Ba mươi ngày thiền quán
Buổi tối thứ tư
Sự chú ý đơn thuần
Có một lời tiên đoán từ xa xưa rằng sau khi đức Phật nhập diệt
2.500 năm, đạo Phật sẽ bừng lên một cách huy hoàng và khởi sắc.
Ngày nay, chúng ta thấy lời tiên đoán đó đang trở thành sự thật.
Nhưng trước khi ta có thể hiểu được tầm quan trọng của lời
tiên đoán này, ta phải hiểu giáo pháp là gì? Giáo pháp
là danh từ dùng để dịch chữ Dharma trong tiếng Phạn, có nghĩa là luật,
đạo,
chân như của vạn vật, sự biến chuyển của mọi hiện tượng, hay nói một cách
khác: giáo lý của đức Phật. Tất cả những điều đó gọi chung là Pháp (Dharma).
Nó cũng có nghĩa bao gồm mọi tế bào trong thân, mọi yếu tố của tâm, trong tất cả
sinh vật. Những yếu tố của tâm như là ý nghĩ, thị lực, tình cảm, tâm tưởng đều
có thể gọi chung là Pháp.
Mục tiêu của người tu tập thiền quán là tìm hiểu, khám phá
những pháp vừa kể trong thân và tâm, ý thức được từng yếu tố một, cũng như hiểu
được luật biến chuyển và sự liên hệ của chúng. Ở đây, sự tu tập của chúng
ta là: kinh nghiệm được sự chân thật của bản tánh mình trong mỗi giây phút, biết
được cái ta này là ai và nó gồm những gì.
Tâm ta có một phẩm tính rất là quan trọng để dùng vào thiền
quán. Phẩm tính này làm căn bản và nền móng cho sự giác ngộ, nó chính là
sự chú ý đơn thuần. Chú ý đơn thuần có nghĩa là nhìn sự vật như là nó
hiện thực, nó là như vậy, không chọn lựa, không so sánh, không đánh giá, không
đặt quan niệm, thành kiến của mình vào sự nhận xét. Chú ý đơn thuần là
một tâm ý không phê phán và không can thiệp.
Phẩm tính này của tâm được diễn tả bằng một bài thơ Haiku của một thiền
sư Nhật Bản, tạm dịch như sau:
Hồ thu lặng,
Ếch nhảy vào,
Tõm!
Không thêm bớt một hình ảnh nào, không có cảnh mặt trời chiều hay bầu trời mùa thu hoàng hôn phản chiếu trên mặt hồ. Tác
giả không hề linh động hóa cảnh vật. Chỉ kể lại một cách chi tiết rõ ràng,
nhận xét của ông với việc xảy ra trước mắt: “Hồ thu lặng, ếch nhảy vào, tõm!”
Một nhận thức đơn thuần: nhìn và quan sát sự vật với một tâm giản dị và trực
tiếp. Không có gì là dư thừa hết. Đây
là phẩm tính trí tuệ và thẩm thấu của tâm.
Khi ta phát triển được một sự chú ý đơn thuần, đời ta sẽ thay đổi trên nhiều
phương diện. Chân ngôn của thời đại này là “hãy sống trong
hiện tại” - sống ngay trong giờ phút này. Nhưng vấn
đề là sống như thế nào đây? Đầu óc ta thì cứ nhớ mãi những chuyện đã xảy ra trong quá khứ, nếu
không thì lại tính toán cho tương lai, lúc nào cũng bồn chồn, lo nghĩ.
Hồi tưởng về quá khứ; mơ mộng đến tương lai; sống trong giờ phút hiện tại không
phải là chuyện dễ làm. Chú ý đơn thuần là một phương cách giúp ta sống và
tỉnh thức trong giây phút hiện tại. Từ tốn lại trong giờ phút
này, kinh nghiệm được hoàn toàn những gì đang xảy ra.
Có một câu chuyện thiền nói về việc sống trong hiện tại.
Vào một ngày mưa tầm tã, đường xá trong thành phố ngập nước, lầy lội. Có hai vị thiền sư cùng đi đến một ngã tư đường, gặp một cô gái trẻ
đẹp. Cô ta đang đứng bối rối vì đường quá sình lầy,
không băng qua được. Ngay lúc ấy, vị sư thứ nhất bèn bồng cô ta lên và
băng qua bên kia đường, rồi đặt cô xuống.
Xong, cả hai tiếp tục đi. Tối đó về đến chùa khi đã nhá nhem tối, vị sư
thứ hai không còn nhịn được nữa, lên tiếng trách:
- Tại sao sư huynh lại có thể làm một chuyện như thế được?
Chúng ta là người tu hành, thật không nên nhìn đến phụ nữ chứ đừng nói là đụng
chạm thân thể họ. Nhất là với những cô gái trẻ đẹp.
Vị sư thứ nhất đáp:
- Tôi đã đặt cô ấy xuống bên kia
đường rồi, sư huynh còn mang cô ta về đến tận đây sao?
Khi ta có được một nhận thức đơn thuần, ý thức được sự có mặt của bất cứ những
gì đang xảy ra chung
quanh, ta có thể kinh nghiệm và đối phó với hoàn cảnh hiện tại một cách chính
xác và tự tại hơn.
Chú ý đơn thuần có khả năng làm cho tâm ta được tĩnh lặng. Tâm chúng ta thường
hay phản ứng: bám víu vào những gì làm mình dễ chịu, và xua đuổi những gì làm
mình khó chịu. Ta hành động vì lòng ta ưa thích hoặc ghét bỏ. Tâm ta thiếu sự bình đẳng. Một khi sự chú ý đơn thuần được
phát triển, ta sẽ kinh nghiệm được những cảm xúc, ý nghĩ của mình và hoàn cảnh
chung
quanh mà không bị lôi cuốn hay sinh ác cảm. Ta sẽ có khả năng kinh nghiệm được
hoàn toàn những gì đang xảy ra với một tâm tĩnh lặng và bình đẳng.
Nhưng việc tập luyện một sự chú ý đơn thuần không chỉ giới hạn vào những lúc
ngồi thiền sáng và chiều. Nếu ta nghĩ rằng mình chỉ tu tập
thiền quán vào những giờ ngồi thiền, còn những lúc khác thì không, đó là ta đã
đập vỡ cuộc sống của mình ra thành từng mảnh, và phá hoại công trình tu tập của
mình rồi. Chánh niệm phải được áp dụng cho mọi lúc, mọi
hoàn cảnh, dù là khi ta đang đi, đứng, nằm, ngồi, nói chuyện hay ăn uống.
Ta phải biết vận dụng sự chú ý đơn thuần với mọi đối tượng, mọi tâm trạng, mọi
hoàn cảnh. Hãy sống trọn vẹn trong từng giây, từng phút.
Có câu chuyện về một người chạy trốn một con cọp. Anh ta chạy
đến bên bờ một vực thẳm, nắm lấy một dây nho và đu xuống. Bên trên anh
con cọp đứng nhìn, phía dưới lại có một con cọp khác đang gầm gừ chờ anh rơi
xuống. Trong khi anh đang bị treo lơ lửng thì có hai con chuột đang gậm nhấm sợi
dây nho mà anh đang bám. Lúc ấy anh chợt thấy một trái dâu đỏ
chín mọc gần đó. Anh vói tay hái. Trái dâu ngọt
lịm làm sao!
Sự chú ý đơn thuần, khi tu tập đúng mức sẽ trở nên tự nhiên, không phải đòi hỏi
một sự dụng công nào nữa. Cũng giống như khi ta học chơi một
nhạc cụ vậy. Ta ngồi xuống, học một vài lý thuyết rồi được đưa cho những
bài thực tập. Lúc đầu ngón tay
chưa quen, còn vụng về ta sẽ đánh những nốt sai và âm điệu sẽ rất khó nghe.
Nhưng nếu siêng năng luyện tập, dần dần tay ta sẽ quen, những cử động sẽ trở nên dễ dàng, âm thanh sẽ
êm dịu hơn. Sau một thời gian, khi sự luyện tập đã chín mùi, mọi cử động sẽ trở
nên tự nhiên và vô ngại. Lúc ấy sẽ không còn biên giới
giữa thực tập và thực hành, việc chơi nhạc tự nó cũng là luyện tập.
Sự tu tập chánh niệm cũng thế.
Lúc đầu ta theo dõi mọi cử động một cách chậm chạp,
từng bước chân “dở lên, bước tới, đặt xuống”, từng hơi thở “phồng, xẹp”
hay là “ra, vào”... Trong giai đoạn đầu sự tinh tấn và
cố gắng là một yếu tố quan trọng. Dòng chánh niệm của
ta bị đứt quãng rất nhiều. Biết bao nhiêu là trở ngại
và phấn đấu. Nhưng khi tâm ta được tôi luyện đúng mức,
chánh niệm sẽ tăng trưởng một cách tự nhiên.
Trên hành trình tu tập, sẽ có một lúc sự xung động của chánh
niệm trong tâm mạnh đến nỗi có thể tự hoạt động một mình mà không cần đến sự
dụng công của ta. Lúc ấy mọi sự sinh hoạt của ta sẽ trở
nên dễ dàng, giản dị và tự nhiên, nhờ ta có được một chánh niệm vô ngại.
Chú ý đơn thuần là tập lắng nghe những gì đang xảy ra trong thân, trong tâm và
thế giới chung quanh ta. Chắc một lần nào đó, bạn đã có một dịp ngồi
bên một dòng sông, hay trên một ghềnh đá bên bãi biển. Lúc đầu
ta chỉ nghe một khối âm thanh rào rạt.
Nhưng nếu ta ngồi yên thêm một chút, chỉ ngồi và lắng nghe thôi, ta sẽ bắt đầu
nghe được muôn ngàn âm thanh nhỏ khác biệt nhau, tiếng sóng biển vỗ trên ghềnh
đá, tiếng dòng sông chảy mạnh... Với tâm tĩnh lặng ta có thể
kinh nghiệm được thật sâu sắc những gì đang xảy ra. Khi ta lắng nghe
chính mình cũng thế, lúc đầu ta chỉ có thể nghe được một tiếng nói của cái “ngã”
hay cái “tôi”. Nhưng dần dần, cái tôi
này sẽ hiển lộ cho ta thấy nó chỉ là một tập hợp của những yếu tố, tư tưởng, cảm
giác, tình cảm và hình ảnh thay đổi không ngừng. Tất cả sẽ hiển bày khi
ta biết lắng nghe và chú ý. Một vị sư cô có viết một bài thơ thật đẹp như sau:
Đã sáu mươi sáu lần,
đôi mắt này nhìn mùa thu đến và đi.
Ánh trăng xưa ta đã tả thật nhiều,
đừng hỏi nữa làm chi.
Hãy lắng nghe
tiếng của cây tùng và cây bách,
khi gió ngừng đưa...
Hãy lắng nghe tiếng của cây cỏ khi gió không còn thổi.
Một tâm tĩnh lặng tiêu biểu cho sự quân bình của đạo, giữa hai yếu tố sáng tạo
và tiếp nhận. Nhờ yếu tố sáng tạo mà ta có khả năng tỉnh thức, thông suốt và
tích cực chú ý. Nhờ yếu tố tiếp nhận mà ta giữ được một thái độ không phân biệt,
không chọn lựa và không phê phán. Tâm ta lúc ấy rất cởi mở và
êm dịu. Một khi ta có được nhận thức tỉnh táo và thông
suốt, đi đôi với sự tiếp nhận không phân biệt, tâm ta sẽ ở trong một trạng thái
quân bình, hoà hợp hoàn toàn.
Sự phát triển của ý thức đơn thuần đòi hỏi sự có mặt của hai tâm hành. Tâm hành thứ nhất là tâm định, tức là khả năng chú ý vào một
đối tượng duy nhất. Tâm hành thứ hai là chánh niệm,
tức là khả năng biết được những gì đang xảy ra trong hiện tại, không để tâm chìm
trong quên lãng, giữ cho tâm luôn được vững chãi và tập trung. Một khi
chánh niệm và định lực được phát triển đúng mức, tâm của ta sẽ trở nên quân bình
và sự quán sát sẽ vô cùng sâu sắc. Ta sẽ nhận chân được nhiều phương diện khác
nhau của bản thân.
Trí tuệ không đến từ một đối tượng hay một trạng thái tâm thức đặc biệt nào hết.
Thiền sư Suzuki
có nói về sự “chẳng có gì là đặc biệt”.
Trong tâm và thân ta, trong chân như của sự vật, chẳng có gì
là đặc biệt hết. Sự vật khi sinh ra đã có bản tánh tự nhiên là sẽ diệt đi.
Chẳng có gì đặc biệt để ta luyến tiếc. Tất cả chỉ là một phần của dòng biến chuyển không ngừng. Điều
quan trọng là sự quân bình và sáng suốt của tâm. Chúng ta cũng đừng ham muốn
hoặc tìm kiếm những kinh nghiệm khác thường. Mặc dù đôi khi những hiện tượng
siêu nhiên có thể xảy ra cho ta, nhưng chúng chẳng có gì đặc biệt, chỉ là thêm
đề tài cho ta quan sát, bởi mọi hiện tượng đều chịu chi phối bởi luật vô thường.
Điều mà chúng ta muốn làm là buông bỏ tất cả, không để dính mắc hay nhận lấy bất
cứ trạng thái, hiện tượng nào đó là mình.
Hãy tự tại về mọi mặt, đừng để bị ràng buộc, dù bằng một sợi dây xích bằng vàng,
bằng bất cứ chuyện gì xảy ra. Khi nào chúng ta kinh nghiệm được sự biến chuyển
của định luật vô thường một cách sâu sắc, khi nào chúng ta trực nhận được rằng
con người đang biến đổi trong từng giây phút, chừng đó ta sẽ có khả năng buông
bỏ hết mọi ràng buộc, dính mắc và hòa hợp với dòng thực tại. Không còn chống cự, không còn nắm bắt và không còn ôm giữ.
Chúng ta trở thành một với đạo.
Sau đây là một số thắc mắc nảy sinh trong quá trình tu tập:
Hỏi: Trong cả tiến trình tu tập, có phần nào là linh hồn không?
Đáp: Phương pháp thiền quán là để phát triển chánh niệm. Có
nghĩa là kinh nghiệm sự việc xảy ra với một tâm tĩnh lặng, không sử dụng tư
tưởng hay khái niệm. Tâm của ta sẽ đi từ mức độ suy
nghĩ - ý niệm đến mức độ trực nhận - kinh nghiệm.
Mọi sử dụng ngôn từ sẽ trở thành vô nghĩa khi so sánh với kinh
nghiệm trực tiếp của chánh niệm. Tôi nghĩ là chúng ta ta đừng bao giờ mù
quáng tin theo
một điều gì cả. Một sự hiểu biết sâu sắc sẽ tự nhiên đến với
bạn bằng những kinh nghiệm trong thiền quán. Dù bạn có
biết gì về lý thuyết hay không, chuyện đó hoàn toàn không cần thiết.
Có những thiền sư chưa bao giờ học, chưa từng đọc sách, cũng không phải thông
minh lắm, nhưng các ngài biết lắng nghe lời chỉ dẫn và chịu thực hành.
Giáo pháp phô bày trong tâm các ngài. Các ngài kinh nghiệm được nhiều trình độ giác ngộ khác nhau, nhưng
không thể dùng văn tự mà diễn tả cho người khác hiểu được.
Điều quan trọng là bạn hãy kinh nghiệm lấy sự thật trong tâm bạn, đừng để dính
mắc vào ý kiến và suy luận.
Hỏi: Mục đích của thiền định là gì?
Đáp: Có nhiều cách thiền khác nhau. Một phương pháp cổ truyền
là phải tập trung tư tưởng để phát triển định lực trước, rồi sau đó mới
dùng định lực để phát sinh trí tuệ. Phương pháp này đòi hỏi một thời gian lâu, bởi vì thiền định phải
cần có một hoàn cảnh đặc biệt mới có thể phát triển được một định lực mạnh.
Ở Miến Điện trong khoảng từ 100 đến 150 năm gần đây là sự sống lại của thiền
Minh sát (Vipassana). Thiền Minh sát tuệ phát triển cùng lúc
định lực và trí tuệ. Phương pháp này gồm có sự
chánh niệm và tập trung tâm ý trong từng giây phút một, đầy đủ để dẫn đến sự
giác ngộ.
Hỏi: Trong cuộc đời này chúng ta có quyền chọn lựa gì không?
Đáp: Thường thì những gì xảy đến cho ta trong đời này là do ở nhân chúng
ta đã gieo trong quá khứ. Nghiệp quả thì không tránh được,
nhưng phản ứng, cách đối phó của ta là hoàn toàn tùy thuộc chính mình. Ở
điểm này chúng ta hoàn toàn tự do. Chúng ta có thể có chánh niệm hay không, tùy
ở ta. Không có gì bắt ta phải đối phó với nghiệp quả bằng một cách này hay cách
khác. Tự do nằm ở chỗ ta chọn cách phản ứng nào với những sự việc xảy đến trong
giây phút hiện tại.
Hỏi: Vấn đề tiềm thức trong tâm lý học Tây phương liên hệ với thiền quán ra
sao?
Đáp: Khi tâm ta trở nên yên tĩnh và tỉnh thức, những gì nằm sâu dưới bình diện ý
thức, mà ta gọi là tiềm thức, sẽ được soi sáng bởi ngọn đèn chánh niệm. Lúc đó
ta sẽ thấy được những sự ràng buộc trong tâm ta từ bấy lâu nay. Sự nhận diện này
sẽ đem chúng lên trên bình diện ý thức và được quán sát.
Hỏi: Nhưng lúc nào cũng phải giữ chánh niệm trong hiện tại, điều đó có làm ta
mất đi sự tự nhiên hay không?
Đáp: Sống không có chánh niệm không phải là sống tự nhiên. Nếu chúng ta phản ứng
một cách máy móc, tức là chúng ta bị cai quản, lệ thuộc
vào những việc xảy ra quanh ta. Đó không phải là sống tự nhiên, mà là máy móc. Nhận được một
tin gì đó chúng ta lật đật phản ứng một cách vô ý thức, không chánh niệm, tâm đó
không phải là một tâm tự nhiên mà là một tâm máy móc. Sự tự nhiên chỉ đến với ta
khi tâm ta yên lặng, khi tâm ta tỉnh thức, nhận biết được mọi việc rõ ràng trong
từng giây phút. Khi chánh niệm tiến triển, nó sẽ không làm
sinh hoạt của bạn bị đứt đoạn, nó không làm bạn mất tự nhiên. Trong giai
đoạn đầu thì ta cần phải chú ý từng cử động một, đến khi ta đạt được một ý thức
đơn thuần rồi thì mọi sinh hoạt sẽ trôi chảy rất thư
thái.
Hỏi: Khi nãy ông có thí dụ về người tập đánh đàn và người tập thiền. Có nhiều người tập đàn nhưng không phải ai cũng trở thành một nhạc
sĩ giỏi. Cũng vậy, có phải mặc dù ta tập thiền nhưng không phải ai cũng
sẽ thành công và có chánh niệm, có đúng không?
Đáp: Sự tiến bộ của mỗi người khác nhau. Có người tiến bộ một
cách chậm chạp và khó nhọc. Có người tuy tiến chậm
nhưng rất thoải mái và an lạc. Một số khác tiến bộ
nhanh chóng nhưng khổ cực. Và cũng có người tiến nhanh
chóng với sự an lạc. Sự tiến bộ cũng tùy thuộc vào
nghiệp quả của mình, định lực và chánh niệm của mình đã phát triển đến đâu.
Nhưng nếu chúng ta đi đúng hướng, không chóng thì chầy ta cũng sẽ đến nơi.
Điều cần thiết là hãy cứ bước tới (tức là tinh tấn và cố gắng). Có thể là
một năm, sáu mươi năm hay nhiều kiếp nữa cũng chẳng sao, miễn là ta đi về phía
ánh sáng là đủ. Chúng ta muốn đi về hướng giải thoát, tự do, chứ không phải lùi
lại mà đi về bóng tối. Cho nên bất cứ nghiệp quả của ta ra sao
cũng vậy, hãy bắt đầu bằng những gì ta đang có.
Hỏi: Ông có nói về nhiều kiếp khác nhau. Cái gì sống qua những kiếp đó, có
phải là linh hồn không?
Đáp: Điều này có thể hiểu giống như là những thay đổi xảy ra trong một đời
người. Thí dụ, nếu bạn không nhớ lại khoảng năm, mười năm
trước đây, thân thể của bạn hoàn toàn khác biệt với bây giờ, nói trên phương
diện tế bào cũng vậy. Thân thể của bạn chuyển hóa, thay
đổi. Tâm của bạn cũng đã biến chuyển, thay đổi vô số
lần hơn thế nữa, sinh ra rồi diệt đi. Bây giờ bạn không
thể chỉ bất cứ một cái gì trong tâm hay thân bạn, và bảo rằng nó cũng giống y
như hồi trước không sai khác. Bởi bạn bây giờ là kết quả, tập hợp của
những ràng buộc, điều kiện trong quá khứ và từng giây phút nối tiếp nhau sau đó.
Nói cách khác, giây phút này quyết định điều kiện khởi sinh cho giây phút kế
tiếp. Không có gì được đem qua, nhưng có một mối liên
hệ giữa giây phút này và giây phút kế. Mọi vật chuyển hóa
theo một trật tự liên tục. Trong giờ phút sắp lìa đời,
tâm ta sẽ quyết định điều kiện cho giây phút tái sinh. Không có gì đi theo qua hết, nhưng giây phút kế tiếp tùy thuộc vào giây phút
trước đó.
Buổi sáng thứ năm
Bài thực
tập: Tư tưởng
Sử dụng tư tưởng như một đề mục chánh niệm là một điều quan
trọng. Nếu chúng ta không ý thức được tư tưởng của mình
ngay khi chúng vừa khởi lên, ta sẽ khó có thể nào hiểu được lý
vô ngã và thấy được rằng sự suy nghĩ không phải thật là mình.
Sự ngộ nhận này là nền móng căn bản xây dựng lên cái ngã, cái tôi của mình: “Tôi là người đang suy
nghĩ.” Chánh niệm về tư tưởng đơn giản chỉ có nghĩa là biết được tư tưởng ngay
khi nó sinh khởi, biết được rằng tâm mình đang suy nghĩ mà không bị dính mắc vào
nội dung của suy nghĩ.
Chúng ta không nên miệt mài chạy theo
sự tưởng tượng, phân tích việc tư tưởng từ đâu đến. Ta chỉ cần ý thức được rằng
trong giây phút này có một tư tưởng đang sinh khởi. Bạn có thể
niệm thầm trong đầu “suy nghĩ, suy nghĩ” mỗi khi
có một tư tưởng nào được phát hiện. Bạn hãy quán sát chúng mà không phê
bình, không phản ứng, không cho rằng sự suy nghĩ đó là chính mình, là của mình.
Sự suy nghĩ cũng chính là người suy nghĩ. Chẳng có ai
đứng phía sau chúng hết. Tư tưởng tự nó suy nghĩ.
Nó đến mà chẳng cần ai mời gọi.
Sau một thời gian thực tập thiền quán, bạn sẽ thấy rằng khi
chúng ta không còn bị dính mắc vào sự suy nghĩ, tư tưởng sẽ không tồn tại được
lâu.
Ngay khi bạn ý thức được sự có mặt của một tư tưởng, nó sẽ
biến mất và sự chú ý sẽ trở lại với hơi thở. Nếu muốn, bạn cũng có thể
đặt tên, phân loại chính xác hơn cho những tư tưởng để nhận diện sự khác biệt
của chúng, thí dụ như “dự định”, “tưởng
tượng” hay là “nhớ”.
Cách này có thể giúp cho sự chú ý của bạn được sâu sắc hơn. Nhưng nếu bạn chỉ niệm “suy nghĩ, suy nghĩ...” thôi
cũng đủ rồi.
Điều quan trọng là phải ý thức được tư tưởng ngay khi nó vừa
phát khởi, chứ không phải vài phút sau đó. Khi bạn nhận diện được sự có mặt của tư tưởng ngay khi chúng vừa
sinh khởi, chúng sẽ mất đi khả năng chi phối bạn.
Nhưng bạn đừng bao giờ đối xử với tư tưởng như là một chướng
ngại, kẻ thù của thiền quán. Chúng chỉ là một đối tượng
của chánh niệm, một đề mục của thiền quán. Đừng bao giờ
để tâm mình trở thành lười biếng, buông thả. Phải tinh
tấn duy trì chánh niệm, luôn biết rõ những gì đang xảy ra trong giây phút hiện
tại.
Thiền sư Suzuki
trong quyển Thiền tâm
sơ tâm có viết: “Khi ngồi thiền, bạn đừng cố gắng ngăn chặn
sự suy nghĩ của mình. Hãy để nó tự chấm dứt.
Nếu có một tư tưởng nào xuất hiện, hãy để nó đến rồi đi.
Chúng không thể tồn tại được lâu. Nếu bạn dụng công ngăn chặn nó, có nghĩa là bạn bị nó làm cho khó
chịu. Đừng bao giờ để chuyện gì làm cho bạn phải khó chịu. Điều mà
bạn tưởng rằng đến từ bên ngoài, thật ra chính là những đợt sóng trong tâm bạn,
và nếu bạn không khó chịu vì những đợt sóng, chúng sẽ dần dần trở nên yên tĩnh
hơn...
Những cảm xúc đến, tư tưởng, hình ảnh sinh khởi lên, đều là
những đợt sóng trong tâm. Chẳng có gì ở ngoài tâm bạn cả...
Nếu bạn để cho tâm được tự nhiên, nó sẽ trở nên tĩnh lặng.
Tâm này gọi là chân tâm.”
Hãy để mọi việc xảy ra một cách tự nhiên.
Hãy để những hình ảnh, tư tưởng, cảm giác sinh ra và diệt đi mà không khó chịu,
phản ứng, phê phán hay ôm giữ. Trở thành một với chân tâm, quán sát một cách
cẩn thận và tinh tế những đợt sóng đến và đi. Thái độ này sẽ
đem lại cho tâm ta một sự quân bình và tĩnh lặng vô cùng nhanh chóng.
Đừng bao giờ xao lãng sự tập trung của mình. Giữ tâm chánh niệm luôn luôn, từng giây phút một, về mọi chuyện đang
xảy ra, dù đó là sự chuyển động của bụng, là hơi thở ra vào ở mũi, là cảm giác
hay tư tưởng. Lúc nào cũng giữ chánh niệm, tập trung
nơi đối tượng với một tâm quân bình và thoải mái.
Buổi tối thứ năm
Khái niệm
và thực tại
Trong tác phẩm Republic
của Plato có một
chuyện ngụ ngôn nổi tiếng về một hang động. Trong hang động có một hàng người,
họ bị xiềng lại với nhau trong tư thế chỉ có thể nhìn vào vách hang bên trong,
không thể nào quay lưng lại. Phía sau lưng những người bị xiềng là một ngọn lửa,
và có những hình người nhỏ xếp chung
quanh như là đang sinh hoạt với nhau. Bóng dáng của những hình người giả này
chiếu lên vách tường phía bên trong hang. Những người bị xiềng chỉ có thể thấy
bóng dáng thay đổi của những hình người giả trên vách hang, nên họ nhận những bóng hình đó làm một sự thật tuyệt
đối.
Cho đến một ngày, có một người trong bọn họ cắt được sợi dây
xích và quay lại được. Anh ta thấy được đống lửa và những hình người giả, và hiểu rằng
những điều anh tin xưa nay đều là giả tưởng. Bóng hình
không phải là sự thật mà chỉ là những phản ảnh trên vách.
Và có lẽ sau khi thoát ra khỏi sự xiềng xích, anh đi ra khỏi hang và bước đi
trong tự do dưới ánh sáng mặt trời.
Tình trạng của chúng ta cũng giống như những người bị xiềng trong hang.
Bóng người trên vách tượng trưng cho những khái niệm trong cuộc đời mà ta đang
sống.
Chúng ta bị xiềng xích bằng những đam mê, nhìn cuộc đời qua ý niệm, thành kiến
có sẵn trong ta, và nhận những khái niệm này làm thực tại.
Có nhiều khái niệm khắc rất sâu trong tâm ta, đến nỗi ta không
còn nghi ngờ gì nữa.
Chẳng hạn như chúng ta ai cũng có khái niệm về nơi chốn, quê
hương, quốc gia.
Nhưng thực tế là trên trái đất này không có đường ranh giới tự
nhiên nào phân chia các quốc gia. Những đường ranh giới đều là do tâm ý
con người tạo ra. Chúng là nhân tạo. Mỗi khi bạn có dịp đi ngang qua một đường
biên giới, bạn sẽ thấy con người đã bỏ ra biết bao nhiêu công sức để gây dựng
khái niệm này. Trên thế giới có biết bao nhiêu vấn đề - chánh trị, kinh tế -
phát xuất từ ý nghĩ “đây là quốc gia của tôi, quê hương của
tôi...” Nếu hiểu được rằng mọi khái niệm chỉ là kết quả của tư
tưởng, ta sẽ có khả năng tự do thoát khỏi mọi ràng buộc.
Lúc còn ở Ấn Độ, có một cô bạn Hy Lạp kể cho tôi nghe câu
chuyện thí dụ về khái niệm nơi chốn. Cô ta tả lại một biên giới giữa hai
quốc gia nằm trên một vùng sa mạc.
Giữa một vùng đất cát mênh mông, có một chiếc cầu sắt bắc ngang qua một lòng
sông cạn khô. Chiếc cầu sắt được sơn nửa xanh, nửa đỏ.
Lòng sông khô cằn là biên giới của hai nước. Chung quanh chẳng có gì ngoài cát nóng và một chiếc cầu sắt hai màu.
Chính giữa cầu có một cái cổng bằng sắt, được khóa từ hai bên. Khi có
người nào muốn đi từ một “quốc
gia” này sang phía bên kia, người gác bên
đây sẽ gọi người gác bên kia, cả hai đi đến cánh cổng và mở khóa cùng một lúc.
Thế là ta đi ngang qua biên giới, sang một quốc gia khác.
Khái niệm về thời gian cũng đã in rất sâu vào tâm khảm ta,
những ý niệm về quá khứ, tương lai.
Cái mà chúng ta gọi là thời gian, thật sự là gì?
Trong giờ phút hiện tại ta có một vài tư tưởng như là kỷ niệm, hồi tưởng.
Chúng ta góp những tư tưởng này lại thành một nhóm và gọi chúng là
quá khứ, và cho rằng chúng đã xảy ra ở một thời điểm xa xôi nào đó,
không có thật trong hiện tại.
Cũng vậy, ta chìm đắm trong những dự định, mơ mộng và dán cho
chúng nhãn hiệu thuộc về
tương lai, có nghĩa là chúng chỉ có trong một thực tại chưa xảy ra.
Ít khi ta hiểu được rằng, thật ra quá khứ và tương lai chỉ là những gì đang xảy ra trong
hiện tại. Tất cả những kinh nghiệm đó chỉ
là một sự thật của hiện tại.
Quá khứ và tương lai là hai khái niệm mà chúng ta đặt ra với
một mục đích. Nhưng nếu ta nhận khái niệm là một sự thật, quên rằng chúng chỉ là
sản phẩm của tư tưởng, ta sẽ khổ đau vì những sự lo lắng, hối tiếc về quá khứ và
những mong chờ, hy vọng về một thực tại chưa đến. Khi
nào ta có thể sống vững vàng trong giây phút bây giờ, hiểu rằng quá khứ và tương
lai chỉ là những tư tưởng trong hiện tại, ta sẽ có khả năng tháo gỡ được
sợi dây xích của khái niệm thời gian.
Một khái niệm quan trọng khác mà chúng ta thường dùng đến là khái niệm về giới
tính: nam nữ. Khi bạn nhắm mắt lại, chú ý đến hơi thở, cảm giác, âm thanh, tư
tưởng của mình - nam
hay nữ
nằm ở chỗ nào, nếu không phải chỉ là một khái niệm?
Khái niệm nam nữ sẽ không còn hiện
hữu khi tâm ta yên lặng. Những làn sóng tưởng tượng nổi lên từ nước, rồi
chúng tự phê bình lẫn nhau là cao, thấp, đẹp, xấu... Nói theo
lẽ tương đối thì cũng đúng một phần nào, nhưng chúng quên rằng mọi làn sóng đều
có chung một bản chất là nước biển. Cũng vậy, một khi ta bị
dính mắc vào một khái niệm về hình thể, tâm ta sẽ sinh khởi những sự so sánh,
phê phán, phân loại. Những phân biệt này sẽ làm cho sự chia cách giả
tưởng giữa ta và chung
quanh càng kiên cố thêm lên. Qua sự tu tập thiền quán ta sẽ dần dần từ bỏ những
ràng buộc của khái niệm và kinh nghiệm được những yếu tố căn bản thật sự tạo
thành con người.
Nhưng có lẽ khái niệm gây ảnh hưởng sâu đậm nhất, có khả năng xiềng xích ta
trong hang động, giữ ta lại trong vòng sinh tử luân hồi, là khái niệm về một cái ngã,
cái tôi. Ta luôn nghĩ rằng phải có một cái tôi nào đó đứng phía
sau mọi hành động, mọi ý nghĩ, đó là một cá nhân có thật, trường cửu, là bản thể
của con người chúng ta. Nhưng
cái ngã, cái tôi và những cái của tôi
thật ra chỉ là những khái niệm, chúng sinh khởi khi ta cố đi tìm một định nghĩa
cho sự liên hệ giữa thân
và tâm. Thuở ban đầu thì trong ta chưa có cái tôi, nhưng bởi vì chúng ta
bị dính mắc vào ý niệm này một cách quá sâu đậm, chúng ta bỏ hết công sức ra để
bảo vệ, phô trương và phục vụ cho cái tôi tưởng tượng này.
Thiền quán sẽ giúp ta thấy được
cái tôi chỉ là một khái niệm, nó không có một tự thể nào, chỉ là một
ý niệm được phóng đại lên trong giây phút hiện tại.
Đó là những khái niệm hằng trói buộc ta - khái niệm về nơi
chốn, thời gian, sở hữu, nam nữ và cái tôi. Bạn có thể
thấy sức mạnh của những khái niệm này. Cả cuộc đời của
ta bị chúng chi phối. Kalu Rinpoche, một vị thiền sư Tây Tạng nổi
tiếng có viết: “Bạn đang sống trong một thế giới của ảo
tưởng, với những hình dáng bên ngoài của sự vật. Nhưng có một thực tại, bạn
chính là thực tại đó. Hiểu được điều này, bạn sẽ thấy rằng bạn chẳng là gì cả. Và vì không là gì cả mà bạn là tất cả.
Chỉ có vậy thôi.”
Có bốn pháp quan trọng được gọi là bốn
thực tại tuyệt đối. Ta gọi như thế bởi vì chúng có thể kinh
nghiệm được chứ không phải chỉ là ý niệm. Bốn thực tại tuyệt đối này chứa đựng trọn vẹn mọi kinh nghiệm của
chúng ta.
1. Sắc:
Thực tại tuyệt đối đầu tiên là sắc, tức là tứ đại. Tứ đại là bốn yếu
tố căn bản cấu tạo nên mọi vật chất trong vũ trụ, bao gồm
đất, nước, gió và
lửa.
Trong thiền quán, ta sẽ kinh nghiệm được sự hiện diện của tứ đại
trong thân thể.
Yếu tố đất
là yếu tố thuộc về tính chất nới rộng. Ta kinh nghiệm được yếu tố này qua
tính chất cứng, mềm, nặng, nhẹ của sự vật. Khi ta cảm
thấy đau trong thân, điều đó thuộc về yếu tố đất.
Khi ta đi, chân chạm mặt đất, cảm giác đụng chạm, dính liền
cũng thuộc về yếu tố đất. Nói chung là mọi cảm giác cứng, mềm hay nới rộng.
Yếu tố lửa
là những tính chất nóng, lạnh. Đôi khi trong những lúc ngồi thiền, yếu tố lửa có thể trở nên thắng
thế, bạn sẽ cảm thấy như bị lửa đốt. Thật ra thì chẳng
có ai bị đốt cả, chỉ có yếu tố lửa đang phát lộ tánh tự nhiên của nó, tức cảm
giác nóng, lạnh.
Yếu tố gió
tức là sự chuyển động.
Trong lúc đi kinh hành, cái mà ta kinh nghiệm được chỉ là một
trò chơi của những yếu tố. Bàn chân và chân chỉ là một
ý niệm, một tên gọi mà chúng ta đặt cho nhận thức về một kinh nghiệm. Thật ra thì chẳng có bàn chân, thân hay là cái tôi, chỉ có kinh
nghiệm về những động tác và cảm giác đụng chạm mà thôi.
Yếu tố nước
tiêu biểu cho tính chất lưu loát và kết hợp. Yếu tố này
có công năng giữ cho sự vật được gắn bó với nhau. Cũng
như khi bạn cầm đến bột khô, chúng rời rạc, lả tả.
Nhưng khi bạn chế vào một chút nước, chúng sẽ lập tức dính lại với nhau.
Yếu tố nước rất quan trọng, bởi nó gắn bó tất cả những yếu tố vật chất khác lại
với nhau.
Cùng với tứ
đại, chúng ta có thêm bốn tính chất phụ thuộc nữa là
màu sắc, mùi,
vị và bổ dưỡng.
Cả thế giới vật chất chung
quanh ta có thể được kinh nghiệm qua những yếu tố vừa kể.
Chúng ta có thể nhận thức được chúng mà không cần dùng đến tư tưởng.
Sàn nhà không có thật. Sàn nhà chỉ là một ý niệm, một
tên gọi. Cái mà ta kinh nghiệm được là cảm giác cứng,
lạnh hoặc màu sắc khi ta nhìn đến nó. Mắt ta nhìn thấy
màu sắc. Mắt ta không nhìn thấy một tên gọi.
Khi chúng ta bước ra ngoài sân, đa số thấy cây cỏ, nhưng đó chỉ là một
ý niệm về những đối tượng mà ta nhìn thấy. Cái mà ta
thật sự thấy là hình dáng và màu sắc. Rồi tâm ta dán cho nó một nhãn hiệu là cây cỏ. Thân
cũng chỉ là một ý niệm. Khi ta ngồi thiền,
thân
biến mất. Lúc ấy ta chỉ kinh nghiệm những cảm giác
nóng,
lạnh, đau nhức... những hoạt động của
các yếu tố biến chuyển không ngừng trong sự vô thường.
Sự tu tập thiền quán có khả năng giúp ta ý thức được sự vật
trên một bình diện kinh nghiệm trực tiếp chứ không bằng ý niệm qua tư tưởng.
Cho nên khi ta nhìn một vật gì, ta sẽ ý thức được màu sắc, hình dạng của chúng. Khi ta đụng chạm một vật gì, ta sẽ trực tiếp cảm giác về nó mà không
bị dính mắc vào ý niệm, hay là để những thành kiến của mình xen vào sự nhận xét.
Ý niệm lúc nào cũng được giữ nguyên mà thực tại thì luôn thay
đổi. Ý nghĩa của chữ
thân
thì bao giờ cũng vậy, nhưng chính thân ta thì mỗi phút một
đổi khác. Những khái niệm luôn cứng nhắc không thay
đổi.
Nhưng khi ta kinh nghiệm sự việc xảy ra chung quanh, ta sẽ nhận thấy được sự biến chuyển cùng tính
chất vô thưòng của mọi vật, sự sinh diệt của mọi cảm giác.
Kinh nghiệm được mọi sự trong chánh niệm sẽ làm lộ ra chân tướng vô thường của
chúng. Còn khi chúng ta còn mê mờ trong vòng ý niệm, ta sẽ bị dính mắc
trong ảo tưởng, cho rằng mọi vật là lâu bền, thường hằng.
Chính sự dính mắc này đang trói buộc ta trong vòng sinh tử
luân hồi.
Bước đầu của sự tu tập thiền quán, phát triển trí tuệ là kinh
nghiệm được hiện thực chứ không phải chỉ là bóng dáng của nó.
Được như vậy, tự thể của mọi vật sẽ tự nhiên hiện rõ ra trước mắt.
2. Tâm:
Thực tại tuyệt đối thứ hai là tâm. Tâm
là khả năng hiểu biết, ý thức về một đối tượng nào đó.
Có người cho rằng trong ta có một tâm thức duy nhất, hiện diện từ lúc sinh ra
cho đến khi chết. Tâm thức này được ví như là một quan sát viên, biết hết
mọi chuyện xảy ra trong cuộc đời chúng ta. Và rồi ý niệm này
dẫn tới kiến chấp về một cái ngã, cái tôi bất biến, thường
hằng trong mỗi người.
Đó cũng bởi vì tâm ta không tĩnh lặng đủ để quan sát tiến trình của sự hiểu
biết. Tâm thức sinh ra rồi diệt đi trong mỗi giây phút.
Không có một tâm thức duy nhất nào hiện diện từ đầu cho đến cuối, mỗi giây phút
đều có những tâm thức sinh ra rồi diệt đi.
Cái thức
dùng để nghe (nhĩ thức) khác với cái
thức
dùng để thấy (nhãn thức),
hay để ngửi (tỷ thức), hay để nếm (thiệt
thức), hay để suy nghĩ (ý thức). Mỗi giây phút đều có những tâm thức khác nhau thống trị.
Sau một thời gian tu tập, khi tâm ta tĩnh lặng, ta sẽ có thể kinh nghiệm được
tiến trình này của tâm. Dùng trí tuệ soi sáng dòng biến chuyển vô thường
của tâm thức, ta sẽ thấy được trong ta không có một cá nhân hay một quan sát
viên nào cả, chỉ là một diễn biến liên tục thay đổi trong từng giây phút.
Đến giai đoạn này, ta sẽ phá vỡ được ảo vọng về một
cái tôi thường hằng có thật.
3. Tâm sở:
Thực tại tuyệt đối thứ ba là tâm hành hay tâm sở. Tâm hành
là tính chất của tâm quyết định một phương thức để đối phó với các đối tượng.
Mỗi khi trong ta có một tâm thức nào khởi lên, là có nhiều tâm hành khác nhau
cùng sinh khởi theo trong lúc ấy, và chúng cũng diệt
theo khi tâm thức ấy chấm dứt. Tham, sân, si là ba tâm hành căn bản, là gốc rễ
những khổ đau của chúng ta. Mọi hành động xấu đều được xúi dục
bởi một trong ba tâm hành này. Lấy một thí dụ, tâm tham có đặc tính là bám víu vào đối tượng.
Khi tâm tham nổi lên trong ta,
nó có khả năng khiến cho ta muốn chiếm hữu, gom góp, bám víu, đeo đuổi vào bất
cứ chuyện gì ta đang làm. Đó chỉ là tính cách tự nhiên
của tâm tham.
Không có người tham, không có cái ngã, cái tôi nào đứng phía sau
đó cả, mà chỉ là kết quả của một
tâm hành
đang hoạt động.
Tâm sân
cũng là một tâm hành
có đặc tính tự nhiên là thù ghét, chối bỏ đối tượng.
Lòng ghen tức, bực mình, giận dữ, bất an, chối bỏ đều là những trạng thái của tâm sân. Lòng sân
cũng không phải thật là ta
hay của ta, nó
chỉ là một tâm hành
sinh ra rồi diệt đi.
Tâm si
là một tâm hành
có khả năng làm mờ mịt nhận thức, khiến ta không thể thấy rõ được đối tượng.
Ta không ý thức được những gì đang xảy ra trong giờ phút hiện tại.
Ngược lại ta cũng có ba tâm hành có khả năng đem
lại hạnh phúc là tâm xả, tâm từ và trí tuệ. Tâm xả có tính chất tự
nhiên là rộng lượng, không hối tiếc, không thu giữ. Tâm từ là lòng thương yêu,
thân thiện với người khác. Trí tuệ là tâm tỉnh thức có khả năng nhìn rõ mọi sự vật. Nó
được ví như một ngọn đèn sáng trong tâm. Khi bạn đi vào một căn phòng tối, bạn
không nhìn thấy được những vật chung
quanh, nên thường bị vấp ngã. Khi bật đèn lên, mọi vật sẽ trở nên sáng tỏ và
được phân biệt rõ ràng. Đấy là công năng soi sáng tâm của trí tuệ, để ta có thể
nhận diện rõ ràng cả nội dung lẫn tiến trình của thân và tâm.
Tất cả những tâm hành
vừa kể đều có chung
hai đặc tính là vô ngã
và vô thường.
Không có một cá nhân nào tham lam, không có một người nào sân hận, cũng không có
một ai là trí tuệ hay từ bi. Chỉ có một hiện tượng tâm thức sinh khởi, kéo
theo
nó một số tâm hành
và hoạt động theo công năng của nó. Như vậy thì ý niệm về một cái tôi phát xuất từ đâu?
Tại sao chúng ta lại bị chi phối bởi
cái tôi này nhiều đến thế?
Trong số những
tâm hành có một
tâm hành gọi là tà kiến. Công năng của
tà kiến là nhận những yếu tố thay đổi không ngừng của
thân
và tâm này là
mình. Bởi thế cho nên, khi có một tâm thức nào khởi lên và kéo
theo tâm hành tà kiến này, ý niệm về một
cái tôi sẽ phát sinh. Nhưng cũng giống như mọi tâm
hành khác, nó vô ngã và
vô thường, sinh khởi rồi diệt đi.
Một khi ta có chánh niệm trong giây phút hiện tại,
tà kiến sẽ không thể sinh khởi và ta có khả năng thoát ra khỏi sự
trói buộc của những khái niệm về
cái tôi và vật
của tôi. Mỗi giây phút chánh niệm là một
giây phút vô ngã
và chân thật.
Một câu hỏi thường được đặt ra trong những khóa tu là: “Như
vậy, ai là người đang giữ chánh niệm?”
Thật ra thì chánh niệm cũng là một tâm hành. Công năng của nó là nhận diện đối tượng và ý thức được giây phút
hiện tại.
Gurdjieff
gọi tính chất này là tự niệm.
Không có một cá nhân nào giữ chánh niệm hết, chỉ có sự hoạt động của một tâm
hành có công năng nhận diện đối tượng mà không dính mắc, ghét bỏ hay ưa thích.
Một khi chánh niệm
được phát triển, ta sẽ thấy rằng mọi hiện tượng đều chuyển tiếp và không có một
cái tôi
nào trong đó hết.
Sự hiện hữu của chúng ta giống như là một trò chơi ráp hình vĩ
đại, gồm những miếng hình nhỏ rời rạc mà ta phải sắp xếp lại cho thứ tự, thành
một tấm hình lớn có ý nghĩa. Những miếng hình nhỏ rời rạc ấy là
tứ đại,
tâm và tâm hành. Khi sắp
xếp những yếu tố ấy lại với nhau theo một thứ tự nào
đó, ta sẽ có được đàn ông,
đàn bà,
cây cối, nhà cửa... Nhưng đó chỉ là những tấm hình lớn làm thành bởi những miếng nhỏ
hơn, một khái niệm
mà thôi. Chính những nguyên tố căn bản của thân và tâm, những năng lượng đứng
phía sau biến đổi, chuyển hóa, mới chính là hiện thật kinh nghiệm của ta.
4. Niết-bàn:
Thực tại tuyệt đối thứ tư là Niết-bàn. Niết-bàn là kinh nghiệm của
một người đã hoàn toàn giải thoát khỏi mọi xiềng xích, bước ra khỏi hang tối và
sống tự tại dưới ánh mặt trời. Một người đã giải thoát ra khỏi
mọi sự trói buộc của thân và tâm.
Tất cả những thực tại tuyệt đối vừa kể đều có thể kinh nghiệm
được. Những văn tự mà ta dùng để diễn tả chúng chỉ là ngón tay dùng để chỉ mặt trăng. Kinh nghiệm của thiền quán sẽ giúp ta kinh nghiệm được những hiện
thực này, điều ấy hoàn toàn thoát ra ngoài văn tự.
Chúng ta ai cũng đang ở trên một tiến trình phá tung những xiềng xích, kìm giữ ta trong một hang tối si mê.
Trong sự tu tập sẽ có những lúc bạn cảm thấy hình như không có
một việc gì xảy ra hết, có chăng chỉ là những đau đớn, khó chịu, bực dọc và nghi
ngờ. Nhưng thật ra mỗi giây phút chánh niệm, mỗi giây phút tỉnh thức của
bạn đang làm yếu đi sợi dây xích trói buộc. Chúng ta đang dần dần tích tụ
một năng lực tỉnh thức, đến khi chánh niệm và định lực phát triển, tâm ta sẽ trở
nên vô cùng vững mạnh và sáng suốt. Chỉ cần kiên nhẫn, thật kiên nhẫn, rồi chúng
ta sẽ kinh nghiệm được thế nào là tiến trình của thân tâm, kinh nghiệm thoát ra
ngoài mọi khái niệm, không còn bị vướng mắc vào một
cái tôi
nào hết, bước ra khỏi hang tối, tự tại dưới ánh mặt trời của tự do và an lạc.
Hỏi: Xin cho biết ta đã đi từ
thực tại tuyệt đối đến sự suy nghĩ bằng những khái niệm qua cách nào?
Làm sao mà ta lại có thể đi xa một sự thực giản dị như vậy?
Đáp: Bạn đừng nghĩ sự việc xảy ra giản dị như là chúng ta đã rơi từ một trạng
thái sáng suốt vào một trạng thái mê mờ. Không phải như vậy. Tâm tham đắm và si mê là hai nguyên nhân
chính giữ chúng ta trong vòng sinh tử từ vô thủy đến giờ, chúng là động lực kéo
ta xoay vòng theo bánh xe luân hồi. Tìm hiểu lý do
không ích lợi gì cho bản thân ta cả. Chúng ta phải chấp nhận
rằng, hiện trạng bây giờ của mình mới chính là vấn đề quan trọng trước mắt cần
phải được giải quyết. Có một con đường để giải thoát là diệt các tâm
tham,
sân và si. Con đường ấy là con
đường chánh niệm, tỉnh thức, biết chú ý đến mọi việc đang xảy ra trên một bình
diện kinh nghiệm thuần túy.
Hỏi: Làm sao ta có thể sống
trong cuộc đời mà không cần đến khái niệm được?
Đáp: Xin bạn đừng hiểu lầm điều này. Chúng ta phải dùng đến
khái niệm, nhưng điều tôi muốn nói là một khi ta kinh nghiệm điều gì vượt ra
ngoài khái niệm của mình, ta thường không thể chấp nhận được.
Chúng ta phải biết sử dụng những tiến trình trong tâm thức của mình để đối phó
với thế giới bên ngoài, với cuộc đời mình sao cho hữu hiệu.
Chân lý hay sự thật có hai bình diện. Một là sự thật quy ước, có nghĩa
là những sự thật được diễn tả bằng khái niệm như là nam nữ, thời gian, không gian, ta và người khác...
Bình diện thứ hai là sự thật tuyệt đối
bao gồm bốn thực tại mà ta đã nói đến ở trên. Chúng ta
dùng khái niệm, nhưng đừng nô lệ chúng. Chúng ta phải
nhớ rằng chúng chỉ là những sự thật quy ước, và đứng sau chúng mới thật là chân
lý. Ở Bồ-đề Đạo Tràng,
nơi chúng tôi tu học có một con voi. Những khi chúng tôi đi
xuống chợ, chúng tôi thường gặp con voi này thong thả đi ngược về phía mình.
Chúng tôi thiền hành trong chánh niệm, chậm chạp, chú ý đến từng bước chân.
Khi thấy con voi đi ngược lại, chúng tôi không thể chỉ đứng im đấy mà niệm “thấy, thấy”, chúng tôi phải tránh sang chỗ
khác. Sử dụng tiến trình tư tưởng của mình phải đúng chỗ.
Hỏi: Cảm xúc là gì?
Đáp: Cảm xúc là những tâm
hành khác nhau.
Ghen, giận, thương yêu, vui, buồn... đều là những
tâm hành.
Tất cả mọi cảm xúc đều có tính cách
vô ngã.
Không có ai đứng sau chúng cả. Không có người nào giận,
không có ai đang thương yêu... chỉ là sự chuyển vận của những tâm hành, theo những cách khác nhau.
Hỏi: Những điều kiện nào làm
phát sinh chánh niệm?
Đáp: Trí tuệ, hay là nhận thức được sự thật về hiện trạng của mình và thấy được
con đường giải thoát. Sự tinh tấn, cố gắng là điều kiện phát sinh chánh niệm.
Niềm tin và sự tự tin cũng là điều kiện phát sinh ra sự cố gắng, tinh tấn tu tập
chánh niệm.
Hỏi: Xin nói thêm về tình
thương yêu?
Đáp: Cái “không”
diễn tả được tình yêu, bởi vì trống không có nghĩa là
vô ngã. Khi không có cái tôi thì sẽ không có sự phân biệt
người khác. Sự phân biệt nhị nguyên này
được tạo nên bởi ý niệm về cái tôi. Khi không còn cái
tôi thì tất cả trở thành một, đồng nhất. Và khi ta không còn
nghĩ rằng: “Tôi đang thương yêu một người khác”,
tình thương sẽ trở thành một diễn tả tự nhiên cho sự đồng nhất đó.
Hỏi: Khi tôi có chánh niệm về
chính tâm thức của mình, cái gì có chánh niệm?
Đáp: Chánh niệm là một tâm
hành có công năng ghi nhớ đối tượng, không để cho tâm rơi vào sự
quên lãng. Chánh niệm có thể được dùng để nhận diện một đối tượng hay là quay
lại nhận diện chính nó, chủ thể của đối tượng, hay nói cách khác chính sự nhận
biết đó. Nói chung thì quan sát một đối tượng vẫn dễ
dàng cho ta hơn, bởi vì ít nhất ta còn có thể đụng chạm nó được. Đến khi tâm ta
thật tĩnh lặng, ta sẽ có khả năng quan sát được chính sự sinh diệt của tâm thức
mình. Lúc này, mọi kinh nghiệm sẽ trở nên rất là ngộ nghĩnh, bởi vì ta đã
phá vỡ được sự đồng hóa mình với nhận thức, với sự hiểu biết, với cái tôi, một cái ngã chấp rất là sâu kín.
Nếu chúng ta ngồi lại quan sát tiến trình của một hiện tượng, nhưng vẫn nghĩ
rằng trong ta có một chủ thể quan sát đang làm chuyện đó, thì điều ấy không khó
khăn gì. Nhưng thật ra không có ai làm việc quan sát cả. Chỉ
có nhận thức phát sinh lên, rồi diệt đi trong mỗi giây phút. Sự nhận thức
hay tâm thức ấy cũng chỉ là một tiến trình. Nó vô thường, vô ngã, không có cái tôi nào hết.
Hỏi: Trí nhớ là gì?
Nó hoạt động ra sao?
Đáp: Trí nhớ là một hoạt động rất phức tạp của một số tâm hành, trong đó chủ yếu
là sự nhận thức. Nhận thức là một tâm hành có công năng nhận
biết, phân biệt được những đặc tính riêng biệt của đối tượng.
Nhờ nhận thức mà ta có khả năng nhận biết được một đối tượng bằng những kinh
nghiệm trong quá khứ. Trí nhớ là một nhóm tư tưởng nhận
thức về đối tượng đã xảy ra trong quá khứ.
Hỏi: Vì đâu mà mỗi người có
một khuynh hướng hành động khác nhau?
Đáp: Nếu ta tiếp tục hành động theo một ý chí nào đó, sau thời gian dài điều này sẽ tạo nên
một khuynh hướng. Ngay bây giờ chúng ta đang củng cố chánh niệm, định lực và trí tuệ,
tức là chúng ta đang tạo một khuynh hướng tiến về sự hiểu biết và trí tuệ.
Cũng vậy, trong quá khứ ta đã lặp đi lặp lại một số hành động, ý muốn nào đó,
chúng dần dần tạo nên những tánh tình khác nhau trong mỗi chúng ta.
Từ đó, chúng ta mỗi người có một khuynh hướng làm một số việc khác nhau.
Tánh tình của ta là di sản của những khuynh hướng này. Nhưng tánh tình không phải là một khuynh hướng duy nhất, mặc dù có
thể là một tâm hành nào đó đang chi
phối mạnh hơn trong lúc ấy. Một người nào tham muốn, có nghĩa là tiếp tục đeo đuổi, bám víu,
dính mắc vào đối tượng trong thất niệm, sẽ bị tâm hành tham lam chi phối.
Rồi dần dần sự tham lam ấy sẽ hiển lộ ra trong hành động của anh ta.
Ngược lại, khi ta thực tập xả bỏ và từ bi, dần dần những tâm hành này sẽ trở nên
vững mạnh và chúng sẽ biểu lộ ra trong tánh tình của ta.
Hỏi: Còn ý chí thì ở đâu?
Đáp: Sự chọn lựa là một tâm hành khác nữa. Những tâm hành đều có liên hệ với nhau một cách vô cừng phức tạp.
Trong đó có sự lựa chọn, tiến trình quyết định, sự cố gắng.
Mỗi tâm hành đều có một công năng và tính chất đặc biệt.
Một trong những nguyên nhân gần nhất cho việc thiết lập chánh niệm là được nghe
giáo pháp của đức Phật. Nó trở thành một nguyên nhân khơi dậy tâm hành tinh tấn.
Đức Phật thường nhắc nhở về những lợi ích lớn lao cho những ai được nghe giáo pháp của ngài.
Chúng sẽ khơi dậy trong ta sự cố gắng tu tập, phát triển chánh niệm.
Mọi tâm hành, kể cả “ý chí”, đều có sẵn tiềm ẩn
trong tâm chúng ta. Chúng ta không cần phải làm gì để
tạo ra chúng. Vấn đề là ta muốn trau dồi, đào luyện tâm hành nào.
Những quyết định chánh đáng có được là nhờ học hỏi nơi giáo lý, hiểu được sự
thật. Điều này là động lực thúc đẩy ta tu tập theo
con đường chánh niệm và tỉnh thức, phát triển trí tuệ và hiểu biết. Trong kinh
có nói rằng: “Có hành động
nhưng không có người hành động, có việc làm nhưng không có người thực hiện, có
khổ đau nhưng không có người chịu khổ, có giải thoát nhưng không có người giác
ngộ.”
Hỏi: Trí thông minh là gì?
Đáp: Thông
minh là một khái niệm về tư tưởng trên bình diện tâm thức. Ta có thể đào luyện,
phát triển và sử dụng nó. Nhưng nó cũng có thể là một trở
ngại. Tất cả đều tùy theo ta có khả năng hiểu
được tiến trình của tư tưởng đến mức nào. Nếu chúng ta hiểu
được đặc tính của nó, nó sẽ không là một chướng ngại. Nhưng nếu chúng ta nhận lầm ý nghĩ về sự vật với chính sự vật, nó sẽ
trở thành một chướng ngại, bởi vì ta đã lầm lẫn giữa
khái niệm và thực
tại. Nhưng sự thông minh tự nó cũng chỉ là
một phần nhỏ của tiến trình tâm, thân. Tam tổ Tăng Xán của Thiền Trung
Hoa có viết: “Đạo giác ngộ
không phải khó đạt, chỉ do nơi sự phân biệt chọn lựa. Chỉ cần dẹp bỏ hết lòng
thương ghét thì tự nhiên được sáng suốt thấu đáo.
Nguyễn Duy Nhiên biên dịch
(xem tiếp phần 3)