Tâm Nhiên
Từ
bao giờ đến bây giờ, dòng tồn sinh trường mộng vẫn âm thầm chảy trôi giữa đôi bờ
sống chết, có không, mộng thực... tưởng chừng như nhận chìm nhân thế trong những
cuộc dâu bể mịt mù, điêu linh khủng khiếp, khiến cho Bùi Giáng, một nhà thơ
thượng thừa như thế cũng phải kêu lên thảng thốt, sững sờ:
Khổ đau về chẳng hẹn giờ
Hoang liêu phố rộng bước hờ hững đi
Dẫu
vẫn biết vô thường đang diễn bày ngay trên từng bước đi của ngày tháng với những
bất an, trầm thống, những oan khiên nghiệt ngã và không ngừng bức bách bởi từng
trận gió hư vô của nghiệp mệnh, của thân phận làm người, nhưng tất cả mọi cuồng
phong bão tố, vô thường dâu bể kia cũng không thể nào dập tắt được ngọn lửa
thiêng trong trái tim người, không thể nào hủy diệt được ý chí sáng tạo của con
người, nhất là của những đạo sĩ, thiền sư, nghệ sĩ, thi nhân mà trái lại, chính
ở ngay cơn lốc bể dâu nọ đã khích động Nguyên Cẩn, một thi sĩ, một lữ khách
phong trần sống mãnh liệt và mãnh liệt hơn nữa. Sống thơ mộng, bồng tênh như đóa
hoa sen giữa bùn lầy uế trược bụi vô minh:
Đóa sen soi lại bóng mình
Giữ lòng trong giữa nhục vinh cõi trần
Bùn danh lợi níu bao lần
Biển tâm sóng dậy xoay vần gió sương
Chân đi không lấm bụi đường
Hồn thơ giũ sạch đoạn trường bước qua
Bước qua cõi người ta một cách thanh thản, nhẹ nhàng vì thi sĩ đã thấu thị được
cỗi nguồn nhân sinh vô biên vô lượng do trùng trùng duyên khởi, duyên sinh,
duyên hợp hòa hài:
Nước từ vô tận trùng lai
Hóa thân ghềnh thác vẫn mài miệt tuôn
Tôi từ giọt máu cỗi nguồn
Nỗi đau phát sáng ánh buồn thành thơ
Chính từ trong bao khổ lụy đoạn trường, uống cạn bao dòng máu lệ trần gian đó mà
tấm lòng thi nhân đồng cảm, tiêu hóa, tiêu dung giọt lệ và nụ cười, khổ đau và
hạnh phúc... để rồi rung ngân lên thành tiếng thơ bồi hồi lai láng. Đối với
chàng, thơ là phím đàn ngoạn mục, là cung bậc xuất thần vi diệu yêu thương, là
nhiệm mầu hơi thở:
Bao giờ cho đến bao giờ
Thơ rung lại nhé phím tơ hồn người
Để thơ chẳng phải về trời
Để người sống lại với đời yêu nhau
Hãy yêu thương nhau đi, hỡi mặt đất thân yêu này, vì chỉ có tình thương mới đem
lại
hòa bình cho thế giới, cho cuộc đời từ muôn thuở xưa nay. Hãy phát động một cuộc
cách mạng tâm thức, một cuộc chuyển hóa tâm linh ngay trong đời sống thường
nhật, bằng hết sức sự tinh thành mạnh mẽ nhất. Lên đường khám phá chính mình
không phải là chạy khắp đông tây, khắp kim cổ để tìm kiếm mà ngay dưới gót chân,
ngay giữa lòng sâu thẳm của mình đây thôi, để phát hiện ra một phương trời bát
ngát của Tự Tâm trầm hùng, thênh thang tráng lệ:
Bốn phương sông núi yên bề
Một phương ta mở lối về Chân Như
Rỗng rang là cõi thái hư
Là trong trắng mộng vô dư Niết Bàn
Niết Bàn hay Chân Như là Diệu Tâm, Phật Tánh của mỗi người trong tất cả chúng ta
vốn sẵn có từ vô thủy đến vô chung. Chỉ cần chúng ta nhận ra, sống với bản lai
diện mục đó, thì tha hồ nhập diệu phiêu diêu, thong dong thõng tay vào phố chợ
ta bà, dạo chơi vô sự.
Giữa phong trần cuộc lữ, chàng thi sĩ Nguyên Cẩn bất ngờ cùng đồng thanh tương
ứng với thi hào Vương Duy trên nhịp bước trở về cửa Phật, cửa Không lồng lộng vô
ngần:
Nhất sinh kỷ hử thương tâm sự
Bất hướng không môn hà xứ tiêu?
(Ở đời bao chuyên thương tâm
Không về cửa Phật biết làm sao khuây?)
Cho nên chàng phấn chấn, rộn rã quy hồi cố quận trên tinh thần trân trọng từng
giây phút tân kỳ mới lạ, hòa chan vào với thực tại đang là:
Đã đi mòn một khoảng trời
Đường mây cánh mỏi mà đời chửa yên
Đêm đêm lắng đọng ưu phiền
Chắt chiu một giọt hương thiền tĩnh tâm
Nhân gian quay quắt bụi lầm
Bão từ mê vọng mạch ngầm sóng xô
Mai này trùng ngộ hư vô
Thì xin trân trọng phút giờ hiện sinh
Giống như thi sĩ Thụy Điển Tomas Transtromer vừa được giải Nobel văn học năm
2011 tâm sự: “Gần đây, những suy niệm về tôn giáo nảy sinh trong tôi lúc này lúc
khác, khiến tôi nhận ra ý nghĩa có mặt trong phút giây hiện tại , trong việc
nương vào thực tại, cảm nghiệm nó và sáng tạo nên một điều gì đấy về nó”. Nhà
thơ Nguyên Cẩn cũng vậy, cũng thể điệu chịu chơi nhập cuộc vào hiện sinh, vào
cái bây giờ và ở đây với thái độ bao dung rộng lượng. Biết quý trọng tôn kính và
biết tri ân tất cả mọi sự như thế nên thi sĩ luôn tỉnh thức, tỉnh thức từ ngọn
ngành chánh niệm:
Niệm tôi một niệm thở ra
Buồn xưa như khói thoảng qua mặt hồ
Niệm tôi bất tận Nam mô
Phật từ Tâm hiện mây mờ vụt tan
Thế là chàng lãng tử đã thấy rồi giữa ngút ngàn sương khói lãng đãng phù vân,
chính Tâm mình là Phật, chính Lòng mình là Đạo, cái mà lâu nay chàng cứ hoài
thao thức, trằn trọc, trầm tư tự hỏi mãi:
Đạo là gì hay đường đi của gió
Là lối về thanh thoát của mây bay?
Là hư không vang vọng cuối chân ngày
Là sông chảy nghìn năm không bến đỗ?
Tự hỏi rồi tự đáp, tự tri rồi tự ngộ và hoát nhiên hiển lộ phương trời cố xứ Như
Lai trong một sát na ly kỳ gay cấn giữa nhật nguyệt thiên địa, càn khôn vũ trụ
tâm hồn :
Bừng lên một sát na vô niệm
Tôi thấy Như Lai hiện giữa lòng
Giữa lòng tự tại tự do một hồn thơ rộng mở Như Lai Tự Tánh. Như Lai là không từ
đâu đến và cũng chẳng đi về đâu. Không đến không đi, không sinh không diệt,
không là gì hết trên lối về quê cũ rực ngời ánh nắng ban mai:
Quê nhà đó giữa hồn thơ tự tại
Phải chăng, sau muôn dặm lữ thứ phiêu linh, sau nghìn trùng bạt mạng phiêu bồng
giữa phù du huyễn mộng, sau những kiếm tìm đảo điên, tuyệt lộ, hụt hẫng, chới
với... rồi bất thần bùng vỡ, vất bỏ, buông xuống, trút hết mọi vọng tưởng mê
lầm, quét sạch cuồng si, ám chướng quỷ ma và ngồi lại tịch nhiên lặng lẽ, lắng
nghe điệu thở vô vi, mỉm nụ cười vô sự, tự nhiên quên hết nỗi sầu vạn đại quên
luôn cái ngã chấp âm thầm, quên ta quên người, quên đời quên đạo, quên ngộ quên
mê... thì kỳ diệu thay, bất ngờ chàng thi sĩ chợt thấy rộ bừng ra một đóa hoa
Lòng, ngào ngạt ngát hương đời long lanh lấp lánh thanh tịnh:
Tôi ngồi quên bóng quên hình
Quên kinh quên kệ quên mình quên ta
Tôi ngồi sầu rụng thành Hoa
Tịnh Liên chớm nở Mạn Đà La rơi*
Tâm Nhiên
(Vô Trú Am 15.2.2012)
* Thơ Nguyên Cẩn, trích trong 2 tập:
Ngồi Đợi Gió Sang Canh. Nhà xuất bản Thanh Niên. TP. HCM 2006
Sầu Rụng Thành Hoa. Nhà xuất bản Thanh Niên. TP. HCM 2010