Lưng trời cánh hạc

lung troi canh hac

Thông thường trong văn thơ, sau câu t cnh là ti t tình vì khi tâm xúc cnh, tt khi cm th vui bun, thương ghét t cnh đó. Đơn c trong ca dao dăm câu như:

         “Trời mưa cho lúa chín vàng
          Cho anh đi gặt, cho nàng đem cơm.”

         Nếu trời mưa chỉ để cho lúa chín vàng thôi thì dù người viết có tốn giấy mực tả tỉ mỉ tới đâu, người đọc cũng sẽ buồn ngủ. Không lẽ lúa chín vàng rồi để mặc cào cào châu chấu tới mổ hay sao ? Cái Cảnh được mùa lúa chín đó phải đậm đà, trọn vẹn với công lao thể hiện qua Cái Tình khi anh gặt lúa ngoài đồng thì nàng về nhà lo bếp núc để giấc trưa có cơm bới đem ra, cùng ăn, cùng hưởng hạnh phúc ngày mùa. Người đọc làm sao ngừng ngang ở câu “Trời mưa cho lúa chín vàng” cho được !

         Thí dụ một câu khác vui hơn:

         “Ngó lên am tự chùa vàng
          Tu thì đặng đó, bỏ nàng ai nuôi.”

         Câu đầu chỉ là tả cảnh khi một trang nam tử đi ngang chùa, nhìn lên cửa am trang nghiêm thanh tịnh bỗng bâng khuâng khởi niệm, mới có tiếp câu sau tả tình, khai triển cái niệm vừa khởi là nơi thanh khiết thế này giá mình phát tâm đi tu thì cũng được đấy; nhưng chưa đầy một nửa sát-na sau lại giật mình trở về trần tục ngay khi nghĩ rằng mình đi tu, còn nàng thì sao ? để cho ai hưởng ?

         Tâm xúc cảnh phải sanh tình mới hợp lý, mới tròn trịa theo tinh thần tâm thế gian. Câu ca dao này tạm ổn trên phương diện đó, chỉ xin bàn ngang một chút mua vui ở câu tả tình.

Theo tôi nghĩ, trang nam nhi này, dù có bị cảnh chùa thu hút tới đâu mà vội vàng xuống tóc thì cũng chỉ là giai đoạn của cảm xúc chứ làm sao chàng có thể sớm chiều hai buổi công phu được khi còn tiếc rẻ “bỏ nàng ai nuôi”. Nếu biết đích xác trang nam tử này là ai, tôi sẽ gửi tặng chàng, tiểu sử tôn-giả Ma Ha Ca Diếp, để nếu chàng có gieo duyên lành kiếp nào, nay quyết tâm tìm đường giải thoát thì may ra còn hy vọng.

Trước khi lên đường cầu đạo, tôn-giả Ma Ha Ca Diếp đã có đầy đủ những gì mà nhân thế cho là hạnh phúc. Nào là xe, ngựa, ruộng đất, tôi tớ và nhất là phu nhân xinh đẹp, giòng dõi quyền quý cao sang. Tôn-giả lại chưa thực sự “Ngó lên am tự chùa vàng” nào, mà chỉ khởi tâm tìm Đạo vàng thôi cũng đã quyết chí ra đi. Khi đi, tôn-giả rất tự tin, thanh thản dặn dò phu nhân rằng “Nàng an tâm chờ đợi, nếu tìm ra bậc Đạo Sư xứng đáng, ta sẽ về đón nàng cùng tu học”.

         Trang nam tử trong câu ca dao này muốn “Tu thì đặng đó” thì phải mang tâm trạng về nàng như vậy, chứ chưa đi đã sợ “Bỏ nàng ai nuôi” thì đi sao được !

         Tình cờ, tôi đọc được hai câu thơ không ở trong hình thức bình thường là có tả cảnh thì sẽ có tả tình. Đó là câu:

         “Năm chầy đá ngủ lòng khe
          Lưng trời cánh hạc đi về hoàng hôn.”

         Hai câu của tác giả Thị Ngạn, không biết trích từ một đoạn nào, từ một bài thơ nào, hay tất cả chỉ có hai câu chênh vênh như thế. Điều này đối với tôi không mấy quan trọng bằng cảm xúc khi bất ngờ đọc được. Cảm xúc này không phải chỉ là sự rung động mà còn vương vấn nỗi băn khoăn, khắc khoải. Đúng là tôi đang “thương vay khóc mướn”. Người thơ có nói gì hơn đâu ! Người thơ chỉ bâng quơ tả cảnh nơi ven đồi khe suối nào đó, đá im lìm say ngủ trong tiếng chầy điểm canh. Và ở không gian khác, thời gian khác, cánh hạc lẻ loi đang lặng lẽ vỗ cánh trong bóng chiều.

         Hai câu thơ tả cảnh đều ở thời gian tĩnh lặng của ngày, là chiều và tối. Đối tượng của cảnh trong bức tranh này cũng hài hòa với thời gian. Đó là sự im lìm của đá và cánh chim hạc lẻ loi trong hoàng hôn mênh mông. Đã thế, hai câu thơ lại hiện lên riêng biệt trên một trang giấy trơ vơ, khiến người đọc ưa thắc mắc vớ vẩn như tôi khó có thể thản nhiên giở sang trang khác khi cái cảm giác hụt hẫng còn đầy ứ trong lòng !

         Như vừa tạm dẫn giải bằng ca dao thì theo lý thường, nếu đã có hai câu tả cảnh, tất phải có hai câu tiếp theo, tả tình, khởi lên từ cảnh đó mới tròn đủ. Nhưng hai câu thơ của tác giả Thị Ngạn lại khác. Cả một trang giấy chỉ có hai câu tả cảnh và tên tác giả, làm đậm nét hình ảnh của khách độc hành trên đường thiên lý. Người khách này là ai giữa cảnh hiu quạnh, tịch tĩnh này ? Người đọc ưa thắc mắc như tôi, nhìn bằng nhục nhãn, tất phải thấy ngay người khách độc hành chính là tác giả, là nhà thơ Thị Ngạn. Tìm ra người ngắm cảnh rồi, tôi lại bâng khuâng, không biết tâm trạng nhà thơ ra sao trước mênh mông u tịch mà nhà thơ đang trực diện. Căn xúc Trần có sanh Thức không ? Nếu có thì cảm thọ đó là gì ? sao nhà thơ lại kín đáo, không chia xẻ gì với người đọc vậy ? Không chia xẻ tình mà lại chia xẻ cảnh thì hẳn là nhà thơ muốn gửi gì nơi cảnh đây. Tôi vò đầu, bứt trán, đọc lại:

         Năm chầy, đá ngủ lòng khe
         Lưng trời cánh hạc đi về hoàng hôn.

         Vẫn không bắt gặp chút tình nào của nhà thơ, qua cảnh, nhưng vì đọc lại bằng tâm ân cần nên tôi thấp thoáng thấy như chính mình đang cùng đá ngủ dưới lòng khe, đang cùng chim hạc, vỗ cánh lưng trời trong bóng hoàng hôn dần xuống. Giữa mơ màng hư thực đó, tôi cảm nhận như mình đang tọa thiền. Nắng chiều lung linh trên bờ tường am như những bông hoa đong đưa trong gió. Hoa và nắng dịu dàng ca múa, không để tâm gì đến cánh hạc đang âm thầm vỗ cánh về đâu ! Về đâu ? Còn tổ để về hay đã mất ? Chỉ cánh hạc lưng trời kia biết mà thôi. Mơ hồ quá, nhưng theo dõi cánh chim thì rõ ràng cánh hạc đã có định hướng là “đi về hoàng hôn”. Định hướng đó có khác chi “sắc tức thị không, không tức thị sắc”, định cũng như vô định, hướng cũng như vô hướng. Cứ như thế, cánh hạc lưng trời đưa chiều dần vào tối, rồi hạc chìm mất trong bóng đêm hay hạc đã hóa thân thành đá, im lìm ngủ dưới lòng khe ? Lại cũng chỉ hạc biết và đá biết mà thôi.

Nhà thơ Thị Ngạn có mặt với bóng chiều, bóng đêm, với hạc và đá, nhưng dường như chỉ có mặt để nhận biết không gian, vạn hữu mà không hề bị không gian, vạn hữu đó vướng mắc. Tức là, Căn có gặp Trần mà không để sinh ra Thức. Căn chỉ nhận diện Trần: đây là bóng chiều, đây là bóng đêm, đây là đá ngủ, đây là hạc bay. Tuyệt nhiên, Thức không nảy sinh một cảm thọ nào để tích lũy vào Alaya thứ bảy mà duy-thức-học gọi là “kho chứa”, như chúng ta thường vô tình nhồi nhét tạp niệm đầy kho, rồi bị chính những sợi tơ vô hình đó quấn chằng quấn chịt trong hồi tưởng chập chùng của ảo giác !

         Quán chiếu tới đây tôi bỗng bàng hoàng. Hóa ra, cái tâm thế gian hạn hẹp của tôi đã vội nghi oan cho nhà thơ Thị Ngạn là kín đáo quá, làm thơ chia xẻ cảnh mà không chia xẻ tình với người đọc. Tôi xin chân thành tạ lỗi. Nhà thơ đã chia xẻ hết những gì nghe và thấy đấy chứ. Người đọc nào đòi hỏi thêm thì hãy tự tìm lấy, nghĩa là mượn cảnh từ thơ mà nảy sanh tình cảm vui buồn của riêng mình. Khi người đọc còn loay hoay với vui buồn đó thì có thể nhà thơ thong dong kia lại đang nhàn tản ở đỉnh núi ven rừng nào rồi. Thong dong với tuyết, với mây, với lá ngô đồng vương trên vai áo.

         Không hiểu sao, tôi rất muốn tưởng tượng những chiếc lá vàng kia nếu có rơi thì phải đang rơi trên nếp cà-sa bạc mầu của một vị thiền-sư, tuy làm thơ mà không là thi sỹ, tuy xuất thế gian mà chưa từng rời thế-gian-pháp, tuy uyên thâm trí tuệ mà rất giản dị, nhu hòa.

Vì sao ư ?

Vì chỉ ở tâm hồn như thế mới có thể “đối cảnh mà không sanh tình”, thanh thản đến cũng như đi, tự tại vào ra ba cõi…

Diệu Trân

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle