Thích Nguyên Hiệp
Trong truyền thống Khổng giáo, quan hệ giữa thầy và trò được coi
trọng hơn giữa cha mẹ và con cái, và người thầy được xếp vị trí chỉ sau nhà vua
mà trên tất cả mọi hạng người trong xã hội.
Khổng giáo đã nâng vai trò người thầy lên một tầm mức quan
trọng, và qua lịch sử truyền thừa của mình, tinh thần đó đã được phản ánh một
cách rõ nét.
Phật giáo không phân cấp khinh trọng các mối quan hệ như Khổng
giáo. Theo Phật giáo, mỗi mối quan hệ đều có tầm quan trọng riêng của nó,
và một con người để hình thành nên nhân cách và tài năng hẳn có sự chi phối từ
nhiều phía: cha mẹ, thầy giáo, môi trường xã hội và chính cả bản thân người đó.
ảnh:
hải trang
Tuy nhiên, trong đời sống thiền môn, mối quan hệ giữa thầy và đệ
tử là đặc biệt quan trọng và giữa họ luôn có sự tương tác lẫn nhau một cách sâu
sắc. Người thầy giữ một vai trò
vô cùng thiết yếu trong việc dẫn dắt những người bước đầu học đạo.
Đối với một người mới xuất gia, giáo thuyết và những phương pháp tu tập đối với
họ đôi khi khó hiểu và vì thế có thể dẫn đến việc hiểu và thực hành sai.
Vì vậy, thầy là người có nhiệm vụ trong việc truyền trao sự hiểu biết đến đệ tử
và hướng dẫn họ đi theo một đường hướng đúng đắn, từ nếp sống trong chùa cho đến
việc thực hành lời dạy của Đức Phật. Nếu một người không có đủ khả năng (lẫn
nhân cách) mà nhận hướng dẫn người khác thì tất yếu sẽ đưa đến kết quả tai hại.
Trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng, một người xuất gia tu học không thể thiếu
một người thầy hướng dẫn, và người tu hành sẽ không bao giờ thành công, có khi
trở thành điên dại, nếu không có được một người thầy chân chính. Những điều
tương tự như vậy cũng thường được phản ánh trong kinh điển: Có những vị sau khi
nhận đệ tử, đã không có phương pháp dạy đệ tử cho thích hợp, khiến đệ tử không
phát triển được đời sống tâm linh, để rồi khiến họ trở nên chán nản và quay trở
lại đời sống thế tục. Thậm chí có những vị trưởng lão thời Đức Phật, đôi khi vẫn
không nhìn thấy rõ được căn cơ của đệ tử, đã trao cho họ pháp môn không thích
hợp, dẫn đến việc họ thực hành không có kết quả.
Người xuất gia khi mới vào chùa phải trải qua một thời kỳ tập sự. Trong thời gian này, họ vừa học tập kinh điển
và vừa làm những công việc chấp lao phục dịch trong
chùa, và đây cũng là thời gian họ được thầy mình đặc biệt quan tâm chỉ dạy. Có
những vị thầy đã chọn những người mới vào tu làm thị giả cho mình, để qua đó dễ
dàng thấy được nhân cách và căn cơ của người này để từ đó có phương cách giáo
dục thích hợp. Còn người đệ tử trong thời kỳ tập sự xuất gia, khi được gần
gũi bên thầy sẽ giúp họ có nhiều cơ hội trong việc học hỏi lời thầy dạy
cũng như noi theo lối sống của thầy mình (thân giáo). Vai trò
của người thầy trong chốn thiền môn như vậy rất thiết yếu, có thể tác động rất
lớn đến việc hình thành nên nhân cách cũng như việc phát triển tâm linh của
người đệ tử. Đối với những người xuất gia tuổi còn nhỏ
thì sự tác động đó càng lớn hơn.
Người đệ tử xuất gia ở một ngôi chùa mà ở đó việc cúng đám được coi là công việc
chính thì xu hướng của người đệ tử cũng ngả dần theo đó; còn một người xuất gia
ở một ngôi chùa mà ở đó lấy việc tu tập làm trọng thì người đệ tử cũng sẽ có
khuynh hướng đi theo con đường này. Nhưng mọi việc luôn có ngoại lệ, cũng có
những đệ tử đã độc lập chọn lấy lối đi của mình mà không hoàn toàn bước
theo dấu chân của thầy - bất kể lối đi đó có thể tốt hơn hay có thể xấu
hơn!
Một điều rõ ràng rằng,
trong một gia đình, những người con được nên người, thành danh phần lớn nhờ vào
sự giáo dưỡng cũng như tình thương yêu của cha mẹ. Trong một
ngôi chùa, người đệ tử, để hình thành nên một con người có đủ tài đức thì sự góp
phần của người thầy cũng không nhỏ. Nhưng trong mối
quan hệ hỗ tương, người đệ tử cũng có thể góp phần đem lại sự thành công cho
thầy mình trong việc xiển dương Phật pháp. Một con người dù tài năng đến
đâu, nếu không có được sự giúp sức của người khác thì vẫn gặp nhiều hạn chế
trong công việc của mình. Bằng chứng dễ thấy là giữa Lục tổ
Huệ Năng và ngài Thần Tú. Ngài Huệ Năng được biết đến như ngày hôm nay
tất nhiên là do tư tưởng siêu xuất của ngài, nhưng cũng không thể phủ nhận sự
góp công của những vị đệ tử về sau, mà cụ thể là Thần Hội.
Pháp bảo đàn kinh
sẽ không được hình thành nếu không có những vị đệ tử tài giỏi tiếp nối.
Ngài Thần Tú xuất hiện trong Pháp bảo đàn
với một hình ảnh khiêm tốn cũng chỉ vì đệ tử của ngài đã không làm gì nên nổi để
xiển dương đường lối của thầy mình!
Ngay cả Đức Phật, giáo
pháp của Ngài được truyền bá cũng phải cần đến những vị đệ tử xuất sắc tiếp nối
Ngài như A Nan, Ca Diếp, Ưu Ba Ly… trong buổi đầu, và về sau là ngài Long Thọ,
Nagasena (Na Tiên), Thế Thân, Buddhaghosa (Phật Âm), Huyền Trang… và ngay cả
những đệ tử tại gia như Ashoka, Kanishka… Nhưng các vị ấy sở dĩ đã nhiệt tâm làm rạng danh thầy mình bởi vì họ
đã nhận thấy được sự hữu ích trong những lời dạy của Đức Phật và kính phục đời
sống phạm hạnh cao cả của Ngài.
Một người thầy tài giỏi
không phải chỉ là người tìm cách thuyết giảng cho hay mà còn là người biết đào
tạo nên được những đệ tử tốt. Những đệ tử xuất sắc, với tài năng và cách hành xử
có đạo đức sẽ góp phần làm rạng danh thầy tổ và Phật giáo nói
chung. Những ai đã từng đến nghe Đức Dalai Lama thuyết giảng hay thấy
ngài ở các cuộc hội thảo sẽ nhận ra được điều này. Những vị đệ tử của ngài, cũng
là những vị phụ tá, khi đứng bên cạnh ngài luôn tỏ một thái độ tôn kính hết mực
và biểu lộ một thái độ khiêm cung đáng kính, dù họ đang là những viện trưởng của
các học viện lớn của Tây Tạng, thông đạt nhiều vấn đề, thành thạo nhiều ngôn
ngữ. Cách hành xử đó đã khiến cho những người chứng kiến vừa mến phục họ
và vừa kính ngưỡng thầy của họ hơn.
Quan hệ thầy trò trong Phật giáo không chỉ là mối quan hệ trực
tiếp giữa hai thế hệ kế tiếp mà còn là một chuỗi tiếp nối dài lâu, trải qua
nhiều thế hệ. Điều này thể hiện rõ nét hơn
nơi Phật giáo Trung Hoa, Nhật Bản và cả Việt Nam. Phật
giáo Trung Hoa là sự kết hợp của nhiều tông phái, và sự truyền thừa của mỗi tông
phái là một chuỗi nối tiếp chặt chẽ giữa thầy và trò.
Trong Thiền tông, sự truyền thừa này có lẽ dễ thấy nhất. Ở đây sự truyền thừa không chỉ là sự tiếp nối mà còn là sự xiển
dương tông phái của mình, làm cho lời dạy của người đi trước được rõ nghĩa và
cũng làm thích ứng những lời dạy đó vào từng thời đại.
Có những người thầy, có khi tên tuổi của họ được biết đến phải nhờ đến những
người về sau.
Trong thời đại ngày nay
(ở Việt Nam), sự ảnh hưởng của người thầy đối với đệ tử của mình ít nhiều không
còn sâu sắc như ngày xưa, vì người đệ tử bây giờ hình như học tập ở thầy mình ít
hơn học hỏi ở những người khác, và thời gian họ ở gần thầy cũng không còn được
nhiều. Họ phải trải qua nhiều chương trình học, từ ngoại điển
cho đến nội điển.
Bên cạnh đó, có những người thầy nhiều khi nhận đệ tử nhưng
thực sự đã không dạy được gì cho đệ tử. Đó là chưa nói
đến những người nhận đệ tử trong khi tư cách làm thầy của mình không/chưa có.
Như vậy, khoan nói đến việc đã dạy được gì cho đệ tử, những người thầy như thế
đã tác động xấu đến họ trong buổi đầu xuất gia, hình thành trong tâm hồn trong
sáng của họ một hình ảnh không mấy đẹp đẽ về người đi trước.
Người xuất gia khi rời xa cha mẹ và đời sống gia đình thì ngôi
chùa trở thành nơi nương tựa của họ, và người thầy vừa là thầy nhưng cũng vừa là
cha mẹ của họ. Mỗi khi ngôi chùa không thực hiện được chức năng tổ ấm tâm linh cho
người xuất gia và người thầy không thể hiện được vai trò làm nơi nương tựa cho
đệ tử vào buổi đầu thì tất yếu sẽ dẫn đến một hệ quả không mấy tốt đẹp.
Nghĩ thế nào khi người đệ tử rời khỏi chùa của mình mà không chút quyến luyến,
rời xa người thầy của mình mà cảm thấy vui mừng? Và không thể rằng, người
đệ tử sau khi rời xa chùa đi học đã không muốn quay trở về khi khóa học kết
thúc; cũng không thể rằng người đệ tử sống trong một ngôi chùa mà tâm hồn lúc
nào cũng cảm thấy bất an, muốn tìm đến ở một nơi khác…
Chúng ta thường nghe
nhắc nhiều đến lòng từ bi trong đạo Phật. Lòng từ bi nói một cách dễ hiểu là
tình thương, một tình thương không tính toán, một tình thương không chỉ có nói
mà còn phải thực hành. Cổ nhân thường khuyên rằng lời nói nên
đi đôi với hành động, vì chỉ nói mà không hành động thì lời nói ấy chẳng có ích
gì cả. Bảo rằng tôi thương yêu mọi người, thương tất cả mọi chúng sanh,
trong khi không thương được những người thân cận, gần gũi bên mình thì lời nói ấy thật vô nghĩa.
Tình thương, trong quan hệ giữa thầy và trò trong đạo Phật đóng một vai trò vô
cùng ý nghĩa. Người xuất gia khi rời bỏ gia đình để vào
chùa, đời sống của họ đã gửi gắm vào người thầy, ít nhất trong buổi đầu.
Người thầy như vậy đã trở thành điểm nương tựa của người đệ
tử. Nếu điểm tựa đó không vững vàng, không đủ ấm áp thì
người đệ tử sẽ bị chao đảo và có khi sẽ rơi ngã.
Ngày hôm nay, khi mà
đời sống của người xuất gia chịu sự chi phối và tác động lớn
lao
từ những điều kiện xã hội bên ngoài thì trách nhiệm của người thầy đối với đệ tử
của mình càng lớn hơn. Người thầy nên chịu khó gần gũi đệ tử, chịu khó lắng nghe,
và chịu khó giáo dục cho đệ tử có được một đời sống đạo đức căn bản trong bước
đầu trước khi gửi họ đi học ở một nơi khác. Người thầy không
chỉ hướng dẫn cho đệ tử học hai thời công phu, dăm ba bài tán… không thôi mà còn
phải hướng dẫn cho đệ tử những chuẩn mực sống cơ bản.
Người thầy không chỉ dạy đệ tử mỗi một việc “sự sư đệ nhị” là xong, mà
phải thấy rõ trách nhiệm của mình đối với đệ tử, phải thấy được sứ mệnh của một
người đi trước đối với người đi sau trong quan hệ hỗ tương truyền bá giáo pháp;
phải thấy việc hướng dẫn, đào tạo đệ tử quan trọng hơn việc xây dựng chùa to
Phật lớn, quan trọng hơn việc làm nhang, làm tương và bán đồ chay hàng tháng,
quan trọng hơn việc cúng đám cầu siêu, cầu an… Hoặc nếu không xem việc đào tạo
con người có ý nghĩa hơn những việc kia, thì ít ra cũng
nghĩ rằng nó là việc cần phải để tâm đến, đừng xem việc nhận đệ tử là để cho có
người rót trà, bưng cơm cho mình.
Nhiều vị thầy có thể bỏ
ra hàng tỉ đồng để xây dựng chùa chiền, nhưng lại không thể bỏ ra một phần trăm
trong đó để lo cho đệ tử học hành; có thể tổ chức làm từ thiện hàng tỉ đồng để
kiếm lấy những mảnh giấy “người tốt việc tốt”, nhưng đệ tử đi học phải lây lất,
hết xin tiền gia đình đến xin tiền Phật tử để trang trải cho việc học. Mọi việc
làm tất nhiên đều cần thiết và có ý nghĩa riêng của nó, tuy nhiên cũng nên biết
rằng mỗi khi việc giáo dục bị bỏ ngỏ, hay sự quan tâm đến giáo dục không được
đầu tư đúng mức thì điều đó chẳng có gì hay ho. Việc giáo dục trong Phật giáo rõ
ràng là quan trọng, nó không chỉ là việc đào tạo nên những con người có ích cho
đời mà còn hình thành nên những con người biết gìn giữ và xiển dương giáo pháp
của Đức Phật. Mỗi khi người thầy quan tâm và giáo dục đệ tử đúng mực, thì tất
yếu người đệ tử sẽ tỏ lòng tôn kính và sẽ có những hành động tích cực đối với
thầy của mình cũng như đối với đạo pháp nói chung (tất nhiên có ngoại lệ).
Tre già măng mọc. Câu
nói quen thuộc ấy nói lên sự tiếp nối tự nhiên của vạn vật trong vũ trụ. Người lớn rồi sẽ nằm xuống và trẻ nhỏ sẽ lớn lên; thầy rồi sẽ nằm
xuống và trò rồi sẽ lên làm thầy. Nhưng để cho trò khi lên làm thầy có đầy đủ những phẩm chất của một
người thầy thì ngay bây giờ họ phải được quan tâm và được giáo dục đúng mức.
Măng rồi sẽ thành tre, nhưng trở thành một cây tre cong queo, còi cọc thì giá
trị của nó có lẽ chỉ dừng lại ở chỗ làm củi, mà không có thể làm gì khác hơn!