Mở tâm mở đời

MỞ TÂM MỞ ĐỜI

@ MẶC KHÔNG TỬ

     

Ai cũng thích những cánh đồng mênh mông, những chân trời rộng mở. Ai cũng muốn hòa mình vào cái bao la của trời đất, vui với hoa đồng cỏ nội, reo ca cùng chim chóc… Song, mãi chạy tìm bên ngoài mà cõi lòng luôn khép kín, thì chúng ta chỉ nắm bắt được cái bóng của hạnh phúc; chúng ta đã tự đặt mình ra ngoài dòng sinh mệnh đang tuôn chảy. Cộinguồn đời sống, ở đó chúng ta đang buồn vui và hít thở, chúng ta đến và đi trong cái thênh thang vô tận mà không thể dùng ngôn từ để diễn tả. Tất cả ở nơi tự tâm.

Lục Tổ Huệ Năng từng chỉ rõ rằng: “Bất thức bổn tâm, học pháp vô ích. Nhược thức tự bổn tâm, kiến tự bổn tánh, tác danh Đại trượng phu, Thiên Nhơn Sư, Phật”, nghĩa là không biết rõ cội nguồn tâm thì học Phật không đem lại kết quả gì. Nếu thấu biết cội nguồn tâm, thấu suốt được tự tánh, thì đó gọi là bậc Đại trượng phu, Thầy của trời người, là Phật. Như vậy, cốt tủy của mọi phương pháp tu tập chính là ở chỗ “Hàng phục kỳ tâm”. Tâm mở rộng, cuộc đời sẽ biến chuyển, rộng lớn thênh thang. Và, cuộc đời rộng lớn là gì vậy? Là gì mà ai nấy đều hướng đến?

Hằng ngày, tâm chúng ta cứ mãi ruổi rong chạy theo trần cảnh. Tâm tạo ra bao đau khổ cho ta, cho nên chúng ta cần phải điều phục tâm, theo dõi tâm từng giờ, từng phút, từng giây (Thiền chỉ). Chúng ta thực tập Thiền trong đời sống để thể nghiệm cái khả năng trong sáng tinh tế của tâm. Tuy nhiên, tu tập không có nghĩa là áp chế, đè nén, mà là hướng dẫn. Hướng dẫn tâm ý mình tiến lên đường chánh đạo đầy hương hoa chính là bắt đầu từ chỗ luôn luôn quán chiếu lý nhân duyên sinh cho sâu sắc (Thiền quán). Chúng ta lắng nghe vạn pháp với tâm bình thản, không một chút thành kiến, định kiến, thiên kiến… bởi vì chính những ô nhiễm của vô minh và phiền não trong tâm đã che mất ánh sáng vi diệu của trí tuệ và đóng kín tâm hồn vốn thênh thang rộng mở của ta. Chúng ta sống chai lì trong phản xạ của thói quen nên ta không cảm nhận được ý đời tinh khôi dâng lên tươi rói mỗi ngày. Ta sống xuyên qua kinh nghiệm, hoài niệm cũ mốc, nó như lớp sa mù khỏa lấp hết những suy tư trong sạch của ta. Ta nhìn cảnh vật nhưng cái nhìn đó lại gắn theo bao thành kiến, định kiến,… nên cảnh vật không được phản ánh một cách trung thực như nó “đang là”. Ở đây, tâm thiền chính là tâm vô ngại, không còn lưu giữ mọi bóng hình quá khứ, không có những trạng thái tâm ăn năn, hối tiếc, hay ước vọng tương lai. Tâm thiền chính là tâm an trú ngay bây giờ và ở đây. Khi sống với thực tại hiện tiền ấy thì lòng ta bỗng reo ca, hòa nhập vào cuộc đời rộng lớn. Với người bình thường thì cuộc đời rộng lớn phải được bắt đầu từ một cuộc thay đổi: chúng ta thay cách nhìn, cách nghĩ, cách suy tư… và tuyệt đối phải có một con tim đẹp đẽ. Ở đó, không còn bóng dáng của tâm hẹp hòi, tham lam, ích kỷ… Với người tu giải thoát thì phải biết trở về với niềm cô liêu sâu thẳm mà ấm ngọt của tự tâm. Chưa cảm nghe cái ấm ngọt cô liêu của một tâm thái lắng rụng hết ngoại trần là chưa đi vào ngưỡng cửa an lạc, giải thoát thật sự. Với tâm cởi mở thì mọi tình huống đều tan biến trong thực nghiệm tâm linh, như hoa tuyết rơi vào đại dương.

Lá thầm thì câu chuyện đời hư ảo

Vọng thanh âm xao động cả trời chiều

Bao phiền lụy theo gót hài rơi rụng

Thản nhiên ngồi soi bóng núi tịch liêu.

(MKT)

Chúng ta đi vào đời sống với đôi mắt sáng của trí tuệ, với tấm lòng rộng mở của thương yêu, với đôi chân thực nghiệm vững vàng những điều đã học, và sau cùng với đôi tay có khả năng vi diệu phát ra từ nội lực thân chứng để kiến tạo Tịnh độ nhân gian.q



Chia sẻ: facebooktwittergoogle