Ba mươi năm xa Huế, về lại, Huế vẫn
còn xanh. Trong lúc nhiều nơi khác thì có nơi đã đổi trắng hay hóa vàng. Đổi
trắng, vì quá nhiều tòa nhà vôi gạch mới mọc. Và, vàng đi vì khuynh hướng đô thị
hóa “diêm dúa” nửa vời.
“Sân khấu” Ngọ Môn
Con sông xanh mát thường trôi chảy êm
đềm là linh hồn của thành phố. Với Huế, sông Hương không phải chỉ là linh hồn mà
còn là thể phách tinh anh của thành phố. Núi ấy phải có sông ấy. Sông ấy phải có
núi ấy và bầu trời Xuân xanh, Hạ trắng, Thu vàng, Đông tím... mới hội đủ đường
nét tạo hình cho một tác phẩm tâm ảnh trong lòng người đi. Phía Nam và phía Bắc,
Đà Nẵng và Quảng Trị là hai thành phố đẹp và có thể thay thành phố cũ ra thành
phố mới như tái sinh. Đà Nẵng một ngày nào đó có thể đẹp như Hồng Kông. Quảng
Trị - Đông Hà có thể đẹp như phố mới. Nhưng Huế thì khó mà có được một sự thay
hình đổi dạng tương tự vì Huế đã định hình thành một biểu tượng: Huế tự làm nên
Huế mất rồi! Một cặp phạm trù mâu thuẫn và sinh khắc đã làm nên xứ Huế. Ngay
điều kiện thiên nhiên và thời tiết cay nghiệt “Tháng tám nắng nám trái bưởi.
Giêng hai (lạnh tới mức) cắn tay không ra máu” cũng đã vẽ nên một cảm nhận
sinh khắc ngoài tầm thay đổi.
Rồi tới cảnh một trú xứ Thần kinh miên mật đến thế mà Huế thơ, Huế mộng; nhưng
Huế vẫn “tộng bộng” hai đầu. “Tộng bộng” là một biểu tượng cởi mở thông thoáng,
một phong thái tiếp nhận cái mới không cần điều kiện. Nhưng có ai quên được rằng,
những người Huế khai phá tiền phong thời chúa Nguyễn Hoàng tiến về Nam là đoàn
lữ khách “tới nơi đây đất nước lạ lùng; con chim tê kêu cũng sợ, con cá nớ
vẫy vùng cũng run”. Phải chăng vì thế mà cái “đẹp… dễ sợ!” thì
chỉ Huế mới có. Huế đã mang số mệnh hy sinh chính mình cho nghĩa lớn của Huyền
Trân. Tên gọi cụt ngủn: “Huế, Sịa, Nong, Truồi, Chuồn, Cồn, Hương, Bồ,
Dinh, Trò, Độn…”
đã không làm cho tình Huế ngắn đi và đất Huế hẹp lại mà cảm xúc mãi dài ra quá
tầm một đời người ngắn ngủi. Có một lối sống, lối nghĩ, lối hành xử theo một
phong cách riêng gọi là “văn hoá Huế”. Cũng như có một lối gọi tên, phát âm và
diễn đạt riêng gọi là “tiếng Huế” hay phương ngữ Huế. Huế toàn ròn không thể
thay bằng một Huế khác như người Việt “Huế xa”… mô đó; không thể
thay bằng một người Tây hay người Mỹ trở về! Bà mẹ quê lưng còng tóc bạc, lụm
khụm hái mớ rau tập tàng luộc cho con ăn không thể thay bằng một hình ảnh “Amy”
mô đó… mặc váy đầm, tóc mi-nhon, dắt chó chạy loăng quăng trên đường Thượng Tứ
được.
Ba tuần về với Huế vào cuối tháng Ba,
khi những cơn lạnh và cơn mưa bất chợt cuối mùa làm Huế vừa già đi, vừa trẻ lại.
Tôi đã bắt gặp và cảm nhận từ trong chính mình một chút co ro của tuổi già và
một chút tươi mát của tuổi trẻ khi cỡi xe máy Honda chạy loanh quanh khắp các
ngã đường quanh Huế và từ làng lên Huế; từ Huế về làng.
Hơn nửa đời sống với Huế, tôi thường
tự hào là mình đã thuộc lòng... từng cái ổ gà trên đường qua Đập Đá, đường về An
Cựu, đường xuống Bãi Dâu, đường tới Bao Vinh, đường vô Mang Cá, đường ra
An Hòa… hay nhớ rõ màu rêu từng mùa trên những bức tường vôi gạch cổ thành. Thế
mà nay về lại, vẫn bị lạc đường hỏi lối loanh quanh. Nghĩa là Huế có mở rộng.
Huế thêm nhiều con đường và phố xá lên theo.
Mỗi khi nói đến một thành phố mới,
một con đường mới mọc lên thường đồng nghĩa với một khung cảnh thiên nhiên vừa
bị biến cải qua bàn tay tái tạo của con người. Tội nhất là những dòng sông rầu
đời tuyệt vọng bởi những công trình khai thác không tiếc thương “tình sông nghĩa
núi“ của kỹ thuật lạnh lùng. Hình như càng ngày, văn minh nhân loại càng gắn bó
tha thiết với những dòng sông. Như châu Mỹ trẻ trung hơn châu Âu nên những
con sông không bị biến thành những lạch nước quặn mình làm kiểng cho những công
trình xây dựng lâu đài. Những dòng trường giang như
Mississippi, American, Colorado ở Mỹ, Wheaton ở Canada vẫn còn là những bờ xanh
lồng bóng nước như hôm nay. Trong khi đó, những con sông nổi tiếng một thời ở
châu Âu, vốn đã lên lão từ thời Trung Cổ, như sông Seine ở Paris, sông Thames ở
Luân Đôn, sông Brisbane ở Úc, sông Danube ở Đức… đã bị những cơn lũ đô thị
hóa biến thành những dòng kênh quặn mình giữa hai bờ thành lũy bê tông và cao
ốc. Hy vọng mãi sau nầy rằng, mai tê cô Thắm con nhà Huế có về làng, dẫu có lỡ
để cho “hương đồng cỏ nội bay đi ít nhiều” thì cũng vẫn còn thấp thoáng đâu đó
đôi nét mặn mà của cô gái chân quê.
Dẫu có đi khắp năm đồng bảy đội, tuổi
già trở về Huế, vẫn thấy Huế đẹp với những bờ xanh: Bờ sông, bờ suối, bờ
ao, bờ hồ, bờ rào, bờ cỏ… Dòng sông Hương xa tít tắp có thể nhìn thấy trong tầm
mắt từ đồi Vọng Cảnh, qua chùa Linh Mụ, chạy dọc theo thành phố, rẽ về Vỹ Dạ,
qua ngã Ba Sình trước khi xuôi về biển. Hai bên bờ sông vẫn còn xanh mướt. Dòng
nước xanh, lác đác lục bình, đôi cụm lau lách hoang dã vẫn còn thấy nhau và
những con đò xuôi ngược. Sông An Cựu, Sông Bồ, sông Đào, hồ Ngự… vẫn còn bờ xanh
với mùa Xuân và dây leo đong đưa với mùa Hạ. Nếu Huế mất những bờ xanh, làng tôi
mất những bờ cây dại dọc sông Bồ thân ái có lẽ tôi sẽ mất đi những hoài niệm một
thời nhưng vẫn còn kéo dài và khắng khít của ngày xưa và bây giờ đã trên 60 năm.
Và, trong tâm thức của những người trên 60 tuổi như tôi, đã sống nửa đời ở Huế
và một nửa ở quê người, khái niệm về quê hương không còn thuần nhất như xưa. Bạn
bè sống một đời ở Huế có lẽ khó tình chia sẻ nỗi niềm phân chia trong lòng người
có hai bến bờ để tới. Tôi có Quê Mẹ, đó là quê hương nguồn cội đã sinh tôi ra và
nuôi tôi khôn lớn một thời. Nhưng tôi cũng có Quê Người, đó là một quê hương
khác đã dang tay cưu mang đời tôi và gia đình – giữa lúc cơn bão tâm lý, tri
thức và cuộc sống quay cuồng tới đỉnh điểm – mà không cần điều kiện hay sự đổi
chác nào. Trong một trạng thái tâm lý “dùng dằng nửa ở nửa về” như thế, những bờ
xanh của Huế đã dang tay đón tôi lại. Sự cuốn hút của thiên nhiên đầy tâm cảm là
một sáng tạo tuyệt vời của tình yêu cuộc sống.
Mùa Xuân năm nay, chúng tôi muốn làm
một cuộc du lịch “tùy duyên”. Tùy duyên trong du lịch có nghĩa lấy vui làm
chính. Còn đi đâu cũng được, miễn sao tìm được thú vị và an lạc trên mỗi bước
đi. Lần nầy “tùy duyên về Huế”, trong lứa tuổi về chiều ngoài vòng cương
tỏa chân cao thấp, chúng tôi thường đùa rằng, may thì gặp duyên lành, không may
thì gặp duyên chướng. Về Huế tháng Ba. Nắng chưa rát da rát thịt và thời tiết đã
qua những tháng mưa Đông… héo úa tâm hồn! Thời điểm nầy Huế có Festival, mùa
Phật Đản và vụ gặt Đông Xuân. Festival với những lễ hội rộn ràng đầy màu sắc,
Phật Đản với những thuyền hoa rực rỡ trên sông Hương và mùa gặt năm nay nghe bà
con nói được mùa với rau cỏ xanh hơn năm ngoái. Nếu Huế không có những bờ xanh
của sông núi, ruộng đồng thì lễ hội, thuyền hoa, lúa mùa lấy đâu làm chỗ dựa
thiên nhiên cho con người núp bóng.
Chúng tôi cũng có mặt giữa những
người Huế gần, Huế xa và khách xem từ bốn phương tám hướng trong buổi mở đầu Huế
Festival năm 2012. Có thể nói mà không sợ bị cho là đại ngôn rằng, “sân khấu Ngọ
Môn” đêm khai hội là một kiệt tác đẹp hiếm thấy có tầm cỡ toàn cầu, vì đây là
dấu tích của một công trình kiến trúc đế vương non hai thế kỷ còn đọng lại trước
mắt nhân gian. Tôi chỉ thấy cảnh phế tích đấu trường Colosseum thời đế quốc La
Mã ở Ý là nơi có thế gây cảm giác mạnh cho du khách vì lịch sử bi hùng vủa nó.
Nhưng Colosseum chưa hề tổ chức… “festival” nên Huế vẫn là nơi xứng đáng cho
những lễ hội mang tính văn hóa và truyền thống gây được cảm tình yêu mến cho du
khách khó tính vì đã quá từng trãi với bao ngõ ngách địa cầu thời hiện đại.
Lần này tôi về Huế, được gặp lại
những người quen, bạn bè ở Huế và từ Pháp, Mỹ, Úc, Canada cùng từ nhiều nơi
trong nước “ghé Huế mùa Xuân cho khỏi nóng”. Từ những năm trước, nhiều anh chị
em gốc Huế sống xa quê tự động ngồi lại với nhau và góp tay nhau thành một nhóm
sinh hoạt từ thiện và văn nghệ, văn hóa Huế gọi là “Huế Xa”.
Anh chị em chỉ có một tấm lòng chung là: “Huế Xa mà không xa Huế.”
Chúng tôi ở lại Huế lâu hơn vì được
sống với bà con, bạn bè trong màu xanh mùa Xuân tươi mát của Huế. Buổi trưa đi
trên Cầu Mới, nhìn về phía cầu Trường Tiền và cầu Bạch Hổ còn ẩn hiện trong màn
sương mỏng và nắng mơ phai đầy ẩn dấu như người con gái Huế khi chưa biết “phía
bên tê”. Chao ơi là đẹp!
Bờ xanh sông Hương
Nấn ná ở với Huế lâu lắm cũng chỉ tới
ba tuần. Tôi thích về làng ra sau vườn hái rau tươi luộc chấm tương ngon như
ngày còn mẹ. Lên thành phố, Huế vẫn còn dáng vẻ phố cổ của một thời; có nghĩa là
chưa bị biến dạng sau những bóng dáng “đại gia” nửa quê, nửa tỉnh, nửa thị, nửa
thành. Huế bây chừ cũng có những nơi cho bạn bè hẹn nhau đầy hương vị như Vỹ
Dạ Xưa, Không Gian Xưa, Ven Đồi, Tân Hương Sen, Hoàng Trúc, cà phê Cây Đa
Thành Nội, cà phê Thiên Đường.
Về lại Mỹ, nghe tin Huế “nóng như
chảo bắp rang” mà tội Huế quá. Bên nầy trời Cali nhớ Huế, chúng tôi bỗng nhớ bạn
bè, làng xóm, người thân quen. Chỉ nhớ lại lớp học nhỏ bé của chúng tôi ở trường
Hàm Nghi Huế thôi cũng đủ hình ảnh để tính đời dâu biển. Gặp lại thầy xưa, bạn
cũ tưởng như mới chiều hôm trước thôi mà hóa ra đã gần một đời đi qua.
Nhớ nhất là tiếng vọng thời gian
“mới đó” thảng thốt mà ngậm ngùi của Huế: Mới đó
mà đã 53 năm. Mới đó mà thằng Phúc, thằng Ni, thằng Phụ, thằng Lân, thằng
Hòa... trong lớp đã ra đi hơn bốn chục năm rồi. Mới đó mà cả lớp đều đã
lên hàng ông nội, ông ngoại. Mới đó mà thằng Viêm đã có chắt! Mới đó
mà thế hệ những đứa học trò nhỏ chúng tôi ngày nào nay đã thành những “cụ” già
gặp nhau với ít nhiều dáng vẻ lụm khụm và những nụ cười vui buồn vui bay tóc
trắng. Và, mới đó mà những nàng dâu Hàm Nghi hương sắc một thời bây chừ
hoá ra… đẹp lão. Các cụ chỉ còn biết cố níu lại thời gian bằng tiếng xưng hô
“thằng, con, mi, tau…”, của những ngày xưa thân ái cho đã cái miệng (không răng)
mà thôi.
Xa Huế, người ta có thể quên những
mảnh sống vui buồn, những ngày sướng khổ trong một chặng đời nào đò. Nhưng mấy
ai quên được những con đường quê hương đã từng quặn mình giữa bao tuồng ảo hóa
của thời gian và cuộc thế trùng trùng dâu biển. Càng về già, tâm hồn lại trở
thành chơn chất và thanh thản hơn để còn thương nhớ những bờ xanh của Huế. Mong
Huế còn mãi những bờ xanh. Màu xanh sớm mai của Huế chính là nền đậm cho Màu tím
Huế buổi chiều. Và màu sắc Huế cũng là nhịp cầu thế hệ nối tuổi già vàng phai và
tuổi trẻ xanh mướt mượt mà; nối kẻ ra đi và người ở lại – cho dẫu là Huế Xa mà
không xa Huế.
Huế - California, tháng Tư đầu mùa Hạ
2012
Trần Kiêm Đoàn