Đức Đạt-lai Lạt-ma
và
Stéphane Hessel
Vì sự tiến bộ tinh thần
Hãy cùng tuyên bố Hòa Bình !
Sylvie Crossman & Jean-Pierre
Barou
Hoang Phong chuyển ngữ
Hình bìa của quyển sách
(Lôgô của nhà xuất bản là những vòng tròn đồng tâm
gồm các chấm nối liền nhau, như là một biểu tượng cho sự đoàn kết toàn cầu. Ở
góc trên bên phải của bìa sách còn thấy đề thêm: "Cho những người đi ngược gió".
Tên của nhà xuất bản là "Indigène" ("Người bản xứ") có lẽ mang hậu ý là phải
kính trọng nhân phẩm của họ. Chữ Indigène cũng là một cách chơi chữ, vì có thể
xem như được ghép bởi chữ "indi-" là phần đầu của chữ indigner có nghĩa là phẫn
nộ, và chữ gène có nghĩa là nhân tố di truyền. Nghĩa từ chương của quyển sách là
"Vì sự tiến bộ tinh thần - Hãy cùng tuyên bố Hòa Bình !", thế nhưng người ta
thường nói tuyên bố chiến tranh và không mấy ai lại sử dụng chữ tuyên bố để nói
đến Hòa Bình, vì thế tựa của quyển sách cũng có thể dịch là:
"Vì sự tiến bộ tinh thần - Hãy cùng nắm tay trong một cuộc chiến Hòa
Bình" hoặc "Vì sự tiến bộ tinh thần - Hãy cùng nhau chiến đấu trong Hòa Bình".
Dù sao thì cách chạy tựa của quyển sách cũng vô cùng kín đáo và siêu việt và do
đó cũng xin được giữ nguyên cách dịch từ chương như thế. Nói chung thì nội dung
của quyển sách còn hàm chứa thật nhiều gợi ý vô cùng tinh tế khác nữa, vậy xin
mời người đọc hãy tự tìm hiểu và thưởng thức).
Lời tựa
Có lẽ cũng không
cần phải chờ đợi lâu để quý vị sẽ thấy là quyển sách bé nhỏ này là biểu trưng
không biết bao nhiêu lần hơn cho lòng tin tưởng và quyết tâm của tác giả so với
một quyển sách trước đây mang tựa đề là Chúng ta hãy phẫn nộ ( "Indignez vous!" - quyển sách này của Stéphane Hessel đã
được xuất bản vào tháng 10, năm 2010, và đã bán được 300 000 cuốn trong ba tháng
đầu, 950 000 cuốn trong vòng 10 tuần lễ sau đó, và con số bán đã lên hơn 4 triệu
cuốn trong năm vừa qua và vẫn còn tiếp tục tăng đều. Quyển sách này cũng đã được
dịch ra nhiều thứ tiếng kể cả tiếng
Trung Quốc và đã gây ra một phong trào bất bạo động chống lại
sự bất công và các sức mạnh tài phiệt cũng như sự độc đoán trên toàn thế giới.
Ngày thứ bảy 12 tháng 5, năm 2012 vừa qua cũng đã có nhiều cuộc biểu tình tại
một số các thành phố lớn trên thế giới để kỷ niệm một năm phong trào này được
thành lập - xin lưu ý người đọc là các hàng chữ nghiêng đặt trong hai dấu ngoặc
trong phần chuyển ngữ là của người dịch thêm vào nhằm giúp người đọc dễ theo dõi
nguyên bản). Quá khứ đã chứng minh một cách hùng hồn là nhà xuất bản
Indigène
của chúng tôi không bao giờ nghĩ đến việc kiếm thêm một mớ tiền bán sách như một
số người khác (quyển sách này và quyển sách trước đây tức quyển "Chúng ta
hãy phẫn nộ!" được bán với giá còn rẻ hơn cả một tờ tạp chí hàng tuần, và quyển
sách "Hãy cùng tuyên bố Hòa Bình" này đang là quyển sách bán chạy nhất hiện nay
tại Pháp).
Chúng tôi hy vọng là quyển sách ghi lại cuộc đàm thoại này giữa ông Stéphane
Hessel và Ngài Tenzin Gyatso, vị đại diện thứ XIV của một dòng truyền thừa các
vị lạt-ma hình thành từ một vùng trung tâm Á Châu, có thể giúp cho một số thật
đông đảo người đọc hiểu biết về những gì đang biến đổi ngày nay trên hành tinh
này: đó là sự quay về với những giá trị tinh thần.
Phải chăng từ khi
đồng tiền bắt đầu biểu trưng cho giá trị lớn nhất của cả nhân loại thì các chữ
như "giá trị tinh thần" cũng theo đó mà trở thành lạc hậu và chỉ gây thêm bực
mình cho mọi người mà thôi? Vị cựu chủ tịch chính phủ lưu vong Tây Tạng là
Samdhong Rimpoché, và cũng là người được Đức Đạt-lai Lạt-ma giao phó trọng trách
tham dự đám táng của ông Václav Havel (cựu tổng thống Tiệp Khắc, mất ngày 28 tháng 12, năm 2011),
đã từng tuyên bố như sau : "Chính vì lý do đó mà mỗi khi phải giáp mặt với
Trung Quốc thì chẳng thấy có một người nào dám đưa cái ngón tay
nhỏ bé của mình lên, dù đấy chỉ là để xin phép được nêu lên một thắc mắc thật
nhỏ. Sự sợ hãi và tham tiền đã điều khiển cả thế giới này rồi".
Chúng ta chỉ biết đánh giá sự "tiến bộ" bằng cách duy nhất là căn cứ vào khả
năng thu hoạch vật chất, thế thì chúng ta hãy thử mang dâng các thứ ấy cho lãnh
vực tinh thần xem sao? Vì thế chúng ta cũng nên mượn dịp này để cùng bàn thảo về
các tiến bộ tinh thần. Thế nhưng tinh thần là gì? Đấy là một thứ gì được ghi
khắc thật sâu vào trong xác thân con người, và dù cho con người có tin hay
không, thì cái tinh thần ấy vẫn luôn là một mẫu số chung nhằm liên kết tất cả
mọi con người với nhau. Nói lên điều này có nghĩa là tự thú nhận rằng: tinh thần
không nâng cao và vượt lên trên các điều kiện trói buộc con người, mà đúng hơn
là để giúp con người biết dấn thân vào cuộc sống, hầu giúp con người kiến tạo
những gì phù hợp với nguyện vọng trong cuộc sống của mình.
Cơ duyên đã xảy đến
vào ngày 15 tháng 8 năm vừa qua (2011),
khi Đức Đạt-lai Lạt-ma diễn thuyết trước công chúng tại Toulouse (một tỉnh lớn ở miền tây nam nước Pháp) với chủ đề
"Nghệ thuật mưu cầu hạnh phúc", và chính trong dịp này cái thân xác thánh thiện
của Stéphane Hessel đã tiếp nhận được cái nghị lực trần tục của Đức Đạt-Lai
Lạt-ma (đây là một cách chơi chữ bằng cách sử dụng
cách nói ngược để nhấn mạnh thêm ý mà mình muốn nói lên : tăng thêm ý chí cho
một người thế tục bằng thân xác thánh thiện của một người tu hành, và ngược lại
thì gia tăng quyết tâm của một con người tu hành bằng nghị lực dấn thân của một
người thế tục). "Chúng ta là hai con quỷ sứ, và nếu là hai con quỷ
thì nhất định sẽ mạnh hơn là một !", sau câu nói đùa trên đây thì vị lãnh đạo xứ
Tây Tạng phá lên một tràng cười to, và Ngài cho biết là người
Trung Quốc thường dùng cái tên ấy để mà gán cho Ngài. Cái vai
trò của "quỷ sứ" thì Hessel cũng đã từng biết đến trong cuộc sống thật dài của
mình (S. Hessel đã 94 tuổi), khi ông tham gia kháng
chiến chống lại bọn quốc xã, và ngày nay thì ông cũng đang sử dụng nó để chống
lại sức mạnh sai khiến của đồng tiền mà trước đây ông đã có dịp nêu lên trong
quyển
"Chúng ta hãy phẫn nộ!" (chẳng thà làm một
tên quỷ sứ để ngửa mặt mà cười, còn hơn là làm một con người để cúi đầu vâng
lời).
Bốn tháng sau đó,
tại thủ đô Prague (Tiệp Khắc), Václav Havel
(cựu tổng thống Tiệp) mặc dù đang lâm trọng bệnh và cận kề cái chết
thế nhưng vẫn đã triệu tập một cuộc hội thảo về vấn đề tôn trọng nhân quyền tại
các nước Đông Á, nhằm tôn vinh một người ly khai
Trung Quốc là Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo), hiện vẫn còn đang bị
giam cầm mặc dù một năm trước đó ông ta đã được trao tặng giải thưởng Nobel Hòa
Bình. Chính bên lề cuộc hội thảo này mà hai người (Đức Đạt-lai Lat-ma và Stéphane Hessel) đã gặp
nhau và thảo luận một cách thật thẳng thắn. Cả hai đều muốn tìm hiểu xem Bản
Tuyên Ngôn Nhân Quyền do Liên Hiệp Quốc công bố ngày 10 tháng 12, năm 1948 tại
điện Chaillot Paris ngày nay có mang lại thêm được kết quả mới mẻ có giá trị
toàn cầu nào hay chăng. Và cũng để tìm hiểu xem là sự tiến bộ tinh thần, mà ngày
nay chẳng ai thèm nhắc đến, có còn xứng đáng để được đặt bên cạnh sự "tiến bộ
khoa học" như đã được ghi trong điều khoản thứ 27 trong Bản Tuyên Ngôn hay
chăng.
Cuộc đối thoại mặt
giáp mặt giữa một con người thế tục không hề nhụt chí và một vị lãnh đạo tinh
thần xuất thân từ một dòng tái sinh, đã cho thấy sự khởi đầu của một thời đại
mới. Từ lâu chúng tôi vẫn hằng thiết tha mong mỏi sự kiện này có ngày sẽ đến, và
thật ra thì chúng tôi cũng đã tranh đấu cho xứ Tây Tạng từ năm 1993, tức là ba
năm trước khi thành lập tổ chức Indigène. Cái thân xác "không cần phải chống
gậy" đó (tức muốn
nói đến S. Hessel đã 94 tuổi mà còn rất khoẻ mạnh) thuộc lớp đàn anh
và lớn hơn Đức Đạt-lai Lạt-ma đến 18 tuổi thế nhưng luôn hiện ra với một phong
thái "thật trẻ trung" đã khiến cho Đức Đạt-lai Lạt-ma phải thán phục. Về phần
mình thì con người già nua đó (tức là S. Hessel) đã vô cùng may
mắn được gặp vị "Thánh Thiện đầu tiên và duy nhất" (tức là Đức Đạt-lai Lạt-ma) trong cuộc đời mình,
và ông cũng cứ luôn thắc mắc muốn tìm hiểu xem tại sao các ngành thần kinh học
Âu Châu và Hoa Kỳ lại xen vào các chuyện tu tập riêng tư của
Phật Giáo như thế : tức là nghiên cứu các kết quả cụ thể mang lại từ thiền định,
phép nội quán, và các giấc mơ trong suốt (thể dạng nhập định) giúp cải thiện tình trạng sức
khoẻ trên thân xác cũng như tâm thần (ý nói là S. Hessel cũng rất thán phục sức khoẻ và sự vui
tươi của Đức Đạt-lai Lạt-ma do thiền định mang lại cho Ngài). Hai
vầng trán nóng của họ chạm vào nhau
(gục đầu và chạm trán vào nhau là cách chào hỏi thân thiện theo tập tục của
người Tây Tạng)
và truyền cho nhau mối thiện cảm trong tim cùng sự quyết tâm hành động trên đôi
tay của họ. Thiết nghĩ viết ra bấy nhiêu cũng đủ để nói lên những gì cần phải
nói.
Quả thật hết sức rõ
rệt là chủ trương tận diệt văn hóa của chính phủ Trung Quốc đối với dân tộc Tây
Tạng cũng chính là một sự diệt chủng đối với các giá trị căn bản và toàn cầu
nhất của con người: đấy là những giá trị tinh thần. Từ thập niên 1990 đến nay
các phong trào bất-bạo-động trên thế giới đã mang lại nhiều thành quả lớn lao,
tất cả là nhờ vào các nhà lãnh đạo như
Mikhail Gorbachev, Václav Havel, Nelson Mandela, Desmond Tutu và nổi bật
hơn hết là Martin Luther King cũng như một con người thật sáng suốt là Mahatma
Gandhi - chúng ta sẽ có dịp nghe nói đến họ trong cuộc đàm thoại này -, các
thành quả ấy đã chứng tỏ một cách hùng hồn là hiện có một sự thức tỉnh nào đó
đang được hình thành, và sự thức tỉnh đó không chỉ nhất thiết giới hạn trong một
vài nơi trên hành tinh này, dù cho một vài nơi ngày nay cũng đang phải gánh chịu
nhiều đớn đau hơn so với các nơi khác, chẳng hạn như phía bên kia dãy
Hy-mã-lạp-sơn có những con người đang tự thiêu để bảo vệ nền văn hóa và các giá
trị tinh thần của mình.
Có lẽ chỉ còn cần
đến sự dấn thân nhiệt tình của Stéphane Hessel để làm bùng lên lòng nhiệt huyết
của những con người phẫn nộ trong khắp bốn nẻo của hành tinh này, những con
người luôn quan tâm đến cuộc chiến tinh thần đang chờ đợi họ. Và hình như tất cả
cũng đã sẵn sàng!
S.C. / J.P.B.
Sylvie
Crossman &Jean-Pierre Barou
Chúng tôi (nhà xuất bản) xin chân thành cảm tạ các vị sau
đây đã góp phần tích cực trong việc thực hiện quyển sách này :
- tại Zurich (Thụy Sĩ) :
Kelsang Gyaltsen, Đặc sứ đại diện cho Đức Đạt-lai Lạt-ma tại Âu Châu và người
phụ tá của Ngài là Tenzin D. Sewo.
- tại Paris : Wangpo Bashi,
Tổng Thư Ký Văn phòng Đại Diện Tây Tạng.
- tại Schéchèn (Nepal) :
Mathieu Ricard
- tại Körschach-Mauthen (Áo
quốc) : Jennifer Lorenzi.
Vì sự
tiến bộ tinh thần
Hãy cùng
tuyên bố Hòa Bình !
STÉPHANE HESSEL : Thật không
mấy khi tôi được hân hạnh giáp mặt với một người tu hành. Ngài là một vị Thánh
Thiện (Sa
Sainteté / His Holiness) trân quý nhất của tôi, xin thú thật là đối
với tôi thì ngoài Ngài ra tôi chẳng còn thấy ai xứng đáng với cái tước vị đó cả.
Tôi xin phép Ngài được thổ lộ một đôi lời. Trước đây vào năm 1948, khi soạn thảo
bản Tuyên Ngôn Quốc Tế về Nhân Quyền, chúng tôi cũng đã từng nêu lên một thắc
mắc như sau: chúng ta có nên nói đến Trời hay không ? Một số người cho rằng đấy
cũng là một điều nên làm để nói lên rằng những gì mà chúng ta đang làm và đang
hoàn tất đều là "nhân danh Trời". Một số người khác thì chống lại: không, không
nên nói đến Trời. Trong số các người này có giáo sư Pen-Chun Chang, triết gia,
nhà soạn kịch và học giả về Khổng Học, đại diện cho Trung Quốc thời bấy giờ,
không phải là Trung Quốc của Mao mà của một vị chống lại Mao, đấy là Tưởng Giới
Thạch. Pen-Chun Chang là một thành viên của Vatican và đã gia nhập ban soạn thảo
với tư cách là quan sát viên. Chính ý kiến của ông ta đã giúp chúng tôi ra thoát
ngõ bí : "Không nên nói đến Trời mà chỉ nên đề cập đến nhân phẩm con người".
Thật thế nếu xem lại lời mở đầu của bản Tuyên Ngôn Quốc Tế về Nhân Quyền thì
Ngài sẽ thấy ngay là bản Tuyên Ngôn chỉ nêu lên "nhân phẩm hiện hữu trong tất cả
thành phần của gia đình nhân loại". Vào thời bấy giờ chúng tôi nào có ý thức
được là gia đình nhân loại lại tương liên và tương kết với môi trường, với thiên
nhiên và với địa cầu đâu (hiện tượng tương liên - interdependence - là một trong các
khái niệm căn bản nhất trong giáo lý Phật Giáo, kinh sách tiếng Việt gọi là Lý
Duyên Khởi). Chúng tôi nghĩ rằng cứ tha hồ khai thác các nguồn năng
lượng bất tận của thế giới này mà không gây ra một hậu quả tai hại nào cả. Thế
nhưng ngày nay thì chúng tôi đã hiểu rằng từ đây đến hai mươi năm nữa thì bảy tỉ
người (hiện nay dân số
trên địa cầu đã là bảy tỉ người, trong hai mươi năm nữa con số này sẽ còn gia
tăng thêm vì phải cộng thêm một thế hệ trẻ nữa) trên hành tinh này sẽ
phải đối đầu với một cuộc khủng hoảng vô tiền khoáng hậu. Đến khi đó thì chúng
tôi sẽ không còn có thể nói lên được nữa là : "Chúng tôi yêu quý Paris và muốn
cho cái thành phố ấy sẽ phải tránh đuợc những cảnh tượng khủng khiếp sẽ xảy đến
với nó". Thế nhưng nào có phải chỉ có Paris đâu, còn thiên nhiên và cả chúng ta
trong đó nữa. Thật thế chúng ta phải biết kính trọng phẩm giá của cả thiên
nhiên. Chẳng qua vì thiên nhiên cũng có thể bị chà đạp và hủy hoại.
Đức ĐẠT-LAI LẠT-MA : Là một
nhà sư Phật Giáo, vâng, quả đúng như thế, tôi chỉ là một người tu hành và với tư
cách đó tôi phải dấn thân để mang lại sự hài hòa giữa các tôn giáo. Thế nhưng
mỗi khi phải tự giới thiệu mình thì tôi sẽ nói lên rằng: tôi chỉ là một con
người trong số bảy tỉ người đang sống trên hành tinh này, và tôi sẽ tự gán cho
cái thân xác con người đó của tôi cái trọng trách phải chăm lo cho nhân loại.
Tuyệt nhiên đấy không phải là vì một quốc gia nào cả, nhất định là không, và
cũng chẳng phải là vì một chính phủ nào cả, hoàn toàn chỉ vì nhân loại với ý
nghĩa thật rộng lớn của nó, và còn bao quát hơn thế nữa tức là cả hành tinh này
mà tất cả chúng ta cùng nhau đang chia sẻ một sự sống chung với muông thú, cỏ
cây, và cái hành tinh ấy thật ra thì cũng chính là một ngôi nhà duy nhất chung
cho tất cả chúng ta. Theo tín ngưỡng Phật Giáo của chúng tôi, và đồng thời thì
tôi cũng nghĩ rằng một số các triết gia của quý vị cũng tin như thế, thì ngay cả
thú vật cũng cảm nhận được lạc thú và đớn đau, và do đó cũng hàm chứa một tri
thức nào đó (1) (xem ghi chú của nhà
xuất bản ở cuối sách). Về phần cây cỏ thì đã từ hai nghìn năm nay đã
có không biết bao nhiêu cuộc tranh biện nhằm tìm hiểu xem chúng có hàm chứa một
thứ tri giác nào đó hay chăng. Dù sao đi nữa thì cỏ cây cũng có quyền được sống.
Từ nguyên thủy chúng ta sống giữa cỏ cây và nếu như các kỹ thuật hiện đại có
tách rời chúng ta ra khỏi môi trường của chúng thì cái cảm tính tương kết với
thiên nhiên vẫn còn lưu lại trong tâm hồn chúng ta, trong huyết quản của chúng
ta. Cái cảm tính đó sẽ tràn dâng mỗi khi chúng ta ngắm nhìn những cánh đồng cỏ,
những cánh rừng hoang hay những bông hoa đang đua nở. Chúng ta sẽ cảm thấy an
bình và hạnh phúc mỗi khi có dịp ngắm nhìn hay được gần gũi hơn với chúng.
Hiện
tượng tương liên
S. H. : Đấy là những gì thật quan trọng. Đối với
đức tin Ki-tô Giáo và Do Thái Giáo thì Trời giao cho con người trọng trách phải
đặt tên cho các vật thể trong thiên nhiên để có thể phát biểu rằng: đây là một
cánh rừng, đây là một gốc cây... Tôi nghĩ rằng đấy không phải là một giải pháp
đúng đắn để tiếp cận với thiên nhiên. Con người nào có phải là chủ nhân ông của
cả thiên nhiên đâu, mà đơn giản họ chỉ là một thành phần của thiên nhiên mà
thôi. Dựa vào đó, người ta có thể nghĩ rằng giá trị tinh thần chính đáng nhất
trên thế giới không nhất thiết chỉ là tinh thần của con người. Con người có thể
nắm bắt được một phần của cái tinh thần đó mà thôi, vì thế tinh thần nhất định
không phải là gia sản riêng tư của con người.
Đức ĐLLM : Đối với Phật Giáo
cũng như đối với đạo Ja-in (Jaïnism) - một tôn giáo lâu đời khác của Ấn Độ - thì
không hề có một vị sáng tạo tuyệt đối, và không có bất cứ gì có thể mang tính
cách độc lập được. Tất cả chỉ là hậu quả gây ra từ các nguyên nhân và điều kiện.
Tất cả đều tương liên, tương kết và tương tạo với nhau. Quy luật duy nhất quản
lý tất cả chúng ta là quy luật nguyên nhân và hậu quả (2)
(quy luật này cũng chính là cách vận hành của hiện tượng tương liên -
interdependence - trong vũ trụ).
S. H. : Không có gì khởi đầu,
cũng chẳng có gì chấm dứt, tất cả chỉ là sự chuyển động...
INDIGÈNE (người đại diện cho ban tổ chức và nhà xuất
bản) : Theo chúng tôi hiểu thì những gì mà cả hai vị vừa trình bày về
hiện tượng tương liên thì khái niệm này có thể hiểu bằng hai cách khác nhau tùy
theo mình đứng vào vị thế nào: Do Thái và Ki-tô Giáo hay là Phật Giáo. Một bên
thì tin là có Trời và một bên thì không.
Đức ĐLLM : Các người tu tập
theo Ki-tô Giáo, Do Thái Giáo, Hồi Giáo, kể cả Ấn Giáo đều chấp nhận ý niệm về
một vị sáng tạo. Tất cả các tín ngưỡng đó đều đã góp phần đáng kể trong việc
giúp đỡ nhân loại và đã từ hàng nghìn năm nay, vì thế chúng ta cũng không nên
xen vào sự tiến hành tốt đẹp đó để làm gì. Chỉ nên cố gắng cải thiện các giá trị
tốt đẹp mà các tôn giáo ấy nêu lên: ấy là tình thương, lòng từ bi, sự tha thứ.
Tất cả các tôn giáo đều hàm chứa một vẻ đẹp riêng, và chúng ta phải biết kính
trọng tất cả các tín ngưỡng ấy. Tuy nhiên nếu chúng ta muốn đạt được một chiều
rộng mang tính cách toàn cầu hơn thì phải tự đặt mình vào một cấp bậc khác, tức
là cấp bập của đạo đức thế tục. Sống một cuộc sống thế tục không có nghĩa là
không-kính-trọng tôn giáo. Đạo đức thế tục kính trọng tất cả các tôn giáo và kể
cả những người không-tin-vào-tôn-giáo, và tất nhiên là các người ấy cũng có
quyền được tiếp tục không tin vào tôn giáo. Trên lãnh vực cá nhân thì chúng ta
nên suy nghĩ như thế này: "mỗi tôn giáo, một sự thật", nếu nhìn vấn đề rộng hơn
thuộc toàn thể gia đình nhân loại thì chúng ta lại suy nghĩ như sau: "nhiều tôn
giáo, tất nhiều sự thật". Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế về Nhân Quyền không hề phân
biệt tôn giáo này với tôn giáo kia, quốc gia này với quốc gia khác. Bản Tuyên
ngôn chỉ nêu lên toàn thể nhân loại.
S. H. : Có Trời hay không thì
chúng ta vẫn cứ phải gánh vác trách nhiệm với tư cách một con người, và hơn nữa
đấy không phải là một thứ trách nhiệm đối với riêng gia đình nhân loại như đã
được nêu lên trong Bản Tuyên Ngôn năm 1948. Hiện tượng tương liên chi phối tất
cả chúng ta, dù cho chúng ta có đức tin hay không. Chúng ta phải tạo ra cho mình
một thứ tình thân ái mới mẻ hơn để giao tiếp với thiên nhiên. Trước đây chúng ta
đã không làm tròn được bổn phận đó. Chúng ta đã hành xử quá "man rợ" đối với
thiên nhiên. Do đó từ nay chúng ta nên cố gắng hơn để hành động như thế nào hầu
có thể giúp cho cây cỏ, mặt trời và muông thú được sống còn. Theo tôi thì những
điều đó phải được xem là một mục tiêu phải đạt cho bằng được, một sự thách đố
lớn lao đối với tất cả các quốc gia trên địa cầu.
Đức ĐLLM : Đấy không phải đơn
giản chỉ là bổn phận, mà còn liên hệ đến cả sự sống còn của chính chúng ta nữa:
sự gia tăng nhiệt độ trên địa cầu, năng suất nông phẩm ngày càng giảm xuống,
dưỡng khí giúp cho sự sống hằng ngày trở nên hiếm hoi, ô nhiễm lan tràn khắp
nơi... Nhân quyền của con người đang ở đâu bây giờ?
S. H. : Trong lúc mà chúng ta
đang ngồi đây để bàn thảo với nhau thì tại Durban ở Nam Phi, 194 Quốc Gia đang
tham dự khóa họp thứ 17 của Ủy Ban Liên Hiệp Quốc về vấn đề thay đổi khí hậu. Thế nhưng họ sẽ làm được gì?
Thật là ít ỏi. Chính đấy là lý do khiến tôi phải phẫn nộ tương tự như sự phẫn nộ
mà tôi đã từng nêu lên trong một quyển sách nhỏ trước đây của tôi. Các chính phủ
ngày nay tỏ ra quá yếu đuối và rụt rè. Mặc dù hiểu rõ những gì mà cả hai chúng
ta đang nêu lên: tức là thiên nhiên và nhân loại đang lâm nguy, thế nhưng họ lại
không hề động đậy, họ chẳng có một phương tiện nào để hành động, cơ cấu quản lý
tài chính đã tạo ra một sức ép quá nặng nề.
Đức ĐLLM : Chúng ta chỉ biết
quan tâm đến kết quả trước mặt và quên đi các hậu quả lâu dài. Tôi có dịp nói
chuyện với một số người trong giới kinh doanh và họ cho biết rằng cuộc khủng
hoảng kinh tế hiện nay đã gây ra nhiều thiệt hại lớn lao và hầu hết đều thú nhận
là họ không hề nghĩ đến những gì có thể xảy ra trong vòng mười đến hai mươi năm
sắp tới. Họ chỉ nghĩ đến việc phải giải quyết những gì cấp bách, chẳng hạn như
tìm cách vay mượn thêm, và không hề biết nhận lãnh trách nhiệm của mình đối với
các thế hệ tương lai, các thế hệ của chính con cháu họ. Theo tôi nghĩ thì đấy
chẳng qua là vì họ quá tính toán và không hề nghĩ đến khía cạnh tương liên của
mọi hiện tượng. Tương lai tùy thuộc vào hiện tại. Tất cả các dự án của chúng ta
dù được hoạch định theo chiều hướng nào đi nữa thì cũng phải nghĩ đến các hậu
quả lâu dài. Nếu không đủ sức dự đoán trước một ngàn năm thì ít ra cũng phải
nghĩ đến hậu quả sẽ xảy đến trong mười năm! Khi chúng ta nhìn vào các cuộc đình
công và bạo động xảy ra tại Hy Lạp cũng như các nơi khác, thì chúng ta cũng phải
tự hỏi những gì sẽ xảy ra nếu biết chọn một biện pháp tuần tự hơn, tức là từng
chút một, thay vì áp đặt một cách đột ngột biện pháp thắt lưng buộc bụng thật
nghiệt ngã như hiện nay? Đấy là
những gì mà tôi gọi là một tầm nhìn mang tính cách toàn diện hơn.
Một bản
sơ đồ phác họa các giá trị tinh thần
S. H. : Chuyển kiến thức thành
hành động là cả một sự cam go đối với con người. Có thể chúng ta cũng có dịp đọc
được vài quyển sách hay, chẳng hạn như các sách ấy nêu lên : Coi chừng đấy, nếu
cứ tiếp tục phung phí xăng dầu như hiện nay thì trong mười năm nữa là xăng sẽ
cạn hết! Dù ý thức được điều ấy thế nhưng chúng ta vẫn cứ tự nhủ : họ nói đúng
đấy, thế nhưng phần tôi thì nào tôi có làm gì được đâu? Tôi phải sử dụng chiếc
xe của tôi chứ, dù tôi có cố gắng tậu một chiếc xe khác uống ít xăng hơn một tí
thì tôi cũng cứ phải tiếp tục sử dụng nó. Tóm lại nếu muốn cho kiến thức biến
thành hành động thì còn phải cần đến thêm một cái gì khác nữa, và cái ấy thì
Ngài cũng đã cho biết một cách thật rõ ràng: đấy là lòng từ bi. Chúng ta không
phải chỉ biết suy nghĩ suông mà còn phải chuyển sự suy nghĩ ấy trở thành hành
động nữa, thế nhưng phải hành động với lòng từ bi. Phải hiểu rằng khi chúng ta
làm một việc gì đó dù là tốt hay xấu, thì đấy cũng không phải là vô thưởng vô
phạt, mà thật ra thì hậu quả mang lại luôn liên quan đến những người khác chung
quanh, vì thế khi thực thi một điều gì thì đấy không nhất thiết chỉ vì chúng ta
mà còn vì người khác nữa. Chỉ khi nào chúng ta ý thức được là cách hành xử của
chúng ta luôn liên hệ đến sự an vui của người khác thì khi đó may ra chúng ta
mới có thể cùng nhau đi xa hơn được.
Đức ĐLLM : Đúng thế, đấy là
lòng từ bi, một cách ý thức được trách nhiệm của chính mình. Khi nào các bạn
hiểu được rằng "tôi cũng có bổn phận phải chăm sóc cho gian nhà của tôi, cho số
phận của con cháu tôi" thì khi đó các bạn cũng phải biết nghĩ đến người khác và
từ đó hành động sẽ phát sinh. Ý thức về trách nhiệm hình thành từ một sự thức
tỉnh tinh thần. Sự ý thức đó không phát sinh từ một thứ đức tin nào cả mà đúng
hơn là bằng sự phân tích. Tôi cho rằng nền giáo dục ngày nay chỉ biết hướng vào
các giá trị vật chất. Không thấy có gì trực tiếp giúp vào việc biến cải tâm
thần. Mỗi khi nghe nói đến lãnh vực tinh thần thì mọi người sẽ gán ngay cho
chúng ta cái hậu ý quảng bá tôn giáo. Thế nhưng nào có ai có thể chối cãi được
là cuộc sống hằng ngày cũng như mọi hoạch định của mình đều được điều khiển bởi
tâm thức của chính mình. Nếu chúng ta đi du lịch ở một nơi nào đó tại một lục
địa khác thì chúng ta cũng phải xem bản đồ để tìm đường. Cũng thế khi nói đến
lòng từ bi và sự tha thứ – là những gì thuộc tâm thức – thì đương nhiên chúng ta
cũng sẽ phải cần đến một tấm bản đồ của tâm thức. Tấm bản đồ ấy sẽ giúp chúng ta
chuyển đổi từ một thể dạng xúc cảm này sang một thể dạng xúc cảm khác, và cũng
để hiểu rằng tại sao một sự xúc cảm lại rời nơi này để đến nơi khác và biến
thành một xúc cảm khác; để rồi sau đó lại tiếp tục biến thành một xúc cảm khác
nữa. Cái tấm bản đồ đó giúp chúng ta nhận ra được sự sinh hoạt thật kỳ thú trong
tâm thức của chính mình. Tất cả những thứ ấy chẳng có gì gọi là tôn giáo cả,
hoàn toàn không dính dáng gì đến tín ngưỡng. Thật đơn giản, đấy chỉ là cách giúp
chúng ta biết chăm sóc đến thân xác và tâm thức của mình, cái tâm thức ấy thuộc
vào não bộ của chính mình. Não bộ quả thật hết sức tinh xảo. Tâm thần, tri thức
và các thứ xúc cảm - hiện ra trong não bộ - cũng rất tinh xảo. Thế nhưng hệ
thống giáo dục hiện nay của chúng ta thì lại không hề nghĩ đến việc giúp chúng
ta học hỏi về những thứ ấy.
S. H. : Quả đúng như thế, nhà trường chẳng giảng dạy cho chúng ta được
gì cả về sự phức tạp của tâm thức chúng ta. Tôi nghĩ rằng giáo dục Phật Giáo có
thể giúp vào việc phác họa các tấm bản đồ xác định các thứ tình cảm cũng như các
thứ xúc cảm và cả các phương pháp giúp chúng ta tránh được sự hung bạo. Đấy là
những gì mà chúng ta đã không hề biết đưa vào hệ thống giáo dục Thiên Chúa Giáo
trước đây và cả đối với nền giáo dục tân tiến và thế tục ngày nay. Chúng ta
không cần biết là phải đặt sự hung bạo ra xa. Chúng ta cứ nghĩ rằng: chúng ta có
lý và chúng ta cứ hành động! Chẳng cần phải nghĩ đến người khác làm gì.
Thiết nghĩ đến đây chúng ta cũng cần phải nêu lên thêm một thông điệp quan trọng
khác nữa – đó cũng là thông điệp của các bạn, và cũng có thể đấy là một thông
điệp phát sinh từ thái độ suy nghĩ tiến bộ hơn về vai trò của người phụ nữ, thật
thế ngày nay người phụ nữ ngày càng được mời tham gia vào các chức vụ quan
trọng.
Đức DLLM : Đúng thế, người đàn
bà giữ một vai trò đặc biệt quan trọng nhằm khơi động sự nhạy cảm nơi con người,
lòng từ bi và chủ trương bất bạo động. Và đúng như ông bạn vừa nêu lên, đấy là
những gì vẫn còn chưa được triển khai đúng mức trong các xã hội tân tiến ở thế
kỷ XXI này. Các xã hội của chúng ta vẫn chỉ biết đơn thuần nêu cao các thành
tích tuyệt vời về học vấn và các khả năng trí thức và không hề biết đến là phải
phát huy các giá trị con người, chẳng hạn như lòng từ bi, sự bao dung.
Tự thiêu
tại Tây Tạng
INDIGÈNE : Đối với thông điệp
vừa nêu lên thì chúng tôi cũng mạn phép xin quý vị cho biết quan điểm của quý vị
như thế nào về quyết định thật khủng khiếp của một ni sư ba mươi lăm tuổi là
Palden Choesang đã tự thiêu vào ngày 3 tháng 11, năm 2011 vừa qua nơi tu viện
Gaden Choeling trong tỉnh Tứ Xuyên. Vị lãnh đạo của một tăng đoàn quan trọng
nhất ở Dharamsala (thành phố thuộc tây
bắc Ấn Độ, nơi thiết đặt chính phủ lưu vong của Tây Tạng)
thuộc tu viện Kirti thì cho đấy là một "hành động tối thượng của lý tưởng
bất-bạo-động" (3).
Đức ĐLLM : Đây là một câu hỏi
thật hết sức nghiêm trọng, thật khó để giải đáp. Và thật ra thì cũng hết sức
nhạy cảm để có thể trả lời một cách thỏa đáng, nhất là chính quyền
Trung Quốc - đương nhiên phải liên hệ đến biến cố này - lại
đang canh chừng xem tôi tuyên bố như thế nào về vấn đề này. Họ luôn sẵn sàng bóp
méo những lời phát biểu của tôi và lên án tôi. Đối với quan điểm của Phật Giáo
thì nên tự hỏi những động cơ nào đã thúc đẩy các nhà sư cũng như các ni sư phải
tự nguyện thực thi những hành động ấy. Về điểm này thì tôi có thể trả lời được:
các nguyên nhân thúc đẩy họ nhất định vượt xa hơn lãnh vực cá nhân và gia đình
họ. Họ không hy sinh sự sống của mình chỉ vì những quyền lợi cá nhân. Động cơ
thúc đẩy họ cao cả hơn, chân thật hơn, trong đầu lúc nào họ cũng âu lo đến sự
sống còn của Tây Tạng, của Phật Giáo và các quyền hạn chính trị và văn hóa của
mình. Có thể bảo rằng động cơ thúc đẩy họ là chính đáng. Thế nhưng nếu tôi nói
lên những điều ấy thì tức khắc người Trung Quốc sẽ bảo rằng: "Đạt-lai
Lạt-ma tán dương việc tự thiêu, và còn xúi dục các người khác tham gia thêm vào
việc hy sinh ấy nữa !". Rất khó cho tôi biện bạch. Thế nhưng nếu tôi nói ngược
lại, thì quý vị hãy tưởng tượng xem là bạn bè và gia đình của những người ấy sẽ
buồn khổ như thế nào khi nghe thấy: Đạt-lai Lạt-ma không chấp nhận cho các nhà
sư và các ni sư hy sinh đời mình vì quê hương Tây Tạng! Câu hỏi của quý vị quả
là hết sức tế nhị cho tôi.
S. H. : Tại sao chúng ta lại
không thể nói lên được là trách nhiệm gây ra các hành động tự tử không thuộc vào
những người tự thiêu mà đúng ra là của những người không cho phép họ được tiếp
tục sống?
INDIGÈNE : Một người bạn của
Ngài là giáo sư người Mỹ Robert Thurman (4) có nói rằng nếu như dân chúng Trung Quốc được phép trông thấy
trước mắt họ người ni sư trẻ cháy như một ngọn đuốc thì toàn bộ hệ thống cai trị
hiện nay sẽ sụp đổ ngay.
Đức ĐLLM : 1,3 tỉ người Trung Quốc tuyệt đối có quyền
được biết sự thật và cũng tuyệt đối có quyền tự mình xét đoán những gì là đúng
hay không đúng. Việc kiểm duyệt nhằm mục đích kiểm soát và duyệt bỏ là một hành
vi thiếu đạo đức. Chính quyền
Trung Quốc không đủ can đảm để đối đầu với sự thật mà chỉ biết
đàn áp bằng súng đạn, xâm lược và tuyên truyền bóp méo sự thật. Từ khi người
Trung Quốc chiếm đóng (Tây Tạng) tức là kể từ năm 1960 đến nay và theo
tài liệu của chúng tôi cho biết thì hơn một triệu người Tây Tạng đã bị giết,
hoặc chết trong các trại tập trung, hoặc chết vì đói khát. Các hồ sơ quân sự của
Trung Quốc thì cho biết là từ tháng 3 năm 1959 đến tháng 9 năm
1960 riêng trong vùng Lhassa đã có 87 000 người chết. Mặc dù phải gánh chịu
không biết bao nhiêu đau thương thế nhưng lúc nào chúng tôi cũng vẫn quyết tâm
giữ vững chủ trương bất-bạo-động. Chính sách đó của chúng tôi đã mang lại hiệu
quả : trong vòng hai năm nay và theo các thống kê của chúng tôi thì đã có không
dưới hai nghìn bài viết bằng tiếng hoa và do người Trung Quốc viết, nhằm ủng hộ
những gì mà chúng tôi gọi là "Con Đường
Trung Đạo", và đấy cũng là một cách gọi khác đi của hiện tượng
tương liên, và các bài viết cũng chỉ trích thật nặng nề chính phủ của họ. Gần
đây tôi có nhận được lá thư của một người
Trung Quốc trẻ tuổi có kiến thức cao ở Bắc Kinh, người này cho
biết trước đây vì bị chính quyền Trung Quốc tuyên truyền nên đã
tin rằng Đạt-lai Lạt-ma là một người ly khai, một người muốn dành lại độc lập.
Người này cho biết thêm là mình đã may mắn được gặp một người Tây Tạng từ Ấn Độ
đi hành hương tại một thánh địa Phật Giáo ở Trung Quốc và người này đã kể
chuyện cho biết là Đạt-lai Lạt-ma nào có tìm cách để dành lại độc lập đâu mà chỉ
nhằm bảo vệ văn hóa Tây Tạng. Người Trung Quốc trẻ tuổi này viết thư
cho tôi và cho biết là từ nay sẽ hết lòng ủng hộ tôi, và nếu như sự thật đó được
tất cả các người Trung Quốc biết thì tất cả 100% trong số họ cũng sẽ ủng hộ tôi
mà thôi. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nắm trong tay một lực
lượng quân sự cực mạnh, thế nhưng trong lòng họ thì lúc nào cũng đầy ắp sợ hãi.
Tinh thần của người Tây Tạng chúng tôi mạnh hơn họ nhiều, quả thật không có một
chút nghi ngờ nào về điểm này!
Sức mạnh
to lớn của cái gọi là "Chúng Ta"
S. H. : Thế giới không biến
chuyển một cách nhanh chóng như chúng ta hằng mong mỏi, thế nhưng thật ra thì nó
cũng đang thay đổi. Thông điệp của Ngài là một thông điệp mang lại sự tin tưởng
và lòng can đảm. Riêng tôi thì tôi cũng cố gắng nói lên điều đó mỗi khi tôi có
dịp tiếp xúc với giới trẻ và bằng khả năng giới hạn của mình mà thôi. Tôi nói
với họ rằng hoàn cảnh tuy chưa thật thuận lợi, thế nhưng không nên đánh mất lòng
tin và sự nhiệt tâm của mình, và luôn phải tìm cách để chứng tỏ lòng can đảm ấy
của mình. Mọi sự rồi sẽ dần dần thay đổi, hoặc cũng có thể sẽ xảy đến một cách
bất thần. Điều quan trọng nhất là không nên hành động một mình mà phải luôn sát
cánh với các người khác. Thế hệ trẻ thuộc vào đầu thế kỷ XXI này được thừa hưởng
nhiều lợi điểm hơn so với chúng ta trước đây nhiều. Ngày còn trẻ may ra thì đôi
khi chúng ta cũng có thể điện thoại cho nhau, thế nhưng nào có biết e-mail,
iPad, v.v... là cái gì đâu ? Ngày nay, con tôi, cháu tôi và cả chắt của tôi nữa,
đứa nào cũng sử dụng các thứ ấy. Một lời nói đúng hay một hình ảnh gây ra xúc
động mạnh ngày nay có thể truyền đi khắp thế giới một cách nhanh chóng.
Đức ĐLLM : Thật thế các kỹ
thuật tân tiến ngày nay quả đúng là một lợi điểm thật to lớn.
S. H. : Cái xã hội tân tiến
của chúng ta thật ra hết sức mong manh. Cứ tưởng chừng như nó đang sụp đổ đến
nơi. Chính vì thế nên biết đâu sự biến đổi cũng có thể xảy ra nhanh chóng hơn so
với các thế kỷ trước đây. Phải mất biết bao nhiêu thế kỷ tranh đấu để con người
dám nói lên về nhân quyền? Bốn hay năm thế kỷ? Thưa Ngài Thánh Thiện, Ngài có
một lợi điểm vô cùng lớn lao là được thừa hưởng những giá trị tinh thần lưu lại
đã từ hàng nghìn năm, và sức mạnh của các giá trị ấy không có gì có thể lay
chuyển được, bằng chứng là qua biết bao nhiêu thế kỷ thử thách thế nhưng cái
tinh thần ấy vẫn vững mạnh và còn đó. Đối với chúng tôi thì nào chúng tôi có
thừa hưởng được những thuận lợi như thế đâu. Chúng tôi chỉ biết trông cậy vào
những gì xảy ra vào thế kỷ XVI, bởi vì vào thế kỷ này thì Âu Châu mới bắt đầu
thay đổi, và chiều hướng đó ngày càng trở nên rõ rệt hơn nhờ vào các cuộc cách
mạng Pháp, Hoa Kỳ
và Nga Sô. Dù bằng cách nào đi nữa thì lịch sử của chúng tôi cũng chỉ được hình
thành một cách tuần tự. Thế nhưng đối với Ngài thì tôi có cảm giác rằng Ngài
đang bình chân trên một mảnh đất thật vững chắc, một nền tảng thật lâu đời đã từ
nghìn năm lưu lại.
Đức ĐLLM : Truyền thống tín
ngưỡng Do Thái và Ki-tô Giáo cũng rất lâu đời! Riêng cá nhân tôi thì tôi vẫn tin
rằng các anh chị em thuộc Ki-tô Giáo đã mang lại thật nhiều lợi ích quý giá
trong các lãnh vực giáo dục và sức khoẻ khắp nơi trên thế giới. Những gì Phật
Giáo thực hiện được thì rất là ít. Đối với Hồi Giáo thì khá giới hạn và Ấn Giáo
cũng thế. Gần đây tôi có tham dự lễ kỷ niệm ngày mất của mẹ Theresa tại
Calcutta, tôi mượn dịp này để nêu lên là sở dĩ bà đã có được sức mạnh nội tâm và
lòng quả cảm như thế ấy là nhờ vào tín ngưỡng Ki-tô Giáo và tình thương yêu của
bà đối với Thượng Đế. Thật hết sức kỳ thú khi cảm thấy mình được đến gần với
Trời, thế nhưng ngược lại thì điều đó cũng sẽ khiến cho chúng ta không quan tâm
đúng mức đến việc phải cải biến chính tâm thức mình. Đối với Phật Giáo thì Đức
Phật đã từng nói với tất cả các đệ tử như sau : "Không nên chỉ biết dựa vào sự
sùng kính và đức tin để chấp nhận giáo huấn của Ta, mà chỉ nên chấp nhận nó khi
nào đã nghiên cứu nó thật cẩn thận". Phép tu tập đó sẽ giúp chúng ta biết ý thức
nhiều hơn đến trách nhiệm của chính mình: Thượng Đế của các tín ngưỡng Do Thái
và Ki-tô Giáo thì nhận lãnh tất cả trách nhiệm về mình
(về những gì do mình sáng tạo và những gì xảy ra), thế nhưng Đức Phật
thì lại đặt trách nhiệm lên hai vai của các đồ đệ của Ngài!
S. H. : Xin cám ơn Ngài đã
nhắc nhở cho chúng tôi biết là phải tập gánh vác trách nhiệm của con nguời.
Đức ĐLLM : Vâng đúng thế,
chúng ta có thể đem ra áp dụng nguyên tắc tương liên nhằm phát động cái gọi là
"Chúng Ta" thật to lớn đó, tức gồm toàn thể cả địa cầu này. Cái "Chúng Ta" ấy
đáng giá hơn nhiều so với cả một tòa tháp "Chọc Trời". Thế nhưng hiện tại thì
chúng ta vẫn còn bị chi phối bởi tình trạng cách biệt giữa "chúng ta" và
"người khác". Cái biên giới chia cách đó bắt rễ quá sâu trong tâm thức chúng ta
khiến cho chúng ta chỉ biết nghĩ đến quyền lợi của riêng mình mỗi khi có tranh
chấp, và đôi khi còn tệ hơn nữa tức là còn tìm cách khai thác hay hăm dọa cả
những người láng giềng của mình nữa. Đấy là nguồn gốc sinh ra bạo-lực và chiến
tranh. Dù sao đi nữa nếu biết ý thức được ý nghĩa của tình huynh đệ toàn cầu là
gì thì con tim mình nhờ đó cũng sẽ mở rộng ra một cách tự nhiên hơn. Chúng ta
cũng sẽ biết hành động sáng suốt và ngay thật hơn, để mang lại cho chúng ta sức
mạnh nội tâm và sự tự tin, tự tin nơi mình và đối với người khác nữa, và đấy
cũng là cách giúp mình phát lộ được tình nhân ái. Tôi thường nhớ lại khoảng thời
gian sáu mươi năm sau này trong cuộc đời tôi, trong cái khoảng thời gian đó tôi
đã từng trải qua không biết bao nhiêu sóng gió. Tôi đã từng phải chịu đựng nhiều
thảm trạng cũng như các cảnh huống thật nặng nề, thế nhưng dù sao đi nữa thì tôi
vẫn chưa được nếm mùi của những ngày tháng mà ông bạn của tôi đã bị giam cầm
trong các trại tập trung...
S. H. : Cái thời gian đó cũng
không đến nỗi quá dài trong trường hợp của tôi... Vì thật ra thì tôi cũng chỉ bị
nhốt trong trại tập trung có mười tháng!
Đức ĐLLM : Tất cả các khó khăn
đến nay vẫn còn nguyên vẹn, và cả sự sợ hãi nữa, thật là điều đáng buồn. Dù sao
đi nữa thì trong những lúc ấy tôi vẫn cảm thấy tâm thức tôi luôn trong tình
trạng an bình.
Một
ngành khoa học lâu đời của nước Ấn
S. H. : Làm thế nào mà Ngài
lại có thể giữ được một tâm thức an bình bất chấp mọi khó khăn ?
Đức ĐLLM : Tôi muốn nhắc nhở
mọi người hai điều như sau : trước hết hãy biết sử dụng trí thông minh của mình
hiệu quả hơn. Bất cứ đối với một hoàn cảnh nào thì cũng đều có thể hình dung nó
dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Thí dụ như đối với trường hợp của tôi, thì trước
hết tôi có thể bảo rằng : tôi đã đánh mất quê hương tôi rồi, tôi sống phần lớn
cuộc đời tôi trong cảnh lưu vong, kiếp sống của một kẻ tị nạn. Thế nhưng tôi
cũng có thể bảo rằng: nhờ đó tôi đã khám phá ra cả thế giới này, tôi có thể giao
tiếp với tất cả mọi người mà không cần đến một thứ nghi lễ nào cả. Nếu như tôi
vẫn còn ở trong lâu đài Potola ở Lhassa, thì nhất định tôi sẽ bị cô lập bởi các
thứ nghi lễ hoàn toàn vô ích. Điều thứ hai mà tôi có thể hình dung ra được đấy
là hơi ấm của con tim tôi. Thật thế hiện nay chúng ta đang bị chi phối bởi một
tình trạng chia cách giữa "chúng ta" và "người khác". Cái ranh giới đó đã bắt rễ
quá sâu vào tâm khảm chúng ta, tách rời chúng ta ra khỏi sự cảm nhận về tình
huynh đệ toàn cầu.
S. H. : Trên phương diện lý
trí thì Ngài quá cao cường, Ngài hiểu biết quá nhiều, nhiều hơn tôi gấp bội.
Ngài đã từng giao tiếp với các nhà thần kinh học thật tân tiến và Ngài cũng nhận
thấy là những khám phá của họ rất gần với những kinh nghiệm cảm nhận của chính
Ngài.
Đức ĐLLM : Họ khám phá ra rằng
sự giận dữ, sợ hãi, và hận thù thường xuyên tàn phá hệ thống miễn nhiễm của
chúng ta. Trong khi đó thì chúng ta lại phải cần đến một thể dạng tâm thần bình
lặng nhằm mang lại sức khoẻ cho thân xác và an vui cho tâm thần chúng ta.
S. H. : Thật thế, chính sự
giận giữ, sợ hãi và hận thù sẽ mang lại mọi thứ bệnh tật...
Đức ĐLLM : Đã từ hơn hai mươi
năm nay, tôi vẫn thường xuyên bàn luận với các khoa học gia. Theo họ thì các
kinh nghiệm hiểu biết lâu đời của Ấn Độ về tri thức, tâm thức, xúc cảm... thật
vô cùng giá trị. Con số các khoa học gia này ngày càng đông hơn và càng tỏ ra
tha thiết hơn trong việc tìm hiểu thêm về các lãnh vực trên đây. Phật Giáo tìm
hiểu và nghiên cứu tâm thức dựa vào ngôi thứ nhất (bằng phép nội quán và thiền định).
Qua bao thế kỷ nay, chúng tôi (những người Phật
Giáo) đã dày công luyện tập nhằm phát huy sự chú tâm để giúp theo dõi
sự vận hành của các thể dạng cảm nhận tâm thần. Chúng tôi sử dụng các kỹ thuật
nghiên cứu, phép nội quán, sự suy tư..., đấy là các phép luyện tập thật hoàn hảo
vì đã được triển khai dựa vào những kinh nghiệm thu thập được qua hàng nhiều thế
kỷ. Thiền định là kỹ thuật quan trọng hơn cả. Kỹ thuật ấy không biểu trưng cho
một phép tu tập mang tính cách tín ngưỡng nào cả, mà đúng hơn đấy chỉ đơn giản
là một sự luyện tập kiên trì nhằm mục đích giúp quan sát và phát huy tâm thức.
S. H. : Tình thương và hận thù
là hai sức mạnh quan trọng nhất. Vậy làm thế nào để có thể loại bỏ hận thù? Tất
cả chúng ta đều cảm thấy hận thù vào một lúc nào đó trong cuộc sống của mình.
Đức ĐLLM : Một tấm bản đồ về
tâm thần có thể giúp được việc đó. Tấm bản đồ này đã được thực hiện chung với
một số các bạn hữu khoa học gia của tôi, họ là những con người thật hết sức khác
thường, chẳng hạn như Francisco Verala, "Richie", Matthieu Ricard (5)..., họ đã
góp phần một cách thật tích cực vào việc thực hiện các tấm bản đồ trên đây nhờ
sự hiểu biết về kỹ thuật và các kinh nghiệm phong phú của họ : ngày nay sự vận
hành của tâm thức có thể theo dõi được trong từng phần ngàn của một giây, và
từng milimét trong não bộ. Nếu có thể theo dõi một cách minh bạch và nắm vững
được sự vận hành chính xác của toàn bộ tâm thức thì chúng ta cũng sẽ có thể phát
huy được dễ dàng những xúc cảm tích cực, chẳng hạn như lòng từ bi, sự tha thứ,
đồng thời thu hẹp tác động của những thứ xúc cảm tàn phá, chẳng hạn như sự giận
dữ, nghi ngờ, sợ hãi, hận thù..., nói một cách khác là giúp thay đổi tính khí
của mình. Xin nhắc lại một lần nữa rằng đấy cũng chẳng phải là một thứ giáo huấn
mang tính cách tín ngưỡng, mà chỉ đơn giản là một khoa học tâm thần. Hận thù có
phải là trường hợp đã từng xảy ra cho ông hay chăng khi ông bị nhốt trong trại
tập trung, nhất định là lúc ấy ông phải cảm thấy hận thù những người quốc xã...
Không
chống gậy cũng chẳng hận thù
S. H. : Không, hận thù thì
nhất định là không...
Đức ĐLLM : Tôi tin vào lời ông
nói! Bởi vì vào tuổi của ông mà ông không chống gậy thì đấy chính là bằng chứng
cho thấy thể dạng tâm thần của ông thật thanh thản và an bình. Và cũng nhờ đó mà
sức khoẻ của ông vẫn còn tốt. Về chuyện này thì tôi có thể đoan chắc được!
S. H. : Tôi xin kể hầu Ngài
một câu chuyện thật vô cùng kỳ thú đã từng xảy đến với tôi. Vào năm 1943, lúc đó
tôi đang ở Paris và là một nhân viên tình báo, và rồi tôi bị bắt. Người ta dí
một khẩu súng ngắn vào lưng tôi. Tôi nghĩ rằng : "Thế là xong, họ sắp giết tôi
đây", không có một lý do gì họ lại tha tôi: tôi là một tên điệp viên ngoại quốc (Stéphane Hessel là người Đức gốc Do Thái - mẹ người Đức và
cha là người Do Thái), họ là những kẻ chiến thắng, họ vừa đoạt được
phần thắng trong một cuộc chiến. Trong một chớp mắt tôi cảm thấy một sự tách rời nào đó đã xảy ra giữa tinh thần và thể xác. Thể
xác trở nên mềm yếu, thế nhưng tâm thần thì vẫn rộng mở. Kinh nghiệm cảm nhận ấy
thật hết sức lạ lùng đối với tôi. Tuy thế cái giây phút ấy không kéo dài, vì
người ta mang tôi đi và sau đó thì chỉ hỏi cung tôi. Thế nhưng cái giây phút ấy
luôn còn đó và biết đâu Ngài cũng có thể đã từng nghĩ thầm như tôi: "À, cái chết
hóa ra là như thế đấy!" Thế nhưng hóa ra thì Ngài vẫn còn sống! Tôi vẫn còn đây.
Tôi vẫn sống còn.
Đức ĐLLM :
Không phải ông chỉ đơn giản sống còn, mà ông đã sống còn với tất cả nhân
phẩm của chính mình. Ông không hề tỏ ra oán hận kẻ thù của ông. Có một phép tu
tập Phật Giáo nêu lên một phương cách như sau: "Kẻ thù của ta chính là người
thầy quý nhất của ta". Người thầy đó dạy cho ta cách luyện tập về lòng tha thứ
và sự kiên nhẫn, đấy là những gì thật thiết yếu giúp chúng ta luôn giữ được sự
quyết tâm của mình. Bao giờ lúc đầu thì chúng ta cũng rất hăng say, thế nhưng
nếu không kìm hãm được sự nóng nảy thì cũng có thể sẽ đưa đến hận thù, sợ hãi và
nghi ngờ. Sự tha thứ không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối mà đúng hơn là một
sức mạnh. Nếu chúng ta càng tự tin nơi mình thì lòng khoan dung cũng sẽ dễ hiện
ra với mình hơn. Sự giận dữ chỉ là dấu hiệu của yếu hèn.
Hố chia
cách giữa kẻ nghèo và người giàu
S. H. : Thật đáng buồn là trên
địa cầu này vẫn có một số người phải thốt lên rằng: "Chúng tôi không được hưởng
những gì khả dĩ tương xứng với quyền hạn của chúng tôi. Chúng tôi phải chịu cảnh
đói nghèo, thật quả là vô phước cho chúng tôi. Hãy thử nhìn vào các người khác
thì sẽ thấy ngay, họ là những người tư bản, hoặc những người đang nắm quyền hành
trong tay, chúng tôi vô cùng thù ghét họ, chúng tôi chỉ muốn tận diệt hết những
người ấy... ». Thật thế, nếu muốn mở rộng tâm thức và con tim mình thì nào có
phải là một chuyện dễ đâu.
Đức ĐLLM : Tôi vẫn còn nhớ lần
đầu tiên tôi viếng thăm Âu Châu vào năm 1973. Một hôm ở Genève, tôi cảm thấy bị
chấn động mạnh vì có một người Anh khá phong nhã bảo với tôi rằng tôi sẽ chẳng
có hy vọng gì khi trông cậy vào các thế hệ lớn tuổi (thế hệ trên trước và giàu có, ám chỉ người tây Phương và các
nước Tây Phương) vì tinh thần của họ quá chật hẹp và cứng nhắc. Thật
thế từ đấy đến nay cái hố sâu giữa người giàu và kẻ nghèo ngày càng trở nên sâu
thêm (một cách nói khéo nhằm ám chỉ các quốc gia
giàu có và các quốc gia nghèo đói). Vào thời bấy giờ con người sống
khá lẻ loi (các
quốc gia Tây Phương tự cô lập mình), và cũng vì thế mà họ luôn cảm
thấy mất an ninh. Các xã hội Tây Phương từ lâu đã đạt được các tiêu chuẩn khá
cao thế nhưng không hề chìa tay ra để nâng đỡ kẻ khác. Cách suy nghĩ của chúng
ta bao giờ cũng thế, chẳng có gì mới lạ cả, cũng vẫn là sự ngăn cách giữa "chúng
ta" và "kẻ khác". Cái hố cứ ngày càng sâu thêm. Sức mạnh khủng khiếp của các thể
chế kinh tế cứ chi phối sự sinh hoạt của toàn thể xã hội, sự nghèo đói cứ ngày
càng tạo ra thêm các cảnh khốn quẩn cho những người bần cùng. Đấy là những gì
bắt buộc chúng ta phải tìm cách biến nền kinh tế hiện hành thành một một nền
kinh tế xây dựng trên lòng từ bi, một nền kinh tế biết quan tâm đến nhân phẩm và
công lý và phải được áp dụng cho tất cả mọi người, đúng theo những gì đã được
nêu lên trong Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế về Nhân Quyền. Bất cứ ở đâu phát sinh ra
tình trạng nghèo đói thì ở đấy cũng sẽ xuất hiện những mối hiểm nguy làm phương
hại đến sự hài hòa trong xã hội, hạ thấp tình trạng sức khoẻ chung trong dân
chúng, mang lại đau thương và gây ra các cuộc xung đột vũ trang và chiến tranh
toàn diện. Không phải chỉ biết nhân danh đạo đức để lên án tình trạng nghèo đói
là đủ; trên thực tế nghèo đói là một nguyên nhân bất tận đã mang lại đủ mọi thứ
khó khăn, các cuộc xung đột và cả chiến tranh. Tôi liên tưởng đến các trường hợp
như Ấn Độ và Pakistan tranh dành nhau vùng Kashmir; hoặc cuộc tranh chấp giữ Do
Thái và Palestin; và cả các cuộc khủng bố xảy ra khắp nơi... Nếu chúng ta cứ
tiếp tục lao mình theo cái đà đó thì tình trạng ấy một ngày nào đó sẽ trở nên
không còn có thể hàn gắn được nữa. Cái hố chia cách "những người có" và "những
người không có" sẽ mang lại khổ đau cho tất cả hai bên. Chúng ta không phải chỉ
biết mở rộng lòng từ bi đối với những người đang đau khổ, mà còn phải tranh đấu
tích cực hơn nhằm mang lại một sự công bằng xã hội toàn diện hơn.
S. H. : Theo tôi nghĩ thì ngày
nay sự kính trọng tất cả mọi con người phải được xem như là một đạo luật thuộc
vào nền luật pháp quốc tế. Bởi vì chúng ta đang sống trong một thế giới mang thể
chế toàn cầu. Từ năm 1945, chúng ta tổ chức cuộc sống dựa vào Bản Hiến Chương
Liên Hiệp Quốc. Người Do Thái bảo rằng Trời cho họ quê hương của họ, trao tặng
cho họ Hebron
(thánh địa của người Do thái ở vào phía nam của thành phố Bét-lê-hem -
Jerusalem). Thế nhưng tôi muốn nói lên rằng: Bản Hiến Chương Liên
Hiệp Quốc nào có cho quý vị cái mảnh đất ấy đâu. Quý vị là thành viên của Liên
Hiệp Quốc, vậy thì phải tôn trọng Hiến Chương ấy, tôn trọng Bản Tuyên Ngôn Quốc
Tế với các điều luật nêu lên liên quan đến việc
bảo vệ văn hóa và xã hội. Luật pháp quốc tế phải được đặt lên trên các quyền lợi
hẹp hòi của một quốc gia. Khi một quốc gia không tuân thủ, chẳng hạn như Trung
Quốc không tôn trọng luật pháp quốc tế - quy định rằng tất cả mọi dân tộc đều có
quyền bảo vệ văn hóa của mình - thì phải bắt quốc gia đó phải tuân thủ luật
pháp, thay vì chỉ biết nghĩ đến các quyền lợi ích kỷ của xứ sở mình.
Đức ĐLLM : Tất nhiên là phải như thế!
Thực thi
quyết tâm bất-bạo-động
INDIGÈNE : Mùa xuân Á-rạp
(phong trào đòi hỏi dân chủ gần đây của nhiều nước Á-rập) đã cho
chúng ta thấy rằng Tổng Thống Hoa Kỳ Obama dưới một khía cạnh nào đó đã đánh giá
các cuộc cách mạng ấy là bất-bạo-động - trên thực tế thì cũng đúng đối với
trường hợp của Tunisia và Ai-cập, khi lần đầu tiên mạng lưới Internet được sử
dụng rộng rãi nhằm tạo ra một tinh thần tập thể rộng lớn - thế nhưng ngược lại
thì đối với trường hợp của xứ Lybia thì những người khởi động các cuộc can thiệp
vũ trang tự cho rằng đấy là một "cuộc chiến tranh vì nhân đạo". Cái tên gọi đó
tỏ ra khá nghịch lý. Phải chăng các đạo luật về nhân quyền phải luôn được xem là
bất-bạo-động hay không ?
Đức ĐLLM : Nhất định là như
thế. Nhân Quyền có nghĩa là sự kính trọng mạng sống và phẩm giá con người.
S. H.: Bảo vệ nhân quyền là
một cách nói lên chủ trương bất-bạo-động. Thế nhưng nếu nhân quyền bị chà đạp
thì đấy lại chính là cách đưa đến bạo-lực. Chính vì thế mà phải cần đến khái
niệm về sự "kính trọng". Đấy là những gì thật vô cùng quan trọng. Chúng ta rất
cần đến sự bao dung và kính trọng. Không có bất cứ ai có quyền bảo rằng: sở dĩ
quyền làm người "của tôi" bị xâm phạm nên tôi bắt buộc phải dùng đến bạo lực.
Cũng thế không được sử dụng sự phẫn nộ để bảo vệ bất cứ một quyền lợi cá nhân
nào cả. Bày tỏ sự phẫn nộ, thế nhưng đấy phải là cách nói lên sự phẫn nộ của
mình nhân danh các giá trị chung của con người, liên quan đến tất cả chúng ta.
Đức ĐLLM : Nếu tình huống đòi
hỏi phải đáp ứng bằng các hành động cứng rắn, và không còn một cách nào khác,
thì khi đó các hành động dù có vẻ như mang tính cách bạo-lực, thế nhưng bản chất
thì nhất thiết là một hình thức bất-bạo-động. Trên phương diện lý thuyết điều đó
có thể hình dung được. Thế nhưng trên phương diện thực hành thì không hề đơn
giản. Muốn xác định giữa bạo-động và bất-bạo-động thì chỉ có một cách duy nhất
là phải căn cứ vào động cơ thúc đẩy mình. Đối với sự tham nhũng chẳng hạn thì
đấy là một tình trạng đã biến thành một thứ bệnh dịch trong thế giới tân tiến
ngày nay, và tôi thường gọi đấy là một hình thực bạo-lực. Bởi vì động cơ thúc
đẩy sự tham nhũng là sự gian trá, nói dối, đó là một hành động nhất thiết mang
tính cách hung bạo từ bản chất.
INDIGÈNE : Tóm lại người ta có
thể phạm vào một hành động bạo-lực với một con tim bất-bạo-động ?
Đức ĐLLM : Trên nguyên tắc thì
đúng, thế nhưng trên thực tế thì không phải là một chuyện dễ.
INDIGÈNE : Ghandi còn đi xa
hơn thế nữa khi ông bảo rằng: "Theo tôi nghĩ thì nếu thật sự bắt buộc phải chọn
lựa giữa hèn-nhát và bạo-lực và không thể làm gì khác hơn được, thì tôi khuyên
nên chọn bạo-lực". Hãy đưa ra một thí dụ, người con lớn hỏi cha là phải làm gì
đây khi trông thấy cha là nạn nhân của một cuộc mưu sát, chẳng hạn như cuộc mưu
sát năm 1908 (có
lẽ người đưa ra thí dụ muốn nhắc đến biến cố vua xứ Bồ Đào Nha - Portugal - bị
ám sát vào ngày 1 tháng 2, năm 1908, và người con cả của ông cũng bị giết trong
biến cố này, lúc ấy mới 18 tuổi. Biến cố trên đây đã gây ra nhiều xúc động khắp
Âu Châu thời bấy giờ). "Tôi sẽ trả lời rằng bổn phận của người con là
phải bảo vệ cho cha mình dù phải sử dụng đến bạo-lực" (6).
Đức ĐLLM : Phật Giáo cũng có
đưa ra một câu chuyện như sau, trong một tiền kiếp Đức Phật là một vị thuyền
trưởng lèo lái một con tàu với năm trăm người trên đó, một trong số này âm mưu
giết hết bốn trăm chín mươi chín người kia để cướp của. Sau ba lần cố gắng
thuyết phục thế nhưng vị tiền kiếp của Đức Phật không sao thuyết phục được tên
cướp phải bỏ ý định ấy. Vị này đành phải nghĩ như sau: "Nếu tôi không giết hắn
thì bốn trăm chín mươi chín người khác sẽ bị giết. Thế nhưng nếu tôi giết hắn
thì tôi phải gánh chịu hậu quả tiêu cực mang lại từ nghiệp sát nhân vì tôi phạm
vào hành động giết chết một con người để cứu bốn trăm chín mươi chín người khác,
và đồng thời thì tôi cũng gián tiếp giúp cho tên cướp không phạm vào tội giết
bốn trăm chín mươi chín nhân mạng. Hơn nữa, nếu tôi không giết người âm mưu sát
nhân thì tôi cũng phạm vào tội gián tiếp gây ra cái chết cho bốn trăm chín mươi
chín con người". Vì thế vị ấy đã phải giết tên cướp.
Chúng ta
phải xét đoán tùy theo từng trường hợp một
S. H. : Phải thận trọng! Chấp
nhận phạm tội nhằm gỡ tội cho hàng trăm người khác là những gì mà tất cả những
người chuyên quyền trong thời buổi tân tiến này thường hay sử dụng để tự bào
chữa cho mình: "Tôi phải sử dụng sự tra tấn, bởi vì nếu tôi bắt một người nào đó
phải khai ra là họ cất dấu khí giới ở đâu thì tôi sẽ có thể cứu được hàng ngàn
người khác". Theo quan điểm của tôi thì đấy là một cách lý luận nguy hiểm bởi vì
nếu cho rằng việc sử dụng bạo-lực là một việc cần thiết thì đấy sẽ là cách bắt
buộc chúng ta phải tha thứ cho những người vi phạm vào các hành động hung bạo.
Người ta có thể nhân danh nhân quyền để phạm vào sự hung bạo nhằm chống lại các
sự bạo ngược mà chúng ta cảm thấy bất lực, thay vì trước hết phải tìm cách ngăn
chận không cho các sự bạo ngược ấy có thể bùng lên. Những sự bạo ngược đó sở dĩ
được đem ra thực thi ấy cũng là vì các quyền lợi ích kỷ được đặt lên trên sự đau
khổ của nhiều dân tộc. Nói một cách tổng quát hơn thì nếu sử dụng sự hung bạo để
chống lại một kẻ nào đó thì sẽ thật hết sức khó để mà bào chữa, thế nhưng nếu
đấy là một sự hung bạo đối với chính mình thì đôi khi cũng có thể gây ra một sự
chấn động đưa đến một sự thay đổi lớn, chẳng hạn như trong trường hợp xảy ra tại
Tunisia khi một người bán hàng rong trẻ tuổi tên là Mohamed Bouazizi (7) tự
thiêu. Thật thế chúng ta không thể biết trước được nguyên nhân đích xác của sự
thay đổi là gì, thế nhưng chúng ta cũng có thể xác định được rằng sự thay đổi
thường thì khởi sự một cách từ từ, và rồi bỗng nhiên một cái gì đó hay một người
nào đó - như Gorbatchev (8) chẳng hạn -, vụt biến thành một nhân tố then chốt
góp phần thúc đẩy việc thay đổi nhanh hơn, và đấy cũng là trường hợp đã xảy ra
với Nelson Mandela (9). Rất có thể là các nhân vật ấy là những người hiểu rộng
và thấy xa, hoặc cũng có thể là do tình thế đột nhiên biến chuyển. Tôi đoan chắc
rằng một ngày nào đó Trung Quốc cũng sẽ phải thay đổi một cách tuần tự hay đột
ngột hơn, do một người nào đó gây ra bằng một hành động thật bất ngờ, thí dụ như
trường hợp tự thiêu chẳng hạn.
Đức ĐLLM : Tôi hoàn toàn đồng
ý, chính vì thế nên tôi cũng muốn nhấn mạnh thêm rằng đấy là "trên mặt lý
thuyết", đối với việc thực hành thì lại hết sức phức tạp và thường thì không thể
chủ động được. Sự bạo ngược trong hầu hết các trường hợp xảy ra là do sự độc tài
của các chế độ không dân chủ. Chúng ta phải xét đoán các cảnh huống phức tạp
theo từng trường hợp một, chúng ta không thể xét đoán một cách tổng quát được.
Rất nhiều những khó khăn mà chúng ta gặp phải ngày nay chẳng qua là do sự sơ
suất của chúng ta trong quá khứ mà ra. Sau cùng tôi cũng muốn nói thêm vài lời
về sự khác biệt thật lớn giữa bạo-động và bất-bạo-động: việc sử dụng bạo-động sẽ
mang lại những hậu quả không thể lường trước được. Mọi sự tệ hại nặng nề nhất sẽ
có thể xảy ra. Người ta không thể nào biết trước cũng không thể chủ động được
hậu quả của bạo-lực, chẳng hạn như gần đây tại Iraq và Lybia, quả thật đấy là
những trường hợp thật khủng khiếp. Đối với bất-bạo-động, đôi khi kết quả mang
lại dù có chậm, thế nhưng các mối hiểm nguy sẽ tương đối ít xảy ra hơn và nhất
thiết có thể tiên đoán trước được.
S. H. : Theo tôi thì phải phân
biệt thật rõ rệt một bên là bạo-lực, một bên là sự quyết tâm, sự tự tin và lòng
dũng cảm. Chúng ta có thể hoàn toàn tự tin nơi mình, tìm thấy sự can đảm cho
mình, thế nhưng đồng thời thì nhất định không chấp nhận bạo-lực. Phong trào phẫn
nộ nổi lên khắp nơi ngày nay đã nói lên điều gì? "Chúng tôi mang một số giá trị
nào đó, chúng tôi không bán rẻ những giá trị ấy. Chúng tôi quyết tâm thế nhưng
chúng tôi không sử dụng bạo-lực". Mandela, Václav Havel (10), Martin Luther King
(11), và cả Gandhi nữa - tất cả đều nói lên:
"Hãy quyết tâm, can đảm, liều lĩnh, sẵn sàng hy sinh sự sống của mình nếu cần,
thế nhưng không bao giờ được giết bất cứ một người nào!" Chuyện ấy có thể hoặc
cũng không có thể thực hiện được? Tôi cũng không thể hiểu được, vậy theo Ngài
thì như thế nào ?
Đức ĐLLM : Vào năm 1959, khi
tôi rời khỏi Tây Tạng dưới sự chiếm đóng của Trung Quốc để vượt sang Ấn xin tị
nạn, thì nhiều môn đệ của Gandhi thời bấy giờ khuyên tôi nên tổ chức chống lại
ngay trên đất Tây Tạng, tương tự như Gadhi đã làm trên đất Ấn. Tôi đã trả lời
với họ rằng dù cho chủ nghĩa đế quốc Anh có thật tồi tệ đi nữa thì vẫn còn là
một chính phủ được đưa lên dựa vào các giá trị dân chủ: tức là một hệ thống pháp
lý tương đối độc lập, quyền tự do phát biểu được tôn trọng và một nền báo chí tự
do được bảo đảm. Gandhi trong lúc đang bị giam trong ngục vẫn có thể nói lên
tiếng nói của mình và viết được những bài báo. Đối với các chủ nghĩa đế quốc tân
tiến ngày nay, chẳng hạn như trường hợp của cộng sản Trung Quốc thì dân chủ
không hề có, không quy tắc cũng chẳng luật pháp. Sự khác biệt là chỗ đó. Tuy
nhiên tôi vẫn quyết tâm phải tiếp tục chiến đấu nhằm bảo vệ các quyền lợi của
chúng tôi bằng phương pháp bất-bạo-động, mặc dù một số những người trẻ Tây Tạng
cho rằng chúng tôi quá thụ động. Họ bảo rằng : "Từ năm 1959 đến nay đã hơn năm
mươi năm thế mà chẳng có gì xảy ra cả". Tôi trả lời với họ rằng: "Hãy nhìn vào
số người Trung Quốc ngày càng đông đã bày tỏ sự đoàn kết với chúng ta". Sự hỗ
trợ đó của dân tộc Trung Quốc là một sự chiến thắng quan trọng. Nếu như trước
đây chúng tôi sử dụng bạo-lực thì sự hỗ trợ đó biết đâu sẽ không hề xảy ra được.
Dù sao đi nữa, sự trường tồn của một chính phủ gồm những kẻ độc tài cũng sẽ
không kéo dài lâu được, và người Trung Quốc thì lúc nào cũng vẫn còn đó trên quê
hương của họ. Những kẻ độc tài thì một ngày nào đó cũng sẽ phải biến mất, dù cho
phải chờ đến mười nghìn năm thì cũng chẳng sao!
Sự tiến
bộ khoa học và sự tiến bộ tinh thần
INDIGÈNE : Albert Camus (12),
một văn hào người Pháp đạt giải Nobel văn chương năm 1957 đã từng tuyên bố như
sau : "Tôi có dịp nghiên cứu về chủ thuyết bất-bạo-động và tôi có thể cho rằng
đấy là những gì biểu trưng cho một sự thật rất xứng đáng để được mang ra quảng
bá. Thế nhưng cũng cần phải nhờ đến một uy thế lớn lao nào đó mà tôi không có
được".
S. H. : Ông ta quả là một
người khiêm tốn khi nói rằng :"Tôi rất muốn tỏ ra bất-bạo-động, thế nhưng điều
ấy lại đòi hỏi phải có một tinh thần thật cao mà tôi thì lại không có được"; ông
ta cũng có thể phát biểu như sau: "Tôi không đủ can đảm để có thể sống bằng
bất-bạo-động". Thật thế cần phải hội đủ nghị lực hầu có thể giúp mình sống với
bất-bạo-động. Nếu chúng ta lâm vào một cảnh huống mà chúng ta cứ muốn sử dụng
bạo-lực, thì trong tình thế đó nếu thật sự muốn vượt lên trên ý định ấy thì cần
phải có một tinh thần thật cởi mở và rộng lớn. Ông ta (tức A. Camus) sống ở Algeria vào
thời kỳ đang xảy ra những cuộc xung đột giữa hai nước Pháp và Algeria, và về
phía người dân Algeria thì họ phải dấn thân vào một cuộc chiến dành lại độc lập.
Ông ta nói rằng: "Tôi không hội đủ sức mạnh để có thể trở thành như Gandhi".
Điều ấy cho thấy thật rõ ràng là muốn thực thi bất-bạo-động thì không những phải
cần đến trí thông minh mà còn phải có một con tim nữa.
Đức ĐLLM : Một lương tâm trong
sáng và thật mạnh.
INDIGÈNE : Vậy người ta có thể
mang bất-bạo-động ra để giảng dạy hay không?
Đức ĐLLM : Việc hợp tác của
chúng tôi với các khoa học gia đã bắt đầu mang lại kết quả. Cách nay hai năm tại
thành phố Montréal thuộc tỉnh Québec, nhiều vị lãnh đạo trong đại học cũng như
nhiều vị giáo sư đã từng hội họp với nhau để đưa ra một giáo trình: nhằm giảng
dạy về lòng từ bi trên phương diện thế tục. Tôi được mời và cũng đã tham dự. Đấy
là một chủ trương đi ngược lại với nền giáo dục hiện đại ngày nay không hề biết
chú tâm đến việc giảng dạy đạo đức. Tôi vẫn còn nhớ rất rõ cách đây đã nhiều năm
khi tôi phát biểu trong một buổi diễn thuyết vấn đề đạo đức mang tính cách thế
tục thì có một vị mục sư tin lành người Đức đã chống lại tôi ngay: "Bất cứ một
nền đạo đức nào cũng phải dựa vào tôn giáo". Tôi cũng nhận thấy quan điểm đó nơi
một trong số các người bạn Hồi Giáo của tôi; dưới con mắt của người này thì
không thể nào có đạo đức được nếu không có tôn giáo. Nếu quả thật là như thế,
thì sẽ không thể nào hình dung ra được một sự giảng dạy chung cho cả hai nhóm:
có-đức-tin và không-có-đức-tin, tức cũng có nghĩa là không thể nào có thể có một
nền giáo dục mang tính cách toàn cầu được. Tuy nhiên tôi vẫn tin rằng không cần
phải có đức tin cũng vẫn có thể phát huy được các phẩm tính con người, chẳng hạn
như lòng từ bi, sự bao dung và sự thanh liêm, bằng cách dựa vào nền tảng của các
giá trị không nhất thiết phải phát sinh từ tôn giáo. Tôi cho rằng các giá trị
đạo đức thế tục mang tính cách toàn cầu ấy tự chúng cũng hội đủ các tiêu chuẩn
cần thiết. Theo Hiến Pháp của Ấn Độ thì chữ thế tục trên đây không hề mang ý
nghĩa khinh thường (irrespect / disrespect / thiếu tôn tọng, bất kính)
hay là không-kính-trọng (non-respect / non-compliance / không thừa
nhận) tôn giáo. Hơn nữa lại còn ngược hẳn lại, đấy là một hình thức
kính trọng tất cả các tôn giáo và kể cả những người không-đức-tin. Ngày nay,
càng ngày càng có nhiều nhà giáo và các khoa học gia mang ra thử nghiệm nền giáo
dục thế tục đó và họ đã gặt hái được nhiều thành quả tích cực. Năm tới đây tại
thành phố New Delhi ở Ấn Độ, tất cả chúng tôi sẽ họp nhau lại tại một trường đại
học cùng với các vị giảng huấn đã chia sẻ một mối quan tâm với chúng tôi, nhằm
nghiên cứu thật nghiêm chỉnh để tìm cách xem phải làm thế nào để đưa sự giảng
dạy đạo đức mang tính cách thế tục vào một hệ thống giáo dục tân tiến ngày nay.
Tôi hy vọng trong vòng một đến hai năm nữa chúng tôi sẽ có thể đưa ra các đề
nghị thật cụ thể. Chúng tôi bắt đầu tại Ấn Độ bởi vì tinh thần thế tục đó của Ấn
độ rất tinh khiết và đã trở thành một tập quán của quốc gia này đã từ bao thế kỷ
nay. Tinh thần thế tục ấy đã ăn sâu vào nền văn hóa của Ấn Độ, và cũng đã được
ghi vào Hiến Pháp. Nước Ấn luôn xem đấy là một nguyên tắc mang tính cách thiêng
liêng trong hệ thống chính trị của mình.
INDIGÈNE : Vậy thì người ta có
nên nghĩ đến việc đưa sự "tiến bộ tinh thần" mang xu hướng toàn cầu đó vào một
khuôn khổ rộng lớn hơn của bản Tuyên Ngôn Quốc Tế về Nhân Quyền hay không? Hiện
tại thì tinh thần đó chỉ phản ảnh một sự "tiến bộ khoa học" thuộc vào điều khoản
thứ 27. Có lẽ ngày nay phải bắt buộc thừa nhận giá trị toàn cầu của sự tiến bộ
ấy - và xem đấy là một "khoa học tâm thần" - và không còn tùy thuộc vào tôn giáo
nữa.
Đức ĐLLM : Đúng thế, tôi cũng
nghĩ như thế. Tôi xin lập lại: có thể tìm hiểu tâm thức bằng hai cách - hoặc
trên phương diện tôn giáo, dựa vào đức tin chẳng hạn - và trong trường hợp này
thì sẽ không mang tính cách toàn cầu - hoặc trên một phương diện khác, sâu xa
hơn, toàn cầu hơn, liên quan đến tất cả mọi người - đấy là thể dạng tâm thức ghi
khắc vào thân xác chúng ta, chung cho tất cả mọi con người, và đấy cũng chính là
những gì đã được đề cập đến trên đây khi chúng ta bàn thảo về "tấm bản đồ tâm
thần".
Nền dân
chủ tâm linh
S. H. : Tôi hoàn toàn đồng ý
với Ngài, thế nhưng tôi cũng muốn nhấn mạnh đến chữ dân chủ. Dân chủ gồm những
con người, không phải là những con người được ưu đãi, mà là những con người nói
chung. Nếu chúng ta trông thấy nhan nhản khắp nơi sự khác biệt khủng khiếp giữa
người giàu có và nghèo khó thì có nghĩa là thể chế dân chủ phải hành động và
tiếp tục phải hành động nhiều hơn nữa nhằm giúp đỡ người nghèo khó có thể sống
còn và bảo vệ được các quyền lợi tối thiểu và sự tự do của họ. Chính trị phải
phục vụ cho mục đích đó, nhờ đấy các giá trị tinh thần mới có thể phục hồi lại
được. Chúng ta không muốn nhìn thấy các chính phủ chỉ biết quan tâm đến niềm
hãnh diện quốc gia mà mình đang bảo vệ mà phải biết cùng hợp tác với nhau để
chung lưng làm việc.
Chúng ta cần đến các thể chế siêu chính phủ mang tính cách đa phương bởi
vì ngày nay không còn có thể giấu giếm được những gì xảy ra ở khắp mọi nơi. Một
người nào đó bị giết ở miền nam Ai-cập là chúng ta cũng sẽ hiểu ngay là mình có
thể làm được gì. Chúng ta cần có một một người lãnh đạo dân chủ cho toàn thế
giới, phù hợp với tinh thần thế tục đúng theo những gì mà Ngài vừa trình bày,
tức nhằm vào mục đích nêu cao chủ trương bất-bạo-động, lòng từ bi. Đúng thế, cần
phải có một thể chế dân chủ thế tục, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là phải
gạt bỏ một cấp bậc cao hơn, tức là sự thiêng liêng của một thái độ bao dung (của tôn giáo). Thế nhưng chính Ngài
phải lên tiếng. Tôi không phải là người có thẩm quyền để nêu lên điều ấy.
Đức ĐLLM : Tại sao lại không,
ông là đàn anh của tôi kia mà, nhất định ông có nhiều điều để chỉ bảo cho chúng
tôi. Ông đã từng tham gia vào cơ quan Liên Hiệp Quốc lúc cơ quan này mới được
thành lập, và ông cũng đã từng hợp tác để soạn thảo Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế về
Nhân Quyền. Hôm nay đây tôi muốn xin ông tiếp tục cố vấn cho tổ chức cao nhất
thế giới này (tức là Liên Hiệp
Quốc), mà tiếc thay vẫn còn là một tổ chức của các chính phủ, và vẫn
chưa phải là một tổ chức chung của tất cả các dân tộc. Tôi vẫn thường nói lên
rằng thế giới là của nhân loại, thế giới không thuộc quyền sở hữu của vua chúa,
không thuộc quyền sở hữu của các vị lãnh đạo tinh thần, cũng không thuộc quyền
sở hữu của những người kinh doanh. Nước Mỹ là sở hữu của 320 triệu người dân Mỹ,
không thuộc đảng Cộng Hòa hay đảng Dân Chủ. Trung Quốc là sở hữu của 1.3 tỉ
người Trung Quốc, không phải là của riêng của Đảng Cộng Sản. Do dân và vì dân
thì đấy mới thật là một thể chế dân chủ! Một thể chế tốt nhất. Riêng phần tôi
thì vào năm 2011, chính tôi đã thực thi các việc thay đổi cần thiết theo chiều
hướng đó bằng cách tách rời chức vụ lãnh đạo tạm thời (chính trị)
của xứ Tây tạng ra khỏi chức vụ tôn giáo. Đấy là giai đoạn chót của chương trình
cải cách được khởi sự từ những năm đầu của thập niên 1960, bằng cách bầu cử dân
chủ để chọn những người lãnh đạo cho dân tộc Tây tạng, và cũng nhờ đó vào năm
2001, một vị thủ lãnh chính trị của chính phủ lưu vong cũng đã được bầu lên. Khi
cuộc khủng hoảng Iraq bùng nổ, nhiều người viết thư khẩn khoản yêu cầu tôi hãy
đến Bagdad để gặp Saddam Hussein. Tôi đã trả lời với họ rằng một cuộc viếng thăm
như thế chẳng mang một ý nghĩa gì cả, bởi vì trước đây tôi chưa từng có một mối
liên hệ gì với ông ta và hơn nữa tôi cũng chẳng quen biết ai ở Iraq cả. Làm thế
nào tôi có thể đơn thương đến đấy được? Lúc ấy tôi cũng đã nghĩ đến giải pháp
tìm cách thuyết phục một số các vị từng đạt giải Nobel nhằm thành lập một phái
đoàn thân hành đến Iraq hầu tìm một giải pháp hòa bình và bất-bạo-động cho tình
thế cực kỳ căng thẳng tại đây. Tôi cũng đã gợi ý về chuyện này trong một buổi
họp của tổ chức Diễn Đàn 2000 (Forum 2000)
tại Prague (thủ
đô Tiệp Khắc). Diễn Đàn 2000 là sáng kiến của cựu tổng thống Tiệp
Khắc và diễn đàn này cũng đã tổ chức rất đều đặn các buổi thuyết trình hàng năm.
Tất cả mọi người trong buổi họp đều tỏ ra quan tâm đến đề nghị trên đây và tìm
cách để thực hiện. Thế nhưng đến khi Liên Hiệp Quốc nhúng tay vào thì đấy lại có
nghĩa là nước Mỹ hoặc là một cường quốc nào khác giật dây sau lưng. Tiếc thay
những chuyện như thế đã khiến cho các sáng kiến của Liên Hiệp Quốc mất hết hiệu
lực. Đồng thời tôi cũng nhận thấy rằng sự hoạt động của Liên Hiệp Quốc bị cản
trở không ít vì cách quản lý thiếu dân chủ. Quyền phủ quyết tại Hội Đồng Bảo An
(13) là cả một vấn đề. Chỉ cần một hoặc hai Quốc Gia thành viên của Hội Đồng là
cũng đủ chống lại ý kiến chung của toàn thể các thành viên khác và chận đứng mọi
thủ tục tiến hành.
Cải tổ
Liên Hiệp Quốc
S. H. : Thật thế, hiện nay
không thể nào còn nhắm mắt làm ngơ được nữa khi trông thấy Nga và Trung Quốc là
hai thành viên của Hội Đồng Bảo An, chỉ vì quyền lợi riêng đã ngăn cản nghị
quyết của Liên Hiệp Quốc lên án sự đàn áp dã man của Bachar Al-Assad, mà những
hình ảnh ghê tởm được đưa lên Internet hằng ngày. Quả là lúc phải biến Hội Đồng
Bảo An thành một cơ quan chuyên lo về an ninh chính trị, và cả an ninh kinh tế
lẫn xã hội nữa. Số thành viên của Hội Đồng này sẽ gồm từ hai mươi đến hai mươi
lăm thành viên gồm các quốc gia mang "trách nhiệm" lớn nhất trên thế giới, tức
là mang những gánh nặng lớn nhất về dân số, kinh tế và văn hóa. Phải hủy bỏ
quyền phủ quyết. Mọi quyết định phải được chấp thuận bởi đa số: thí dụ như hai
phần ba chẳng hạn.
Đức ĐLLM : Đã từ nhiều năm nay
tôi luôn hy vọng được nhìn thấy một cơ quan mà các thành viên không phải là các
quốc gia mà chỉ gồm những con người thật tốt, chẳng hạn như Václav Havel cựu
Tổng Thống Tiệp Khắc, Đức Cha Desmond Tutu (14) của Nam Phi hoặc là như ông đây
đã được mọi người tin cẩn. Một cơ quan như thế may ra mới có thể thật sự đại
diện cho nhân loại bên cạnh vị Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, nhất là trong những
giai đoạn khủng hoảng và cần phải lấy những quyết định vượt lên trên các quyền
lợi thông thường!
S. H. : Tôi hoàn toàn đồng ý với Ngài. Chúng ta
cần phải có một ủy ban gồm các vị hiền nhân, tức là những người thuộc tầm cỡ như
Gorbatchev không màng đến quyền uy mà chỉ biết quan tâm đến sự an vui của nhân
loại. Đấy là những con người thật nhân từ có thể đứng ra để nói với vị Tổng Thư
Ký Liên Hiệp Quốc: "Hãy bỏ quyền phủ quyết đi !". Tuy nhiên chúng ta cũng phải
cần đến một thế hệ trẻ biết xuống đường ở khắp mọi nơi để nói lên rằng: "Chúng
tôi không còn chịu đựng được nữa cách mà quý vị cai trị chúng tôi. Chúng tôi
muốn có một chính phủ thật sự dân chủ". Nếu con số họ ngày càng trở nên đông đảo
trên đường phố, thì các chính phủ hoặc sẽ phải biết lắng nghe các vị hiền nhân,
hoặc sẽ phải tìm cách đàn áp thế hệ trẻ. Thật ra thì chính phủ nào có muốn đàn
áp thế hệ trẻ đâu, vì thế tốt hơn cho họ là lắng nghe các vị hiền nhân!
Đức ĐLLM : Đấy là những gì có
thể thực hiện được!
S. H. : Thật thế, vị Tổng Thư
Ký có nhiệm vụ duy trì và phát triển hòa bình. Nếu vị ấy tuyên bố rằng: "Công
việc của tôi cần phải có sự hỗ trợ của một ủy ban gồm những người được tuyển
chọn dựa vào khả năng hiểu biết, sự sáng suốt và tính cách đa dạng về nguồn gốc
văn hóa của họ. Chỉ cần độ mười người cũng đủ, thế nhưng họ phải là những người
danh tiếng và đa số là phụ nữ. Đấy là những người có thể góp phần mang lại những
cải tổ cần thiết bên trong tổ chức Liên Hiệp Quốc và để nhận lấy trách nhiệm
mang lại an vui cho nhân loại, bởi vì chúng ta đang đứng trước một ngưỡng cửa,
một ngưỡng cửa vô cùng nguy hiểm". Vị Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc có thể đảm
trách việc ấy. Thật vậy, Liên Hiệp Quốc là một tổ chức xuyên chính phủ, thế
nhưng mọi quyết định thì lại do các chính phủ đảm trách, trong khi đó nếu chiếu
theo điều khoản 99 của Bản Hiến Chương thì trách nhiệm của vị Tổng Thư Ký là
phải bảo vệ quyền chủ động của tổ chức. Đấy là trọng trách mà ông đã được giao
phó.
INDIGÈNE : Ủy ban các vị hiền
nhân có thể cũng nên nhìn vào những suy tư của Cha Ponchaud, một vị cố đạo của
Nhà Truyền Giáo Paris (Missions Étrangères de Paris), một người biết rất
rành về Á Châu: ông ta là người đầu tiên đã cảnh báo dư luận quốc tế về các trại
tập trung của Khờ-me đỏ. Ông đã tuyên bố như sau: "Mặc dù điều tôi nói có thể
gây ra tiếng xấu, thế nhưng tôi vẫn nghĩ rằng khái niệm về nhân quyền không mang
tính cách toàn cầu, mà đấy là một gia tài riêng của Do Thái và Thiên Chúa Giáo
mà tôi luôn bênh vực qua những hành động nhân đạo của tôi từ một khía cạnh là
tất cả mọi người đều là con trai hay con gái của Trời! Chỉ có một sự thiêng
liêng duy nhất đấy là con người. Đối với một người Phật Giáo thì không hề có
khái niệm về con người, mà đấy chỉ là một một mớ năng lượng tích cực hay tiêu
cực mà mình đã tiếp nhận được tùy thuộc vào các hành động tốt hay xấu của mình!
Căn cứ vào đó con người sẽ đương nhiên bị phán xử. Sự góp phần ấy của Thiên Chúa
Giáo cho nhân loại không thể đem ra ép buộc người khác được. Hơn nữa, theo tôi
thì thế giới Tây Phương với chủ nghĩa vật chất và tính kiêu ngạo của mình không
thể nào có đủ tư cách để nói lên nhân quyền!" (15). Quý vị nghĩ thế nào về câu
phát biểu này?
S. H.: Tôi hoàn toàn không
đồng ý. Các sai lầm của chủ nghĩa vật chất Tây Phương được Cha Ponchaud nêu lên
một cách thật chính đáng. Thế nhưng các người soạn thảo Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế
không phải chỉ cố ý nhắm vào người Tây Phương, mà đúng hơn là hướng vào tính
cách toàn cầu của nhân loại. Nhóm soạn thảo gồm có một người Trung Quốc, một
người Liban, vài người thuộc Châu Mỹ La-tinh, và một người Ấn. Không phải tình
cờ mà René Cassin (16) đã ghép ghêm chữ "Quốc Tế" vào bản Tuyên Ngôn, và đây
cũng là trường hợp duy nhất mà mối quan tâm đến tính cách toàn cầu được nêu lên
một cách minh bạch so với các văn bản mang tính cách quốc tế khác. Không nên để
các kẻ độc tài ẩn náu phía sau cách Tây Phương hóa Bản Tuyên Ngôn để tự bào chữa
cho mình trước những điều khoản đã được ghi hẳn hoi trong đó. Không! Thượng Đế
không phải là vị đứng ra để áp đặt luật pháp. Chính con người phải làm
việc đó, những con người dân chủ biết gánh lấy trách nhiệm của mình.
Đức ĐLLM : Bất kể là chúng ta
thuộc vào một xứ sở nào hay một lục địa nào, trên căn bản chúng ta đều là những
con người như nhau. Chúng ta đều có những nhu cầu và những mối quan tâm giống
nhau. Tất cả chúng ta đều mong cầu hạnh phúc và cố tránh khổ đau, dù chúng ta
thuộc sắc dân nào, theo tín ngưỡng nào, thuộc giới tính nào hay đảng phái chính
trị nào. Ngoài con người ra, thì còn phải kể đến các sinh vật có giác cảm khác
nữa, tất cả đều có quyền đòi hỏi được hạnh phúc, được sống trong an bình và tự
do. Một số các quốc gia Á Châu cho rằng một số các tiêu chuẩn nêu lên trong Bản
Tuyên Ngôn Quốc Tế mà người Tây Phương chủ trương không thể mang ra áp dụng cho
Á Châu và các vùng thuộc thế giới thứ ba khác trên thế giới được vì sự khác biệt
về văn hóa và sự chênh lệch về xã hội cũng như kinh tế của các nơi này. Tôi
không đồng ý với quan điểm đó và tôi tin rằng hầu hết các dân tộc Á Châu cũng
không hề chia sẻ quan điểm đó, bởi vì bản chất tự nhiên của tất cả mọi con người
là ước mong tìm được tự do, công bằng và nhân phẩm, và tất cả mọi người đều có
quyền ngang hàng nhau trong việc thực hiện ước vọng ấy. Tôi không thấy có gì
nghịch lý giữa nhu cầu phát triển kinh tế và sự đòi hỏi phải được kính trọng
trên phương diện nhân quyền. Sự phong phú về văn hóa và tôn giáo là một yếu tố
góp phần tăng cường thêm các quyền hạn căn bản nhất về nhân quyền cho tất cả các
tập thể con người, bởi vì những gì làm nền tảng chống đỡ cho sự đa dạng ấy chính
là các giá trị và các nguyện vọng kết chặt tất cả chúng ta với tư cách là những
thành phần trong cùng một gia đình nhân loại. Không thể nào nêu lên các khác
biệt về xã hội và văn hóa để bào chữa cho sự vi phạm nhân quyền. Không ai có thể
vin vào bất cứ một lý do nào để biện bạch cho các hành động kỳ thị một người
thuộc vào chủng tộc khác, hoặc đối với phụ nữ và những người yếu kém trong xã
hội. Nếu lỡ vi phạm thì phải thay đổi ngay cách hành xử của mình. Các nguyên tắc
toàn cầu về sự bình đẳng giữa con người phải được xem là ưu tiên nhất. Các chế
độ độc đoán và chuyên chế thường là các chế độ chống lại tính cách toàn cầu về
nhân quyền. Nhượng bộ trước nguyên tắc đó sẽ là một sự sai lầm lớn lao. Ngược
lại, chúng ta phải bắt buộc các chế độ đó tôn trọng và tuân thủ các nguyên tắc
toàn cầu đã được mọi người công nhận, đấy cũng là cách bảo vệ các quyền lợi to
lớn và lâu dài hơn của chính dân tộc của các chế độ ấy.
Bài thơ
số 116 thuộc thể thơ 14 câu của Shakespeare
Đức ĐLLM : Trên phương diện
tinh thần thiết nghĩ ông có đủ thẩm quyền đòi hỏi vị Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc
phải thành lập ủy ban các vị hiền nhân như đã đề nghị.
S. H. : Thưa Ngài Thánh Thiện
yêu quý của tôi, tôi đã quá già rồi. Đến cái tuổi tôi thì cũng nên chuẩn bị cho
những gì về sau, ở vào một nơi nào khác. Và nên giao lại công việc cho những ai
còn ở lại. Tôi có cái ân huệ lớn lao được gặp Ngài, không phải chỉ gặp Ngài vào
ngày hôm qua, mà cả ngày hôm nay và đến cả hai lần. Tuy vậy lần sắp đến đây,
biết đâu Ngài sẽ không còn có tôi bên cạnh nữa, tôi sẽ ở vào một nơi khác, thế
nhưng tôi sẽ luôn nghĩ đến Ngài, dù là ở đâu thì tôi cũng sẽ cứ nghĩ đến Ngài,
và tôi chỉ biết hy vọng rằng tất cả những gì Ngài ước vọng sẽ trở thành sự thực,
đấy là sự bình an cho con người, một lòng bao dung cho tất cả, và riêng đối với
Ngài thì Ngài luôn giữ được một tâm tư thật đẹp, được nếm một ly rượu ngọt,
thưởng thức một bài thơ hay.
Đức ĐLLM : Ông bạn nên hiểu
rằng những sự dấn thân quan trọng nhất của cả hai chúng ta thì một mặt là nhằm
mang lại sự hài hòa giữa các tôn giáo, và mặt khác là giúp con người biết ý thức
về các giá trị nội tâm - và theo tôi thì đấy là cội nguồn sâu xa nhất mang lại
sự thành công cho một kiếp người - tôi sẽ giữ vững niềm tin đó cho đến cuối cuộc
đời tôi. Bất cứ lúc nào và dù cho bất cứ gì xảy ra thì tôi cũng luôn sẵn sàng
nhận lãnh cả hai trọng trách đó.
INDIGÈNE : Thưa Ngài Thánh
Thiện, Ngài có thích thi phú hay không? Trước khi chia tay, chúng tôi xin yêu
cầu Stéphane (tức là một cách gọi thân mật ông Stéphane Hessel)
mà ai cũng biết là thuộc lòng hàng trăm bài thơ, hãy ngâm lên cho tất cả chúng
ta một bài thơ của Shakespeare thuộc thể loại 14 câu mà ông đã nhét vội vào túi
mình vào tháng bảy năm 1944 khi nghĩ rằng bọn Gestapo sắp đem mình ra hành
quyết: bài thơ mang tựa đề là "Nếu tôi chết, xin đừng khóc tôi..."
S. H. : Không được, không nên
chọn bài thơ "sonnet" ấy
(tức bài thơ thuộc thể loại 14 câu gọi là sonnet). Chúng ta đang cần
đến tình thương, do đó tôi xin ngâm lên hầu quý vị một bài thơ khác:
Let me
not to the marriage of true minds
Admit
impediments. Love is not love
Which
alters when it alteration finds,
Or bends with the remover to remove:
O no!
it is an ever-fixed mark
That
looks on tempests and is never shaken;
It is
the star to every wandering bark,
Whose
worth's unknown, although his height be taken.
Love's
not Time's fool, though rosy lips and cheeks
Within
his bending sickle's compass come:
Love
alters not with his brief hours and weeks,
But bears it out even to the edge of doom.
If
this be error and upon me proved,
I
never writ, nor no man ever loved.
Shakespeare
Sau đây là phần phỏng dịch:
Let me not to the marriage of true minds
Xin đừng để cho tôi ngờ vực sự kết
hợp,
Admit impediments. Love is not love
Giữa hai tâm hồn chung thủy. Tình yêu hỡi, nào có phải tình yêu,
Which alters when it alteration finds,
Nếu mi biến đổi khi trông thấy những
tàn phai.
Or bends with the remover to remove:
Hay gục ngã khi thấy người thay lòng
đang đổi dạ.
O no! it is an
ever-fixed mark
Không! Tình yêu, sừng sững ngọn hải
đăng,
That looks on tempests and is never shaken;
Đứng lặng nhìn, ô kìa bão táp với
phong ba.
It is the star to every wandering bark,
Tình yêu ơi, làm vì sao cho con
thuyền lạc hướng,
Whose worth's unknown, although his height be taken.
Giữa trời cao, có thước nào đo được?
Love's not Time's fool, though rosy lips and
cheeks
Tình yêu, nào có phải tên hề trong
một thoáng, bằng đường cong lưỡi hái,
Within his bending sickle's
compass come:
Chặt phăng đi đôi môi đỏ má hồng.
Love alters not with his brief hours and weeks,
Năm tháng dài, nào biến đổi được tình
yêu,
But bears it out even to the edge of doom.
Sắt son, che yêu thương cho đến khi
nhắm mắt.
If this be error and upon me proved,
Nếu ai đó bảo là sai, ấy ví như:
I never writ, nor no
man ever loved.
Tôi chưa viết một lời nào, cũng chẳng
hề có ai biết yêu nhau.
Shakespeare
Ghi Chú
(của nhà xuất bản)
1-
Mathieu Ricard cho biết theo Phật giáo thì một "sinh vật có giác cảm" hàm chứa
một trí thức (être sensible / sensitive being) là một sinh vật có khả năng phân
biệt được sự an vui và khổ đau, nói một cách giản dị hơn, là cảm nhận được sự
thích thú và đau đớn.
2- Quy
luật nguyên nhân hậu quả là một quy luật thuộc vào một hệ thống tương tác liên
kết giữa nguyên nhân và hậu quả chi phối các hiện tượng thiên nhiên. Chữ karma (là tiếng Phạn và có nghĩa là "hành động") dùng để mô tả các
hậu quả phát sinh từ các hành động nhân từ hay độc ác mang lại các thể dạng như
an vui hay khổ đau. Long Thụ (Nagarjuna) một triết gia người Ấn thuộc thế
kỷ thứ II, được xem như một "vị Phật thứ hai", tức có ý nói ông là người đi sau,
đã đề cập đến quy luật nguyên nhân hậu quả, nhất là trong tác phẩm "Các tiết thơ về Trung Đạo"
còn gọi là "Con Đường Trung Đạo" - hay
cũng có thể xem là một cách gọi khác của quy luật tương liên (lý duyên khởi) - tức là quy luật đánh đổ bất cứ
một hình thức tuyệt đối nào - kể cả một vị Trời sáng tạo cũng như chủ thuyết hư
vô tuyệt đối: có nghĩa là tất cả đều có thể xảy ra, không có một thứ gì tự nó có
thể hiện hữu - và chính nhờ đấy mà hành động mới có thể xảy ra được. Mãi đến thế kỷ thứ XX, sự thật trên đây
nhằm mang lại một sự cởi mở rộng lớn, mới được đưa vào thế giới Tây Phương, đấy
là nhờ một triết gia người Đức chuyên gia về hiện tượng học là Edmund Husserl
(1859-1938), và công trình nghiên cứu của ông cũng đã ảnh hưởng rộng lớn đến
toàn bộ nền triết học hiện đại.Từ ngày 16 tháng 3, năm 2011 đến nay, hai mươi
sáu người vừa là những người tu hành - trong số này có hai ni sư - và cả những
người thế tục đã tự thiêu. Đấy là chưa kể một vị sư trẻ của tu viện Kirti tên là
Tapey cũng đã tự thiêu trước đây vào ngày 27 tháng 2 năm 2009, và cũng là người
đầu tiên đã hy sinh mạng sống của mình để khởi đầu cho một chuỗi dài những thảm
kịch thật đau thương. Phần lớn các cuộc tự thiêu đã xảy ra trong tỉnh Tứ Xuyên
ngày nay, thật ra là trong một vùng thuộc tỉnh Amdo trước đây, tức là một trong
ba tỉnh lớn của xứ Tây Tạng lịch sử và cũng là nơi sinh thành của chính Đức
Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV. Đáng chú ý hơn nữa là tăng đoàn của tu viện Kirti - quản
lý hai ngôi chùa trong vùng này, và khoảng bốn mươi ngôi chùa nhỏ khác trên vùng
cao nguyên cũng tùy thuộc vào hai ngôi chùa này, và một ngôi chùa thứ ba nữa đã
được xây dựng lại trong vùng tỵ nạn ở Dharamsala vào năm 1990 - đã được Ursula
Gauthier, đặc phái viên của tạp chí Nouvel Observateur ở Bắc Kinh xem là "đầu
não của phong trào". Tăng đoàn trên đây đại diện cho phong trào kháng chiến bên
trong xứ Tây Tạng, và cũng là những người tích cực nhất trong các cuộc bạo loạn
xảy ra vào tháng 3, năm 2008, đấy là dịp mà các người tu hành và thế tục cùng
đứng lên chống lại sự tiêu diệt văn hóa do chính quyền Trung Quốc chủ xướng và
cũng đã làm cho toàn vùng này trở nên nóng bỏng. Đã từ bốn năm nay các nhà sư
của tu viện Kirti bị công an và quân đội kiểm soát gắt gao,
họ bị đồng loạt đưa đi học tập về lòng yêu nước và lòng quyết tâm trung thành
với nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc. Bắc Kinh nghi ngờ các
nhà sư của tu viện Kirti tích cực liên lạc với kháng chiến Tây Tạng ở hải ngoại.
Kể từ tháng 3 năm 2011 chính quyền Trung Quốc lại còn gia tăng thêm sự đàn áp và
không những khiến cho các vị sư trẻ phải chọn một giải pháp thật hết sức khủng
khiếp là phải tự tử, mà đối với các vị thầy thuộc các cấp bậc tu tập cao thâm
thì họ còn nghĩ xa hơn nữa, đến những hậu quả không tốt lành và lâu dài mang lại
từ những hành động tối hậu đó cho những người hy sinh đời mình - có thể cả năm
trăm kiếp về sau này (Phật Giáo cho rằng tự sát sẽ tạo ra nghiệp thật lâu dài, có
thể đến năm trăm kiếp sau).
4-
Robert Thurman là cha của nữ diễn viên điện ảnh Uma Thurman, là giáo sư chuyên
gia về Phật Giáo Ấn Độ tại đại học Columbia Nữu Ước. Ông cũng là một người bạn
tâm giao của Đức Đạt-lai Lạt-ma và cũng đã được tạp chí
Time
xếp là "một trong số hai mươi lăm nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất đối với nước
Mỹ" vào năm 1997.
5-
Francisco Varela
(đã qua đời) từng là một nhà thần kinh học nổi tiếng, là một trong
những người thành lập Viện Tâm Linh và Sự Sống (Mind and Life Institute) vào năm
1987, nhằm mục đích đóng góp vào việc trao đổi sự hiểu biết và hợp tác giữa các
khoa học gia và các chuyên gia về Phật Giáo (gồm các học giả và các nhà sư tu
tập về thiền định). Richard Davidson còn mang biệt danh là
"Richie" là một trong số các chuyên gia lừng danh nhất trên thế giới nghiên cứu
về sự vận hành của xúc cảm trong tâm thức. Ông điều khiển phòng thí
nghiệm nghiên cứu các ảnh chụp sự sinh hoạt của não bộ thuộc đại học Madison tại
Hoa Kỳ và từ mười lăm năm nay nhờ vào các kết quả mang lại từ thiền định ông đã
đạt được nhiều hiểu biết sâu sắc nhất về não bộ. Matthieu Ricard là một nhà sư
Phật Giáo, tiến sĩ về tế bào di truyền học, lưu ngụ trong vùng Hy-mã-lạp-sơn từ
hơn bốn mươi năm nay, và cũng là người thông dịch tiếng Pháp cho Đức Đạt-lai
Lạt-ma và cũng đã góp phần không nhỏ vào các chương trình nghiên cứu về tác động
của các phép luyện tập tâm thần và thiền định liên quan đến sự sinh hoạt não bộ
và các thể dạng an vui.
6-
Gandhi (1869-1948): trích từ bài viết "La
doctrine de l'épée" (Giáo thuyết của thanh kiếm),
trong tuần báo Young India, 11 tháng 8, năm 1920, và chính ông cũng là chủ biên của
tờ tuần báo này. Xin nhắc thêm ông là người chủ trương bất-bạo-động không dựa
vào đạo đức mà chỉ nhân danh "lý trí": và theo ông thì lý trí cũng chỉ là "một
cái tên gọi khác của bất-bạo-động", bởi vì bạo-động sẽ cho thấy tính cách vô
hiệu quả của nó khi nó phải đối đầu với lý trí - bạo lực chỉ làm cho tính cách
vô hiệu quả gia tăng thêm, và làm bùng lên mọi thứ xúc cảm khác.
Bất-bạo-động không hề dính dáng gì với thể dạng thụ động. Gandhi cũng là
một người chủ trương các "hành động trực tiếp": tẩy chay, tuyệt thực, bất hợp
tác... Ông ta cũng chịu ảnh hưởng rất lớn từ các tác phẩm của Tolstoy
(1828-1910) một đại văn hào Nga, và cả một tiểu luận gia người Mỹ là Henry-David
Thoreau (1817-1862) qua các bài viết chủ trương sự bất tuân lệnh trên mặt dân
sự, mà Gandhi đã đọc được khi còn trong tù, các bài viết này chứng minh cho thấy
là các chủ trương của ông mang tính cách khoa học rõ rệt, và đồng thời ông cũng
chịu ảnh hưởng của một tác giả người Anh là John Ruskin (1819-1900) nêu lên tính
cách tàn phá của đồng tiền vàng
(gọi là đồng guinea của người Anh thời bấy giờ), và của kinh tế thị
trường. Gandhi cũng thường xuyên nghiên cứu kinh Koran, Tân Ước, kinh
Bhagavad-Gita (Kinh của Ấn Giáo), các bài thi phú thiêng liêng
của nước Ấn, v.v...
7-
Ngày 17 tháng 9, năm 2010, tại một thành phố thuộc trung tâm Tunisia có một
người bán hàng rong trẻ tuổi tên là Sidi Bouzid bị bắt vì không có giấy phép
buôn bán. Để chống lại sự bất công đó, người này đã tự thiêu
và sau đó đã chết vào ngày 4 tháng giêng, năm 2011. Biến cố này được xem như nguyên nhân gây ra cuộc cách mạng đầu tiên
của cao trào Mùa Xuân Á-rập. Cao trào này đạt đến tột đỉnh tại Tunis (thủ đô Tunisia) vào ngày 14 tháng giêng, năm 2011
và đã lật đổ tổng thống Ben Ali, tạo ra cả một làn sóng ào ạt các cuộc đấu tranh
lan rộng sang các quốc gia Á-rập khác dưới các hình thức chống đối bất-bạo-động
dựa vào các cơ cấu xã hội đang hiện hành.
8- Mikhail Gorbachev,
sinh năm 1931, đã được bầu vào chức vụ cao nhất là Tổng Thư Ký Đảng Cộng Sản
Liên Bang Sô Viết (PCUS) ngày 11 tháng 3, năm 1985. Ngoài các biện pháp chính
trị gọi là sự "minh bạch" hay glasnost và "cải tổ cơ cấu" hay perestroïka, ông
còn thiết lập một nền chính trị bất-bạo-động đúng với ý nghĩa của nó: bằng cách
tổ chức lần đầu tiên các cuộc bầu cử thật sự tự do kể từ cuộc Cách Mạng tháng
10, năm 1917, ông còn bãi bỏ cả "vai trò lãnh đạo và điều khiển Đảng", tái lập
nền tự do báo chí, tổ chức hệ thống kinh tế tư nhân; về mặt đối ngoại: thì Quốc
Hội bầu ông lên làm Tổng Thống Liên Bang Sô Viết vào năm 1990, và các nghị sĩ
trong Quốc Hội này thì cũng đều được bầu bằng cách phổ thông đầu phiếu.
Tuy nhiên đồng thời ông vẫn giữ chức vụ Tổng Thư Ký Đảng Cộng Sản Liên Bang Sô
Viết. Gorbachev chủ trương bãi bỏ khí giới hạt nhân và không sử dụng sức
mạnh. Giống như giải pháp mà Đức Đạt-lai Lạt-ma đã đưa ra trước đây, ông
cũng đã tìm cách thuyết phục Saddam Hussein không nên gây ra cuộc xung đột tại
Iraq. Năm 1991 ông gặp nhiều khó khăn do phe bảo thủ gây ra, và một số
người chủ trương cải tiến khác vì quyền lợi cá nhân cũng lăn vào tranh dành ảnh
hưởng với ông, đồng thời về phía dân chúng thì thợ mỏ đình công chống lại đời
sống đắt đỏ gây ra bởi các tàn tích quan liêu, Liên Bang thì có cơ tan rã - các
nước cộng hòa vùng Baltic đòi độc lập - khiến ông đành phải chọn giải pháp từ
chức để tránh tình trạng xung đột đẫm máu có thể xảy ra. Cũng xin nêu thêm một sự kiện khác là Gorbachev
đã ký kết một thỏa ước không sử dụng bạo lực với Thủ Tướng Ấn là Rajiv Gandhi.
Ông được trao tặng giải Nobel Hòa Bình năm 1990, và trước ông một năm tức là vào
năm 1989 thì Đức Đạt-Lai Lạt-ma cũng đã được trao tặng giải thưởng này.
9-
Nelson Mandela, sinh năm 1918 tại Nam Phi, tốt nghiệp luật sư và đã dành trọn
đời mình để tranh đấu chống lại sự kỳ thị chủng tộc - apartheid (kỳ thị màu da) - do thiểu số người da trắng áp
đặt, và nêu cao nguồn gốc Phi Châu của xứ sở. Cuộc tranh đấu khởi đầu bằng các
phương pháp êm thắm, chẳng hạn như gia nhập Hội Nghị Quốc Gia Phi Châu (ANC) vào
năm 1944, thế nhưng tổ chức này bị giải tán vào năm 1960. Mandela phản ứng lại
bằng cách thành lập một chi phái vũ trang nhân danh ANC do chính ông điều khiển.
Một chiến dịch phá hoại các cơ quan quân sự và công cộng được phát động, ông bị
bắt và bị kết án tù chung
thân. Đến năm 1990 ông được thả, tức là sau hai mươi bảy năm bị giam trong ngục.
Ông lại tiếp tục hoạt động chính trị và chủ trương hòa giải với chính phủ của
Tổng Thống Frederik De Klerk, và sau đó thì vị này đã bãi bỏ chế độ kỳ thị màu
da, và cả hai người đã được ban chung giải thưởng Nobel
Hòa Bình vào năm 1993. Đến năm 1994 thì ông được bầu làm vị
Tổng Thống đầu tiên người da đen ở Nam Phi. Năm 1990
quả là năm đã đánh dấu một bước tiến vô cùng quan trọng đối với chủ trương
bất-bạo-động.
10-
Václav Havel, sinh ngày 5 tháng 10, năm 1936 tại thủ đô Prague, là nhà soạn
kịch, từng là thủ lãnh một phong trào ly khai của Tiệp Khắc trong suốt mười hai
năm - kể cả năm năm bị tù. Các tác phẩm của ông bị cấm xuất bản trong nước suốt
hai mươi năm sau khi ông tham gia vào phong trào Mùa Xuân Prague và phong trào
này đã bị chiến xa Nga Sô nghiền nát. Ông cũng là một trong những người tích cực
nhất trong việc quảng bá bản Hiến Chương 77, đòi hỏi chính phủ phải tôn trọng tự
do và nhân quyền. Tháng 9 năm 1989, ông tổ chức một phong trào chống đối mang
tên là "Diễn Đàn Nhân Dân" khiến cho những người lãnh đạo cộng sản phải thoái vị
sau một cuộc cách mạng êm thắm. Từ tháng 9 năm 1989 đến tháng 7 năm 1992 ông giữ
chức Tổng Thống Cộng Hòa Tiệp sau khi xứ sở bị chia cắt thành hai quốc gia là
Tiệp và Slovak, mặc dù trước đó ông cũng đã cố gắng tranh đấu nhằm chống lại sự
chia cắt này. Trong một cuộc biểu tình vào năm 1989, trước ngày người ta biết
đến các giá trị nhân bản sâu xa và lòng mến chuộng dân chủ của ông và để đem ra
xây dựng xã hội Tiệp, ông đã từng tuyên bố như sau: "Tình thương và sự thật nhất
định sẽ chiến thắng trước hận thù và dối trá". Ông mất ngày 18 tháng 12, năm
2011 vì bệnh ung thư phổi, đúng một tuần lễ sau khi được ôm hôn Đức Đạt-lai
Lạt-ma trong dịp ông mời Ngài cùng với ông Stéphane Hessel tham dự Diễn Đàn 2000
về nhân quyền tại Đông Á. Diễn Đàn lần này là nhằm mục đích tôn vinh một người
Trung Quốc ly khai là Lưu Hiểu Ba bị cầm tù vì đã tham gia vào việc soạn thảo
bản Hiến Chương 08 gợi ý từ bản Hiến Chương 77, nhằm đòi hỏi Trung Quốc phải
được dân chủ hóa. Trong khi các buổi họp của Diễn Đàn đang tiến hành thì Lưu
Hiểu Ba vẫn còn tiếp tục bị giam giữ mặc dù trước đó một năm ông đã được trao
tặng giải Nobel Hòa Bình. Chính Václav Havel đã đề nghị ông
trong danh sách chọn lựa người nhận giải Nobel.
11-
Martin Luther King sinh ở Atlanta (Hoa kỳ), ngày 15 tháng 1, năm 1929, một mục sư
Tin Lành Baptist, bị ám sát ngày 4 tháng 4, năm 1968 tại Memphis, Tennessee, là
một người tranh đấu đòi hỏi nhân quyền cho người Mỹ da đen. Ông là người có
khuynh hướng hiếu hòa, tham gia các hoạt động chống lại chiến tranh Việt Nam và
nhất là có tài hùng biện - bài diễn văn "I
have a dream"
(Tôi mang một giấc mơ) trước Đài tưởng niệm Lincoln ở Hoa-Thịnh-Đốn
đã trở thành một huyền thoại. Ông từng kêu gọi tẩy chay xe
buýt ở Montgomery tại Alabama để chống lại sự kỳ thị chủng tộc trong việc chuyên
chở hành khách. Hầu hết các quyền hạn này đều đã được thừa nhận trong bản Civil Right Acts (Quyền công dân) và Voting Rigths
Acts (Quyền bầu
cử) dưới thời Tổng Thống Lyndon B.
Johnson. Martin Luther King là người trẻ tuổi nhất đã
đạt được giải Nobel Hòa Bình vào năm 1964. Ông được truy tặng Huy chương
Tổng thống về Tự Do vào năm 1977 do Tổng Thống Jimmy Carter trao tặng, giải
thưởng Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc năm 1978 và huy chương vàng của Quốc Hội Mỹ
năm 2004. Kể từ năm 1986, ngày 15 tháng giêng, tức là ngày sinh nhật của ông, đã
trở thành Martin Luther King Day (ngày tưởng niệm
Martin Luther King), một ngày nghỉ lễ tại Hoa Kỳ.
12-
Albert Camus: trích trong bức thư gửi cho Étienne Benoist, ngày 12 tháng 3, năm
1952, được Olivier Todd trích dẫn trong quyển
Camus, Une Vie (Camus, Một Cuộc
Đời). Benoist (1901-1954) là một người tranh đấu bất-bạo-động, sau
khi qua đời đã lưu lại một tác phẩm mang tựa đề
Le Petit Testament
(Lời Di Chúc Nhỏ) - Alençon, nhà xuất bản Impr. Alençonnaise, 1970.
13-
Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc gồm có mười lăm thành viên, năm trong số này là
các thành viên thường trực - Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Pháp và Anh Quốc - và đấy
là các thành viên có quyền phủ quyết. Đấy cũng là cơ quan duy
nhất của Liên Hiệp Quốc không mang tính cách dân chủ. Trong khi đó thì
tất cả các cơ quan chuyên môn khác của Tổ chức này đều được điều hành bằng
phương pháp biểu quyết đa số, duy nhất chỉ có Hội Đồng Bảo An là đòi hỏi phải có
sự thống nhất hoàn toàn giữa năm thành viên thường trực. Stéphane Hussel cho
biết là điều đó đã chứng minh cho thấy một cách hết sức rõ ràng sự kiện là ít
nhất một trong số năm "cường quốc" rất lo ngại về các quyền lợi quan trọng của
mình có thể bị sứt mẻ nếu quốc gia mình lọt vào phía thiểu số. Điều khoản tuyệt
đối này, thường được nhiều người biết hơn dưới cái tên gọi là "quyền phủ quyết",
dù là mang tính cách cần thiết đi nữa, thế nhưng đồng thời cũng lại là một
chướng ngại cản trở các dự án can thiệp của Liên Hiệp Quốc đối với các hồ sơ
nóng bỏng, chẳng hạn như những gì đang xảy ra đối với Trung Quốc và Nga Sô khi
các quốc gia này chống lại việc lên án Bachar Al-Assad, mà đa số các thành viên
khác của Liên Hiệp Quốc đều đã tán thành trước các tội ác do chính phủ Syria vi
phạm đối với dân tộc của nước này.
14- Desmond Mpilo Tutu được trao giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1984. Ông là một người tranh đấu không hề nhụt chí chống lại kỳ thị màu da (apartheid) và đồng thời cũng chống lại
những người da đen chủ trương nhất quyết phải trả thù. Vị giám mục Nam
Phi người da đen này luôn đưa ra thông điệp kêu gọi hòa bình và bất-bạo-động mỗi
khi ông thuyết giảng tại nhà thờ, và đấy cũng là một cách tích cực để chống lại
các chính phủ "afrikaner" (tức là các chính
phủ do người da trắng điều khiển). Năm 1986, ông là người da đen đầu
tiên được Nhà thờ Tin Lành Anglican của Nam Phi phong chức Tổng Giám Mục địa
phận Cap Town. Ông luôn tích cực tranh đấu để bảo vệ nhân quyền trên toàn thế
giới nhất là tại Tây Tạng. Tháng ba năm 2009, ông đưa ra một lá thư được mười
ngàn người ký tên, trong số này có bốn mươi nhân vật nổi tiếng trên thế giới,
nhằm đòi hỏi các quan chức Trung Quốc "phải chấm dứt không được sử dụng các ngôn
từ nhằm xúc phạm, đổ lỗi, lạm dụng Đức Đạt-lai Lạt-ma", đồng thời ông cũng kêu
gọi Cao Ủy Liên Hiệp Quốc đến Tây Tạng để điều tra về tình trạng nhân quyền tại
đây.
15-
Báo Le Monde số ra ngày 6 tháng 12, năm 2011 phỏng vấn Cha François Ponchaud, ký
giả phỏng vấn là Bruno Philip.
16-
René Cassin (1887-1976) có thể xem như là cha đẻ của Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền
được Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 10 tháng 12, năm 1948 tại điện Chaillot
Paris. Ông là cựu chiến sĩ của tổ chức France Libre (tổ chức kháng chiến Pháp) bên cạnh Đại tướng de
Gaulle hoạt động ở Anh, và cũng là một luật gia và nhà ngoại giao, chủ tịch ủy
ban tư vấn về nhân quyền của Quai d'Orsay (Bộ Ngoại Giao Pháp) tại Paris, ông cũng là một
người rất tích cực trong ủy ban do Liên Hiệp Quốc thành lập để soạn thảo Bản
Tuyên Ngôn Nhân Quyền, ủy ban này gồm mười hai thành viên và vị chủ tịch là
Eleonor Rosevelt, là quả phụ của Tổng Thống Mỹ. Vào lúc đó Stéphane Hessel còn
là một nhà ngoại giao trẻ và cũng là một người hợp tác thân tín của Henri
Laugier - làm Phó Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc -, ông giữ chức vụ thư ký cho ủy
ban trên đây, và với tư cách đó ông cũng là người đảm trách việc liên lạc với
Đại Hội Đồng
(Liên Hiệp Quốc). Chính Cassin đã dự thảo Bản Tuyên Ngôn và ông đã
bất chấp mọi sự nghi ngại của một số quốc gia, trong đó kể cả nước Pháp, là có
thể vì bản tuyên ngôn trên đây mà sẽ bị mất chủ quyền tại các thuộc địa của
mình. Quan điểm của ông về nhân quyền thật hết sức quyết liệt và mang tính cách
can thiệp rõ rệt, tương tự như chủ trương của Franklin Rosevelt, qua đời không
lâu trước đó vào tháng tư năm 1945. Quả thật ông rất xứng đáng
được trao tặng giải Nobel Hòa Bình năm 1968.
17 - Bản dịch tiếng Pháp của bài thơ "sonnet 116"
của Shakespeare:
"Aux noces de deux esprits
fidèles
Je ne peux admettre
d'empêchement: l'amour n'est pas l'amour
S'il change lorsqu'il trouve
ailleurs,
Ou s'éloigne lorsqu'il voit
l'autre s'éloigner.
Oh non! il est un feu à la
flamme immuable
Au coeur de la tempête, jamais
ébranlé!
C'est une étoile pour tout
navire errant,
Dont on mesure la hauteur, si
on l'ignore les effets.
L'amour n'est pas le buffon du
temps;
Même si ses lèvres et ses joue
roses
Sont tranchées par l'arc de sa
faux;
Il ne subit pas l'altération
des jours et des semaine,
Mais survit inchangé jusqu'à
la fin des temps.
Si je dis faux, qu'on me le
prouve, je répondrais:
Je n'ai jamais écrit et nul
n'a jamais aimé"
(Bản dịch tiếng Pháp của nhà xuất bản Indigène)
(William Shakespeare (1564-1614) là soạn kịch gia, văn hào và
thi sĩ lớn nhất trong lịch sử văn hóa nước Anh. Bài thơ 14 câu trên đây của ông
thuộc vào thể loại gọi là "sonnet", tức một thể loại gồm hai hoặc ba tiết bốn
câu và hai câu kết luận.
Bài thơ này đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ, thế nhưng không mấy khi các bản
dịch lột được hết ý, sự súc tích cũng như sức mạnh trong hơi thơ của ông. Một
thí dụ cụ thể là bản dịch của nhà xuất bản trên đây cũng cho thấy một vài chỗ
còn sơ sót, chẳng hạn như trong nguyên bản (câu 5 và 6) Shakespeare ví tình yêu
như một ngọn hải đăng nhìn vào bảo táp và không hề bị chao đảo. Ngọn hải đăng
chẳng những luôn vững vàng trước phong ba mà còn hướng dẫn cho thuyền bè không
lạc bến. Bản tiếng Pháp trên đây lại dịch là ngọn lửa không lay động giữa cơn
bảo tố, thì quả thật không diễn tả được ý và sức mạnh trong hai câu thơ của
Shakespeare.
Ngoài ra trong bài thơ của Shakespeare còn có hai câu khá cô đọng (các câu 9 và
10). Trong hai câu này tác giả đưa ra ba hình ảnh liên tiếp: một tên hề, chiếc
lưỡi hái và môi đỏ má hồng. Vậy các hình ảnh này có ý nói lên điều gì? Vua chúa
thời xưa ở Âu Châu luôn có một vài tên hề bên cạnh để giúp vui, và tác giả đã
mượn hình ảnh này để nói lên là tình yêu không phải là một chuyện vui đùa hời
hợt trong chốc lát. Chiếc lưỡi hái tượng trưng cho thần chết và trong bài thơ
thì tượng trưng cho thời gian, và thời gian sẽ cướp đi những thú vui phù du của
tuổi trẻ. Phấn son trên môi và trên má của tên hề tượng trưng cho những gì giả
tạo của tình yêu. Hai câu này tương phản với hai câu tiếp theo (câu 11 và 12) và
góp phần làm nổi bật ý nghĩa của hai câu này.
Stéphane Hessel ngâm bài thơ này tặng Đức Đạt-lai Lạt-ma là để "cụ thể hóa" sự
kính mến và yêu quý của mình đối với Ngài).
Bures-Sur-Yvette, 29.05.12
Hoang Phong chuyển ngữ