Tác
giả: Trần Ngọc Vương
Nhậm ngôi cao, lập công
lớn, sớm thành bậc thượng trí minh triết, Trần Nhân Tông kịp dành phần lớn cuộc
đời mình để phụng sự cho cộng đồng.
Trong lịch sử Việt Nam từ
sau thời điểm phục hưng được chủ quyền quốc gia (939), hiện tượng những người có
thân phận ra đời trong hoàng gia, được quyền kế thừa ngôi vua hoặc ít nhiều có
cơ hội để tranh đoạt ngôi vị đó nhưng lại thờ ơ với nó trên thực tế không phải
là hiếm. Cả khi đã đăng cơ, một vài trong số họ vẫn nuôi giữ ý
định rời bỏ ngôi vị. Có thể kể một số trường hợp tiêu biểu, chẳng hạn như
cháu đích tôn của Ngô vương Quyền là Ngô Xương Tỷ, xuất gia tu hành ngay từ thời
ông nội còn tại vị, về sau là vị Quốc sư của cả nhà Đinh và nhà Tiền Lê: Khuông
Việt Đại sư Ngô Chân Lưu; Lý Nhân Tông từng hờ hững với ngôi vua để đến nỗi xảy
ra vụ kỳ án Lê Văn Thịnh.
Trần Thái Tông từng bỏ
ngôi vua trốn triều đình lên Yên Yử quyết chí tu hành với câu nói nổi tiếng "Ta
đã trút bỏ ngôi vua như trút bỏ đôi giày rách" tuy rồi lại không từ bỏ được...
Sử gia nhà Nho các đời
sau khi chép sử triều Trần đều chung hàm ý đánh giá, rằng nhà Trần "về khoan hậu thì có thừa
mà về nghiêm trọng (nghiêm khắc, trang trọng) thì không đủ".
Đương nhiên, khuynh hướng
vận động chung của hệ tư tưởng xuyên suốt từ Ngô, Đinh cho tới tận triều Nguyễn
vẫn là càng ngày càng thần thánh hóa, tuyệt đối hóa ngôi vua, vì thế mà nhìn
chung, lịch sử càng nối dài thì sự chồng tầng theo hình kim tự tháp của kết cấu
xã hội càng trở nên nặng nề, và khát vọng vươn lên địa vị tột đỉnh ở mỗi cá thể,
vì thế cũng ngày càng mãnh liệt. Nhưng cuộc đời và hành trạng của Trần Nhân Tông
trong thực tế lại đặt ra một số vấn đề theo một đường
hướng khác.
Để hiểu Trần Nhân Tông,
hẳn rằng phải trả lời một câu hỏi đặc biệt: rằng khi ai đó đã có địa vị (thậm
chí từ thuở lọt lòng) là "bề trên tự nhiên", một vị trí độc đắc, tối thượng mà
bối cảnh lịch sử - cụ thể không làm xuất hiện đối thủ tranh giành, rồi người đó
lại được hưởng thụ một nền giáo dục hoàn hảo bậc nhất của thời đại mình, tự giáo
dục một cách ráo riết với một tư chất bẩm sinh là phi phàm, thì rốt cuộc, người
ấy có thể muốn gì và có thể làm gì với đời sống và sinh mệnh của chính mình,
theo yêu cầu tối ưu hóa tồn tại?
Triết lý sống xuất hiện
từ xa xưa trong nền văn hóa Trung Hoa rồi phổ cập ra toàn vùng Đông Á về mục
tiêu rốt ráo của đời người là làm sao để "dự" được vào một trong ba vị trí:
lập đức, lập công hay lập ngôn, gọi là "tam bất hủ".
Mẫu người cầm quyền lý
tưởng theo
Nho giáo là thánh vương, trên thực tế lịch sử là hiền nhân lập đức.
Thánh hiền Nho gia nói chung chính là mẫu người lập
đức, kết hợp nhiều ít với tiêu chí lập ngôn. Nhưng thánh hiền Nho gia không ai
thực sự lập được "đại công", hiểu theo nghĩa có một sự
nghiệp chính trị nổi bật lúc sinh thời.
Pháp gia không đưa ra
hình mẫu mang tính lý tưởng thực thụ, vì đó là một học thuyết cai trị theo tinh
thần duy lợi, thực dụng nhưng tìm ra từ các công trình mang tính lý thuyết cơ
bản của các nhà tư tưởng thuộc phái này, thì mẫu người cầm quyền đáng được đề
cao nhất chính là mẫu người cầm quyền có đại công.
Trong lịch sử chính trị
của Trung Quốc, một lịch sử chính trị có thực chất "nội Pháp ngoại Nho", "thập
đại đế vương" chính là những Hoàng đế được ghi nhận trên đường hướng này.
Không ai trong số các đế vương nhờ lập ngôn mà trở nên hiển hách trong
lịch sử. Phần lớn các "đại đế vương" Trung Hoa có
khuyết tật trong nhân cách.
Với tất cả những dữ kiện
lịch sử khả tín còn lại đến nay mà mình có thể biết, với tư cách nhà khoa học,
cá nhân tôi không tìm thấy những bằng chứng để nhận xét rằng Trần Nhân Tông có
thể có những tỳ vết nào đó về phương diện đức hạnh!
Sử thần Nho gia về sau
từng đưa ra lời đại nghị, rằng Ngài "bẩm được tinh anh thánh nhân, thần khí
tươi sáng, thể chất hoàn hảo". Dường như "luật thừa trừ" ("bỉ sắc tư
phong" - được cái này thì mất cái kia) đã lảng
tránh, không đụng chạm tới Ngài!
Kinh nghiệm cho thấy, để
hiểu một nhân vật lịch sử ở những tầng sâu kín nhất của họ, thường cần phải xâm
nhập vào những trước tác hay những di ngôn, di chúc mà họ để lại. Chả thế mà S. Freud cùng các đồ đệ đã nhất trí
cho rằng nghệ thuật và những giấc mơ cung cấp cho ta hình ảnh thăng hoa của
những gì các "đương sự" không hoặc chưa thể thực hiện trong đời thực. Vô
số khát vọng của con người, của cả các vĩ nhân, quằn quại, giãy dụa roi rói
trong các con chữ, mặc cho thể xác họ đã từ lâu tuần hoàn trong hoàn vũ. Nhưng đọc hết những trước tác mà Trần Nhân Tông để lại, lại cơ hồ
không tìm thấy dấu vết của những "mộng ước chưa thành" ấy. Chỉ có thể cho
rằng, Ngài đã sống một cuộc đời không còn gì đáng để có thể ước mơ cao hơn, xa
hơn!
Nhận chân về tính hữu hạn
của đời người trên tất cả mọi bình diện, đó không phải là một phát hiện gì mới
mẻ, nhất là ở các bậc được coi là đại trí xưa nay. Nhưng kể cả các bậc đại
trí cũng chỉ thường nhận ra những giới hạn sau những thể nghiệm thất bại, và
cũng thường phải đợi tới độ tuổi "sang nửa bên kia" của
đời người. Vào một ngày "Xuân muộn" (Xuân vãn), Trần Nhân Tông
cũng thể nhận điều đó:
Niên thiếu hà tằng liễu
sắc không
Nhất xuân tâm tại bách
hoa trung
Như kim kham phá Đông hoàng diện
Thiền bản bồ đoàn khán
trụy hồng
(Tuổi trẻ chưa từng hiểu
thế nào là "sắc", "không"
Mỗi độ xuân về lòng để
giữa trăm hoa
Nay khi đã khám phá ra
khuôn mặt chúa xuân
Thì ngồi thiền trên tấm
bồ đoàn nhìn hồng rụng).
Nhưng dường như sự thể
nhận này ở Trần Nhân Tông không xuất lộ bởi những trải nghiệm đắng cay nào đó
trong đời sống của chủ thể, và cũng chỉ vào thời khắc "muộn của mùa Xuân" chứ
không là "buồn tàn thu" hay "sầu đông" ảo não. Tính chất
an nhiên lộ rõ trong từng chữ.
Những bậc thánh triết
Đông phương thường thường chỉ bàn về mọi lẽ một khi đã "liễu sinh tử",
tức đã thông hiểu tận cùng "căn nguyên và cơ cấu của sự sống và sự chết".
Làm chủ được "lẽ tử sinh", với cơ hồ tất cả họ, mới xác lập được tiên đề cho
việc luận đàm về mọi điều còn lại. Không chỉ Phật giáo,
mà các học thuyết hay tôn giáo khác trong toàn khu vực cũng khá đồng quy trong
tinh thần đó. Đứng trên lằn ranh giới của cuộc sinh tồn, chính là xác lập
một tọa độ lý tưởng để có thể "quán chiếu" rốt ráo đối với mọi "ỉ eo đời thường"
khác.
Nhậm ngôi cao, lập công
lớn, sớm thành bậc thượng trí minh triết, Trần Nhân Tông kịp dành phần lớn cuộc
đời mình để phụng sự cho cộng đồng. Khác với rất nhiều những triết nhân một khi đã tự cho mình là đấng
toàn tri (omniscience) thì cũng bị ám ảnh bởi một thứ chủ nghĩa bi quan triết
học, Trần Nhân Tông truyền cho đời sống một cảm xúc chí ít phải được đánh giá là
lạc quan, nếu không cho rằng đó là một thái độ "ngày hằng sống, ngày hằng vui".
Tinh thần "hòa quang
đồng trần", "cư trần lạc đạo", "tam giáo tịnh hành" ... nhờ
thế trở thành "phong cách sống" của rất nhiều nhân vật văn hóa - lịch sử của
thời đại. Dưới triều đại của Ngài, từ quý tộc, văn nhân, võ tướng, nhân gian
bách tính cho đến những người thân phận thấp kém như hoạn quan, gia nô, nô
tỳ, cho cả đến tù binh, tù nhân, những nhóm dân cư do hoàn cảnh cụ thể lâm vào
tình thế tha phương cầu thực hay bị hạn chế tự do, đều nhất loạt trở nên "dễ
sống" hơn, vui sống hơn.
Cá nhân Trần Nhân Tông,
trong khi vừa tiếp tục thực thi những bổn phận "thế tục", "hàng ngày" của mình,
vừa làm nhà cầm quyền tối cao, vừa làm nhà ngoại giao kỳ đặc (cả trong
những tình huống ứng xử đối nội lẫn đối ngoại), làm vị tướng song toàn, làm con
hiếu thuận, làm cha nghiêm từ, làm em, làm anh độ lượng.., lại còn vừa lo nghĩ,
tính toán nhiều đại sự cho nhiều thế hệ tiếp theo.
Chỉ với những gì
thư tịch còn sót lại đến nay, có thể khẳng định Trần Nhân Tông là một tác
giả văn chương vừa tinh tế vừa đa phong cách. Một trong những đóng góp đặc biệt
của Trần Nhân Tông với tư cách tác giả văn học thể hiện ở chỗ Ngài chính là tác
giả quan trọng đầu tiên còn để lại những tác phẩm lớn bằng chữ Nôm (với hai tác
phẩm Cư trần lạc đạo phú và Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca), góp
phần quan trọng kiến tạo nên bộ phận văn học viết bằng ngôn ngữ ghi lại tiếng
nói của dân tộc.
Như nhiều học giả đã
khẳng định, Thiền phái Trúc Lâm do Ngài sáng lập và trở thành Trúc Lâm đệ nhất
tổ vừa kế thừa được tinh hoa của Thiền Tông nói chung, vừa kết tinh những thành
tựu tu tập và quán tưởng của các hành giả bản địa, để trở thành một Thiền phái
mang đậm sắc thái dân tộc mà đặc điểm hàng đầu là tinh thần nhập thế lạc quan,
lại cũng vừa là nơi thể nghiệm sự kết hợp, dung hòa thêm các thành tố có nguồn
gốc tôn giáo, tín ngưỡng hay học thuyết khác.
Tinh thần "dung tam tế"
của các bậc quốc sư từ nhiều triều đại trước đến đây mở rộng hết tầm vóc. Một trong những chứng
tích có ý nghĩa nhiều mặt được truyền thông rộng rãi gần đây chính là việc đấu
giá phiên bản của bức họa Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ mà bản gốc được coi
là quốc bảo đang được bảo vệ và lưu trữ ở Trung Quốc.
Còn nữa
Phần 2: Trần Nhân Tông
trên cương vị một nhà cầm quyền
Theo
(Bài này do Phó Giáo sư
Trần Ngọc Vương đọc tại Hội nghị Trần Nhân Tông về Hoà giải tổ chức tại Harvard
Faculty Club, ĐH Harvard, Mỹ ngày 21/09 vừa qua.)