Buổi tối thứ chín
Năm triền
cái Bạn hãy tưởng tượng mình đang đứng giữa trận địa, đơn độc chiến
đấu với ngàn vạn quân địch. Mặc dù bị bao vây tứ phía nhưng cuối cùng bạn
vẫn chiến thắng. Rồi tưởng tượng là bạn chiến đấu những trận như vậy hàng ngàn lần,
nhưng cuối cùng bạn vẫn chiến thắng. Đức Phật dạy rằng
chiến thắng vạn quân như vậy ngàn lần, vẫn còn dễ hơn là thắng được chính mình.
Công việc của chúng ta khởi sự làm ở đây không phải là nhỏ. Hiểu được tâm của mình là điều khó khăn trên đời này. Nhưng việc ấy không phải là không thể làm được.
Có những người đi trước ta đã phải đương đầu với hàng vạn quân địch và đã chiến
thắng vạn lần, họ có để lại cho chúng ta một số lời khuyên và hướng dẫn vô cùng
hữu ích.
Điều trước hết, ta phải biết những kẻ thù của mình là ai. Nếu không thấy được chúng, chúng sẽ trở nên những quyền lực chi phối
đáng kể trong ta. Nhận diện được chúng, ta sẽ có thể
đối diện với chúng một cách dễ dàng hơn. Trong trận địa tâm ý này, ta phải đối phó với năm kẻ thù có nhiều
thế lực, và học cách nhận diện chúng là điều thiết yếu đầu tiên, để ta có thể đi
sâu hơn vào sự hiểu biết về chúng.
Đức Phật gọi năm kẻ thù ấy là Ngũ triền cái, tức là năm điều che bít, ngăn chặn không cho
trí tuệ phát sinh.
1. Tham dục:
Kẻ thù thứ nhất là tham dục, tức là sự đam mê, ham muốn vào những cảm xúc nơi
thân thể và các đối tượng của chúng. Lòng tham dục khiến tâm ta lúc nào cũng
hướng ngoại, náo động, mất quân bình, hết đeo đuổi chuyện này lại sang chuyện
khác. Bản chất của lòng tham dục là không gì có thể làm thỏa
mãn được nó. Sự tìm kiếm sẽ là bất tận và vô vọng. Chúng ta đang vui hưởng một điều gì, rồi nó cũng sẽ sinh và diệt như
mọi hiện tượng khác. Khi ấy ta sẽ trở nên bất mãn, và lại đòi hỏi đi tìm
thêm những thú vui mới. Chỉ đến khi nào ta chịu chấp nhận đối
diện với lòng tham dục, bằng không lúc nào ta cũng sẽ cảm thấy thiếu thốn, luôn
luôn muốn đi tìm một niềm vui mới, một sự khuây khỏa nào đó.
Lòng tham dục có nhiều hình thái khác nhau, nó có thể là một
hình ảnh đẹp, một âm thanh du dương, những mùi vị ưa thích, một cảm giác êm dịu
hay là những ý tưởng say mê. Dính mắc vào những đối tượng này sẽ củng cố thêm lòng tham.
Và cũng chính vì lòng tham, tâm dính mắc, níu kéo này mà ta tự trói mình vào
bánh xe luân hồi, sinh tử từ thuở nào đến giờ.
Cho đến khi nào chiến thắng được lòng tham dục ta mới có thể giải thoát ra khỏi
sự trói buộc của tâm dính mắc và lòng sở hữu.
2. Sân hận:
Kẻ thù thứ hai là tâm sân hận. Nói chung
thì những tâm giận dữ, thù ghét, bực tức, khó chịu đều có chung một đặc tính là
xua đuổi, tiêu diệt đối tượng của nó. Nó tạo ra một trạng thái hỗn loạn và bạo động. Trong văn
chương chúng ta thường diễn tả những người đang bị chi phối bởi lòng tham dục và
sân hận là những người đang bị lửa nóng thiêu đốt. Khi ta đang
có một sự đam mê hay một cơn giận nào, ta thường nói là mình đang “bừng bừng lửa
cháy”. Lửa tình hay lửa sân cũng thế. Trong những tình
cảnh này, tâm ta đang bị đốt cháy thật sự, sự khổ đau rất to tát.
3. Thụy miên:
Kẻ thù thứ ba là thụy miên. Thụy miên có nghĩa là tâm biếng
nhác, uể oải, ham mê ngủ nghỉ. Nói tới những tâm tánh
này, tôi nghĩ ngay đến những con ốc sên, lúc nào nó cũng bò một cách lừ lừ, chậm
chạp, chẳng có chút năng lực nào cả. Chúng ta phải cố
chiến thắng được tâm uể oải và lười biếng này mới mong thành công được.
Bằng không thì sẽ chẳng có việc gì được làm xong, chẳng có chuyện gì là rõ ràng
cả. Tâm ta lúc nào cũng cảm thấy mờ mịt và nặng nề.
4. Trạo hối:
Tâm chướng ngại thứ tư là trạo hối. Trạo hối có nghĩa là một tâm xao động, buồn rầu, lo nghĩ, hối hận.
Một tâm như vậy thì không thể có khả năng tập trung. Nó
luôn nhảy từ đối tượng này sang đối tượng khác, lao nhao, không có chút gì là chánh niệm. Tâm trạo hối ngăn chặn sự phát triển của trí tuệ.
5. Nghi hoặc:
Kẻ thù thứ năm là tâm nghi hoặc. Lòng nghi ngờ giáo pháp, nghi ngờ con đường
mình đang theo. Có lẽ tâm nghi hoặc là một kẻ thù
đáng sợ hơn cả. Trừ khi ta nhận diện được nó, tâm nghi hoặc có thể làm
cho trí óc của ta trở nên vô dụng, ngăn chặn không cho ta nhìn sự việc một cách
rõ ràng. Ta nghi ngờ về chuyện ta đang làm, về khả năng của chính mình.
Từ lúc bạn đến đây, chắc thế nào bạn cũng đã có những ý nghĩ như “Tôi làm gì ở
nơi đây?
Tại sao tôi tới đây? Phương pháp này khó quá, không thể
nào tôi theo
được.” Những ý nghĩ ấy là do tâm nghi hoặc sinh ra. Nó là một trở ngại rất lớn
trên con đường tu tập.
Năm điều ngăn che hay ngũ
triền cái - tham dục, sân hận, thụy miên, trạo hối và nghi hoặc - đều là những
tâm hành. Chúng không có ngã, không có một bản chất thật sự, chỉ là một chuỗi
nhân duyên hiện hành vô chủ.
Có một ví dụ hình ảnh dùng để diễn tả ảnh hưởng của những chướng ngại này đối
với tâm của chúng ta: một hồ nước trong.
Lòng tham dục được ví như những màu sắc sặc sỡ được pha
vào nước. Nhìn xuống hồ, chúng ta bị lôi cuốn theo những vẻ đẹp và sự phức tạp của màu sắc mà không còn
thấy được đáy hồ.
Tâm sân hận, khó chịu, thù ghét được ví như nước sôi.
Nước đang sục sôi thì bao giờ cũng rất xao động. Chúng
ta không thể nào nhìn xuyên thấu qua được. Sự náo động
của tâm gây ra bởi những phản ứng bạo động của lòng thù ghét, ác cảm là một trở
ngại rất lớn cho sự hiểu biết.
Tâm biếng nhác, trì trệ thì giống như mặt hồ đang bị phủ kín
bởi một lớp rong rêu rất dày. Ta không thể nào nhìn xuyên qua lớp rong
rêu để thấy được đáy hồ. Tâm thụy miên rất là nặng nề.
Tâm trạo hối, bất an
được ví như mặt nước xao động, xốn xang bởi những luồng gió mạnh. Khi ta lo nghĩ,
buồn rầu, ta sẽ mất đi khả năng tập trung, an tĩnh để
phát triển định lực và trí tuệ.
Tâm nghi hoặc thì giống như nước hồ bị vẩn đục vì khuấy bùn
lên. Trí tuệ của ta lúc này hoàn toàn bị che khuất vì sự mịt mù, tăm tối
của tâm nghi ngờ.
Trên con đường tu tập, có những phương pháp để đối trị với các chướng ngại vừa
kể. Phương cách đầu tiên là nhận diện chúng, ý thức được sự có mặt của chúng một
cách rõ ràng trong mỗi giây phút. Nếu tham dục nổi lên, ta phải có ý thức ngay sự có mặt của nó.
Đối với tâm sân hận, lười biếng, bất an, nghi hoặc cũng vậy, ta phải nhận diện
ngay khi chúng vừa khởi lên. Nhận diện, ý thức được sự
có mặt của chúng là một phương pháp hay nhất, hiệu quả nhất để đối trị với những
chướng ngại trên con đường tu tập thiền quán của mình.
Ý thức được sự việc đang xảy ra sẽ dẫn đến chánh niệm.
Và chánh niệm có nghĩa là không nắm bắt, không xua đuổi, không nhận đối tượng
làm mình.
Ngũ triền cái hay năm chướng ngại này chỉ là những tâm hành không có thực chất
và vô thường. Chúng sinh ra rồi diệt mất, đến và đi như mây
trên trời.
Nếu chúng ta có chánh niệm ngay khi chúng vừa khởi lên và không phản ứng
theo sự thúc giục của chúng, những tâm hành này sẽ đi qua mà không gây
nên một sự xao động nào đáng kể. Chánh niệm là một phương pháp hiệu quả nhất để đối trị chúng.
Ta cũng có thể dùng một số liều thuốc đặc biệt để chữa trị năm chướng ngại này,
nhất là những khi ta đang bị chúng chi phối mà chánh niệm của ta thì còn quá yếu.
Khi tâm ta bị lòng tham dục hoành hành, ta hãy quán chiếu về sự vô thường của
xác thân này, sự thật là rồi cũng có một ngày thân này sẽ trở thành những thây
ma. Thời gian trôi như bóng ngựa qua cửa sổ, chúng ta
rồi sẽ bảy mươi, tám mươi hay chín mươi tuổi. Hàn San, một nhà tu mà cũng
là một nhà thơ cổ Trung Hoa, nhận thức được những điều ấy như sau:
Một tấm màn làm bằng trân châu,
Treo trước cửa tiền đường.
Bên trong một tiểu thơ yêu kiều, thục nữ,
Dáng nàng đẹp hơn tiên,
trang đài và quý phái.
Gương mặt nàng hồng tươi,
như một trái đào tiên,
Sương mù mùa xuân
phủ ướt gian nhà phía đông.
Gió thu sang, thổi lồng lộng trống gian tây.
Ba mươi năm sau, tất cả sẽ còn gì?
Thục nữ ấy sẽ gầy khô như xác mía.
Những sự quán chiếu như vậy có khả năng làm cho lòng tham dục
của ta bớt đi, nhất là khi phải đối diện với sự cấp bách về cái chết của chính
mình. Cái chết không phải chỉ xảy đến cho một số người chọn lọc nào đó.
Phải cảm thấy được sự gần kề của cái chết thì ta mới biết sự
quan trọng, giá trị vô cùng của giờ phút hiện tại.
Có một mối tương quan chặt chẽ giữa lòng tham dục và tánh ham ăn, mê ngủ. Tiết
độ trong việc ăn uống, ngủ nghỉ sẽ làm giảm bớt lòng
tham dục và tăng trưởng trí tuệ.
Cũng vậy, cách hay nhất để đối phó với lòng thù ghét, giận dữ
là nhận thức được nó, có chánh niệm về nó. Giả sử bạn đang ngồi, bỗng nhiên cảm thấy thù ghét một người nào hay
một việc gì đó. Hãy ngồi lại và ghi nhận “giận, giận”.
Không cho nó là mình, cũng không tự trách mình sao lại giận.
Chỉ cần giản dị quan sát nó. Nó sinh ra rồi sẽ diệt đi.
Sự giận dữ chỉ có tác hại khi nào ta nuôi dưỡng nó, đồng hóa với nó “Tôi đang
giận và thật đáng để cho tôi giận vì người ấy đã dám đối xử với tôi như vậy...”
Ta có một con đường khác, là thay vì bộc lộ sự giận dữ ấy ra một cách mê muội,
ta có thể chọn cách quan sát nó một cách cặn kẽ. Ta sẽ thấy rằng nó từ từ mất đi
công năng phá hoại.
Một phương cách đặc biệt khác để đối trị với tâm sân hận là
niệm từ bi. Niệm từ bi có nghĩa là phóng tỏa những tư
tưởng thương yêu, cầu mong sự an lạc, hạnh phúc đến cho tất cả mọi loài, cho
những người ta thương và cho đến những người ta ghét.
Đem những tư tưởng tốt lành đến cho người ta đang giận, lúc đầu không phải là dễ,
nhưng cuối cùng ta cũng sẽ làm được.
Dần dần rồi sự giận dữ sẽ tan biến, tâm ta sẽ êm dịu xuống và trở lại quân bình.
Một cách thực tiễn nhất để đối trị tâm sân hận là khi bạn thù
ghét một người nào, bạn hãy mua quà biếu họ. Ta không thể nào giữ được
tâm giận dữ khi ta đem lòng rộng rãi, cởi mở ra đối xử với người khác.
Điều đó có khả năng hóa giải mọi sự căng thẳng, nặng nề giữa hai bên.
Đây là một phương pháp khéo léo để dập tắt ngọn lửa sân hận trong tâm ta.
Ta cũng có thể đối trị tâm sân hận qua cánh cửa trí tuệ: quán chiếu luật nhân
quả, hiểu được rằng chúng ta là kết quả hành động của chính mình.
Bất cứ một ai rồi cuối cùng phải nhận lãnh kết quả tạo nên bởi những hành động
tốt hoặc xấu của mình. Nếu có một người nào đó gây cho
bạn một sự khó chịu, thay vì giận dữ phản ứng lại, bạn có thể đem tình thương và
hiểu biết ra mà đối xử. Bạn hiểu rằng người ấy hành
động vì tâm mê muội, và anh ta cuối cùng sẽ nhận lãnh kết quả gây nên bởi những
hành động không tốt đó. Ta không cần làm cho người ấy đau khổ thêm nữa,
hãy lấy lòng từ bi mà làm nhẹ bớt nghiệp xấu gây nên bởi sự mê muội của anh ta.
Đối với tâm biếng nhác và ham ngủ nghỉ cũng vậy, phương pháp
hay nhất vẫn là nhận diện được chúng. Ta hãy quán sát tính chất chậm chạp,
lười nhác mỗi khi nó xuất hiện trong tâm. Đi sâu thẳng vào nó.
Nếu ta quán sát trong chánh niệm, thường thường thì chỉ trong một thời gian ngắn,
ta sẽ thấy những sự buồn ngủ, biếng nhác đều mất đi. Có thể ta đang ngồi niệm
thầm trong đầu “buồn ngủ, buồn ngủ”, rồi đột nhiên đầu óc ta trở nên sáng suốt
và tỉnh táo một cách bất ngờ. Thường thường, khi ta có ý thức rõ ràng chứ không
đồng nhất với sự buồn ngủ, thì nó sẽ đi qua.
Nhưng nếu bạn cố giữ chánh niệm, chú ý mà vẫn cứ gật gù mãi, thì bạn có thể làm
những điều sau đây:
Đổi vị thế. Nếu bạn đang ngồi, hãy đứng dậy đi bộ một vòng.
Nếu bạn đang ở trong nhà, hãy đi ra ngoài một chút.
Không khí tươi mát bên ngoài sẽ làm bạn tỉnh táo trở lại.
Nhìn vào một điểm ánh sáng trong một thời gian ngắn, có thể là ánh đèn, ánh
trăng hay ánh sao. Ánh sáng có tác dụng đánh thức bạn dậy.
Rửa mặt bằng nước lạnh.
Hay bạn có thể đi bộ lùi lại.
Tâm lười biếng và ham ngủ nghỉ cũng vô thường và có thể đối
trị được như mọi tâm khác.
Nhưng nếu bạn đã thử mọi cách mà vẫn còn buồn ngủ, thì bạn nên
đi ngủ.
Điều quan trọng là bạn cố gắng. Đừng để mỗi khi cảm
thấy buồn ngủ là bạn lại nghĩ: “Chắc mình mệt rồi! Thôi đi
nghỉ một chút cho khỏe!” Như vậy chỉ nuôi dưỡng thêm sự
lười biếng của mình mà thôi. Muốn thắng được trở ngại
này ta phải biết cứng rắn và nghiêm khắc.
Đối với tâm lo nghĩ và bất an
cũng vậy, phải có chánh niệm. Quán chiếu tâm bất an, nhìn kỹ xem nó biến đổi ra
sao! Nếu bạn đang ngồi và cảm thấy xao động, lo nghĩ, không thể tập trung
được, bạn hãy biến trạng thái xao động ấy thành đối tượng thiền quán.
Chỉ ngồi nhìn xem và niệm “bất an, bất an”. Quán sát và nhớ đừng bao giờ
đồng nhất với nó. Chẳng có một ai bất an hết; tất cả chỉ là
hoạt động của một tâm hành. Nó đến rồi đi. Nếu ta duy trì được chánh
niệm, sự lo nghĩ, bất an sẽ không động được tâm ta.
Một phương cách khác là gia tăng định lực, tập trung tư tưởng vào một điểm duy
nhất. Đây là một liều thuốc đặc biệt có khả năng đối trị tâm
xao động và bất an. Những lúc tâm loạn động, bạn hãy bỏ hết những đối tượng khác,
trở về chú ý vào hơi thở của mình. Giữ tâm chú ý vào
một đối tượng duy nhất trong một thời gian, khoảng hai mươi phút hay nửa tiếng
để gia tăng định lực. Ngồi thẳng lưng, không cử động trong một thời gian cũng là một
phương pháp tập trung rất hay.
Trở ngại cuối cùng là tâm nghi ngờ.
Trở ngại này vô cùng lớn lao, nếu ta không cẩn thận nó
có thể trở thành tường đồng vách sắt chắn ngang con đường tu tập của ta.
Có rất nhiều người đã bỏ cuộc vì trở ngại này. Cũng như
mọi chướng ngại khác, phương pháp hữu hiệu và thông minh nhất để đối trị với
chướng ngại này là quán chiếu nó, nhận diện nó. Khi ta
có một sự nghi ngờ trong tâm, hãy ý thức được sự nghi ngờ này một cách trọn vẹn,
nhưng đừng để nó đồng hóa. Tâm nghi ngờ không có một
thực thể nào hết, không có ngã, không có cái tôi hay của tôi.
Nó chỉ là một tư tưởng, một tâm hành. Nếu ta biết quán
chiếu nó mà không bị nó đồng hóa, những khi có sự nghi ngờ khởi lên, ta sẽ có
khả năng ngồi yên và niệm “nghi ngờ, nghi ngờ”, rồi tự nó sẽ biến mất.
Một phương cách khác để đối trị với tâm nghi ngờ là có kiến thức và có một sự
hiểu biết rõ ràng về con đường mà mình đang theo. Chúng
ta không nên chấp nhận hay tin tưởng mù quáng về bất cứ một phương pháp nào.
Thông hiểu được giáo lý của đức Phật trên bình diện kiến thức cũng có thể giúp
cho ta giải quyết những nghi ngờ của mình một cách hữu hiệu.
Khi có một sự nghi ngờ nào nổi lên, ta sẽ có thể giải đáp cho nó bằng chính kinh
nghiệm và sự hiểu biết của mình.
Chúng ta thường có một thói quen là hay xua đuổi và đàn áp các tâm xấu mỗi khi
chúng khởi lên. Tâm đàn áp, xua đuổi ấy tự nó cũng là một chướng ngại.
Mỗi hành động đàn áp là một hành động nuôi dưỡng, làm cho kẻ thù thêm mạnh. Đó không phải là một cách hay. Không phê phán, không phân tách. Khi những
tâm chướng ngại khởi lên, chỉ cần giản dị quán chiếu chúng.
Chánh niệm có khả năng vô hiệu hóa chúng. Những tâm ấy có thể tiếp tục
sinh khởi, nhưng tâm ta không loạn động vì ta không còn phản ứng theo chúng.
Ngày nào tâm ta vẫn còn bị chi phối bởi những chướng ngại vừa
kể, ta sẽ khó có thể phát triển được trí tuệ và hiểu biết. Trong những
ngày đầu, ta sẽ cảm thấy rất nhiều bất an, nghi ngờ và ham muốn, cho đến khi nào tâm ta tạm yên
xuống. Nhưng những trở ngại ban đầu không phải là những trở ngại cuối cùng.
Khi ta có khả năng quán chiếu sâu hơn, những chướng ngại ấy sẽ lại phát khởi lên.
Nhưng lúc này thì ta đã có nhiều tự tin vào những phương cách đối trị của mình,
nhất là khi ta thấy rõ sự sinh diệt của chúng, những tâm chướng ngại này đến rồi
sẽ đi. Hiểu được tính chất vô thường của chúng, tâm ta lúc nào
cũng sẽ giữ được thăng bằng. Hãy luôn duy trì sự liên tục và tinh tấn về
chánh niệm của mình; chỉ có một tâm an tĩnh và mềm dẻo không suy chuyển mới có thể vượt qua được
những chướng ngại này.
Hỏi: Tôi phải làm gì những khi cảm thấy bực mình vì đã cố gắng quá sức?
Đáp: Khi bạn cảm thấy căng thẳng hay là bực bội vì cố gắng quá, hãy đi ra ngoài
thiên nhiên, nhìn cây cỏ, ngắm trời mây. Thế giới này đẹp và
rộng lớn lắm. Đi dạo một chút, thoải mái một chút, nhưng nhớ vẫn giữ chánh niệm và
ý thức được việc mình làm. Chỉ cần một thời gian ngắn là không gian
chung quanh có thể làm tâm ta dịu êm lại. Đức Phật thường dạy ta nên sống
giữa thiên nhiên, vì nó có thể đem lại sự an tĩnh cho
tâm hồn.
Hỏi: Đôi khi tôi không thể theo dõi được hơi thở.
Tôi phải làm sao?
Đáp: Những khi tâm ta an tĩnh, hơi thở cũng sẽ rất nhẹ
nhàng. Nếu bạn không còn ý thức được hơi thở của mình, bạn hãy chú ý đến cảm
giác của thân, uy nghi của thân, hay là về chính cái biết của mình, dù bạn không
có một đối tượng nào rõ rệt hết. Khi định lực phát triển, sẽ
có lúc bạn không còn cảm thấy một cảm giác nào hết. Hãy
ý thức được điều ấy. Nó cũng vô thường như mọi hiện
tượng khác. Hơi thở sẽ trở lại với bạn.
Hỏi: Còn những khi tôi ý thức được một sự sợ hãi nổi lên và cố gắng đi tìm
nguyên nhân của nó thì sao?
Đáp: Bạn có thể làm chuyện đó nếu bạn muốn. Nhưng sự tìm kiếm
ấy sẽ là bất tận. Phân tách, tìm hiểu nguyên nhân không
phải là một hành động xả bỏ. Sự sợ hãi sẽ còn tiếp tục khởi lên và mỗi
lần như vậy ta lại phải đi tìm một nguyên do mới. Với trí tuệ,
hiểu biết, ta có thể nhận diện sự sợ hãi và rồi buông bỏ nó.
Chúng ta không cần phải tìm hiểu nguyên nhân những khó khăn của mình để làm gì,
chúng ta cần phải biết buông bỏ. Thấy được chúng, ý
thức được chúng, không nhận chúng là mình và buông bỏ chúng.
Chỉ giản dị có thế thôi. Bí quyết là giữ chánh niệm, ý
thức được những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại.
Hỏi: Tôi thường bị mắc kẹt và cho rằng những tâm chướng ngại này là mình.
Có phương cách nào để chữa bệnh này không?
Đáp: Những thiền sư Tây Tạng có dùng một hình ảnh mà tôi thấy là rất có ích.
Họ ví tâm mình như là bầu trời xanh bao la, không một gợn mây.
Mọi hiện tượng của thân và tâm đều xảy ra trong bầu trời trong xanh bao la này.
Chúng không phải là bầu trời. Trời xanh không bị ảnh
hưởng chút nào vì những việc xảy ra.
Mây đến rồi đi, gió đến rồi đi, mưa nắng cũng đến rồi qua đi,
nhưng bầu trời bao giờ cũng trong vắt. Hãy xem ta như
một bầu trời trong bao la, và để mọi việc tự đến rồi qua đi. Tâm ta lúc
nào cũng an tĩnh, thoải mái, quan sát mọi việc xảy ra.
Buổi sáng thứ mười
Bài thực tập: Quán tâm thức
Một trong những lãnh vực quán niệm là quán tâm thức. Tâm thức
ở đây chỉ tri giác, sự hiểu biết, phân biệt của mình. Một phương pháp tu tập chánh niệm là dùng tâm thức làm đối tượng để
quán niệm. Trong mỗi cử động của thân (sắc) ta đều có
thể thấy được tâm thức của mình (danh) đi đôi.
Bạn hãy thử an tĩnh tâm mình, và cố nhìn rõ để thấy
được sự phát khởi của tâm thức cùng lúc với cử động. Điều quan
trọng cần nhớ là tâm thức và đối tượng lúc nào cũng đi đôi với nhau. Ta
không thể tách rời tâm thức ra khỏi đối tượng. Nhưng ta có thể phân biệt được hai tiến trình khác nhau, một tiến
trình của tâm, còn gọi là danh, và một tiến trình của đối tượng, còn gọi là sắc.
Chúng xảy ra cùng lúc, nhưng có hai công năng hoàn toàn khác biệt nhau.
Công năng của tâm là nhận thức và phân biệt. Tỷ dụ như
khi ta bước đi, chân ta không có một ý thức nào hết. Nó chỉ là những yếu
tố vật chất đang hoạt động: nặng hay nhẹ là do yếu tố đất, chuyển động là do yếu
tố gió... Ta biết được những yếu tố này nhờ tâm thức. Như vậy,
có một chuyển động bước chân đi và có một ý thức về chuyển động đó.
Song song với chuyển động là tâm thức nhận biết về nó.
Đừng cố gắng tìm kiếm tâm thức một cách chính xác, cũng đừng gắng định nghĩa cho
chắc chắn hay là tìm cách giới hạn nó. Nó có tính cách
trừu tượng và rất tế nhị.
Nhưng với chánh niệm, ta sẽ có khả năng nhận định được tâm
thức. Bởi tâm thức có tính chất mơ hồ nên đòi hỏi một
sự chú ý rất cao. Nếu sự chú ý của ta dễ duôi hay hời hợt, ta sẽ không
thể nào nhận thấy được một cách rõ ràng.
Trong những lúc ngồi thiền bạn có thể quay sự chú ý trở vào
tâm thức của mình.
Hơi thở được kinh nghiệm bằng sự lên xuống nơi bụng hay ra vào nơi mũi chỉ là
diễn biến ở thân (sắc). Sự nhận biết được nó là nhờ ở tâm thức
(danh). Khi bạn được an
tĩnh và tập trung hãy xoay chánh niệm của mình về quán chiếu chính cái “biết”
ấy. Đừng cố gắng tìm kiếm hay đặt để nó một chỗ nào trong thân ta.
Chỉ giản dị chú ý một cách thoải mái, nhẹ nhàng những gì đang xảy ra trong tâm
thức của mình.
Một trong những phương thức dẫn đến giác ngộ là trạch pháp. Trạch pháp có nghĩa là quán xét giáo pháp nơi mình, hay nói một cách
khác là quán chiếu, tìm hiểu những hoạt động liên hệ giữa thân và tâm.
Đừng ngại ngùng gì mà không sử dụng tâm mình trong lãnh vực này: quán chiếu.
Nhưng quán chiếu có nghĩa là không dùng đến ngôn ngữ, tư tưởng hay khái niệm.
Hãy cảm nhận, trải nghiệm sự khởi sinh đồng thời của tâm thức cùng với đối tượng
của nó. Kinh nghiệm này sẽ giải thoát ta khỏi sự chấp ngã: chấp vào việc
có một người quan sát. Trí tuệ sẽ đến khi ta nhận thức được rằng có sự quan sát
nhưng không có người quan sát, có sự thấy nhưng không có một chứng nhân nào hết.
Buổi tối thứ mười
Dũng sĩ
Nhân vật Don Juan trong một tác phẩm của Carlos Castenada nói rằng mỗi người
chúng ta cần phải sống như một dũng sĩ. Hình ảnh người dũng sĩ
rung
động sâu xa với kinh nghiệm thiền quán. Người dũng sĩ đối diện với mọi hoàn cảnh
của cuộc đời như là những thử thách, anh ta đối phó một cách vẹn toàn mà không
bao giờ than van hay hối hận.
Theo đa số chúng ta thì giá trị của mỗi người tùy thuộc vào sự
phê phán, chấp nhận của những người chung quanh; đối với người dũng sĩ, giá trị
nằm ở sự toàn thiện của chính mình. Toàn thiện có nghĩa
là sống trong chánh niệm một cách trọn vẹn và tinh mật.
Những gì ta đang cố thực hiện ở đây là tự tìm hiểu mình, điều cao
quý nhất mà một người có thể làm được. Công việc này khó, hiếm hoi và đòi hỏi một sự toàn thiện.
Nhưng ta không cần phải bỏ nơi này để đi đến một sa mạc hoang vu hay một hang động nào đó trên dãy Hy-mã-lạp
sơn. Ta chỉ cần trau dồi những đức tính tốt có khả năng đem lại cho ta một sự thức tỉnh trọn vẹn trong từng giây phút.
Trong câu chuyện về Siddhartha, Herman Hesse có mô tả hình ảnh rất đẹp của người
dũng sĩ, hơi khác với hình ảnh của Don Juan. Siddhartha kể rằng sự luyện tập
giúp anh có được ba quyền năng: anh có thể suy nghĩ, anh có thể chờ đợi và anh
có thể nhịn ăn. Ba đặc tính của tâm, ba đức tính của một dũng
dĩ. Khả năng suy nghĩ ở đây có nghĩa là sáng suốt,
tỉnh táo, không hoang mang, bối rối về việc đang xảy đến với ta. Trên phương
diện thân thể, nó có nghĩa là ý thức được
oai nghi, hơi thở của mình, thấy được sự vận động của các hiện tượng vật lý,
biết điều độ trong sự ăn uống, ngủ nghỉ của mình. Duy trì sự cân bằng giữa các
năng lực trong thân. Trên phương diện tâm thức, nó
có nghĩa là ý thức được tình cảm, tư tưởng và những trạng
thái khác nhau trong tâm. Không bị lôi cuốn theo
cơn lốc xoáy của tư tưởng, lúc nào cũng giữ được sự an tĩnh, cân bằng trong tâm
mình.
Khả năng suy nghĩ của Siddhartha cũng bao gồm cả lòng can đảm: không bị nô lệ
vào thành kiến và sự cố chấp. Can đảm đủ để cởi mở quan niệm, để chấp nhận những
điều khác. Siddhartha không bao giờ tin mù quáng vào một điều
gì. Anh ta không tin ở bạn bè, ở cha mẹ mình, ở các vị thầy hay ngay cả
nơi đức Phật. Anh muốn phải tự chính mình chứng nghiệm được chân lý, và nhờ động
lực này mà anh đã can đảm mở rộng tư tưởng của mình ra, trải nghiệm tất cả.
Siddhartha đã bỏ vào rừng trong ba năm trời để tu theo
lối khổ hạnh, ép xác, rồi anh ta lại vui sống với Kamala, một cô gái giang hồ
hạng sang, hoặc tham gia vào chốn thương trường bon chen, lừa lọc. Anh ta lúc
nào cũng sẵn sàng và có đủ can đảm để chấp nhận thử thách và bằng lòng với mọi
hậu quả. Anh không để cho những sự phân biệt nhỏ nhoi làm nản chí. Khả
năng suy nghĩ bao gồm sự sáng suốt và lòng can đảm dùng để trực tiếp
trải nghiệm, thăm dò và quán sát những sự việc đang xảy ra.
Lòng can đảm của một dũng sĩ là điều cần thiết, cũng như sẽ được phát triển trên
con đường thiền quán. Ngồi với cơn đau của mình mà không tránh né hay trốn chạy,
điều đó đòi hỏi một sự can đảm. Hoặc là dám đối mặt để vượt
qua nỗi sợ hãi của chính mình. Sự quán chiếu này cần một sự can đảm không
nhỏ, nhưng nhờ vậy ta mới có thể khám phá, hiểu được những sự thật sâu xa của
thân và tâm. Lúc đầu, tâm ta sẽ rất loạn động, vì những thói
quen thường ngày của ta bị xáo trộn. Phải can đảm lắm ta mới có thể buông
bỏ tất cả những gì ta hằng nắm giữ cho sự an ninh của
mình. Hãy xả bỏ, để trải nghiệm được dòng vô thường.
Phải có can đảm ta mới dám đối diện và đương đầu với nỗi bất an căn bản và cố hữu của tiến trình thân tâm.
Để đối diện với sự thật là chúng ta đang tàn hoại trong mỗi giây phút, không có
một nơi nào để ẩn náu. Phải có can đảm mới chết được.
Trải nghiệm về sự chết của cái ngã; trải nghiệm được cái chết trong khi mình vẫn
còn sống, điều đó cần đến lòng cam đảm, không sợ sệt của một đại dũng sĩ.
Siddhartha có thể suy nghĩ, chờ đợi và nhịn ăn.
Chờ đợi có nghĩa là kiên nhẫn và thinh lặng. Nó có nghĩa là không bị lôi cuốn vào hành động chỉ vì lòng ái dục.
Nếu chúng ta không có khả năng chờ đợi, mỗi khi ham muốn khởi lên, nó sẽ dẫn đến
hành động. Và rồi ta lại bị trôi lăn theo vòng bánh xe của ái dục. Đôi khi người ta thường lầm lẫn giữa chờ đợi với sự bất động, không
làm gì cả. Hoàn toàn không phải như vậy. Trang
Tử có viết:
“Sự bất động của người trí không phải là không làm gì hết, mà có nghĩa là không
tính toán. Nó không bị lay chuyển bởi bất cứ một việc
gì. Bậc thánh nhân an
tĩnh vì họ không động, chứ không phải vì họ cố ý làm an tĩnh.
Nước lặng giống như gương... một mặt phẳng hoàn toàn.
Nếu nước thật trong và thật phẳng, thì tâm của bậc thánh nhân cũng thế.
Tâm của người trí luôn luôn thanh thản, nó là tấm gương của trời đất, vạn vật.
Vắng lặng, an tĩnh, thanh thản... thinh lặng, bất động
- đây là lãnh vực của trời đất. Nó chính là đạo.
Bậc trí tìm nơi đây chỗ an nghỉ cho họ. Khi an nghỉ, họ
sống vắng lặng.”
Chờ đợi có nghĩa là sự tĩnh lặng của tâm trong bất kỳ một hoạt
động nào. Nếu chúng ta cứ bận rộn đi “truyền đạo”, ta sẽ không có được
một cái nhìn rõ ràng, ta sẽ không thể nhận được rằng sức mạnh và sự hiểu biết
phát sinh từ sự thinh lặng, và nhất là ta sẽ không ngưng được sự đối thoại trong
nội tâm: Ta sẽ trở thành tù nhân của mớ văn tự, chữ nghĩa. Chúng ngăn cản không cho ta liên lạc với thế giới chung quanh một
cách cởi mở và tự nhiên. Thế giới chung quanh
khác biệt với những khái niệm và thành kiến của ta nhiều lắm.
Chấm dứt những đối thoại trong nội tâm là có khả năng chờ đợi và lắng nghe.
Chính nhờ lắng nghe con tim mà Siddhartha đã rời bỏ cha mình để đi vào con đường
khổ hạnh, và rồi từ giã rừng sâu để trở về với thế giới trần tục của thương mại
và sắc dục. Nhưng dần dần sự lắng nghe của anh ta trở nên mờ ám vì những đam mê,
khoái lạc của sắc dục. Cho đến một lúc anh không còn nghe được gì nữa.
Trong sự tuyệt vọng cùng cực, anh ta lê chân đến bên một dòng sông, định tự trầm
mình. Lúc ấy anh bỗng nghe từ dưới dòng sông, từ đáy hồn anh, âm thanh
“aum” vang dội. Anh quyết định ở lại với dòng sông. Vài năm
sau, anh lại bắt đầu có thể lắng nghe và chờ đợi.
Siddhartha lắng nghe. Chàng bắt đầu
chú tâm lắng nghe, miệt mài trong thinh lặng. Chàng hấp
thụ tất cả. Chàng cảm thấy rằng, bây giờ mình đã hoàn
toàn học được nghệ thuật lắng nghe. Những âm thanh này
chàng đã nghe chúng từ xưa, những tiếng gọi khác nhau của dòng sông.
Nhưng hôm nay chúng mang một vẻ khác biệt. Chàng không còn phân biệt giữa
những tiếng khác nhau, tiếng vui ca với tiếng than thở, tiếng trẻ thơ với tiếng
trưởng thành... Tất cả đều phụ thuộc nhau. Tiếng than
vãn của người sầu khổ, tiếng cười vang của người trí tuệ, tiếng khóc la của kẻ
phẫn uất và tiếng rên rỉ của người đang hấp hối... Tất cả đều
dựa vào nhau, dính chặt, quấn quýt, đan dệt vào nhau trong ngàn đường lối.
Tất cả những tiếng gọi, những mục đích, những lời than, những muộn phiền, những
niềm vui, mọi điều ác và thiện, tất cả đều hòa hợp lại trong thế gian này, trong
dòng biến cố và âm nhạc của cuộc sống. Siddartha miệt mài lắng nghe dòng sông,
theo bài
ca muôn ngàn tiếng hát. Khi chàng không chỉ lắng nghe theo tiếng khóc hay tiếng
cười, chàng không chỉ lắng nghe một âm thanh duy nhất nào, nhưng lắng nghe tất
cả, một thực thể đồng nhất - khi bài ca của ngàn tiếng hát tụ hội trong một chữ
- trọn vẹn.
Quyền năng thứ ba của Siddhartha là nhịn ăn. Nhịn
ăn ở đây có nghĩa là buông xả, từ bỏ, nhân nhượng. Nó
cũng có nghĩa là năng lực, tinh tấn và sức mạnh. Sự từ
bỏ đem lại cho tâm ta một sức mạnh và sự thanh thản. Những người thường
cho rằng sự buông bỏ hay nhịn ăn là nguồn gốc của khổ đau, mà quên đi sự an lạc,
đơn giản mà nó có thể đem lại cho tâm hồn. Vì lúc ấy ta không còn bị ràng buộc,
chi phối bởi những ái dục không cần thiết. Chúng ta đâu cần đến một cố gắng siêu phàm nào mới có thể thực hành
được sự từ bỏ. Ta chỉ cần cố gắng vượt qua những lôi cuốn và thói quen
thường ngày mà thôi. Khi ta thực hành
được điều này, ta sẽ kinh nghiệm được sự thênh thang, tươi mát của tâm hồn mình
vì đã từ bỏ được những dính mắc và quyến luyến.
Nhịn ăn cũng có nghĩa là sự đơn giản.
Một trong những niềm vui khi tôi còn tu tập ở Ấn Độ là sự giản dị trong cuộc
sống, mặc dù có nhiều khó khăn trong các vấn đề sức khỏe, thực phẩm và
tiện nghi. Niềm vui đó không bị ngăn trở bởi có quá nhiều việc làm ta
nhức đầu như ở Hoa Kỳ. Những khách du lịch đi ngang qua thường thắc mắc, không
hiểu nổi làm sao chúng tôi lại có thể “từ bỏ” được nhiều nhu cầu đến thế: điện,
nước nóng, tiện nghi... Vì họ không hiểu được sự thoải mái của một đời sống đơn
giản. Sự đơn giản trong cuộc sống vì không còn chiếm hữu nhiều sẽ đưa ta đến sự
toại nguyện và an lạc.
Nhịn ăn, từ bỏ. Chúng ta có thể trải nghiệm được sự buông bỏ trong cuộc sống của
mình qua hành động bố thí, qua việc giữ giới luật, qua sự lìa xa những gì đã
hằng trói buộc ta.
Sự từ bỏ được thực hiện
trên nhiều lãnh vực, không chỉ riêng trong liên hệ với những người khác hay
những vật chung quanh. Đạo Lão có danh từ “chay lòng”
để diễn tả sự từ bỏ hoàn toàn của nội tâm. Trang Tử viết:
“Hãy chuyên tâm nhất chí. Đừng nghe bằng tai, mà nghe bằng lòng. Đừng nghe bằng
lòng, mà nghe bằng khí. Điều gì mình nghe, hãy để nó dừng ở ngoài
tai, còn lòng thì hợp nhất nó lại. Khí, là cái trống
không để tiếp nhận sự vật.
Chỉ có sự trống không mới nhận được đạo mà thôi.” Sự
chay lòng có nghĩa là làm trống không mọi quan năng, tự do, không còn bị giới hạn và bận tâm. Chay lòng sinh ra sự
chuyên tâm nhất chí và tự do.
Siddhartha có khả năng suy nghĩ. Anh ta có thể chờ đợi. Anh ta có thể nhịn ăn. Đây là những đặc tính mà một dũng sĩ
sẽ phát triển khi anh ta ý thức được một cách toàn vẹn con người của chính
mình. Khi bạn ngồi, khi bạn đi, bạn luôn có ý thức trọn
vẹn trong suốt ngày, đây là đặc tính của sự giác ngộ.
Hỏi: Don Juan nói về quyền năng của cá nhân. Điều này có liên hệ gì đến sự tu tập?
Đáp: Sức mạnh của tâm chính là quyền năng. Không phải một quyền lực dùng để sai xử một cái gì bên ngoài, mà là
quyền lực của trí tuệ thông suốt, của sự hiểu biết.
Don Juan có nói rằng dù anh có được nói cho nghe bí mật của vũ
trụ này, điều đó cũng sẽ là rỗng tuếch đối với anh, cho đến khi nào anh có được
đầy đủ quyền năng của mình. Quyền năng ở đây có nghĩa
là sức mạnh, sự kiên trì đều đặn, khả năng quán chiếu và thấy được chân tướng
của sự vật. Quyền năng này sẽ phát triển khi định lực của ta gia tăng.
Khả năng quán chiếu sẽ đem đến trí tuệ.
Với sức mạnh của tâm linh, một chữ thôi cũng có thể mở ra cho
ta một trình độ hiểu biết mới. Trong những khóa tu như
thế này thì chính sự thực hành
đều đặn, liên tục sẽ làm phát triển loại quyền năng cá nhân đó.
Hỏi: Có dấu hiệu nào trên con đường tu tập giúp ta phân biệt được trực giác, trí
tuệ với sự tưởng tượng không?
Đáp: Trực giác phát xuất từ một nội tâm thinh lặng, còn tưởng tượng là thuộc về
những khái niệm. Hai điều này khác nhau nhiều lắm. Đó
là lý do vì sao mà sự phát triển trí tuệ không bao giờ đến bằng sự suy nghĩ về
sự vật. Nó chỉ đến bằng sự tu tập một nội tâm tĩnh lặng, để từ đó một cái nhìn,
một cái thấy sáng tỏ có
thể xảy ra. Tất cả mọi phát triển của trí tuệ, của sự hiểu
biết chỉ xuất hiện vào những khi tâm ta tĩnh lặng. Rồi bất ngờ: “À, thì
ra sự thật là như vậy!” Thiền sư Hoàng Bá có nói về giác ngộ
như là một sự hiểu biết đột ngột, thoát ra khỏi mọi ngôn từ.
Những trực nhận ấy có một giá trị đặc biệt, vì nó không phải là sản phẩm của óc
suy nghĩ hay tưởng tượng mà là một sự bùng vỡ bất ngờ, đột nhiên nhận biết được
chân tướng sự vật.
Hỏi: Trong sự tu tập, việc sử dụng tâm để thăm dò, quan sát một đối tượng và
việc ý thức mà không cần chọn lựa một đối tượng nào,
liên hệ với nhau ra sao?
Đáp: Có nhiều phương pháp phát triển trí tuệ bằng cách chọn một ý thức có đề mục. Chúng ta có thể tập trung sự chú ý vào các mặt khác nhau của tiến
trình, như là oai nghi của thân thể, cảm thọ nơi thân hay tâm thức của
mình. Chọn đối tượng như là một phương tiện để khám sát một lãnh vực đặc
biệt nào đó, thì rồi nó cũng trở thành một ý thức không có sự chọn lựa. Khi ấy hành giả chỉ
ngồi yên quan sát và ghi nhận những gì đang xảy ra mà hoàn toàn không phê phán,
quyến luyến hay ghét bỏ. Đôi khi hành giả quá tỉ mỉ trong sự tu tập, cứ luôn tìm
kiếm một quy luật để tuân theo, vì sợ thực hành
sai. Trí tuệ phát xuất từ sự chánh niệm và tỉnh
thức, cho dù ta có ý thức được điều ấy hay không.
Không bao giờ có chuyện chánh niệm “sai”. Hãy đào luyện tâm mình, đào
luyện đức tính quan sát khám phá này. Hãy nhìn cho thật sâu xa để thấy được tư tưởng của mình sinh ra từ
chỗ trống không rồi tàn hoại vào chỗ trống không. Còn khi quán sát cái
đau phải dám trực diện nó. Thực tập với một thái độ không sợ sệt, không suy nghĩ về một
điều gì, chỉ bằng một ý thức tĩnh
lặng. Tâm ta có thể uốn nắn được rất dễ dàng. Cũng như một miếng đất sét dùng để làm chén bát, rất mềm dẻo và nhồi
nắn được. Khi ý thức và
định lực của ta phát triển, tâm ta sẽ có được tính cách uyển chuyển và dễ vận
dụng như thế.
Hãy thám hiểm tất cả mọi khía cạnh của tiến trình thân tâm.
Khi tôi còn ở Ấn Độ, tôi sống trên tầng hai của một tu viện. Mỗi ngày tôi
thường đi lên xuống thang lầu nhiều lần, những khi ấy tôi hay quan sát cử động
máy móc của động tác bước lên từng bực thang, đầu gối tôi chuyển động ra sao,
sức nặng của tôi dời đổi như thế nào. Đó là một tiến trình rất ngộ nghĩnh. Mọi sinh hoạt khác của
ta cũng cần được chú tâm theo dõi kỹ càng như vậy.
Và cũng có những lúc ta ngồi lại mà không làm gì hết, ý thức mà
không cần chọn lựa một đối tượng nào, quan sát những biến chuyển tự nhiên.
Hỏi: Tiến trình của thân và tâm này bắt đầu từ lúc nào?
Đáp: Có câu chuyện kể về người bị bắn một mũi tên có tẩm thuốc độc. Bạn anh ta gọi một vị thầy thuốc đến để nhổ mũi tên ra và chữa trị
cho anh. Nhưng anh lại nói: “Khoan đã, ông đừng lấy nó ra vội. Tôi muốn
biết ai đã bắn mũi tên này, người ấy từ đâu đến, mũi tên ấy làm bằng gỗ cây gì,
đuôi của nó là lông của loài chim nào, màu sắc ra sao...” Lẽ dĩ nhiên người ấy
sẽ chết trước khi anh ta được thoả mãn những thắc mắc ấy. Cũng vậy, đức Phật cho
rằng những câu hỏi triết học về nguồn gốc vũ trụ, của thế giới, vì sao nó lại
bắt đầu... cũng giống như những câu hỏi của người bị tên độc
kia. Chúng ta đang bị kẹt trong một tình thế bất an,
tình thế của ta là một hiện tượng thân tâm luôn bị chi phối bởi tham, sân, si và
đau khổ.
Điều cần thiết là phải nhổ ngay mũi tên độc ấy, giải thoát tâm ta ra khỏi những
tính chất khổ đau kia. Những câu hỏi
có giá trị là những câu hỏi có thể áp dụng vào những gì ta đang kinh nghiệm ngay
trong giây phút này.
Hỏi: Tại sao tham dục lại khởi lên?
Đáp: Khi chúng ta tiếp xúc với những sự vật vừa ý, ta muốn nắm giữ mà không hiểu
rõ tính chất vô thường của chúng. Vừa khi chúng ta có chánh
niệm, chú ý đến những gì đang xảy ra, thấy được sự sinh diệt của mọi vật, thì
lòng tham dục, ý muốn nắm bắt sẽ giảm đi. Chẳng có gì
để ta nắm giữ hết. Tất cả chỉ là bong bóng nước. Sự
nhận biết được lý vô thường, sự tàn hoại của mọi vật sẽ đưa ta đến sự buông bỏ,
một trạng thái không dính mắc. Tất cả đều có được nhờ
chánh niệm, nhờ sự hoàn thiện của chính ta.
Trở thành một dũng sĩ là chuyện vô cùng cao thượng. Không ai
có thể làm công việc ấy thay ta được. Mỗi người tự mình
làm công việc ấy. Hãy ý thức trong mỗi giây phút, chú ý đến những gì
đang xảy ra một cách trọn vẹn. Không có gì là huyền bí
cả, phương pháp tu tập thật là đơn giản, trực tiếp và ngay thật, nhưng đòi hỏi
sự thực tập.
Thiền quán chỉ có nghĩa là như vậy.
Buổi sáng thứ mười một
Trò chơi định tâm
Sáng hôm nay chúng ta sẽ chơi một trò chơi, gọi là trò chơi định tâm. Luật chơi
như sau: trong vòng một tiếng đồng hồ sắp tới, mỗi hơi thở ra, bạn đếm một, hơi
thở kế tiếp bạn đếm hai, cho đến mười.
Không được thiếu một hơi thở nào. Mỗi
khi bạn thở ra, hay bụng xẹp xuống, đếm tăng lên một số.
Nếu bạn không nhớ là mình đang đếm đến số mấy, hãy trở lại bắt đầu từ số một. Nếu bạn quên đếm vì đầu óc đang suy nghĩ việc gì khác, không chú ý
đến hơi thở, hãy trở lại từ số một. Chỉ chú ý đến việc đếm hơi thở, quên hết mọi chuyện khác.
Có những chuyện có thể xảy ra.
Hơi thở có thể sẽ trở nên bất thường, khi chậm, khi nhanh, khi
sâu, khi cạn.
Cứ chú ý đến hơi thở: từ một cho tới
mười. Có lẽ sau năm phút, bạn sẽ bắt đầu có ý nghĩ: “Điều này thật là ngu
xuẩn. Mình bỏ ra một tiếng đồng hồ ngồi đây đếm từ một đến mười để làm gì?” Hãy cứ tiếp tục đếm. Và nếu ý nghĩ đó làm bạn quên đếm một hơi thở, hãy trở lại từ đầu.
Có thể có nhiều sự khó chịu, đau đớn nổi lên trong thân.
Đừng để ý đến chúng. Chỉ tiếp tục đếm từ một cho đến mười.
Đây là một phương pháp đặc biệt dùng để làm kiên cố thêm tâm
hành định của ta, tập cho tâm ta có thể gắn kết với một đối tượng duy nhất.
Nếu bạn cảm thấy trò chơi này hữu ích trong việc tu tập, thỉnh
thoảng bạn có thể xen lẫn phương pháp này vào những giờ ngồi thiền của mình.
Buổi tối thứ mười hai
Ba trụ pháp: Ba-la-mật
Thực hành và hiểu được Phật pháp là điều hiếm có và vô cùng quí báu.
Rất ít người trên thế giới có được cơ hội này. Đa số bị kẹt trong vòng
luẩn quẩn, chạy theo lòng tham và sự si mê, không ý thức được rằng mình có khả năng thoát ra khỏi
vòng luân hồi, bánh xe của ái dục và sân hận. Cơ hội tu tập có
được là nhờ vào điều mà tiếng Pali gọi là Pramỵ, dịch âm là Ba-la-mật.
Ba-la-mật có nghĩa là sự tích lũy năng lực của một tâm trong sạch. Mỗi khi tâm ta không bị ảnh hưởng bởi tham, sân, si, nó sẽ có một năng lực làm cho dòng tâm thức trở
nên tinh khiết. Trên hành trình tiến hóa, chúng ta cũng
tích lũy được khá nhiều năng lực trong sạch này trong tâm.
Chữ Pramỵ đôi khi cũng được diễn dịch một cách rộng rãi là phần thưởng, công trạng.
Nhưng chúng ta đừng hiểu lầm chúng như là những ngôi sao vàng thưởng cho mỗi
việc thiện. Thật ra, Pramỵ có nghĩa là một năng lực
trong sạch trong tâm. Khi những yếu tố không tham, không sân, không si
được tích lũy đầy đủ, Pramỵ sẽ trở thành sức mạnh và sinh ra quả hạnh phúc đủ
loại, từ những thú vui sắc dục ở thế gian cho đến sự an lạc giải thoát cao tột
nhất.
Không có gì trên đời này xảy ra một cách
ngẫu nhiên, vô duyên cớ.
Có hai loại Ba-la-mật: sự trong sạch của hành động và sự trong sạch của trí tuệ. Hành động trong sạch là nhân duyên tạo nên những cảnh vật vui vẻ,
hoàn toàn thuận tiện, tình thân thiết và cơ hội để nghe được Phật pháp.
Thí dụ, khóa tu này không phải ngẫu nhiên mà xảy ra. Nó có được là nhờ ở sức mạnh của sự trong sạch có trong mỗi người
chúng ta.
Loại Ba-la-mật thứ hai là sự trong sạch của trí tuệ, phát
triển nhờ sự thực tập chánh tư duy. Ba-la-mật này giúp cho tuệ sáng suốt
được tăng trưởng.
Cả hai loại Ba-la-mật, hai năng lực trong sạch này phải được
phát triển đầy đủ thì ta mới có cơ hội để tu tập Phật pháp, cũng như có được một trí tuệ để lãnh hội.
Có ba trụ pháp, hay ba lãnh vực của hành động giúp vun trồng
và củng cố các Ba-la-mật.
1. Bố thí:
Trụ pháp thứ nhất là bố thí. Bố thí là tâm hành không tham được biểu hiện ra hành động.
Không tham có nghĩa là buông bỏ, không níu kéo, không bám víu. Mỗi khi chúng ta chia sẻ một việc gì,
hay
một vật gì, điều đó sẽ củng cố tâm hành thiện này, và dần dần nó sẽ trở
thành
một năng lực mạnh mẽ trong tâm.
Đức Phật dạy rằng, nếu chúng ta biết được lợi ích của sự bố thí, ta sẽ không bao
giờ để một bữa ăn
trôi qua mà không chia sẻ với người khác.
Kết quả của nhân bố thí là sự sung túc, đầy đủ và sự hòa hợp với những người
chung quanh. Chia sẻ những gì mình có là một cách ứng xử vô cùng tốt đẹp, tình thân hữu
sẽ được tăng trưởng nhờ đức tính vị tha. Cao thượng hơn nữa, tâm không tham có thể là
một sức mạnh quan trọng cho sự giải thoát. Chúng
ta bị trói buộc vì lòng tham và sự ái dục trong tâm.
Thực hành bố thí tức là ta đang học cách tháo gỡ và buông bỏ những sợi dây xiềng
xích này.
Có ba hạng người bố thí. Hạng thứ nhất là hạng người bố thí bần cùng.
Hạng người này chỉ cho sau khi đã do dự, suy tính rất kỹ, và họ chỉ cho những gì
dư thừa, cặn bã của họ. Họ suy nghĩ: “Có nên cho hay không?
Cho như vậy có nhiều quá không?” Và có lẽ cuối cùng họ
cũng chỉ cho đi những gì mà họ không thật sự muốn giữ lại.
Hạng
thứ hai là hạng người bố thí theo nhân đạo. Hạng người này cho những thứ mà họ cũng có thể cần đến.
Họ chia sẻ những gì của họ mà không tính toán nhiều với một tấm lòng
rộng mở.
Hạng người bố thí cao thượng nhất là hạng người sẵn sàng dâng tặng ngay cả những
gì mà họ quý trọng nhất. Họ chia sẻ một cách tự
nhiên và tức thời, không cần cân nhắc. Sự bố thí đã trở thành một thói
quen tự nhiên. Tâm không tham của họ vững mạnh đến mức
họ có thể cho đi cả những gì mà họ trân quý nhất, bằng một thái độ
thoải mái, nhẹ nhàng.
Đối với một số người, bố thí là việc rất khó khăn.
Tâm tham của họ quá mạnh khiến họ luyến ái rất nhiều.
Đối với một số người
khác, hành động bố thí đến rất dễ dàng. Nhưng vấn đề đó
không quan trọng. Dù chúng ta có bắt đầu ở hạng người
nào đi chăng nữa, điều quan trọng là phải bắt đầu thực hành.
Mỗi hành động bố thí sẽ dần dần làm tâm tham dục yếu đi.
Chia sẻ rộng rãi là
một lối sống đẹp trên cuộc đời này. Bằng sự thực
hành, tất cả chúng ta đều có thể trở thành những người bố thí cao thượng nhất.
Có hai loại tâm thức hiện hữu trong mỗi hành động của ta. Một là loại tâm thức có
tính cách thúc đẩy: đây là tâm suy nghĩ, tính toán, đắn đo trước mỗi hành động. Loại thứ hai là tâm thức tự
nhiên, không khích động, nó là một thứ trực
giác. Khi một hành động đã được ý thức kỹ lưỡng rồi, thì không cần thiết đắn đo
nữa. Loại tâm thức này hoạt động trong giây phút hiện tại một cách thật tự nhiên.
Bằng sự thực hành, chúng ta sẽ phát triển loại tâm thức mà trong đó sự bố thí là
một biểu hiện tự nhiên.
Trong một tiền kiếp của đức Phật, khi còn là một vị Bồ Tát, một hôm ngài
đi ngang qua vách núi và thấy một con cọp mẹ với hai con cọp nhỏ mới sinh.
Cọp mẹ đang bệnh, không có đủ sữa cho hai con bú.
Với lòng từ bi, ngài quên cả sinh mạng của mình, gieo mình xuống vực núi, hy
sinh thân mình làm thực phẩm nuôi cọp mẹ, để nó có đủ sức khỏe lo cho hai đứa
con. Đây là một hành
vi bố thí thuộc hạng cao thượng nhất.
Dù chúng ta chưa đạt đến mức vô ngã như thế, nhưng câu chuyện trên vạch ra cho
ta một hướng
đi: vun trồng tâm bố thí vì lòng từ bi đối với tất cả chúng sinh.
Trong nhiều bài pháp, đức Phật luôn khuyến khích ta hãy thực hành bố thí cho đến
ngày nào nó trở thành biểu hiện tự nhiên của sự hiểu biết.
Bố thí là một đại Ba-la-mật, nó được coi như là một đức đầu tiên trong sự toàn thiện của đức
Phật. Và khi được vun trồng đầy đủ nó sẽ là nhân của những hạnh phúc lớn trong
cuộc sống chúng ta.
2. Trì giới:
Trụ pháp, hay lãnh vực thứ hai của hành động trong sạch là giữ giới
luật. Đối với hàng cư sĩ có nghĩa là giữ năm giới: không sát sinh, không trộm
cắp, không tà dâm, không vọng ngữ và không dùng những chất say nào có thể làm mê
mờ tâm trí.
a. Không sát sinh:
Mọi chúng sinh đều muốn được sống và được an vui. Không ai
muốn khổ đau. Bảo vệ sự sống bao giờ cũng đem lại cho ta một tâm nhẹ nhàng, thư thái hơn là hủy hoại nó. Đem một con ruồi
trong nhà thả ra ngoài sân bao giờ cũng làm cho ta thoải mái hơn là giết chết
nó. Hãy tôn trọng mọi sự sống.
b. Không trộm cắp:
Có nghĩa là không lấy giữ những gì không phải là của mình.
c. Không tà dâm:
Có thể hiểu một cách đơn giản là đừng làm những hành động
sắc dục nào có thể gây hại hay tổn thương cho người khác, hay tạo sự bất an,
phiền não cho chính mình.
d. Không vọng ngữ:
Không chỉ là không nói dối mà còn có nghĩa là tránh nói những câu chuyện vô ích,
nhỏ mọn. Chúng ta thường bỏ rất nhiều thời giờ ra để bàn tán về những lời đồn
đại vô căn cứ. Chuyện đến trong đầu là ta cứ nói mà không cần
suy nghĩ xem chúng có ích lợi gì không. Kiểm soát được lời nói là một cách để
giúp cho tâm mình được an
vui. Đừng nói những lời gây gổ hay chửi mắng. Lời nói phải nhã
nhặn, gieo những hạt giống hòa ái và thân thiết giữa tất cả mọi người.
e. Không dùng chất say:
Trên con đường hướng đến sự giác ngộ, hướng về sự tự do và sáng suốt,
ta nên tránh dùng những chất có thể làm cho tâm mình bị mê mờ và chậm lụt. Nhiều
khi vì sự say sưa mà ta dễ dàng phạm vào những giới cấm khác.
Sự quan trọng và giá trị của những giới cấm có nhiều mức độ
khác nhau. Giới cấm là một sự bảo
vệ cho ta, giúp ta tránh tạo ác nghiệp. Ta sẽ không hành động vì lòng
tham, sân, si, bởi biết rằng chúng là nhân của quả khổ đau trong tương lai.
Khi chánh niệm vẫn còn đang phát triển, chưa được vững mạnh, sự quyết tâm giữ
gìn giới luật sẽ nhắc nhở mỗi khi chúng ta sắp làm một việc bất
thiện. Thí dụ như khi bạn sắp giết
một con muỗi, tay bạn giơ lên sửa soạn đập
xuống, thì ngay khi ấy giới cấm sát sinh sẽ khởi lên và trở thành nhân của chánh
niệm.
Những hành động bất thiện sẽ tạo nên trạng thái mê mờ, hắc ám
trong tâm.
Còn những hành động có ý thức, tự chủ không làm các hành động bất thiện
sẽ tạo cho ta một tâm nhẹ
nhàng và sáng suốt. Khi bạn cẩn thận quan sát hoạt động
của tâm trong mọi hành động, bạn sẽ bắt đầu kinh nghiệm được rằng, những việc
làm do tham, sân, si sẽ khiến cho tâm nặng nề khởi lên. Giữ giới luật như là một cách sống giúp cho ta được an lạc, tâm ta
luôn cởi mở và trong sáng. Đây
là
một lối sống thật thư
thái và đơn giản. Hiểu được như vậy thì giới luật không phải là sự ngăn cấm khắt
khe, mà chúng ta giữ theo
là vì chúng có ảnh hưởng tốt đến giá trị của cuộc sống. Chúng ta không cần phải
thần thánh hóa chúng, vì chúng chỉ là những biểu hiện tự nhiên của một tâm trong sáng.
Giới luật còn có một ý nghĩa
sâu xa hơn thế nữa trên con đường tu tập. Chúng giải
thoát tâm ta khỏi mọi hối hận và lo âu. Mặc cảm tội lỗi
về những chuyện quá khứ không có ích lợi, chúng chỉ làm cho ta lo buồn thêm.
Bằng cách tạo dựng một căn bản trong sạch cho hành động của mình
trong giây phút hiện tại, ta có thể giúp cho tâm mình trở nên
thư
thái và an tĩnh một cách dễ dàng. Không có định thì sẽ không bao giờ có tuệ. Vì thế, nền tảng
giới luật là một căn bản
vô cùng cần thiết trên con đường tu tập.
3. Thiền:
Lãnh vực thứ ba của hành động trong sạch là thiền.
Thiền được chia ra làm hai dòng chánh.
Thứ nhất là thiền chỉ hay định, là khả năng tập trung tâm mình vào một đối
tượng duy nhất trong một thời gian, mà không hề lo nghĩ
lăng xăng hay lơ đãng. Khi tâm ta tập trung, nó sẽ có một khả năng
soi thấu rất mãnh liệt. Một tâm ý tán loạn không thể nhìn thấy được tự thể của thân
và tâm.
Sự phát triển trí tuệ đòi hỏi tâm ta phải có một mức định tối thiểu nào đó.
Nhưng định không thôi cũng chưa đủ. Sức mạnh của tâm
phải được sử dụng để phục vụ cho sự hiểu biết, đó là loại thiền thứ hai:
thiền quán. Quán có nghĩa là nhìn thấy rõ được chân tướng của
mọi hiện tượng, tự tính của vạn pháp. Mọi vật đều vô thường và luôn luôn biến chuyển, sinh diệt trong mỗi
giây phút.
Tâm thức,
đối tượng, các tâm hành, thân: mọi hiện tượng đều nằm trong dòng sông vô thường.
Khi tâm ta
sáng suốt, ta có thể kinh nghiệm được sự biến chuyển liên tục này trên một bình
diện thật vi tế: trong mỗi sát-na chúng ta đang chết đi
và được sinh ra trở lại. Không có gì để nắm giữ, chẳng có gì
để níu kéo. Không có
một trạng thái nào của tâm hay thân, không có hoàn cảnh nào bên ngoài ta
để bám víu, bởi vì tất cả đều thay đổi ngay trong giây phút này.
Sự phát triển trí tuệ có nghĩa là kinh nghiệm được sự vô thường nơi chính ta, để
bắt đầu buông bỏ, không còn mù quáng, níu chấp vào tiến trình thân tâm.
Kinh nghiệm được tính chất vô thường đưa đến một hiểu biết về sự không thỏa mãn bẩm sinh của
tiến trình thân tâm: không thỏa mãn vì nó không có khả năng đem lại cho ta
một hạnh phúc nào vĩnh viễn. Nếu chúng ta cho rằng thân
của mình là nguồn gốc của hạnh phúc, an lạc thường hằng, tức là ta chưa thấy
được sự hủy hoại không thể nào tránh khỏi của nó. Khi
ta trở nên già, bệnh tật, tàn hoại và chết đi, những ai quyến luyến thân này sẽ
rất khổ đau. Bản chất của bất cứ một vật nào
có sinh ra đều là sẽ tàn hoại đi.
Mọi yếu tố của thân, mọi yếu tố của tâm đều đang sinh ra và diệt đi ngay trong
giây phút này.
Đặc tánh thứ ba của hiện hữu dưới sự quán sát của trí
tuệ và chánh niệm là trong dòng hiện tượng này không có một cái gì
gọi là “tôi”, “ngã” hay là “của tôi”. Tất cả chỉ là một dòng hiện tượng vô ngã, trống rỗng.
Không có một thực thể
nào đứng sau những hiện tượng ấy để kinh nghiệm. Cá
nhân, chủ thể, tự nó cũng chỉ là một phần của
tiến trình. Nếu ta biết vun trồng trí tuệ bằng chánh
niệm, ba đặc tính này của hiện hữu sẽ tự nhiên hiển lộ.
Giả sử bạn có một hồ nước,
trong hồ mọc đầy cỏ dại.
Giữ giới luật cũng giống như cúi xuống, dùng tay vẹt cỏ
để lấy nước uống. Cỏ dại vẫn còn đó, và khi bạn lấy tay
lên, chúng sẽ trở lại phủ đầy mặt hồ. Những khi giữ giới luật, tâm ta trở nên
trong sạch, nhưng ngay khi ta quên lãng, những dơ bẩn, ô uế sẽ trở lại với ta.
Nếu bạn xây một hàng rào
quanh bờ hồ, ngăn chặn những cỏ dại rong rêu ra chung
quanh, nước bên trong sẽ trong sạch và có thể dùng được nhờ có hàng rào. Nhưng
cỏ dại vẫn còn chung quanh đó, và nếu ta dời hàng rào đi nơi khác, chúng sẽ
lan tràn lại như xưa. Hàng rào cũng giống như định lực trong tâm, có khả năng đè nén những
tâm hành bất thiện. Còn trí tuệ cũng giống như khi ta
bước xuống hồ và nhổ đi những cỏ dại, từng chút một, cho đến
khi cả hồ được trong sạch.
Nhổ như thế thì cỏ sẽ không còn mọc trở lại nữa. Trí
tuệ là một phương
pháp thanh lọc: khi những sự bất thiện trong tâm được quán chiếu cặn kẽ và cuối
cùng bị bứng nhổ, chúng sẽ không còn khởi lên được nữa.
Trí tuệ là điểm cao tột nhất trên con đường tu tập, được bắt đầu bằng sự thực
hành bố thí, giữ giới và phát triển định lực. Từ căn bản trong sạch ấy phát sinh một trí tuệ có khả năng soi thấu được thực chất
của thân và tâm. Bằng cách giữ chánh niệm hoàn toàn trong giây
phút hiện tại, những gì huân tập trong tâm ta từ bấy lâu nay sẽ bắt đầu hiển lộ.
Mọi tư tưởng, mọi tà ý, tham dục, luyến ái, tình yêu, nghị lực, mọi niềm vui,
tất cả những gì trong phạm vi
tâm sẽ được mang lên bình diện nhận thức. Và
bằng sự thực hành chánh niệm, không dính mắc, không ghét bỏ, không nhận một đối tượng nào làm mình, tâm ta sẽ trở nên
thư thái và tự tại.
Đức Phật có nói về sức mạnh của các ba-la-mật này. Ngài
nói rằng sức mạnh của bố thí sẽ được gia tăng bằng sự trong sạch của người nhận.
Và thực hành từ bi quán với một định tâm
còn hùng mạnh hơn là cúng dường Phật và toàn thể tăng đoàn của ngài gấp bội
phần. Nhưng dũng mãnh hơn cả sự vun trồng những tư tưởng từ bi ấy là thấy được
sự vô thường trong mọi hiện tượng, vì thấy được vô thường tức là khởi đầu của sự
giải thoát.
Hỏi: Có
một lúc tôi cảm thấy mình cho nhiều quá; tôi cảm thấy như mình bị lợi
dụng. Ông có thể nói thêm về bản chất của bố thí khi nó đưa đến việc mình
cảm thấy bị lạm dụng không?
Đáp: Chúng ta đều có những trình độ khác nhau. Chúng ta không phải đang ở trình
độ của một vị Bồ
Tát dám hy sinh thân mình để nuôi cọp mẹ và hai đứa con của nó. Có thể đôi khi
ta có những thúc giục để làm những chuyện như vậy, để rồi theo
sau là những hối hận. Đó không phải là một phương
pháp khéo léo. Chúng ta phải ý thức được
trong giờ phút này mình đang ở đâu và vun trồng sự bố thí sao cho thích hợp với
mình. Tâm ta sẽ phát triển. Khi chúng ta thực hành bố thí, thì dần dần việc ấy sẽ trở nên tự
nhiên. Và khi ta đạt được một sự quân bình, tâm ta sẽ trở thành hòa hợp,
không có một mảy may hối tiếc nào theo
sau cả.
Hỏi: Những giới luật có thể là sự chỉ đạo ở một trình độ nào đó, nhưng chấp cứng vào nó có
nguy hiểm không? Giới cũng có thể là một trở ngại
vì dù sao thì nó cũng chỉ là những ý niệm?
Có những hành động có thể vì lòng từ bi nhưng lại phạm giới,
như là nói dối để cứu một người nào. Khi giới luật và trực giác mâu thuẫn với nhau thì sao?
Đáp: Tất cả các hành động thiện phải được hiểu theo
những tâm hành mà chúng đang vun trồng, chứ không phải tự ở những hành động đó.
Nếu chúng ta hành động vì lòng từ bi thì đó là hành vi thiện.
Nhưng thường thì chúng ta chưa tới trình độ tỉnh thức đủ
để có thể nhận biết mọi yếu tố liên quan đến hành động của mình.
Khi ta chưa thể ý thức được
hết thảy mọi động lực khiến ta hành động để phân biệt thiện ác, thì giới luật
vẫn được xem như những quy tắc rất hữu ích. Một
vị sư đến than phiền với đức Phật rằng ông không thể nào nhớ hết hơn hai trăm
giới luật dành cho các vị tăng, chứ đừng nói gì đến việc giữ cho đừng phạm giới.
Đức Phật hỏi: “Vậy ông có thể nhớ được một giới không?” Vị tăng trả lời: “Được.” Đức
Phật dạy: “Hãy giữ chánh niệm!” Mọi điều khác đều đến từ chánh
niệm.
Nếu bạn có thể giữ chánh niệm cho tinh chuyên, tự nhiên mọi
hành động sẽ trở thành chân chánh.
Hỏi: Tôi thấy có một sự mâu thuẫn giữa việc
theo con đường bố thí cao thượng và một cuộc sống được bảo đảm.
Đáp: Sự vun trồng hạnh bố thí cao thượng không cần thiết có nghĩa là ta phải
mang hết tài sản của mình cho kẻ khác. Nó chỉ có nghĩa là ta bố thí với một tâm độ lượng, tùy theo
hoàn cảnh. Chúng ta cũng có trách nhiệm đối với chính mình,
phải biết duy trì một mức sống vừa đủ để mình có thể tu tập và
vun trồng những yếu tố giác ngộ. Mức độ của sự bố thí
sẽ tùy thuộc rất nhiều vào trình độ tiến hóa của tâm.
Chúng ta không nên có một ý niệm cứng ngắc về sự bố thí rồi tự cưỡng
ép, cố gắng làm theo như vậy. Chỉ đơn giản là ngay
trong mỗi giây phút hiện tại hãy nắm lấy mọi cơ hội để vun trồng tâm hành không
tham. Điều đó không phức tạp lắm đâu, hãy để nó tự nhiên hiển
lộ. Đến khi nào bạn cảm thấy sẵn sàng gieo mình xuống vực thẳm để nuôi
những con cọp, bạn sẽ làm chuyện ấy.
Hỏi: Tôi cảm thấy hơi bối rối về cách hiểu thế nào là nói dối.
Khi ta không nói lên những gì mà ta nghĩ là chân thật và thích hợp với hoàn
cảnh, như vậy có gọi là nói dối không?
Đáp: Có những việc có thể là sự thật, là ý niệm chân chánh, nhưng nó không có
ích lợi gì cho người khác, bởi vì người ấy không ở vào một hoàn
cảnh có thể nghe và hiểu được. Chúng ta chỉ nên nói sự thật khi nào có ích lợi.
Sống với sự thinh lặng thì tâm ý rất đẹp và an lạc. Nhưng điều ấy đòi hỏi nhiều chánh niệm, vì chúng ta rất dễ bị thôi
thúc phải nói. Lời nói thoát ra ngay cả trước khi ta ý thức được
rằng ta có điều gì muốn nói hay không. Điều đó rất máy móc.
Nhưng khi chánh niệm được giũa mài sắc bén, chúng ta sẽ bắt đầu có ý thức
trước khi nói: tác ý muốn nói khởi lên và ta lập tức có chánh niệm về nó. Và khi
ấy ta có thể nhận biết chúng có chân thật và ích lợi hay không.
Nguyễn Duy Nhiên biên dịch
(xem phần tiếp)