Trước khi rời khỏi những khu rừng, từ bỏ con sông, theo
hương lộ đến các thôn làng, đức Phật còn định nói thêm một thời pháp ngắn về đàn
bò và con sông nữa.
Ngay lúc ấy, nhị vị đại đệ tử là tôn giả
Sāriputta và tôn giả Mahā Moggallāna từ đâu đó xuất hiện, đảnh lễ và ôm chân bụi
của đức Đạo Sư.
Đức Phật mỉm cười hỏi:
- Hai ông có biết mấy thời pháp vừa rồi của Như Lai không?
Cả hai vị đồng đáp:
- Thưa, chúng đệ tử có nghe.
- Vậy thì Như Lai đã thuyết những gì?
Tôn giả Mahā Moggallāna đáp:
- Thưa, tỳ-khưu Sotthiya nói về mười loại cỏ thì đức Đạo Sư giảng thuyết về mười
pháp cần phải thấy biết, liễu tri. Có pháp nên viễn ly, xa
lánh, pháp nên thực hành, y chỉ, pháp nên đoạn tận, trừ diệt, pháp nên huân tu,
trưởng dưỡng ... vân vân và vân vân.
- Đúng vậy! Còn thời pháp thứ hai?
Cũng tôn giả Mahā Moggallāna đáp:
- Thưa! Về mười một pháp của người chăn bò khéo giỏi chính là
mười một pháp làm cho một vị tỳ-khưu tồn tại, lớn mạnh trong pháp và luật của
đức Thế Tôn.
- Đúng vậy! Còn bây giờ, khi nhìn con sông này, cái dòng nước đang trôi chảy
kia, Như Lai chợt nghĩ đến đấy là dòng khổ đau, phiền não; là dòng vô minh ái
dục, là dòng sinh tử vô tận, là dòng ma vương trùng trùng thì giáo pháp của Như
Lai là nhằm để lội qua, bơi qua dòng sông ấy. Có lần, tại bộ lạc Vajjī (Bạt-kỳ)
tại Ukkacela, trên bờ sông Hằng, Như Lai đã có thuyết rồi đấy, ông có biết
không, có nhớ không?
Tôn giả Sāriputta nói:
- Đệ tử có nhớ! Hôm ấy, đức Tôn Sư có nói rằng, Như Lai có cảm giác là đang dẫn
một đàn bò sang sông. Và rồi, đức Tôn Sư đã thuyết một thời
pháp về đề tài “Đàn bò sang sông” ấy.
- Vậy thì hôm ấy, Như Lai đã thuyết ra sao, ông có thể trùng tuyên cho đại chúng
nơi này cùng nghe, được chăng?
Vâng mệnh đức Thế Tôn; và rồi tôn giả Sāriputta đã thiện thuyết như sau:
- Đại chúng huynh đệ! Hôm ấy, đức Thế Tôn đã kể chuyện rằng: Ngày xưa, này các
tỳ-khưu! Tại Māgadha có người chăn bò ngu si, vô trí vào cuối tháng mùa mưa, y
không để tâm quan sát phía bên này sông, quan sát bên kia sông, cũng không thèm
quan sát bến nước lội qua; tại Suvideha, y đuổi đàn bò qua sông tại chỗ không
thể lội qua được, nước lại đang trôi chảy cuồn cuộn.
Thế là cả đàn bò hớt hãi xô nhau tụ lại giữa dòng, quẫy đạp, kêu rống, tuyệt
vọng giữa dòng nước dữ, chúng gặp tai nạn, có con bị cuốn trôi hoặc có con bị
chết đuối cả...
Cũng vậy, này các tỳ-khưu! Có những sa-môn hay bà-la-môn không khéo biết đời này
với nhân với duyên với quả như vậy; không khéo biết đời sau với nhân với duyên
với quả như vậy; không khéo biết ma chướng, ma giới, ma cảnh là đâu; không khéo
biết lìa khỏi ma chướng, ma giới, ma cảnh như thế nào; không khéo biết cõi của
thần chết, không khéo biết làm thế nào để bước ra khỏi cõi của thần chết; vậy mà
chúng dám tự xưng là đạo sư, chân sư rồi giảng thuyết khắp cõi Diêm-phù-đề!
Những ai nghĩ rằng cần phải nghe, cần phải tin những vị này; tu tập, thực hành
theo
lời dạy bảo của họ thì sẽ gặp bất hạnh và đau khổ lâu dài, như đàn bò cùng quẩn
tuyệt vọng trong dòng nước dữ của người chăn bò ngu si, vô trí kia vậy.
Cũng ngày xưa, này các tỳ-khưu! Tại Māgadha có người chăn bò thông minh, có trí,
vào cuối tháng mùa mưa, y đi dọc theo con sông, cẩn
thận quan sát chỗ nào có dòng nước không chảy xiết, cẩn thận quan sát bờ bên này
có bến nước dễ xuống, cẩn thận quan sát bờ bên kia có dốc thoải và đám cỏ
bằng...
Sau khi nhìn ngắm kỹ càng một
lần nữa, đầu tiên y cho những con bò đực già, những con đầu đàn khôn ngoan, giàu
kinh nghiệm qua sông trước. Những con bò này sau khi lội cắt ngang dòng
sông Hằng, qua bờ bên kia một cách an toàn, chúng đứng
thảnh thơi ăn cỏ rồi đưa mắt ngước nhìn sang bên này bờ. Người
chăn bò thông minh, có trí mỉm cười rồi y lựa những con bò đực lớn mạnh, những
con bò đực đã từng được huấn luyện kỹ càng tuần tự cho qua sông. Rồi nối
đuôi theo sau là những con bò đực thanh niên, những con bò cái thanh nữ, những
con bò thiếu niên, thiếu nữ, những con bò ấu nhi vừa chạy vừa kêu, những con bò
con đang còn bú, mới sanh cứ tuần tự theo lộ trình an toàn sau trước cắt ngang
dòng sông, sang bờ một cách tuyệt đối an toàn.
Cũng vậy, này các tỳ-khưu! Có những sa-môn hay bà-la-môn khéo biết đời này với
nhân với duyên với quả như vậy; khéo biết đời sau với nhân với duyên với quả như
vậy; khéo biết ma chướng, ma giới, ma cảnh là đâu; khéo biết lìa khỏi ma chướng,
ma giới, ma cảnh như thế nào; khéo biết cõi của thần chết, khéo biết làm thế nào
để bước ra khỏi cõi của thần chết. Những người như vậy, tuy họ chẳng tự xưng là
đạo sư, là chân sư; nếu họ thuyết giảng tùy pháp, thuận pháp nơi này và nơi kia,
thì các ngươi cần phải nghe, cần phải tin những vị này; tu tập, thực hành theo
lời dạy bảo của họ thì sẽ gặp hạnh phúc và an lạc lâu dài như đàn bò an toàn
sang sông, thảnh thơi gặm cỏ của người chăn bò thông minh, có trí kia vậy.
Và này chư vị tỳ-khưu! Những con bò đực già, đầu đàn,
khôn ngoan, nhiều kinh nghiệm cho qua sông trước, cắt ngang dòng Gaṅgā là những
ai vậy? Chính họ là những bậc A-la-hán, đã đoạn trừ các lậu hoặc, tu hành thành
mãn, các
việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng trên vai xuống, đã đạt được mục đích phạm
hạnh, các hữu kiết sử đã hoàn toàn bị đoạn diệt, đã được giải thoát nhờ chánh
trí. Những vị này, sau khi lội cắt ngang dòng sông ma vương, dòng sông sinh tử,
dòng sông khổ đau phiền não; họ đã qua bờ bên kia một cách an toàn, thong dong
nếm thưởng hương vị giải thoát.
Những con bò đực lớn mạnh, những con bò đực đã từng được huấn luyện kỹ càng tuần
tự cho qua sông là những ai vậy?
Đấy là bậc A-na-hàm, những vị tỳ-khưu sau khi đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, được
hóa sanh tại cõi trời Ngũ tịnh cư rồi Niết-bàn tại đấy, không còn phải trở lại
thế gian này nữa.
Rồi nối đuôi theo sau là những con bò đực thanh niên, những con bò cái thanh nữ,
những con bò thiếu niên, thiếu nữ, những con bò ấu nhi vừa chạy vừa kêu, những
con bò con đang còn bú, mới sanh cứ tuần tự theo lộ trình an toàn sau trước cắt
ngang dòng sông, sang bờ một cách tuyệt đối an toàn; họ là những ai vậy?
Họ là các bậc Tư-đà-hàm, Tu-đà-hoàn.
Còn những con bò ấu nhi vừa chạy vừa kêu, những con bò con đang còn bú hoặc mới
sanh chính là những tỳ-khưu, những tỳ-khưu-ni tùy tín hành, tùy pháp hành trong
giáo pháp của Như Lai, trước sau họ đều sẽ sang bờ một cách an toàn và an vui
như vậy.
Này các tỳ-khưu! Các ngươi đừng nghĩ người chăn bò thông minh,
có trí ấy là ai?
Là Như Lai đấy! Còn hội chúng tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni là đàn bò đang lần lượt cắt
ngang dòng sông ma vương, dòng sông sinh tử, dòng sông phiền não khổ đau để sang
bờ kia một cách tuyệt đối an toàn.
Này đại chúng huynh đệ! Thế Tôn thuyết giảng như vậy xong, ngài còn nói thêm bài
kệ:
“- Đời này và đời sau,
Như Lai khéo trình
bày,
Cảnh giới ma, không ma
Thần chết, không thần
chết
Bậc chánh giác, trí
giả,
Biết rõ mọi thế giới,
Cửa bất tử rộng mở,
Dòng ma bị chặt ngang,
Nát tan và hư hoại,
Hãy sống sung mãn hỷ,
Đạt an ổn Niết-bàn!”
Sau khi tôn giả Sāriputta thuyết xong, đức Phật khen ngợi:
- Quả thật là thiện thuyết, này Sāriputta! Nếu Như Lai có thuyết lại cũng chỉ thuyết được như vậy mà thôi.
Ông quả thật là xứng đáng được hội chúng tỳ-khưu xưng tán là thượng thủ, là pháp
chủ trong giáo hội của Như Lai!
Trích từ Một Cuộc Đời - Một Vầng Nhật Nguyệt 5
·
Tác
giả:
Minh Đức Triều Tâm Ảnh