Lam Khê

Từ ngày có con đường sắt Bắc nam chạy
qua thị trấn, người ta mới biết đến xóm nhà của dân ngụ cư nằm bên lưu vực của
dòng sông. Những ngôi nhà sàn gỗ, mái tôn, buộc chặt vào các thùng phi thả nổi
trên sông. Căn này tiếp căn kia, hình thành một khu làng chài, trông chẳng khác
mấy cảnh ghe thuyền tấp nập neo đậu nơi bến bờ xa.
Sáng sớm tinh mơ trời đổ cơn mưa rào nhẹ. Cơn
mưa giông cuối mùa nghe tỉ tê như tiếng đàn bầu của chàng nhạc sĩ mù bên xóm
chợ. Bao lần nghe tiếng mưa đêm trên bến sông vắng, Nhàn cũng thấy lòng hiu hắt
não buồn. Mở cửa bước ra hiên ngoài, cơn gió lạnh làm cô thoáng rùng mình. Dụi
mắt, Nhàn ngước nhìn cảnh vật qua màn sương u tịch. Dòng sông lặng lẽ một đời
yên trôi. Dòng sông cưu mang những thân phận đời người tha phương trôi nổi.
Cả mặt sông đang dậy sóng. Những con
sóng nhỏ nhoi rời rạc mà âm vang nghe lạnh lùng giá buốt. Chờ mãi không nghe
tiếng mái chèo khua, Nhàn sốt ruột trở vào nhà. Thường giờ này ghe của ba đã về.
Nhàn cũng sửa soạn quang gánh cùng mớ cá tôm đem bỏ chợ. Từ ngày mẹ mất, nhà cửa
vắng vẻ quạnh hiu, Nhàn cũng mất cái thú đứng nhìn chim bay cá lội mỗi sáng
chiều. Đời nước sông gạo chợ kéo theo bao chuyện lo toan vặt vãnh. Cuộc sống mỗi
ngày là một dòng sông trôi. Bấp bênh. Vô định.
Tuần tới là giỗ mẹ rồi. Năm giỗ đầu
tiên. Bao hoài niệm, nhớ thương dâng trào theo nỗi buồn trống vắng. Một năm,
những xáo trộn dần qua đi, nhưng sự mất mát thì không gì bù đắp được. Hằng đêm,
trên chiếc thuyền nan đơn độc, ba lầm lũi với nghề đánh bắt trên sông. Mỗi sáng
trong lúc chờ ba trở về, Nhàn chỉ biết thắp hương khấn nguyện. Lời cầu nguyện
miên man trong ý tưởng như dòng mắc xích đan xen rối rắm. Dầu thiết tha thành ý,
Nhàn vẫn cảm nhận ra điều bất nhẫn trong lòng. Dòng sông, nơi lưu trú của vô số
loài tôm cá. Những sinh vật nhỏ bé, luôn mong ước được tự do bơi lội giữa làn
nước trong xanh. Nhưng làm gì có được một cuộc sống bình yên, khi mà cạm bẫy
cuộc đời không ngừng giăng mắc.
Trời vào thu, mưa mù giăng mắc cả dòng
sông. Không biết làm gì, Nhàn khép cửa rồi đến trước bàn Phật lâm râm khấn vái.
Cô cầu nguyện cho ba được bình yên trở về với nhiều tôm cá. Cầu cho buổi chợ
đông, việc mua bán thuận lợi. Cầu cho thằng Du được đến lớp. Và cầu cho gia đình
có một ngày mai sung túc. Chuyện ngày mai... Nhàn có bao giờ dám nghĩ tới đâu.
Nhưng ba thì không thôi lo nghĩ. Ông thường nhìn con gái thở dài chép miệng:
- Con gái giống mẹ. Rồi cũng khổ như
mẹ thôi, con ạ. Cả đời mẹ con chỉ biết hy sinh lam lũ... Cho đến lúc nhắm mắt
buông tay cũng không có được mảnh đất chôn thân. Nếu ngày ấy nhà mình có tiền
chạy chữa, thì bệnh mẹ con đã không trở nặng...
Nhàn mím môi cố ngăn dòng lệ. Cô nói
một câu vốn đã in sâu vào tâm trí:
- Đời mẹ là một khúc sông ngắn, tồn
tại trên đời vừa đủ làm chất liệu cho cây cỏ xanh mầm... Ba à! Sắp đến ngày giỗ
mẹ rồi. Ba phải lên chùa thỉnh quý thầy tụng kinh cầu siêu cho mẹ. Mà ba đừng
uống rượu nữa. Mẹ sẽ không vui. Ba uống rượu nhiều rồi mang bệnh... càng khổ.
- Ừ ! Ba biết chứ. Ba buồn nên uống
chút đỉnh. Nhưng từ đây, ba hứa sẽ bỏ rượu. Nhất định mà. Con gái.
- Ba! Hay là mình về quê đi. Có đất
đai mồ mả ông bà… còn hơn là sống bấp bênh mãi trên dòng sông bất định này.
Người cha thở dài:- Ba cũng đã nghĩ
đến điều ấy. Nhưng về làm gì khi không có mảnh đất dung thân. Bao nhiêu đất đai
ông bà để lại bác con thâu tóm hết. Ba vì tự ái, vì không muốn cảnh anh em xào
xáo, nên chấp nhận làm kiếp tha phương.
- Chẳng lẽ ba cứ theo nghề đánh bắt
mãi. Cá tôm trên sông ngày càng khan hiếm. Chỗ ở không ổn định. Con nghe nói Nhà
Nước sắp giải tỏa xóm dân chài này rồi đó.
-Ừ! Ba biết. Thôi thì được ngày nào
hay ngày đó con ạ. Từ từ rồi tính. Mẹ con mới mất. Thằng Du còn đi học. Mình là
người đã quy y, thọ ơn nhà chùa, hài cốt mẹ cũng gởi trên chùa. Ba thật không
muốn theo đuổi nghề này. Hơn nữa bây giờ người ta đánh bắt bằng cả chất nổ làm
cho cá tôm chết sạch, không kịp sanh sản. Nhìn dòng sông mà đau thắt cả rưột.
Thắp nhang xong, nghe tiếng mái chèo
khua tấp vội bên hiên nhà, Nhàn chạy ra. Ba đã về. Sao trông ba mệt mỏi phờ phạc
quá. Lại có thằng Du nằm trong ghe, trùm kín mềm, đôi mắt nhắm nghiền bất động.
Nhàn hoảng hốt kêu lên:
- Có chuyện gì vậy ba? Em Du sao thế
này?
Người cha buột chiếc ghe vào cột nhà
sàn, chậm rãi nói:
- Du bị trúng gió hồi đêm, té xỉu bên
bờ sông sau chùa. May mà chú Nhân ra kịp. Con đưa em lên giường nằm nghỉ, nấu
cho nó miếng cháo cá ăn giải cảm.
- Sao ba không đưa em vào trạm xá.
- Còn sớm quá, người ta đã làm việc
đâu. Hồi đêm chú Nhân có cạo gió, cho nó ăn cháo và uống thuốc rồi. Khuya này,
như linh tính, ba ghé qua chùa mới biết. À! Con bắt nồi cháo rồi đem mớ cá ra
chợ. Ba vào nằm nghỉ một lát, sáng chút nữa sẽ đưa em lên trạm xá.
Nhàn phụ ba dìu Du lên giường nằm. Cô
nhúng khăn lau mặt cho em. Nước mắt người chị nhỏ dài xót xa:- Du! Em thấy trong
người thế nào. Sao nhắm mắt mãi thế. Đừng làm chị sợ Du à…
Du mở mắt, thều thào:- Em đỡ rồi chị
Hai. Hồi hôm trăng đẹp quá... Em… Em đi ra sông ngắm trăng. Và … để từ từ rồi em
kể cho chị nghe.
Du lại ngập ngừng nói:- Chị đem mớ cá
ba đánh bắt ra thả lại trên sông… Coi như mình phóng sanh đi. Được không chị. Em
không ăn cháo cá đâu, chị nấu cháo trắng được rồi.
Nhàn nhìn em, im lặng gật đầu. Từ ngày
mẹ mất, Du được thầy đưa vào lớp học tình thương ở chùa. Ngoài giờ học, Du
thường lên chùa chơi với mấy chú Tiểu. Cả tháng nay, Du đến chùa thường hơn và
ngủ lại đêm.
Nhàn xách hai xô đầy cá đi lên bờ. Cô
không ra chợ mà xuôi dọc theo con sông. Những chú cá loay hoay búng mình nhảy
lên mặt nước. Xô cá chật chội. Lũ cá chen chúc vẫy vùng cố thoát ra ngoài một
cách vô vọng. Thu bước đến bên lùm cây vắng vẻ. Cô nhìn quanh rồi nhanh tay
nghiêng xô cá xuống dòng nước. Có tiếng xe đạp thắng gấp sau lưng làm Nhàn giật
mình quay lại:- Kìa chú Nhân. Làm tôi hết hồn.
- Uả! Chị Nhàn làm gì vậy. Chị đã bán
hết cá rồi à?
- Tôi vừa thả hết cá xuống sông.
- Hả…?
Nhìn vẻ mặt ngạc nhiên của chú tiểu,
Nhàn vội giải thích:- Đây là ý của Du. Tôi phóng sanh cá… để cầu siêu cho mẹ.
Sắp đến ngày giỗ mẹ rồi. Và cũng là cầu an cho Du hết bệnh.
- Chị phóng sanh hết cả hai xô cá.
Ba chị đồng ý chứ?
Nhàn lắc đầu:- Ba chưa biết. Rồi tui
sẽ giải thích với ba. Mà chú chở gì đằng sau xe vậy?
- À!- Chú Tiểu chợt nhớ tới mục đích
của mình:- Thầy dạy tôi chở bao gạo đến cho nhà chị, rồi đưa Du lên trạm xá khám
bệnh. Gạo của hội từ thiện giúp đỡ những gia đình nghèo neo đơn trong xóm.
Nhàn nghe sóng mũi mình cay cay, cô
trầm giọng:- Nhà tui thọ ơn chùa mải. Rồi làm sao trả hả chú?
- Hội từ thiện lập ra là để cho người
giàu biết làm phước bố thí, giúp người nghèo vựợt qua cơn khó khăn bức ngặt. Lấy
của giàu giúp người nghèo, vừa thể hiện tấm lòng đại từ bi của đạo Phật, vừa
mang tinh thần tương thân tương trợ, để mọi người cùng chung sống hòa bình an
ổn…
Nhàn bật cười:- Chú Nhân nói chuyện
hay quá. Hèn gì thằng Du cứ ở miết trên chùa để nghe chú nói chuyện …
Chú Nhân cũng cười, cúi gập người đạp
xe:
- Tại chị hỏi… Nhân chỉ nói lại những
lời thầy thường dạy cho Phật tử thôi mà.
* * *
Đêm trăng sáng. Du gấp sách bước ra
ngoài. Vầng trăng thu đẹp và dịu mát làm sao. Cả sân chùa sáng rực như treo ngàn
ánh đuốc trên ngọn cây. Có trăng, cảnh vật trên sông trở nên mông lung huyền ảo.
Du đi lần ra bờ sông. Gió mát trăng
thanh khiến lòng Du bồi hồi nhớ mẹ. Dòng sông yên tịnh quá. Ghe của ba giờ này
chắc ở xa lắm. Ba cố đi thật xa mong kiếm thật nhiều cá, để có tiền làm giỗ đầu
cho mẹ được tươm tất. “ Giá như mẹ còn, mình sẽ đưa mẹ đến chùa tụng kinh, sẽ
giới thiệu mẹ với chú Nhân...” Chú tiểu Phước Nhân ở chùa từ nhỏ. Chú cũng mồ
côi mẹ. Từ ngày mẹ mất, Du đến chùa rồi trở thành bạn thân của chú. Cùng trạc
tuổi nhưng Du thấy mình học hỏi chú rất nhiều điều. Nhưng tháng tới đây, chú
được sư phụ gởi về thành phố tu học rồi.
Du nhìn dòng sông. Vầng trăng soi tỏ
một khúc sông sâu. Có đàn cá tung tăng đùa giỡn dưới làn nước trong xanh. Một
con cá bơi tách ra khỏi đàn. Con cá to hơn cả, thân hình nhuộm cả sắc vàng óng ả
của vầng trăng. Du ngẩn ngơ và có cảm giác con cá cũng ngước lên nhìn mình. Một
con cá vàng tuyệt đẹp. Con cá thật dạn dĩ. Nó bơi theo đường vòng cung, uyển
chuyển nhịp nhàng, lúc dang ra xa lúc lại nhẩn nhơ ghé sát vào bờ. Nước sông
cạn. Du như bị thôi miên bởi vẻ đẹp của cá hay vì một lẽ gì đó, Du không rõ mà
cũng không có thời gian suy nghĩ. Cậu nhẹ nhàng lội xuống nước, đi lần đến chỗ
con cá đang bất động. Dòng sông yên lặng. Ánh trăng soi tỏ những chiếc vẩy cá
màu vàng ánh bạc.
Chú cá vàng chập chờn thoắt hiện thoắt ẩn. Có
lúc Du ngỡ đã bắt được. Song chỉ cần vẫy nhẹ là cá vùng thoát ra khỏi. Rượt đuổi
một lúc Du mệt nhoài. Lúc này nước đã ngang quá ngực. Du định quay trở vào, chợt
nhìn thấy chú cá bơi sát lại bên mình, chỉ cách một tầm tay với. Du nín thở dùng
hết sức bình sinh chụp lấy. Mặt nước khuấy động dữ dội. Con cá vàng lặn mất tăm.
Du thì hai tay chới với, sặc sụa trong làn nước. Khi ngoi đầu lên, một vầng sáng
lấp lánh làm Du phải nheo mắt lại. Một hình nhân nổi trên mặt nước. Du định thần
nhìn kỹ. Bóng hình nhân lãng đãng trong suơng mù, phảng phất gương mặt thoáng
buồn của mẹ. Ôi! Mẹ. Mẹ đang nhìn Du. Âm thanh vang dội của mẹ như đến từ cõi xa
xăm:
- Trở vào đi con. Ngoài này nguy hiểm
lắm.
Du không còn nghe thấy gì nữa. Đầu óc
mơ màng như còn đang ngái ngủ. Cậu có cảm giác mẹ đã dìu mình trở vào bờ. Bà nhẹ
nhàng đặt cậu nằm trên thảm cỏ. Du còn nghe rõ tiếng sóng nước rì rào, tiếng
bước chân lạo xạo của ai đang đi trên thềm đá sỏi trong sân chùa. Thoáng chốc
mọi thứ trở nên yên lặng.
* *
*
Sau bao năm, con thuyền vô định đã quay tìm bến
đậu. Đời người xuôi ngược rồi cũng trở về nơi quê cha đất tổ… Cuộc đời của một
dòng sông trôi và ước mơ hồi hương sắp thành hiện thực. Từ ngày nhận được tin
tức từ quê nhà, ba không ngớt tươi cười:
- Quê mình nay đã lên thị xã. Bác con
chia mấy sào đất để ba đứng tên. Về quê, mình bán bớt một khoảnh, có vốn mở tiệm
tạp hóa cho con buôn bán. Ba thì trở lại với nghề mộc. Thằng Du vẫn đến lớp. Tối
tối con có thể theo chị em đi học thêm…
Về quê, nghĩa là chấm dứt những ngày
tháng sống tạm bợ trên sông. Đêm đêm, ba sẽ không còn rong ruổi ngập lặn theo
nghề thả lưới đánh bắt. Miền quê hương chỉ còn lại đôi nét trong ký ức của Nhàn.
Nơi ấy đang rộng mở vòng tay đón nhận những đứa con xa xứ trở về. Vậy mà sao
lòng Nhàn vẫn thấy lòng gợn buồn man mác. Có lẽ vì sắp phải xa một nơi đã trở
thành một chốn thân quen bao ngày.
Ba thở dài:- Chỉ tiếc là mẹ không
còn...
Nhàn cũng bồi hồi:- Mẹ luôn phò hộ cho
chúng ta, ba à! Hôm thằng Du ra sông, bị trúng gió bất tỉnh. Trong cơn mê sảng,
nó thấy mình lội xuống dòng sông, đuổi bắt con cá vàng. Rồi mẹ hiện lên và đưa
nó trở vào bờ. Mẹ luôn mong muốn những điều tốt đẹp cho các con.
Du xen vào:- Chú Nhân bảo mẹ đã siêu thoát rồi
đó ba. Nhờ con đi chùa tụng kinh cầu siêu mỗi đêm đó…
Người cha hắng giọng: - Ừ! Nếu chú
Nhân không ra kịp, thì bây giờ con đã thành ma rồi. Đêm hôm khuya khoắt, một
mình ra bờ sông làm gì không biết.
Gương mặt Nhàn lộ vẻ băn khoăn:
- Ba! Về quê, còn hài cốt mẹ gởi ở
chùa thì sao?
- Thì vẫn gởi chùa, nhờ thầy nhang
khói. Đem di ảnh mẹ về quê thờ là được rồi. Hằng năm đến ngày giỗ, cha con ta
lại về đây thăm thầy, thăm chùa, cúng giỗ cho mẹ.
Du nói như reo: À! Phải rồi! Giỗ mẹ
vào mùa hè, con nghỉ học. Vậy giỗ xong, ba cho con ở lại chùa tụng kinh làm công
quả ba tháng.
Nhàn trêu em: Em phải nói là vì lúc ấy
có chú Nhân về…
Du cười hề hề, ngắt lời chị:- Có chú
Nhân về thì càng vui. Chị không nghe thầy hay nói câu: “ Ăn cơm có canh. Tu hành
có bạn “ đó sao?
Nhàn cũng phì cười theo lập luận của
Du. Người cha đi ra cửa:- Ừ! Hai đứa cứ ở đó mà cải lý. Ba phải đi lo công việc
đây.
Du nhìn ra cửa, nói nhỏ với chị:- Em
cũng đang đợi chú Nhân tới.
Nhàn chau mày hỏi:- Định đi đâu à ?
- Tụi em ra chợ đón ghe chài mua cá
phóng sanh. Chú Nhân chú nguyện rồi chúng em đem thả cá lại trên sông.
Có tiếng chú Nhân gọi trước hiên, Du
quay qua cười với chị:
- Em đi nghe chị Hai.
Nhàn bước lên nhà trên, cô chào chú
Tiểu:- Chừng nào chú Nhân lên Thành phố học ?
- Đầu tháng nhà trường làm lễ nhập học
rồi. Chắc là em không ở lại để tiển chị và Du về quê.
Nhàn cười:- Thì tụi này sẽ tiển chú
lên đường nhập học. Hè sang năm còn gặp lại mà…
Cô quay lại nói với em:-
Du, tiền đâu em mua cá phóng sanh vậy?
- Tiền ba cho và tiền em gom bán đồ ve
chai mấy bữa nay.
Nhàn quay nhìn ra bờ sông. Dòng sông
hôm nay đã có chút nắng vàng. Mặt nước phẳng lặng sau nhiều ngày gió mưa vần vũ.
- Mình mua cá thả sông, rồi người ta
chài lưới bắt lại. Cái vòng lẩn quẩn cứ như thế mãi.
Chú Nhân gật đầu:- Cái vòng lẩn quẩn
của cuộc đời là vậy. Nhưng đạo Phật là đạo hiếu sinh. Người con Phật với lòng từ
bi thì không thể làm ngơ khi thấy chúng sanh bị bắt bớ giam cầm. Nếu mình thành
tâm chú nguyện thì cũng khiến cho mọi loài vơi bớt niềm oan khiên hận thù đau
khổ…
Vài giọt nắng ven sông chợt trở nên
lung linh tỏa sáng. Nắng soi chiếc thuyền đời ngược bến quê xa./.