Ở Huế, phía sau lưng chùa Thiên Mụ có một vùng cư dân tên
là Hương Hồ, gồm năm ngôi làng ngoại thành bình yên đến mức lặng lẽ. Hương Hồ bị ngăn cách với
phố phường náo nhiệt bởi dòng Bạch Yến, một nhánh sông nhỏ tẻ ra từ sông Hương.
Một khúc sông Bạch Yến
Sông Bạch Yến màu nước
xanh biếc chảy giữa hai hàng cây cũng xanh um, men theo làng Lựu Bảo uốn lượn
trước mặt chùa Khánh Vân, Kim Sơn rồi xuôi dòng về An Ninh, Trúc Lâm, ra An Hòa
xuống Bao Vinh, nhánh khác thì lại chảy ngang qua chùa Huyền Không trước khi
nhập lại vào sông Hương.
Vào những trưa hè, ngồi
trên đò du khách sẽ được nghe mùi hương thơm lừng của
mít chín, được ngắm dòng sông lung linh bóng nắng lọt qua những tán phượng nở
bông đỏ rực. Bên sông có nhiều ngôi chùa làng nho nhỏ, ẩn hiện
sau những vườn cây um tùm.
Trước đây, mỗi mùa Phật
đản về, dọc dòng sông tiếng chuông được thỉnh từ 3 giờ sáng cho đến hết ngày.
Những người dân từ làng Long Hồ, Giáp Hạ, An Ninh… tín tâm với Tam bảo mỗi khi
nghe chuông đánh vào ngày lễ là họ đi thuyền, ghe uốn lượn vòng vèo theo sông để
đến chùa lễ Phật.
Trong vườn chùa
Mấy năm nay, những cô
cậu học trò giờ đã khôn lớn đi làm ăn xa về quê đúng mùa Phật đản thấy cảnh chùa
làng giờ khang trang hơn, chỉ có lá cờ Phật tung bay trước gió bên những tán cây
cổ thụ trông vẫn thanh bình như thủa nào.
Rộng rãi nhất ở đây có
lẽ là chùa Phước Duyên với diện tích khoảng 4.000m2, nằm dưới chân
ngọn Rú Vi, sát bờ sông Bạch Yến, thuộc thôn An Ninh thượng, phường Hương Long.
Chùa ở cách xa khu dân cư khoảng 200m, chung quanh chùa chỉ có núi đồi mồ mả,
cảnh trí yên tĩnh, rất thích hợp cho đời sống tâm linh.
Nếu chùa Thiên Mụ ngự
trị từ đỉnh đồi cao, tỏ vẻ khí thế oai hùng thanh thoát, tiếng chuông ngân vang
để làm tỉnh thức mọi người, thì trái lại chùa Phước Duyên nằm dưới chân đồi, ẩn
mình một cách khiêm tốn, để thấm sâu vào huyết mạch tín ngưỡng của dân làng.
Cổng chùa Phước Duyên
Chùa kiến trúc theo lối
chữ khẩu, phía trước là chùa gồm có ba gian và hai liêu, xây hướng về phía đông
nam, phía tây nam là giảng đường, phía tây bắc là hậu đường, phía đông bắc là
khách đường, kế bên khách đường là một dãy nhà dài năm gian để dành cho khách
phương xa.
Chùa ban đầu chỉ là một
thảo am trên vùng đất hoang dã tịch liêu. Trải qua nhiều lần trùng tu kiến thiết,
ngày nay ngôi chùa trở nên khá đồ sộ, khang trang, lại thêm phong cảnh thơ mộng
hữu tình nên đã đón nhận rất nhiều kẻ tăng, người tục về đây tu học.
Trên phương diện hoằng pháp chùa đã gắn liền vào đời sống dân quê,
truyền bá tinh thần Phật giáo vào nếp sống hằng ngày của họ. Cách chùa Phước Duyên không xa còn có chùa
Khánh Sơn cũng rất tĩnh mịch và xinh đẹp.
Những ngôi chùa bên dòng Bạch Yến này đều là nơi nương náu tinh
thần và là chỗ gởi gắm tâm linh của dân chúng quanh vùng. Tiếng chuông chùa
không chỉ thôi thúc người trong làng bỏ ác làm lành, mà còn là tiếng đồng hồ
thức tỉnh cho họ biết giờ khắc để sắp xếp mọi công việc sinh hoạt hằng ngày.„
MINH THỦY/DNSG cuối tuần