Phát túc siêu phương

Phát túc siêu phương…

Hạnh Viên

 

Tất cả mọi con đường đều không có sẵn.

Người ta đi và tạo ra những con đường…

Thời làm điệu của một tu sĩ, nó đẹp như cái thuở bé con, thời niên thiếu của mọi người trong xã hội, và càng đẹp hơn bởi chú bé ngày ấy tuy chưa biết gì, tuy bước chân còn chập chững nhưng đã bắt đầu hướng về những phương trời cao rộng. Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hình dị tục… Nhớ về thời làm điệu của những người xuất gia, chúng ta không khỏi nhớ lại những ngày đầu tiên khi ta được hạnh phúc đắm mình trong không khí thiêng liêng trước chánh điện của một ngôi chùa nào đó, lắng lòng quỳ nghe lời kệ trầm hùng ‘Thiện tai đại trượng phu, năng liễu thế vô thường, khí tục thú nê hoàn…’, và nhìn những lọn tóc lã tã rơi xuống khi vị bổn sư đưa cạo bỏ: ‘hủy hình thủ khí tiết, cát ái từ sở thân, xuất gia hoằng Phật đạo, thệ độ nhất thiết nhân…’. Trước lý tưởng hoằng thâm và cao cả ấy ai mà không một lần bỗng cảm thấy mình cao vợi, và xúc động sâu xa khi chư tăng đồng tán thán cái quyết tâm từ bỏ tấm hình hảo tầm thường này để giữ lấy khí tiết đại trượng phu: xuất gia để hoằng truyền Phật đạo, và hoằng truyền Phật đạo rốt cùng cũng vì mục đích cứu độ quần sanh. Con người ấy, dù còn bé hay đã lớn, từ nay là một chú tiểu hay điệu, không gia đình mà thuộc về một dòng dõi khác, để bắt đầu chập chững bước chân trên một con đường khác.

Xuất gia, lìa bỏ gia đình và người thân để sống một đời cô tịch vì mục tiêu cao cả hơn, điếu ấy không phải dễ dàng quyết định. Chí nguyện thiêng liêng ấy biểu hiện tấm lòng của một người đã ngoảnh mặt trước những niềm vui hạn hẹp, những hình hảo, những mong muốn tầm thường. Có thể chú chưa ý thức được việc cạo bỏ đi mớ tóc mà thế gian lấy làm đẹp, bỏ nhà cửa gia đình để vào chùa ở, bỏ hết y phục lụa là để khoát lên mình tấm y hoại sắc hay bộ áo nâu sồng, đó chỉ mới là Sự xuất gia. Việc quan trọng hơn sau này của chú là phải cạo bỏ cho kỳ đuợc những tâm tánh hẹp hòi, cho đến xa lìa những ham muốn quẩn quanh bên tiền của, ái ân, danh vọng…

Năm tháng trôi qua. Chí nguyện ấy có thể càng thêm vững bền kiên cố bởi công phu tu trì và đạo lực, cũng có thể phai mòn dần vì hoàn cảnh xung quanh lẫn sự lơ là thiếu ý chí của bản thân mình. Như hạt giống tốt đã gieo vào lòng đất có nãy nở thành cây để đơm hoa kết quả hay không còn tùy thuộc rất nhiều điều kiện khác. Nó cần phải được chăm sóc trưởng dưỡng. Cây quý khó trồng, cỏ dại dễ mọc. Chú điệu ngày xưa rất có thể sẽ tìm về những thành phố lớn, nơi tương đối sung túc và đầy đủ tiện nghi, trong khi những nơi hẻo lánh, xa ánh sáng văn minh, nghèo cơm ăn và nghèo cả chỗ dựa tinh thần; nơi người dân trông lên trời chờ mưa đợi nắng cho hạt lúa đủ no, nhìn xuống đất tìm người thầy người bạn để dìu dắt nhau trong cuộc sống lầm than, trong sự cô đơn, thống khổ của đêm dài vô minh, những nơi ấy thường khiến chú rùng mình e ngại. Đó là một nghịch lý mà ngày nay chừng như đã trở thành bình thường. Đức Đạo sư ngày xưa đã từ cung vàng điện ngọc ra đi về nơi rừng núi, đến với người dân bần cùng xứ Ấn độ, thì chúng ta ngày nay, những đệ tử đã một lần thệ nguyện theo gót chân Ngài, lại hầu hết từ ngoài đi vào nơi đô hội, nơi những tự viện to lớn, những tổ đình qui mô? Hành động này chỉ có thể được hiểu và tạm chấp nhận trong thời gian đầu tu học để rèn luyện, trang bị cho mình một kiến thức cần thiết, và hơn hết, một tấm lòng sắt son không bao giờ lay chuyển, như một hành trang đầy đủ cho những cuộc lên đường. Bởi nó đã từng là chí nguyện của chúng ta, là niềm vui là lẽ sống của những người thượng cầu giác ngộ, hạ hóa chúng sanh.

Chuyện kể ngày xưa khi đức Phật đã hóa độ năm vị đệ tử đầu tiên, rồi đến những người tiếp theo sau, và sau nữa, làm thành đoàn thể Tăng khởi thỉ chừng vài mươi vị, Ngài liền ban cho họ lời khuyến dạy: Các người hãy ra đi, toả đi khắp nơi, đem giáo pháp cao thượng này để hoá độ chúng sanh, vì lợi lạc và hạnh phúc của số đông, vì lợi lạc và hạnh phúc của chư thiên và con người. Mỗi người đi một hướng chớ đi chung đường.[1][1] Hình ảnh dấn thân thiêng liêng đó nhắc nhỡ chú điệu ngày xưa, sau bao nhiêu năm dùi mài kinh kệ nơi chốn tòng lâm, phải tới lúc đem giáo pháp vô ngã vị tha ấy đi vào cuộc đời, dẫu có khi không phải với tên gọi cao cả là hoằng pháp, có khi không phải với nhiệm vụ, mục tiêu v.v… nào; không tất cả, mà đơn giản để sống lại những giây phút rung động đầu tiên khi chú cúi đầu thế phát trong lời kệ trầm hùng với trọn vẹn ý nghĩa của nó, và chuyển tiếp sự rung động ấy từ nay thành nhịp đập của trái tim mình.

            Đá mòn nhưng dạ không mòn,

            Tào khê nước chảy vẫn còn trơ trơ.

 



 



 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle