Thái Tử Tất Đạt Đa xuất gia

thai tu tat dat da xuat gia

Thích Thái Hòa

 

 

Lúc còn học tập, Thái tử đã từng được dạy về bốn giai đoạn trong đời sống của một vị Bà-la-môn:

1. Lúc tuổi trẻ người con trai Bà-la-môn phải học tập kinh điển Vệ đà.

2. Khi trưởng thành, người con trai phải tạo lập gia đình, nuôi dưỡng con cái và phục vụ xã hội.

3. Đến khi con cái lớn khôn thì giao trách nhiệm việc nhà, việc xã hội cho con cái mà rút lui làm cố vấn và trao truyền kinh nghiệm cho con.  

4. Đến tuổi già, buông bỏ hết mọi ràng buộc ở đời và sống hoàn toàn xuất thế. 

Sự phân chia cách sống  thành bốn giai đoạn của một đời người Bà-la-môn quá rõ ràng và máy móc nên Thái tử đã không bằng lòng. 

Thái tử đã tự hỏi:

"Tại sao đến khi tuổi già mới sống đời sống xuất gia? Già quá làm sao có đủ sức để học đạo và hành đạo? Sự chết có hẹn ta phải trải qua cả bốn giai đoạn ấy, rồi nó mới đến chăng? Tại sao ta không thực hiện cả bốn cách ấy trong một giai đoạn? Và tại sao ta không thực tập đời sống xuất gia ngay ở trong gia đình?".

Nhiều lần Thái tử đã đi ra bốn cửa thành, có lần Thái tử đi gặp một người già, một người bệnh, một người chết, rồi một người xuất gia.

Mỗi lần gặp là mỗi lần giúp cho Thái tử có dịp để chiêm nghiệm sâu xa về sự sống, về thân phận của kiếp người. Và Thái tử thấy rằng sanh, già, bệnh, chết không dành riêng cho một ai mà là của tất cả.

Lần gặp vị Sa môn là lần mà Thái tử thấy thú vị nhất, vì ở nơi vị Sa môn ấy, hiện lên một dáng dấp thong thả, phong thái tự tại, nét mặt hiền hòa, không gợn lên chút ưu sầu nào cả, nên Thái tử liền đến và hỏi vị Sa môn ấy rằng:

"Thưa Hiền giả! Hiền giả đã làm gì, mà đầu và áo của Ngài không giống như những người khác?"

Vị Sa môn trả lời:

"Thưa Thái tử! Tôi là một người xuất gia".


Thái tử hỏi:

"Thưa Hiền giả! Thế nào là một người xuất gia?"

Vị Sa môn trả lời:

"Thưa Thái tử! Người xuất gia là người khéo tu phạm hạnh, khéo tu tịnh hạnh, khéo hành thiện nghiệp, khéo hành công đức nghiệp, khéo giữ gìn không não hại chúng sanh, khéo có tình thương đối với hết thảy chúng sanh".

Sau lần tiếp xúc này, Thái tử trở về hoàng cung tự mình suy tư và nói:

"Tại sao chính ta bị sanh, lại đi tìm cầu cái bị sanh, chính ta bị già lại đi tìm cầu cái bị già, chính ta bị chết lại đi tìm cầu cái bị chết, chính ta bị ô nhiễm lại đi tìm cầu cái bị ô nhiễm?.

Vậy, chính ta bị sanh, sau khi biết rõ sự nguy hiểm của bị sanh, ta hãy đi tìm cái không bị sanh, cái vô thượng an ổn, thoát khỏi mọi khổ ách, cái an ổn của Niết-bàn.

Tự mình bị già, ta hãy đi tìm cầu cái không bị già, tự mình bị bệnh, ta hãy đi tìm cầu cái không bị bệnh, tự mình bị chết, ta hãy đi tìm cầu cái không bị chết, tự mình bị sầu muộn, bị ô nhiễm, hãy đi tìm cầu cái không bị sầu muộn, không bị ô nhiễm..."1

Và lúc bấy giờ Thái tử còn suy nghĩ:

"Đời sống gia đình bị gò bó, con đường đầy những bụi đời, đời sống người xuất gia như sống giữa hư không. Thật là rất khó, khi ta sống tại gia đình mà có thể sống được đầy đủ thanh tịnh hoàn toàn của một đời sống thuần khiết, phạm hạnh.

Ta hãy cạo bỏ râu tóc, đắp áo ca sa, sống đời sống thoát ly gia đình".2    

Sau những lần suy tư như vậy, Thái tử đã nhiều lần xin Phụ vương và Mẫu hậu để được sống đời sống xuất gia, nhưng Thái tử cũng đã bị Phụ vương và Mẫu hậu nhiều lần từ chối. Năm 19 tuổi (có tư liệu ghi năm 29 tuổi), sau buổi dạ tiệc linh đình, mọi người đang say sưa trong giấc điệp và trăng sao trên nền trời không gợn chút mây, Thái tử đã quyết định đêm này sẽ xuất gia tầm đạo và tự nhủ:

"Mặc dù cha mẹ không bằng lòng, than khóc nước mắt đầy mặt, ta vẫn cạo bỏ râu tóc, đắp áo ca sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống đời sống thoát ly gia đình.

Ta xuất gia như vậy, kẻ đi tìm cái gì chí thiện, đi tìm con đường vô thượng tối thắng, hướng đến tịch tịnh".3

Thái tử đã đánh thức Channa (Xa Nặc) dậy và bảo đem con ngựa Kanthaka (Kiền Trắc) ra đây, đêm nay ta sẽ đi tầm đạo.

Thái tử dặn dò con ngựa Kanthaka và Channa, rồi đưa ngựa ra khỏi cổng thành và Thái tử tự nhủ:

"Nếu không tìm ra được đạo, thì ta sẽ không bao giờ trở lại kinh đô này nữa".

Nói xong, Thái tử, Channa và Kanthaka xoay mặt về hướng Nam và ngựa phi trong lớp sương mù dày đặc.

Vượt qua sông Anoma thì trời vừa hừng sáng, Thái tử bảo ngựa Kanthaka dừng lại, xuống yên ngựa, dùng thanh kiếm cắt mái tóc, cởi bào y và chuỗi ngọc trao cho Channa, nhờ Channa về tâu lại với Phụ hoàng rằng:

"Tôi bỏ nhà ra đi, không phải vì ích kỷ, không phải trốn tránh bổn phận, mà chính vì mọi người và mọi loài. Channa hãy trở về thưa lại với Phụ vương, Hoàng hậu và Công chúa như vậy - và ta xuất gia như vậy, kẻ đi tìm cái gì chí thiện, tìm cầu con đường vô thượng tối thắng, hướng đến an lạc, tịch tịnh.

Channa và con ngựa Kanthaka quay lưng trở về hoàng cung thì Thái tử lại tiếp tục cuộc hành trình kỳ vĩ của mình.

Trước mặt Thái tử toàn là núi rừng trùng điệp. Đầu tiên, Thái tử gặp người thợ săn tay cầm cung tên, nhưng trên mình lại mặc chiếc áo ca sa.

Thái tử hỏi: "Anh là một người thợ săn tại sao lại mặc chiếc áo này?"

Người thợ săn trả lời: "Tôi mặc chiếc áo này để thú rừng không sợ, nhờ vậy mà tôi bắt được chúng".

Thái tử hỏi:

"Bây giờ tôi đổi chiếc áo cẩm bào này cho anh và anh đổi chiếc áo ca sa ấy cho tôi. Vì tôi muốn trở thành một vị Sa môn, còn anh thì nên đem chiếc áo cẩm bào này bán để làm vốn chuyển sang một nghề làm ăn khác lành mạnh hơn, đừng nên đi săn bắn nữa".

Hai bên thỏa thuận trao đổi áo cho nhau. Người thợ săn vội vàng trở về và Thái tử lại tiếp tục cuộc hành trình của mình. Đầu tiên, Thái tử sống đời sống của người xuất gia, lấy trời làm chăn, lấy đất làm gối, thoát ly mọi sự ràng buộc gia đình.

Sau đó, Thái tử đã gặp nhà đạo sĩ Alārakālāma ở trung  tâm tu học phía Bắc thành phố Vesāli.

Thái tử nói:

"Thưa Hiền giả Kālāma! Tôi muốn sống phạm hạnh trong Pháp và Luật này".

Đạo sĩ nói:

"Này Tôn giả! Pháp của ta là pháp tự tu, tự chứng, tự đạt và an trú".

Pháp tự tu, tự chứng, tự đạt và an trú do đạo sĩ Alārakālāma trao truyền cho Siddhatta, chẳng bao lâu Thái tử đã thực tập và thành tựu pháp ấy.

 



 

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle