nương. Mấy hôm mưa nước giẫy lên làm cho đất mềm như thứ bột ngấm nước, cứ sin sít lại với nhau. Thầy phải xới đất lên cho tơi, trộn ít tro bếp để đất có mùn và giữ ấm rồi giâm củ xuống, mỗi củ cách nhau chừng một cánh tay. Thứ củ hoa thược dược thầy tự cất giống từ năm này qua năm khác. Cứ mỗi khi ra Tết, khoảng giữa tháng hai âm lịch, khi lá cây bắt đầu héo rụi là thầy vặt cây đi. Thứ nhất, trong vườn chùa không nên có dấu hiệu tàn úa. Thứ hai, đấy là lúc tốt nhất dỡ lấy củ phía dưới để dành cho mùa Tết tới. Thầy rải một lớp cát dưới chân sạp tre, vùi củ vào đấy. khi do chỗ đất cát bị ẩm, đang giữa mùa hè củ lại trồi mầm lên. Thầy phải bẻ đi cho củ khỏi mất “sức”. Cái vui của người chơi hoa không phải chỉ đến khi hoa nở mà quanh năm, phải luôn để mắt đến nó. Ươm hết số củ thược dược xong, thầy cắm quanh vị trí mỗi chỗ ươm ba thanh tre tạo thành cái chum đánh dấu để lỡ có ai ra vườn thì tránh chỗ ấy đi.

     Điệu Sanh thức giấc, đưa mắt nhìn sang bên bàn chẳng thấy thầy đâu. Bình thường giờ này, tức sau khi tụng kinh và điểm tâm sáng là thầy ngồi vào bàn đọc sách hoặc viết pháp. Sanh ngó sang đồng hồ thấy đã khá muộn. Điệu chạy ra sân, tới chỗ thầy ươm củ, thấy mấy cái que tre cắm đã xong.

     - Gần Tết rồi hả thầy? – Sanh hỏi.

     - Ừ, ba tháng nữa thôi con. Năm nay ươm sớm, thà cho thược dược nở vào Chạp chứ để muộn như năm ngoái là Tết vườn mình không có hoa.

     Rồi thầy lẩm nhẩm một mình: năm nay có khi rét đậm, chẳng biết củ có mọc mầm nổi không đây. Điệu Sanh lại hỏi thế bao giờ có mầm mọc lên?

     Thầy đáp:

     - Lúc nào có mặt trời.

*

     Bình thường, vào thứ bảy chị bán vải lên chùa. Đấy là ngày điệu Sanh không đến trường, chị tới chùa cũng để chơi với điệu. Có khi nom hai người chơi với nhau, thầy nghĩ bụng giống hai mẹ con. Nghĩ rồi thêm thương chị. Nhưng hôm nay biết chị có lên hay không. Cả thầy và điệu Sanh vẫn có chút ngóng chờ.

     Sau khi cắm xong mấy que tre ở chỗ vườn ươm, thầy dặn điệu Sanh chớ có đi tiểu bậy ra vườn mà củ thược dược nó tịt mầm luôn đấy. Đến chiều vẫn không thấy bóng chị. Thầy nhủ điệu Sanh: con chạy ù về dưới chợ xem sao. Sanh vâng lời, xỏ đôi dép vào chân, hất ngược cái tua khăn len ra sau vù chạy ra cửa. Thầy gọi với theo: đi chậm thôi con. Điệu Sanh lẩm bẩm trong miệng, vừa mới bảo chạy ù giờ lại nhủ đi chậm.

     Sanh trở về chùa, báo với thầy rằng nhà cô ấy khóa cửa. Điệu qua hỏi bên hàng xóm thì họ cho hay là mấy hôm nay cô đóng quầy vải, hình như đi vào Nam có việc gì đó. Nghe xong thầy nghĩ bụng, hèn chi vắng lâu dữ vậy, đi đâu không báo cho người ta biết với cơ chứ. Rồi thầy hỏi thêm điệu Sanh:

     - Thế họ có nói lúc nào cô ấy về không?

     Điệu Sanh đáp gỏn lọn:

     - Lúc nào có mặt trời.

     Thầy bất ngờ với câu trả lời của Sanh, mỉm cười và chỉ tay về phía đầu hiên, chỗ treo cái lồng chim.

     - Con sắp thành chim dòng rồi đấy!

*

     Tối đến hai thầy trò nằm mãi mà vẫn không ngủ được. Thỉnh thoảng điệu Sanh quay sang hỏi thầy ơi thầy còn thức không? Thầy ừ. Lát sau điệu lại quay qua hỏi thầy ơi vẫn chưa ngủ được à? Thầy đáp, kệ thầy con, ngủ đi. Nhưng Sanh vẫn không ngủ được.

     Đêm mưa nhiều quá, rộp rạp ngoài sân nghe rõ mồn một. Hai thầy trò quấn chung một chiếc chăn bông mỏng. Cái chăn này dùng để đắp từ khi trời sang thu, nó chỉ đủ ấm vừa mà không khiến người ta bị ngốt ngát khó thở.

     Đồng hồ đã chỉ nấc kim sang ngày mới, điệu Sanh vẫn chưa ngủ được vì lúc trưa điệu ấy say giấc đến quá nửa buổi chiều mới dậy nên giờ hai mắt cứ trơ hông hốc lên. Còn thầy không ngủ được là vì cứ mải nghĩ đến chị bán vải. Chính xác là sáu hôm rồi không thấy bóng dáng chị ta lên chùa. Thầy cố nhớ lại xem cái lần cuối cùng chị tới đây, sáu hôm trước, có chuyện gì đã xảy ra. Soi xét xem mình có làm điều gì khiến chị phật lòng buồn ý mà lánh thầy không. Một thôi một hồi mà thầy vẫn chưa nghĩ ra, xưa nay thầy vốn không làm cho ai buồn lòng cả. Đặc biệt đối với chị bán vải thì thầy càng cẩn thận hơn trong cư xử, dù gì chị ấy cũng là đàn bà một thân một mình, ở cái tuổi xuân sắp đổ vụng ấy sẽ rất dễ có những cảm giác không hay.

     Thầy nhớ như in hôm đó chị tới đây vội vàng, ngồi chơi cũng chỉ được một chốc là vái chào thầy để ra về. Thầy không kịp nói gì cả. Chỉ có chị nói được mấy câu nửa úp nửa mở. Chị bảo dạo này chắc con sẽ thưa lên chùa, thầy đừng hỏi con lý do, lúc nào xong việc con sẽ báo cho thầy hay.

     Chị nói kiểu ngừa đường ấy thì ngay cả những người tò mò nhất cũng không dám hỏi han thêm điều gì. Lúc bước xuống thềm hiên để về, chị còn ngoái lui: À, thầy ơi, có điều này. Thầy hấp tấp đặt tách trà xuống hướng mặt về phía chị để nghe xem chị cần gì. Nhưng ngay lúc đó chị lơ đi: Mà thôi, con về đây.

     Nhớ lại kiểu ngấp ngửa của chị mấy hôm trước, thầy đâm ra băn khoăn. Chắc chị ta có điều gì muốn cầu thị mà sợ thầy bận tâm không dám nói ra thôi. Giá như lúc đó thầy cật vấn chị một chút, tỏ ra tò mò một chút, thì có khi thầy đã giúp chị giải được cái thắc thỏm trong lòng rồi, và bây giờ chắc thầy cũng khỏi cảm thấy day dứt trong tâm.

     Thầy thở hắt ra mấy tiếng giữa đêm khuya, khó ngủ kiểu này chắc là trắng đêm luôn. Điệu Sanh vẫn tỉnh như sáo, quay sang nói hay là dậy ăn cái gì đó đi thầy. Sư thầy cũng thấy hơi rỗng trong bụng. Nhưng lâu nay thầy không có thói quen ăn khuya và thầy cũng dạy các đệ tử không nên như thế. Trong bát quan trai, tức tám cửa tịnh cần thực hành mà đức Phật khuyên hàng đệ tử thì có một điều là không nên ăn phi thời. Người xuất gia thường chỉ ăn vào bữa trưa, còn các giờ khác tịnh khẩu vì họ cho rằng ngoài giờ ngọ là thời gian thọ thực của Phật, còn lại các giờ khác là giờ ăn của quỷ. Thế nhưng lúc này điệu Sanh có ý muốn ăn một cái gì đó thì thầy cũng thấy có lý. Người ta hay nói căng cơ bụng kéo cơ mặt, ăn chắc bụng dễ ngủ hơn. Thầy hỏi điệu Sanh:

     - Con đói à?

     Sanh đáp dạ.

     Hai thầy trò kéo chăn, dậy khỏi màn đi xuống bếp. Thầy nhúm lửa, bắc nồi nấu nước. Ăn mì sợi luộc nhé. Điệu Sanh gật đầu, để con pha nước tương.

     Lát sau mì đã chín, thầy trút ra chiếc rá cho ráo nước rồi hai thầy trò cùng ăn. Điệu Sanh nói hồi còn ở dưới quê, đêm nước tràn về thì cả nhà lại xúm quanh bếp lửa, rang chảo bắp ngồi nhai và canh chừng nước lên. Thầy ừ, còn hai thầy trò mình bây giờ ngồi chờ trời sáng. Điệu Sanh vặc lại, bảo chờ mặt trời lên chứ?

     - Mà mưa thế này chắc ngày mai chẳng có mặt trời đâu, thầy nhỉ - Điệu Sanh quay sang phía thầy thỏ thẻ.

     Thầy nghĩ có khi điệu Sanh cũng đang nhớ chị bán vải. Lâu nay lên chùa, chị và điệu quấn quýt nhau như mẹ con, giờ vắng chị ấy điệu Sanh nhớ là phải rồi. Thầy thử hỏi lại điệu Sanh để khẳng định chắc chắn cái điều mình suy đoán là đúng:

     - Con cần mặt trời làm chi?

     Sanh đáp:

     - Để mấy cái củ thược dược mau đâm chồi. Hồi sáng mới trồng đó thầy không nhớ sao.

     Ừ nhỉ. Thầy cứ mải nghĩ chuyện người mà quên chuyện hoa. Sáng vừa ươm xong còn mong có nắng để củ bật mầm cơ mà.

*

     Suốt mấy hôm sau vẫn không thấy chị lên chùa. Điệu Sanh đi học rồi về, cũng chả hỏi han thầy chuyện chị có tới hay không. Trẻ con, mau nhớ mau quên. Chỉ có người lớn là dai dẳng một thói quen đợi chờ mong ngóng. Kiểu nhớ mong này hình như thầy chưa gặp nên chưa thực hành tu tập. Mặc dù thầy hiểu rõ thuyết vô thường, mọi vật hợp tan, đến đi đều do duyên và nghiệp. Có khi duyên chưa hội đủ thì dù khẩn thiết ngóng trông cũng chả ích gì. Thầy cố gắng quên chị đi. Nói như thế chưa phải lắm. Vì thầy đâu có nặng nợ gì với chị mà phải quên, thầy chỉ thấy lo lo sợ xẩy ra chuyện gì đó với chị thôi. Vậy nên chính xác phải nói thầy cố gắng thực hành sâu hơn nữa phép vô ưu đối với mọi sự. Cái phép vô ưu này không phải cứ hiểu rõ luật vô thường mà làm được, nếu chỉ dựa vào vô thường để khai trừ mọi sự vướng bận với đời thì thành ra vô tâm, và đó không phải con đường chính đạo.

     Sư thầy làm nhiều việc hơn. Mùa lạnh chả đi đâu ngoài chùa, thầy cứ ngồi miết trong thư phòng mà hí hoáy viết viết, không viết thì chú tâm đọc đọc, lúc nào mỏi mắt lại đi ra vườn, cắm sửa mấy cái que quanh chỗ ươm củ hôm trước.

     Trời vẫn im ỉm không làm mưa to và dằng dặc, chỉ thỉnh thoảng về đêm có mưa trộ rồi ngưng ngay vào sớm hôm sau. Tìm mặt trời vào quãng mùa đông này quả khó, buổi sáng trời chỉ hừng lên âm ấm một chút rồi thôi. Nhưng tiết trời kiểu đó cũng đủ để cỏ dại không rụi vì lạnh, và những mầm cây có cớ bật chồi.

     Một củ thược dược thầy ươm đã bung chồi ngoi lên khỏi đất, mầm non trắng đục vì thiếu diệp lục, chỉ nhớm chút xanh nhạt ở đầu chóp mầm. Điệu Sanh phát hiện ra điều này đầu tiên và reo lên thích thú khiến thầy phải chạy ra xem. Sanh nói:

     - Nó mọc mầm rồi thầy ơi. Chẳng cần mặt trời. Vui quá. Thầy vui không?

     Trông điệu Sanh hí hửng như thế, sư thầy cũng thấy mừng mừng. Ừ, chẳng cần mặt trời vẫn vui.

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle