Minh Thạnh
TỪ
TIẾP THỊ BÁN SÁCH
Cách đây vài tháng, theo thông tin trên
mạng, tôi đến dự đêm thiền của một nhà hoạt động nghệ thuật tổ chức tại một khu
vườn rất đẹp ngoại ô TPHCM.
Khi đêm xuống, vì chỉ có những ngọn nến đặt trong lồng đèn hoa
sen được thả xuống mặt hồ giữa vườn, nên không gian quanh bờ hồ, nơi có gần cả
ngàn người đang chờ đợi để nghe buổi “chia sẻ” (tên gọi khá lạ về một buổi
thuyết giảng ngoài trời của một sư cô trước cử tọa đông đảo), trở nên tối tăm mờ
mịt, thì có một thanh niên, vóc dáng cao lớn, mặc đồng phục nhà vườn, tiến đến
chỗ tôi đang ngồi bắt chuyện.
Vì lúc đó chỉ có tôi ngồi một mình trên chiếc
ghế dài, nên cuộc làm quen diễn ra rất dễ dàng.
Người thanh niên lạ hỏi tôi, giọng ngọt ngào, đầm ấm, gần
gũi:
-
Dạ, chào anh, thưa anh,
chắc anh là Phật tử và quan tâm đến thiền?
-
Vâng, tôi
theo
đạo Phật, có đọc sách thiền học, nhưng thực hành chưa nhiều.
-
Vậy, anh có nghe nói đến
“Thiền Minh Triết” của đạo sư Duy Tuệ chưa?
Thấy một tên người là một từ trong một thành ngữ quen thuộc với
đạo Phật “Duy tuệ thị nghiệp” và lại là “đạo sư”, nên tôi hỏi lại:
-
Thầy ở chùa nào vậy?
-
Dạ, đạo sư Duy Tuệ không
phải sư thầy trong Phật giáo, và thiền Minh Triết cũng không phải là kiểu thiền
trong đạo Phật. Đây là một cách thiền hoàn toàn mới, em đã luyện tập và thấy rất
có kết quả.
Thấy tôi còn chưa hình dung “thiền mới”, “không phải thiền Phật
giáo”, đạo sư mà “không phải sư thầy”, anh ta nói tiếp:
-
Để có thể biết “thiền minh
triết”, và tư tưởng ưu việt, tuyệt vời
của đạo sư Duy Tuệ, qua môn Duy tuệ học, thể hiện trí tuệ dân
tộc, tự chủ, tiến bộ hơn rất nhiều so với những học thuyết, tôn giáo du nhập từ
nước ngoài, mời anh tìm đọc những quyển sách do đạo sư Duy Tuệ biên soạn, hiện
có bán tại các nhà sách lớn, hay có thể, nếu anh cần thì… [lúc
đó anh thanh niên chỉ đi tay không].
Tôi ngắt ngang vì ngại kiểu bán sách tiếp thị trực tiếp này, vì
làm sao xem trong bối cảnh tối om, mặt còn không nhìn
rõ thế này. Hơn nữa, người ta mất công mang sách đến nhưng mình không mua thì
cũng khó xử…
-
Anh có thể giới thiệu cho
tôi tựa sách của đạo sư Duy Tuệ mà anh nghĩ là tôi nên đọc trước tiên để hiểu về
tư tưởng của đạo sư và thiền minh triết.
-
Dạ, anh là Phật tử, vậy
xin giới thiệu đến anh quyển: ““Ta là ai?” Thông tỏ sự hiểu lầm sau hàng ngàn năm”, trình bày một
cách hiểu mới về đạo Phật rất sáng tạo. Thưa, nghệ thuật gia tổ chức buổi thiền
hôm nay có viết bài giới thiệu cho quyển sách này.
-
Tôi thường đi nhà sách,
tôi sẽ tìm quyển sách mà bạn vừa giới thiệu
““Ta là ai?” Thông tỏ sự hiểu lầm sau hàng
ngàn năm”
(Sau này, khi mua quyển
““Ta là ai?” Thông tỏ sự hiểu lầm
sau hàng ngàn năm”,
tôi không thấy lời tựa của nhà hoạt động nghệ thuật mà anh thanh niên nói, thay
vào đó là bài “Thay lời tựa” do một người được giới thiệu là một giáo sư sống
tại Cộng hòa “Czech” (nguyên văn ghi trong sách)).
ĐẾN VIỆC MỜI… GIA NHẬP TỔ CHỨC
Anh thanh niên thấy tôi quan tâm đến quyển sách qua việc nhắc lại
đúng tựa đề khá dài, nên nhiệt thành nói tiếp:
-
Dạ anh đọc xong, nếu chia
sẻ với những tư tưởng của đạo sư Duy Tuệ được trình bày qua quyển sách ““Ta là ai?” Thông tỏ sự hiểu lầm sau hàng
ngàn năm” và thiền Minh Triết, thì mong anh gia nhập tổ chức Đại Gia đình
Minh Triết do đạo sư Duy Tuệ chủ trì, anh sẽ có Phật tâm danh, được thực hành
Thiền Minh Triết và Duy Tuệ học.
Anh thanh niên lấy điện thoại, bấm cho tôi xem một số ảnh đạo sư
Duy Tuệ, trong đó có một vài ảnh ông cạo đầu mặc áo vàng và áo nâu, với kiểu
khiến người ta rất dễ lầm với một nhà sư Phật giáo.
Tôi dần dần thấy một cái gì đó không bình thường: không phải đạo
Phật mà có “Phật tâm danh”, thực hành Thiền, đạo sư cạo tóc na
ná như tu sĩ Phật giáo. Tôi hỏi vặn:
-
Tổ chức Đại Gia đình Minh
Triết chắc giống tổ chức “Gia đình Phật tử”, vậy có liên hệ gì đến Giáo hội Phật
giáo Việt Nam không?
-
Dạ, không có liên hệ gì
hết. Tổ chức Đại Gia đình Minh Triết là một tổ chức quy mô toàn cầu, gồm cả Việt
Nam, hoạt động tâm linh và xã hội, quy tụ rất nhiều hiền giả Minh Triết, dưới sự
chỉ đạo của Đạo sư Duy Tuệ. Dạ, anh có thể xem trang web của đạo sư Duy Tuệ là duytue.org, đọc bài, nghe và xem pháp âm
của đạo sư và các hiền giả trong tổ chức Đại Gia đình Minh Triết để từ đó liên
hệ gia nhập tổ chức.
Tôi hỏi căng:
-
Vào tổ chức của anh thì có
sao không? Có giống như tổ chức của Bà Thanh Hải?
Anh thanh niên lộ vẻ lúng túng, lo lắng.
Sau một lúc anh ta trấn tĩnh, trả lời giọng run run:
-
Dạ không ạ, tổ chức Đại
Gia đình Minh Triết hoàn toàn khác với tổ chức của Bà Thanh Hải. Sách của Đạo sư
Duy Tuệ được xuất bản rộng rãi tại Việt Nam theo đúng
luật pháp, khác hẳn việc bị cấm đoán như đối với tác phẩm của Bà Thanh Hải.
Ngoài ra, công ty Minh Triết cũng được cấp phép và hoạt động rất mạnh, phân phối
nhiều sản phẩm mang tính giáo dục.
Tôi thấy anh thanh niên không còn tự nhiên như trước nữa.
Anh thôi không nói chuyện gia nhập tổ chức, mà quay trở lại
việc tiếp thị quyển sách ““Ta là ai?” Thông tỏ sự hiểu lầm sau hàng ngàn năm”.
Rồi vội vàng bỏ đi sau một cái chào lấm lét.
Tôi chợt nhớ lại cách đây đã vài năm ở một quán cơm chay, tôi đã
được một đệ tử của bà Thanh Hải sà đến bắt chuyện, giới thiệu “Vô thượng sư”,
các “tác phẩm” và “Quan Âm pháp” (thay vì Thiền Minh Triết)…
QUYỂN SÁCH ĐƯỢC TIẾP THỊ VIẾT NHỮNG GÌ VỀ ĐẠO PHẬT?
Theo lời giới thiệu của anh thanh niên “hiền giả” trong tổ chức
Đại Gia đình Minh Triết, tôi không khó để tìm mua được quyển
““Ta là ai?” Thông tỏ sự hiểu lầm sau hàng ngàn năm”
của tác giả Duy Tuệ.
Sách do Công ty Minh Triết và nhà xuất bản Văn hóa Thông tin liên kết xuất bản.
Tên của Công ty Minh Triết in hẳn trên bìa sách trước cả logo nhà xuất bản Văn
hóa Thông tin, cho thấy đây là sách “liên kết”, tức không phải là sách kế hoạch
A của Nhà xuất bản, mà là sách do công ty Minh Triết đầu tư vốn, nhà xuất bản
chỉ cấp giấy phép.
Sách được trình bày với đối tượng chủ yếu là người Phật tử, làm
ra có vẻ như sách giáo lý, với những tiêu đề các phần như:
“I. Con đường đến với Đức Phật:
-
Ước mơ và con đường thực hiện ước mơ của thái tử Tất Đạt Đa.
-
Thế nào là “thành Phật”?
-
Sau khi thành Phật, ngài ước mơ là làm những gì?
…”
Hay
“II. Cuộc sống của người Phật tử tu tại gia:
-
Việc thờ phụng trong nhà và ở chùa
-
Ăn
chay
…”
Tuy nhiên, không cần đọc kỹ lắm người đọc dễ dàng nhận thấy những
câu chữ rất không bình thường đối với Phật giáo.
Xin phép sẽ được ghi nhận dưới đây.
Để tìm hiểu tư
tưởng của tác giả, bạn đọc có thể không cần mua sách, vì giá sách rất đắt (209
trang, bìa mềm, khổ 14 x 20, có kèm dĩa CD, bán 70.000 đồng) mà có thể tìm hiểu
trên trang duytue.org, đặc biệt là các bài gọi là
“pháp âm” và trang minhtriet.vn.
Mong bạn đọc hãy nghe những gì người tự xưng là “đạo sư”, trong tiếng Anh là
“Master”, này nói và viết với những người trong và ngoài tổ chức của ông, đặc
biệt hướng tới giới Phật tử để có thể cùng nhau đi đến kết luận thực chất là gì
đàng sau hiện tượng này.
Sau đây là một số đoạn văn trích từ quyển
““Ta là ai?” Thông tỏ sự hiểu lầm
sau hàng ngàn năm”:
Trang 12 : “Nếu nói Bát Chánh
đạo là chìa khoá giải quyết vấn đề khổ đau, thì tại sao mấy ngàn năm qua không
phát huy tác dụng? Tám con đường đó là giải quyết tình trạng của cái đầu mỗi
người, chứ không phải lên thiên đàng hay về cõi Phật như kinh sách nói, nhưng
tại sao không giải quyết được?”.
Trang 28: “Theo truyền thuyết trong kinh sách, khi đạt
được trạng thái an lạc nội tâm thì Đức Phật tuyên bố đại ý rằng: Ta vừa trải
nghiệm một trạng thái rất đặc biệt, một trạng thái hoàn toàn không thấy khổ đau
nữa. Giờ đây ta đã hiểu rõ nguyên nhân của khổ đau nữa. Giờ đây ta đã hiểu rõ nguyên nhân của khổ đau là gì, ta tuyên bố “Ta
đã thành Phật”.
Tuyên bố trên của Đức Phật rất quan trọng. Do
ân phước tôi cũng tự nhiên rơi vào trạng thái đặc biệt ấy, và tôi khẳng
định rằng trạng thái an lạc tuyệt đối có sẵn trong mỗi con người là có thật.
Khi vào trạng thái ấy, con người sẽ mở ra một sự thấy hết sức đặc biệt.
Và cái thấy xuất hiện đầu tiên là thấy nguyên nhân nào khiến con người không
được sung sướng, mãn nguyện với kiếp người của mình”. Người trích dẫn nhấn
mạnh câu “Do ân phước tôi cũng rơi vào trạng thái đặc
biệt ấy…” (tức
là thành Phật?)
Trang 35: “Nếu
đi chùa mà không cải thiện gì thì đừng đi nữa. Nếu niệm Phật mà không giúp ích
gì thì đừng niệm nữa”
Trang 39: “Dân chúng cũng như tất cả Phật tử xưa nay
luôn mải mê với vấn đề xuất gia và giải thoát. Thế nên, nhiều người bỏ nhà cửa,
bỏ gia đình và bỏ sự nghiệp để đi tu và giải thoát. Qua những
trình bày trên của tôi quý vị đã rõ người ta đã nghĩ sai hoàn toàn ý nghĩa của
giải thoát.
Việc hiểu sai dẫn đến sự tự hành hạ mình hết năm nay đến năm khác và cả cuộc
đời, rồi truyền hết đời này đến đời khác. Hiểu không đúng thì
làm sao thực hành có hiệu quả được!?”
Trang 41: “Nhưng với đa số người, khi cạo đầu vào chùa
lại chỉ xuất gia bên ngoài chứ không xuất gia bên trong được. Vì sao? Vì họ bắt đầu phát triển chuyện kiếm tiền, đệ tử,
Phật tử, tranh giành chức tước, kể cả chức trụ trì. Vật dụng cũng tuỳ chức phẩm,
đại loại như khi ăn thì người trụ trì được sử dụng bát (chén) cao sang hơn. Lúc
đầu mang hình tướng xuất gia sau lại ràng buộc và hình thành ý tưởng giai cấp
mới trong đầu”. Người trích dẫn nhấn mạnh tác giả quyển sách dùng cụm
từ “đa số người”.
Trang 61: Không phải hoàn thành giới luật là không trộm
cắp, không tà dâm, không sát sanh, không uống rượu, không nói dối. Đó là vấn đề
nhỏ và căn bản đã có từ thời xa xưa.Thời ấy con người mới có mặt trên hành tinh,
chưa biết gì nên đưa ra những giới luật đó để dạy họ biết làm người và coi như
một thứ pháp luật trong tôn giáo để góp phần bảo vệ trật tự cộng đồng và hạnh
phúc cá nhân. Giờ đã qua mấy ngàn năm, con người đã biết giới luật đó rồi, không
phải dạy nữa. Giới luật hiện giờ là dạy con người sống phù hợp với cộng đồng,
với môi trường và thiên nhiên”.
Trang 67: “Làm gì mà thấy không hiệu quả
và gây mệt mỏi thì quý vị không nên làm. Quý vị đều thấy sự
phát triển của đời sống hiện tại. Đa số người ta không còn muốn đọc sách
nữa, chỉ thích nhìn hình ảnh thôi. Ở
nhiều chùa, các thầy cũng không tụng kinh nữa mà cho máy tụng hộ”.
Trang 69: “Ngày xưa, trình độ khoa học kém, muốn hiểu,
thấy rõ mọi chuyện không phải dễ, nên họ tạo ra những pháp tu làm cho cái đầu
thanh tịnh, để suy nghĩ và nhìn thấy rõ ràng. Nhưng giờ đây, tất cả phơi bày ra
hết, nhiều khi đầu không cần phải thanh tịnh vẫn thấy rõ. Do đó, quý vị phải
chạy theo cho kịp sự phát triển của khoa học và sự phát triển của nhân loại, chứ
đừng như “ếch ngồi đáy giếng”, tưởng mình làm gì cũng đúng, không chịu khó học
tập”.
Trang 81: “Nhưng không ít Phật tử đã tạo sự hư hỏng cho
một số nhà sư. Họ cấu kết với tăng ni
xây dựng chùa lớn, vay mượn để chùa mang nợ. Thông đồng với chùa cho vay nặng
lãi, buôn bán kim cương, vàng bạc và đô la trong chùa… Những chuyện như thế
vẫn xảy ra, nhưng Phật tử lại lạy lục, tâng bốc, làm đủ thứ chuyện khiến họ hư
hỏng”.
Người trích dẫn nhấn mạnh, tác giả
dùng từ “không ít”.
Trang 84: “Cần hiểu rằng sáng kiến của Đức Phật không
phải để lập Phật giáo, mà trước nhất là huấn luyện đệ tử. Về sau, con người
nghiên cứu và phổ biến nó trở thành tài sản kiến thức của nhân loại. Những tăng
ni xuất gia, đi theo con đường của Đức Phật mới tạo ra Phật giáo. Cho
nên, phải biết rằng việc khai thác trí tuệ Đức Phật hiện nay đang được cả nhân
loại tiến hành. Và chắc chắn, người ta khai thác tốt hơn tín đồ tu sĩ Phật giáo.
Bởi họ nghiên cứu vô tư, khách quan. Họ có tri thức, chịu khó học, nghiên cứu,
áp dụng và quả thực họ đã áp dụng có hiệu quả. Còn người trong đạo Phật là
theo chủ quan, đội cái mũ đạo Phật trên đầu và cho thế là xong rồi. Do
đó, cần thấy rõ tín đồ Phật giáo vẫn nặng về cảm xúc và tưởng tượng, mê tín
nhiều lắm. Có lẽ chỉ có một số tín đồ Phật giáo mới bỏ hàng tỷ đồng Việt Nam ra
để thực hành các nghi lễ cúng tế hết sức lãng phí và có vẻ bị tâm thần này!”.
Trang 97: “Bởi chính các vị Phật, thánh nhân hay bậc
thầy đều dạy và trang bị cho đệ tử hay người khác những đức tin tốt đẹp. Các
ngài có thể bảo: “Con hãy tin rằng có Phật, Bồ tát bên cạnh bảo vệ, cứ làm đi.
Cứ tỉnh táo nhìn nhận, cái gì đúng thì làm. Hãy cố gắng, đừng sợ thất bại. Lỡ
phạm sai lầm, gây đau khổ hay lỡ phá sản… cũng đừng sợ vì lúc nào cũng có Phật,
thánh bên cạnh con”. Người nghe như vậy liền làm thật dũng mãnh, không sợ gì cả.
Lỡ thất bại thì vẫn tin tưởng có Đức Phật giúp đỡ, thua keo này lại bày keo
khác. Như vậy, đức tin được dùng để trấn an sợ hãi, nhút nhát, hèn yếu và sự
bình tĩnh, tự tin cho họ. Nghĩ lại mà thấy đau lòng.
Cây cối trong rừng chẳng cần đức tin nào mà vẫn sừng sững trước phong ba bão
táp, trong khi con người lại cố tìm đức tin gắn vào đầu mà vẫn nhiều tuyệt vọng
yếu hèn!”.
Trang 99: “Không có nghiệp chướng gì của đời trước để
đời này phải trả, phải chịu cảnh cơ hàn cực khổ, thiếu cơm ăn, áo mặc hay nhà ở.
Nhìn theo kiểu phải trả nghiệp là tự đưa mình vào ngõ cụt, xuống vực thẳm hay
đường cùng”.
Trang 100: “Trong khái niệm văn hóa, cần chú ý cái nào là
văn hóa gốc của dân tộc, cái nào bị tiêm nhiễm sai lầm từ tôn giáo. Không thể
đem vào nền văn hóa của chúng ta những lời nói vu vơ từ nền văn hóa khác, cũng
không đưa vào đó tư tưởng từ sách vở của một số người chán ngán cuộc đời hoặc
điều họ tuyên bố từ tâm trạng bất mãn, chán chường… rồi chúng ta lắp ghép vào
nền văn hóa Việt Nam, gây ra suy nghĩ tiêu cực trong đầu óc con người Việt Nam”.
Trang 107: “Biết là sẽ không làm vừa lòng nhiều nơi hay
nhiều chùa nhưng tôi vẫn phải nói rằng việc tổ chức triền miên các khóa học cho
Phật tử ở chùa, với năm bảy trăm hay cả ngàn người bỏ bê nhà cửa, khăn gói tới
chùa học chắc chắn không hiệu quả gì”.
Chúng tôi chỉ mới trích dẫn từ nửa quyển sách, nhưng vì bài đã dài, nên việc
trích dẫn sẽ được tiếp tục ở bài sau.
Tuy nhiên, những trích dẫn như trên đã hé lộ được nhiều vấn đề.
Đó là gì, xin để bạn đọc suy xét và tiếp tục
bàn luận.
Ở
bài đầu tiên này, xin phép chỉ giới hạn ở mức tường thuật, ghi nhận, với một số
những lưu ý tối thiểu.
Chúng tôi chưa đưa ra bình luận, nhận xét cụ thể.
Vì vậy, rất mong ý kiến của bạn đọc.
MT