Có một lần, Phật đi dạo vào nơi cư trú của các Thầy để quan sát. Phật thấy một thầy đang nằm một mình trong phòng dưới đất với cơn bệnh kiết lỵ (dysentery) rất nặng. Vị thầy ấy nằm trên chính phân và nước tiểu của mình. Phật hỏi các huynh đệ khác đâu, sao không có ai săn sóc cho thầy? Vị thầy trả lời rằng vì ông không giúp ích
gì được cho ai, nên họ đã bỏ đi và để cho ông một mình đối phó với cơn bệnh của mình.
Đức Phật lập tức sai thị
giả của mình là ngài Anan đi lấy nước, và cả hai cùng tắm rửa, lau chùi sạch sẻ
cho ông, rồi đở ông dậy lên nằm trên giường. Sau đó Phật cho gọi tất cả các
thầy khác lại và hỏi, vì sao vị thầy ấy lại bị bỏ rơi một mình trong một tình
trạng như thế. Ai cũng trả lời với Phật rằng: "Thưa thế tôn, vì ông ấy không
giúp gì được cho chúng con!"
Phật nói, "Này các thầy,
các ông bây giờ không còn có cha mẹ để lo và chăm sóc cho mình. Nếu như các ông
không chăm sóc cho nhau thì ai sẽ chăm sóc cho các ông đây?" Và Phật cũng đã
dùng cơ hội này để đặt ra giới luật dạy các thầy phải biết chăm sóc cho nhau
trong những lúc ốm đau.
Câu truyện cảm động này
nói lên một khía cạnh của đức Phật mà chúng ta ít thấy được trình bày trong các
kinh tạng Pali. Và điều quan trọng hơn, tôi nghĩ câu truyện ấy cũng đã nói lên
được thực trạng của nhân loại ngày nay, và nó cũng mang lại hy vọng và chỉ cho
chúng ta thấy được một con đường giải thoát.
Một trong những vấn đề
lớn và rất thật mà nhân loại phải đối diện ngày nay là chúng ta đang nằm trong
chính phân tiểu của mình. Những đồ thải bỏ ra từ sự tiêu thụ của chúng ta, từ
những rác rưởi, vật dụng phế thải, cho đến những chất hóa học, độc tố tiết rỉ ra
từ cuộc sống của chính ta, chúng đã làm ô uế môi trường sống của mình. Và những
gì Phật đã dạy, cũng có thể đem ra áp dụng được ở đây: Không có việc gì mà tự
nhiên xảy ra được hết. Sự việc như thế này không phải là do một sự tình cờ, may
rủi, hoặc là vì ý muốn của một vị thần linh nào đó, nhưng nó là do kết quả từ
việc làm của chính mình. Thế giới chúng ta sống là một sản phẩm của hành động
của chính ta, mà tự chính chúng cũng là một biểu hiện của tâm thức mình.
Chúng ta cũng có thể, như
các thầy khi xưa ấy, chỉ biết tự lo cho chính mình thôi! Nhưng Phật cũng đã
nhắc nhở rằng, ngày nay chúng ta không còn cha mẹ để chăm sóc cho mình nữa. Mẹ
đất ngày nay cũng đã quá kiệt quệ, không còn đủ sức để tiếp tục nhận chịu những
khai phá, lạm dụng, tiêu hủy tài nguyên của chúng ta nữa. Và Cha trời dù có
quyền năng đến đâu cũng phải bất lực trước luật nhân quả mà thôi.
Nếu như chúng ta không lo
cho nhau, thì ai sẽ lo cho chúng ta đây? Ai trong chúng ta có quyền nói rằng
"Người kia không giúp gì được cho tôi hết?" Dầu muốn hay không gì thì tất cả
chúng ta cũng đều cùng chung trong một tình trạng với nhau. Học cách để lo cho
nhau, chăm sóc cho nhau là điều quan trọng nhất trên con đường chúng ta đi,
trong sự thực tập của mình.
Những đồ nhơ bẩn, ô uế sẽ
được rửa sạch bằng dòng nước mát và trong sạch. Những độc tố của tham muốn,
giận hờn và si mê tuông ra từ tâm thức của chúng ta, sẽ được tẩy rửa thanh tịnh
bằng sự rộng lượng, với tình thương và tuệ giác. Một khi chúng ta được nâng đở
dậy và đặt lên một nơi trong sạch, lấy lại sự tự trọng của mình, chúng ta sẽ có
thể bắt đầu một tiến trình bình phục, và có lại được sự an vui. Đức Phật là một
vị bác sĩ, Ngài đã dạy cho chúng ta về Tứ Diệu Đế như là một phương thuốc để
phục hồi rất mầu nhiệm: Nhận diện được vấn đề, thấy rõ nguyên nhân của vấn đề,
dùng sự hiểu biết ấy để trừ bỏ nguyên nhân, và rồi kiên trì thực hành theo đúng
phương pháp chữa trị.
Nhưng bất cứ một liều
thuốc nào, dầu mầu nhiệm đến đâu, cũng chỉ có hiệu quả nếu như ta chịu uống mà
thôi. Cuộc đời này sẽ vui đẹp biết bao nếu như chúng ta biết chia sẻ và giúp đở
cho nhau bằng lời Phật dạy, cùng nâng đở nhau đứng dậy và chia sẻ tình thương để
làm vơi bớt những khổ đau của nhau. Cho dù đó là một người xa lạ, hoặc là kẻ ta
không ưa thích. Cho dù họ là những người "không giúp gì được ta!" Và tôi có
thể dám nói được rằng, chính ta sẽ làm được điều ấy không?
Andrew Olendzki,
Nguyễn Duy Nhiên phỏng dịch