Lam Khê
Như thường
lệ, sáng sớm ông Sang chạy bộ một vòng quanh con đường mới trải nhựa
trong xóm. Sau đó ông ghé tạt vào khu nghĩa trang nằm heo hút
trên một ngọn đồi thấp. Nơi đây lộng gió và không gian toả sáng một màu
trời. Cảnh trí u nhàn cùng tiếng chim
hót trên ngàn cây xanh khiến lòng người cảm thấy yên vui tĩnh lặng, cho dù đang
ở giữa một bãi tha ma với nhiều ngôi mộ đá ong hoang phế đã lâu đời.
Trong bộ đồ
thể thao đẫm ướt mồ hôi, ông Sang bước đến một ngôi mộ có mái che, lấy ra một
nắm nhang được gói cất cẩn thận nơi đó. Ông đốt nhang và đi cắm hầu hết
các ngôi mộ. Mấy hôm trước, ông ra dẫy cỏ, lặt lá mai,
nên cả khu mộ lúc này trông thật thoáng đãng sạch sẽ.
Ông làm những công việc mà nhiều người cho là vô công rỗi chuyện, với lòng thanh
thản pha
lẫn sự thành kính, cùng một niềm tin mơ hồ nào đó mà ông vẫn chưa hiểu hết.
Thắp nhang
xong, ông đến ngồi xuống một tảng đá và phóng tầm mắt nhìn khắp ngọn đồi rực
vàng màu hoa dại.
Một vài nụ tầm xuân, mấy cánh mai vàng vừa chớm nở những bông hoa đầu tiên trong
nắng sớm.
Có tiếng chuông chùa vọng lại từ phía bên kia ngọn đồi. Ngôi chùa cổ quanh năm quạnh
vắng ấy, ông chưa một lần bước chân vào. Chỉ thỉnh
thoảng có dịp đi ngang qua cổng, ông mới dừng lại ngắm nhìn tượng Phật Quan Âm
trước sân. Tượng đã cũ kỹ lắm, lớp áo thạch cao bên
ngoài gần như bị sờn tróc hết. Nhưng hình dáng và khuôn
mặt từ bi phúc hậu của vị Bồ Tát làm ông chạnh lòng hoài niệm bâng quơ.
Bất giác
ông cho tay vào cổ áo kéo sợi dây chuyền bạc có gắn bức tượng Quan Âm
nhỏ bằng đá cẩm thạch. Một kỷ vật mà ông cất giữ suốt bao năm.
Sau này khi đem bọc bạc rồi đeo vào cổ, mọi người trông thấy đều lấy làm lạ lắm.
Vợ ông thì không ngớt lời chế giễu:
- Ối dào!
Mấy chục năm trời có bao giờ thấy ông đi chùa lễ Phật
gì đâu, sao nay lại đeo tượng Phật. Hẳn là của thầy bên chùa cho ông đấy chắc?
Ông lắc đầu
cười nhẹ, nói một câu vốn đã quen miệng:
- Bức Tượng
này của một người bạn tặng cho tôi trong thời kháng chiến lận. Người bạn ấy mất
lâu lắm rồi. Chính nhờ đeo tượng Phật mà tôi nhiều phen
thoát hiểm đấy.
- Rõ vớ vẩn.
Ông mà cũng dị đoan đến vậy cơ à!
Ông lặng
thinh như đã quen với những gì bà hay nói. Làm sao bà có
thể hiểu được. Cái kỷ niệm mà ông cho là rất thiêng
liêng cao quý ấy, nó nằm sâu trong tận đáy lòng hơn một phần tư thế kỷ rồi.
Có lần ông đã tìm về nơi ấy. Tất cả đã thay đổi theo
thời gian cùng những chuyển biến không ngừng của cuộc sống. Tuy vậy ông cũng nhận ra chiếc cổng sắt sờn cũ có giàn hoa giấy phía
trước.
Ngôi nhà hai tầng nằm sâu bên trong phô hẳn vẻ nhạt nhòa rêu
bạc. Khung cảnh vẫn như ngày nào.
Song khi ông hỏi tên người chủ cũ thì không ai biết.
Ông bần thần đứng mãi trước căn nhà để hồi tưởng lại những con người đã từng
giúp mình ngày trước. Giữa thời buổi loạn ly đầy biến động người ta vẫn sẵn sàng
trải rộng tấm lòng bằng một nghĩa cử cao đẹp của tình người, dù biết ông không
cùng chung
chiến tuyến.
Những ngày
đầu xuân năm ấy, chiến sự ác liệt xảy ra khắp nơi. Chính trong ngôi nhà này, Sang được mọi người cưu
mang, khi bị tập kích truy lùng. Họ là mẹ, là vợ con của một sĩ quan cao cấp chế độ đương thời.
Khi lọt vào đây, Sang nhận ra tình thế ngay khi thoáng thấy
bức ảnh quân phục của người chủ nhân và đinh ninh mình khó thoát được.
Nhưng bà cụ đã nhanh chóng bảo người con dâu cùng hai đứa cháu đưa vị khách
không mời này lên lầu thay quần áo. Sau đó Sang được cho ăn
uống thuốc men cùng nghỉ ngơi trong nhà suốt một tuần lễ. Hằng ngày hai đứa con
của chủ nhà mon men đến lân la nói chuyện với Sang. Cô
bé Thi--mười bốn tuổi cùng cậu em nhỏ hơn một chút, đều mang khuôn mặt thánh
thiện và phúc hậu của bà nội, lại luôn tỏ vẻ cảm mến người thanh niên xa lạ đầy
bí ẩn đang trú tại nhà.
Mọi người
xem Sang như con cháu người làm và dường như ai cũng tránh hỏi về lai lịch cùng
công việc của Sang. Người đàn ông chủ nhà đi đâu vắng. Bà cụ rất mộ đạo. Sớm tối bà gõ mõ tụng kinh trên tầng hai.
Hai chị em Thi cũng hay ngồi bên bà nghe kinh. Khung cảnh gia đình thân thiết
chuẩn mực, cùng với không khí của ngày đầu xuân ấm áp làm lòng Sang bâng khuâng
chạnh nhớ về làng quê xa xôi tận đất Bắc. Nhưng chàng thanh niên mang lý tưởng
cách mạng vẫn không quên trách nhiệm đang còn nằm phía trước. Ngày từ giã, người
mẹ trẻ đích thân lái xe hơi đưa Sang ra khỏi vòng nguy
hiểm. Trước khi đi, Thi đã kịp chạy theo đưa cho Sang
một vật. “Thi tặng chú Sang bức tượng Quan Âm bằng đá nè. Chú
mang trong người đi. Bồ tát sẽ phù hộ cho chú mỗi khi
gặp hoạn nạn.”
Sang cầm
bức tượng ngắm nghía. Cảm nghĩ đến năng lực của Bồ Tát
đã khiến xui cho mình chạy lạc vào một ngôi nhà có đầy lòng nhân ái thạnh tình
này. Sang bồi hồi chia tay cô bé Thi và hứa:
“Khi nào đất nước thanh bình chú sẽ trở về thăm và tạ ơn những người đã cứu giúp
mình. Ngày ấy chắc không còn xa lắm đâu.
“Cầu nguyện
Bồ Tát gia hộ cho Thi sống đến ngày đó để gặp lại chú Sang.”
“Sao Thi
lại nói gở thế… Đâu lý nào…”
Không còn
thời giờ để nói thêm gì nữa, Sang bước ra xe… ngoái nhìn lại ngôi nhà và cô chủ nhỏ đang đứng trước
cổng như để in đậm hình ảnh quen thuộc ấy vào tâm tưởng. Vậy
mà mất hơn mười năm, Sang mới thực hiện lời hứa trở lại chốn này.
Ngôi nhà vẫn còn đó còn người năm cũ không biết đã trôi dạt về phương trời nào?
- Xin
lỗi… Ông tìm ai ở đây?
Một ông lão
đi ngang qua chợt dừng lại hỏi. Sang ngần ngại nhưng cũng buột
miệng nói:
- Dạ tôi
muốn tìm gia đình cô Thi hồi trước ở ngôi nhà này.
Ông lão
nhìn Sang một hồi lâu rồi mới nói:
- Có phải
ngày xưa ông từng trốn vào đây, được chủ nhà che chở cho ở lại phải không?
Gia đình họ đã đi ra nước ngoài. Còn cô Thi… cô ấy mất trước đó vài năm
vì chứng bệnh ung thư máu.
Ông lão dẫn
Sang đi thăm mộ Thi ở trong khu nghĩa trang Thành phố.
Ông kể nhiều về gia đình của họ, bởi ông từng làm quản gia trong
nhà.
- Nhà chủ
đi rồi thì tôi cũng dọn ra riêng. Ông cụ lại thở dài nói tiếp:
- Cô Thi
bây giờ nằm đây một mình mà cũng chẳng yên thân. Nhà nước đang
quy hoạch khu vực này. Mồ mả được thân nhân người ta dỡ
đi gần hết. Gia đình cô Thi từ ngày đó đến nay bặt tin
luôn. Bà con cũng chẳng thấy ai đến thăm nom cúng viếng. Tôi vì chút ân nghĩa với chủ cũ, nhưng cuộc sống còn khó khăn quá.
Việc bốc mộ và di dời chỗ khác kinh phí rất tốn kém. Vả lại, sau này sợ
người nhà về làm khó dễ…
Chính ông
Sang đã đứng ra bảo lãnh và thuê người bốc mộ Thi đưa về chôn trên ngọn đồi này. Khi về hưu ông
mua đất làm nhà rồi dọn về đây ở. Một phần vì ông thích cảnh miền quê yên tĩnh,
không cách xa thành phố lắm mà cũng gần với nơi con cái làm việc. Một
phần ông muốn chu
toàn câu nghĩa tử nghĩa tận đối với người đã khuất - Cô Thi, một ân nhân mà ông
xem như người bạn nhỏ. Một người con gái có tâm hồn vô tư bao dung rộng mở. Một
trái tim từ bi thánh thiện như Bồ Tát Quan Âm. Nhiều khi ông tự
nghĩ, như những câu chuyện Phật Pháp mà ông từng đọc qua, có thể bà cụ và cô bé
là hóa thân của Bồ Tát đã đưa đường dẫn lối và cứu ông thoát nạn năm ấy.
Bồ Tát đã biến mất khỏi cuộc đời sau khi trao cho ông một tín vật.
Và ông đã nuôi dưỡng niềm tin ấy trong suốt quãng đời đi qua của
mình.
Từ ngày về
sống với xóm làng, ông thường lên đồi dẫy cỏ trồng hoa, thắp nhang cho những
ngôi mộ hoang không người chăm nom, trong đó có cả mộ của Thi.
Ông chỉ muốn làm chút gì đó để trả ơn cho cuộc đời.
Suốt một thời chinh chiến ông đã thọ ân
biết bao người. Họ là những dân lành chất phác, là những người
tri thức đầy lòng yêu nước, và những tấm lòng người trải rộng mênh mông.
Hơn nữa, ông nghĩ đây cũng là việc làm để vận động cơ thể, giúp tâm hồn khuây
khỏa yên vui, lại tạo ra cảnh quan môi trường cho cuộc sống cũng như gieo âm đức
cho vong hồn người khuất bóng được nhẹ nhàng thanh thản.
Khi ông
Sang về đến nhà thì ánh nắng đã lên cao. Bà Sang đang bận phơi lá bên chái
hiên. Cô con gái lớn đưa mấy đứa cháu ngoại về phụ ông bà dọn dẹp nhà cửa ăn Tết. Ông mang mấy ống tre lồ ô ra sân định ngồi xuống chẻ
lạt thì cô con gái gọi:
- Con đã
dọn cháo và pha cà phê xong rồi. Bố mẹ vào ăn sáng đi
rồi hẵng làm.
Mấy
đứa trẻ đang chơi đùa cười vang cả nhà. Ông Sang cảm thấy lòng rộn rã vui
tươi như thời trẻ con cứ mong mỏi cho mau đến Tết. Thời thanh niên đầy nhiệt
huyết, ông trải qua bao mùa xuân giữa mịt mù bom đạn, nhưng vẫn có đủ cả hoa cả
bánh và cả tình người hậu phương gởi đến. Nhiều khi cận kề bên cái chết, ông lại
nhớ đến bức tượng Quan Âm, cùng lời nói của bé Thi văng vẳng bên
tai: “Chú nhớ mang theo, Bồ Tát sẽ phò hộ cho chú”. Dù không tin lắm vào những điều thần kỳ hư diệu, nhưng ông vẫn cảm
thấy có một sức mạnh nào đó khiến lòng thấy dũng cảm hơn mỗi khi nghĩ đến.
- Một lát con ra chợ đây. Bố mẹ cần mua gì thêm không? - Con gái
ông hỏi khi cả nhà đang quây quần ăn sáng.
- Bánh trái hoa quả cũng tạm đầy đủ cả rồi. Có hai ông bà già và
đám con cháu, ba ngày này cũng chẳng ăn bao nhiêu. Họa chăng có mấy ông bạn già
tìm tới lai rai. À này, con nhớ mua thêm cho bố vài lọn hương thơm nhé.
Bà lên tiếng:
- Hôm trước ông mua cả gánh hương của con bé bán dạo, có đem ra
mả thắp vài tháng cũng chưa hết. Tôi định chút nữa mang thúng gạo nếp và ít
hương sang chùa cúng đấy.
- Vậy thì con tìm mua vài ký thạch cao và xi măng trắng, để chiều
nay bố sang thưa sư ông sơn áo lại bức tượng Quan Âm cho mới để đón xuân.
- Chao ôi! Hôm nay ông muốn sang chùa làm công quả kiếm phước đấy
à! Chắc năm mới chùa sư ông có quới nhân đến viếng.
- Bà nói… đâu phải cứ đến chùa thì mới làm công quả. Lâu nay tôi
không đi chùa, nhưng cũng làm được nhiều điều công đức.
- Vâng, tôi
biết. Cũng nhờ bức tượng Quan Âm của người bạn quá cố nào đó mà ông mới nghĩ đến
việc sang đắp tượng Phật cho nhà chùa. Nhưng hôm nay đã hai
mươi tám Tết rồi thì làm thế nào cho kịp. Ông còn phải phụ tôi chẻ lạt buộc bánh nữa chứ. Gói cả trăm
cái bánh nậm bánh cúng để ông cúng mồ mả. Rồi nào bánh chưng bánh tét… Con Cả còn đòi đổ bánh in…
- Thôi để
bố sang chùa làm công quả đi mẹ. Ngày mai có vợ thằng Hai
thằng Ba về phụ gói bánh được rồi. Còn bánh in con làm
cũng nhanh lắm. Tất cả cũng hoàn
thành trước giờ giao thừa mà.
Thằng Tân,
đứa cháu ngoại nhanh nhảu lên tiếng:
- Cho con theo ông sang chùa phụ đắp tượng nhé mẹ.
Nó quay
sang ông vòi vĩnh:
- Ông cho
cháu đi với...
Ông cười
xoa đầu nó:
- Ừ, ông
cháu mình cùng đi. Để mẹ con
bà ấy ở nhà thử tài nội trợ xem sao.
- Chà! Rõ
nói khéo nhỉ! Công việc đó tôi làm cả đời rồi.
Đâu phải đợi đến bây giờ mới trổ tài cho ông thấy.
Cả nhà cười
lớn vui vẻ. Ông Sang đứng lên thong thả bước
ra sân. Một làn gió nhẹ.
Một thoáng hương xa. Nắng ấm xuân về, như mang cả dáng
hình người con gái năm xưa…