Buổi tối thứ nhất
Lời dạy mở đầu
Mở đầu cho mỗi kỳ tu học là truyền thống quy y Tam bảo cho mỗi thiền sinh. Quy y có nghĩa là trở
về nương tựa. Tam bảo là Phật, Pháp
và Tăng.
Quy y Phật là nhìn nhận rằng trong mỗi chúng ta ai cũng
có hạt giống giải thoát, tỉnh thức. Nó cũng có nghĩa là
trở về nương tựa nơi những đức tính cao thượng của đức Phật như vô úy,
trí tuệ, từ bi.
Quy y Pháp là trở về nương tựa Pháp, có nghĩa là sống trong giáo
pháp của đức Phật, chân lý của mọi sự vật; tức là nhìn nhận sự trở về với sự
thật, để giáo pháp của đức Phật được biểu hiện nơi tâm mình.
Quy y Tăng là trở về nương tựa Tăng, có nghĩa là dựa vào sự nuôi
dưỡng về tinh thần lẫn vật chất của những người có cùng một chí hướng, cùng giúp
đỡ, hướng dẫn nhau trên con đường tỉnh thức và giải thoát.
Nền tảng tối cần thiết cho việc tu tập thiền quán là giữ theo
giới luật. Giới luật là phương thức để duy trì sự trong sạch căn bản
cho thân thể, lời nói và ý nghĩ. Năm giới mà hành giả phải cố gắng giữ
theo là: không sát hại, có nghĩa là không được giết hại bất cứ một sinh
mạng nào, ngay cả con muỗi hay con kiến; không trộm cắp, có nghĩa là
không được lấy những gì không phải là của mình; không tà dâm, trong khóa
tu này thì nó có nghĩa là giữ cho mình được trong sạch; không nói dối,
cũng không nói những lời mà mình không biết chắc, không nói những lời ác độc,
gây chia rẽ; không uống rượu, cũng không sử dụng các chất ma túy.
Năm giới này giúp ta có được một nền móng vững chắc để phát triển định
lực, và từ đó sẽ phát sinh trí tuệ.
Chúng ta có cơ hội ngồi chung với nhau hôm nay để quán chiếu
chính mình trong khung cảnh yên lặng và tĩnh mịch này là một điều vô cùng quý
báu. Thật hiếm có dịp để ta dành trọn một tháng cho việc thực hành thiền,
để ta tìm lại con người của mình, tìm hiểu xem mình là ai.
Để giúp cho sự tu tập được quân bình và nghiêm trang, hành giả
nên rèn luyện một số những đức tính sau đây.
Trước hết là đức kiên nhẫn. Đôi khi ta
cảm thấy ngày tháng dường như dài bất tận, và hành giả sẽ tự hỏi mình, nhất là
vào những lúc bốn giờ rưỡi sáng trong ngày trời lạnh: “Ta làm gì ở đây?”
Trên con đường tu tập thiền quán có rất nhiều thăng trầm. Có những khi hành giả
cảm thấy nhẹ nhàng, an lạc, tươi mát và sáng suốt. Nhưng cũng có những lúc hành
giả chỉ cảm thấy sự nhàm chán, đau đớn, bất an và nghi ngờ. Đức kiên nhẫn sẽ giúp hành
giả giữ cho tâm mình được quân bình khi trải qua những tâm trạng tiêu cực này.
Có người hỏi Hòa thượng Trungpa
rằng: “Trong đạo Phật, ân
sủng nằm ở đâu?” Hòa thượng trả lời: “Ân
sủng chính là đức kiên nhẫn.” Nếu chúng ta có một tâm kiên
nhẫn, chân như của mọi vật sẽ tuần tự phơi bày trong ta một cách tự nhiên và có
tầng lớp. Kiên nhẫn có nghĩa là giữ cho tâm quân bình
dù có bất cứ chuyện gì xảy ra, giữ cho tâm luôn thoải mái, nhẹ nhàng và có ý
thức.
Một vị thầy Du-già Tây Tạng nổi tiếng là Milarepa
khuyên các đệ tử của ngài phải “vội vã một cách chậm chạp”.
Vội vã ở đây có nghĩa là cố gắng một cách liên tục,
không suy chuyển.
Nhưng phải biết cố gắng với một tâm thức trầm tĩnh và cân bằng.
Hãy kiên trì và cố gắng, nhưng bao giờ cũng phải giữ cho mình được thoải mái và
thăng bằng.
Một yếu tố khác có thể giúp cho sự thiền quán của hành giả
được thâm sâu là giữ yên lặng. Chúng ta thường mất đi khả
năng quán sát những gì đang xảy ra trong tâm mình chỉ vì hay nói chuyện. Nói chuyện làm xao lãng sự chú ý và tiêu hao năng lực.
Những năng lực mà ta bảo tồn được bằng cách giữ im lặng, có thể được dùng để
khai triển sự tỉnh thức và chánh niệm của mình.
Cũng giống như phương pháp hành thiền, sự yên lặng phải
được thực hành một cách tự nhiên và thoải mái. Nhưng đó không có nghĩa là ta muốn nói chuyện lúc nào cũng được, mà
là phải biết sống một ngày ý thức trong yên lặng. Nếu ta giữ được sự yên lặng, mọi hoạt động, thay đổi về tâm lý, vật
lý trong ta sẽ trở nên vô cùng rõ rệt.
Sự yên lặng trong ngôn ngữ sẽ dẫn đến sự tĩnh lặng trong tâm
hồn.
Mọi sự giao thiệp, đụng chạm giữa bạn bè hay vợ chồng đều nên giới hạn. Ta hãy
tạo cho mình một ý niệm cô độc. Muốn được như thế, ta hãy tạm bỏ qua một bên
những dự tưởng về chính mình, về sự liên hệ với chung
quanh, về những người khác. Ta hãy dùng thời gian này để kinh nghiệm chính mình
cho thật sâu sắc.
Mỗi người chúng ta, ai rồi cũng sẽ từ giã cuộc đời này một
mình. Cho nên ta hãy tập đối diện với sự cô đơn căn bản ấy ngay từ bây
giờ, hãy làm bạn với nó. Với sự hiểu biết ấy, tâm ta sẽ trở
nên vững chãi và an lạc. Khả năng này có thể giúp cho ta sống hòa đồng,
an vui với những người chung quanh ta. Một khi ta có thể tự hiểu
được mình, sự liên hệ với thế giới bên ngoài sẽ trở nên dễ dàng hơn và đầy ý
nghĩa.
Nhưng để cho khóa thiền này được lợi ích, bạn không nên pha
trộn nhiều phương pháp thiền khác vào đây. Trong các bạn chắc hẳn có nhiều người đã thực hành phương pháp của
các trường phái khác nhau, nhưng trong khóa thiền này tôi xin bạn hãy tập trung
tâm ý vào sự tu tập Vipassana, hay thiền Minh sát tuệ.
Chính nhờ sự luyện tập chánh niệm mà trí tuệ phát sinh.
Trong vòng một tháng này, bạn hãy tập trung mọi cố gắng vào việc thực tập chánh
niệm trong mỗi giây phút. Được như vậy thì sự tu tập
của bạn mới không trở thành nông cạn. Nếu mọi cố gắng
của bạn đều nhằm về một hướng, tâm của bạn sẽ trở nên vô cùng mãnh liệt và thẩm
thấu.
Hãy từ tốn và chậm chạp.
Điều này có một giá trị rất lớn lao. Không có gì đáng để vội vã cả, không
có một nơi nào để đến, cũng chẳng có một việc gì khác để làm, chỉ cần thong thả
sống trong giờ phút hiện tại. Trong phạm vi
hoạt động hằng ngày, ta hãy giữ cho mình có một tâm ý thật tỉnh thức, cẩn thận
chú ý đến mọi cử động của mình. Duy trì tâm ý tỉnh thức liên tục trong một thời gian sẽ giúp cho
công phu thiền quán của ta ngày càng thâm sâu hơn.
Chúng ta sẽ bắt đầu phương pháp ngồi thiền bằng cách đặt sự chú ý vào một đối
tượng thiền quán giản dị: hơi thở. Hãy chọn một thế
ngồi thật thoải mái, dễ chịu, giữ thẳng lưng, nhưng không nên cố gắng quá.
Nếu tư thế ngồi gò bó hay không ngay thẳng, ta sẽ dễ dàng trở nên khó chịu.
Nếu muốn, bạn cũng có thể ngồi trên một chiếc ghế. Điều
quan trọng là đừng cử động nhiều quá.
Mắt nên nhắm, trừ khi bạn đã tập ngồi thiền với mắt hơi mở và
bạn muốn chọn cách ấy. Nhưng khi mở mắt thì phải biết
đặt ánh mắt vào một điểm cố định rồi quên nó đi. Theo
tôi thì nhắm mắt lại một cách thoải mái là dễ hơn.
Nhưng điều đó có thể tùy ý bạn.
Quán niệm hơi thở có thể được thực hành bằng hai phương pháp.
Khi ta thở vào, bụng sẽ phồng lên.
Khi thở ra, bụng xẹp xuống. Cách thứ nhất là
hướng sự chú ý vào chuyển động lên xuống này. Không tưởng tượng, hình
dung ra một cái gì hết, chỉ nhận biết thật rõ ràng cảm giác về sự chuyển động
lên xuống. Đừng cố gắng kiểm soát hơi thở bằng bất cứ cách nào, chỉ đơn giản
chú ý vào sự lên xuống của bụng.
Cách thứ hai là chú ý đến hơi thở ra vào nơi mũi, hướng sự chú
ý vào nơi đầu mũi hay môi trên. Phải tập trung chú ý
vào hơi thở như một người gác cổng, luôn biết đến sự ra vào của mọi người.
Đừng theo
dõi hay cố dẫn hơi thở đi vào, đi ra, cũng đừng kiểm soát hay ép buộc hơi thở.
Chỉ đơn giản chú ý đến sự ra vào của hơi thở khi nó đi ngang qua mũi. Trong giai đoạn đầu bạn nên niệm thầm trong tâm những từ “phồng,
xẹp” hay “ra, vào”.
Bằng cách này, tâm ý của bạn sẽ được gắn với đối tượng thiền
quán.
Trong vài phút thực tập đầu tiên, bạn hãy thử coi đối tượng nào rõ ràng nhất đối
với bạn: sự lên xuống của bụng hay sự ra vào của hơi thở. Rồi bạn hãy chọn lấy một đối tượng và quyết định duy trì nó mãi,
đừng thay đổi. Có những lúc đối tượng của bạn sẽ trở nên mơ hồ khó phân
biệt, bạn cũng đừng thay đổi vì hy vọng rằng đối tượng kia
sẽ dễ dàng hơn. Một khi đã quyết định chọn đối tượng để thực
hành thiền quán rồi, bạn hãy duy trì đến cùng. Có những lúc nó sẽ rõ
ràng, có những lúc mơ hồ, có những lúc sâu sắc, có những lúc nông cạn, có những
lúc dài, có những lúc ngắn... Nhưng bạn nên nhớ, đây không
phải là một phương pháp tập thở mà là bài thực tập chánh niệm đầu tiên.
Phương pháp thiền hành, hay kinh hành, được thực hiện bằng cách
chú ý đến các động tác của bàn chân trong mỗi bước đi: dở lên, bước tới và đặt
xuống. Bạn nên hoàn tất việc theo dõi mỗi một bước chân
trước khi bắt đầu bước tiếp theo. Dở lên, bước tới, đặt xuống, dở lên, bước
tới, đặt xuống... Thật giản dị! Nhưng đây cũng không phải
là một bài tập thể dục mà là một bài thực tập chánh niệm.
Hãy sử dụng những động tác để phát triển một tâm ý tỉnh thức.
Trong một ngày, bạn nên nhớ rằng sẽ có những thay đổi.
Đôi khi bạn cảm thấy muốn bước nhanh hơn, lại có lúc bạn thích đi thật chậm.
Bạn có thể niệm mỗi bước chân theo
từng đơn vị một như “bước, bước...” Bạn cũng có thể bắt đầu đi thiền hành
hơi nhanh, nhưng dần dần chậm lại, cho đến khi bạn có thể chia từng bước chân ra
thành ba động tác: dở lên, bước tới, đặt xuống. Hãy trải nghiệm thực tế.
Điều quan trọng nhất là có chánh niệm: ý thức rõ ràng những gì đang xảy ra.
Khi đi kinh hành, hai tay nên giữ yên ở phía
trước, sau lưng hoặc hai bên thân mình. Mắt nhìn về phía trước một chút, không nên nhìn xuống dưới chân,
điều này tránh cho bạn khỏi bị lôi cuốn vào ý niệm “bước chân” khi đi.
Phải tập trung chú ý vào sự cảm nhận kinh nghiệm của từng cử động, nhận thức
được cảm giác trong mỗi động tác dở lên, bước tới, đặt xuống...
Dưới đây là chương trình thực hành cụ thể trong mỗi ngày:
04:30 - 05:00 – thức dậy
05:00 - 06:30 – kinh hành, ngồi thiền
06:30 - 07:30 – ăn sáng
07:30 - 08:00 – kinh hành
08:00 - 09:00 – ngồi thiền chung
09:00 - 09:45 – kinh hành
09:45 - 10:45 – ngồi thiền chung
10:45 - 11:30 – kinh hành
11:30 - 01:15 – ăn trưa và nghỉ ngơi
01:15 - 02:00 – ngồi thiền chung
02:00 - 02:45 – kinh hành
02:45 - 03:45 – ngồi thiền chung
03:45 - 05:00 – kinh hành, ngồi thiền
05:00 - 05:30 – uống trà
05:30 - 06:00 – kinh hành
06:00 - 07:00 – ngồi thiền chung
07:00 - 08:00 – pháp thoại
08:00 - 08:45 – kinh hành
08:45 - 09:45 – ngồi thiền chung
09:45 - 10:00 – uống trà
10:00 - 04:30 – ngủ
Trong tuần đầu tiên, tốt nhất là bạn hãy cố gắng theo
sát chương trình này. Dần dần, khi bạn đã quen với công phu tu
tập liên tục, bạn sẽ khám phá ra một nhịp độ thích hợp với mình. Hãy duy trì những thời gian kinh hành và ngồi thiền cho liên tục.
Ăn
trưa, uống trà và mọi công việc khác đều phải được làm trong chánh niệm, trong
sự tỉnh thức. Sau một thời gian bạn có thể thích đi kinh hành
lâu hơn, một tiếng hay một tiếng rưỡi, rồi mới bắt đầu ngồi.
Có người lại thích ngồi lâu hơn, có khi hai, ba tiếng; lại có người thích công
phu vào những giờ khuya. Trong thời gian tu tập ở Ấn Độ, tôi thường công
phu vào những giờ thật khuya khoắt: từ nửa đêm cho đến ba giờ sáng.
Tôi cảm thấy lúc ấy rất im lặng và thanh tịnh, thích hợp cho việc tu tập.
Khi sức thiền định mạnh ta sẽ thấy ít cần đến giấc ngủ.
Chỉ đi ngủ khi nào bạn cảm thấy mệt, chứ đừng vì thói quen đúng giờ.
Có thể đến một lúc, khi sức tu tập tiến triển đúng mức, bạn sẽ không còn cảm
thấy mệt mỏi và có khả năng công phu liên tục ngày đêm.
Hãy cảm nhận những gì phù hợp với khả năng bạn, cố gắng tu tập
nhưng đừng bao giờ gượng ép hay bó buộc quá.
Thánh Francis de Sales có viết: “Hãy kiên nhẫn với tất cả mọi người,
nhưng trước hết là với chính mình. Tôi muốn nói là bạn đừng
thối chí, nản lòng về sự bất toàn của mình. Lúc nào cũng phải đứng dậy
với lòng can đảm mới. Tôi rất mừng là bạn bắt đầu mỗi một ngày mới tinh.
Bởi vì không có phương cách nào giúp cho bạn đạt đạo tốt hơn là biết khởi sự lại
từ đầu, và không bao giờ tự cho rằng mình đã làm quá đủ.
Làm sao bạn có thể tha thứ lỗi của người láng giềng, nếu bạn không tha thứ lỗi
cho chính mình? Người nào cứ mãi bứt rứt về lỗi lầm của mình sẽ không bao giờ sửa
lỗi được. Tất cả những sự sửa sai có ích đều xuất phát
từ một tâm hồn bình thản, an lạc.”
Buổi tối thứ hai
Bát chánh đạo
Chúng ta vừa mới bước chân vào một cuộc hành trình: cuộc hành trình đi vào thế
giới của tâm ta, một cuộc hành trình với mục đích khám phá, tìm hiểu con người
thật của chính mình. Bao giờ cũng vậy: vạn sự khởi đầu nan. Những ngày tu tập đầu tiên sẽ đầy
dẫy những cảm giác bồn chồn, buồn ngủ, chán nản, lười biếng hay nghi ngờ, và đôi
khi còn hối hận đã lỡ dại tham dự khóa tu nữa.
Vào lúc sắp hoàn tất một tác phẩm triết học của mình, Baruch Spinoza có
viết: “Mọi công trình cao quí đều hiếm hoi và khó nhọc.” Con đường tìm
đạo mà chúng ta đang bước chân vào cũng rất hiếm hoi và không dễ vượt qua.
Bởi thế, chúng ta phải biết từ tốn.
Câu chuyện trong sách Mount Analogue là một tỷ dụ thật
đẹp cho cuộc hành trình chúng ta đang đi. Chuyện kể về
một nhóm người cùng nhau đi tìm một ngọn núi đặc biệt.
Chân núi nằm trên mặt đất, còn đỉnh núi tượng trưng cho mục tiêu giải thoát cuối
cùng. Lúc khởi đầu, những người thám hiểm phải đối phó với một chướng
ngại lớn lao: họ không thể nào nhìn thấy được chân núi
trong những điều kiện bình thường. Họ phải vất vả, khó nhọc
lắm mới có thể xác định phương hướng. Sau nhiều ngày
đêm khổ cực tìm kiếm, cuối cùng họ tìm đến được chân núi. Phần còn lại của quyển sách mô tả sự chuẩn bị và những khó khăn,
tranh đấu, hồi hộp trong suốt hành trình đi lên đỉnh núi.
Chúng ta cũng đang cùng chung một hành trình với họ: cố gắng
leo lên ngọn núi trí tuệ. Chúng ta đã biết được một bí mật về sự tàng ẩn
của nó: Giáo pháp, chân lý không thể tìm thấy ở bên ngoài. Nó
hiện hữu ngay trong ta, chúng ta cần bắt đầu ngay từ giờ phút này.
Con đường giải thoát đã được ghi lại bởi những người đi trước. Một phần ghi chép
rõ ràng nhất có thể tìm thấy trong kinh điển của đức Phật là Bát chánh đạo.
Bát chánh đạo có nghĩa là con đường với tám sự chân chánh dẫn đến giải
thoát. Đây là một bản đồ có thể hướng dẫn ta đến mục tiêu giác
ngộ.
Sự chân chánh thứ nhất là chánh kiến.
Chánh kiến có nghĩa là nhìn thấy, hiểu biết được chân tướng của sự vật, đúng
thật như chúng đang hiện hữu. Thật ra, tuy được đề cập
như điều kiện trước hết nhưng đây cũng là điều kiện phải duy trì đến cuối con
đường. Bởi vì ta phải có một sự hiểu biết tối thiểu nào
đó mới có thể bước chân vào hành trình này. Và sự hiểu biết ấy sẽ dần dần trở thành trí tuệ, có khả năng đi sâu
vào và nhận diện được chân tướng của tâm. Trong giai
đoạn đầu, chánh kiến có nghĩa là thấy được những quy luật tự nhiên đang chi phối
đời sống.
Một trong những quy luật quan trọng nhất là luật nhân quả (karma):
Mỗi hành động đều sẽ dẫn đến một kết quả. Không có bất cứ sự việc gì mà tự nhiên
hay vô tình xảy đến cho ta. Mỗi khi chúng ta hành động vì tham, sân, si, khổ đau
sẽ theo đến. Còn khi chúng ta hành động với lòng từ bi hay trí
tuệ, kết quả sẽ là hạnh phúc và an lạc. Nếu chúng ta khôn khéo
biết vận dụng luật nhân quảvào cuộc sống hàng ngày của mình, ta có thể
bắt đầu đào luyện một tâm ý hoàn toàn tỉnh thức.
Đức Phật thường nhắc nhở các đệ tử của ngài về đức tính rộng
lượng. Bố thí là hành động biểu lộ một tâm ý không tham lam. Cuộc hành trình của ta gồm có sự buông xả, không bám víu và không
quyến luyến ngay cả sự xả bỏ ấy.
Chánh kiếncũng còn là biết chấp nhận mối liên hệ của ta
với cha mẹ, một dạng nghiệp báo đặc biệt. Ta phải biết nhận lãnh trách
nhiệm cũng như bổn phận đối với song thân. Cha mẹ đã bỏ công khổ cực để nuôi
dưỡng ta từ khi chúng ta còn nhỏ bé. Nhờ ơn cha mẹ mà giờ này
ta có cơ hội để ngồi đây tu tập giáo lý của đức Phật. Đức Phật dạy rằng, không
có cách nào để ta có thể trả hết ơn này. Cho dù ta có cõng cha mẹ trên
hai vai trong suốt cuộc đời mình cũng vẫn chưa đủ! Chỉ có một cách để trả ơn cha
mẹ là giúp cho cha mẹ hiểu biết được giáo lý của đức Phật và sống theo chánh kiến. Nói chung,
khi chúng ta trải qua thời gian để khôn lớn và trưởng thành, trở nên độc lập với
cha mẹ về phương diện tinh thần, điều đó tất nhiên là cũng có ý nghĩa nhất định.
Nhưng trong khoảng không gian tự do đó, ta phải luôn hiểu được trách nhiệm của
mình đối với cha mẹ.
Chánh kiếncũng có nghĩa là thấy và hiểu được tánh chân
thật, cái chân như của mình. Khi sự tu tập thiền quán
tiến bộ, ta sẽ càng lúc càng nhận rõ được tính cách vô thường của mọi vật.
Mọi yếu tố của tâm và thân chỉ tồn tại trong chốc lát rồi tan biến, sinh ra rồi
diệt đi một cách liên tục.
Hơi thở vào rồi ra, tư tưởng đến rồi đi, cảm giác có rồi không...
Mọi hiện tượng đều luôn biến đổi, chuyển dịch. Trong
cuộc vô thường không có gì là vĩnh viễn cả.
Một khi ta thật sự hiểu được bản chất vô ngã của mọi vật, những quan niệm của ta
về sự sống và thế giới chung quanh sẽ thay đổi một cách không ngờ.
Tâm ta sẽ thôi nắm bắt và đeo đuổi, khi ta hiểu được mọi hiện tượng đều có tánh
cách nhất thời, chốc lát, thay đổi trong mỗi giây phút. Và nhất là khi ta có thể kinh nghiệm được những diễn biến của thân
và tâm khi chúng không còn bị chi phối bởi cái ngã. Với một sự tu tập thiền quán chuyên cần và sâu sắc, chánh kiến sẽ
khai mở và phát triển.
Sự chân chánh thứ hai trong Bát chánh đạo là Chánh
tư duy. Chánh tư duy có nghĩa là suy nghĩ
đúng với sự thật, có nghĩa là tư tưởng không bị chi phối bởi những tham muốn của
cảm giác, lòng xấu ác và tánh bất nhẫn. Khi tâm ta còn bị dính mắc vào
cảm giác, ta sẽ luôn đuổi theo những đối tượng bên ngoài, đi tìm một hạnh phúc phù du,
vì bản tính của mọi vật là vô thường, thay đổi. Những thú vui đều chỉ tạm bợ, nhưng lòng ham muốn thì cứ tăng
trưởng.
Cái vòng luẩn quẩn này của dục vọng khiến cho tâm ta lúc nào
cũng náo động và rối loạn. Nhưng giải thoát tâm ta khỏi những dục vọng
không có nghĩa là đàn áp hay chối bỏ chúng. Một khi ta đàn áp một sự ham muốn
nào, nó sẽ chỉ biến đổi thành một tâm tánh khác; nhưng nếu ta chấp nhận và tìm
cách thỏa mãn nó, thì kết quả cũng chẳng khá gì hơn. Chánh
tư duycó nghĩa là ý thức được những ham muốn của các giác quan và rồi buông
bỏ chúng. Buông bỏ được bao nhiêu, tâm chúng ta sẽ được
nhẹ nhàng bấy nhiêu. Dần dần tâm ta sẽ bớt đi những xáo
trộn, rối loạn, ta sẽ có khả năng giải thoát mình ra khỏi ngục tù của hoàn cảnh,
những trói buộc của dục vọng.
Tư tưởng không bị chi phối bởi những tâm xấu ác có nghĩa là ta không bị
cai
quản bởi sự giận dữ. Giận dữ là thứ lửa cháy trong tâm, có khả năng thiêu đốt ta
và những người chung quanh nếu ta không cẩn thận. Ta có
khả năng đối trị tâm nóng giận, nếu ta có thể ý thức được nó để rồi buông bỏ. Khi ấy tâm ta sẽ trở nên nhẹ nhàng và thoải mái, bản chất yêu thương
của tâm sẽ tự nhiên hiển lộ.
Tư tưởng không bị chi phối bởi tánh bất nhẫn có nghĩa là ta có
tâm từ, có lòng thương xót những ai đang bị đau khổ và muốn cứu giúp họ.
Trong sự tu tập thiền quán, ta nên có tâm từ đối với tất cả mọi sự sống
chung quanh.
Sự chân chánh tiếp theo trong Bát chánh đạo là
Chánh ngữ. Chánh ngữ dạy ta cách tiếp xúc, liên hệ
đến hoàn cảnh và những người quanh ta. Chánh ngữlà phương thức
giúp ta sống hòa hợp với thế giới chung quanh, thiết
lập mối liên hệ hòa ái giữa ta và người khác. Chánh ngữlà
không nói những gì sai với sự thật, không nói những lời gây chia rẽ và thù hận;
chỉ nói những lời chân thật và có giá trị xây dựng sự hiểu biết, hòa giải.
Sau khi đức Phật thành đạo và trở về gặp lại gia đình, nhiều người thân thuộc,
bạn bè cảm phục sự từ bi và tỉnh thức của đức Phật đã xin quy y theo ngài. Trong số đó có Rahula (La-hầu-la),
con trai của đức Phật. Lúc ấy Phật có thuyết giảng một bài pháp tên là: “Lời
khuyên cho Rahula”. Trong bài giảng này Phật dạy Rahula đừng vì bất
cứ lý do nào mà nói ra những lời không chân thật, cho dù điều đó có đem lợi ích
đến cho mình hay bất cứ ai khác. Sự trung thành với sự thật là
một điều tối quan trọng. Nó giữ cho những liên hệ của ta với thế giới
chung
quanh được dễ dàng và ít phức tạp hơn. Thành thật trong lời nói sẽ dẫn đến sự thành thật với chính mình.
Trong thân và tâm của ta, có biết bao nhiêu chuyện mà ta hằng trốn tránh: những
đau đớn, bực dọc mà ta không bao giờ muốn nhắc đến. Nhưng như
vậy là ta đã không thành thật với chính mình.
Chân thật trong lời nói là căn bản cho sự chân thật trong tâm tưởng.
Có thành thật với chính mình ta mới có thể cởi mở tâm mình ra.
Và nhờ đó ta mới có thể nhận diện và đối trị với mọi trạng
thái bệnh hoạn của tâm hồn.
Sự chân chánh thứ tư là Chánh nghiệp. Chánh
nghiệp có nghĩa là chọn một lối sống chân chánh: không sát sinh, không làm
cho người khác bị đau khổ; không trộm cắp, không lấy những gì không phải của
mình; không tà dâm, cũng có nghĩa là không vì những lòng ham muốn, tham dục thể
xác mà làm khổ người khác.
Thường chúng ta ít khi thấy được những hậu quả lâu dài gây ra
bởi hành động của mình. Trong sách Mount Analogue
có một câu chuyện nói về việc này.
Đối với những người leo
núi, có một luật mà ai cũng phải tuân theo là khi lên đến một độ cao nào đó, họ
không được phép giết hại bất cứ một sinh vật nào. Họ phải mang
theo
thực phẩm đầy đủ. Một hôm có một người leo lên quá độ
cao ước định đó, nhưng chẳng may anh ta bị kẹt trong một trận bão tuyết. Trong
ba ngày liên tiếp, anh sống trong một căn lều tạm bợ, không thực phẩm. Gió tuyết
lạnh làm đông cứng hết mọi vật chung quanh. Đến ngày
thứ ba cơn bão đi qua. Trong một hang nhỏ dưới lớp tuyết, anh thấy có một con
chuột già chui lên. Bụng đói vì ba ngày không ăn, anh nghĩ
không có hại gì khi giết con chuột già này để đỡ đói. Anh ta tìm một cục
đá và giết con chuột. Xong anh trở xuống núi, chẳng nghĩ gì đến con vật mình vừa
sát hại. Cho đến một hôm anh bị đem ra xử trước toà, bởi những người có phận sự
bảo trì ngọn núi và những con đường mòn chung quanh.
Anh bị xử về tội sát hại con chuột, mà đến giờ này anh đã quên bẵng. Dường như
hành động nhỏ nhặt của anh lúc đó giờ đã gây nên một tai
họa. Con chuột già yếu mà anh giết ngày đó, vì không đủ sức đuổi bắt những con
côn trùng khỏe mạnh, nên nó sống bằng cách tìm ăn
những côn trùng bệnh họan. Khi nó bị giết đi, số côn trùng
bệnh hoạn không còn được kiểm soát nữa. Bệnh hoạn lan tràn sang những côn trùng khỏe mạnh khác và dần dần cả
loài bị tiêu diệt. Những côn trùng này từ lâu có trách nhiệm trong việc bón phân và
truyền phấn hoa đến những nhụy cái cho các loài thực vật mọc trên sườn núi.
Khi loài côn trùng chết đi, những thực vật mất đi chất nuôi dưỡng và phương tiện
truyền chủng, nên chúng cũng tàn tạ theo.
Từ bấy lâu nay, những thực vật mọc ở hai bên sườn núi giúp giữ cho đất đá được
gắn kết với nhau. Giờ trơ trọi, sườn núi cũng bắt đầu bị thời tiết xói mòn.
Cuối cùng, một trận đất lở đã giết chết một số người leo
núi và ngăn trở con đường đi lên. Tất cả bắt đầu từ một hành động dường như nhỏ
nhặt là giết một con chuột già yếu.
Bởi vì chúng ta thường không có khả năng nhìn thấy những hậu
quả lâu dài của hành động mình, chúng ta hãy có ý thức trong từng việc làm, đừng
tiêu diệt sự sống trong thế giới chung quanh. Hãy gieo
những hạt giống của an lạc, từ bi và hạnh phúc.
Sự chân chánh kế tiếp trong Bát chánh đạo là Chánh
mạng. Chánh mạngcó nghĩa là chọn một phương
thức sinh sống không làm tổn hại đến người khác; những nghề nghiệp không liên
quan đến sự sát hại, trộm cắp hay lường gạt kẻ khác. Thông thường thì
những nghề như buôn bán hay chế tạo vũ khí, nấu rượu, săn bắn, đánh cá... đều
làm tổn thương đến những sinh vật khác.
Đạo pháp không phải là ngồi yên một chỗ.
Ngồi yên là một phương tiện hiệu quả để đạt đến trí tuệ, và sự hiểu biết đó phải
được thể hiện bằng hành động trong đời sống của chúng ta. Chánh mạng là một trong những sự thể hiện đó.
“Hãy bước đi thiêng liêng như những người da đỏ.
Hãy biến sự sống của mình thành một nghệ thuật.”
Hãy thực hiện mọi việc với một thái độ cẩn trọng, với một ý
niệm tỉnh thức.
Ba sự chân chánh kế tiếp có liên quan đến việc tu tập thiền
quán. Quan trọng nhất trong ba sự chân chánh này là Chánh tinh tấn.
Thiếu sự cố gắng ta sẽ chẳng làm được gì. Trong Vi diệu pháp (Abhidharma) có nói: “Tinh
tấn, cố gắng là gốc rễ của mọi thành công, là nền móng của sự thành đạo.”
Nếu chúng ta muốn lên đến đỉnh núi mà chỉ biết ngồi mơ tưởng thôi, thì dù qua
ngàn năm cũng chẳng có gì xảy ra. Bất cứ một hành trình nào cũng là một
tập hợp của những sự cố gắng, dụng công: nhờ bước từng bước nhỏ mà ta lên đến
đỉnh núi. Ramana Maharshi, một vị thánh của thời đại này ở Ấn Độ, viết: “Chưa
ai có thể thành công mà không phải cố gắng. Tâm an lạc không
phải là một tánh tự nhiên ta có khi mới sinh. Những ai
thành công đều nhờ ở đức tính nhẫn nại của mình.”
Nhưng tinh tấn, cố gắng phải trong một mức độ quân bình.
Bởi sự nóng nảy hay khẩn trương là những trở ngại lớn trên con đường tu tập. Năng lực phải được quân bình với sự tỉnh lặng.
Nó cũng giống như khi ta lên dây đàn. Dây đàn lên căng quá hay chùng qua
đều không thể phát ra đúng cao độ. Trong sự tu tập cũng thế,
chúng ta phải tinh tấn kiên trì nhưng với một tâm thoải mái và quân bình, cố
gắng nhưng không đàn áp. Trong ta có hàng ngàn hiện tượng đang chờ khám
phá, tâm ta có muôn từng muôn lớp để tìm hiểu... Với sự tinh tấn, con đường tu
tập của ta sẽ rộng mở. Không ai có thể cố gắng thay ta được. Không
ai có thể giác ngộ thay ta được. Sự giác ngộ của đức Phật đã giải quyết
vấn đề cho ngài, chứ không giải quyết vấn đề cho ta... Có chăng chỉ là chỉ ra
cho ta một lối thoát, nhưng mỗi người chúng ta phải tự thắp đuốc lên mà đi!
Chánh niệmlà sự chân chánh thứ bảy trên con đường Bát chánh.
Chánh niệmcó nghĩa là ý thức được những gì đang xảy ra trong giờ phút hiện
tại. Tôi muốn nói sự chú ý đến những sự thay đổi, biến chuyển của mọi
hiện tượng: khi đi, ý thức được những cử động của cơ thể; khi quán xét hơi thở,
ý thức được cảm giác ra vào hay lên xuống; ý thức được sự có mặt của từng tư
tưởng hay cảm giác. Như một thiền sư có nói: “Khi bạn đi, đi.
Khi bạn chạy, chạy. Điều trên hết là đừng có do dự.”
Bất cứ đối tượng là gì, bạn hãy ý thức nó, nhưng đừng cố nắm bắt vì đó là tâm
tham, đừng xua đuổi vì đó là tâm sân, và cũng đừng lãng quên vì đó là
tâm si. Hãy quan sát những biến chuyển cùng diễn tiến của đối tượng.
Một khi chánh niệm được phát triển đúng mức, tất cả sẽ trở nên nhịp nhàng
và mỗi ngày trở thành một điệu vũ. Chánh niệm
đem lại cho tâm ta một sự thăng bằng và an tĩnh. Nó có khả năng giữ cho tâm ta được sắc bén, để ta có
thể ngồi lại mà quan sát, theo dõi những hiện tượng xảy
ra chung quanh như một vở tuồng.
Sự chân chánh được kể ra cuối cùng là Chánh định.
Chánh địnhcó nghĩa là có khả năng tập trung tâm ý, giữ cho tâm mình gắn với
một đối tượng duy nhất. Những ngày đầu tu tập, bạn sẽ
cảm thấy khó khăn vì chưa có nhiều định lực. Khi leo núi, chúng ta phải có một sức khỏe cần thiết. Nếu không
đủ sức khỏe, lúc ban đầu ta sẽ dễ mệt và khó chịu. Nhưng dần dần khi cơ thể quen
đi, ta cảm thấy khỏe khoắn và việc leo
núi sẽ trở nên dễ dàng hơn. Sự tu tập thiền quán của ta cũng
thế. Khi định lực phát triển, ta sẽ có khả năng sống trong hiện tại dễ
dàng hơn. Những khó khăn ban đầu sẽ không còn là một trở ngại nữa.
Nếu bạn đặt một nồi nước lên bếp lò, rồi cứ vài phút lại mở
nắp ra, chờ cho nước sôi sẽ lâu lắm. Nhưng nếu bạn để
yên đừng mở nắp thì nước sẽ chóng sôi hơn.
Các khóa tu thiền là những cơ hội quý báu giúp cho ta phát
triển định lực và chánh niệm. Với sự tu
tập liên tục, mỗi giây phút được xây dựng bằng công phu của giây phút trước đó,
trong một thời gian ngắn tâm ta sẽ trở nên sắc bén và có khả năng soi thấu được
chân tướng của sự vật.
Hành trình của chúng ta bao gồm việc sống hòa hợp với thế giới
chung quanh và tìm hiểu chính mình. Trong Mount Analoguecó lời
khuyên sau đây cho những ai đang đi trên con đường tỉnh thức: “Hãy giữ ánh mắt
của mình trên con đường đi lên. Nhưng nhớ đừng quên nhìn những
gì ngay trước mặt. Bước cuối cùng phụ thuộc vào bước
đầu tiên. Đừng nghĩ rằng bạn đã đến nơi chỉ vì bạn đã
nhìn thấy đỉnh núi cao. Hãy cẩn thận nơi bạn sẽ đặt chân. Bước tới
cho vững vàng.
Nhưng đừng vì vậy mà xao lãng mục tiêu cuối cùng.
Bước đầu tiên phụ thuộc vào bước cuối cùng.”
Sống vững vàng trong hiện tại, phát triển chánh niệm trong từng giây phút và
vững tin nơi khả năng tự do của sự tỉnh thức.
Sau đây là một số thắc mắc nảy sinh trong quá trình tu tập:
Hỏi: Tôi có cảm giác rằng hơi thở vào lúc nào cũng mạnh hơn, điều này làm xáo
trộn sự tập trung của tôi. Tôi phải làm gì?
Đáp: Hơi thở là một đề mục rất hay và quan trọng trong thiền quán, vì hơi thở có
rất nhiều trạng thái và cường độ mạnh nhẹ khác nhau. Có khi nó
mạnh và nặng nề, có khi nó thoải mái và nhẹ nhàng. Hơi thở có thể thay đổi giữa khi ta thở vào và thở ra, hay là sau
một thời gian ngắn. Cũng có những lúc hơi thở nhẹ đến
nỗi ta không cảm thấy gì hết. Hơi thở là một đề mục vô giá trong thiền
quán: bởi vì một khi hơi thở trở nên nhẹ nhàng, ta có thể dùng nó để đem tâm
mình an tịnh xuống cùng một mức độ với hơi thở.
Khi bạn thấy hơi thở càng lúc càng trở nên thanh nhẹ, lắng tâm xuống thật yên để
có thể nhận diện được nó. Nó đòi hỏi một sự cố gắng -
để không làm gì hết, chỉ yên lặng.
Hỏi: Làm cách nào để biết một người đã giác ngộ?
Đáp: Một người giác ngộ hay tỉnh thức không để lại một dấu vết nào hết. Làm sao
ta có thể đo lường được một tâm tự tại bằng những giác quan giới hạn của mình?
Điều đó vượt ra ngoài sự suy luận. Cũng giống như ta đi
tìm một ánh lửa đã tắt. Bạn tìm kiếm ở đâu bây giờ? Bạn không thể nghĩ giác ngộ, tỉnh thức như là một cái gì có thể đụng
chạm hay sờ mó được. Người tỉnh thức không có một dấu
hiệu đặc biệt nào trên trán họ hết, nhưng bạn vẫn có thể cảm nhận được họ qua
những đức tính thương yêu, hiểu biết mà họ có.
Hỏi: Về sự liên hệ với cha mẹ và trách nhiệm hướng dẫn cha mẹ vào đạo pháp.
Cha mẹ tôi thắc mắc tại sao tôi lại đi dự nhiều khóa thiền như thế này, tôi cố
gắng giải thích nhưng hình như không có cách nào làm cho họ hiểu được!
Đáp: Có rất nhiều cách để người ta thông cảm nhau - mà thường thì lời nói lại là
một phương tiện kém hữu hiệu nhất. Nếu bạn sống với cha mẹ hay bất cứ ai mà giữ
được sự an lạc, tĩnh lặng, không phê phán, biết chấp nhận, thương yêu và tử tế,
tôi nghĩ bạn sẽ không cần phải nói một lời nào. Con người an lạc của bạn tự nó
có khả năng tạo nên một khoảng không gian tươi mát. Điều này
đòi hỏi thời gian tu tập. Người ta bao giờ cũng có
thành kiến với những gì không hợp với quan niệm của mình.
Khi nào bạn nói ra những điều có vẻ khác thường, mới lạ, họ sẽ trở nên bảo thủ.
Thế nên ta đừng bao giờ chấp vào hình thức quá. Hãy
sống tự nhiên, đạo pháp sẽ hiển bày.
Tâm tĩnh lặng sẽ ảnh hưởng đến thế giới chung quanh.
Điều đó đòi hỏi thời gian, sự kiên nhẫn và thật nhiều tình thương.
Hỏi: Trong khi ngồi thiền, tôi thường thấy mình hay tưởng tượng hơi thở là
một luồng nước, chảy tới lui trong một đường hầm. Những hình
ảnh như thế có hại cho chánh niệm không?
Đáp: Có. Cốt tủy của pháp tu thiền quán này là trực tiếp kinh
nghiệm chứ không phải tưởng tượng. Hình ảnh hóa hơi thở
của mình là tạo nên một khái niệm. Khái niệm không phải
là sự thật, nó chỉ là bóng dáng của sự thật.
Điều cần nhớ là kinh nghiệm những cảm giác của hơi thở, chứ
không phải tạo nên một ý niệm về hơi thở.
Hỏi: Việc tôn thờ Thượng đế áp dụng vào sự tu tập này bằng cách nào?
Đáp: Tùy theo định nghĩa của bạn về Thượng đế. Mỗi
người có một câu trả lời khác nhau. Ta có thể nói Thượng đế là chân lý
tối cao, là đạo pháp, chân như của vạn vật. Hiểu như vậy, thì
tôn thờ Thượng đế có nghĩa là sống trong chân lý, sống đúng với giáo pháp, để
cho giáo pháp tự nhiên phô bày.
Buổi sáng thứ ba
Bài thực tập: Cảm thọ
Cảm thọ là một đề mục vô cùng quan trọng trong thiền quán.
Trong mỗi giây phút, chúng ta luôn bị chi phối bởi một trong ba loại cảm thọ:
lạc thọ, tức là những cảm thọ êm ái, dễ chịu;
khổ thọ, tức những cảm thọ có tính cách đau đớn, khó chịu;
xả thọ, tức những cảm thọ không dễ chịu cũng không khó chịu. Chính
những tính chất êm ái và dễ chịu của
lạc thọ khiến ta bị lôi cuốn ham mê. Và ngược lại ta cũng xô đuổi và trốn tránh những
khổ thọ trong cuộc sống hằng ngày vì tính chất khó chịu, đau đớn của
chúng. Nhưng khi ta có chánh niệm
về cảm thọ của mình, ta sẽ có khả năng nhận diện mọi cảm thọ với một tâm bình
đẳng, không phân biệt.
Cảm thọ
chi phối mạnh mẽ nhất là những cảm giác của thân thể.
Chúng ta ai cũng có thể dễ dàng kinh nghiệm được những cảm giác dễ chịu hoặc đau
đớn đang có mặt trong tâm mình. Chú ý rõ ràng đến những cảm giác này là
một trong những phương pháp thiền quán về cảm thọ: kinh nghiệm những cảm giác dễ
chịu, nhẹ nhàng, êm dịu mà không bị lôi cuốn cũng như không xua đuổi, ghét bỏ
những cảm giác khó chịu, nặng nề hay đau đớn. Hãy thản nhiên quan sát mọi cảm
giác đang có mặt trong thân - nóng, lạnh, ngứa ngáy, êm dịu, nặng nề - đến rồi
đi mà không phê phán, thương ghét hay nhận nó là mình.
Khi bắt đầu ngồi thiền, bạn hãy khởi sự bằng cách chú ý đến
hơi thở, đến sự lên xuống của bụng.
Rồi khi có bất cứ một cảm giác nào khởi lên trong thân, hãy chú ý đến nó, ý thức hoàn toàn về sự có mặt của nó.
Điều quan trọng nhất là phải giữ một thái độ tự nhiên, thoải mái khi quan sát
những cảm giác, nhất là những cảm giác đau đớn, khó chịu. Thân và tâm ta lúc nào cũng có khuynh hướng căng thẳng, khẩn trương
khi đối diện với những khổ
thọ. Đó là kết quả của thái độ ghét bỏ,
tránh né, lâu ngày dần dần tạo nên một sự thiếu quân bình trong tâm.
Bạn hãy thử tự nhiên nhìn cái đau của mình và quan sát những thay đổi, biến
chuyển của nó. Một khi tâm của mình được yên tịnh xuống, nhẹ nhàng và có chánh niệm, ta có thể kinh nghiệm được rằng cái
đau không phải là một khối cứng ngắt. Nó biến tướng,
thay đổi, sinh diệt trong từng giây phút. Hành giả hãy ngồi với một tâm
yên lặng, thoải mái quan sát những diễn biến của cảm giác, đừng ghét bỏ cũng
đừng ước vọng.
Đau là một đề mục khá hữu hiệu trong thiền
Minh sát.
Bởi một cảm giác đau trong cơ thể, nếu biết sử dụng sẽ có khả
năng đem lại cho ta một định lực rất mạnh. Cái đau có thể giữ tâm ta ở
một chỗ mà không bị lay chuyển nhiều. Nhưng bất cứ một cảm giác nào đang có mặt trong thân đều có thể trở
thành một đối tượng của thiền quán. Trong trường hợp không có một cảm giác nào đặc biệt, hành giả có thể
trở về với hơi thở hay sự lên xuống của bụng.
Sự quan sát, ghi nhận phải có tính cách tự nhiên chứ không được máy móc, vội
vàng. Hãy ghi nhận mọi việc xảy ra như “phồng, xẹp”, “nóng”, “lạnh”, “đau”, “ngứa”, “mát”... một cách từ tốn,
đều đặn. Khi cảm thấy mình đang bị căng thẳng bởi cái đau có
mặt trong thân, bạn hãy cẩn thận quán sát tính chất khó chịu, bản chất của cái
đau. Hãy giữ chánh niệm
về cảm thọ của mình, rồi thì sự quân bình, an lạc trong tâm tự nhiên sẽ đến.
Nguyễn Duy
Nhiên biên dịch
((Xem tiếp
phần 2)