Thiên lý mã

THIÊN LÝ MÃ

DIỆU TRÂN

 

Một thi sỹ Trung Hoa có nói: “Nơi dấu chân đoàn chiến mã hung hãn, ào ạt băng qua, nơi đó, mười năm sau cỏ chưa thể mọc và gió còn tanh mùi máu!”

            Mỗi lần nhớ tới câu nói này, tôi lại nghĩ đến con ngựa già đã đưa Ngài Huyền Trang đi thỉnh kinh.

            Nơi đoàn ngựa chiến băng qua, dư vị tang thương chết chóc khiến gió hôi tanh, cỏ chẳng mọc, thì dặm trường thiên lý mà con ngựa già đưa người phát đại nguyện đi thỉnh kinh để trao truyền lời Phật dạy tới nhân gian khắp cõi, dặm trường đó, chẳng phải chỉ mười năm, mà trăm năm, ngàn năm, đời này, đời sau, muôn đời sau nữa, chắc hẳn gió còn thơm ngát hương chiên-đàn, cát còn long lánh kim cương, sông suối còn ngọt ngào Ba-la-mật.

            Tôi không thích những nhân vật và những tình tiết thần thông xoay quanh câu chuyện này nên chưa bao giờ thực sự cầm một cuốn sách nào viết về giai thoại lịch sử cực kỳ quan trọng mà vị Pháp sư đời nhà Đường đã làm nên. Nhưng tôi lại rất muốn biết về con đường gian nan, hiểm nguy cùng cực mà Thầy Huyền Trang đã trải qua khi vượt sa mạc Qua Bích mênh mông khắc nghiệt dài hơn 800 dặm. Sa mạc đó, trên trời không chim bay, dưới đất không thú chạy, không cây, không nước, không một dấu hiệu của sự sống!

            Trong gia đình tôi, từ cha mẹ, cho tới anh chị em, ai cũng say mê những bộ truyện kiếm hiệp của Kim Dung và ai cũng đã từng đọc qua Tây Du Ký. Mỗi người, bị mỗi câu chuyện đó lôi cuốn ở mỗi giai thoại, mỗi khía cạnh khác nhau nên những bữa cơm tối, chỉ cần ai đó nói lên truyện nào là thành ngay những “đại hội bất thường” sôi nổi.

            Tôi lõm bõm biết đến những nhân vật lừng danh của Kim Dung như Vô Kỵ, Triệu Minh, Chu Chỉ Nhược, Tạ Tốn, những môn phái hắc bạch trong chốn giang hồ, là do ngồi dự khán những đại hội đó chứ chẳng thể nhớ được ai bạn, ai thù, ai thiện, ai ác, ai ở bộ truyện nào.

            Cũng thế, tôi biết về sự tích Ngài Huyền Trang đi thỉnh kinh là do các “diễn giả không chuyên nghiệp” trình bày. Nhưng vì đã rắp tâm chỉ ghi nhận những gì muốn biết và loại bỏ ngay những gì không thích biết nên tôi cũng đã tự phác họa cho mình một bức tranh về sự kiện lịch sử này. Bức tranh hình thành do góp nhặt những lời kể chủ quan của thành phần gia đình nên tất nhiên sẽ có những chi tiết đúng với người này mà sai với người kia. Xin vị nào đọc tới bài này đừng quá nghiêm khắc với chi tiết. Nếu không đúng ý mình nghĩ thì xin xem như… Thần thông biến hóa ra như thế!

            Tôi ghi nhận được nhiều tình tiết nhất là từ cha tôi, những tình tiết không có Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới đại náo vào.

            Ngài Huyền Trang xuất gia ở đâu, lúc bao nhiêu tuổi thì cha không rõ, nhưng những địa danh mà Ngài bôn ba cầu đạo thì cha biết có vẻ tường tận lắm.

            Ngài là một người cầu học tận gốc, cầu biết tận ngọn chứ không phải học để làm dáng trí thức. Nên ở Xuyên Đông, Xuyên Tây, Ngài tìm đến các danh sư mà không ai giúp Ngài thỏa mãn những khúc mắc, bèn lặn lội qua Sơn Đông, Hồ Bắc, miệt mài khắp các tỉnh miền Bắc Trung Quốc mà càng đi, lòng càng khắc khoải, khổ đau. Chẳng lẽ khắp trong thiên hạ không tìm ra minh sư ư?

            Khi ấy, Ngài chợt nhận ra rằng đa số chư Tăng, trí thức, chưa thấu triệt lẽ đạo vì kinh điển lưu hành quá ít! Phần phiên dịch lại nhiều sai sót, khó hiểu! Từ nhận xét này, Ngài Huyền Trang đã nảy ý định tới Ấn Độ thỉnh kinh, vì nơi đó là gốc phát sinh đạo Phật, nơi đức Thế Tôn thành đạo và lập Tăng đoàn đầu tiên hoằng pháp. Nơi đó mới có hy vọng còn giữ những văn kinh bản gốc.

            Nhưng thời đó, ý định Tây-du của Ngài Huyền Trang là hoang đường, là điều không tưởng vì đường từ Trung Hoa sang Ấn Độ quá xa xôi, hiểm trở, không có một phương tiện tương đối an toàn nào có thể thực hiện được chuyến đi. Chưa kể, dù có tới đích thì hy vọng đạt được sở nguyện cũng chỉ mơ hồ vì biết có ai còn đủ quan tâm gìn giữ kho tàng kinh điển xưa không?

            Ấy thế mà dũng mãnh phát tâm không hề lay chuyển. Ngài âm thầm hoạch định lộ trình và thấy rõ đường xa vạn dặm đó không đoạn nào thiếu hiểm trở, gian nguy, thú rừng, cướp bóc… Kinh hoàng nhất là phải vượt qua một sa mạc dài tới 800 dặm mà chỉ có bão cát mịt mù ngày đêm, nơi từng vùi xác bao người, ngựa muốn thử sức với khắc nghiệt thiên nhiên.

            Để chuẩn bị cho chuyến đi gian khổ, Ngài đã lập nguyện nhịn ăn, nhịn uống, dãi gió dầm sương, luyện thân tâm thành sắt thép.

            Cuối cùng, Ngài quyết khởi hành từ tỉnh Lương Châu vì nơi đó giáp ranh đường về miền Tây Ấn Độ.

            Khi đó Ngài Huyền Trang vừa ba mươi bốn tuổi.

            Chính tại tỉnh Lương Châu này, Ngài gặp một người lái buôn bản xứ, cốt cách đạo mạo, nghiêm minh khiến vừa gặp, Ngài đã sanh lòng tin yêu nên không ngần ngại thổ lộ ý nguyện của mình.

            Cũng chính nơi đây, Ngài có được bạn đồng hành, giúp Ngài thực hành tâm nguyện.         Bạn đồng hành rất quan trọng đó là con ngựa già của người bản xứ.

            Tất cả những gì tôi được nghe, được biết về dặm trường thiên lý thỉnh kinh của Ngài Huyền Trang, đối với tôi, quan trọng nhất, cảm động nhất, mầu nhiệm nhất, là ở thời điểm này. Nhưng bất nhẫn thay, đại đa số những tác giả viết về Đường Tam Tạng thỉnh kinh, tới đây, đều lướt qua, để thêm vào đó những diễn viên thần thông dị hợm!

            Khi tới Lương Châu ít lâu, con ngựa của Ngài Huyền Trang không quen thủy thổ, bệnh mà chết! Ngài phải tìm mua con ngựa khác. Ấy thế mà khi gặp, và thổ lộ tâm tư với người lái buôn bản xứ, ông ta trầm tư giây lát rồi đề nghị đổi con ngựa già của mình lấy con ngựa trẻ trung, tốt đẹp mà Ngài Huyền Trang đang dùng. Ông ta thưa Ngài rằng, Ngài cần con ngựa già này vì nó rất thuộc đường tới phương Tây, nhất là, đã từng chở hàng hóa vượt sa mạc nắng cháy, đã quen dầu dãi tuyết sương nên tuy già mà vẫn khỏe, chứ chú ngựa non háu đá đẹp đẽ kia không vượt nổi 10 dặm sa mạc gió cát đâu, nói gì 800 dặm!

            Đối với người lái buôn bản xứ, chắc chắn con ngựa già quen đường này quý gấp bội hơn con ngựa non đẹp đẽ kia. Vậy mà sao ông ta sẵn lòng đổi cho một người xa lạ chỉ vừa tình cờ gặp, khi người ấy thổ lộ muốn đi về phương Tây?

            Có ai nhìn thấy sự cảm thông kỳ diệu giữa hai tấm lòng này không?

            Sự kỳ diệu đó có phải chỉ là ngẫu nhiên đời thường, hay đó chính là “Sự cảm thông không thể nghĩ bàn”?

            Chưa hết đâu.

            Sự kỳ diệu này chỉ là mở đầu của bao nhiêu mầu nhiệm mà người đó, ngựa đó đã cùng nhau chia sẻ trên dặm trường hung hiểm.

            Với lương khô và những túi da đựng nước đeo trên yên, người và ngựa vượt qua bao đồng cỏ, bao đồn canh, bao hiểm nguy rình rập, bao phen tưởng như thấy Diêm Vương, nhưng chưa qụy thì cứ nhắm suối Dã Mã ở hướng Tây mà đi. Ngày đi, đêm nghỉ rồi cũng tới ranh giới sa mạc tử thần!

            Không chút nao núng, con ngựa già băng băng lao vào sa mạc. Hai mươi dặm, ba mươi dặm, năm mươi dặm… Nhưng rồi, gió bỗng nổi lên, cát khắp phía mịt mù, cuồng lốc như muốn cuốn thốc cả đại địa. Ngựa, chắc đã từng trải qua như thế; còn người, thì thân tâm đã chuẩn bị cho thử thách này nên bão cát cuồng phong không ngăn được quyết tâm của người và ngựa.

            Đi suốt năm ngày như thế, thì cả hai đều mệt lả! Túi da đựng nước đã văng đi đâu mất và phương hướng thì mù tăm, bất định.

            Trên sa mạc mà lạc đường, không nước thì cái chết đã cận kề đâu đây!

            “Nam-mô Cứu Khổ Cứu Nạn Quan Thế Âm Bồ-tát, nếu thân tâm và trí tuệ của kẻ phàm phu này còn làm được gì lợi ích chúng sanh thì xin ân đức Bồ-tát gia hộ cho con.”            

            Chỉ một lời nguyện thành tâm, bão cát chợt dịu lại, và cơn gió mát từ đâu thoảng tới khiến người và ngựa đều choàng tỉnh. Cả hai gắng gượng lần mò đi thêm một đoạn đường ngắn nữa thì con ngựa già bỗng hí vang! Nó vừa nhận ra một lối mòn quen thuộc! Vừa tiếp tục hí, nó vừa phi nước đại vào lối mòn đó. Không bao lâu, Ngài nghe thấy âm thanh róc rách của dòng suối ngọt, như nhạc trời đang tấu những khúc nhạc hồi sinh.

            Suối kia rồi!

            Ôi là mát!

            Ôi là trong!

            Bạch mã yêu quý ơi! Hãy xuống uống đi! Hãy uống cho no nê! Hãy tạ ơn Bồ-tát Quan Thế Âm! Hãy uống đi! Ta cũng đang uống nước Cam lồ đây! Hãy uống đi, rồi cùng ta ngủ một giấc cho say! Bạch mã ơi! Hãy ngủ cho say để khi ánh dương vừa rạng, chúng ta sẽ nhắm hướng nước Y-Ngô mà tới. Chắc Bạch mã đã biết rằng, qua khỏi được sa mạc kinh hoàng này là biên giới Y-Ngô, từ đó, chúng ta dễ dàng đến Cao Xương, sang Khuất-Chi, qua Đột-Quyết. Chúng ta sẽ vượt Hy-mã-lạp-sơn và sẽ thấy biên giới Ấn Độ. Chư Phật, chư Bồ-tát sẽ hộ trì chúng ta thỉnh được kinh điển, làm bản đồ cho khắp cõi chúng sanh tìm về đường Giác ngộ, giải thoát.

            Có lẽ, khi con ngựa già nhớ ra đường, tìm được dòng suối cứu tinh thì Ngài Huyền Trang đã vô cùng hoan hỷ như thế.

            Nhưng khi tôi hỏi cha, là Ngài Huyền Trang vượt được sa mạc, đến nước Y-Ngô rồi sao, thì cha tôi vui vẻ, giơ cả hai tay lên trời mà nói rằng:

            - Ồ, tới đây là “Qua cơn bỉ cực tới hồi thái lai rồi”. Từ đây, Ngài Huyền Trang đi qua nước nào cũng được vua nước đó trọng đãi và tặng bạc vàng, thực phẩm, lụa là, nhiều không biết bao nhiêu mà kể, vì hạnh nguyện vĩ đại của Ngài đã được nhân gian truyền nhau, xôn xao từ xứ này sang xứ kia. Có cả những nước muốn giữ Ngài ở lại không được, vua nước đó sai quan quân tiễn Ngài bằng từng đàn ngựa quý! Ngài ở bên phương Tây đến hơn 17 năm, sưu tập được hơn 600 bộ kinh cùng rất nhiều bảo vật từ thời đức Phật tại thế. Khi trở về nước, Ngài lập tức bắt tay vào việc phiên dịch, miệt mài gần 20 năm và hoàn tất được 75 bộ kinh đồ sộ. Ngài đã đạt thành đại nguyện và trở thành vĩ nhân vì sự đóng góp lớn lao đó cho Phật giáo.

            Tôi cũng được nghe từ thầy, cô, từ bạn bè về thành quả cực kỳ tốt đẹp, vinh hiển đó. Nhưng tôi đã không thể không hỏi cha về một chi tiết mà hình như không ai nhắc tới. Đó là bạn đồng hành trên đoạn đường gian khổ nhất với Ngài. Tôi hỏi cha rằng:           

            - Thế, còn con ngựa già đã cùng Ngài Huyền Trang vượt dặm trường thiên lý gian nguy thì sao? Sau khi được tặng biết bao ngựa quý thì Ngài có còn cưỡi con ngựa già đó mà đi tiếp hay không?

            Cha tôi mở to mắt, nhìn sững tôi.

            Có lẽ cha không hề nghĩ đến điều đó!

            Có lẽ chẳng ai nghĩ đến điều đó!

            Chẳng ai nghĩ đến bạn đồng hành tận tụy đó của Ngài Huyền Trang.

            Chẳng ai quán chiếu rằng, nếu cơ duyên mầu nhiệm không xảy ra để người đó gặp được ngựa đó, thì có lẽ đại nguyện của người khó mà thành tựu!

            Vậy mà, qua cơn bỉ cực, con ngựa già lặng lẽ dừng vó nơi đâu, không ai nhắc tới!

            Với tâm từ bi, tôi chắc Ngài Huyền Trang đã giao nó cho một người nhân ái nào, dặn dò chăm sóc nó chu đáo, cho nó được nghỉ ngơi, nhàn hạ lúc tuổi già.

            Không hiểu sao, tôi tin như thế.

            Nhưng còn tấm lòng Bạch mã?

            Chắc gì nó muốn nghỉ ngơi khi phải xa người mà nó kính yêu, ngưỡng phục. Thơ thẩn ra vào nơi chuồng đẹp, cỏ tươi, nó thường nhớ về cơn bão cát, tưởng đã chôn vùi một kiếp. Nhưng lạ lùng thay, chỉ một tiếng niệm Quan Âm mà gió đã ngừng, trăng đã sáng. Nó làm sao quên được giây phút nhiệm mầu ấy, giây phút như lằn chớp nhưng đủ cho nó mơ hồ thoáng thấy kiếp sau.

            Kiếp đó, nó mặc áo phấn tảo, chân trần, ôm bình bát thong dong tự tại đi giữa bao chốn bụi hồng.

            Kiếp đó, nó hoan hỷ rao giảng bao công trình mà người vừa cùng nó vượt hiểm nguy đã gom về được.

            Nó rất an tâm chờ chuyển hóa, luân hồi. Nhưng nhớ cố nhân, đã nhiều đêm trăng sáng, nó ngước nhìn trời mà hí lên lời hoài vọng:

            “Thảng như con ngựa già vô dụng

            Chủ bỏ ngoài trăng,

            Đứng một mình!”(*) ®

* Thơ Tô Thùy Yên

Chia sẻ: facebooktwittergoogle