Phật
giáo, vốn là một nền văn hoá đến từ nước ngoài, đã trải qua ba giai đoạn phát
triển chính ở Trung Quốc. Giai đoạn đầu, Phật giáo phát triển bằng cách dựa vào văn hoá truyền
thống Trung Quốc là Khổng giáo và Lão giáo. Giai đoạn
kế tiếp, Phật giáo có sự xung khắc với hai tôn giáo Khổng và Lão.
Và cuối cùng là giai đoạn Phật giáo hoà nhập vào văn hoá truyền thống Trung Quốc.
Mỗi tiến trình phát triển Phật giáo ở Trung Quốc, theo cách này hay cách khác, là tiến trình bản địa hoá Phật
giáo. Phật giáo được người Trung Quốc đón nhận nhiệt thành không chỉ vì bản tính
cởi mở của người dân ở đất nước này, mà cũng vì Phật giáo là một tôn giáo phong
phú và đa sắc, có thể bổ sung thêm cho nền văn hoá truyền thống Trung Quốc.
Khi được
truyền vào Trung Quốc, Phật giáo được xem như một hình thức của Lão giáo.
Điều này bởi vì những tăng sĩ nước ngoài truyền bá Phật giáo vào Trung Quốc
thường sử dụng những học thuyết của Lão giáo và Khổng giáo để giải thích Phật
giáo. Suốt thời Nam Bắc Triều, Phật giáo nỗ lực tách ra khỏi
Khổng giáo và Lão giáo. Sự tranh luận giữa Phật giáo và những tôn giáo
truyền thống Trung Quốc đã thường xuyên xảy ra, về những câu hỏi như “linh hồn
thường hằng hay không thường hằng” “có tồn tại nhân quả hay không” và “tăng sĩ
có nên bái lạy hoàng đế hay không”.v.v..
Trong
suốt hai triều Đường và Tống, Phật giáo bắt đầu tiến trình bản địa hoá của mình. Từ đó Khổng giáo, Phật giáo và Lão giáo, ba
trường phái triết học chính, đã cũng nhau phát triển và hình thành nên một khía
cạnh mới trong xã hội Trung Quốc. Khổng giáo đã tiếp
thu rất nhiều từ Phật giáo và khai sinh nên Tân Nho.
Tương tự, Lão giáo cũng vay mượn giáo thuyết Phật giáo và mở đường cho các
trường phái mới như Kim Chân Đạo (全真道) và Thái
Nhất giáo (太一教) hình thành.
Phật giáo cuối cùng đã hoàn thành việc bản địa hoá của mình và
trở thành thành tố chính và quan trọng trong văn hoá truyền thống Trung Quốc.
Phật
giáo đã có sự ảnh hưởng sâu rộng vào văn hoá Trung Quốc cùng với tiến trình bản
địa hoá của nó. Sự dung hợp triết học Phật giáo và triết học cổ đại Trung Quốc
đã đưa đến một vấn đề mới và phương pháp mới cho việc phát triển triết học. Bài
viết này tập trung vào sự ảnh hưởng của khái niệm luân hồi Phật giáo vào những
nguyên tắc đạo đức của người Trung Quốc, việc chuyển dịch kinh sách Phật giáo đã
giúp phát triển văn học cổ đại Trung Quốc, và sự ảnh hưởng của Phật giáo đối với
nghệ thuật Trung Quốc.
* * *
Những
nhà truyền đạo Phật giáo đã dựa vào văn hoá truyền thống Trung Quốc khi truyền
bá Phật giáo vào quốc gia này. Trong suốt thời kỳ đầu, các
tăng sĩ Phật giáo nước ngoài đã nỗ lực truyền bá Phật giáo vào Trung Quốc bằng
việc vay mượn những học thuyết của Lão giáo để giải thích học thuyết Phật giáo,
hoặc thể hiện những phép thuật để thu phục tín đồ. Điều này
khiến cho người Trung Quốc thời ấy xem Phật giáo như một hình thức của Lão giáo. Những tăng sĩ Phật giáo đầu tiên thường giảng giải kinh Phật bằng
việc liên hệ với những thuật ngữ Lão giáo như “vô vi” và “vô cực”.
Đây là một sự giải thích không thích đáng đã khiến cho những người Trung Quốc
thời ấy hiểu học thuyết Phật giáo tương đồng với tư tưởng Lão giáo.
Vào thời
kỳ đầu, Phật giáo cũng dựa vào Khổng giáo. Vào thời Tam Quốc (220-265), một vì tăng đã trả lời rõ khi có
người hỏi ông về học thuyết nhân quả của Phật giáo. Câu trả lời của ông cho thấy
giống với những gì được nói trong sách Chu Dịch: “một người làm điều thiện, hạnh
phúc sẽ đến với gia đình của người đó; một người làm điều ác, tai hoạ sẽ giáng
xuống gia đình người đó trong tương lai.” Qua việc trả lời như vậy, ông đã thực hiện một sự so sánh giữa Phật
giáo và Khổng giáo.
Thực ra,
học thuyết của Khổng giáo về nhân quả được dựa trên khái niệm “Thiên đạo”, luật
tự nhiên. Theo Khổng
giáo, sự báo ứng thực sự không đến với bản thân người tạo tác mà đến với toàn
thể gia đình của người ấy. Còn theo Phật giáo,
người ta sẽ gặt lấy những gì mà người ta đã gieo. Hạnh phúc hay khổ đau là từ
hành động của chính mình. Đây là sự khác biệt cơ bản giữa hai
truyền thống. Khương Tăng Hội cũng dịch và hiệu đính Lục Độ Tập Kinh bằng
cách liên hệ khái niệm từ bi của Phật giáo với khái niệm nhân của Khổng giáo để
tương thích với những nguyên tắc đạo đức và chính trị của tôn giáo này.
Mãi cho
đến thời Nam Bắc Triều, với các kinh sách của tất cả các trường phái Phật giáo
Ấn Độ được truyền vào và được chuyển dịch có hệ thống ở Trung Quốc, Phật giáo đã
thay đổi phương cách vay mượn văn hoá truyền thống Trung Quốc ở giai đoạn đầu,
và bắt đầu có sự tranh luận với nền văn hoá này. Sự tranh luận được thực hiện
trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là về những vấn đề như “tăng sĩ Phật
giáo có phải bái lạy hoàng đế hay không,” “linh hồn vĩnh hằng hay không vĩnh
hằng” và “nhân quả có tồn tại hay không”.v.v.
Tăng sĩ
Phật giáo có phải bái lạy hoàng đế hay không là một câu hỏi liên quan không chỉ
đến phép tắc tôn giáo mà cũng liên quan đến đạo đức chính trị.
Từ các triều đại Đông và Tây Hán, việc phục vụ vương quốc và hoàng đế, cũng như
việc phụng thờ cha mẹ là những điều rất mực được đề cao trong văn hoá phong kiến
Trung Quốc. Hình thức đề cao gia tộc và nhà nước này, tất nhiên, trái
ngược với lối sống của các tăng sĩ Phật giáo - những người từ bỏ đời sống thế
tục, vượt qua những quy ước thế tục và du hành nay đây mai đó.
Theo
Khổng giáo, Phật giáo là một tôn giáo xem nhẹ việc phụng thờ mẹ cha và tôn kính
hoàng đế cũng như những vấn đề quy ước khác.
Sự tranh luận giữa Phật giáo với Khổng giáo và Lão giáo tồn tại mãi cho đến cuối
đời nhà Đường. Cuối cùng Phật giáo đã thua thế, và họ không có sự chọn lựa nào
khác ngoài việc chấp nhận khái niệm quân vương như pháp vương.
Vì vậy Phật giáo buộc phải từ bỏ truyền thống, rằng các tăng sĩ Phật giáo không
cần phải bái lạy hoàng đế và cha mẹ của họ.
Học
thuyết ba thời nhân quả của Phật giáo được đặt cơ sở trên học thuyết duyên khởi. Theo Phật giáo, con người là
một sự kết hợp của năm yếu tố (ngũ uẩn), và không có
một linh hồn hay một thực thể thường hằng tồn tại phía sau. Tuy nhiên, do vì
người Trung Quốc về truyền thống có niềm tin vào quỷ thần nên đã cho rằng học
thuyết ba thời nhân quả mà Phật giáo chủ trương nhằm truyền bá lý thuyết về sự
bất tử của linh hồn sau khi chết. Ngay cả những người thành thạo Nho học khi tìm
hiểu Phật giáo đã không hiểu đúng về giáo lý nhà Phật. Huệ Viễn, một tăng sĩ nổi
tiếng đời Đông Tấn, đã chủ trương sự bất tử của linh hồn, điều gây nên một sự
tranh luận kéo dài về vấn đền linh hồn bất tử hay không bất tử.
Tranh
luận sôi nổi giữa Phật giáo và Lão giáo cũng là một sự kiện kéo dài vào thời đó. Bởi vì, về phương diện học thuyết có sự khác nhau giữa Phật giáo và
Lão giáo, nên đã tạo nên những đối nghịch trong một số khía cạnh. Các
tăng sĩ Phật giáo và các Đạo sĩ luôn tranh luận về tính ưu việt của tôn giáo
mình, và theo đó mong tìm một vị trí cao hơn trong đời
sống xã hội về phương diện chính trị. Nhằm làm tăng tính ưu việt của tôn giáo
mình, một số Đạo sĩ vào đời nhà Tấn đã soạn nên cái gọi là “Thái Thượng Linh Bảo
Lão Tử Hoa Hồ Diệu Kinh” (太上靈寶老子化胡妙經).
“Kinh” này nói rằng người sáng lập Lão giáo là Lão tử đã đi về phía tây (ở đây
có nghĩa là Ấn Độ); và sau khi nhận Sakyamuni làm đệ tử, Lão Tử đã khuyên ngài
thành lập Phật giáo. Để đáp trả lại, các tăng sĩ Phật giáo cũng soạn nên một bản kinh để
chống lại Lão giáo. Cuốn “kinh” này nói rằng đức Phật đã từng phái ba đệ
tử của Ngài sang Trung Quốc để giáo hóa. Bồ-tát Nho Đồng (Rutong) là Khổng Tử,
Bồ-tát Quán Âm là Dương Nguyên và Đại Ca Diếp là Lão Tử. Sự tranh luận kéo dài
cho đến cuối đời nhà Đường.
Phật
giáo dung hoà với văn hoá truyền thống Trung Quốc từ đời Đường đến đời Tống. Từ
đó, Tam giáo Phật, Nho và Lão đã cùng nhau phát triển; và việc ba tôn giáo dung
hoà với nhau đã tạo nên một khía cạnh mới. Ngài Đạo An đời nhà Tấn nhận xét: “không có sự khác biệt giữa ba tôn
giáo, vì cả ba tôn giáo đều chủ trương những điều thiện lành. Về học thuyết,
những phương thức mà mỗi tôn giáo ứng dụng là khác nhau, tuy nhiên cả ba có một
vài điều chung.” Trí Viễn vào đời nhà Tống thì cho
rằng: “Khổng giáo tốt cho thể chất, và Phật giáo tốt cho tinh thần.” Vì vậy ông
chủ trương rằng cả Khổng giáo và Phật giáo có thể bổ sung cho nhau và làm lợi
ích lẫn nhau.
Theo
cách này hay cách khác, điều này cho thấy Phật giáo có sự mong muốn tạo hoà hợp
với Khổng giáo và Lão giáo. Điều được gọi là “Tam giáo đồng
nguyên” đã trở thành một dòng chính của hiện tượng xã hội.
Khổng giáo, sau khi tiếp nhận tư tưởng Phật giáo, đã hình thành nên một loại
triết học mới – Tân Nho. Lão giáo cũng đã thực hiện
điều tương tự. Sau khi tiếp nhận những tư tưởng từ Phật
giáo, đã có sự xuất hiện những trường phái mới ở trong Lão giáo, như Kim Chân
Đạo và Thái Nhất giáo. Đồng thời, Phật giáo cũng đã
hoàn tất tiến trình bản địa hoá của mình và trở thành thành tố quan trọng nhất
của văn hoá truyền thống Trung Quốc.
Với tiến
trình bản địa hoá, Phật giáo đã thâm nhập vào những khía cạnh khác nhau của văn
hoá Trung Quốc và đã ảnh hưởng sâu rộng vào nền triết học của quốc gia này. Sự hoà quyện triết học Phật giáo và triết học truyền thống Trung
Quốc đã thúc đẩy một sự phát triển mới cho nền triết học ở đây.
Tân Nho đã chịu ảnh hưởng Phật giáo một cách sâu sắc.
Điều thấy rõ là những khái niệm triết học mà Tân Nho đặt ra đã chịu ảnh hưởng
sâu sắc những khái niệm của Phật giáo. Ví dụ, những khái niệm như “thanh
tâm” “chân tâm” “bình tâm” “vạn vật trong thế giới này bao gồm con người có một
‘thái cực’”, và “hiện tượng giới có thể khác nhau nhưng nguyên nhân chỉ một”, là
tương đồng với những khái niệm Phật học như “với một tâm thức sáng tỏ, người ta
có thể nhận chân chân lý” và “tức tâm tức Phật.” Do đó, chúng ta có thể nói rằng
học thuyết Tâm Tính Luận của Tân Nho là thừa kế học thuyết Phật tính của Phật
giáo.
Phật
giáo cũng ảnh hưởng sâu sắc vào văn học Trung Quốc. Tiến trình chuyển dịch kinh sách từ tiếng Sanskrit sang Hán ngữ
đã tạo nên một sự phát triển mới cho thi ca, văn xuôi và tiểu thuyết Trung Quốc.
Những tiểu thuyết vào các đời nhà Tấn và Đường đã lấy cảm hứng rất nhiều từ
những kinh Phật như Duy Ma Cật, Pháp Hoa và Bách Dụ. Những khía cạnh tư tưởng
của kinh Bát Nhã và Thiền tông đã có sự ảnh hưởng lớn vào những thi nhân Trung
Quốc cổ đại như Đào Uyên Minh, Vương Vĩ, Bạch Cư Dị và Tô Thức. Biện văn (變文- một hình thức phổ biến của văn
học kể chuyện thịnh hành vào đời Đường, với văn xuôi xen kẻ và những phần được
gieo vần cho việc ngâm tụng và hát xướng) và những trích dẫn của Thiền tông có
một sự liên hệ mật thiết với văn học quần chúng Trung Quốc. Phiên thiết (反切) trong ngôn ngữ Trung Quốc thực
sự được phát triển do sự ảnh hưởng ngữ âm của Sanskrit. Theo một thống kê chưa
đầy đủ, với việc chuyển dịch kinh sách sang Hán ngữ, Trung Quốc đã có thêm
35.000 từ và thuật ngữ mới, điều này rõ ràng đã làm cho văn hoá và ngôn ngữ của
Trung Quốc vô cùng phong phú.
Phật
giáo cũng ảnh hưởng vào nghệ thuật cổ đại Trung Quốc ở nhiều khía cạnh.
Kiểu thức kiến trúc chùa tháp ở Trung Quốc cho thấy văn hoá Phật giáo đã
ảnh
hưởng sâu sắc vào kiến trúc Trung Quốc. Những câu chuyện Tiền thân thường là
những đề tài hay cho các nghệ sĩ cổ đại Trung Quốc vẻ. Hội hoạ
Trung Quốc truyền thống cũng chịu ảnh hưởng Thiền Phật giáo.
Âm nhạc Phật giáo cũng ảnh hưởng vào âm nhạc Trung Quốc.
Phật giáo cũng có sự ảnh hưởng sâu sắc vào thiên văn học và y
học của Trung Quốc. Có một số khía cạnh về y học và
dược phẩm được đề cập trong kinh tạng. Theo những quyển sách lịch sử của
hai triều Tuỳ và Đường, có trên mười quyển sách y học và dược phẩm được dịch từ
ngôn ngữ Ấn sang Hán.
Từ những
thảo luận ở trên chúng ta có thể thấy rõ rằng thông qua sự giao thoa văn hoá
giữa Trung Quốc và Ấn Độ vào thời cổ đại, Phật giáo đã có sự ảnh hưởng sâu rộng
vào những khía cạnh khác nhau của văn hoá Trung Quốc.
Trần Gia
Hoa (Cheng Jiahua) - Nguyên Hiệp dịch