Bút ký của Hoàng
Công Danh
Đối với những ai xa xứ thì tết là một nỗi trống huơ trống hoắc
trong cõi lòng mình. Hướng về quê hương bản quán mà
không khỏi bùi ngùi, đến lúc ấy mới thấm thía hai chữ “cố quận”. Chao ôi, hình như ngày tết cũng là dịp để đánh thức dậy trong lòng
người một thứ tình cảm sâu nặng với cội nguồn dân tộc.
Tôi có ba năm ăn tết xa quê, khi mới chập chững bước
qua tuổi hai mươi, cái tuổi dễ lay động và chạm khẽ một chút gì là rơi ngay nước
mắt. Đó là thời sinh viên ở Minsk, thủ đô Belarus. Nhớ ngày chia
tay lên đường bay sang xứ sở xa lạ, cả nhà dặn dò tết về nghe con tết về
nghe cháu. Tôi gật đầu, cố tỏ ra vui, nói dạ hai lăm tháng Chạp con về, cả nhà
ra sân bay đón nghe. Hứa là hứa vậy chứ tôi biết rõ ràng tết đâu có được về nước,
học liên tục ba năm cho đến lúc tốt nghiệp luôn. Nhưng vì muốn trong nhà yên tâm
nên trước ngày lên đường tôi phải nói dối là tết nào nhà nước cũng cấp vé máy
bay cho về. Cả nhà nói ờ rứa thì tốt, cũng giống như học trong
Sài gòn thôi, xa xôi chi đâu. Ngay lúc máy bay cất cánh, tôi nghĩ rằng
trước mắt là ba cái tết mình không được đoàn tụ ở nhà. Và tự dưng đưa
tay lên quệt ngang chân mày.
Chúng tôi sang Minsk mùa thu, giữa tháng bảy âm lịch,
thì năm tháng sau đã đến tết cổ truyền. Năm tháng đã quen với
lối sống, nhịp sống của người ta, có thể hoà đồng với dân bản địa. Thế mà
ngày tết tự dưng thấy lạc lõng quá chừng, tưởng như đây không phải là thủ đô
Minsk nữa, vắng ngắt. Cũng đúng thôi, bởi những ngày ấy chúng tôi đang sống
trong miền tâm tưởng hướng về quê nhà, với sự rộn ràng chuẩn bị đón xuân.
Nhóm sinh viên Việt Nam đón giao
thừa tại Minsk. (Nhìn kỹ có tui đó)
Năm nào cũng thế, lúc ở Việt Nam mình đón tết cổ truyền thì ở Minsk đang giữa
mùa tuyết lạnh, mà lại đúng vào kỳ tuyết rơi mạnh nhất, nhiệt độ xuống dưới ba
mươi độ âm. Lạnh khiếp lắm, bên ngoài đã lạnh, còn thêm tê tái
tới tận trong lòng vì nỗi nhớ. Sinh viên được nghỉ hai
tuần sau học kỳ I, gọi là nghỉ đông, thường trùng vào những ngày nguyên đán của
tết Việt. Nếu năm nào nghỉ đông sớm hơn thì nhà trường cho phép chúng tôi
được ở nhà thêm một tuần nữa để ăn tết cổ truyền. Nước
Nga nói chung và Belarus nói riêng rất tôn trọng nếp văn hoá người Việt, và vì
thế hễ ở Việt Nam mình có dịp lễ nào quan trọng thì họ đều chúc mừng, rồi tạo
điều kiện cho sinh viên được đón lễ thật chu đáo.
Quãng từ hai mươi tháng Chạp âm lịch, lũ sinh viên lại chộn rộn. Đứa gọi điện thoại về nhà hỏi cây
mai trước sân nhà mình nở chưa ba; đứa lên mạng viết email nói anh gửi cho em
mấy bức ảnh nhà mình chuẩn bị tết, chụp cái ảnh bàn thờ tổ tiên nữa nhé, nhớ cái
lư hương xông khói thơm phức quá à; đứa lại mở yahoo chát chít hỏi bạn đã sắm áo
mới chưa, cái hình mặt cười yahoo trở nên tội nghiệp. Không khí đón tết cứ thế gửi qua bằng đường truyền tín hiệu điện tử.
Mọi hình ảnh màu mè trang trí, rồi tiếng rột roạt xếp lá gói bánh
chưng… đều được chụp ảnh, quay video ngắn gửi qua. Riêng hương
thơm thì không biết gửi cách nào cả. Đành chắm mắt vào màn hình
vi tính, sấn cái mũi tới như muốn hít hít hương thơm nhuỵ đỗ xanh lèn
thịt mỡ hành.
Ký túc xá (thường gọi tắt bằng tiếng Nga là
ốp) nơi tôi sống nằm bên dòng sông Svislach. Mùa này cả thành
phố phủ tuyết trắng và dòng sông thì đông cứng lại thành một tảng băng đóng chặt
hai bờ kè. Ngoài đường vắng ngắt, sinh viên địa phương ở trong
ốp về nhà nghỉ đông hết, sinh viên Trung Quốc cũng nhảy tàu về nước ăn tết, chỉ
còn lại lèo tèo dăm bảy đứa sinh viên Việt Nam thôi.
Thế là mấy đứa cũng bày ra chuẩn bị tết cho vui, đúng ra là cho đỡ buồn, đỡ nhớ
nhà chớ vui chi nổi.
Một bạn gái người Huế đảm đang, gọt cà rốt khoai tây làm mứt.
Vừa làm vừa bày cho mấy bạn gái khác, nói hồi ở nhà mẹ mình
dạy cắt thế này này, không quá mỏng cũng đừng quá dày. Nói xong nước mắt
ràn rụa, nhớ mẹ quá tụi bây ơi, chừ ở nhà chắc mẹ cũng đang rán mứt. Mấy đứa con
trai thì lội tuyết đi ra khóm rừng kiếm một xương cây khô đem vào làm cành hoa.
Chúng tôi toàn dân miền Trung nên thống nhất làm hoa mai.
Bốn đứa nhảy lên ngồi tót trên giường, đứa xếp giấy, đứa cắt, đứa dán lại, đứa
đính vào cành. Vừa làm vừa mở mấy bài nhạc xuân nghe. Đến cái đoạn giọng ca Duy Khánh cất lên
“con biết bây giờ mẹ chờ mong con, khi thấy mai đào nở vàng bên nương”
thì đứa nào cũng rấm rứt rồi khóc ngon lành.
Khác với hồi ở nhà, đến tết thể nào cũng có chí ít là cái áo hay chiếc quần mới,
còn tết ở đây thì không đứa nào sắm sửa ăn mặc chi cả. Tết ở mình chỉ riêng cái việc đi ướm đồ tết
thôi đã là một thú vui, vì được ra chợ chen lấn với người ta. Lại nhớ hồi nhỏ hai tám Chạp là mạ dắt tay ra chợ, mua cho cái áo mừng húm. Giờ sang Minsk chẳng còn
bàn tay mạ săn sóc nữa, chẳng có ai đi sắm đồ mặc như
mình, nên đành thôi.
Những ngày cuối cùng của năm cũ, ở xa quê, bạn bè hay tụ lại làm lặt vặt hoặc
ngồi nói chuyện. Xích lại gần nhau chút nữa cho bớt lạnh, bớt
hoang hoải giữa mùa tuyết. Pha một ấm trà, đem
mứt vừa rim xong lên bày ra dĩa. Thưởng thức tết sớm.
Có đứa nghe kể chuyện tết mà đâm ra tủi thân, trùm chăn nằm thút thít. Cũng có
đứa được nhận quà từ bên nhà gửi sang. Thường là tụi con gái có người yêu ở nhà
chờ đợi, chứ lũ con trai như chúng tôi thì ít khi được quà. Có đứa nhận
được con gấu bông to đùng, trước bụng có đính trái tim hồng. Cũng an
ủi đôi chút. Đứa thì nhận được bịch dăm bông, đem chia ra cho bạn bè kẹp ăn bánh mì. Đứa nào quà chưa đến thì cứ
chạy lên chạy xuống cửa ốp coi bưu điện gửi giấy báo đến chưa. Món quà
tôi nhận duy nhất trong ba năm ở Minsk là hai cuốn tạp chí Cửa Việt số xuân do
toà soạn gửi sang biếu. Không ăn được nhưng mà vui, ngửi mùi những con chữ ngập tràn thông
điệp vui vẻ ấm áp.
Thật ra, tuy ở xa nhưng quà bánh ngày tết chúng tôi vẫn có thể
sắm được một ít. Chỉ cần nhảy lên tàu đi chừng hai mươi
phút về chợ Rờ-đan-nô-vích-chi, ở đấy có một quầy hàng bán đồ Việt quanh năm,
vào dịp tết thì có thêm mứt gừng, một vài thứ mứt trái cây.
Chúng tôi xách ba lô mua nếp, đậu xanh bóc vỏ, nước mắm, ớt
chỉ thiên dầm nước mắm, và không quên mua thêm nhang với xấp giấy tiền vàng bạc.
Chợ này nằm ngoại ô thành phố, có rất nhiều người Việt qua đây bán buôn nên về
đó lần nào chúng tôi cũng gặp lại đồng hương. Đến tết,
đa số các bác các cô cũng ở lại vì còn giữ quầy hàng, với lại sống mười mấy cái
tết ở đây cũng quen rồi. Một chủ quán phở người Vĩnh
Phúc nói như thế với chúng tôi. Thế là chúng tôi cũng
có một chuyến đi chợ tết, có mua hàng cúng quảy, có hàn huyên tâm sự.
Chiều hai chín tết, tôi cùng hai người bạn Huế ở cùng phòng tổ
chức tất niên trước. Ba thằng đàn ông vào bếp, loay
hoay nấu nướng. Ai nói đàn ông vụng về chứ chúng tôi vì phải tự nấu ăn
hằng ngày nên cũng khéo tay. Nấu một nồi xôi nếp dẻo, một nồi chè đậu xanh bóc vỏ. Thịt gà
người ta đã sơ chế, đem về để nguyên con, bôi một lớp bơ
mỏng rồi cho vào lò nướng. Rồi thêm món thịt bò sốt cà chua,
thịt bò xào nấm. Mùa lạnh nên món nào cũng thấy có thịt; rau ráng hiếm và
đắt đỏ, chỉ mua một ít rau xà lách ăn kẹp thôi. Bánh chưng
bánh tét không có, vì chúng tôi không kiếm được lá gói, với lại trong ký túc xá
sử dụng bếp điện, mà bánh tết phải nấu bằng củi mới đúng. Muốn có bánh
chưng thì phải đặt trước ở chợ, mỗi cặp giá 20 đô la.
Thôi thì xa quê tết thời thiếu thốn một tí, làm sao đầy đủ được, miễn lễ bạc
lòng thành.
Nấu nướng xong chúng tôi bày ra bàn, đặt chính giữa phòng.
Lấy chén gạo đầy làm bát nhang. Hai bên bát nhang thì
đặt cốc rượu với chén nước trà. Rượu trắng thì dùng vodka kristal 40 độ của Nga. Riêng trà thì mua
trà Bắc Thái ở chợ. Một đĩa trái cây gồm chuối, táo,
cam, và đặt lên đó thếp giấy vàng bạc. Mâm cỗ tất niên
vừa có thức Việt lẫn thức Nga, thì cũng là một cách hòa nhập văn hóa.
Trong ốp cấm hút thuốc lá nên mỗi phòng đều có lắp một hệ
thống báo khói.
Chúng tôi nồng nồng nhau lên tháo pin ra để cái chuông không bắt tín hiệu rồi
mới dám thắp nhang. Nhang thắp, khói xông lên, tôi thay mặt đứng ra làm chủ lễ.
Học theo cách ông nội hay cúng hồi ở nhà, nhắm mắt lại
khấn thầm trong miệng. Hai đứa bạn đứng hai bên bàn, nghiêm
trang. Khấn xong thì hai đứa vào lạy.
Đấy là những phút giây thiêng liêng nhất. Ngoài trời đã
tối, chúng tôi tắt luôn điện trong phòng, chỉ thắp lên mấy cây nến. Làm như thế để tạo một không gian cổ kính, và cũng để mắt đứa nào có
rơm rớm thì cứ tự nhiên mà khóc. Nhìn mâm cỗ trong ánh nến sáng lờ mờ,
ngỡ như đang ở nhà. Khói nhang xông lên thơm, ba đứa im
lặng ngồi chờ nhang tàn, không nói được lời nào, mỗi đứa đang tưởng tượng về
những cái tết hồi trước.
Tàn hết tuần nhang, chúng tôi hóa vàng thếp giấy tiền.
Xong, gói tro tàn và chân nhang đem xuống phía sau nhà, đặt vào một gốc cây.
Ba đứa ngồi quanh mâm, vốc nắm xôi, nhấm chén rượu rồi nói
chuyện.
Đứa nào cũng kể lại tuổi thơ của mình, chuyện bỏ heo đất để sắm áo quần tết,
chuyện lì xì… Kể trong nỗi xúc động nghẹn ngào.
Lâu lâu lại ngước đầu lên thút thít cho nước mắt chảy lặn vào trong.
Ngày hôm sau, tức là ngày cuối năm, chúng tôi tổ chức đón giao
thừa tại một nơi cách xa ốp mười cây số. Nhóm anh em bạn bè học
chung ở Huế có chừng bốn mươi người. Đúng bảy giờ chiều
ở Minsk, lúc ấy bên Việt Nam là mười hai giờ đêm - khoảnh khắc giao thừa, chúng
tôi nâng cốc chúc mừng năm mới.
Điện thoại từ bên nhà gọi sang,
thế là bật loa ngoài cho tất cả cùng nghe. Thành ra chúng tôi nhận được nhiều lời chúc hơn. Sau đó là
hát hò, nhảy nhót cho đến tận khuya, lúc ở Việt Nam rạng sáng mùng một, mới tan.
Tối mùng một tết, thường lệ đại sứ quán Việt Nam tại Belarus
tổ chức tết cho đồng bào. Tiệc tổ chức tại một hội
trường rộng, ai cũng mặc áo quần đẹp đến đó cùng vui chơi.
Nhưng thực sự với tôi những bữa tiệc đông đúc như thế không mấy hứng thú.
Tết ở xa, tôi chỉ muốn cùng với một nhóm bạn chuẩn bị, bày biện cúng quảy cho ấm
áp và thiêng liêng thôi. Hình như tôi vẫn thuộc về típ
người hướng nội, hoài niệm, kiểu người muôn năm cũ.
Đối với tuổi trẻ của tôi thì ba cái tết ở Minsk là một sự thiếu hụt và hoang
hoải, nhưng nhờ đó mà tôi biết rằng, người Việt dù đi nơi đâu cũng không quên
ngày tết cổ truyền dân tộc, dù có thiếu thốn đến đâu cũng bày biện một mâm cỗ
cúng ông bà. Há chẳng phải đấy là nét đẹp, đáng quý trong tâm
hồn người Việt Nam? Người ta lưu vong nhưng văn hóa không hề lưu lạc,
vong bản.