Văn hóa và... tha hóa
Tác giả: Thái Nam Thắng
Giọt nước chảy lâu cũng làm thủng cối đá. Nhiều
cái "bất mãn" nhỏ sẽ trở thành một cái "bất mãn" lớn.
Nhiều sự tha hoá nhỏ sẽ trở thành một sự tha hoá lớn. Mà văn hoá thì nhất
định không thể là tha hoá...
Một xã hội "đói" và "túng"
Tục ngữ có câu "Đói
ăn vụng, túng làm càn". Một xã hội mà người ta ăn
vụng ăn trộm với nhau bằng nhiều cách là một xã hội "đói". Một
xã hội mà người ta làm liều bằng mọi cách bất chấp hậu quả là một xã hội "túng".
Trong đời sống xã hội, nếu cái gì đó cứ nhân lên theo
chiều hướng "đói" và "túng" thì sẽ ẩn chứa những bất ổn.
Và thật trớ trêu, khi
cùng với chủ đề "ăn vụng", "làm càn", người Việt mình lại nói như "trách" với kẻ
"ăn vụng" rằng, đồ... ăn vụng không biết đường chùi mép. Thế là không biết từ
bao giờ, cái thói ăn vụng trở thành chuyện của "kỹ xảo", "tiểu xảo", với ngầm ý
rằng, phàm ăn bất cứ thứ gì cũng phải biết chùi sạch mép, kẻ nào không biết làm
điều đó là kẻ ngu.
Điều này cũng tương tự
như quan niệm "xấu che tốt khoe". Vì vậy, cái xấu, thay vì được điều chỉnh cho tốt đẹp lên thì nó
lại bị "che", "chùi" đi cho sạch dấu vết. Trong đời sống ứng
xử, cái được dư luận xã hội nói và bàn nhiều, hẳn cái đó đang thuộc dạng "có vấn
đề". Nhưng nói một cách khác, bóng bẩy- người ta lại
cho là "lên ngôi". Gần đây rộ lên chủ đề về cái ác, sự vô cảm, gian dối...
Chính bởi tâm lý "che
giấu" và hành vi chùi sạch dấu vết ấy mà văn hoá tự
chịu trách nhiệm bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Khi không có văn hoá này thì không có luôn văn hoá xin lỗi, văn hoá
từ chức.
Trong tương quan nhân quả
(tốt - xấu), không có văn hoá từ chức thì thói vô trách nhiệm, thói lộng hành sẽ
thắng thế. Ai cũng rõ, có những chuyện người dân phải thốt lên: "Sao ông ấy
làm nhiều chuyện sai trái vậy mà không thấy ông ấy từ chức?".
Nhưng thực tế không những
chẳng có sự xấu hổ xin từ chức nào mà những người dám nói thẳng, nói thật còn bị
trù dập, trả đũa công khai. Thế là
người ta lại ví "ếch chết tại miệng". Rồi từ những cái
"chết" bất thường ấy mà không ít người mang trong mình một nỗi sợ hãi khi phải
đối mặt với nạn tham nhũng, lạm quyền.
Một khi người ta không
còn dám nói lên tiếng nói của mình mình, không nghĩ bằng cái đầu của mình, không
nghe bằng đôi tai của mình, không đi bằng đôi chân của
mình, thì dĩ nhiên thói nịnh bợ để tiến thân, thói cầu toàn, an phận sẽ xuất
hiện.
Trước đây, người ta lấy
mệnh Trời ra để đe nẹt con người, rằng phải biết sợ Trời. Trời
là quyền lực tối cao. Trời sinh ra đế vương và cử họ
xuống để trị dân.
Nhà nước, chính quyền cũng là những đại diện của... Trời.
Thần thánh trong thiên hạ cũng được các đế vương phong làm thần để ban ơn hay
giáng họa cho con người. Nói chung, lúc nào cũng có sẵn
một thứ quyền lực siêu hình sẵn sàng trừng phạt con người.
Đi chung với nỗi sợ hãi thường là
những mâm lễ to nhỏ khác nhau mà người ta đội đến để cầu xin thánh thần.
Không ít người nghĩ rằng ở đời hễ cứ đưa nhiều lễ thì việc sẽ mau thành, thế nên
muốn thần thánh phù giúp thì cũng phải làm như vậy.
Nhằm che giấu những giới
hạn về năng lực, về mặc cảm tội lỗi, hèn kém, người ta nghĩ rằng có thể nhờ cậy
thần thánh xoá tội cho, bất kể trong cuộc sống họ làm giả, làm gian, lừa lọc để
kiếm tiền như thế nào. Thần thánh là đấng bảo kê, chỉ cần tin là đủ.
Thay vì người dân ít phải
sợ thần thánh và yên tâm đi ngủ mà không cần đóng cửa, thì nay, thần thánh hiện
diện ở khắp mọi nơi, nhưng người dân vẫn phải mua đủ thứ khoá, tìm đủ mọi cách
để chống trộm.
Tương quan với nạn trộm
cắp ấy, tiếc thay, nạn tham nhũng vẫn là chuyện nổi cộm. Đáng nói những kẻ tham
nhũng này lại đông và có "quyền lực" không khác gì thần thánh, thậm chí chúng
còn tạo cho mình vỏ bọc "công đức" khi xây cả đền cho thần thánh ngự.
Khi con người không tự
thiêng liêng mình thì thần thánh sẽ mất thiêng, bởi ông bà mình đã đúc kết "linh
tại ngã, bất linh tại ngã".
|
Nạn tham nhũng vẫn là
chuyện nổi cộm. Ảnh minh hoạ
|
Xấu che, tốt khoe?
Khi các giá trị bị "mất
thiêng" thì văn hoá ứng xử trở nên thiếu kiềm chế. Điều
này thấy rõ trong văn hoá giao thông.
Đèn hiệu và những quy tắc
giao thông nhắc nhở người ta biết kiềm chế và tuân thủ luật pháp. Nhưng
họ vẫn cứ tranh giành bất cứ khi nào có thể. Giành đường giống như giành
quyền, thậm chí giành cả những quyền được ưu tiên của người khác (như xe cứu thương, cứu hỏa...).
Người phương Tây sang
Việt Nam, họ không vượt đèn đỏ dù đường không có người qua lại, vì từ lâu trong
đầu họ có một ý thức rằng đèn đỏ ấy đã bảo họ dừng lại, dừng lại không chỉ mang an toàn đến cho người khác mà còn giữ an toàn cho chính mình.
Hai cách ứng xử trong
giao thông ấy chỉ ra con đường đi cho tương lai của một quốc gia. Nếu họ không biết dừng lại đúng lúc thì họ sẽ không thể vững vàng mà
đi tiếp được.
Khi ta có đèn xanh để
bước đi thì ta hãy tự hào mà bước đi, vì đó là sự tôn trọng của công lý, luật
pháp dành cho ta. Không phải tranh giành hay bợ đỡ, lấy lòng ai để đi cả.
Luật pháp phải cho người dân biết họ được làm gì và không được làm gì. Muốn thế luật pháp ấy phải công bằng, và những người thực thi nó
phải công khai, minh bạch.
Minh bạch thì sòng phòng
trong xây dựng "thương hiệu", không phải đánh bóng tên tuổi bằng cái "mặt tiền
ảo". Đáng tiếc, cái "văn hoá mặt tiền" của người Việt
đang chệch hướng bởi chính quan niệm "xấu che, tốt khoe".
Không ít ngôi nhà có vẻ
ngoài hào nhoáng, nhưng bên trong thì nhếch nhác, thiếu tiện nghi và nhà vệ sinh
thì khá ô uế. Cứ
nhìn vào nhà vệ sinh của những trường đại học, nơi xuất xưởng những trí thức
tương lai của dân tộc thì sẽ rõ.
Họ sợ bẩn đến mức không
dám cùng nhau giữ gìn vệ sinh chung đã đành, mà còn làm
bẩn thêm để tra tấn chính nỗi sợ bẩn của mình. Câu ví "cha
chung không ai khóc" phản ánh thói tư lợi, ít nghĩ đến việc chung của
người Việt mình.
Không chỉ có thế, người
viết từng chứng kiến một phụ nữ ăn mặc sang trọng đến
dự lễ tốt nghiệp của bạn bè (hay người thân gì đó). Khi mua
hoa để tặng, cô ta dùng chân đá hờ vào bó hoa và hất hàm hỏi "bó này giá bao
nhiêu?"...
Ngay cả ở cái chỗ cần sự
trân trọng và lòng thành với cái đẹp cũng chỉ đáng để người ta "đá chân" cho
xong thủ tục, thì chả trách gì những vụ cướp hoa, giẫm đạp lên hoa cứ thản nhiên
diễn ra ở một số lễ hội tôn vinh cái đẹp.
Trong văn hoá, giữa cái
được và cái mất, người Việt mình ít nhìn xa, mà chỉ nhìn vào những cái lợi trước
mắt. Cứ nhìn vào một số di sản tinh thần thiêng liêng, gắn bó lâu đời
với tâm hồn, tình cảm của người Việt như chùa Hương, Yên Tử, đền Trần sẽ thấy
ngay.
Người ta đang thương mại
và hiện đại hoá lễ hội một cách vô tội vạ, từ việc xây mới các công trình xa lạ
với thẩm mỹ người Việt, đến việc dựng cáp treo, bày biện hàng quán với đủ thứ
thịt rừng, rượu bia để hút khách...
Có bài báo viết, "Việt
Nam không phải là một chiến trường". Bài viết khá hay, nhưng sao lâu nay người ta vẫn
cứ nhìn mình như đang ở tình trạng... chiến tranh?
Chiến tranh khiến người
dân trở nên mất an
toàn. Dư luận xã hội từng đau xót khi so sánh, đất nước không
có chiến tranh mà mỗi năm hơn 10 ngàn người phải chết vì tại nạn giao thông.
Không nên nhầm lẫn giữa
chiến tranh bảo vệ chủ quyền và thói bạo lực, vô cảm làm tổn hại nhiều nhân
mạng. Nhưng một khi con người chỉ vì mục đích đạt "lợi
nhuận" (GDP) cho mỗi nhiệm kỳ, mà quay lưng lại với lợi ích của dân, thì "chiến
tranh", xung đột nào phải đã lùi xa.
Văn hóa và phản văn hóa
gần nhau trong gang tấc
Nhìn một cách tương quan
hơn sẽ thấy, chiến tranh đâu chỉ diễn ra giữa người với người mà còn giữa người
và tự nhiên vạn vật. Cái thói quen ăn nhậu,
được diễn giải như một thứ văn hoá "nam vô tửu như cờ vô phong", không chỉ ăn
sâu trong luỹ tre làng, mà ngay cả những giới văn sĩ, trí thức.
Cứ hội họp là mặt đỏ
phừng phừng với đủ mọi loại tranh cãi, lý luận... Gần như không chừa một loại
thịt thú rừng, bò sát, côn trùng nào, cứ ăn được là sẽ lên bàn nhậu, kể cả con
chó nuôi trong nhà, hứng lên cũng kiếm cớ vì nó... ngu, để lôi ra làm thịt.
Cái thói quen xẻ thịt thú
rừng, xẻ thịt tự nhiên để "ăn nhậu" phổ biến như thế thì việc người với người dễ
"oánh nhau", thậm chí sát hại nhau chỉ vì những cái cớ rất vớ vẩn, đôi khi cũng
chỉ cách trong gang tấc.
Không chỉ có thế, với thù
oán người mình không "cởi" mà thường "kết", thế nên ngay cả trẻ con cũng nói với
nhau rằng "quân tử báo thù mười năm chưa muộn". Mới hay cái tâm lý báo thù ấy
luôn sẵn sàng được nuôi dưỡng trong ý chí, đầu óc, để gặp dịp là xuống
tay tàn độc với nhau.
Người Việt mình cũng ưa
chụm đầu thù tạc, chuyện hơn kém hay dở của người miền này, miền kia và bắt đầu
cho những "cuộc chiến" về ý thức sắc tộc, vùng miền, dòng họ...
Đi với nó là sự tự tôn thái quá, thấy cái gì của mình cũng là hay của người khác
là dở. Đó là chưa kể đến những cuộc đua chen
xây mồ to mả đẹp, nhà thờ họ hùng vĩ... theo kiểu "con gà tức nhau tiếng gáy".
Ai cũng muốn phần hơn,
tốt, phấn phát về mình nên nghĩ việc chọn đất chọn cát, biến những mảnh đất tốt
đẹp để đặt xác chết, để lo việc phát tài, phát lộc, phát quan tới muôn đời (mà
thực tế thì chưa từng xảy ra chuyện đó). Trong khi những nơi xanh tươi như rừng núi, sông hồ thì tha hồ
khai thác đủ các loại sản vật để thu
lợi. Và việc thu lợi bất chấp hậu quả ấy lại được "hợp thức hoá" bằng những từ
như "mả phát", "trời cho ăn lộc"...
Có nhiều những chuyện cần
phải chỉnh sửa ngay như: Ô nhiễm môi trường; nhà cửa, đường phố nhếch nhác bẩn
thỉu; tiểu tiện giữa đường, ít quan tâm đến vệ sinh công cộng...
Văn hoá và phản văn hoá gần nhau trong gang tấc.
Quán cơm vỉa hè là một
nét văn hoá đặc thù, nhưng nếu bao nhiêu cái bát bẩn cũng cứ rửa chung một chậu,
thức ăn để gần cống rãnh, khách ngồi ăn vứt rác, vứt xương, vứt vỏ ốc... đầy
dưới chân mình, thì nhất đinh nó không còn là văn hoá nữa mà là sự ô uế, bẩn
thỉu.
Thói quen ăn nhậu bất kể
giờ giấc cũng tạo thêm sự bất lương cho những loại thực phẩm kém chất lượng tràn
lan. Bởi khi những con ma men không còn có đủ ngũ quan tinh tường để nhận ra đâu là thịt thối đâu là thức
ăn, thì bọn vô lương sẽ lợi dụng để tuồn hàng "độc".
Khi độc hại được tẩm vào
bất cứ loại thực phẩm nào, thì sự giả dối, lừa lọc lên ngôi. Đúng với câu nói "bệnh tự miệng mà vào".
Tuy nhiên, có điều người ta phải mất tiền, mất công, mất sức, mất thời gian để
đưa những thứ độc hại ấy vào cơ thể, chỉ vì không nhận ra được lòng người đã độc
đến mức không còn thuốc tẩy độc.
Trong thời đại công nghệ
thông tin, không thể không nhắc đến cái văn hoá cả tin. Đọc gì,
nghe gì cũng có thể cho ra một thứ "cả tin" khó giải thích.
Lâu ngày tạo ra một loại "văn hoá tin đồn".
Tiếc thay, thói cả tin ấy cũng có sự "cổ vũ" của báo chí, với những loại tin tức
không chính xác, những loại tin tức chỉ phục vụ cho những chuyện ở dưới cái đầu...
Giọt nước chảy lâu cũng
làm thủng cối đá. Nhiều
cái "bất mãn" nhỏ sẽ trở thành một cái "bất mãn" lớn.
Nhiều sự tha hoá nhỏ sẽ trở thành một sự tha hoá lớn. Mà văn hoá thì nhất
định không thể là tha hoá...
Theo tuanvietnam.net