Bến đỗ

ben do

Hoàng Công Danh

Tối qua nàng nhắn tin bảo lúc nào ra tới nơi rồi em gọi cho anh chứ đừng có chờ anh ạ. Nàng nói thế vì biết Sanh quý những lúc bình minh lên, ấy là khi anh mở khung cửa sổ, kéo rèm cho nắng lọt qua song gỗ, châm điếu thuốc và ngồi viết một đoạn mở đầu truyện ngắn hoặc tùy bút. Sanh từng nói rằng đầu ngày anh luôn đặt cho mình một nhiệm vụ và buộc phải hoàn thành nó trong ngày hôm đó.

     Thế nhưng lần này Sanh lên ga rất sớm vì hình như có điều gì đó muốn nói với nàng, nó thâm trầm hơn những ý tưởng truyện ngắn và thi vị hơn những dòng tùy bút. Sanh canh giờ, tàu chạy nhanh lắm thì phải một tiếng nữa mới đến. Chàng không phải loại đàn ông thích cưng chiều săn đón phụ nữ, nhưng cũng chẳng thể lạnh lùng đến mức để người ta phải đợi mình, dù chỉ dăm ba phút. Hơn nữa, giờ mà ở phòng trọ cũng chẳng làm được gì nên hồn.

     Ngay lối vào cửa ga người ta kê sẵn hai hàng ghế. Trống hoắc. Phần vì Sanh tới sớm quá, phần nữa là người ta đi đón ai cũng nôn nóng đứng hóng chớ bụng dạ có yên đâu mà ngồi. Sanh thọc tay vào hai túi quần âu, đi lui đi tới. Chị nhân viên tạp vụ ga ngó thấy, bảo “nóng cả ruột” rồi bước đi, được dăm bước lại quay lui lắc đầu “yêu nó khổ thế đấy!”.

     Cuối mùa đông trời bùi bùi se lạnh. Sương mai tràn xuống ôm kín cung đường, bọc luôn cả người đứng đợi khiến Sanh có cảm giác ơn ớn, run run. Đầu kia có một cột báo, hai cái đèn đỏ thay nhau nhấp nháy như bàn tay cào cấu ruột gan chàng. Sanh sắp lại những ý tưởng trong đầu, tối qua chàng đã hút hết mười hai điếu thuốc để nghĩ ra những điều sẽ làm và những câu sẽ nói khi gặp nàng. Nào là đỡ lấy bàn tay thon mềm khi nàng bước xuống tàu. Nắm thật chặt và chỉ nói “cẩn thận em”. Sau đó dắt nàng đi về phía lối ra, đi thật chậm, mỗi bước một giây. Chao ôi là đời, đợt này chắc mình chuyển qua viết kịch bản điện ảnh quá, nước nhà sẽ có những bộ phim lãng mạn như bên Hàn Quốc.

     Tiếng còi tàu hú từ xa, cả sân ga tràn ra đứng bên ray sắt. Sanh đi tới tận đầu chỗ cột đèn báo. Hai cái đèn đã ngừng đổi phiên nhấp nháy, chỉ còn một cái phát đỏ, đứng im phắc như một cú đấm vào ngực để cho những trái tim thôi nhảy nhót. Tàu vào ga chậm dần. Sanh đi chậm theo hướng tàu, ngó qua khung cửa sổ coi nàng đang ngồi ở khoang nào để mà đỡ lấy cánh tay như kịch bản đề ra. Con tàu đi qua Sanh thì dừng hẳn. Sanh chạy tới hong hóng nhìn lên, rồi chạy lui ngoái cổ láo liếc, chẳng thấy nàng đâu, trong khi các cánh cửa đã đồng loạt mở và hành khách chen nhau bước xuống. Sanh lùi ra khỏi đường ray năm bước chân để tầm nhìn mở rộng hơn. Vẫn chẳng thấy đâu. Chàng đứng đực ra đấy lớ ngớ. Và nàng liền chạy tới, mỉm cười rất tươi. Cứ như thể nàng mới là người đi đón chàng.

     - Anh chạy lui chạy tới làm gì. Tàu lúc nào chả về bến đỗ.

     Sanh ngẩn ra. Tiếc cho một kịch bản đầu tay đã không được công diễn. Nhưng bù lại, chàng có một tứ thơ rất triết lý: “Tàu luôn về bến đỗ/ Như em về bên anh”. Hay!

     Sanh chở nàng về phòng mình. Căn phòng nằm lọt thỏm sau lưng “nhà trắng”, cách gọi của dân thị xã dành cho cho cơ quan của chàng. Nhà trắng uy nghiêm thì cái phòng của Sanh ngược lại, hiền lành và dễ thương. Đây là phòng công vụ mới xây năm ngoái, chưa ai ở. Sanh được cơ quan tạo điều kiện cho tá túc vì chàng chưa vợ con, nhà lại ở xa. Chàng mới lên ở được một tháng và đây là lần đầu tiên nàng ghé vào. Ở trong nhà trắng làm việc hành chính thôi, nhưng Sanh tranh thủ viết lách vào những lúc rảnh rỗi để kiếm thêm tiền.

     Nàng bước vào phòng, đưa mắt ngó quanh một loáng đã “quét” hết đồ đạc. Một cái bàn làm việc, trên đó đặt chồng sách ngay ngắn. Một cái tủ đứng dành cất áo quần. Chiếc giường ngủ trải chiếu cói. Một đầu xếp chăn thật vuông y như kiểu quân ngũ. Đầu kia đặt chiếc gối hoa xanh vàng. Chàng cố ý đặt cái gối ở phía cửa sổ sau để cho nàng nhìn thật rõ. Gối đơn một cái thôi. Nàng ngồi xuống ghế tiếp khách, khen căn phòng gọn gàng. Sanh cười: “Thì có gì nhiều đâu mà không gọn gàng em. Anh sống đơn giản và không cho phép có một thứ gì thừa ra.” Sanh hay nói kiểu hàm ý như thế. Không có gì được thừa ra trong cuộc sống của anh, những cái anh có đều cần thiết, kể cả nàng.

     Giữa bàn khách vỏn vẹn một chiếc cốc thủy tinh trong suốt. Nàng nhìn chằm chằm vào đó rồi buột miệng thắc thỏm: “Cái gì của anh cũng chỉ một thôi à?”.

     - Ừ. Chiếc cốc ấy không phải để uống nước đâu.

     - Thế làm gì?

     - Anh dùng nó như một vật để luyện bản thân.

     Nàng tỏ vẻ khó hiểu và tò mò muốn biết. Không để nàng đợi thêm, Sanh trả lời luôn.

     - Hồi trước anh sống bừa bộn và luộm thuộm lắm. Một lần anh rửa chiếc cốc đặt giữa bàn, ai vào cũng chăm chăm nhìn cái cốc ấy. Hóa ra vật đơn giản nhất mà được người ta để ý nhiều em ạ, hóa ra là vì nó đáng yêu. Từ đấy anh sắp xếp lại đồ đạc trong phòng để mọi thứ đều được đáng yêu như nó. Bây giờ mỗi ngày anh đều đem chiếc cốc ra chùi, cho nó sáng hơn, sạch hơn nữa, và bắt buộc mọi vật khác cũng phải được như nó.

     Ngồi một lúc thì Sanh lại chở nàng về quê. Từ thị xã về làng chỉ chừng mười cây số thôi, chạy một loáng đã tới.

*

 

     Ngôi làng nhỏ, chỉ hai xóm. Giữa hai xóm là cánh đồng lúa có con đê nhỏ chạy qua. Nhưng vì con đê ấy mà hai xóm vẫn như có một sự cách biệt nào đó, xóm trên xóm dưới không chơi với nhau. Nàng ở xóm trên, Sanh ở xóm dưới. Hồi ôn thi đại học, buổi chiều Sanh hay cầm sách ra đê, leo lên chãng ba cây bàng ngồi đọc. Lúc ấy nàng mới học xong lớp chín, đang nghỉ hè nên cô bé ra đồng dặm lúa.

     - Ê, bé con nhà ai rứa? – Chàng dừng đọc, gập sách lại, hỏi vóng ra đồng.

     - Con ba con mạ chớ con ai.

     Sanh tủm tỉm cười. Thật lòng Sanh chỉ hỏi vu thế thôi chứ chẳng có ý gì. Vì nữ sinh lớp chín hồi ấy chỉ như một đứa con nít. Mà Sanh cũng chưa biết để ý đến người khác giới, chàng quyết tâm phải học để thi đỗ, thoát khỏi mảnh làng nghèo này sớm chừng nào hay chừng đó. Như cái câu mà ba hay nói: “Tụi bây sau này lớn lên đừng có ở cái làng này. Cực!”.

     Chờ lúc bé con lên đê ngồi nghỉ uống nước thì Sanh nhảy xuống, men lối cỏ bước tới:

     - Anh hỏi thật đấy, vì anh chẳng biết chi ruộng đồng lúa má, hỏi coi đây ruộng nhà ai thôi.

     - Ruộng mà cũng không biết thì mần răng biết người.

     Bé đưa chai nước cho Sanh.

     - Chú uống nước. Lên cấp ba học có khó không chú?

     Cô bé tưởng đanh đá, hóa ra cũng dịu dàng, biết ý biết tứ.

     - Ừ, thì cũng rứa thôi. Cái gì chưa học thì khó. Học rồi nó dễ. Nhưng thi đại học một chọi ba mươi. Đậu thì cầm phấn cầm thước, rớt về cầm cuốc cầm cày.

     - Rứa là khó rồi. Bé cũng muốn đi làm cô giáo, nhưng lên phố dạy chứ không ở đây. Ba mạ nói ở quê con gái có học khó lấy chồng chú nờ.

*

     Chiều nay về quê, Sanh lại hẹn nàng lên đê ngồi. Cây bàng sáu năm trước đã bị chặt đi vì người ta tráng đá trong lòng đê, sợ rễ cây đâm hư. Cỏ thì vẫn xanh như cỏ ngày ấy. Mùa này hoa xuyến chi bung cánh nở trắng triền đê như chiếc khăn lụa buông vắt vẻo nơi bờ vai. Con bò nhà ai vô tư gặm cỏ, chẳng thèm để ý đến hai người đang ngồi bên nhau.

     - Sang năm em ra trường rồi. Sắp được làm cô giáo. Anh còn nhớ ngày đó em nói thích vào thành phố dạy chứ về đây khó lấy chồng. Còn bây giờ thì?

     Nàng cúi xuống, bứt một nhúm cỏ.

     - Em không sợ khó lấy chồng nữa, mà sợ khó xin được việc ở đây anh ơi. Chắc em vào Sài Gòn, trong đó nghe nói dễ kiếm việc hơn.

     - Anh vẫn kiếm được việc ở quê đây thôi.

      - Anh khác em khác. Ngành học của anh còn xin được nhiều việc, chớ bằng sư phạm sử của em chỉ đi dạy thôi. Về đây không đi dạy thì chắc em lại cầm cái móc đi dặm lúa như bữa nớ thôi à.

     - Hồi mới vào đại học anh cũng nghĩ tốt nghiệp chắc mình tới những thành phố lớn lập nghiệp. Nhưng rồi anh biết mình không thể đi khỏi quê hương. Quê hương với anh là bến đỗ. Ba anh cũng thôi ép rồi, ba không muốn con cái đi xa.

     - Nhiều người nói anh yêu quê hương quá. Nhưng có phải yêu quê hương là bắt buộc phải về đây đâu anh.

     - Ai cũng muốn đóng góp cho quê hương. Nhưng anh về tỉnh mình không dám nghĩ cao xa thế đâu. Anh nghĩ thực tế hơn. Vào các thành phố lớn thì cả đời chắc mình cũng là kẻ trọ. Về đây còn mong kiếm được miếng đất xây cái nhà mà ở cho thoải mái.

     - Em vẫn không nghĩ được như anh.

     - Em thì không cần nghĩ như thế. Xưa nay đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm.

     Cả hai im lặng rất lâu. Mỗi người trôi theo một ý nghĩ riêng. Hình như càng nghĩ thì họ càng cảm thấy xa nhau hơn. Một người neo lại một người ra đi. Đêm qua, Sanh hút mười hai điếu thuốc để nghĩ những câu hào hoa. Nhưng chiều nay những câu nói ấy đã bay mất, nhường chỗ cho bao nhiêu nỗi niềm. Có lẽ khi người ta yêu thì lãng mạn vô tư, còn để tình yêu đơm hoa kết trái thì phải thực tế vô vàn. “Sự thật giết chết lãng mạn”. Ngày xưa cả giảng đường đại học ồ lên phản đối khi nghe thầy dạy triết nói câu ấy. Nhưng bây giờ Sanh mới nhận ra câu nói của thầy đúng là thứ triết học hiện sinh.

     Bên trong lòng đê, những tấm lát bê tông cứng sững như khóa chặt sự tự do thoải mái của dòng nước. Một cây xuyến chi đâm lên giữa hai mép đá và nở dăm bông hoa trắng. Sanh nghĩ, cây ngoi lên giữa sỏi đá thì mới cứng cáp và cho hoa dễ thương. Nghĩ thế nhưng chàng không nói ra, giờ mà càng nói thì vô tình hai đứa càng bị kéo rời khỏi nhau. Sanh chỉ biết rằng mình quyết tâm sẽ thành công trên chính mảnh đất quê nhà.

     Sanh đứng dậy: “Về thôi em!”. Nàng nhẹ nhàng đứng lên theo, rồi như luyến tiếc cái chỗ ngồi, lại cúi xuống đưa tay vợt qua ngọn xuyến chi.

     - “Đừng chạm vào cây, mùa lá rụng.” Sanh bất giác đọc một câu thơ của nữ sĩ người Nga Olga Bergolts.

*

     Mùa hè năm sau nàng tốt nghiệp. Nàng không còn cái vui sướng như hồi mới đỗ đại học, thay vào đó là một nỗi lo lắng. Sanh biết đây là quãng thời gian hai đứa được gần nhau hơn, nhưng cũng chính là lúc những sóng gió của tuổi trẻ dồn dập ập đến. Hai người đã quen nhau dễ đến bảy năm trời, và yêu nhau thì tự lúc nào không rõ, nhưng có một thứ tình cảm ràng buộc bền chặt mà mới thoáng qua cứ ngỡ sẽ tiến xa hơn.

      Nàng nộp đơn với tấm bằng sư phạm sử, xin đi dạy. Nàng chờ. Qua từng ngày, cái sự đợi chờ cứ dài ra, ruột gan nàng nóng bừng lên. Sanh cũng chẳng thể yên tâm làm việc. Mỗi buổi chiều ngồi bên nhau là cả bầu không gian chứa đầy sự im ắng, nặng nề.

     - Mới đó mà ba tháng rồi anh ạ, vẫn chưa có thông báo gì cả, chắc là người ta không nhận rồi.

     - Gắng chờ thêm một thời gian nữa đi em.

     - Bạn bè chúng nó bỏ vô nam cả rồi anh. Chỉ còn em vẫn bình chân ở đây. Người ta nói ra nói vào đau đầu lắm anh ơi.

     Đến giữa mùa đông thì nàng không thể chờ thêm được nữa. Sanh biết không còn cách nào níu giữ nàng ở lại với quê hương. Nàng luôn nghĩ rằng, quê hương là bến đỗ của anh, chớ đâu phải bến đỗ của em mà ở đây chờ với đợi. Sanh lại khác, chàng cho rằng đó là sự cách biệt thế hệ trong suy nghĩ. Sanh chỉ hơn nàng có ba tuổi thôi, nhưng một người thuộc thế hệ 8X, một người là 9X. Chữ X xếp chéo như cái kéo cắt rời để phân định ra những nét riêng. 9X năng động hơn, linh động hơn, và vì thế họ không thể chồn chân một chỗ như lứa tuổi của chàng. Những thành phố lớn là mảnh đất sống mà họ khao khát, quê hương để về già đã anh. Có lần nàng đã nói với Sanh như thế mà chàng cứ ngỡ nàng đọc một câu trong cuốn sách nào đó thôi.

     - Em không muốn bỏ anh, nhưng cũng không thể bỏ đi tuổi trẻ của mình.

     Nàng cúi xuống thu xếp áo quần vào va ly, tránh ánh mắt anh và nói. Một người bà con đã xin được việc cho nàng ở trong Vũng Tàu. Đi dạy hợp đồng thôi, nhưng bữa nay có được việc hợp đồng là tốt rồi.

     Khát vọng làm việc chăng? Hay chỉ là giải quyết trước mắt vấn đề cơm áo gạo tiền? Sanh luôn tin vào thứ tình cảm chân thật mà hai người đã dành cho nhau, vun vén đầy lên qua chừng ấy tháng năm. Song, ở đời có nhiều điều lạ lắm. Bến đỗ của tình yêu là trái tim, nhưng bến đỗ của cuộc sống thường nhật là thực quản. Bến đỗ của chân thành là niềm tin, còn bến đỗ của hạnh phúc phải là lý trí. Một khi người ta yêu thì mù quáng, đánh mất lý trí, như đám mây che nắng chiều tà. Lúc nghĩ đến hôn nhân lại tỉnh táo sắc lẹm, tựa cầu vồng hiện rõ sau mưa.

     - Để anh chở em lên ga nhé! – Sanh đề nghị, như cầu xin.

     - Cầm lòng được không anh?

*

     Chuyến tàu chạy qua ga thị xã lúc chiều tàn. Hai người đến sân ga sớm. Dẫu vẫn biết có một thứ đã trở thành muộn màng. Sanh mang mang những cảm xúc khó tả. Đảo lộn những lớp lang vốn có trong đầu óc một gã viết văn, xáo xạo bao nhiêu phong cách chuẩn mực của người làm hành chính công. Lần này chàng không hề sắp đặt trước một kịch bản nào cả. Sự tự nhiên mang lại nhiều cảm xúc hơn, hay chính cảm xúc mới là yếu tố làm nên sự tự nhiên, dù cho đó là một cái nhẽ buồn. Nàng thì có khá hơn, vì dù sao nàng vẫn còn cái niềm vui là sắp được làm cô giáo. Thoát khỏi mảnh đất mà mấy tháng nay người ta cứ tỏ ra thương hại nàng. Tuổi trẻ của họ không chấp nhận sự thương hại, tự đứng lên bằng đôi chân tín tiến và bước đi rảo hoạt.

     Sanh dắt nàng đi dạo dọc đường ray. Buồn ơi ta có một buổi chiều. Những viên đá chừng nắm tay lố nhố châm chỉa. Cột báo đầu kia, hai cái đèn đỏ vẫn thay phiên nhau nhấp nháy sáng như thúc bách, như đếm tỉa thời gian ít ỏi còn lại. Nếu mỗi lần đón nàng, chàng mong cái đèn đỏ đứng phắc để tàu tới, thì lần này chàng cứ cầu mong nó đừng im bặt. Tàu đi tàu đến sân ga vẫn thế thôi, chỉ có lòng người là khác.

     Một cây xuyến chi mọc giữa hai ray sắt, gốc cây bị kẹp chặt bởi dăm hòn đá sần sùi hoắt nhọn. Ở đây cũng có xuyến chi chớ đâu phải chỉ riêng con đê dưới làng. Nhưng xuyến chi không nở hoa, đúng ra là có hoa và bị tàu chạy qua gạt phăng mất rồi. Sanh đưa chân đá phạt qua nó, rồi mắng:

     - Giữa đường tàu mà cũng mọc. Hèn chi bị gọi là hoa dại.

     - Đừng chạm vào cây, mùa lá rụng, anh!

     Nàng nói và khẽ cười bông lơn rồi thoáng giật mình khi nghe tiếng còi tút tút đầu xa. Nguy hiểm. Đừng chạm vào ray khi tàu qua bến đỗ.

     Nàng khuất hẳn sau đám đông lố nhố chen nhau lên toa, những bàn chân cố gắng tìm một chỗ đứng hướng về thành phố sôi động. Ở đâu đó trên kia, có lẽ giờ nàng đang vui. Nàng đã bỏ lại những trăn trở ưu tư, những kỷ niệm ngọt ngào của thứ tình yêu trong sáng nơi sân ga này. Sanh mường tượng ra nụ cười rạng rỡ của nàng lúc tàu đến nơi, đấy mới là bến đỗ của em. Thành phố sầm uất với những toà nhà cao, trong đó nàng sẽ tìm được một nơi trú ngụ; và một ngôi trường đầy đủ tiện nghi mà nàng có thể giảng bài say sưa để lĩnh lương hằng tháng. Nàng đã về tới bến đỗ của khát vọng tuổi trẻ.

     Lòng Sanh lạnh ngắt như ray sắt trong mùa đông. Chàng rời ga, dìu xe đi giữa lòng thị xã buông đèn. Sân ga này, thị xã này là bến đỗ của anh. Còn với nàng, thì lại là bến rời. Nhưng biết đâu đến một ngày nào đó, nàng sẽ nhận ra rằng sân ga không phải là bến đỗ thực sự, mà người đợi ở sân ga mới là bến đỗ vững chắc.

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle