Những ngày cuối năm, khí hậu đột ngột bất thường. Mưa, gió,
bão, tuyết, chẳng
còn biết đâu là Xuân, Hạ, Thu, Đông nữa. Ngồi trong am
thất, tôi đành mở cái máy sưởi cũ, hoan hỷ với âm thanh khò khè, rên rỉ của nó còn hơn
là chịu lạnh. Hạnh phúc chán!
Pha ly trà nóng để cầm cho ấm tay, uống cho ấm bụng,
rồi ngồi vào bàn viết, mở máy, đọc báo “cọp” trên Internet. Bài đầu tiên nhìn
thấy là của nhà báo Trần Khải, với những giòng “Không biết thế giới đã từng
có thời nào người ta ngẩng đầu lên chỉ thấy mưa hoa khắp trời hay không; nhưng
thời của chúng ta thì chỉ thấy phi tiêu rợp trời. Sơ sẩy một
chút là trúng ngay phi tiêu liền, mà không hề thấy được phe nào phóng ra và nhắm
vào phe nào. Trời ạ, cứ lên Internet mà xem, phi tiêu bắn như mưa, còn
hơn là trong truyện Cô Gái Đồ Long …”
Nội dung bài báo nói về “phi tiêu rợp trời”, nhưng người đọc như tôi, đọc qua
đoạn này lại chỉ mơ màng ở câu “mưa hoa khắp trời”.
Thế là, tôi tạm ngưng đọc báo, mời bạn cùng uống trà với tôi đây.
Nhà báo thắc mắc không biết thế giới đã từng có thời nào người ta ngẩng đầu lên
chỉ thấy mưa hoa khắp trời hay không, nhưng không nói rõ thế giới nào?
Còn bạn, tôi chắc bạn biết khá nhiều về những thế giới đầy mưa hoa đó, phải
không? Bạn hãy dùng trà cho ấm đã, vội vàng chi.
Bảy trăm Tỳ-kheo và bốn trăm Tỳ-kheo-ni đang trên đường đến vườn Kỳ Thọ Cấp Cô
Độc, nơi Ưu Bà Di Hằng Hà Thượng đảnh lễ Đức Thế Tôn, xin giải vài nghi hoặc:
“- Bạch Đức Thế Tôn, nếu hỏi hóa nhơn rằng người từ đâu đến? Hỏi như vậy thì
phải trả lời như thế nào?
- Này Ưu Bà Di, luận về hóa nhơn, không có vãng lai cũng không sanh diệt thì đâu
nên nói là có chỗ từ đó mà đến.
- Bạch Đức Thế Tôn, nếu tất cả pháp như hư không, sao Đức Thế Tôn lại nói có các
sắc, thọ, tưởng, hành, thức cùng các giới xứ mười hai nhơn duyên hữu lậu vô lậu
là nhiễm, là tịnh, là sanh tử Niết Bàn?
- Này Ưu Bà Di, như nói rằng: ngã, dầu có lời nói, mà thiệt không có ngã- tướng
để được. Ta nói các sắc, cũng thiệt không có sắc- tướng để được nhẫn đến, nói
Niết Bàn, cũng không có Niết- Bàn- tướng để được.
- Này Ưu Bà Di, trong pháp của ta,
những người tu phạm hạnh, thấy tất cả pháp đều vô sở đắc mới được gọi là người
chơn tu phạm hạnh. Còn người tăng thượng mạn nói hữu sở đắc thì chẳng gọi là an trụ chơn phạm hạnh. Loại người đó, nghe thâm pháp này sanh lòng kinh
nghi nên chẳng giải thoát được …”(*)
Ngài Ưu Bà Di Hằng Hà Thượng hỏi mười hai câu hỏi, được Đức Thế Tôn lần lượt chỉ
bày rồi truyền
dạy Tôn giả A Nan:
“ Này A Nan, ta nhớ quá khứ có ngàn
Đức Như Lai cũng ở tại xứ này nói pháp như vậy. Kinh này tên là Vô Cấu Thanh
Tịnh, các ông nên thọ trì” (*)
Nghe tới đây, Chư Thiên cõi Dục đem muôn thứ hoa trời rải như mưa trên kim thân
Đức Phật, bảy trăm Tỳ-kheo và bốn trăm Tỳ-kheo-ni đều dứt hẳn các lậu tâm, Hằng
Hà Thượng Ưu Bà Di và hàng đại chúng Thiên Long Bát Bộ đều rất đỗi hoan hỷ, đón
nhận mưa hoa và tín thọ phụng hành.
Bạn hiền ơi, chờ tôi châm thêm trà rồi chúng ta cùng giở Kinh
Địa Tạng nhé.
Đây rồi, chúng ta sẽ lại thấy mưa hoa khi Ngài Địa Tạng bạch Đức Thế Tôn là
trong đời sau, nếu có người thiện nam, kẻ thiện nữ nào, đối với Phật pháp mà có
lòng cung kính thì Ngài sẽ dùng mọi phương tiện độ thoát người đó.
Khi ấy, trong pháp hội có vị Bồ Tát tên là Hư Không Tạng xin chỉ bày rõ hơn về
oai thần thế lực chẳng thể nghĩ bàn của ngài Địa Tạng Bồ Tát. Đức Phật
bèn dạy rằng, trong đời sau, kẻ nào thấy hình tượng của ngài Địa tạng Bồ Tát ,
nghe kinh rồi đọc tụng sẽ được 28 điều lợi ích; nghe danh hiệu của Ngài rồi đảnh
lễ hình tượng sẽ chứng nghiệm được thêm bảy điều lợi ích nữa. Những điều lơi ích
này đều là sức oai thần lớn chẳng thể nghĩ bàn của ngài Địa Tạng Bồ Tát, do
chính Đức Thích Ca Mâu Ni ngợi khen và tuyên bày nên “Chư Thiên từ cung
trời Đao Lợi đã vô cùng hoan hỷ, rải vô lượng hương hoa, thiên y, chuỗi ngọc để
cúng dường Đức Thích Ca Mâu Ni Phật và Địa Tạng Bồ Tát. Xong rồi, tất cả đại
chúng trong pháp hội đều lại chiêm lễ, chắp tay mà lui ra” (+)
Bạn khen trà thơm quá! Tôi không nghĩ
vậy đâu. Hương thơm
từ hoa trời rải trong kinh đó! Bạn đang mở tới kinh Vô Lượng
Thọ phải không? Chúng ta đã từng xúc động vô cùng khi Thầy giảng tới đoạn
Tỳ-kheo Pháp Tạng, tiền thân Phật A Di Đà, quỳ trước Đức Thế Tôn xin Từ Phụ
chứng minh bốn mươi tám đại nguyện. Lời phát nguyện thứ bốn mươi tám vừa dứt thì
đại địa rung chuyển, hoa trời rải xuống như mưa vì Chư Thiên biết rằng với tâm
từ bi rộng lớn như vậy, Ngài Pháp Tạng đã vun trồng vô lượng công hạnh của bậc
Bồ Tát. Ngài sẽ thành Phật, độ vô lượng chúng sanh. Quả
đúng như thế, trang kinh A Di Đà đang mở rộng trước chúng ta:
“Hựu Xá Lợi Phất, Bỉ Phật quốc độ, thường tác thiên nhạc, huỳnh kim vi
địa, trú dạ lục thời, vũ thiên mạn-đà-la hoa, kỳ độ chúng sanh, thường dĩ thanh
đáng, các dĩ y kích, thạnh chúng diệu hoa cúng dường tha phương thập vạn ức Phật
…” (=)
Đó, thế giới của Phật A
Di Đà, sáu thời đều có hoa mạn-đà-la rơi xuống như mưa, chúng sanh ở đó thường
lấy giỏ, hứng hoa thơm, cúng dường tha phương thập vạn ức chư Phật…
Nói đến hoa trời, làm sao có thể không nói đến Phẩm Đại Như trong kinh Ma Ha Bát
Nhã Ba La Mật vì mở đầu phẩm này đã là khung cảnh rực rỡ, ngát thơm:
“Lúc bấy giờ, Chư Thiên cõi dục cõi sắc đem hương bột chiên-đàn cõi trời
và những hoa sen xanh đỏ hồng trắng rải xuống như mưa cúng dường Đức Phật, rồi
đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ dưới chân Phật mà thưa rằng: Bạch Đức Thế Tôn, vô
thượng Bồ Đề của Chư Phật thật là rất sâu, khó thấy, khó hiểu, chẳng thể suy
ngẫm mà biết được; chỉ có bậc trí mới biết được, ngoài ra thế gian chẳng thể
tin. Tại sao vậy?” (#)
Sau khi Đức Phật chỉ bày cặn kẽ câu hỏi đầy trí tuệ này và Ngài Tu Bồ Đề trình
Đức Thế Tôn về pháp Vô Ngại Tướng thì cõi Đại Thiên thế giới chấn động vì pháp
mầu quá vi diệu; và Chư Thiên lại tỏ bày lòng hoan hỷ vô biên qua mưa hoa và
hương bột chiên-đàn rải trên kim thân Đức Phật và ngài Tu Bồ Đề.
Nhưng có lẽ hoa trời nhiệm mầu nhất là ở pháp hội Liên Hoa,
trong núi Kỳ-Đà-Quật, thành Vương Xá. Pháp hội có mặt hầu hết các vị Đại
A La Hán, các vị Đại Bồ Tát, các vị Thiên Tử, Đại Tự Tại Thiên Tử, các hàng
Thiên Vương, A Tu La Vương, khắp hàng Chúng, Trời, Rồng ..vân
vân … nghìn muôn ức đều về câu hội.
“Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn vì hàng tứ chúng vây quanh cúng dàng cung kính,
ngợi khen tôn trọng, vì các vị Bồ Tát mà nói kinh Đại Thừa tên là Vô Lượng Nghĩa
Giáo Bồ Tát Pháp Phật Sở Hộ Niệm.
Nói kinh này xong,Đức Phật ngồi xếp bằng, nhập vào
chánh định Vô Lượng Nghĩa Xứ. Thân và tâm của Phật đều không lay động.
Khi đó, trời mưa hoa Mạn-đà-la, hoa Ma-ha-mạn-đà-la, hoa Mạn-thù-sa, hoa
Ma-ha-mạn-thù-sa, rải trên Đức Phật cùng hàng đại chúng; khắp cõi trời, sáu điệu
vang động” (0)
Bạn ơi, bạn có tưởng tượng được khung cảnh cực kỳ hoành tráng
này không? Thế giới nào có thể đẹp đẽ hơn, trang nghiêm hơn, rực rỡ hơn,
mầu nhiệm hơn, khi nơi đó, Đức Phật sẽ tuyên một pháp lớn, vi diệu nhất, một
pháp gom trọn những pháp-phương-tiện mà Đức Phật từng truyền dạy trước đây. Đó
là câu:
“Mọi chúng sanh đều có Phật tánh như nhau.
Ta là Phật đã thành. Các con là Phật sẽ thành”.
Tôi biết vì sao mở tới trang mưa hoa bát ngát này bạn lại tư
lự, buồn rầu.
Tôi cũng đang nghĩ như bạn vậy. Nếu chúng sanh biết
Tín, Nguyện, Phụng, Hành được cốt tủy lời Phật dạy trong pháp hội này thì thế
giới nào, thời gian nào chúng ta ngẩng mặt nhìn trời mà chẳng thấy
mãn-thiên-hoa-vũ (rợp trời mưa hoa); Tâm Phật tạo cảnh Phật thì làm sao
mãn-thiên-phi-tiễn (đầy trời phi tiêu) có thể len vào được.
Có vị nào gặp nhà báo, thử nhắc khẽ về những thế giới mãn-thiên-hoa-vũ, may ra
ông nhà báo đỡ buồn giữa thế giới mãn-thiên-phi-tiễn này.
Diệu Trân
Như-Thị-Am,
------------------------
(*) Kinh Đại Bảo Tích, phẩm pháp-hội
Hằng Hà Thượng Ưu Bà Di – Thích Trí Tịnh dịch.
(+) Kinh Địa Tạng
Bồ Tát Bổn Nguyện – Thích Trí Tịnh dịch.
(=) Kinh A Di Đà.
(#)Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật, phẩm
Đại Như – Thích Trí Tịnh dịch.
(0)Kinh Pháp Hoa, phẩm Tựa – Thích
Trí Tịnh dịch.