Thích Nữ
Giới Hương
(Bài tham luận trình bày trong “Hội Luận 2012 - Phật giáo Việt Nam tại Mỹ - Nhìn
về Tương Lai, Cơ hội và Thách thức"” của Hội Phật học Đuốc Tuệ tại California,
ngày 16/12/2012)
I. DU TĂNG
Hầu như tất cả chúng ta đều biết rằng trong những năm đầu hoằng pháp, Đức Phật
và chư tăng thật ra đã sống đời du tăng, du cư, chưa có chùa và trú xứ nhất định.
Các ngài sống bằng cách khất thực qua ngày và lấy gốc cây, rừng rậm, thi lâm hay
hang đá làm nơi tránh nắng mưa, trú qua đêm. Đó cũng là những nơi tu tập và độ
sanh như Kinh Du Bộ (Trường A Hàm, số 2) có chàng Phúc-quý từ thành
Câu-thi-na-kiệt đi đến thành Ba-bà, giữa đường chàng thấy Đức Phật ngồi thiền
dưới bóng cây giữa rừng chứ không phải trong phòng hay thiền đường như sau: “Từ
Câu-thi-na-kiệt đi đến thành Ba-bà, giữa đường rừng chàng Phúc-quý trông thấy
Phật ngồi thiền bên gốc cây, dung mạo đoan chính, các căn tịch tịnh, tâm ý nhu
thuận trong cảnh tịch duyệt tuyệt đối.” Chính bản thân Đức Thế Tôn cũng thường
khuyên các tỳ kheo hãy đến rừng cây, chỗ thanh vắng hay bãi đất trống để tinh
tấn tu tập như sau:
“Này các Tỳ-kheo, hãy ở chỗ thanh vắng, sơn lâm yên tĩnh, dưới gốc cây hay bãi
đất trống, tinh cần thiền toạ tư duy, chớ nên phóng dật buông lung.
Hãy chuyên cần tinh tấn, đừng để về sau phải hối hận.” (Kinh A-ma-trú,
Trường A Hàm, số 20)
“Này các tỳ kheo, Ta sống cô độc tại nơi xa vắng, ở trong rừng vắng, trong rừng
sâu, dưới gốc cây, những nơi trống vắng yên tĩnh, sườn non, động đá, đất trống,
lùm cây, hoặc đến trong rừng, hoặc giữa bãi tha ma. Ta sau khi ở trong rừng vắng,
hoặc đến gốc cây, những chỗ nhàn nhã yên tĩnh, trải ni-sư-đàn, ngồi xếp kiết già,
chánh thân chánh nguyện, hướng niệm nội tâm, Ta đoạn trừ tâm tham lam, không có
não hại.” (Trung A Hàm, Kinh Thuyết Trí, Phẩm 15, số 187).
II. NHỮNG NGÔI CHÙA VÀO THỜI PHẬT CÒN TẠI THẾ
Năng lực từ bi trí tuệ và đức độ cảm hóa của Đức Phật ngày càng vang xa khắp các
làng xã thành phố, nên người dân Ấn bắt đầu tìm đến tăng già để học đạo và quy y
Tam bảo rất nhiều. Từ dân làng mộc mạc cho đến giới thức giả,
vua chúa, đã tìm được nguồn an lạc và giải thoát cho chính đời sống của mình
hiện tại, nên số lượng người đến quy Phật ngày càng đông. Do nhu cầu cần
một không gian cho Phật tử tu tập, nghe pháp thoại và nhất là do thấy Đức Phật
và chư tăng quá vất vả trong đời sống du cư, rày đây mai đó trong nắng mưa, nóng
lạnh bất thường của khí hậu Ấn độ khắt nghiệt; rồi những mùa hạ mưa dầm ướt đẫm,
các ngài phải băng mình trong sương gió để khất thực và dễ dẫm đạp sát hại các
loài côn trùng nhỏ nhít nên nhiều thí chủ khá giả đã phát tâm xây dựng chùa tháp
cúng dường Đức Phật và tăng già để các ngài có chỗ trú ổn định mà chuyên tâm tu
tập và hoằng pháp. Nhờ thế hình ảnh ngôi chùa bắt đầu xuất
hiện trong lịch sử Phật giáo.
1. Chùa Trúc Lâm (Veluvanarama)
Ngôi chùa đầu tiên phải kể đến là chùa Trúc Lâm do vua Bình-Sa-vương (Bimbisara)
của nước Ma Kiệt Đà (Magadha) xây cúng dường. Trúc là cây trúc,
lâm là rừng, nghĩa là nhiều trúc, cả rừng trúc.
Bình-Sa-vương là vị thí chủ đầu tiên của Đức Phật trong hàng vua chúa.
Nguyên nhân là khi vua trông thấy sa
môn Cù-đàm thiền hành rất uy nghi, trang nghiêm và thanh thoát, vua lấy làm cảm
kích. Vua liền cung thỉnh sa môn về trú trong kinh thành để hàng ngày chu cấp cúng
dường, nhưng sa môn Cù Đàm hứa rằng sau khi tìm thấy đạo sẽ về thăm vua. Đúng
như lời hứa, sau khi thành đạo dưới gốc cây bồ đề, Đức Phật cùng đi với các đệ
tử A-la-hán từ thành Gaya đến Vương Xá (Rajagaha) và Đức Phật thuyết một thời
pháp về Túc Sanh Truyện (Maha Narada Kassapa, Chương 7, số 544) dạy rằng trong
một tiền kiếp Ngài là Narada đã dìu dắt Đại Đức Ca Diếp (Kassapa) và nhiều người
giác ngộ giống như thời hiện tại đây. Vua Bình-Sa-vương nghe Đức Phật thuyết
giảng xong, ánh sáng giác ngộ bừng đến và vua liền đắc quả Tu-đà-hoàn, xin quy y
Tam Bảo và thỉnh Đức Phật cùng chư vị đệ tử về cung điện thọ trai ngày hôm sau.
Khi mọi người độ ngọ xong, vua tỏ ý muốn biết nơi nào thích hợp để Đức Phật lưu
ngụ.
Đức Phật trả lời:
"Một nơi hẻo lánh, không xa mà cũng không gần thành thị để những ai muốn viếng
Ngài, có thể đến dễ dàng. Một nơi mát mẻ, ban ngày không đông đảo ồn ào, ban đêm
yên tĩnh, khoảng khoát và kín đáo, nơi ấy sẽ thích hợp." (Đức Phật và Phật Pháp,
Phạm Kim Khánh dịch, http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/dp-pp11.html
)
Nghe xong, vua Bình-Sa-vương nghĩ rằng vườn thượng uyển Trúc Lâm của vua có thể
hội đủ những yếu tố cần thiết ấy, nên vua xin dâng lên Đức Phật và
chư
Tăng khu vườn này. Do đó, địa điểm nầy là nơi được dâng cúng đầu tiên đến Đức
Phật và chư
tăng. Tại chùa Trúc Lâm (Veluvanarama) yên tĩnh này, Đức Phật
và tăng đoàn yên ổn tu tập và nhiều bài Pháp thoại của Đức Phật trong năm bộ
Nikaya được tuyên thuyết tại đây. Đức Phật đã nhập ba mùa hạ
an cư liên tiếp (từ mùa hạ thứ nhì đến hạ thứ tư) và ba hạ nữa nhưng cách
thời gian nhau. Từ ngày có ngôi chùa Trúc Lâm này, vua Bình Sa
Vương, nhiều quan chức, thức giả và dân làng đã đến quy y Phật và thường xuyên
về chùa thính pháp tu học nhất là trong những ngày Bố tát (Uposatha) với tăng
đoàn. Đây là ngôi chùa đầu tiên hiện diện trong lịch sử Phật
giáo.
2. Chùa Kỳ Viên (Jetavanarama)
Ngôi chùa kế tiếp là Kỳ Viên tịnh xá (Jetavanarama) hoặc Kỳ Hoàn tịnh xá
(http://www.quangduc.com/TruyenNgan/104truyenco1-6.html) hoặc còn gọi là Kỳ Thọ
Cấp Cô Độc Viên tọa lạc tại thành Xá Vệ (Sravatthi), kinh đô của nước Kiều Tát
La (Kosala), do vua Ba Tư Nặc (Pasenadi) cai trị. Nguyên trưởng giả Cấp Cô Độc
còn gọi là Tu-đạt-đa (Anathapindika) muốn mua khu vườn thượng uyển lý tưởng của
thái tử Kỳ Đà để xây chùa cúng Phật. Thái tử Kỳ Đà không muốn bán nên nói giỡn
cho qua chuyện: “Trong khu vườn này, nếu trưởng giả trải vàng đến đâu thì tôi
bán cho trưởng giả đến đó”. Nghe như vậy, trưởng giả về kêu
gia nhân khiêng vàng ra và lót đầy vườn của Thái tử. Thái tử không ngờ trưởng giả Cấp Cô Độc lại giàu có đến thế và nhất
là cúng dường một cách rộng rãi như thế. Thái tử liền tìm hiểu và sau khi nghe trưởng giả Cấp Cô Độc tán thán
về Đức Phật - một bậc thánh hi hữu đã xuất hiện trên đời- một bậc thầy của cõi
trời và người để làm lợi ích cho số đông giải thoát. Thái tử vô cùng cảm
kích và phát tâm muốn góp phần trong công đức đó, nên thái tử xin cúng dường
toàn bộ số cây trong vườn thượng uyển cho Đức Phật. Vì thế, chùa Kỳ Viên còn có
tên là Kỳ Thọ Cấp Cô Độc Viên. Kỳ thọ là cây cối của thái tử Kỳ Đà (Jeta), con
vua Ba Tư Nặc. Cấp Cô Độc viên là vườn đất của Cấp Cô Độc. Đức Phật và Tăng đoàn
đã trải qua mười chín mùa an cư kiết hạ tại chùa này. Đây là
ngôi chùa thứ hai và lớn nhất mà lịch sử Phật giáo đã đề cập đến.
3. Chùa Ku-Ku-Ta-Ra-Na (Kukkutarama)
Chùa Ku-Ku-Ta-Ra-Na toạ lạc tại thành Kausambi, do thí chủ Kukkuta xây cúng
dường vào năm 318. Đây là một nơi rất tốt, khí hậu điều hòa ấm áp ở tiểu bang
Pataliputta, phía đông Ấn Độ. Bộ luật Mahavagga (Vinaya, tập I, trang 300)
ghi nhận có các tỳ kheo như Nilavasi, Sanavasi, Gopaka, Bhagu, và Phalikasandana
đã trú tu tập tại ngôi chùa đây. Bộ Tương Ưng Bộ kinh (The Samyutta Nikaya, tập
5, kinh số 15, trang 171) đã ghi nhiều cuộc hóa đạo giữa tôn giả A-nan (Ananda)
và Bhadda tại đây. Trung Bộ kinh (tập 1 trang 349) và Tăng Chi Bộ kinh (tập 5,
trang 342) ghi ngôi chùa này là một trong những nơi mà tôn giả A-nan rất thích ở
để tu học và nhà của gia chủ Dasama của làng Atthakanagara cũng ở gần đây.
Cũng trong Tăng Chi Bộ kinh (tập 3, trang 57), có ghi tôn giả Narada (người đã
cảm hóa vua Munda), Sonaka (Siggava) và tôn giả Candavajji (thầy của
Mogaliputta-Tissa) đã trú tại chùa đây.
(http://www.palikanon.com/english/pali_names/ku/kukkutarama.html)
4. Chùa Kỳ Bạt (Jivakarama)
Chùa Kỳ Bạt do Jivaka, một vị lương y nổi tiếng thời Đức Phật, đã xây cúng dường
cho Đức Phật và tăng đoàn. Chùa Kỳ Bạt toạ lạc tại khu ngoại ô của thành Vương-xá (Rajagadha).
5. Chùa Cù Sư La (Ghositarama)
Chùa Cù Sư La tọa lạc tại Kausambi, tiểu bang Uttar Pradesh, phía Bắc Ấn Độ, do
chàng Ghosita cùng hai người bạn là Kukkuta và Pavariya xây cất và cúng dường
cho Phật và chư tăng. Nhiều bộ kinh quan trọng trong năm bộ
Nikaya đã được Đức Phật thuyết giảng tại đây.
6. Chùa Vườn Xoài (Ambapali)
Chùa do nàng Am-ba-ba-li (Ambapali), một kỹ nữ hạng sang sống tại thành Tỳ-xá-li
(Vaishali), cúng dường lên Phật và chư tăng (khoảng thế kỷ thứ năm trước công
nguyên). Nàng Am-ba-ba-li rất giàu, có nhiều của cải, trong đó
có một khu vườn xoài rất rộng mát và nhiều trái sum suê tươi tốt quanh năm.
Nàng đã thỉnh chư Phật và tăng đoàn về Vườn xoài để
nàng cúng dường trai tăng và sau đó xin dâng Vườn Xoài nổi tiếng này lại cho Đức
Phật và tăng đoàn. Tại chùa Vườn Xoài này, Đức Phật đã ban pháp thoại về Tứ Niệm
Xứ là con đường để thoát khỏi sầu ưu bi khổ não trên đời và đưa đến giải thoát
Niết Bàn.
Nghe xong bài kinh (Ambapali Sutta) này, nàng Am-ba-ba-li liền
chứng A-la-hán (Kinh Tương Ưng Bộ, tập 5, trang 140).
(http://en.wikipedia.org/wiki/Ambapali)
Ngoài các ngôi chùa đã nêu trên, trong năm bộ Nikaya có kể đến những ngôi chùa
lớn nhỏ khác như chùa Hậu Trạch (Markathrada) ở thành Tỳ-xá-li (Vesali); chùa
Udambari-Karama ở bờ sông Sappini gần thành Vương Xá, chùa Pavaxikanivana ở
thành Kausambi; Chùa Ni-câu-đà (Nigrodharama) ở thành Ca-tỳ-la-vệ
(Kapilavatthu); Chùa Lộc Uyển (Isipatana) ở thành phố Ba-la-nại (Baranasi) và
nhiều chùa khác được thí chủ xây rải rác các nơi mà dấu chân hoằng hóa của Đức
Phật đã đi qua hoặc sau khi Đức Phật nhập Niết bàn. Các chùa tháp Phật giáo khác
cũng được các vua chúa như Vua A Dục lập lên để tưởng niệm thờ Đức Phật Thích Ca và là nơi
trú tu tập của chúng xuất gia thời đó. Hiện nay, các chùa này
đã sụp đổ, chỉ còn lại tàn tích nền móng chứng tích nơi đó đã từng là những đại
tùng lâm tu tập sầm uất, đã từng là một thời Phật giáo huy hoàng hưng thịnh.
Tất cả đã sụp đổ theo quy luật thành trụ hoại không và theo thời gian trôi
qua. Tuy nhiên, từ hình ảnh chùa tháp trong thời Phật còn để lại đó mà dần dần
kiến trúc chùa tháp, tự viện được hình thành và hình ảnh mái chùa cổ kính ấy trở
thành quen thuộc trong các nước Phật giáo cho đến ngày nay. Mái chùa hình vòm
cong chạm trổ, đỉnh tháp cao ngất tầng mây, cổng tam quan rồng lượn, gác
chuông hình bát giác, mỗi điêu khắc hoa văn đa dạng đều mang đậm dáng dấp nền
văn hóa, nghệ thuật, phong tục và tập quán của tuỳ mỗi một đất nước Phật giáo.
III. VAI TRÒ LÝ TƯỞNG CỦA NGÔI CHÙA
Ngôi chùa là nơi tưởng niệm kính thờ các Đức Phật, các Bồ tát, hiền thánh tăng
và hiện tiền tăng quá vãng. Ngôi chùa là nơi tôn nghiêm thánh thiện, giúp các
bậc xuất gia tránh được những chướng duyên ô nhiễm trần thế, sống một chỗ hoàn
toàn riêng biệt độc lập, không đồng cách mặc và cách sống với người thế gian,
không bị cảnh duyên bên ngoài phá rối cám dỗ để thực hành lý tưởng giải thoát
của mình. Như thế, quý thầy cô Sa di/Sa di ni, Thức xoa và Tỳ kheo/ Tỳ kheo ni
từ biệt gia đình, sống trong nhà chùa, cạo đầu, đắp y, mặc áo nâu sòng giản dị,
hàng ngày gột rửa tham sân si, hàng ngày hiển lộ uy nghi, tế hạnh, từ bi, trí
tuệ trong sáng để làm bậc thầy gương mẫu mô phạm cho cuộc đời.
Các bậc xuất gia hoàn toàn sống theo lời dạy của Đức Phật Thích Ca, y theo giáo
pháp của Phật mà suy ngẫm an định để giải thoát những ràng buộc thế gian và
thoát vòng sanh tử tái sanh, như thế gọi là các bậc thánh Thanh văn - đại đệ tử
của Đức Phật. Thanh là âm thanh của Phật thuyết pháp. Văn là
nghe. Nghe âm thanh của Phật, sống hoàn toàn với lời dạy của Phật, một bề
vâng theo giáo pháp của Phật, trì giới, tụng kinh và nhiếp tâm an
định tinh thần tu tập. buông hẳn chuyện thế gian,
chuyện đời cho đến chuyện quyến thuộc họ hàng, cha mẹ, bà con cũng tạm xa lìa,
để một bề lo chuyện chuyên tu giải thoát như thế gọi là bậc Thanh văn hiếm có
trong đời.
An lạc tu tập ở trong chùa không có những ràng buộc trong thế gian, không có
những vọng riêng ở đời. Một lòng tha thiết buông đi vọng cảnh,
vọng tâm, quay ngó lại tâm của chúng ta xem còn chấp nhân, chấp ngã nữa không
thì nên bỏ, để trở về với tâm thật của mình.
Như vậy, ngôi chùa là thắng duyên để giúp chư tăng ni và Phật tử chuyển hóa
những thói quen nghiệp xấu của mình mà bước lên nấc thang thánh vị, thực hiện lý
tưởng giải thoát của các đệ tử Phật. Đó là vai trò chủ yếu then chốt của các
chùa dù chùa đó nhỏ hay lớn, thuộc đất nước nào và đang toạ lạc ở đâu.
Tuy nhiên, vì Phật pháp bất ly thế gian pháp, và vì hạnh
nguyện bồ tát đạo, nên ngày nay, hầu hết các chùa còn mang thêm chức năng của
một trung tâm văn hóa giáo dục để phục vụ cho chúng sanh trong cộng đồng dân cư
quanh chùa. Dù được xây giữa thị tứ náo nhiệt hay nơi thôn dã quê mùa,
chức năng phụ đó của ngôi chùa làm cho vai trò của chùa như một hoa sen giữa đầm
lầy. Cộng sinh để tứ chúng đồng tu, thỏng tay vào chợ
“mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Đó cũng là một hình ảnh lý tưởng
rất biểu trưng tinh thần nhập thế của ngôi chùa Phật giáo thời hiện đại.
IV. CHÙA VIỆT TRÊN ĐẤT MỸ
1. Số lượng Chùa
Danh sách số lượng Chùa Việt trên đất Mỹ thay đổi tùy theo nguồn thông tin:
- Theo Webside “Quảng Đức”, hiện có 131 ngôi chùa tính đến ngày 9-10-2012.
(http://quangduc.com/DiachichuaUc/chuaviethaingoai.html )
- Theo sổ địa chỉ của Tổ Đình Minh Đăng Quang in năm 2008 thì có 121 ngôi chùa
tại tiểu bang California, còn các tiểu bang khác thì có 195 ngôi chùa. Tổng cọng là 316 ngôi chùa Việt tại Mỹ.
- Theo website “Directory of Charities and Nonprofit Organizations”, danh sách
của các chùa đăng ký với chánh phủ Mỹ (IRS/Internal Revenue Service) dưới danh
nghĩa là Buddhist Charities and Nonprofit Organizations (Hội Từ Thiện
Không Vụ Lợi của Phật Giáo) cho đến ngày 18/11/2012 liệt kê 163 ngôi chùa hoặc
cơ sở từ thiện Việt Nam trên toàn nước Mỹ.
(http://www.guidestar.org/nonprofit-directory/religion/buddhist/1.aspx)
- Trang blog “thebuddhagarden” liệt kê danh sách địa chỉ của 248 chùa Việt trong
34 tiểu bang (và Washington DC) tính đến ngày 30/3/2012. Đây là dữ liệu tương
đối đáng tin vì phương pháp thu
thập và cập nhật thông tin của họ có vẽ khoa học hơn cả.
(http://www.thebuddhagarden.com/blog/vietnamese-temples-usa/#california)
Nói tóm lại, để xác định chính xác số lượng các chùa Việt tại Mỹ thì rất khó vì
số lượng chùa ngày càng tăng (tự phát tự lập, không có một cộng đồng thống
nhất/a united community, hay một giáo quyền trung ương /central authority); vả
lại, có nhiều cơ sở không/chưa đăng ký với chánh phủ Mỹ, cho nên đây chỉ là
những con số tạm thời. Nếu phải dùng một con số để tham chiếu cho năm 2012, thì
có lẽ viết “từ 250 đến 300 chùa hành trì theo truyền
thống Phật giáo Việt Nam tại Mỹ” là gần đúng nhất.
2. Vai trò Giáo Dục và Văn Hoá của Ngôi Chùa
Ngôi chùa lý tưởng thời Phật là nơi tu tập của chư tôn đức tăng ni và các Phật
tử, để un đúc các bậc hiền nhân thánh thiện tiếp nối tương tục truyền đăng đèn
Phật pháp. Tuy nhiên, Phật giáo của thế kỷ 21 là Phật giáo nhập thế vào lòng xã
hội, nên ngôi chùa của ngày nay không những là nơi tu tập tâm linh giải thoát
của tôn giáo, mà thực sự đã trở thành những trung tâm sinh hoạt văn hóa, giáo
dục và xã hội cho cộng đồng quần chúng.
a) Hoạt động giáo dục
Ngôi chùa nhập thế hôm nay là kết hợp giáo dục giữa tri thức đạo lẫn đời, đi đôi
giữa kiến thức Phật học và kỹ năng xã hội, cho nên ngôi chùa không những chỉ đáp
ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh, cầu nguyện, hướng dẫn Phật pháp (cho mọi tầng
lớp, ứng dụng Phật pháp vào mọi mặt của đời sống), dạy thiền, niệm Phật, thọ Bát
quan trai giới, ban pháp thoại, khóa tu mùa xuân hạ thu đông, khóa học nghi lễ
phổ thông, học cách ứng xử, nếp sống đạo đức của nhà Phật … mà còn tổ chức các
lớp học về kiến thức xã hội phổ thông, dạy ngôn ngữ như Việt Văn cho các em
thiếu niên nhi đồng gốc Việt nhưng sanh trưởng tại Mỹ, hướng dẫn các tri thức
khoa học, những kỹ năng khoẻ (dưỡng sinh, thể dục yoga, tập võ, khí công), âm
nhạc và nghệ thuật Phật giáo, vv… giúp thế hệ trẻ gắn bó hơn với nền giáo dục
Việt Nam và Phật pháp. Rất nhiều ngôi chùa Việt tại đất Mỹ đã
có những hoạt động giáo dục đáng kể đó giữa Phật học và xã hội, đã duy trì và
hoà nhập giáo dục Phật giáo Việt Nam vào xã hội Mỹ.
b) Hoạt động văn hóa
Một số hoạt động văn hóa gắn liền với tôn giáo và lễ hội dân gian do nhà chùa
đứng ra tổ chức như Tết Nguyên Đán, rằm thượng nguyên, rằm trung nguyên, rằm hạ
nguyên, Vu Lan, Phật Đản, tết trung thu, lễ vía của Phật, Bồ tát, ngày giổ Tổ và
chư Hiền thánh tăng, vv… thực sự đã đem lại đời sống tinh thần phấn chấn và hiệu
quả tốt cho kiều bào Việt-Mỹ. Theo tục lệ truyền thống Việt Nam, Phật tử và đồng
hương xa gần thường tìm nương tựa đến chùa khi gia đình họ có hữu sự, tang chế,
rước vong siêu độ, cúng thất đám giỗ, cưới hỏi hiếu hỉ, tân gia, xây cất nhà
cửa, cầu an khi sinh nở hay bịnh hoạn, vv... Nhà chùa
tận tâm tư vấn hỗ trợ tinh thần của Phật tử, nhất là khi gia đình Phật tử có hữu
sự như trên.
Tuy nhiên, nhu cầu này cũng dần giảm bớt đi vì sống trong xã hội kỹ nghệ, tri
thức khoa học hiện đại của Mỹ, người dân quá bận rộn cho việc đi làm, con cái
gia đình, phương tiện đi lại khó khăn, cho nên đời sống tôn giáo của một số Phật
tử hình như cũng đơn giản đi nhiều. Những hình thức tín ngưỡng dân gian như dâng
sao giải hạn, phong thủy, tử vi, tướng số, xin xâm, xem ngày, giờ tốt, cũng rất
ít thấy ở các ngôi chùa Việt tại Mỹ. Ví dụ, chọn ngày lành tháng tốt để nhập
liệm, thiêu chôn, cưới hỏi, tân gia… thì nhà chùa và gia đình đều đồng ý thường
tổ chức vào cuối tuần. Vì vào các ngày thứ bảy hay chủ nhật thì các con cháu,
gia đình, thân quyến mới được nghỉ làm hay nghỉ học để tham dự làm lễ được.
Tuy nhiên, nhìn chung khách quan, vai trò tín ngưỡng, tâm linh của số đông các
chùa Việt tại Mỹ đã thể hiện hữu hiệu tích cực thông qua các hoạt động điển hình
của giáo dục và văn hóa xã hội.
3. Phát huy Vai trò của Chùa Việt trên Đất Mỹ
Để hình ảnh các ngôi chùa thực sự sống mãi và bóng y vàng của chư tăng ni giải
thoát hiện diện, các chùa thường nên mở hạ an cư, bố tát tự tứ, tổ chức dạy kinh
luật luận cho chúng xuất gia. Cần phát huy sự tu tập tâm linh, giữ giới định tuệ
để un đúc nếp sống thánh hiền. Quý sư là những nhà mô phạm xuất
thế, ngôi chùa thể hiện nếp sống thiền môn siêu thoát để thế gian kính ngưỡng
học theo. Đây là vai trò chủ chốt của ngôi Tam
bảo. Ngoài ra, các chùa nên tổ chức các lễ hội Phật giáo ở quy mô lớn,
kết hợp với văn nghệ ca nhạc góp vui thu hút quần chúng nhất là giới trẻ hiện
nay, để giới trẻ tiếp cận được các nghi lễ truyền thống Phật giáo.
Các chùa cũng nên thường xuyên tổ chức các khóa tu cho giới trẻ vì tre già măng
mọc. Sau này thế hệ trẻ sẽ giữ gìn, duy trì và tiếp nối
được Phật giáo truyền thống của tổ tiên ông bà cha mẹ mình.
Tam tạng kinh điển của Đức Phật là phương thuốc hữu hiệu để đối trị các tham
lam, sân hận, ích kỷ, buồn phiền, bực dọc mà hàng ngày dễ xảy ra trong tâm chúng
ta. Phật pháp giúp chúng ta biết quán chiếu để cân bằng và làm lắng dịu những lo
toan căng thẳng của cuộc sống. Phật pháp giúp chúng ta chánh
niệm hiện tại, biết tránh những khổ tương lai và mang lại hạnh phúc hiện tại.
Cho nên, các chùa thường tổ chức các buổi pháp thoại/hội thảo/pháp đàm song ngữ
(Anh-Việt) về các đề tài Phật pháp ứng dụng trong đời sống để giúp các Phật tử
tại gia vững chải hơn trong cuộc sống lứa đôi, trong trách nhiệm làm cha mẹ, anh
em, con cháu theo như lời Phật dạy.
Nhịp sống xã hội Mỹ bận rộn, hối hả, sôi động, gấp gáp thì một không gian già
lam tĩnh mặc uy nghiêm sẽ rất cần thiết, để giúp cho chúng ta trở lại thăng bằng
tâm tư, tĩnh tâm, buông bỏ những phiền muộn, thư thái tâm hồn. Mái chùa,
tiếng chuông, sự yên tĩnh của thiền môn là một cái gì rất thiêng liêng không thể
thiếu được trong lòng người con Phật, nhất là những kiều bào Mỹ gốc Việt. Sau
những giờ bận rộn nơi công sở, mỗi khi đến chùa như thấy lại hình ảnh của quê
hương Việt Nam với những nét trang trí hiền hòa theo văn hóa Việt Nam, được dùng
cơm chay Việt Nam, được nghe ngôn ngữ Việt Nam, được thấy hình ảnh thân thương
của quý thầy cô Việt Nam, được quỳ lạy Phật cầu ngài che chở, được thanh thản
lắng lòng theo nhịp mõ, tiếng chuông trong không gian tĩnh lặng, vv… tâm hồn của
những người xa xứ trong giây phút ấy như được đánh thức trở về với tận cõi lòng
bên trong sâu lắng, cho nên bản sắc của ngôi chùa thiền môn lý tưởng rất quan
trọng, đóng một vai trò rất lớn trong tâm hồn của người dân Việt-Mỹ. Do đó, ngôi
chùa nên được tôn trí đơn giản, gần gũi với cây cỏ thiên nhiên nhưng lại toát đầy sức sống thiền
vị và nghệ thuật. Biểu tượng của ngôi chùa là biểu tượng của
bản sắc dân tộc, bản sắc văn hóa Phật giáo cao đẹp và bản sắc giá trị truyền
thống địa phương của chùa Việt đất Mỹ.
Vị Trụ trì cùng tứ chúng (quý thầy, quý sư cô, cư sĩ nam, cư sĩ nữ) trong chùa
như là một mô hình nhỏ của tăng già, mỗi vị có những trách nhiệm riêng để duy
trì sinh hoạt trong chùa. Vị trụ trì cũng là pháp nhân đại diện cho chùa để đối nội đối ngoại.
Đối nội là tổ chức sao cho tứ chúng hòa hợp cùng chia đều công việc để chấp tác
và cùng an tu theo tinh thần lục hòa, giới định tuệ của
nhà Phật, khiến cho chùa ngày càng phát triển như một mô hình của thánh chúng
xuất thế. Đối ngoại là sắp xếp giấy tờ hợp lệ với chánh quyền
các cấp để hình thành một cơ sở tôn giáo chính thức như đăng ký với chánh phủ Mỹ
(IRS/Internal Revenue Service) là Hội Từ Thiện Không Vụ Lợi của Phật Giáo
(Buddhist Charities and Nonprofit Organizations). Đối ngoại còn là phải
giữ an hòa và thân thiện đối với hàng xóm láng giềng với nhiều nguồn gốc sắc tộc
khác nhau (người Mỹ trắng, Mỹ gốc Châu Phi, Mỹ gốc châu Mỹ La-tinh, Mỹ gốc Châu
Á…), tham gia giao lưu văn hóa cộng đồng và hoạt động xã hội với các chùa khác
và các tôn giáo khác lân cận để tạo cơ cấu liên tôn giáo với nhau. Vị trụ
trì hay chư tăng ni nên giỏi ngôn ngữ bản xứ (Anh ngữ chẳng hạn) để có thể tham
dự các buổi tìm hiểu tôn giáo, dấn thân vào các nhà thương, nhà dưỡng lão, nhà
tù hầu hướng dẫn niệm Phật, tu thiền, học Phật pháp để giúp Phật tử vững chải
tâm linh theo lời Phật dạy. Đây là những hạnh nguyện Bồ tát nhập đời cứu thế và giúp cho đạo
Phật có chỗ đứng vững chải giữa lòng xã hội Mỹ như các tôn giáo khác.
Ngôi chùa nên truyền bá Phật pháp bằng song ngữ Anh-Việt để giá trị văn hóa Phật
giáo đến được với người bản xứ và nhất là cho giới trẻ người Mỹ gốc Việt. Những
phương tiện tiên tiến của công nghệ thông tin hiện đại đã giúp cho việc hoằng
pháp lợi sanh (giảng dạy, học Phật pháp, phổ biến sinh hoạt của chùa, tìm tài
liệu online, băng đĩa DVD, CD, MP3) có hiệu quả với tốc độ nhanh chóng đáng kể.
Internet giúp cho không gian cách trở của năm châu đất nước không còn là vấn đề.
Một vị sư thuyết pháp ở một nơi, nhưng với sự trợ giúp của các công cụ truyền
thông như YouTube, Facebook, PallTalk, Twitter ... khiến ở các nơi trên quả đất
đều có thể nghe và thấy được. Một cuốn kinh để trên website
thì mọi Phật tử ở góc trời xa xôi nào cũng có thể đọc và in ra được.
Ngôi chùa bây giờ là lên online và năng suất truyền đạo của
ngôi chùa đó không chỉ giới hạn cho Phật tử địa phương mà còn cho Phật tử toàn
cầu. Đây là một hiện tượng hiếm có, tiên tiến của khoa
học kỹ thuật của thế kỷ 21 mà chúng ta có được.
Một số ngôi chùa lớn khá thích hợp trong bối cảnh hội nhập và
giao lưu đa văn hóa, song làm thế nào để duy trì không gian tu tập linh thiêng
và hạnh giải thoát nơi chùa chiền?
Đây là một vấn nạn cần suy nghĩ. Làm thế nào để ngôi
chùa phát huy được chức năng truyền thống tu tập giải thoát thiêng liêng vốn có
của nó, đồng thời vẫn phát huy và điều tiết hợp lý được những chức năng phục vụ
thực tiễn khách quan như sinh hoạt cộng đồng, nơi dạy chữ, dạy triết lý đạo Phật
và truyền dạy đạo lý làm người cho cộng đồng cư dân trong đời sống đa văn hóa
của kiều bào Việt Mỹ (của hai thế hệ: một là sanh và lớn lên ở Việt Nam, hai là
sanh và lớn lên ở Mỹ nhưng gốc là Việt Nam)? Đây là những bước đột phá,
những bước thử thách cho chùa Việt trên đất Mỹ. Đây cũng là những bước đồng sự
trong Tứ nhiếp pháp, là “Bồ đề bất ly thế gian giác” (Lục Tổ Huệ Năng – Kinh
Pháp Bảo Đàn), nghĩa là không thể rời bỏ cuộc sống thế gian này mà có tâm hạnh
bồ đề, phải ngay giữa xã hội này mà hạnh nguyện từ bi trí tuệ mới nảy mầm, sanh
trưởng, ra hoa kết trái. Thế nên trong thế kỷ 21 này, lý tưởng của bồ tát được
thể hiện rõ nơi các ngôi chùa hơn, tinh thần của chư tăng ni hòa đồng nhập thế
với xã hội hơn, lòng từ bi cứu đời của Đức Quan Thế Âm được hiển lộ rõ hơn;
trong khi vào thời Phật, lý tưởng A-la-hán, lý tưởng sớm thành Phật, lý tưởng
sớm giải thoát khỏi các triền cái, ngũ trược được thể hiện rõ hơn (như những
đoạn trên đã minh chứng).
V. DỰ PHÓNG VỀ TƯƠNG LAI CỦA CHÙA VIỆT TRÊN ĐẤT MỸ
Sự hiện diện của chùa Việt trên đất Mỹ, cả về bản sắc cũng như số lượng, tùy
thuộc vào sự hiện diện của chính bản thân Phật giáo Việt Nam trên đất Mỹ. Mà
Phật giáo Việt Nam, sau 37 năm tính từ năm 1975, vẫn đang trong quá trình hình
thành với tất cả những biến số do cơ hội và thách thức mà xã hội và văn hóa Mỹ
đặt ra. Do đó, dự phóng chính xác về tương lai của chùa Việt là một điều bất khả
thể.
Tuy nhiên, chúng ta có thể nhận diện và đánh giá sơ khởi ba yếu tố chính yếu sẽ
tác động lên “sinh mệnh” của chùa Việt trên đất Mỹ trong một tương lai không xa:
- Trước hết, và quan trọng nhất, nói đến chùa Việt là nói đến sự hiện diện của
một Tăng đoàn Việt chủ yếu được đào tạo và tu tập theo truyền thống Phật giáo
Việt Nam để trụ trì các ngôi chùa đó. Quý Thầy Cô nên sống và ứng xử
theo văn hóa Việt Nam. Nếu vị trụ trì một ngôi chùa (và các chư Tăng Ni
đồng trú) mà không có “tính Việt Nam” đó trên cả hai truyền thống Phật giáo Việt
và bản sắc Văn hóa Việt, thì ngôi chùa đó khó có thể gọi là một ngôi chùa Việt
Nam được dù nó ở Mỹ, Úc, Đức hay ngay cả ở trên đất Việt Nam. Với hai điều
kiện đó, có vẽ như theo thời gian, và với hiện tượng tiếp biến văn hóa
(acculturation) tại Mỹ, một Tăng đoàn thuần Việt sẽ càng ngày càng nhỏ lại khiến
cho lượng chùa Việt Nam sẽ ít đi, có thể dần dần biến mất để hóa thân thành một
ngôi chùa “X phần Việt, Y phần Mỹ”, mà giáo sư Phật học Charles Prebis gọi là
hiện tượng “hybridity” trong Phật giáo. (Xin lưu ý rằng các tôn giáo độc thần và giáo quyền tập trung không
có hiện tượng hybridity nầy. Chỉ riêng Phật giáo, với
đặc tính tùy duyên bất biến, mới đủ nội lực để thiên biến vạn hóa trong một
không gian văn hóa mới như thế nầy).
- Thứ nhì là sự hiện diện của một cộng đồng Phật tử Việt Nam tại Mỹ, vốn là lực
lượng hộ pháp của ngôi chùa. Thống kê Dân số của US Census Bureau 2010 cho
biết số người gốc Việt ở Mỹ là 1,550,000 người, trong đó 25% dưới 17 tuổi. Độ tuổi trung bình là 35 năm và già đi 20% so với 10 năm trước.
Census 2010 không cho biết tôn giáo của người gốc Việt, nên ta không biết có bao
nhiêu Phật tử Việt tại Mỹ (và tăng trưởng/suy giảm như thế nào so với năm 2000),
nhưng hai dữ liệu trên cho ta thấy người Mỹ gốc Việt đông người trẻ mà lại già
nhanh, vốn là hai yếu tố bất lợi cho các chùa Việt Nam tại Mỹ: Trẻ thì ít đến
chùa, mà già thì khả năng hộ pháp bị giới hạn. Hiện nay, trong hạnh nguyện phục
vụ chúng sanh, chùa Việt đang được xây thật lớn và thật nhiều tại Mỹ. Những bài
học của chùa Trung Quốc tại California rất đáng để cho chúng ta suy nghĩ hầu tìm
ra một cách thế phát triển chùa bền vững và hiệu quả hơn, dù thuần Việt hay
hybrid Việt-Mỹ.
[Theo Wikipedia và PEW: Tại California, năm 1875 chỉ có 8 chùa Trung Hoa.
Năm 1900, nhờ cuộc xuất cảnh nhân công để làm đường sắt xuyên lục địa Pacific
Railroad, Phật tử người Hoa xây thêm 400 chùa mới. Và
lên đến cao điểm gần 900 chùa nhờ chương trình di dân (1945-1965) của chính phủ
Mỹ sau khi ông Mao Trạch Đông chiếm toàn Hoa Lục. Hiện nay, sau gần
50 năm, chỉ còn lại không đến 10 chùa lớn, loại Đại Tùng lâm như chùa Vạn Phật
Thánh Thành (1974, Mondecino) hay chùa Tây Lai Phật Quang Sơn (1986, Los
Angeles)].
- Thứ ba là không gian xã hội và cảnh quan văn hóa Mỹ đang có những trở mình
thuận lợi cho Phật giáo. Cuộc khủng hoảng bốn-tầng về giáo lý, giáo chế, giáo
quyền và giáo sản của tôn giáo chủ đạo tại Mỹ là Thiên Chúa giáo (Tin Lành và
Công giáo) đã mở ra một cơ hội cho người Mỹ thử nghiệm Phật giáo như một con
đường tâm linh mới gần gũi với họ hơn, và có khả năng giải quyết một cách hiệu
quả những vấn nạn đời thường của họ. Theo phúc trình năm 2008 và 2012 của
Trung tâm Nghiên cứu PEW thì Phật giáo là tôn giáo có số lượng tín đồ tăng
trưởng nhanh nhất tại Mỹ 170% (trong 10 năm 1990-2000) và chúng ta có cơ sở để
tin rằng xu thế nầy là khó có thể đảo ngược được. Tín đồ (Mỹ, hay Mỹ gốc Việt
thế hệ sau) tăng thì cơ sở tu tập, trong đó có các chùa, hầu như cũng phải tăng. Vậy thì kiến trúc và nội thất, nghi thức và ngôn ngữ, tông phái và
hành trì … trong các chùa Việt Nam có phải thay đổi không?
Nếu có thì thay đổi như thế nào? Tác động sẽ ra sao
trên bản sắc “thuần Việt” của nó?
VI. KẾT LUẬN
Tóm lại, nhìn lại chặng đường dài của 26 thế kỷ đã qua, sau khi Đức Thế Tôn du
hành từ Bồ-đề-đạo-tràng đến Lộc Uyển và thành lập tăng đoàn Phật giáo, dù trải
qua những giai đoạn thăng trầm, suy hưng của thời thế, dù trải bao giai đọan
thành trụ hoại không của quy luật vô thường nhưng hình ảnh ngôi chùa với sứ mạng
mang thông điệp giải thoát thực tiễn của Đức Phật vào cuộc đời vẫn còn mãi trên
thế gian và được truyền bá rộng rãi trên khắp năm châu thế giới. Ngôi chùa tâm
linh Phật giáo thực sự đã có chỗ đứng vững chải trong lòng yêu đạo của những
người con Phật, nhất là thế kỷ 21 này, với sự góp mặt của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ
14 và tăng đoàn Tây Tạng của ngài, cũng như với Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh và
Tăng thân Làng Mai của Việt Nam, Phật giáo đã trở thành một tôn giáo lớn và được
nhiều giới trí thức Âu Úc Mỹ biết đến và tu tập theo.
Trong khuynh hướng tiến triển chung
đó, chùa Việt trên đất Mỹ đã thực sự khởi sắc và góp mặt cho đời. Dù lý tưởng
giải thoát hay lý tưởng nhập thế thì ngôi chùa vẫn là một cõi tâm linh thiêng
liêng để mọi người lắng lòng hướng về. Ngôi chùa thực sự đã góp phần như một biểu tượng của tâm linh hướng
thượng và của bản sắc văn hóa Phật giáo truyền thống nước Việt tại xứ Hoa Kỳ
này. Chư tôn đức Tăng Ni đã vượt nhiều khó khăn, nhiều trở ngại giữa
những bất đồng văn hóa để thành lập được những ngôi chùa thiêng liêng, để toả
sáng những giá trị tâm linh quý giá. Các ngài đã hy sinh vì đạo, vì đời để duy trì và phát triển nếp sống
văn hóa của dân tộc và Phật Giáo Việt Nam tại Mỹ này. Thật là công đức
cao vời! Đúng như ông Thị trưởng thành phố Santa Ana Miguel Pulido, nhân đại lễ
khánh thành Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo – Chùa Bảo Quang tại Santa Ana,
California, vào ngày 14/10/2012, đã đại diện cho các cấp chánh quyền trong Quận
Cam, California, Hoa Kỳ, để biểu dương công đức tốt đời đẹp đạo của chư Tôn đức
Tăng Ni như sau:
“Chúng tôi xin cảm ơn sâu sắc Hòa Thượng Thích Quảng Thanh đã mất nhiều công sức
tạo dựng nên ngôi chùa đẹp đẻ nầy cho thành phố Santa Ana, [Hòa Thượng cũng] đã
phát cơm miễn phí cho người nghèo vô gia cư trong hai mươi năm qua. Chúng tôi
rất hãnh diện về hành động tốt lành đó của Hòa Thượng. Ngoài chùa Bảo Quang, còn
có chín ngôi chùa khác tại Quận Cam nữa như chùa Bát Nhã, chùa Huệ Quang, chùa
Liên Hoa, chùa Phổ Đà, chùa Việt Nam, chùa Điều Ngự, chùa Dược Sư, chùa Diệu
Quang và chùa của Thầy Hằng Trường đang được xây cất. Mười ngôi chùa này cùng các chùa khác cũng giống như những viên ngọc
quý làm đẹp thành phố Santa Ana của chúng ta. Những
ngôi chùa [Việt Nam] này cũng đã đóng góp vào việc giáo dục người dân thành
những công dân tốt, và góp phần xây dựng xã hội chúng ta được hoàn hảo trong
nhiều lãnh vực. Chúng tôi thành thật ghi ơn toàn thể
chư Tôn đức Tăng Ni và quý Phật tử về công trình cao quý này.”
(We would like to show my deep thankful feelings to Ven. Thich Quang Thanh who
spent lot of hard works to build a beautiful temple for Santa Ana city, has
given a lot of foods to homeless people in the past twenty years. We are so
proud of his good deeds. Besides Bao Quang temple, our Orange County also has
another nine temples such as Bat Nha, Hue Quang, Lien Hoa, Pho Da, Viet Nam,
Dieu Ngu, Duoc Su, Dieu Quang, and the other from Ven.
Hang Truong is undercontructed. These ten temples and others are as the valuable
jewels to make our Santa Ana city beautiful. These temples also have contributed
in educating people to be good citizens and building our society to be perfected
in many fields. Our sincere acknowledgements go to all the abbots, abbesses, and
Buddhist followers for this noble work).
Lập Đông, Hương Sen Tự, 14/12/2012
Thích Nữ Giới Hương
Xin xem Slideshow:
http://www.chuahuongsen.com/Vietnamese/HinhAnh.html/slideshow Chùa Việt Đất Mỹ
do Ni Sư Giới Hương Thuyết Trình. ppsx