Nguyễn Duy Nhiên
Ông Henry David Thoreau là một nhà thiên nhiên học và cũng là một nhà văn nổi tiếng của thế kỷ 19. Có lần ông đã
bỏ ra hơn hai năm trời để sống một mình trong một khu rừng vắng tại hồ Walden. Bạn có biết
để làm gì không?
Để
tìm lại chính mình.
Ông chọn một lối sống thanh vắng tĩnh mịch trong suốt hai năm trời ấy để tập sống với những gì đang thật sự có mặt chung
quanh ông, những gì đang xảy ra bây giờ và ở đây.
Ông có viết hồi ký để chia sẻ kinh nghiệm ấy. Ông kể, có những ngày
ông không làm gì hết, chỉ ngồi trước hiên nhà hàng giờ để quan sát và lắng nghe.
Khi mặt trời đi ngang qua không trung, ánh nắng làm thay đổi những bóng dáng của
vạn vật, cây cỏ chung
quanh ông. Đối với
ông những giây phút “không làm gì hết”
ấy lại là những giây phút nhiệm mầu, quý giá nhất trong đời. Ông viết:
“Có những lúc mà tôi
không thể nào hy sinh giờ phút hiện tại nhiệm mầu này cho bất cứ một việc làm
nào khác. Dầu cho đó là việc làm
của chân tay hay của tâm trí gì cũng vậy. Tôi thấy yêu quý cái khoảng không gian thênh thang của cuộc sống
mình.
Có những buổi sáng mùa hạ, sau khi tắm rửa xong, tôi ra ngồi ngoài hiên
nhà từ sáng cho đến trưa, miệt mài vui sống giữa thiên nhiên, với những cây
thông, cây bồ-đào, cây thù-du, trong một không gian tĩnh mịch và vắng lặng, có
những con chim ca hát líu lo thỉnh thoảng lại bay lượn vào nhà trong, cho đến
khi ánh nắng hoàng hôn vàng vọt rọi vào cửa sổ phía tây, hay âm thanh những
chiếc xe ngựa của vài người lữ hành từ ngoài xa vang vọng vào, tôi mới giật mình
sực nhớ đến thời gian trôi qua.
Tôi lớn lên theo
những tiết mùa đến rồi đi, như một cây bắp lớn lên trong đêm, công trình ấy có
giá trị hơn bất cứ một việc gì mà ta có thể thực hiện được bằng tay chân. Thời gian qua không phải là những giây
phút mất đi trong đời tôi, mà ngược lại nó còn quý giá hơn những giờ phút bình
thường khác. Bây giờ tôi mới hiểu được sự thâm thúy của người phương Đông khi họ
nói về sự lặng yên chú ý và sự buông bỏ.
Cuộc sống ở đây phần
nhiều tôi không hề chú ý đến thời gian trôi qua bằng cách nào. Một
ngày đến dường như chỉ để giúp tôi sống sự sống của mình. Khi nãy là buổi sáng và bây giờ trời đã
chiều, tôi chẳng có thành tựu được một việc nào đáng kể hết. Nhưng thay vì ca hát như những con chim,
tôi im lặng mỉm cười với sự may mắn vô tận của mình. Cũng như con chim sẻ
đang đứng trên một nhánh cây bồ-đào ngoài cửa hót líu lo, tôi cũng có những
tiếng cười thầm nho nhỏ cố nén lại trong cái tổ ấm của mình, mà không chừng con
chim sẻ ấy đã nghe thấy rồi.”
Chỉ có vậy thôi
Đa số chúng ta ai cũng có một cuộc sống bận rộn, đầy trách nhiệm,
đâu dễ gì mà có thể như ông Thoreau bỏ đi đến một nơi nào đó để sống riêng một
mình được. Mà
dầu có thể làm được chuyện ấy, liệu ta có thể nào thực sự sống trong mỗi giây
mỗi phút được không!
Tôi nghĩ, sống trong hiện tại là một nghệ thuật mà nó
cần phải được biểu hiện một cách tự nhiên. Còn nếu không thì dầu
thân ta có đang ở giữa rừng đi chăng nữa, tâm mình vẫn cứ nhớ về nơi phố chợ xôn
xao.
Tôi nhớ nhiều năm về trước, có lần lên tu tập ở
một thiền viện trên núi cao. Lúc ấy vào giữa mùa
thu, cây lá đổi màu. Những buổi sáng, sương mù quyện phủ trùm
rừng núi, ôm ấp con suối nhỏ chảy róc rách.
Mùa thu, không gian chứa đựng thời gian, đẹp. Nhưng sau vài ngày, tôi
không còn nhận thấy những vẻ đẹp ấy nữa, có lẽ vì chúng đã trở thành quen thuộc.
Tôi thấy mình không còn để ý đến những chiếc lá vàng đỏ trên con đường thiền
hành, mà lại hay tìm đến đứng trên một dốc cao, nhìn xuống thành phố xa xôi dưới
kia. Có lẽ vì tôi quen tìm kiếm hạnh phúc
trong sự thực hiện,
sáng tạo. Trên
thiền viện này mọi việc tĩnh lặng quá, ý muốn phải “làm một cái gì” ấy kéo tâm
tôi về phố chợ xưa.
Có lần, tạp chí New Yorker đăng một tranh vui, vẽ hai vị sư, một
già một trẻ, ngồi cạnh nhau trong tư thế thiền định.
Vị sư già ngồi yên nhắm mắt, vẻ mặt tĩnh lặng, còn vị sư trẻ thì lộ vẻ bất an,
bồn chồn, không yên.
Thấy thế, vị sư già quay sang nói nhẹ: “Không có gì khác xảy ra nữa.
Chỉ là vậy thôi!”
Nothing happens next. This is it!
Muốn sống tỉnh thức, ta phải biết sống trong giờ
phút hiện tại này. Mà giờ phút hiện tại
thì hiện hữu ở bất cứ nơi nào ta đang có mặt. Sống trong hiện tại đôi
khi có nghĩa là ta không cần làm gì hết, không có gì cần thiết và quan trọng để
cho ta thực hiện hay sáng tạo. Những giây phút tĩnh lặng ấy có khi lại
là một món quà quý giá nhất mà ta có thể tự ban cho mình.
Giản dị và tự nhiên
Chúng ta thường có một thói quen là lúc nào cũng phải làm một việc
gì đó, bất cứ là việc gì. Có
lẽ vì sự bận rộn đem lại cho ta một cảm giác thành tựu nào đó, hoặc để giúp che
lấp những trống vắng trong ta. Trong giờ phút hiện tại này, vì vậy mà có
khi ta ôm đồm quá nhiều việc: muốn gọi thêm một cú điện thoại, làm cho chóng
xong việc này để còn tiếp sang việc khác, rồi việc khác nữa...
Muốn thật sự có mặt với sự sống, tôi nghĩ chúng
ta cần phải biết nhận diện những thói quen ấy để có thể buông bỏ chúng. Và sự buông bỏ ấy phải tự nhiên. Chúng ta hãy giản dị
tập cho mình một thói quen mới là khi làm việc gì chỉ làm một việc thôi. Mà sự sống cũng phải là
vậy thôi.
Ví dụ như trong bữa ăn sáng, có người có thói quen phải tìm đọc hoặc xem
một cái gì: báo chí, ti-vi, tin tức... như là họ sợ mình đang lãng phí thì giờ
trong buổi ăn
vậy. Cũng có thể
ta đọc để giữ cho đầu óc bận rộn vì không chịu được sự vắng lặng bên trong.
Nhưng vô tình vì vậy mà ta không tiếp xúc được với bữa
ăn
của mình, ta không nhìn thấy được ánh nắng vàng lung linh đổ dài trên chiếc bàn
gỗ, mùi bánh thơm trong gian phòng nhỏ, không gian tươi mới của một buổi sáng
sớm chung quanh ta. Của một sự sống tự
nhiên.
Và lối sống tỉnh thức này có thể sẽ đưa ta đến
những sự chọn lựa khác trong cuộc sống của mình, đôi khi vì muốn được nhiều hơn
mà ta tự chọn có ít lại hơn.
Chúng ta chọn bớt nhìn xem để cái nhìn của mình được thẩm thấu hơn, chọn bớt làm
nhiều việc để sự thành tựu được tốt đẹp hơn, và chọn bớt thâu thập thêm để mình
được giàu có hơn...
Buổi sáng của một ngày cuối năm, tôi ngồi yên với ly cà phê
thơm nóng của mình, và với những gì đang có mặt: một tia nắng sớm vàng
óng ả, đóa hoa mới nở, một lời chào buổi sáng, một áng mây trắng, một không gian
mới rất đủ đầy…
Hồ Walden ấy cũng đang có mặt với ta trong bây giờ và ở đây. Và
đôi khi vì muốn làm được tất cả, mà như ông Thoreau nói, ta hãy chọn thử “không
làm gì hết.” Biết đâu rồi những lo âu, muộn phiền trong ngày
tháng cũng tự nhiên tan biến đi thôi, vì chúng tự biết rằng không cần thiết…
NDN
ảnh đẹp