Mạng Internet và quyển sách

mang internet

Cách đây vài năm ông Nicholas Carr có viết mt quyn sách nói v nh hưởng ca Internet đi vi s phát trin b óc ca chúng ta.  Quyn sách có ta đ The shallows: What the Internet is doing to our brain (S nông cn: Internet đã làm gì đến b óc chúng ta.)

 

Gián đoạn và xao lãng

Nicholas Carr viết, “Bạn hãy tưởng tượng mình vừa đang đọc một quyển sách và cũng lại vừa cố gắng giải đáp một ô chữ (word puzzle), và đó là việc xảy ra mỗi khi chúng ta sử dụng internet.”  Theo ông thì mạng internet là một môi trường tạo nên những sự gián đoạn, ngắt quảng, phân tâm (interruption, distraction) đối với ta.  Ông Carr chia sẻ, “Tôi ngồi xuống đọc một quyển sách, hoặc một bài viết dài nào đó, và sau khi đọc được chừng vài trang, đầu óc tôi bắt đầu muốn làm những gì nó vẫn thường làm mỗi khi lên internet: kiểm tra email, đi theo các đường links, vào google tìm kiếm, nhảy từ trang này sang trang khác…”

Nicholas Carr nghiên cứu và viết quyển sách về đề tài này khi ông bắt đầu cảm thấy một sự thay đổi trong khả năng tập trung của mình, nó không còn được như xưa nữa.  “Tôi cảm thấy khả năng tập trung của mình bổng trở nên hết sức yếu ớt.  Vì vậy, tôi từ bỏ Facebook và Twitter, chỉ đọc email vài lần một ngày, thay vì là cứ kiểm tra mỗi 45 giây.  Và tôi cảm thấy một sự khác biệt lớn.”

Thái độ phân tâm, chia trí trong khi sử dụng internet, sẽ vẫn tiếp tục theo ta sau khi ta tắt chiếc máy tính của mình.  Sự xao lãng và phân tán ấy trở thành một thói quen in sâu vào tâm thức của ta, và chúng biểu hiện ra ngay cả trong đời sống hằng ngày của mình.  Theo ông Carr thì sự sử dụng Internet đã làm thay đổi nền tảng cơ bản về cách hoạt động của bộ óc chúng ta.  Nó đã biến đổi những sợi dây kết nối thần kinh trong bộ óc của mình.

Theo ông Carr thì mạng internet là một hệ thống tạo tác những sự gián đoạn.  Nó liên tục nắm bắt sự chú ý của ta cho mọi thứ tin tức, và đa số lại là những thông tin hoàn toàn không cần thiết: những đường links, những video clips, những hình ảnh youtube, những “tin nóng”…  Và mỗi khi ta thay đổi sự chú ý của mình, bộ óc ta phải làm việc nhiều, nó cần một thời gian để tập trung được trở lại.  Bộ óc của ta có khuynh hướng chú ý và quan tâm đến những dữ kiện chỉ vì chúng mới lạ đối với mình, mà không cần biết là có mang lại một ích lợi nào không!  

Tôi nhớ ngày xưa có lần nghe một học giả, hình như là cụ Nguyễn Hiến Lê, than rằng, cụ có thói quen là mỗi khi cần tra môt chữ gì trong tự điển, cụ lại thường hay tò mò đọc thêm vài chữ khác, và việc ấy làm tốn mất nhiều thì giờ của cụ.  Không biết cụ Nguyễn Hiến Lê sẽ nghĩ sao về một thế giới mênh mông đủ mọi những tin tức trên mạng toàn cầu ngày nay, bạn hả?

Biết nhiều chưa là hiểu sâu

Theo ông Nicholas Carr thì cũng vì mạng internet có thể cung cấp quá nhiều thông tin mà cái biết của ta lại trở nên nông cạn.  Trong kỷ nguyên tin học ngày nay với số lượng thông tin khổng lồ, với những video clips, những hình ảnh, âm nhạc, các đường links, emails, Youtube, Facebook, Twitter...  chúng ta đã trở thành những người tiếp nhận rất thụ động.  Chúng ta có thể truy tìm bất cứ tin tức về một đề tài nào mình muốn, rất nhanh chóng, nhưng ta cũng vô tình có thể đánh mất đi khả năng suy nghĩ sâu sắc của mình.

 

Bạn biết không, trong ta có hai loại trí nhớ: trí-nhớ-làm-việc, working memory, và trí-nhớ-dài-hạn, long-term memory.  Tuy trí-nhớ-dài-hạn của ta thì có thể là vô tận, nhưng trí-nhớ-làm-việc của chúng ta thì rất giới hạn, và lại vô cùng mỏng manh, nếu như có một sự ngăn ngại nào thì nội dung của nó sẽ bị xóa hoàn toàn khỏi tâm thức.  Mà sự thông minh của ta là tùy thuộc vào việc ta có thể chuyển tải được bao nhiêu thông tin từ trí-nhớ-làm-việc, working memory, sang trí-nhớ-dài-hạn của mình, long-term memory.

Khi ta đọc một quyển sách, những tin tức và dữ kiện như một dòng suối nhỏ chảy thong thả và đều đặn, theo nhịp độ tiếp nhận của mình.  Sự tập trung của ta cũng dễ dàng, và những thông tin được chuyển tải rõ rệt từ trí-nhớ-làm-việc sang trí-nhớ-dài-hạn.

Và ngược lại, trên mạng internet thì có biết bao nhiêu là nguồn suối khác nhau ào ạt tuông chảy.  Ta cứ lăng xăng đổi từ nguồn nước này sang nguồn nước kia.  Ta thu nhận những dữ kiện một cách đứt đoạn, thiếu liên tục, từ nhiều nguồn khác nhau.  Và khi trí-nhớ-làm việc, working memory, của ta bị quá tải hoặc không thể xử lý được nữa, nó sẽ xóa bỏ hết tất cả.

Nicholas Carr chia sẻ, “Internet giúp chúng ta thông minh hơn.  Điều ấy đúng, nếu như chúng ta hiểu thông minh được định nghĩa theo tiêu chuẩn của Internet kìa.”  Còn nếu như chúng ta thật sự hiểu được rằng, tuệ giác chỉ có thể thu nhận được bằng một cái nhìn sâu sắc và một sự tập trung trong tĩnh lặng, thì những yếu tố này không hề có mặt khi ta đi vào mạng internet.

Vấn đề của chúng ta.

Những chia sẻ của ông Nicholas Carr đã mang lại rất nhiều tranh cãi và các ý kiến khác nhau.  Những nhận xét này của ông đã được khai triển từ một bài viết ngắn trước đây của ông với tựa đề  “Is Google Making Us Stupid?”

Ngày nay chúng ta không thể nào chối bỏ những lợi ích, thuận tiện và ảnh hưởng tích cực của internet trong đời sống và sinh hoạt hằng ngày của mình.  Nhưng nếu không cẩn thận ta có thể tiếp thu những thông tin qua mạng internet một cách thụ động, và sự hiểu biết của mình cũng dễ trở nên hời hợt và nông cạn đi.  Biết nhiều chưa hẳn là hiểu sâu.

Trong thế giới internet này, sự tập trung của ta cũng rất dễ bị phân tán, với bao nhiêu những đường links, những video clips, những hình ảnh, những tin nóng hằng ngày… lúc nào cũng mời gọi sự chú ý của ta mỗi khi lên mạng.  Có lần tôi mở một trang web để tìm một thông tin nào đó, nhưng sau một hồi đi từ trang này sang trang khác tôi chợt dừng lại, và không nhớ là mình đang định tìm kiếm điều gì.

Đừng đánh mất sự sống trong lãng xao

 

Viện nghiên cứu Brain & Creativity Institute của University of Southern California khám phá rằng bộ óc của chúng ta có một phản ứng tức thì đối với những cái đau của chính ta.  Nhưng ta cần phải chú ý lâu hơn, thì bộ óc mình mới có biểu hiện quan tâm đến nỗi đau của kẻ khác.  Ông Carr viết, “Chúng ta càng bị xao lãng bao nhiêu, thì ta sẽ lại càng đánh mất đi những khả năng cơ bản nhất của con người, như là lòng thương yêu, sự cảm thấu và nỗi xúc động.”

Ngày nay bạn có cảm thấy mình như có một sự thôi thúc, lúc nào cũng muốn lên mạng kiểm tra email, vào facebook, xem video clips, hoặc tìm đến những trang blogs…  hơn là mở đọc một quyển sách ưa thích, ngồi uống cà phê với một người bạn, hoặc yên nhìn ra ngoài để được thấy một ngày đẹp trời.

Mỗi phút ta bận rộn cũng có thể là một phút ta bớt đi những cơ hội thật sự có mặt ở nơi này, tiếp xúc với người chung quanh, đi dạo, nói chuyện với người thân, nấu một tách trà, đọc một quyển sách, hoặc ngắm nhìn một ngày mưa bay…  Và nếu như ta có nhiều thì giờ cho những người bạn trên mạng hơn là người chung quanh, nếu như ta không thể đọc xong một quyển sách mình thích, nếu như ta không có thì giờ ngồi yên trong một buổi sáng nắng ấm, thì có lẽ tôi nghĩ chúng ta cũng nên thử nhìn lại xem, trong ta đang có những lãng xao nào…

Nguyễn Duy Nhiên

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle