Bút ký của Hoàng Công Danh
Đã qua mấy lần đi xem
thả hoa đăng trên sông Thạch Hãn, tôi vẫn chưa thực sự hiểu hết trọn vẹn ý nghĩa
của lễ hội này. Bởi hình như cứ mỗi lần tổ chức thì lễ hội được nhân lên thêm một ý
nghĩa khác, mới mẻ hơn, thiêng liêng hơn, thành kính hơn và đầy đặn hơn về văn
hoá.
Người ta đã khéo quên đi những tang thương mất mát đổ xuống trên dòng sông này,
quên đi những lằn ranh thù hằn mà hòn đạn mũi tên vô tình gây nên. Nói như thế
không có nghĩa hậu thế là kẻ bội công, mà tôi chỉ muốn nhắc lại lời của Eruado
Heriot, rằng văn hoá là cái còn lại sau khi người ta đã quên đi tất cả. Để rồi chính cái văn hoá đầy nhân văn còn lại ấy đã đánh thức dậy
tình thương, lương tri, sự cảm thông và thấu hiểu, gắn kết hơn nữa giữa những
thế hệ.
Buổi chiều tôi ngồi nhâm
nhi với Bảo và Thệu ở một quán cóc bên tháp chuông Thành Cổ, từ vị trí
này có thể trông ra bến thả hoa và nhìn rõ ràng dòng chữ “Đêm hoa đăng. Tri
ân các anh hùng liệt sỹ”. Tôi nói với bạn là tối nay quyết tâm phải chụp
cho được bức ảnh những ánh đèn hắt sáng trên sông, chứ mấy lần trước chụp đều
hỏng cả. Chụp ảnh đèn hoa trên sông đêm quả thật rất khó, phải là dân săn ảnh
chuyên nghiệp mới bắt được ánh sáng kiểu ấy. Chẳng thế mà hôm bữa tôi có hỏi anh Lê Ngọc Vũ, trưởng phòng Văn hoá
– Thông tin thị xã về những bức ảnh hoa đăng anh đưa lên trang.
Anh Vũ nói mấy bức đó anh tìm trên mạng internet rồi mượn về minh hoạ.
Còn lúc này, Thệu lại nói với tôi:
- Có khi lý do anh không chụp được cũng
như bữa trong Thành Cổ.
Nguyên là lần trước tôi vào Thành Cổ
chụp mấy lần ảnh vẫn không được, trời nắng đẹp, ánh sáng tốt, thế mà vào ảnh màu
sắc cứ tái tái đi. Bất chợt tôi rùng mình nghĩ, có thể do tâm mình chưa thành
nên chụp ảnh những nơi thiêng liêng như thế này không đẹp.
Nghĩ đến đấy thì cuộc rượu chấm dứt, tôi cầm máy ảnh giục bạn chạy về phía bờ
sông. Đang loay hoay chụp ảnh trên bờ thì điện thoại rung, một cán bộ
cùng cơ quan gọi nói anh xuống đây mau, đò sắp rời bến. Tôi nhảy vội xuống đò
của chi đoàn Văn phòng Uỷ ban, vừa lúc cây sào tre chống mũi dời ra.
Khoang thuyền xếp chật
những búp đèn kết từ giấy hồng điều ở giữa đính nến. Đò chếch mũi đi ra giữa sông, ngược lên phía thượng nguồn rồi cắm
sào. Các cán bộ đoàn viên trẻ châm nến thắp đèn và lần lượt hai
tay hai cây đèn, thành kính thả nhẹ xuống mặt sông. Nâng đèn trên
tay, mỗi người lại cầu nguyện một điều ước cho mình. À, thì ra lễ thả đèn
vào dịp tết Nguyên tiêu còn có một ý nghĩa là cầu may. Thế mà
lâu nay tôi không hề biết, cứ tưởng lễ nào cũng giống nhau. Hoá ra trong
cái chung
còn có cái riêng. Mà ước nguyện trên dòng sông lịch sử này
chắc là linh thiêng lắm.
Bất giác tôi nghĩ đến một lễ hội văn hoá có tính chất tập tục cho thị xã, đấy là
Hoa đăng cầu may Rằm tháng Giêng. Một kiểu mô thức lễ hội giống như chợ Đình làng Bích La ở huyện
Triệu Phong láng giềng. Rồi đây người ta sẽ đến đây đông hơn, đò sẽ được
bố trí nhiều hơn để đưa tất cả những ai muốn ra sông thả đèn cầu may.
Như thế thì mặt sông càng lấp lánh những ánh lửa hồng.
Năm 2012 được lãnh đạo
thị xã chọn để đẩy mạnh phát triển du lịch hành hương hoài niệm chiến trường xưa
và đồng đội, một hướng phát triển bền vững nền kinh kế địa phương. Thị xã này nhỏ, với lợi thế về lịch sử tâm linh thì lấy văn hoá làm
kinh tế quả là một sự lựa chọn tốt. Hơn nữa, một khi làm kinh tế trên nền tảng văn hoá thì lợi nhuận
được nhân đôi, bởi còn thêm ý nghĩa vô hình đó là tạo đức tin cho con người.
Và một khi văn hoá hưng tồn thì kinh tế tăng trưởng. Nói như thế cũng là một sự
nhắc khéo rằng, làm văn hoá khoan nghĩ đến vụ lợi mà hãy để mọi thứ tự nhiên,
cái này tín ắt hẳn cái kia tiến.
Con đò yên vị trên mặt sông hay là đang
trôi rất nhẹ chẳng biết nữa. Chắc là do nãy giờ tôi lan
man theo những ý nghĩ của mình và mắt mải mê nhìn những bàn tay thả nến cầu may
mà quên để ý đến chiếc đò. Ngày xưa có lần bác Hồ đi bàn việc
quân trên sông, đến khuya về hứng một thuyền ấp đầy trăng ngân. Đêm nay
chúng tôi đi đò không ai bàn việc quân, cũng chẳng ai để ý đến trăng Nguyên Tiêu
tròn tỏ trên cao kia. Có thể là do mặt sông đã lấp lánh
quá nhiều ánh lửa, mỗi chúm đèn như bàn tay xòe hoa
tưởng thưởng, vừa tri ân vừa chúc mừng các chiến sĩ đã hoàn thành sứ mệnh lịch
sử giao phó. Như thế thì cũng coi như tuổi trẻ hôm nay đã góp
phần “làm việc quân” rồi.
Và điều quan trọng hơn
khi người đi xem hoa đăng đêm nay lãng quên ánh trăng không phải vì quên Nguyên
tiêu, mà bởi một khi con người vun vén thắp lửa cho mình thì thiên nhiên tự rút
lui. Đúng như quan niệm của người Phương đông xưa thì
trong bộ tam Thiên – Địa - Nhân, con người là trung tâm của vụ trụ. Điều đó cũng đúng với học thuyết mô hình Anthropocentrism ở châu Âu,
con người “tin tưởng vào sức mạnh toàn năng của mình” (V.I. Samokhvalova).
Chính con người sẽ tự thân mang lại niềm vui và ý nghĩa sống cho mình chứ không
ngồi chờ ông trời. Ánh trăng không làm nên hội rằm mà phải là
người hát tình ca.
Đêm nay, mỗi khuôn mặt bừng sáng như một
mặt trăng gợi lên trong tôi nỗi xôn xao về một mùa Giêng đơm
đầy những chồi lộc dệt từ hàng ngàn ánh nến. Nó khơi dậy trong trái
tim
tuổi trẻ niềm yêu đời và cả lòng tin nơi xứ sở mà mình đang sống.
Nếu đứng ở trên bờ nhìn xuống, thì thật khó nhận ra giữa dòng sông ấy đang có
thuyền hoa chở người. Cứ như bao nhiêu khuôn mặt đã
thành bấy nhiêu bông đèn chấm đỏ hòa lẫn trên mặt nước.
Sông đêm dùng dằng, níu lại đôi bờ gần
hơn khiến hai nhà thả hoa ở bờ nam bờ bắc như úp mặt vào nhau, đối diện
theo kiểu một bên là hình, bên kia là ảnh trong nghi thức soi gương của
những người cầu toàn luôn muốn chau chuốt cho mình. Thị xã đã tự làm đẹp mình
lên bằng cái vốn liếng sẵn có là lịch sử, rồi mỗi thế hệ đi qua đắp bồi, điểm
phấn hoa thơm và tô son lửa hồng.
Những gợn sóng đánh loáng màu lửa tạo cho mặt sông thành một thảm vàng rực cháy.
Thuyền cập bến sau khi
đã thả nốt những ngọn đèn cuối cùng. Mọi người bước lên bờ với nỗi khoan
khoái toại nguyện, dường như ai nấy đều cảm thấy mình vừa được tham gia vào một
lễ hội của ánh sáng. Và họ mang về nhà khuôn mặt rạng rỡ của
mình như một chút lộc đầu năm mà dòng sông và ánh lửa đã trao gửi.
HCD