THÍCH
PHƯỚC AN
Cách
làng quê tôi chừng năm cây số có một ngôi chùa dù có tên chính thức là chùa Linh
Phong, nhưng người dân sống quanh vùng núi này từ bao đời nay vẫn thường quen
gọi là chùa ông Núi. Hồi còn là chú tiểu ở vùng
quê này, hễ cứ mỗi lần Tết hoặc cái ngày kỵ tổ thì thầy tôi vẫn thường dẫn tôi
đi theo. Vì chùa nằm tận trên đỉnh
núi, từ chân núi lên đến chùa đi bộ phải mất chừng nửa tiếng.
Với cái nhìn của tuổi thơ thì đường lên núi chừng ấy giờ quả
thật là đường quá dài và núi quá cao. Nhưng nếu đến
chùa vào những ngày cuối năm thì thấy chùa lại càng cao hơn nữa.
Vì vào những ngày cuối đông ấy chùa lúc nào gần như cũng bao phủ bởi mây trắng
và sương mù. Cái hình ảnh ngôi chùa và những tháp cổ
chìm ngập trong khói sương và mây trắng từ những ngày còn thơ ấy lúc nào cũng
đậm đà trong ký ức xa xôi của tôi. Bởi vậy, khi lớn lên, mỗi lần đọc được
bài thơ nào có nhắc đến chùa và mây trắng thì bài thơ ấy tất nhiên đối với tôi
phải là bài thơ hay nhất.
Nhưng
bây giờ, thỉnh thoảng có những lúc tâm thức hoang mang tôi đâm ra nghi ngờ và
băn khoăn tự hỏi, liệu cái hình ảnh đầy thi ca ấy, cái hình ảnh một nhà sư sống
trên núi cao trong một thảo am mà một nửa thì cho những đám mây trời, còn một
nửa nữa thì để cho nhà sư, như một bài thơ của một nhà thơ Trung Quốc nào đó đã
mô tả, hay Nguyễn Du của Việt Nam cũng có hai câu tương tự như vậy.
Cổ tự
vô danh nan vấn tấn
Bạch
vân thâm xứ ngọa sơn tăng
(Chùa
cổ không có tên, khó hỏi thăm
Trong
tầng núi cao đầy mây trắng che, có nhà sư đang nằm ngủ)
Chỉ
có một hình ảnh mơ mộng hảo huyền của những kẻ đa sầu đa cảm, một hình ảnh đã
hoàn toàn lạc điệu giữa một xã hội quá thực dụng như xã hội hiện nay chăng?
Những lúc mà tâm hồn bị xao động như vậy, thì lập tức tôi lại viện dẫn đến hai
câu thơ khác cũng của Nguyễn Du:
Tri
giao quái ngã sầu đa mộng
Thiên
hạ hà nhân bất mộng trung
(Những người bạn thân tình quen biết đều chê trách tôi sao hay sầu, hay mộng
Tuy
nhiên, có ai trong cõi người ta mà không ở trong mộng?)
Như
vậy là tôi tự lý luận rằng, tiền tài, danh vọng, quyền hành, địa vị và sắc dục,
tức là những thứ mà người có đầu óc thực dụng phải tốn biết bao công sức để đạt
cho kỳ được, chắc chắn một ngày nào đó không xa cũng phải tan tành theo mây
khói. Đã biết như vậy mà vẫn cố bám víu giữ lấy một cách tuyệt vọng thì
không gọi là kẻ đang ở trong mộng thì còn gọi là gì nữa chứ? Còn hạng
người thứ hai biết cuộc đời là mộng, nên họ cố đưa tâm hồn mình vươn lên khỏi
những phiền toái của cuộc sống hàng ngày bằng cách nói theo
D.T. Suzuki:
"Quả
thực, đó há không phải là cái mà người ta có thể tìm kiếm trong thế giới cạnh
tranh và hư ngụy này. Một góc phòng, dù nhỏ nhoi, mà nơi đó
người ta có thể vượt lên những giới hạn của tương đối để có một thoáng nhìn vào
vĩnh cửu sao?"
(Thiền Luận quyển hạ - Tuệ Sỹ dịch)
Ông
Núi thuộc vào mẫu người trên, nghĩa là một mẫu người từ trong hữu hạn cố vươn
lên để bước vào cánh cửa của vô hạn. Nhưng vì sao gọi là chùa Ông Núi? Theo Quách Tấn, trong Nước
Non Bình Định thì:
“Người địa phương gọi là Ông Núi, vì thấy nhà sư ở tu trên núi suốt năm.
Truyền rằng, ông Núi dùng vỏ cây làm y phục, và ít khi xuống đồng bằng.
Thỉnh thoảng cần lương thực thì gánh một gánh củi xuống chân núi để nơi ngã ba
đường rồi trở lên. Người quanh vùng đem muối gạo đến để
đó rồi gánh củi về dùng.
Hôm sau nhà sư đến nhận muối gạo, nhiều ít không biết, mất còn
không bận. Nhưng những khi trong hạt có bệnh dịch, thì tự nhiên nhà sư đem
thuốc xuống núi cứu chữa. Chữa xong đi ngay, một cái
vái chào cũng không nhận.
Nhưng
rồi một hôm, những người đốn củi, những đứa trẻ chăn trâu lên núi nhìn vào hang
đá nơi ông Núi tu Thiền, thì không thấy ông nữa.
Tương truyền rằng, ông Núi vì cảnh lầm than của nhân dân trước sự chuyên quyền
của nịnh thần Trương Phúc Loan mà bất lực không làm gì được để chia xẻ bớt cảnh
lầm than cơ cực ấy của dân, nên đành phải đau lòng mà bỏ ra đi."
Năm
1885, Đào Tấn đang làm Thượng Thư Bộ Công cho triều đình Huế thì đột ngột từ
quan về quê lên chùa Ông Núi tu Thiền gần cả năm.
Đào Tấn tự nhận mình là Tiểu Linh Phong Mai Tăng. Trong thời gian ẩn tu ở đây
Đào Tấn có để lại bài thơ được khắc trên một tảng đá hiện vẫn còn, bài thơ ấy
như thế này:
Bách
bát chung thinh khước thọ diên
Ngưu
tùy ngâm tuyết khấu đàn Thiền
Thập
niên hồ hải quy lai mộng
Nhất
cảnh yên hà tự tại Thiên
Giai
sĩ từ bi ninh thị Phật
Sơn
ông danh tự bán nghi tiên
Thanh
tuyền tế ẩm chân tri sự
Bất
phụ nhân gian phất diễm truyền
Đặng
Quý Dịch, một nhà sưu tầm và nghiên cứu Đào Tấn ở Bình Định, đã dịch ý bài thơ
ấy như thế này:
Một
trăm lẻ tám tiếng chuông của hồi chuông Bát Nhã lướt nhanh trên đám cây
Ta
chợt hứng, vừa ngâm thơ bạch tuyết vừa
theo hướng tiếng chuông phát ra mà đến làm lễ trước
thạch đàn của Thiền Sư
Ta
mười năm lăn lóc trong chốn hồ biển thường ước mơ được
trở về với cảnh điền viên
Nay
đứng trước cảnh khói sớm ráng chiều ngỡ rằng trời dành riêng cõi này cho lòng ta
tự tại
Ta là
kẻ sĩ hiền lành, thì nết na
cũng như tánh Phật
Còn
Thiền Sư tên gọi là ông Núi khiến lòng ta ngỡ là Tiên
Ta
uống từng ngụm nhỏ nước trong lành ở con suối này mà ngẫm biết sự thật về cuộc
đời của bậc Thiền Sư
Vì
Thiền Sư đã không phụ với người đời nên hương thơm vẫn
được truyền khắp từ xưa đến nay.
Sau
đó không lâu, Đào Tấn lại bị triệu ra Huế làm quan trở lại. Dù sống trong cảnh vinh hiển
giữa chốn triều đình nhưng mỗi lần cúi xuống nhìn lại chính mình thì Đào Tấn vẫn
xem đó như là thứ bụi đường bẩn đang bám vào chiếc áo phong trần của ông mà
thôi, và lúc nào cũng mong ước quay về lại ngôi Chùa xưa, nơi mà dường như một
lần Đào Tấn đã thoáng thấy được cánh cửa huyền vi của đạo Thiền:
Vi tiếu
lậu Thiền cơ
Phong
trần phong mãn y
Linh
Phong tam thập tải
Vị
kiến thử Tăng quy
(Miệng mỉm cười như để lộ lẽ huyền vi trong đạo Thiền
Mà
gió bụi đã bám đầy áo
Chùa
Linh Phong đã ba chục năm nay
Chưa
thấy lão Tăng này trở về)
(Mai
Tăng Tiểu Chiếu)
Sau
Đào Tấn gần một thế kỷ là Quách Tấn, người mà Phạm Công Thiện đã gọi là: "Một
Phật Tử trọn vẹn, đã thu
tóm tắt cả những thơ mộng của Phật Giáo vào trong cuộc đời trầm lặng của mình.
Quách Tấn đã đi ngược lại tất cả phong trào thời thượng” Quách Tấn đến chùa Ông
Núi vào một buổi chiều mùa hè, đến để tìm lại cho được cái hang đá mà ông Núi đã
từng tham Thiền nhập định, nhưng “hang bỏ vắng đã lâu đời đường vào hang gai
lấp, cửa vào hang mây phong". Chẳng tìm thấy vết tích của Ông Núi đâu hết, chỉ
còn lại cái tháp vọng Ông Núi đứng trơ vơ trong nắng
chiều:
Có
chăng? Chăng mất: người trong tháp
Có đó
mà không: khói ẩn cây
(Nước
Non Bình Định)
Bởi
vậy, nên thi nhân chỉ biết:
Đành
gởi nhớ thương trong ký ức
Nghìn
sau khói nhạt mối tình xưa
(Nước
Non Bình Định)
Dù
không tìm thấy dấu chân của Ông Núi đâu hết, nhưng Quách Tấn đã tìm thấy được
một buổi chiều, một buổi chiều mà Quách Tấn đã ghi lại bằng những câu rất đơn
giản, nhưng sau những câu đơn giản đó, ta có cảm tưởng như có một màu xanh vĩnh
cửu đã chớm dậy trong hồn thi nhân:
"Người đến viếng chùa, lòng không rửa mà trong, thân không cánh mà nhẹ. Ngồi tựa bóng cây đón mát, tưởng chừng mình
đã xa hẳn cõi trần tục:
Gió thu hồn mộng thiu thiu
Chuông chùa rơi rụng bóng chiều đầy non.
Nếu
không có tiếng chuông lay mộng, thì mộng còn mãi trong bóng mây ráng..”.
(Nước
Non Bình Định)
Đọc
mấy dòng đơn giản trên, tôi chợt nhớ có một người yêu thơ Quách Tấn đã nhận xét:
"Người thơ chỉ sống trong một thoáng cũng bằng kẻ phàm trần sống một đời dài khi
lòng mất đi cái bản chất thanh tịnh của thiên nhiên..”.
(Trích Hương Thơ Quách Tấn)
Đúng
là dù ta có sống đến một vạn buổi chiều đi nữa cũng không bằng Quách Tấn đã sống
trong một buổi chiều trên chùa Ông Núi cách đây hơn nửa thế kỷ. Ông Núi như vậy có lẽ cũng giống như bao
nhiêu bậc hiền nhân vô danh khác đã đến và đi trên cuộc đời này như con nhạn bay
qua giữa bầu trời trong xanh (Nhạn quá trường không) mà không hề lưu lại vết
tích. Mặc dù vậy, trên đường đến cũng như lúc viếng chùa trở về, Quách Tấn dường
như lắng nghe được bước chân của Ông Núi gánh củi xuống núi qua tấm lòng nhớ
thương của bao thế hệ người dân đã sanh ra và lớn lên ở vùng núi này đối với
ngôi chùa cũng như đối với Ông Núi:
"Dọc
đường khi đi cũng như khi về, thường nghe các em mục đồng, các chàng ngư phủ,
với một giọng hát thật thà hồn hậu. Hát
những bài hát về chùa Ông Núi, khi thì thánh thoát như:
Cây
che đá chất chập chùng
Biển
giăng đầu núi chùa lồng trong mây
Bụi
đời không gợn mảy may
Chút
thân rộng tháng ngày dài thảnh thơi
Khi
ngậm ngùi chứa nỗi u hoài như:
"Ông
Núi đi đâu
Bỏ
bầu sơn thủy
Đủ
nhân đủ trí
Thêm
vĩ thêm kỳ
Chùa
xưa nhạt bóng tà huy
Xui
lòng non nước nặng vì nước non”
(Nước
Non Bình Định)
Sự
phát triển và tiến bộ của thế giới công nghiệp hiện đại đã đưa con người đối mặt
với sự nghèo đói khác còn nguy hiểm hơn cả sự nghèo đói về vật chất nữa.
Đó là sự nghèo đói về tinh thần.
Giáo sư Lê Triều Phương, hiện đang sống và làm việc tại Đức một nước công nghiệp
hàng đầu của thế giới hiện nay đã viết rằng:
“Trong thế giới công nghiệp, người ta thường nghe nói đến ý tưởng “tiến về quá
khứ" Tại sao không “quay lui về quá khứ, mà lại "tiến về quá khứ"? Tại sao bao nhiêu thế hệ
thanh niên các nước công nghiệp khi trưởng thành, đều nhận thức rằng, mình đã
dầm người đến độ chán chường trong đời sống máy móc ào ạt, ồn ào, tiêu thụ và bị
bắt buộc phải tiêu thụ dù mình muốn hay không. Họ thấy mình bị đánh mất và bị
cướp mất sự thanh tịnh và tự tại của quá khứ và cố gắng đi tìm chúng trở lại...”
(Trích Hương Thơ Quách Tấn ) .
Điều
giáo sư Lê Triều Phương nói đúng như nhan đề của một quyển sách viết bằng tiếng
Anh mà tôi đã ngẫu nhiên vừa mới đọc được là Hunger in the time of plenty. Bởi thế,
những ngôi chùa tiêu biểu như chùa Ông Núi chẳng hạn thì ngày nay dường như đã
không còn nữa.
Hay nói đúng hơn là bốn vách tường của chùa thì vẫn đứng đó
nhưng “cái hồn” của những ngôi chùa xưa này thì đã mất rồi.
Quách
Tấn băn khoăn đi tìm "cái hồn” của những ngôi chùa đã mất ấy.
Có ai
ngờ được rằng, giữa một thành phố Nha Trang tân tiến và hiện đại, giữa dòng
“ngựa xe như nước áo quần như niêm” này, có một buổi chiều Quách Tấn đã một mình
ngơ ngác đi tìm “cái hồn” của những ngôi chùa ấy:
Đi
ngang qua đường Hai Chùa
Nhìn
cây me cỗi, lòng chua xót lòng!
Hai
Chùa xưa đứng song song
Đường
Hai Chùa đó sao không thấy chùa
(Xứ
Trầm Hương)
Hoặc
có khi trong 'những đêm buồn tỉnh giấc, Quách Tấn bàng hoàng nhợt hỏi:
Chùa
đâu? Chuông trở lạnh!
(Giọt
Trăng)
Nỗi
ngậm ngùi này dường như cứ đeo đuổi mãi trong suốt toàn bộ những tác phẩm của
Quách Tấn.
Trong
một chuyến về thăm quê mới đây, tôi có lên thăm lại chùa Ông Núi. Buổi chiều trên núi vắng vẻ,
tôi đứng lại nhìn cổng Tam Quan, vẫn như thuở nào, nghĩa là vẫn con đường đất
nhỏ dẫn vào chùa, vẫn mấy cây đa già đứng đó như không hề biết rằng đã có biết
bao lớp người đến rồi ra đi không bao giờ trở lại để cùng với chúng lắng nghe
niềm tịch mịch của những buổi chiều heo hút ở đây. Tôi đi lên
phía Tây của chùa, lội qua con suối nhỏ. Con suối mà tôi tin chắc rằng
hồi xưa thế nào khi đốn củi hoặc ngồi Thiền xong, Ông Núi cũng ra đây rồi ngồi
trên những hòn đá nhỏ này để nghỉ mệt. Qua khỏi con suối nhỏ, tôi leo lên một tảng đá lớn, hòn đá mà lần viếng chùa cách đây
hơn nửa thế kỷ Quách Tấn thế nào cũng đã ngồi để nhìn về phía trước mặt như một
câu thơ của Trần Nhân Tông:
Bán
vô bán hữu tịch dương biên
(Bên
bóng chiều (cảnh vật) nửa như có nửa như không)
“...Lẫn trong màu sắc của đồng ruộng mênh mông, từng chùm từng khoảnh nổi lên
màu lục đậm của cây, màu xam xám hoặc đo đỏ của chợ quán, nhà cửa, chùa chiền..
ẩn
hiện dưới bóng mây làn khói".
(Nước
Non Bình Định)
Ngồi
trên tảng đá rồi nhìn buổi chiều đang xuống chậm trên núi rừng u tịch, lòng tôi
bỗng chợt u hoài nhớ về những năm cuối đời nhiều phong ba bão táp của Quách Tấn.
Nhưng chừng như càng bão táp bao nhiêu, thì tâm hồn của ông càng hướng về chùa
chiền bấy nhiêu, dù chùa chiền lúc ấy (sau 1975) cũng đầy bất an chẳng khác gì
cuộc đời của thi nhân:
Nhớ
chùa lòng muốn lên thăm
Sườn
non đã dốc lại nhiều đá dăm
Lắng
tai nghe tiếng chuông chiều
Mặt
hồ gợn sóng mây điều bay qua
(Vô
Tư)
Lúc
đó anh Tuệ Sỹ vẫn còn ở tại chùa Hải Đức trên đồi Trại Thủy của thành phố Nha
Trang. Tôi nhớ thỉnh thoảng vào buổi chiều tôi và
anh thường xuống nhà thăm Quách Tấn. Những lần viếng thăm như vậy, đã
an ủi tâm hồn Quách Tấn rất nhiều:
Bạn
thơ rày chẳng còn ai
Tới
lui trò chuyện chỉ vài nhà Sư
Chung
trà hớp ngụm vô tư
Chia
tay nhìn bóng thanh hư gởi lòng
Khi
tiễn chúng tôi về chùa rồi thì Quách Tấn ngồi một mình nhìn đôi chim én đùa giỡn
với đám mây trắng trên bầu trời cao trước hiên nhà:
Gặp
nhau nửa buổi chuyện trò
Người
về am vắng gió ngàn thơm tho
Một
mình ngồi tựa lan can
Nhìn
đôi chim én cặp làn mây bay
(Một
Mình)
Có
trải qua những năm tháng sau 1975 thì mới thấy thấm thía những từ như “vô tư",
"thanh hư" hay “nhìn đôi chim én cặp làn mây bay” trong hai bài thơ trên. Chúng
nói lên hết tất cả tâm trạng của một người đang ngụp lặn giữa một xã hội bưng
bít và hận thù nhưng lúc nào cũng khao khát vươn lên với bầu trời cao rộng.
Quách Tấn có hai người bạn (vong niên), cả hai cùng ở chùa Hải Đức Nha Trang, và
cả hai đều là những tên tuổi lẫy lừng của văn học và tư tưởng Phật Giáo Việt Nam
hiện đại. Trong Mộng Ngân Sơn, Quách Tấn có bài tặng Phạm Công Thiện:
Áo
giũ ngày sương gió
Lên
chùa thăm cố nhân
Non
nghiêng thềm bóng xế
Lịu
địu bóng nhàn vân
(Lịu
Địu)
Đó là
thời gian của những năm cuối thập niên 50 và những năm đầu thập niên 60, đất
nước chưa ly loạn, bởi vậy nên chốn Thiền Môn cũng được sống trong không khí êm
đềm và đạo vị mà ta có thể thấy được qua bài thơ trên. Nhưng đến bài tặng Tuệ Sỹ
thì không khí lại hoàn toàn khác, vì đó là khoảng thời gian sau 1975:
Ngoài
trời những gió cùng mưa
Bâng
khuâng nhớ bạn cửa chùa viết văn
Hoa
đèn nở nhụy chuông ngân
Từng
trang giấy lật hương xuân ngọt ngào
(Nhớ
Bạn)
Thật
là cảm động vì Tuệ Sỹ đến sau Quách Tấn gần nửa thế kỷ mà Quách Tấn vẫn xem như
“bạn”, thì đủ biết tấm lòng của Quách Tấn trang trọng với Tuệ Sỹ biết chừng nào.
Tôi còn nhớ, có một lần Quách Tấn giảng cho tôi nghe hai câu cuối trong bài thơ
Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hạo:
Nhật
mộ hương quan hà xứ thị
Yên
ba giang thượng sử nhân sầu
(Trời
tối quê nhà đâu tá nhỉ?
Trên
sông khói sóng khiến ai sầu!)
Ông
nói rằng, vì Thôi Hạo là một nhà nho, nên mới hoang mang không biết quê mình ở
đâu? Chứ mình là Phật Tử thì mình biết rõ quê hương của mình rồi, không
cần phải băn khoăn thắc mắc gì nữa. Tất nhiên trong
tinh thần của thi ca thì quê hương trong bài thơ trên, ta có thể hiểu nhiều cách
khác nhau. Có thể đó là tâm trạng của một người đang
lang
thang phiêu bạt tận nơi chân trời góc bể khi chiều xuống thì chạnh lòng nhớ về
quê hương, chứ không hẳn là quê hương tâm linh theo như cách hiểu của Quách Tấn.
Nhưng
cách giải thích như vậy đã khẳng định rằng, Quách Tấn là một Phật Tử trọn vẹn,
một Phật Tử đặt niềm tin tuyệt đối của mình vào một quê hương tâm linh theo
nghĩa của Phật Giáo. Và theo tôi, Quách Tấn đã khẳng
định quê hương tâm linh ấy qua bài thơ sau đây:
Nghìn
xưa không còn nữa
Nghìn
sau rồi cũng không
Phảng
phất bờ trăng rạng
Hương
ưu đàm trổ bông
(Thoáng
Hiện)
Và
tôi vẫn cầu mong rằng hiện nay Quách Tấn đang đứng ngắm hoa ưu đàm trổ bông ở
một quốc độ nào đó. Nơi đó tất nhiên không còn sự đau khổ và dằn vặt như kiếp người mà
ông vừa vứt bỏ để ra đi.
ảnh chỉ mang tính minh họa