Hoàng Công Danh
Buổi chiều sư thầy đi làm lễ an vị tượng Phật cho nhà một đạo hữu trong vùng
về, vừa bước vào thềm hiên đã ngửi thấy
có mùi thơm là lạ. Lòng thầy trỗi lên một chút thắc mắc, chẳng lẽ
có ai đến viếng Phật mà xức nước dầu hoa thơm đến vậy? Thầy đi vòng về
phía sau thất, thấy mấy bộ áo quần được giặt giũ, treo phơi phía sau hiên nắng.
Chợt như đã nhận ra điều gì đó, thầy ậm ừ rồi đi vào phòng.
Lát sau điệu Sanh chạy vào. Gặp thầy, điệu hỏi:
- Thầy
có thấy mùi thơm không?
- Có, thơm lắm con.
- Dạ. Hồi nãy cô bán vải tới đây, gom mấy bộ áo quần của thầy
và con đem đi giặt. Giặt xong cô cho thêm nước xả vào nên
thơm vậy đó. Mùi này thích thật, thầy nhỉ?
- Ừ. Nhưng con mặc áo quần thơm
như vậy không sợ người ta đến ôm riết hay sao?
Nói xong thầy mỉm cười, điệu Sanh cũng bật cười theo.
MInh họa của Kim Duẩn
*
Tối hôm đó thầy ngồi soạn pháp, mấy bộ áo quần lúc chiều phơi khô tuy đã xếp cất
trong ngăn tủ nhưng mùi hương vẫn tỏa ra ngập căn phòng. Cái
thứ hóa chất thời hiện đại ghê gớm thật. Ngày trước ông bà mình dùng quả bồ hòn giặt áo, sau có bánh xà bông của Liên Xô đã là mừng.
Thế mà nay giặt xà phòng thơm, còn thêm nước xả vải sực
nức. Càng ngày cái hương bám trên áo quần càng phong phú, có nghĩa cái
sự tu hành của thầy cũng gặp phải nhiều mê hoặc quyến rũ.
Từ trước tới nay, việc giặt giũ thầy tự lo tất.
Kể cả khi
có điệu Sanh vào chùa thì thầy cũng giặt thêm đồ áo quần của điệu ấy. Thầy định bụng thêm một thời gian nữa sẽ cho điệu Sanh tự tắm rửa,
giặt giũ. Tập cho điệu ấy thói quen tự lập.
Thế mà hôm nay chị bán vải lại đến giặt giúp.
Công ơn ấy thầy mang. Nhưng làm thế phiền phức lắm. Có khi lại khiến cho điệu Sanh lười biếng ỉ lại thì công sức
tu tập cải nghiệp hóa bằng không.
Dạo này trong vùng có nhiều việc cần đến thỉnh thầy.
Vì thế sư thầy trở nên bận rộn hơn với công tác bên ngoài chùa. Nhà thì
cầu siêu độ linh, nhà lại an vị tượng Phật. Xem ra công lao hoằng hóa của thầy đã có nhiều
thiện duyên tốt đẹp và trổ những mầm pháp nhiệm mầu. Nhưng đôi
lúc ham đối ngoại mà quên mất phần đối nội. Cứ lo việc độ sinh mà quên
sửa mình thì chưa phải đắc tu. Có khi bộ áo
quần thay ra chưa kịp giặt, thầy đã phải xách tay nải
đi cho kịp giờ hẹn với người ta. Chị bán vải biết rõ chuyện bận rộn của sư thầy,
nên cũng muốn cáng đáng giúp thầy một tay, ít nhất là những công việc thuộc về nữ công.
Hôm nay chị lại đến, sư thầy không có ở chùa, chỉ mình điệu Sanh chơi ở ngoài sân.
Chị hỏi chú Sanh mặc áo cô giặt có được không? Sanh nói
thơm lắm cô. Chị cười, vui.
Vậy để cô giặt tiếp nghe. Nói xong chị đi vào trong
thất, lấy bộ áo quần sư thầy treo bên vách. Điệu Sanh nhanh nhảu ôm thêm
phần áo quần của mình, vo cuộn trước bụng.
Đây nữa cô.
Sanh ra giếng theo chị. Điệu quay
trục gỗ, kéo gầu nước từ giếng lên. Cái trục quay này
thầy mới làm từ hồi có Sanh vào chùa cho điệu ấy tập kéo nước.
Lần đầu điệu Sanh kéo không quen, chiếc gầu chao đảo nên khi lên tới miệng giếng
chỉ còn được phân nửa. Kéo lần thứ hai thì dây gầu đứt.
Thầy phải dùng cái sào khều lên. Vừa nối dây thầy vừa
dạy cho điệu. Kéo như con vừa mất sức, lại hao nước. Muốn kéo gầu phải từ từ, điềm đạm, bình tĩnh.
Quay đều trục để gầu nước không chao đảo. Nếu bất ngờ
giật mạnh thì dây gầu căng quá mức sẽ bị đứt. Tu cũng
thế, phải canh giữ tâm mình như giữ nước trong gầu. Nếu
vồn vã bộc trực thì cái tâm rời bỏ ta ngay. Phải lần theo từng nấc gầu lên như lần tìm tâm ta.
Tối hôm đó thầy lại dạy tiếp cho điệu Sanh về mười bức tranh thiền trong Mục
ngưu đồ.
Thầy dừng lại ở bức thứ hai,
có tên “Kiến tích”, tức thấy dấu. Khi đứa trẻ chăn trâu để con
trâu đi lạc thì phải lần theo từng dấu chân trâu mà
tìm. Đó chính là sự minh họa cho việc tìm lại tâm ta khi bị
lung lạc. Bây giờ thì Sanh đang kéo nước lên cho chị giặt áo, kéo đều đặn như
niệm kinh.
Sanh ngồi bên, vốc lấy một ít bọt xà phòng rồi đưa lên thổi
cho bong bóng bay.
Nắng chiều soi qua quả bóng nhỏ ánh lên màu sắc khiến điệu
thích thú mà cười reo lên. Chị ngồi giặt áo, trông thấy sự hồn nhiên dễ
thương của điệu cũng vui lây, nhưng đỏ hoe con mắt.
Sư thầy đã về, nghe tiếng cười ran sau thất biết chắc điệu Sanh đang ở đó.
Thầy thong thả bước lui giếng. Chị bán vải đang dở tay vò áo, ngẩng lên chào thầy. A Di Đà Phật, thầy lượng thứ,
con đang bận tay chút. Thầy cũng chào chị, rồi nói:
- Chị đến hồi nào, sao không ngồi chơi, bầy ra giặt giũ làm chi cho cực.
Chị cười nhẹ:
- Con cũng vừa đến. Có gì đâu thầy.
Nghe chú Sanh nói mấy bữa nay thầy bận. Con thì buổi
chiều thư
thả, lên đây coi đỡ đần được thầy chút nào cho thầy an tâm đi làm Phật sự.
- Phiền chị quá. Dạo này cũng có bận chút
ít thôi chị.
Nói xong thầy vào trong tịnh thất, cất tay nải. Mùi thơm
nước xả vải hôm trước vẫn còn phảng phất quanh đây. Ngoài giếng thêm tiếng cười
nghịch của điệu Sanh pha
với tiếng cười vui của chị. Thầy cảm thấy rộn lên trong lòng một chút xốn xang.
Nắng lọt qua khe cửa. Hương thơm và tiếng người.
Ấm áp sum vui hay quấy động cửa thiền đây? Thầy cũng khó nghĩ
quá. Thà chén cơm thìa canh cúng dường, thì thầy hoan
hỉ nhận. Ngày xưa đức Phật tu hành cũng dựa vào sự bố thí của chúng sanh đó
thôi. Đằng này chị đến giặt giũ, việc ấy chạm vào hơi sâu cuộc sống cá
nhân của thầy trò. Mà thầy vẫn mạnh khỏe, có bận việc
đôi chút nhưng chưa đến nỗi không thể tách ra nửa giờ đồng hồ để vo vải.
Sư thầy lấy tờ văn sớ cầu an ra, định đề nội dung vào, chuẩn bị để tối nay đi làm lễ
nhà một đạo hữu trong vùng. Tờ sớ cầu an giấy vàng, chữ ở trong đã có in sẵn
Hán tự và phiên âm Hán -Việt. Thầy chỉ việc điền thêm nội dung tên gia chủ, ngày
tháng, lễ vật… Thầy lật tờ sớ, cầm bút lên, rồi bất chợt tay
thầy mềm lụn không thể thảo chữ được. Tâm
có an đâu mà bảo viết sớ cầu an cho đặng.
Xếp tờ sớ lại, thầy đi kiếm nước pha trà rồi bê ra đầu
hiên. Chị đang xả vải sau giếng.
Mùi nước xả thơm phức len tới tận chỗ thầy đang ngồi. Thầy ngắm ao sen bên vườn. Tháng bảy sen nở muốt mát, bung cánh trắng, hương sen thoảng nhè
nhẹ. Thầy thích cái mùi hương ấy, nhẹ như không. Bây giờ thì cái mùi nước xả lất át hết làm cho thầy có cảm giác sợ.
Chị gái đã phơi áo quần xong, đi khẽ về phía thầy, kéo ghế
ngồi. Thầy rót trà.
- Chiều nay nắng nhẹ, gió phây phẩy, mát thầy nhỉ?
- Ừ. Nhưng gió làm mùi hương tỏa đi ngát quá.
Thầy đáp. Miệng mỉm cười.
Câu nói hóm hỉnh nửa như khen, nửa lại nhắc khéo.
- Chú Sanh thì thích mùi này lắm. Còn thầy, không biết sao.
- Cũng thơm đấy chị ạ. Nhưng… Tôi
thấy ngại. Trong bát quan trai mà đức Phật dạy hàng tăng chúng đệ tử, có một giới tịnh là không nên nằm giường cao
nệm đẹp và xa hoa.
- Cái mùi hương thì có gì đâu mà xa hoa hả thầy? – Chị thắc mắc.
- Là tại vì những thứ như vầy, ăn
ngon mặc đẹp, nó khiến người tu hành dễ lún vào si mê, kích thích lòng tham sân,
xao nhãng việc tu tập.
Chị thoáng buồn, có cảm giác
như việc làm của mình bị thừa ra.
Tại chị mới tới chùa một thời gian ngắn, vừa để an tịnh
tâm mình, đôi khi nghe thầy mạn đàm chuyện đạo chứ chị chưa học luật. Không biết rõ những giới nghiêm của nhà chùa âu cũng là chuyện
thường tình.
Sư thầy nhận ra ngay cái sự rầu tức thời của chị.
Đàn bà họ thế, dễ chạnh lòng lắm. Nhất là những người không chồng không con như chị, họ càng dễ tủi
thân.
Thầy pha một chuyện đùa cho vui.
- Tôi nói cái này nghe mà cười. Biết là chị bán vải, nhưng vẫn
kể. Ví thử người ta mải mê trang trí làm đẹp cho bản thân thì có thời giờ đâu nữa để học hỏi, sửa mình, đúng
không. Và lúc đó chắc chị bận rộn bán cả ngày, cũng không tới chùa được đâu
nhỉ.
Hai người cùng cười. Chị đã thấy vui. Cái chỗ hay của sư thầy là ở đó. Mỗi khi có sự buồn
phiền mà có thầy an
ủi là buồn chóng tan. Thầy đọc được tâm lý của người ta và có cách để
chia sẻ với họ trong mọi tình huống. Chị thích lên chùa gặp thầy, thích
sự nhẹ nhàng, trìu mến mà không kém phần dí dỏm trong từng lần
pha chuyện.
- Dạ, con nghe. Thế lần sau con không dùng nước xả nữa.
Còn lần sau nữa sao. Ái chà chà, rắc
rối quá. Tưởng nói xa nói gần cái chuyện nước xả để chị
hiểu ra rằng thầy tự lo được.
Ai ngờ chị ấy chẳng chịu hiểu cho.
Thầy nhớ có lần hồi
thầy đang là thanh niên ở làng, thầy không cho ai giặt áo quần của mình cả.
Một hôm mẹ thầy giặt cho thầy, bà không biết cứ dùng cả hai
tay mà xát cho sạch khiến cái áo nhăn nheo hết. Thầy
phải nhúng áo vào nước giũ một hồi lâu mới đỡ nhăn. Bà
mẹ thấy thế thì trách, tôi biết anh rồi đấy, đang tuổi đi gò đi ghẹo sợ mặc nhăn
nhúm con gái nó không ưa chứ gì. Nói cho anh biết nhé, nó đã phải lòng
thì anh có ở truồng nó cũng theo. Thầy bật cười, vui vui.
Mới đó mà hơn ba chục năm. Bà cụ thân sinh đã về bên
kia, mà thầy còn nhớ cái sự ngúng nguẩy của bà khi bị đứa con tỏ vẻ không
cần giặt áo giúp. Và bây giờ đây, thầy cũng không dám nói
thẳng, sợ làm tổn thương đến chị.
*
Chiều hôm sau, nghỉ trưa xong là thầy gom áo quần ra giếng.
Điệu Sanh cũng tỉnh giấc, dậy theo.
- Sao hôm nay thầy giặt sớm thế?
- À, tranh thủ trời nắng, giặt phơi cho chóng khô.
Chiều lỡ có mưa.
Điệu Sanh không hỏi nữa, đi theo
thầy ra giếng quay nước.
Thầy vo vải nhanh hơn mọi khi. Vội vội vàng vàng như sợ ai tranh mất việc.
Điệu Sanh mới ngủ dậy, hơi uể oải, kéo chậm dây gầu khiến thầy phải nhắc.
- Nhanh con. Áo rút khô hết xà bông rồi đây này.
Điệu Sanh bất ngờ quay mạnh tay
trục, dây đứt, chiếc gầu choảng xuống giếng kêu lên một tiếng rõ to.
- Con không cẩn thận. Lại phải mất công thầy nối dây rồi - Sanh nói
Nhưng thầy nhỏ nhẹ:
- Tại ta quên giữ tâm đó thôi. Lấy chiếc sào quấy tìm thôi
con.