Quê tôi mùa đổ ải

Tác giả: Nguyễn Thúy Hạnh

Đứng dưới gốc đa quen thuộc để đón xe trở lại nơi phố phường nhộn nhạo, trong lòng tôi dâng lên nỗi xốn xang trước một cánh đồng chiều quê trắng xóa mênh mang. Xa xa những bờ ruộng còn ngai ngái nằng nặng mùi cỏ xanh. Tôi biết rằng chỉ ngày mai thôi, tôi sẽ lại nhớ lắm những chiều quê.

Buổi sáng đầu tháng Hai trời vẫn còn se lạnh, mẹ gọi điện bảo rằng "ngày mai quê mình lại đổ ải đợt hai rồi đó, con có thu xếp công việc để về xem được không". Tôi sướng rơn và chỉ muốn hét lên rằng chính mẹ đã là người hiểu con nhất.

Mùa đổ ải! Không biết vì sao tôi lại thích nó như vậy nữa. Gọi là mùa cho hay chứ thực ra nó chỉ có mấy ngày thôi. Thường từ một tuần đến mười ngày. Những đứa trẻ không lớn lên ở những vùng quê thường không biết đến mùa này. Xa quê ra sống ở thành phố,  có năm do bận bịu không được về quê trong những ngày này, tôi luôn cảm thấy tiếc hùi hụi đến khó chịu.

Đổ ải chỉ là việc làm sau khi đã cày vỡ ruộng ra thì người ta dẫn nước vào ruộng để đất bở ra sau đó mới tiến hành cấy. Chỉ có thế thôi mà sao yêu và thích nó đến vậy? Nói thì nói thế thôi, ai muốn biết thì cứ về quê trong những ngày này mà xem. Thật là thích khi đi trong cái mùa lạnh, bên những ruộng lấp lánh mặt nước này biết mấy. Chẳng hiểu tự khi nào tôi lại cứ thích đi trong bình yên, gió lạnh và sương giăng tê tái giữa cánh đồng mênh mang của những ngày thừa gió và thiếu nắng thế này. Trước khi ra đồng, đã hình dung ra cảnh mình sẽ được đứng thế này, đi thế kia và nhảy chân sáo từ ruộng này qua ruộng khác cũng đủ để thấy vui. Này nhé, hãy nhìn xem. Những thửa ruộng mấp mô, có ruộng thì còn trơ những gốc rạ còn sót lại của vụ đông, có ruộng thì lóng lánh mặt nước. Biết nói gì đây ngoài câu: "Quê hương ơi, ta yêu mi biết mấy".

 

Những ngày giáp Tết vừa rồi, rét đậm rét hại triền miên, đi về phía đông chẳng thể nhìn thấy được mặt trời đã làm cho mùa màng năm nay loạn xị cả lên. Lẽ ra giờ này cây mạ đã phải ngồi ấm chỗ rồi, nhưng vì trời lạnh nên mọi việc đều phải chậm lại. Trên cánh đồng quê, tất cả những thửa ruộng vẫn còn đang chờ cấy. Vẫn nhớ lắm cái thửa ruộng có cây găng này, vẫn cái góc này năm trước tôi đã chụp được những bức ảnh tuyệt đẹp. Những tảng đất được cày lật lên như những viên gạch thô được xếp nghiêng mà thẳng tắp, đến là đẹp mắt. Giữa ruộng vẫn còn những lụn rơm nhỏ chỉ chờ nước vào là ruỗng mục.

Hồi còn nhỏ, vào những ngày này khi đi học về, bọn trẻ con chúng tôi lại sà xuống ruộng chơi đuổi nhau, bẻ từng nắm đất ném nhau bẩn hết áo nhau. Thỉnh thoảng có những con muồm muỗm từ đâu bay về đậu trên tảng đất, hình như nó nhớ lắm cái hương vị của mùa lúa chín vừa qua, nên đã bay về nơi mảnh ruộng cũ như muốn tìm kiếm hương vị xưa để lại được hít hít hà hà. Thích biết bao khi được đứng vào giữa ruộng đang phơi ải để đón từng cơn gió.

Nước về, người lớn vui mà trẻ con cũng vui. Trẻ con vui vì được đùa nghịch thỏa thích, được ghé chân vào miệng chiếc máy bơm đang kêu xình xịch. Người lớn vui vì từ đây lại bắt đầu một mùa vụ mới. Hy vọng một mùa bội thu để không còn phải lo chạy vạy từng miếng ăn qua tháng Ba ngày Tám giáp hạt. Nếu làm tốt những ngày này, vài ngày nữa thôi là lúa có thể ngồi. Rồi lúa sẽ tốt bời bời luôn, nếu chăm sóc tốt lúa không bị sâu bệnh vụ xuân này chắc chắn năm nay sẽ được mùa to.

"Chụp cho chú kiểu ảnh ở chỗ này đi con". Câu nói của người đàn ông lạ cắt ngang mạch suy nghĩ của tôi và tôi bấm máy. "Nghe và cảm nhận đi con, không phải ngày nào cũng được nghe những âm thanh như thế này đâu". Người đàn ông lạ nói chỉ đủ cho tôi nghe câu ấy, rồi lặng lẽ bước sang thửa ruộng khác. Tôi đứng đó, cố lắng nghe xem đó là những âm thanh gì? Thì ra, đó là tiếng "ùng ục" của đất khô gặp nước, từng tảng đất vỡ vụn ra và tan nhuyễn khi nước tràn vào. Ngày bé, cứ thấy nước về là thích thôi chứ có biết vì sao phải đổ ải đâu? Trẻ con có đứa nào mà không thích nghịch nước nhỉ?  Bây giờ lớn lên, đi xa hơn một chút, học nhiều thêm một chút mới hiểu được rằng đổ ải chính là người ta thay đổi môi trường sống của vi khuẩn để cho đất đai thêm tơi xốp, màu mỡ hơn. Một chú cua đồng lóp ngóp bò lên chân tôi làm cho tôi có cảm giác buồn buồn.

Nhớ những năm xưa, mùa đổ ải nào mẹ cũng bắt những con cua đồng về nấu. Cua mùa đổ ải béo trục béo tròn, con nào cũng vàng ươm, nhìn đến ngon mắt. Mẹ bắt những con cua đem về rửa sạch, xé càng và cho vào cối giã nhỏ, lọc lấy nước. Thật thích khi đứng xem mẹ phi hành và cà chua để chưng gạch cua. Mẹ hỏi: "đã thấy thơm chưa con gái"? Tôi đưa mắt tinh nghịch về phía bố: "Mẹ nhìn xem, nức mũi bố rồi kìa".

Chẳng mấy chốc nước trắng băng cả cánh đồng, đâu đâu cũng nước. Thế tức là đổ ải đã xong. Mẹ ơi! Đổ ải xong thì bây giờ phải làm gì nhỉ? Đổ ải xong thì phải đổi công con gái à. Khắp xóm dưới làng trên, giả trẻ gái trai cùng nhau ra đồng. Khắp đồng quê râm ran tiếng cười, tiếng nói. Tiếng máy lồng xình xịch cả ngày, tiếng "cạc cạc" của vịt đàn ùa về nhặt từng con giun con dế. Đâu đó có tiếng người nào đó vì lạnh quá nên thỉnh thoảng lại xuýt xoa...Lạy Trời! Xin người đừng mưa nữa, mong người cho nắng ấm để vài ngày nữa khi đưa cây mạ xuống ruộng, mạ sẽ xỏ chân bén rễ nhanh. Ba tháng trồng cây, chờ đợi ngày gặt quả. Mẹ ơi, mong mẹ hiểu cho con lòng thành.

Đứng dưới gốc đa quen thuộc để đón xe trở lại nơi phố phường nhộn nhạo, trong lòng tôi dâng lên nỗi xốn xang trước một cánh đồng chiều quê trắng xóa mênh mang. Xa xa những bờ ruộng còn ngai ngái nằng nặng mùi cỏ xanh. Tôi biết rằng chỉ ngày mai thôi, tôi sẽ lại nhớ lắm những chiều quê.

tuanvietnamnet

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác