Loài Hoa Quý

Loài Hoa Quý

Chiêu Hoàng

Trong kinh Phật có nói về một lòai hoa tên gọi là "Hoa Ưu Đàm", một ngàn năm mới nở một lần, vì vậy nó rất hiếm quý. Tôi trộm nghĩ ngòai sự hiếm quý, hẳn là nó rất đẹp. Tôi chưa bao giờ có cơ duyên nhìn thấy một đóa hoa nào như thế, dĩ nhiên, vì thọ mạng của một kiếp người dài nhất chỉ có một trăm năm thôi, phải đợi mười kiếp mới có thể gặp được đóa hoa hiếm quý như thế. Dẫu vậy, cũng chẳng ai có thể biết được đóa hoa Ưu Đàm hình thù ra sao, chắc nó chỉ hiện hữu trên những từng trời mà thôi. Nếu vậy, một ngàn năm thọ mạng của chư thiên so với ngàn năm của kiếp người thì hẳn là rất dài…, rất dài….


Thế mà tôi vẫn thấy còn một lòai hoa hiếm quý, thơm ngát hương hơn. Lòai hoa này đã nở hơn 2500 nay rồi. Đó là đức Phật đã khởi bi tâm thị hiện xuống cõi Ta-bà này để cứu độ chúng sanh. Dù ngài đã tịch diệt, nhưng hương thơm của giáo pháp ngài vẫn lan tràn thơm ngát khắp nơi. vì vậy mỗi năm, tất cả các chùa chiền, từ trong nước tới ngòai nước đều tổ chức ngày Phật đản rất long trọng, tổ chức để tạ ơn tấm lòng đại từ, đại bi của Ngài vì nghĩ đến sự đau khổ của tất cả chúng sanh mà thị hiện nhục thân, rồi để lại giáo pháp như một đóa hoa hiếm quý thơm ngát xuyên suốt thời gian, không gian mà sự quý giá nhất của đóa hoa ấy ngày càng tỏa hương lan rộng khắp mọi nơi, mọi chốn. Giáo pháp của Ngài cũng tựa như đóa hoa muôn sắc rực rỡ như thế. Một Đại-Biểu-Liên-Hoa nở rộng suốt cõi Ta-bà này.


Tôi không bao giờ quên được những ngày ấu thơ, được mẹ đưa lên chùa trong những dịp lễ lớn. Ngày lễ lớn nhất mà tôi có thể nhớ là ngày Phật đản. Trên chùa tấp nập biết bao nhiêu người. Người nào cũng bận bịu, nhưng hình ảnh ăn sâu mãi trong tôi ở chùa là hai nơi. Một là khung cảnh nhà bếp với một "đội quân" làm việc rất nhịp nhàng, ồn ào, náo động. Người lo thổi cơm, rửa rau, nấu nướng những món ăn trong những nồi lớn bằng cả người tôi chui vào ngồi lom khom cũng còn lọt. Các món ăn mới tuyệt vời làm sao, dù tất cả chỉ tòan là rau, cải, đậu hũ, tương, chao v.v.. Nhưng dưới những bàn tay khéo léo của các dì, các bác và ngay cả những "chị lớn" đã biến những món ăn chay ngon tuyệt vời. Tôi thích nhất trong những lúc đói bụng, cứ hay quanh quẩn trong khu nhà bếp. Bác Tư hiểu ý, nhét vào tay tôi miếng khoai lang nhỏ rồi âu yếm mắng khéo rắng: "Lại đói rồi phải không? Cái con bé này, đáng lý phải giúp bác Tư mới đúng chứ! Đây, có củ khoai nhỏ này con ăn đỡ đi, chừng lễ xong rồi tha hồ mà ăn". Tôi sung sướng đỡ lấy củ khoai lang nhỏ chạy bắn ra ngoài hiên nhập cùng với đám bạn tiếp tục chơi nhảy dây, ca hát.


Khung cảnh thứ hai là trong chánh điện, rộng lớn và trang nghiêm làm sao! Người ngồi san sát như nêm, như cối. Do sự dẫn tụng của vị đạo sư trụ trì (mà tôi thường gọi là Sư Ông) sau hồi chuông trống bát nhã. Sư Ông bắt đầu kể về Đức Phật, về cuộc đời nửa thật, nửa huyền thọai của Ngài. Dẫu tôi đã nghe nhiều lần, nhưng lần nào tôi cũng chăm chú nghe và bị lôi cuốn như mới nghe lần đầu. Tôi yêu thích nhất đoạn Hoàng hậu Maya một hôm nằm mơ thấy con voi sáu ngà bỗng từ trời sa xuống nhập vào thân mình, chung quanh chan hòa những hào quang sáng rực như ngày hội hoa đăng. Hoàng hậu bàng hòang tỉnh dậy, ngài nghe đâu đây một mùi hương thơm ngát và những quang minh vẫn còn rơi rớt quanh đây... Rồi tới ngày đức Phật đản sanh, thật tuyệt vời và kỳ diệu làm sao. Hoàng hậu vịn vào cành cây Vô Ưu trong khi đức Phật với gót sen quý đã bước đi bảy bước, mỗi bước đi có một đóa sen nâng bước chân Ngài, lúc đó ngài đã thốt lên một câu bất hủ "Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn."


Mùa Phật đản ngày nay, không còn là một ngày lễ tôn giáo thuần túy nữa, mà dường như đó còn là một ngày hội lớn của người con Phật. Một lễ hội nói về một đóa hoa quý không bao giờ tàn sau bao nhiêu ngàn năm vẫn còn để lại hương thơm của pháp, đem lại sự bình an, hạnh phúc cho tất cả.

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle