Tôi ngạc nhiên khi thấy
ánh mắt nghiêm nghị ngày nào của Cha, giờ đọng lại mấy dòng lệ li ti…và đó cũng
là lần đầu trong đời tôi thấy Cha khóc…
Trong cuộc sống thường nhật hay trong các tác phẩm văn học bất hủ, sự ngọt ngào
và điêu luyện nơi ngòi bút của những thi nhân luôn là nét họa sắc sảo nhất khi
miêu tả về Mẹ, chỉ vì mẹ là người luôn gần giũ và dễ gắn bó hơn cha, cha là biểu
tượng cho sự nghiêm nghị, cương trực và cứng cỏi, nhưng thật tế cả hai đấng từ
nghiêm là hai bờ vai an toàn nhất cho con trẻ nương dựa trong quá trình hình
thành nên nhân cách con người.
Hơn 40 năm, cái ngần ấy thời gian không phải là thời gian ngắn ngủi của đời
người, nhưng sao trong tâm tôi thời gian ấy tưởng chừng thoáng qua trong nháy
mắt. Năm nay, cái tết quê hương khiến lòng tôi nôn nao khi trở về quê nhà thăm
cha già sau bao năm lập thân nơi đất khách. Lần đầu trong đời tôi lại nhìn thấy
cha cười mà lại rơi nước mắt, tôi không hiểu vì sao cha lại khóc! Tôi nhìn cha
như muốn hỏi vì sao cha khóc, lúc ấy người vội vàng lau nhanh những giọt lệ còn
đọng và cười với tôi rằng: Cha thấy vui quá! trông cháu con ngày càng lớn
khôn cha mừng mà lại lo, lo vì các cháu chưa đủ khả năng nhận thức mọi vấn đề,
sợ chúng lại nghe theo bạn bè xấu mà làm điều quấy gở, gây tiếng tăm ảnh hưởng
xấu cho bản thân và cha mẹ chúng. Cha thường xem ti-vi cũng như nghe thời sự
thấy con trẻ thời nay cũng thật là khó dạy bảo. Thời nay, việc giáo dục con trẻ
còn khó khăn hơn bất cứ điều gì trong xã hội. Nghĩ lại các con ngày xưa cha vui
mà muốn khóc, vì cha chưa từng ngồi lại để dạy các con những điều các con cần,
ấy vậy mà các con đều nên người không gây phiền muộn hay tiếng xấu nào cho cha
mẹ, thấy các con vui vẻ rộn rã nói cười mà cha lại rơi nước mắt, cha thật có lỗi
với các con…
Tôi cũng bùi ngùi khi nghe cha thổ lộ tâm trạng của mình khi tuổi đã ngoài thất
thập tuần. Thú thật, khi còn thơ ấu tôi luôn quấn quýt bên cha, chỉ vì cha hay
cho tiền tôi mua quà vặt. Nay cha không thể nào có tiền để cho tôi như
ngày tôi còn thơ, vì tuổi đã già nua, không còn là người có thể kiếm ra tiền,
lời nói của người cũng trở nên chậm hơn, trí não cũng không còn minh mẫn, tay
chân không còn nhanh nhẹn… nhưng lại thích nghe con cháu hàn huyên, mặc dù chúng
tôi hàn huyên những điều mà có lẽ cha không hiểu chúng tôi đang nói gì. Những
lúc ấy, nhìn ánh mắt ngây ngô của cha, nhìn sự già nua, lẩm cẩm ấy tôi như bắt
đầu sợ thời gian, thời gian rồi sẽ mang cha đi vĩnh viễn. Không nói bằng lời,
nhưng ánh mắt của cha đã cho tôi thấy, cha tự hào, hãnh diện, vui vẻ, hạnh phúc
bên cạnh tiếng cười nói rộn rã của cháu con. Tôi nghĩ, có lẽ cha vui lắm, vui vì
chúng tôi đã thành người, vui vì các cháu của cha đều đã bước vào cổng trường
đại học… Không hiểu cha nghĩ gì, nhưng lúc ấy cha đi đến bàn thờ gia tiên thắp
mấy nén hương lên bàn thờ, khấn vái điều gì đó tôi không nghe rõ chỉ đoán biết
là cha đang hướng đến tổ tiên cầu nguyện cho chị em chúng tôi trọn năm được may
mắn bình an và sức khỏe.
Tết đến, quê nhà trở nên rộn ràng với tiếng cười nói nô đùa của cháu con, nhưng
sau mấy ngày xuân trôi qua, khung cảnh cô tịch, vắng vẻ lại bao phủ căn nhà, chỉ
lưu lại hai bóng già thui thủi đơn lẻ khi trái nắng trở trời. Chúng tôi chẳng
khác gì những chú chim đã đủ lông cánh bay đi đến phương trời mới, gây dựng tổ
ấm mới, thậm chí có người đã sống xa cha mẹ già mấy vạn dặm mà không thể thường
về thăm…vẫn biết thế, nhưng hễ nghe động tịnh tiếng bước chân ai ở đầu ngõ, hai
bóng già cứ ngỡ con cháu của mình từ phương xa trở về.
Hôm nay, tôi lại được thưởng thức cái hương vị mùa xuân nơi quê nhà, cùng ngồi
lại với cha mẹ bên cái bàn ăn đơn sơ nhưng lại đầm ấm tình phụ tử. Miệt mài cho
con đường và ước mơ tôi đã chọn, có lúc tôi quên đi hẳn tôi đã vắng bóng bao
nhiêu mùa xuân nơi chôn nhau cắt rốn của mình rồi. Dăm ba đứa bạn ngày xưa nhìn
tôi như trách móc “tôi là kẻ quên quê hương, quên làng mạc, quên cả phố phường…”
nhưng có ai hiểu rằng “tôi yêu quê hương như máu thịt của mình” vì nơi ấy còn có
cha mẹ già và cả những kỷ niệm của tuổi ấu thơ. Sau bao năm làm khách xứ người,
tôi lại về quê xưa, nếm cái vị se lạnh của thời tiết xuân nơi miền Trung bộ,
nhìn những nhánh phượng đơn sơ nơi cổng nhà, nhìn hàng dâm bụt đỏ hoe bên hàng
dậu, ăn chiếc bánh tét do bàn tay mẹ gói thật ấm lòng và lâng lâng một nỗi niềm
xao xuyến khó tả! Lần này về thăm cha mẹ già, tâm trạng tôi không giống như bao
lần, cái cảm giác có gì đó lo sợ đã bắt đầu len lõi trong tim tôi…Vẫn biết, cuộc
sống không có gì gọi là vĩnh cửu, hơn nữa là kẻ học Phật, tôi ít nhiều cũng hiểu
rằng “tất cả sự tồn tại nào cũng có ngày phân ly, sự hội ngộ hôm nay là nhân
chứng cho ngày ly biệt cập kề, tất cả các pháp vận hành lưu chuyển trong sự sanh
diệt diệt sanh. Tính tương tục của vạn sự vạn vật được nhà Phật mô tả như là
nhân duyên tan hợp hợp tan, bao gồm cả những người cùng huyết thống”. Biết vậy,
nhưng sao lòng vẫn cứ trĩu nặng khi thấy cha ngày càng yếu đi, người lại thường
quyến luyến con cái, nhất là lúc tôi nói: con sắp trở lại trường rồi cha à! Lúc
ấy, trong lòng người không biết đang nghĩ gì, mà cứ nhìn tôi, rồi lại hỏi bao
giờ con mới kết thúc khóa học? tôi chỉ cười và nói học thì có kết thúc đâu? Chỉ
có điều không đủ kinh tế và sức khỏe để mà học thôi! nói xong, tôi lại vỗ nhẹ
vào đôi vai gầy guộc của cha mà nói rằng: hay cha sợ khi chết không gặp được
con? vậy thì cha phải nguyện cầu đi, khấn cầu xin Phật Tổ chiếu cố để trước khi
nhắm mắt lìa đời con cháu đầy đủ bên cạnh, chứ không có gì phải lo lắng đâu cha!
Lúc này, cha chỉ cười và nói, chắc Phật Tổ không chiếu cố đến cha đâu, vì ngày
xưa đánh bạc, chơi bời quá xá mà! nếu Phật tổ mà chiếu cố đến cha thì nhiều
người cho là Phật Tổ không công bằng…Tôi ha lên một tiếng thật lớn, hóa ra là
hôm nay tự miệng cha đã nói lên cái lỗi của mình đó nhen! Vậy thì cha đã biết
được lý nhân quả rồi. Bước chân của mẹ đến gần và thêm vào mấy lời “Phật nào mà
chứng cho Ông nỗi, chỉ có tôi mới là người có quyền tha thứ hay khoan hồng cho
ông mà thôi!”
Mẹ lại bước vào bếp, tôi thỏ thẻ bên tai cha, vậy là mẹ đã chịu bỏ qua cho cha
tất cả những lỗi lầm ngày trước rồi, giờ chỉ cần cha vui vẻ sống mạnh khỏe, đi
chùa, niệm Phật, làm những chuyện nho nhỏ cho bản thân, cũng là tự dọn cho mình
con đường sạch sẽ để ngày về với thế giới bên kia, hương hồn sẽ được thanh thản.
Cha lại nói tiếp, con không biết đấy chứ, ngày trước mặc dù có ăn chơi hơi quá
đà, nhưng cha chưa bao giờ làm buồn lòng ai, rộng tay giúp đỡ bạn bè khi họ ngặt
nghèo, luôn chia xẻ những khó khăn của mọi người, chỉ có điều ham chơi nên có
lỗi với mẹ, vậy chắc Phật Tổ cũng không đến nỗi bỏ rơi cha đâu con hả?
Tôi nhìn cha trong ánh mắt thương yêu, lẽ nào cha lại hướng đến chúng tôi để sám
hối, mà sám hối điều gì? Có chăng là có lỗi với mẹ. Tôi từng nghe mẹ kể, lúc mới
kết hôn, cha đi lính và mãi mê với bạn bè bên ngoài mà phó thác mọi gánh nặng
trong gia đình chồng lên đôi vai mẹ, ấy vậy mà cha không hề quan tâm hay chia xẻ
với mẹ, nghĩ lại tuổi xuân của mẹ thật bất hạnh… tôi không biết cha đã vô tình
hay vì thú vui bên ngoài đã cuốn hút làm ông trở nên vô tình với mẹ, để mẹ phải
đảm đương trăm bề trong cái gia đình quá ư là “gia trưởng”.
Những lời nói của cha, tôi xem như là chuyện tâm sự, có lẽ cha cũng muốn chúng
tôi biết là mẹ đã có công lao rất lớn với chúng tôi, mẹ đã cho chúng tôi một
thân phận hoàn hảo. Đến đây tôi liền nghĩ, con người ta, dù cho có dọc ngang
trời đất, nhưng khi tuổi đã về chiều họ đều biết ăn năn hối cải, biết sợ cái
điều mình đã gây ra, dù lúc còn trai trẻ, vì sự háo thắng nào đó, đã khiến họ
bước vào những đam mê bất thiện, hay vì những đam mê đỏ đen đã đẩy cuộc sống họ
vào những sai lầm khó tránh, sa vào những thú vui vô bổ… nhưng hãy tin rằng
“trong bất kỳ con người nào cũng có tố chất của thiện lương đã tiềm ẩn, khi họ
hối hận hay ăn năn đó là lúc yếu tố thiện đã đủ mạnh để sanh sôi nãy nở”. Do
vậy, làm con người chúng ta đừng quá khắc khe với những người đã phạm sai lầm,
cũng đừng nên vì quá khứ đau buồn mà suốt đời chỉ biết ôm nỗi oán hận. Hãy khoan
dung và tha thứ cho những ai đã có lỗi với mình, hãy xả bỏ những đau buồn không
đáng nhớ, vì chỉ có khoan dung và tha thứ thì giữa con người và con người mới
trở nên hiểu và yêu thương hơn. Cũng là lúc chúng ta cho họ cơ hội bày tỏ những
việc làm sai trái, nó được xem như một lời sám hối, dù họ là bề trên, bao gồm
bất kỳ ai mà có sự liên hệ huyết thống hay các mối quan hệ bên ngoài xã hội.
Sống tha thứ là một phương thức sống mang đậm tính nhân văn, và rộng hơn là sống
có lòng từ, sống hỷ xả, từ đó tạo nên chúng ta một nhân cách hoàn thiện trong
mọi mối quan hệ trong gia đình và ngoài xã hội.
Giọt nước mắt của cha đã lay động lòng từ trong tôi, thúc giục tim tôi hướng đến
thái độ không bảo thủ, học cách khoan dung và tha thứ. Chúng ta hãy nhân rộng
tình yêu của mình bằng phép tính khoan dung, và cũng nên ngẫm suy tính nhân quả
trong hầu hết kinh Phật đã dạy. Nếu có sự phủ phàng, hay thiếu trách nhiệm nào
đó của ai đối với chúng ta hôm nay, âu cũng là cái nghiệp duyên nhiều đời ta
từng mắc nợ họ trong nhiều kiếp quá khứ, và để bài toán này có một đáp số hữu
ích cho cả hai, chúng ta nên dùng phương pháp khoan dung, tha thứ và cộng thêm
lòng từ vào phương trình đó, ắt hẳn sẽ cho ra đáp số mỹ mãn mà ta mong muốn.
Giọt nước mắt của cha, sẽ khiến người thanh thản và cũng là lúc người muốn quy
hướng đến tâm linh, tìm cho mình sự thanh thản bình yên bên con cháu, sự quy
hướng này giúp cha nhẹ nhàng trong cái định lý vô thường luôn ngày một gần kề.
Fujian ngày 8 tháng 3 năm 2012
Lam yên
Phapluan.vn