Có một thói quen của những người mẹ quê, đó
là mỗi lần đi chợ về đều phải mua quà cho
con. Khi thì vài cái
bánh ít
bọc
lá chuối hay gói chè đậu,
lúc dăm trái ổi hoặc
khúc mía đường mật.
Giản
dị như thứ quà quê
ấy thôi, nhưng mỗi lần nghĩ về tuổi thơ ta lại
ứa thèm.
Hồi tôi còn nhỏ,
phía trước nhà có một
con đường đất.
Ở đó lũ
trẻ chúng tôi mỗi sáng
thường tụ tập lại để chơi cùng nhau. Đến
gần trưa, khi từ lùm
tre đầu đường có bóng một người phụ nữ nào đó
đi qua, tay xách chiếc giỏ mây là
có đứa kêu "mạ đi chợ về", rồi bỏ cuộc chơi, chạy ù ngay tới lục giỏ tìm quà.
Mạ tôi thường đi chợ về muộn. Khi tất cả
những đứa trẻ khác đã về nhà và ăn ngon lành phần quà của mình
thì hai
anh
em tôi
vẫn
phải đứng trước ngõ, dưới tán cây vú sữa
để ngóng mạ. Một đứa nhìn về phía đường
dưới, đứa
kia nhìn
lên đường trên. Hễ thấy bóng
mạ thấp thoáng tít xa
là ba
chân
bốn cẳng đua nhau chạy.
Có khi chạy đến tận nơi lại.... nhầm, không phải mạ.
Các bà mẹ quê
ngày trước thường mặc những chiếc quần đen, áo sẫm màu,
đội nón lá cũ, nhìn
xa hao
hao
giống nhau. Và trẻ con "nhầm mạ" vẫn là chuyện
thường. Nhưng
có một điều không thể nhầm được, đó là mỗi người
mẹ thường mua cho con
mình
thứ quà theo sở
thích.
Trẻ
con thời chúng tôi thường ít khi đòi
hỏi. Mạ mua về thứ
gì cũng ngấu nghiến ăn rất
ngon lành. Chính cái đó làm
nên nét
bất
ngờ trong túi quà của
mạ mỗi khi đi chợ
về. Quà của
mạ tùy vào thời tiết mùa. Ngày nắng thường là gói chè
đậu đỗ.
Mùa hạ thì không
gì bằng chén đậu hũ ngậm vào mát lịm
cả cổ họng. Mùa đông thì mấy chiếc bánh chiên ấm
nóng. Hôm nào mạ bán được hàng, có lãi
nhiều thì mua cho cái
trứng vịt lộn. Mạ đi chợ, nhiều khi bán rau bán
cải chẳng được mấy tiền, đem mua thức ăn cho
cả nhà đã là chật
vật lắm rồi. Thế mà quà cho
con trẻ vẫn không thể quên đi một
bữa nào.
Tôi và anh trai
hơn kém nhau chỉ một tuổi. Hồi nhỏ hễ đi chợ về là mạ
phải mua hai túi quà
giống nhau. Vui nhất là mỗi lần
mua chung
quà, chẳng hạn một túi quả đào,
một đùm bánh lọc. Lúc đó lại
đem ra chia, một đứa chịu trách nhiệm chia làm hai
phần, đứa kia sẽ
được quyền
chọn trước.
*
Bây giờ các bà
mẹ quê vẫn còn giữ
thói quen mua quà cho
con mỗi lần đi chợ về. Nhưng trẻ con bây
giờ đầy đủ hơn, ít thèm khát
như hồi xưa. Thế nên một số mẹ không để ý đến chuyện mua quà nữa,
cứ đi chợ về lại rút tiền
cho con, ưa gì thì mua
lấy mà ăn. Trẻ con bây giờ
lại thèm chơi hơn thèm ăn, cầm
tiền đi chơi game.
Và dần dần trẻ mất đi tuổi thơ hồn nhiên vô tư,
xóa trắng vùng ký ức
đẹp về quê hương gắn với hình ảnh mẹ và quà
quê. Những đôi mắt
không còn chờ ngóng mẹ. Tiếng reo vui "mạ
đi chợ về rồi" chẳng còn là âm thanh
quen thuộc mỗi buổi xế trưa.
Hoàng Công Danh