Hồn Huế nơi phố thị

hon hue

Khát vọng làm thỏa lòng thế hệ trước và gìn giữ cho thế hệ sau đã tạo thành động lực cho suốt bảy năm kiên trì để hiện thực hóa dự án và nhiều năm sau nữa để bảo quản và lưu truyền công trình có một không hai này...

 

Khuôn viên phía sau quán bún bò Huế Ngọc Dung, quán ăn nổi tiếng nhất khu vực Thủ Đức chuyên bán bún bò và các món ăn Huế, và là điểm dừng chân của rất nhiều đoàn khách du lịch, chiều cuối năm rộn rã tiếng cười nói.

Không phải tiếng của thực khách ngoài kia, mà là những cô, cậu học trò đang í ới gọi nhau trong khoảng vườn rộng hơn 1.000m2 đầy cây xanh này.

Vừa trầm trồ, các cô, cậu bé vừa chỉ cho nhau xem này là cầu tràng tiền, này là kỳ đài, kia là Hồ Thái Dịch, Tử Cấm Thành, Điện Cần Chánh..., xa hơn một chút là chùa Thiên Mụ, lăng Tự Đức... Tất cả đều hiện diện rất thật ngay tại TP.HCM, với tỷ lệ 1/700.

“Tiếc là tôi không có điều kiện mua được đất rộng hơn, nên phải thu nhỏ công trình đến tỷ lệ này. Cũng may, với kích thước ấy, vẫn có thể phóng tác nguyên bản kinh thành Huế ngày xưa”, TS. Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Quản trị Tri thức, người đã “thu nhỏ” Huế mang vào TP.HCM, than thở.

Theo chân anh dạo khắp một lượt các công trình, sự tỉ mỉ của người chế tác dễ khiến người xem bất ngờ.

Cả công trình chia làm nhiều khối: khối công trình kiến trúc, khối lăng tẩm..., tất cả đều được làm bằng bột đá kết hợp với cây cối thiên nhiên tạo nên một quần thể kiến trúc hoàn chỉnh của kinh thành Huế cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX với Long chầu, Hổ phục, Hội tụ Minh đường...

Anh Tùng chia sẻ, phải mất nhiều năm nghiên cứu cha ông mới xây dựng nên một cố đô hoành tráng đến mức UNESCO cũng phải công nhận là di sản văn hóa.

Nhưng không phải ai cũng có điều kiện đến để ngắm nhìn. Với những người xa quê, hình ảnh Huế cũng nằm trong hoài niệm...

Xuôi theo dòng hoài niệm của anh từ thủa theo cha mẹ về sống ở Sài Gòn, dễ bắt gặp hình ảnh của anh khi còn nhỏ.

Chỉ vài năm sống ở Huế, những nét thâm trầm của đất Thần Kinh chưa kịp ngấm vào anh, nhưng sự khắc khoải của người xa quê thì anh đã được đọc hằng ngày trong đôi mắt mẹ cha.

Lớn lên, gieo bước chân đi ngàn hướng ở trời Tây, anh mới bắt đầu hiểu những day dứt ấy mang hình dáng thế nào. Vậy nên, khi về nước, đi làm, có điều kiện là anh bắt tay ngay vào hiện thực hóa ý tưởng của mình.

Hai năm nghiên cứu, thiết kế, rồi mất thêm 5 năm nữa tỉ mẩn với từng cái cột, từng bức thành, trồng từng cái cây..., công trình Huế thu nhỏ của anh mới thành hình, toàn vẹn cả những phần đã đổ nát và không còn trên thực tế.

“Nếu không có những người bà con từ Huế vào thi công, chắc tôi cũng không nuôi nổi thợ trong ngần ấy năm trời”, anh cho biết. Tuy nhiên, người thợ thi công bỏ sức một thì anh phải bỏ sức mười.

Là dân công nghệ, ngoại đạo với kiến trúc, muốn vẽ được một công trình lịch sử chuẩn xác, anh phải tham khảo rất nhiều tư liệu. Hầu như anh tận dụng mọi cơ hội để trao đổi với các giáo sư, các nhà nghiên cứu chuyên ngành... để có thể hoàn thiện bản vẽ.

Ngày hoàn thành công trình, nhìn ánh mắt mẹ rưng rưng, thấy cha trầm trồ, anh không khỏi tự hào. Rồi tự hỏi, sao mình không nhân niềm vui ấy lên, chia sẻ với mọi người?

Từ đó, anh mở cửa sơn trang của mình, tiếp đón khách đến thăm. khách của anh là những cô, cậu bé học sinh tiểu học được nhà trường đưa đến tham quan để hiểu rõ hơn những lý thuyết lịch sử kinh thành Huế đã được học; là những nghiên cứu sinh tìm tư liệu hình ảnh phục vụ cho công trình..., và cả những chuyên gia đến để xem Huế “giả” có thật!

“Ngày xưa, khi tôi bắt tay làm, ai cũng bảo tôi gàn nhưng may là đến bây giờ, khi công trình được mọi người chiêm ngắm, tôi đã gột rửa được tiếng gàn và chưa thấy ai chê trách công trình”, anh chia sẻ.

Năm năm qua, anh đã tiếp hàng ngàn lượt khách, đoàn nào đến, nếu không bận việc, anh đều gắng sắp xếp thời gian để tự mình thuyết trình, chia sẻ và hướng dẫn cụ thể.

Để các bạn nhỏ cảm nhận toàn diện về văn hóa Huế xưa, anh dựng cả nhà rường, tổ chức diễn Nhã nhạc cung đình cho các em thị phạm. Và người trình diễn chính là anh cùng mẹ, nghệ nhân Ngọc Dung.

Anh khoe: “Cả nhà tôi, từ cha mẹ đến các em, các con tôi... đều chung lòng gìn giữ công trình này và cố gắng giới thiệu văn hóa truyền thống Huế đến mọi người”.

“Khi nói về cái mình yêu thích, dốc tâm sức gây dựng nên..., ai cũng sẽ như tôi cả thôi. Việc mang cái nhìn cụ thể về lịch sử đến cho thế hệ trẻ khiến tôi thấy mình thực sự có ích”, anh bảo vậy.

Hỏi anh, ngoài làm hướng dẫn viên lịch sử, anh còn yêu thích điều gì? Anh mỉm cười, chỉ tay về hướng Viện Quản trị tri thức, nơi anh cùng những người đồng chí hướng lập nên nhằm giảng dạy kỹ năng cho các giám đốc điều hành, hướng dẫn kỹ năng sống cho giới trẻ. Ớ đó, mỗi sáng cuối tuần anh làm ông giáo, nói chuyện, khơi dậy tiềm năng nơi học sinh, sinh viên... với tất cả nhiệt tình.
 


MINH KHUÊ

Theo DNSG

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác