Thăm Hàn San Tự

THĂM HÀN SAN TỰ

Nguyễn Khôi

 

Đến Tô Châu ai cũng háo hức đi thăm Hàn San tự. Đó là ngôi chùa do Thiền sư Hy Thiên, pháp danh là Hàn Sơn Tử giả xây vào khoảng năm Thiên Giám, đời Lương, thuộc Nam Triều (thế kỷ VI), tại trấn Phong Kiều bên ngoài Xương Môn, phía Tây thành Cô Tô (nay là Tô Châu). Thiền sư lấy tên hiệu (pháp danh) của mình đặt tên cho chùa  là “Hàn San Tự” để làm kỷ niệm. Từ đây, Thiền sư lại vân du  Núi Lạnh, đó là núi Thiên Thai (nơi phát sinh tông phái Thiên Thai), kết bạn với Thiền sư Thập Đắc Phong Can. Bức hoành phi với 4 chữ lớn:“Hàn San Thập Đắc”, có nghĩa là chùa Hàn San lấy tên hai nhà sư Hàn San và Thập Đắc mà lưu danh.

Trải qua nhiều biến động của các triều đại, chùa Hàn San bị binh lửa đời Thanh đốt cháy (năm 1860), đến năm Quang Tự thứ ba (1904), chùa được xây dựng lại với quy mô dáng dấp như còn thấy ngày nay, gồm có: đại điện, tàng kinh lâu (lầu chứa kinh), chung lâu (lầu chuông), phong giang lâu (lầu ngắm rừng phong bên sông), bi lang (hành lang đặt bia)... Trong chùa còn giữ nhiều cổ vật quý giá, trong đó có tấm bia khắc bài thơ nổi tiếng Phong Kiều Dạ Bạc của thi sĩ Trương Kế, đời Đường Huyền Tôn (khoảng năm 754):

          楓僑夜泊

洛嗚啼霜滿天

江楓漁

姑蘇城外寒山寺

夜半鍾聲到客船

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên

Giang phong ngư hỏa đối sầu miên

Cô Tô thành ngoại Hàn San tự

Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền

Dịch thơ:

Ban đêm thuyền đậu bến Phong Kiều (*)

Trăng tà, tiếng quạ kêu sương,

Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ

Thuyền ai đậu bến Cô-Tô,

Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.

Tản Đà dịch

(*) chú thích của BBT

Sự ra đời của bài thơ: theo giai thoại, thì Trương Kế (người Tương Châu, tỉnh Hồ Bắc) một lần đi thi trượt (tiến sỹ), theo dòng Vận Hà Bắc Nam, đêm đỗ thuyền ở bến Phong Kiều (bến cây phong), bên chùa Hàn San (Hàn San đây là tên chùa, chứ không có Núi Lạnh như một số dịch giả suy diễn qua văn bản thơ)... Vào thời bấy giờ (đời Đường), người ta có “phân dạ chung” (chuông chia đêm) đánh vào lúc nửa đêm... Nhà thơ buồn (vì thi trượt), nằm trong thuyền chập chờn bên ngọn lửa của ngư ông (lão đánh cá) giữa trời sương, trăng lặn lẫn tiếng quạ kêu cùng tiếng chuông chùa Hàn San, do nhà sư đánh lên lúc nửa đêm, đã vẳng đến bên khoang thuyền, khiến Trương Kế tức cảnh sinh tình, hạ bút hồn cất cánh thơ để lại một Phong-Kiều Dạ Bạc lưu truyền hậu thế. Cũng nhờ có thơ Trương Kế mà Hàn San Tự trở nên nổi tiếng, hấp dẫn khách năm châu bốn biển, được các thi nhân viết thăm đề vịnh. Xin dẫn một vài ví dụ với đôi câu thơ hay:

Ô đề nguyệt lạc kiều biên tự

(Quạ kêu trăng xế chùa bến cầu)     

Tần Thục-đời Tống

Lãnh tận Hàn San cổ tự phong

(Lạnh đến cả cây phong bên ngôi chùa cổ Hàn San)

Khang Hữu Vi-đời Thanh

Tôi, nhân có may mắn được viếng thăm Hàn San tự, đi qua cầu đá ở bến Phong Kiều trên dòng Vận Hà, tựa đình chiết liễu ngắm rừng phong bên thành Cô-Tô xưa... cảm khoái nảy đôi khúc diễn ca nôm na, xin chép ra để bạn đọc cùng chia sẻ nỗi niềm:

Thăm Hàn San Tự bến

Bài 1

Chùa cổ, thơ đề, vắng tiếng chuông,

Ngàn năm ngưỡng vọng đến Hàn San;

“Cô Tô thành ngoại” in bóng nguyệt,

Để khách đa tình phải vấn vương.

Bài 2

Nắng gắt, người chen, ánh chiều tà

Bờ phong xòa bóng, liễu thướt tha

Chuông động hồn xưa Hàn San Tự

Lên tháp vời trông sóng Vận Hà

Dạo phong kiều lộ

Chiều sương dạo phố Phong Kiều

Tựa đình “chiết liễu” gió reo đôi bờ

Thuyền ai về bến Cô Tô

Lửng lơ nghe tiếng chuông chùa Hàn San.  (NK) ¢

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle