Hoàng Công Danh
Mưa làm người ta nhớ để khắc sâu thêm một hình
ảnh nào đó trong vùng ký ức. Mưa cũng làm người ta quên để xoa dịu niềm
tiếc nuối trên trái tim vụng dại buổi đầu biết yêu. Mưa Huế như một thứ đặc sản
khi nào ta đi xa thì ăn trộm một ít mang theo, để rồi ngồi ta lại nhớ nôn nao những kỷ niệm tự thuở
còn ở đó.
Cuối thu ấy, là Huế của ta bắt đầu mần nũng.
Những ai yêu nhau ở Huế thì cứ chuẩn bị sẵn khăn mùi xoa mà lau nước mắt cho ông
trời. Các cô gái cũng bắt đầu biết mần nũng hoặc giả đò mần nũng mỗi khi
ta rủ đi ngắm phố đêm. Không hẳn kiêu kì, nhưng con gái miền Trung là thế,
bụng thì thích đoạ rồi miệng vẫn chím chím: không mô không mô! Ta nói là bạn bè
bình thường rủ nhau đi chơi thôi, có chi mà khó rứa hè? Đến
khi ấy các cô mới nhượng bộ đi cho. Cô nào ở trọ thì
giả vờ chạy ra xin phép bác chủ trọ. Cô nào ở nhà thì nói “để hoải mẹ coai đã!”.
Cái duyên của Huế là duyên thầm. Tôi vẫn nghĩ vậy khi
chợt nhớ về hình ảnh của những cô bạn gái mới quen vài hôm, đi chơi với nhau đâu
chỉ vài bữa rồi gặp một trận mưa giữa đường, thế là tất cả tan đi trong làn nước
ả điệu của xứ kinh kỳ. Nhưng chính trong những lần như thế,
tôi có dịp ngắm cái dáng thong dong của những nàng da hoa tóc hương lần chậm vào
từng ngõ Huế. Người xưa coi cách đi mà đoán nết gọi là bói tướng, còn tôi coi cách
đi như thưởng thức một bài thơ đang viết dần vào phía sau những thành quách rong
rêu lịch lãm mà thôi.
Họ là những bóng hồng dâng tặng cho tâm hồn ta một đôi vần và
thầm thì với ta một định nghĩa khác về Huế Thơ.
Học sinh Huế đi học trong mưa dầm - Ảnh: Trương Vững
Một chớm thu vụng dại nhất thuở tôi vào cố đô theo hành
trình sách vở. Và cái bước chân đầu tiên, tôi biết, không phải mình chạm trên cỏ mà
đã chạm nhầm vào một thảm hoa thêu rất nhiều những giai nhân cười một nửa với
bạn, giữ lại một nửa làm của hồi môn cùng chồng mai sau.
Đấy là những người bạn gái học chung ở trường Sư phạm, họ đã ưu ái cho tôi những khoảnh khắc
mà nếu thiếu đi thì chắc tôi sẽ bị hụt mất một nửa ấn tượng về Huế. Ôi, những
tình bạn trong sáng và thánh thiện như mưa vẫn gợi cho người ta cảm giác ngọt
ngào mỗi khi nhớ lại!
1. Đêm đó Huế lặng lẽ, bầu trời chấm vài nốt sao
để đánh lừa những gã lãng tử vốn vẫn hay lang thang trong đêm để nhặt nhớ thương. Tôi không lãng tử nhưng vẫn bị mắc mưu ông trời.
Đang ngồi cà phê Nghệ Sĩ ở chỗ đường Đinh Tiên Hoàng với Loan thì mưa đổ.
Lúc đó hai đứa ngồi ngoài vườn, vài hạt mưa trườn qua lá rồi buông nhẹ trên mái
tóc Loan. Có hạt hóng hớt nhảy vào mi mắt và ngồi yên đó mà cười trêu ghẹo với
đôi mắt biết nói của bạn. Ta đã soi mình vào hạt mưa ấy và nhận về một
hình ảnh rất nhạt nhoà hư ảo. Nhạc trong quán vang lên bài
Gọi tên bốn mùa của Trịnh Công Sơn. “Em đứng lên gọi mưa vào hạ”.
Và Loan đứng lên bước đi vào nhà. Tôi cũng đi theo
kiếm một cái bàn gần cửa sổ để hai đứa cùng ngồi ngắm mưa. Loan nói bài hát
ni nghe quen quen. Ừ, ngày xưa Trịnh đi về giữa đêm bất chợt gặp mưa, người nhạc sĩ tài
hoa ấy chìm giữa bốn bề cảm xúc và quên mất không biết bây chừ đang mùa gì? Thế nên cất tiếng Gọi tên bốn mùa mà thành bài hát này.
Ngoài trời mưa nặng hạt dần lên, Loan có vẻ buồn.
Mưa rả xuống như tấm rèm che một chút e lệ của cô gái nào đó buổi người về phủ
nhiễu se duyên. Tôi đã đội mưa như thế đi suốt một chặng đường dài từ bờ
Bắc sang bờ Nam. Qua cầu Trường Tiền, mưa tắm cho sông Hương
những tràng nước mát, sông cất lên lời hát vẳng buồn như điệu Nam Ai.
Đã mấy lần Loan giục mặc áo mưa vào nhưng tôi không chịu.
Có mấy khi được mặc sức đi dưới trời mưa Huế với một người con gái, ai dại gì
khoác thêm một thứ dùng dằng để mất đi cái chất thơ mà trời đã tưởng thưởng lúc
này. Tôi viện một lý do để khỏi phải mặc áo mưa: Thực chất con người là
con của cha trời và mẹ đất, mưa là tinh dịch trong cuộc giao hoan đất trời để
tạo ra con người và muôn loài, vậy nên mưa với ta cũng là một mà thôi.
Đấy là quan niệm tạo tác của Phương Đông.
Đưa bạn về tận cổng nhà thì cơn mưa xối xả hơn. Tôi đứng đó,
nhìn dáng người đi chầm chậm vào ngõ, nhạt dần nhạt dần rồi chìm khuất trong mưa
như một nốt ngân cuối cùng của bản nhạc viết dang dở.
Có một buổi chiều Huế làm mưa rất to khiến giảng đường tối
hẳn.
Hết giờ học, Loan chạy đến nói với tôi cho mượn cuốn vở.
- Răng đi học mà không chép bài? – tôi
hỏi
- Tại phòng tối quá không nhìn được lên bảng. Mượn cuốn vở thôi, chi mà mần đày
dữ rứa!
Loan ôm cuốn vở của tôi đi ra khỏi cổng trường trong màn mưa
xối xả.
Thế thì ướt hết chữ nghĩa của người ta rồi, còn học hành chi
được nữa hả trời?
Sau này để cảm ơn Loan, tôi đã mua một chậu hoa đá định bụng
đem đến tặng, nhưng vì sợ người bạn gái ấy hiểu nhầm tình cảm của mình nên thôi.
Khi sang Minsk, ở bên khung cửa phòng học 210 khoa Vật lý trường BSU cũng đặt
mấy chậu hoa đá. Những giờ học trong căn phòng ấy dường như tôi không thể nào
tập trung được, cứ đánh mắt sang nhìn những cánh hoa xanh cổ độ là lại nhớ về
những kỷ niệm ở cố đô. Có lẽ tôi vẫn là một người nghiện quá khứ đến nan giải.
2.Tiên
lại thích mưa theo đúng kiểu cách của một người Huế chính gốc.
Hôm đó ngồi ở cà phê Vườn Hồng, Tiên nói mỗi lúc trời mưa Tiên thích ngồi trong
nhà nghe nhạc Trịnh và nhìn ra bên ngoài. Dõi theo
ánh mắt của Tiên, sau câu nói ấy là cả một thế giới miên tưởng xôn xao trôi qua
trôi qua hình ảnh một chàng si tình nào đó đứng trước cổng nhà hứng mưa và chỉ
chờ để ngắm bóng hồng một lát rồi đi ngay.
Ở Huế, ra đường gặp toàn con gái tên Tiên. Lạ thế! Nhưng Tiên
mà tôi gặp buổi ấy là một nàng Tiên thật, khôi nguyên và thơ mộng. Cứ như
đấy là Eva vừa xuống tới trần gian mới đây thôi, gót chân vẫn còn đẫm hương Địa
Đàng quyến rũ lạ kỳ. Eva nói trên kia không có mưa đâu,
quanh năm suốt tháng trong khu vườn của Chúa hoa gì cũng sẵn quả gì cũng đầy,
nhưng chán lắm, thiếu mưa thì không lãng mạn, thế nên em đã chọn Huế làm quê
hương vì Huế có nhiều mưa. Chỉ đơn giản là thế thôi nhưng không phải ai cũng dễ
tìm cho mình một lý do để nói yêu mảnh đất nơi mình gửi gắm tâm hồn. Eva hay
Tiên, và cả tôi nữa đã có chung một căn cớ: ấy là mưa.
Một đêm mùa hạ, trong nhật ký của tôi còn ghi lại với nét mực rất rõ: “Đêm 22.6.2006 Tiên với Thi, Phương đến phòng trọ mình
nhưng mình đang đi sinh nhật Tiệp nên không gặp được”. Vẫn nhớ như in lúc về tới phòng nghe nói có ba người bạn vừa đến,
tôi vội chạy thật nhanh ra ngõ ngắm, biết đâu người ta vẫn chưa khuất xa. Mưa trước ngõ rơi rơi làm một màn chắn tù mù. Tôi căng mắt ra
nhìn lên hướng Đập Đá nhưng Tiên đã đi vào màn mưa và bay về trời mất rồi! Từ đó
tôi yên tâm rằng trên Địa Đàng đã nhận lại gót hài của nàng Eva hôm xưa nên
không nhọc công đi kiếm giữa trần gian chi nữa.
*
Sau này có những lần đi giữa trời mưa xứ mộng tôi lại nôn nao
bao kỷ niệm.
Một con đường lặng lẽ ở Huế tự bao giờ mọc lên những cội cây đáng ghét vì nó cứ
trêu ngươi. Trời mưa đi qua đó cứ thấy những bóng cây lùi dần
lùi dần như thể muốn chơi trò đuổi bắt. Trên vòm cây
còn sót lại những cánh phượng, mỗi cánh hoa đính vào đó một lời nguyện ước đỏ
chót, màu đỏ nhoà đi trong mưa khiến tôi ngỡ đấy là những bóng hồng hôm nào.