Người về từ đỉnh núi

nguoi ve tu dinh nui

Thích Thái Hòa

Phong thái và tâm hồn của một người leo núi khác xa với phong thái và tâm hồn của người dân bình thường. Phong thái và tâm hồn của người ở trên đỉnh núi khác xa với phong thái, tâm hồn của người đang leo núi. Phong thái và tâm hồn của người từ trên đỉnh núi đi về khác rất xa với người đang kẹt vào núi. Phong thái và tâm hồn của người không leo núi đó là phong thái và tâm hồn của những người không đặt định hướng cho mình để đi; lý tưởng để sống. Họ bị "cuốn theo chiều gió". Họ chưa bao giờ đặt ra cho mình câu hỏi tại sao ta có mặt nơi thế giới này và có mặt để làm gì? Do họ không đặt ra những câu hỏi, vì vậy họ bị "cuốn theo chiều gió", không đặt cho mình một hướng đi, một nẻo tới. Cho nên, họ sống một cách thụ động theo bản năng. Vì họ sống như vậy, nên khi niềm vui đến với họ, họ cười một cách thỏa thích và khi niềm đau đến họ khóc một cách tội nghiệp. Họ là con người, nhưng chẳng khác nào rau khoai, rau muống. Họ chỉ bò thôi, chứ không đứng vững được. Rõ ràng nhất, sau khi nghe pháp thoại do Thượng tọa Tuệ Sĩ nói xong, tôi đi ra trước chánh điện, thấy có nhiều thanh niên, thanh nữ họ quỳ trước Phật với phong thái run rẩy van xin. Tôi thấy như vậy, tôi biết họ chưa một lần leo núi. Và họ có thể van xin bất cứ nơi nào. Họ không có lối sống, mất hướng. Hạng người đó so với người leo núi thì người leo núi vượt rất xa.

Leo núi có nghĩa là vứt bỏ đời sống tầm thường của thế tục để đi lên. Người leo núi là người xuất gia và tại gia. Khi quy y Tam Bảo thì ta đã trở thành người leo núi rồi.

Chúng ta không muốn trôi theo dòng chảy mà chúng ta muốn đưa dòng chảy thế tục vào dòng chảy bậc Thánh.

Phong thái và tâm hồn của người leo núi như thế nào? Người đó phải bám sát mục tiêu của mình. Nếu không sẽ rơi vào rừng tà kiến. Và phải có dụng cụ leo núi, nếu không thì ta sẽ rơi xuống núi và mất mạng liền.

Dụng cụ leo núi của người xuất gia và người tại gia là Giới, là Định, là Tuệ. Nếu không có Giới ta sẽ rơi vào rừng tà kiến, nếu không có Định ta sẽ rơi vào rừng tà tư duy và rừng tà của các thứ thiền định thế gian đem lại. Không có Tuệ thì ta sẽ rơi vào rừng tà kiến luận điểm một chiều. Chúng ta leo núi thì không dại gì mà leo một mình mà nên cùng nhau leo núi. Và khi cùng nhau leo núi như thế thì người mạnh giúp người yếu, người lành giúp người thương tích. Cho nên phải leo núi bằng đại chúng. Và điều này Sư ông Làng Mai dạy chúng ta Leo Đồi Thế Kỷ. Có những thầy, cô, chú không chịu cùng nhau leo núi mà thích leo một mình và cuối cùng bị chập trán. Tình trạng ấy ở Việt Nam rất nhiều; ở thất riêng là hình thức leo núi một mình và sẽ thất bại trên con đường leo núi. Nhiều cư sĩ cũng vậy không chịu cùng nhau tu tập.

Nhưng khi leo núi hành giả chỉ thấy trước mắt mình là con đường có nhiều dây leo chằng chịt. Đôi lúc không có đường thì mình phải mở đường mà đi. Khi leo núi mà mình lơ đãng thì dễ bị rơi xuống hố. Do đó phải nhất tâm trong sự nghiệp leo núi của mình. Người leo núi không cần nhìn qua hai bên mà chỉ nhìn con đường trước mắt. Không cần thắc mắc sau núi có những gì. Khi leo núi mà phóng tâm thì sẽ bị giảm sức leo núi của ta.

Khi leo núi ta phải biết duy trì chánh niệm. Có thể tiếng chim là người bạn của ta, chiếc lá vàng rơi là người bạn của ta. Những cái đó đánh thức ta trở về và ta leo núi. Với phong thái và tâm hồn như vậy, nên việc đứng trên đỉnh là chuyện có thể thực hiện được.

Cũng vậy, một vị tu tập vững chãi về Giới và Định thì đạt Niết Bàn ngay trong hiện tại. Niết Bàn không phải là mơ ước mà là hiện thực trong từng bước chân đi của ta.

Phong thái và tâm hồn của người đứng trên đỉnh núi khác xa với phong thái và tâm hồn của người đang leo núi. Phong thái của người đứng trên đỉnh là vững chãi và thảnh thơi, tâm hồn bát ngát bao la. Bởi vì đứng trên đỉnh thì vị ấy đưa mắt nhìn bốn phía và nhìn lên bầu trời bao la, vị ấy khám phá ra sự thật. Ngoài thế giới bình thường ra còn có các thế giới vô biên khác. Vị ấy khám phá thấy hạnh phúc của mình lớn hơn những người đang leo núi. Khi một người đang đứng trên đỉnh thì không bị trở ngại bởi những sợi dây chằng chịt của núi. Ở đây A La Hán đứng trên đỉnh núi của sinh tử. Vị đó sống đời sống thảnh thơi không bị hệ lụy của trần thế. An lạc và hạnh phúc không do ai hiến tặng cho vị ấy mà do chính vị ấy thành tựu được từ việc leo núi. Vị ấy nghĩ rằng, người ấy cần giúp cho mọi người giải thoát, cho mọi người cái nhìn phóng khoáng như chính mình. Vị ấy nghĩ rằng, tại sao mọi người cứ sống trong thế giới mờ mịt như vậy?

Cho nên Không Lộ thiền sư đã phải thét lên:

 

"Hữu thời trực thướng cô phong đảnh

Nhất khiếu trường thanh hàn thái hư

Nghĩa là:

Đúng thời vượt hẳn lên đỉnh núi

Hét dài một tiếng lạnh hư vô

 

Và rồi để leo núi vì thảnh thơi một mình thì chẳng ích gì. Sau khi thấy được sự sống vô biên, trời xanh bao la thì vị ấy hạ sơn. Vị ấy phải hạ sơn để giúp những người đang leo núi và những người chưa leo núi, khởi tâm leo núi. Giới thiệu với mọi người biết trên đỉnh núi có nhiều châu báu lắm. Do đó những vị giáo thọ đích thực thì tâm của họ khác xa với những người đang và chưa tu học. Cho nên phong thái và tâm hồn của vị giáo thọ phải là những người từ trên đỉnh núi đi về. Người từ đỉnh núi đi về mang chất liệu Đại Bi và Đại Trí. Vị ấy hướng dẫn tu tập tùy theo căn cơ mà không phải là một pháp môn nhất định. Vì có những người leo núi từ phía Tây, khi mặt trời về chiều họ bị nóng sau lưng, là vị giáo thọ thì phải biết mà giúp họ. Cho nên vị giáo thọ phải lấy dù để che sau lưng cho họ.

Có người leo núi từ phía Đông vào buổi sáng thì bị ánh sáng rọi vào người leo núi, là người giáo thọ thì phải biết mà giúp họ.

Có người leo núi từ phía Bắc, là người giáo thọ thì ta phải biết gió Đông Bắc lạnh như thế nào để giúp và che chở.

Có người leo núi từ phía Nam, họ bị ngọn gió Lào, gió Thái xoáy vào rất nóng, là vị giáo thọ thì phải biết để giúp họ đi trọn con đường để đạt đến đỉnh cao. Vị đó sẽ không kỳ thị Đông- Tây- Nam- Bắc. Như khi sáng Thượng tọa Tuệ Sĩ nói: "chúng tôi không thấy rõ quý vị nhưng nhìn quý vị dưới khía cạnh khác, như khi nhìn qua bức tường, quý vị thấy hai cái sừng thì quý vị quyết chắc đó là con trâu mà không cần biết là trâu đen hay trâu bạc". Nếu thấy trâu đen hay trâu bạc thì ngã sở khởi rồi và như vậy thì mình thất bại.

Vị ấy từ đỉnh núi trở về thấy mọi người đều như nhau, đều cần sự giúp đỡ không phân biệt.

Người leo núi từ Tây thì họ tư duy, hấp thụ văn minh khí tiết của phương Tây, là vị giáo thọ thì phải biết điều ấy. Khi nói đến điều này ta khám phá ra điều thú vị ở trong kinh A Di Đà mà mình thường tụng hàng ngày "chư Phật đồng đưa tướng lưỡi rộng dài mà ca ngợi”. Điều đó thấy rằng chư Phật giáo hóa chúng sanh với tâm bình đẳng. Tâm này phải từ đỉnh núi mà đi về. Vị đó rất khỏe, cần cười thì cười, cần khóc thì khóc chứ không ngần ngại. Vì cười mà có thể giúp cho mọi người tới được trên đỉnh núi vững chãi thì cười…

Đôi lúc khổ mà giả vờ cười, đó là mắc kẹt cười, nếu cần khóc để gợi dậy tình người nơi người có trái tim lạnh giá thì khóc. Khóc là một bài thuyết pháp. Nói cười, im lặng tuỳ phương mà cởi mở. Vị từ đỉnh núi về đồng bằng phố thị giúp cho mọi người leo núi vị đó có vô số phương pháp trị liệu. Có nhiều Phật tử nói với tôi rằng, quý Thầy tu mà hát nhạc, Phật cấm mà quý Thầy hát!!!

Tôi trả lời nếu hát mà thay đổi cuộc đời từ u mê thành an lạc thì Phật không cấm.

Do đó, phong thái của người từ đỉnh núi đi về rất là bình thản, sâu lắng, trầm tĩnh. Vì họ đã chứng nghiệm mục tiêu của con đường. Họ đã thấy vô số phương pháp để đạt được mục tiêu. Do đó những gì xảy ra, họ đều nhìn một cách trầm tĩnh. Chư Tổ của chúng ta là những vị từ đỉnh cao mà đi về. Người ta có thể bảo rằng Ngài Ca Diếp là sơ Tổ Thiền tông. Đó là cái nhìn của người có căn cơ thiền leo núi. Có người cho rằng, Tổ Ca Diếp là sơ Tổ của Giáo tông. Đó là cái nhìn của người có căn cơ giáo học. Và có người bảo rằng Ngài Ca Diếp là sơ Tổ hạnh đầu đà… những áp đặt ấy của người leo núi từ phía này hoặc phía kia thì Ngài Ca Diếp chỉ mỉm cười thôi.

Nụ cười của Ngài cũng có thể là cái đó mà cũng có thể là không phải cái đó. Do đó các Tổ sư từ trên đỉnh núi khi về đều mang hai chất liệu Đại Bi và Đại Trí.

Người mắc kẹt phía Tây cho núi phía Tây là nhất. Người mắc kẹt phía Nam cho núi phía Nam là nhất. Người mắc kẹt phía Đông cho núi phía Đông là nhất. Người mắc kẹt phía Bắc cho núi phía Bắc là nhất. Do đó tạo ra những cuộc hý luận vô bổ. Con dao bén, nếu ở nơi tay của Tổ sư thì diệu dụng, tạo ra rất nhiều thức ăn để trị liệu chúng sanh. Nếu ở vào tay người đồ tể thì tạo ra những nhát dao cắt đứt sinh mệnh của chúng sanh.

Khi sáng Thượng tọa Tuệ Sĩ cũng nói: "Thiền không chỉ có ngồi. Có đôi khi người ngồi thiền mà khoe mình ngồi đến tám tiếng hoặc mười tiếng đồng hồ. Ngồi lâu có thể thành cóc chưa chắc đã thành Tổ thành Phật đâu. Cho nên thiền chưa hẳn là ngồi, lặt rau, ăn quýt cũng có thể thực tập thiền”.

Có vị nói: "nhất cử nhất động, vô phi thị thiền" lời tuyên bố như thế nó rất đúng với kinh.

Kinh Tứ Niệm Xứ có nói: "khi tôi duỗi tay tôi biết tôi đang duỗi tay…"

Thiền mà Phật dạy rất là sinh động mà Tổ vận dụng giúp chúng ta. Có người nói, tu thiền đâu cần phải tụng kinh. Thiền là ở nơi sự im lặng chăng? Thế là người câm là Thiền sư cả sao? Không nghe thị phi bên ngoài là Thiền chăng? Nhắm mắt lại là Thiền chăng? Ta có thể sử dụng bất cứ phương pháp nào mà phương pháp đó, giúp cho tâm hành lắng xuống thì ta có thể sử dụng được cả. Và thực tập như vậy là Thiền của Như Lai, Thiền của Tổ sư.

Thiền như vậy là Thiền của người từ đỉnh núi về. Có những người đang leo núi đả kích việc tụng kinh khuya. Tôi nghĩ, Tổ từ đỉnh núi trở về, do đó đã thi thiết vận dụng ra giúp chúng ta. Pháp là pháp thôi. Điều chủ yếu là đạt đến đích. Công phu khuya nếu nhìn cho sâu, thì ta thấy đạo lý mầu nhiệm ở trong đó. Chúng ta phải biết để thực tập, còn nếu thực tập như nghĩa vụ thì việc tụng kinh như vậy là vô ích.

Bài tựa chú Lăng Nghiêm chúng ta phải tụng với Từ bi âm thì trái tim ta sẽ mở ra từ hữu hạn đến vô cùng. Khi ấy sự giận hờn, ích kỷ trong ta được chuyển hóa. Khi đã chuyển hóa rồi thì tâm ta rất an ổn, rộng lớn.

Âm điệu thứ hai là Hải triều âm, khi ta tụng chú, thì âm hưởng của nó rì rào như sóng vỗ. Khi tụng như vậy ta có cảm giác không cô đơn. Những cảm giác mắc kẹt được mở ra. Quý vị phải tụng kinh đi mới thấy, nếu không, đừng có nói, vì nói là sai.

Âm điệu thứ ba là Sư tử âm, nó giống như tiếng rống của sư tử. Khi tụng điệu Sư tử âm thì có khả năng làm cho những hạt giống hèn yếu, sợ hãi… ở nơi tâm ta lắng xuống. Khi phiền não lắng xuống thì chúng ta đi vững chãi như Sư tử chúa, voi chúa mà không phải là như chim sẻ, như thỏ, như nai…

Âm thanh cuối là Giải thoát âm tức là âm thanh niệm Phật. Niệm với tâm hồn không hệ lụy vướng mắc, âm thanh giải thoát tụng lên thì con người có chủ quyền, có tự do. Tôi chưa nói đến triết lý ở trong truyền thống, mà chỉ nói đến cách thức tụng mà thôi, thì đã thấy nó sâu sắc lắm rồi. Nếu quý vị là ca sĩ thì quý vị sẽ nhận ra công phu khuya là một bản nhạc có nhiều âm hưởng, tông điệu khác nhau.

Tu thì phải tu cho đến nơi đến chốn để giúp cho mọi người. Cho nên, Thiền sư có thể là một chính trị gia, một nghệ sĩ đa tình. Đa tình thì không có tình nào mà mắc kẹt cả.

Thiền mà sợ ôm thì sao gọi là Thiền?

Ôm là một hành động có thật trong sự sinh hoạt của con người. Thiền phải có mặt trong hành động ôm của con người, để giúp cho con người ấy vượt ra khỏi những hệ lụy. Để giúp cho hành động ấy trở nên gần gũi mà thánh thiện.

Và ôm là một hành động xảy ra rất phổ biến của người Tây phương, ta phải giúp họ không nên ôm với tâm ý thấp kém, mà hãy ôm với tâm ý thánh thiện.

Bởi vậy, phong thái và tâm hồn của một người về từ đỉnh núi rất khác xa với những người bị mắc kẹt lại trên đỉnh núi và lại càng khác rất xa đối với người đang leo núi.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

ảnh chỉ mang tính minh họa

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác