Tâm Quang Đặng Ngọc Bích
Đến giữa năm1964, nhạc sĩ Anh Lạc (tức Huynh trưởng Tâm Bản
Nguyễn Đình Luyện) đã tưởng nhớ và cảm xúc viết nên ca khúc
Mây Loạn. Mây loạn là ca
khúc ghi lại trung thực những nét chính trong đêm Pháp nạn 20.8.1963, đêm mà
chính quyền Ngô Đình Diệm ra lệnh bao vây, tấn công, đốt phá, bắt giam quý Ôn,
quý Thầy cùng đông đảo Tăng Ni, Phật tử trong tất cả chùa viện, cơ sở Phật giáo
lớn ở miền Nam Việt Nam.
Mây Loạn là lời réo gọi nghẹn ngào, đau thương của chư Tăng Ni và Phật tử trong
vòng kẽm gai vây bủa, trong tầm lưỡi lê súng đạn, giữa những hàm răng nhọn hoắt
của bầy cảnh khuyển hung dữ và những bộ mặt đỏ ngầu đằng đằng sát khí của lũ bạo
tàn quân Ngô Đình Diệm. Giai điệu tức tưởi, nghẹn ngào.
Lời ca chất ngất cả trời thương đau:
“... Nghẹn lời kinh,
Muôn trùng cửa khóa,
Hơi bốc lên mùi máu còn
tanh.
Đá núi lá rừng, căm thù héo nát!
Mồ hôi nước mắt, tháng năm đầy.
Hãi hùng, hãi hùng, thịt nát xương tan,
Đau thương, đau thương,
Chùa xưa gươm súng, giày đạp tan hoang...”
Tất cả anh chị em chúng ta khi nghe lời réo gọi về những tháng năm sục sôi máu
lửa ấy, chắc không ai lại không nghe lòng mình se thắt lại và gợi nhớ cho chúng
ta một thời đã dấn thân không biết mỏi mệt vào Đại cuộc. Một Đại cuộc mà
chính quyền Ngô Đình Diệm đã sử dụng đủ trăm mưu, nghìn kế nhưng vẫn không đủ
sức để tiêu diệt Phật giáo. Đêm 20.8.1963, là đêm mà chính quyền Ngô Đình Diệm
“đã dành”cho Phật giáo một nỗi kinh hoàng và đau thương nhất trong lịch sử. Chắc
cả triều đại Ngô Đình Diệm khi hành động hung tàn như thế cũng không ngờ rằng
đến ngày 1.11.1963, thì đất nước Việt Nam đã chôn vùi cả triều đại ông xuống một
hố đen sâu thẳm nhất trong lịch sử dân tộc.
Ca khúc Mây loạn đã ghi được những chứng tích trên chặng đường lịch sử, nhưng
lại không được hát rộng rãi trong sinh hoạt của Gia đình Phật tử.
Âu cũng là một điều thiếu sót đối với lịch sử khi anh chị em chúng ta không hát
cho vang dội ca khúc nầy.
&
Như quý anh chị Huynh trưởng đều biết,
cuộc cách mạng lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm đã kết thúc vào ngày 1.11.1963, nhưng
mãi cho đến cuộc Chỉnh lý ngày 30.02.1964, khi Trung tướng Nguyễn Khánh lên nắm
quyền Chủ tịch Hội đồng Quân nhân Cách mạng kiêm Thủ tướng Chính phủ Việt Nam
Cộng hòa, ông mới ký Sắc luật số 158-SL/CP, ngày 14.5.1964 hủy bỏ hoàn toàn Đạo
dụ số 10 đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Quý ngài lãnh đạo Phật
giáo tưởng như thế là đã thoát khỏi cơn đại nạn và không còn bị kềm tỏa của một
Đạo dụ phi lý đã kéo dài suốt 14 năm. Nhưng không ngờ, sau đó
có mấy tháng thì chính phủ Nguyễn Khánh lại bị một cuộc đảo chánh khác lật đổ,
rồi Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu lên nắm chính quyền.
Bước chân lên chính trường chân ướt, chân ráo ông Nguyễn Văn Thiệu đã áp dụng
ngay kế hoạch phá hoại và sắp đặt nhiều âm mưu tiêu diệt Phật giáo.
Đứng trước tình thế ấy, buộc Phật giáo phải bước vào thế tiếp tục đấu tranh để
ngăn chận và đòi hỏi những quyền lợi chính đáng cho dân tộc và Đạo pháp.
Từ tháng 8 năm 1964 trở đi cho đến năm 1967, Phật giáo đòi chủ quyền quốc gia,
đòi tổ chức Quốc hội lập hiến, đòi soạn thảo Hiến pháp và ban hành Hiến pháp. Nhất là đòi phải hủy bỏ Sắc luật 23/67, một sắc luật phi lý và khắc
nghiệt không thua kém gì Đạo dụ số 10 dưới thời thực dân Pháp. Vì thế,
tất cả mọi lực lượng của Phật giáo đều hăng hái lên đường nhập cuộc.
Để “mở màn” cho những cuộc đấu tranh sống mái nầy, ngày 26.01.1965, chị Đào thị
Yến Phi (14).
Huynh trưởng Gia đình Phật tử Khánh Quang, Khánh Hòa, đã tự nguyện thiêu thân
trước tòa Tỉnh trưởng tỉnh Khánh Hòa (Nha Trang) để cúng dường Phật pháp và xin
làm ngọn đuốc để soi sáng cho những thế lực vô minh đang mưu đồ phá hoại Phật
giáo.
Sự hy sinh của Huynh trưởng Đào thị Yến Phi đã làm chấn động lương tâm nhân loại
trên toàn thế giới. Hàng vạn anh chị em Huynh trưởng và đoàn sinh Gia
đình Phật tử chúng ta khi nghe tin Huynh trưởng Yến Phi tự thiêu đều vô cùng đau
xót, ngậm ngùi, không ai ngăn được nước mắt. Có nhiều anh chị em đã khóc như
đang khóc cho người thân yêu nhất của mình vừa nằm xuống!
Đau đớn và xót xa đến vô lường!
Anh chị em chúng ta khóc vì thương tuổi đời của Phi còn quá trẻ.
Cuộc đời của em đẹp như một cánh hoa vừa mới nở mà đã đem vùi trong đống lửa
hồng đang rực cháy. Lên làm Huynh trưởng chưa được bao nhiêu ngày tháng
mà đã tự nhận hy sinh thân mình để bảo vệ cho lý tưởng chung được vững bền, thì sự hy sinh của em dù đem sông dài
biển rộng, núi cao rừng thẳm cũng không làm sao so sánh được!
Em Thiêng liêng và Cao cả quá!
Cảm xúc trước sự hy sinh lớn lao và kiên cường của Huynh trưởng Yến Phi, nhạc sĩ
Minh Kim (tức Huynh trưởng Phú Toàn Cang) đã ngậm ngùi viết nên ca khúc
Lửa Từ Bi.
Lửa Từ bi không chỉ hết lòng ca ngợi đức hy
sinh và lòng dũng cảm của người chị trưởng Yến Phi, mà ca khúc đã thể hiện rất
rõ tinh thần Bi Trí Dũng trong sứ mệnh Hộ pháp của người Huynh trưởng Gia đình
Phật tử Việt Nam. Vì không có người Huynh trưởng trung kiên nào lại không ý thức
được rằng: sự mất còn của Giáo hội là sự sinh tử của tổ chức Gia đình Phật tử
chúng ta!
Giai điệu: Chậm - Buồn - Thương đau - Luyến tiếc.
Lời ca nghẹn ngào, xót xa, càng nghe càng cảm thấy trong lòng dâng lên vời vợi
một nỗi thương đau!
“...Nhìn thân em ngã bên đường,
Lửa hồng bừng cháy công
trường
Mắt nhìn theo ngấn lệ vương...”
Sau khi ca khúc Lửa Từ bi của nhạc sĩ Minh Kim ra đời được một thời gian, thì
nhạc sĩ Hằng Vang cũng cảm xúc viết nên ca khúc
Tưởng Niệm Yến Phi.
Tưởng niệm Yến Phi cũng là một ca khúc thể hiện
rất sâu sắc và trọn vẹn tấm lòng kính mến trước tấm gương hy sinh hào hùng, bất
khuất của Một người Huynh trưởng Gia đình Phật tử. Một Con Người - Sống đã hết lòng vì lý tưởng thiêng liêng và Chết đã
không hỗ thẹn với non sông đất nước, với dân tộc giống nòi.
Em đem thân làm ngọn đuốc, đó là đuốc của trí tuệ để chiếu rọi vào thế lực vô
minh.
Thịt da Em rồi sẽ trở thành tro bụi miên viễn giữa lòng Đất Mẹ, nhưng chí khí
sắt son và nghị lực kiên cường của Em mãi đến nghìn thu
vẫn còn rạng rỡ và bất diệt giữa lòng Đạo pháp và dân tộc. Các
thế hệ Huynh trưởng và đoàn sinh Gia đình Phật tử Việt Nam đến muôn đời còn “Tưởng
Niệm Yến Phi”.
Tưởng nhớ Em không chỉ cất lên những lời ca vang vọng giữa không gian mênh mông,
không chỉ nhìn sự hy sinh cao cả của Em ghi đậm nét trên trang sử vàng của dân
tộc và Đạo pháp, mà Tưởng nhớ Em là để un đúc chí khí kiên trinh, rèn luyện thân
tâm bền vững, rồi có khi nào đó sẽ bước theo dấu chân Em trên những nẻo đường
lâm nguy của Đạo pháp mà Em đã một lần hăng hái bước đi qua...!
Với hai ca khúc nêu trên, hai nhạc sĩ Huynh trưởng đã không hết lời ca ngợi và
tỏ lòng tưởng nhớ đến sự hy sinh cao cả của Một Con Người - Đúng hơn và thắm
thiết hơn là Một Người Em cùng chung Màu cờ, Sắc áo - Một Người Em đã không hề
tiếc thân mạng son trẻ của mình để thể hiện trọn vẹn tinh thần Bi Trí Dũng trong
sức nóng của ngọn lửa hồng.
Hai ca khúc nầy ra đời không bao lâu sau ngày Yến Phi tự thiêu, nhưng rất tiếc
là cả hai ca khúc đã không được hát rộng rãi trong Huynh trưởng và đoàn sinh Gia
đình Phật tử chúng ta lúc bấy giờ. Một phần cũng do hơi khó tập, khó hát và phần
còn lại là cả hai ca khúc nầy đều “sinh bất phùng thời”, vì khi hai ca khúc nầy
ra đời thì anh chị em Huynh trưởng và đoàn sinh lại hăng hái “lên đường” trong
những cuộc đấu tranh liên tiếp của Phật giáo Việt Nam với chính quyền Nguyễn Văn
Thiệu
Do đó, mà các anh chị em Huynh trưởng và đoàn sinh có muốn hát cũng không còn
tâm trí hay thì giờ để hát. Âu đó cũng là một chướng duyên để
anh chị em chúng ta không làm tròn bổn phận đối với người Huynh trưởng trẻ
trung, hiền dịu đã quên thân mình vì lý tưởng thiêng liêng và cao quý của chúng
ta.
&
Vào khoảng tháng 3 năm 1965, Nha Tuyên úy Phật giáo (15) Quân lực Việt Nam Cộng
hòa tại miền Nam Việt Nam, đã tổ chức kỳ thi sáng tác Phật nhạc.
Trong kỳ thi nầy, có trên 100 tác phẩm gửi về tham dự.
Sau khi các ca khúc trúng giải, đều được Nha Tuyên úy Phật giáo ấn hành dưới
hình thức quay ronéo để gởi đến cho các tác giả và lưu hành.
Các ca khúc nầy, lần lượt được phát thanh trong chương trình
của Nha Tuyên úy Phật giáo trên hệ thống B, của đài phát thanh Sài Gòn lúc bấy
giờ.
Ca khúc Ánh Đạo vàng của nhạc sĩ Huynh trưởng Hằng Vang (Ban Hướng dẫn GĐPT. Daklak) chiếm Giải nhất trong kỳ thi nầy (Xin xem phần viết về ca
khúc Ánh Đạo vàng ở trang 51).
Qua cuộc thi Phật nhạc do Nha Tuyên úy Phật giáo tổ chức, tôi có đôi điều suy
nghĩ như sau: Suốt 15 năm qua - từ năm danh hiệu Gia đình Phật tử ra đời cho đến
năm 1965 - kể chung tất cả các tổ chức Phật giáo nằm trong hệ thống Giáo hội,
thì đây là lần đầu tiên và duy nhất có một tổ chức Phật giáo mở cuộc thi sáng
tác Phật nhạc.
Vì thế cho nên tôi thấy có một điều thật đáng tiếc là cuộc thi nầy lại không do
Ban Văn nghệ của Ban Hướng dẫn Trung Ương tổ chức, mà lại do Nha Tuyên úy Phật
giáo tổ chức. Trong khi đó, theo chỗ tôi được biết rõ thì hầu hết các tác phẩm
dự thi đều do các nhạc sĩ Huynh trưởng Gia đình Phật tử sáng tác và gởi đi tham
dự. Hơn nữa, Nha Tuyên úy Phật giáo là một tổ chức Phật giáo
mới được thành lập từ ngày 01. 7.1964, mà đến tháng 3 năm 1965 đã tổ chức
và đạt kết quả mỹ mãn một kỳ thi sáng tác Phật nhạc.
Trong khi đó, Gia đình Phật tử ra đời đã 25 năm - từ năm 1940 đến năm 1965 - mà
lại chưa tổ chức được một kỳ thi sáng tác Phật nhạc nào! Âu cũng là một điều
đáng suy gẫm, nếu không muốn nói là đáng buồn! Việc nầy, đến Hội nghị Gia đình
Phật tử toàn quốc họp tại Sài Gòn, năm 1967, tôi mới thấy ghi ở Điều 33,39,41
và 45, ở Chương thứ III (Phần huấn luyện) trong bản Quy chế Huynh trưởng Gia
đình Phật tử Việt Nam rằng:”Trại ca, sẽ do
Ban Hướng dẫn Trung ương tổ chức cuộc thi sáng tác”. Thế nhưng mãi
cho đến ngày 30.4.1975, tôi vẫn chưa thấy có cuộc thi sáng tác Phật nhạc nào!
Mặc dầu Gia đình Phật tử không tổ chức, nhưng sau đó thì cũng đã được bổ sung
thêm nhiều ca khúc rất hay do cuộc thi của Nha Tuyên úy Phật giáo tuyển chọn.
Tóm lại, trong suốt 25 năm xây dựng và phát triển, tổ chức Gia đình Phật tử đã
vun đắp được một nền ca nhạc đặc thù và mang đậm sắc thái màu áo Lam, đã gặt hái
được nhiều thành tựu to lớn trong mọi sinh hoạt với nền ca nhạc nầy.
Có thể nói, đây là giai đoạn mà nền ca nhạc Gia đình Phật tử Việt Nam ở vào thời
kỳ hưng thịnh bậc nhất. Rất nhiều ca khúc được các nhạc sĩ Huynh trưởng sáng tác
đã làm sáng rực cả khung trời sinh hoạt của màu áo Lam. Và những ca khúc nầy
chắc chắn đã in những dấu son chói lọi trên chặng đường lịch sử của tổ chức Gia
đình Phật tử Việt Nam chúng ta.
Đến đây, tôi xin chấm dứt Phần biên khảo giai đoạn I, từ khởi nguyên cho đến năm
1965.
&
Chú thích:
1. Chúng tôi chưa tìm được nguyên tác ca khúc Hải Triều âm, trước khi được sửa
đổi thành ca khúc Trầm Hương đốt.
2. Đoàn Thanh niên Phật học Đức dục, ngày đầu thành lập gồm có 12 đoàn viên, đó
là các anh: Phạm Hữu Bình (Đoàn trưởng), Đinh Văn Nam (HT.Minh Châu) (Đoàn phó),
Ngô Điền (Thư ký), Đinh Văn Vinh, Ngô Thừa, Võ Đình Cường, Nguyễn Hữu Quán,
Nguyễn Khải, Lê Kiểm, Phạm Quỵ, Hoàng Ngọc Phu, Lê Đình Duyên. Một thời gian sau
lại có thêm 3 anh nữa, đó là các anh: Ưng Hội, Tráng Thông và Lâm Công Định (Tư
liệu nầy do anh Lê Kiểm cung cấp).
3.
Lời 2 và lời 3 bằng tiếng Pháp như sau:
2. Vers le mieux sans un repit
En avant d’ une mêm ferveur
La terre résonnera
Sous nos pas triomphateurs.
Semons loin la vérité
Allons donc levons nous tous
La chaleur des
belles suttras
Donnera paix et bonheur.
3. A l’ exemple des Arahants
S’ en allant répandre leur zèle
Apprenons au monde qui râle
Ce qui cause
sa douler.
Quand partout rayonneront
L’amour et le Pureté
Toutes les voix entonneront
Ce refrain plein de vigueur.
4. Trích “Lịch sử GĐPT.Việt Nam”, do BHD.TƯ, ấn hành
trong tài liệu Bậc Trì, trang 140.
5,9. Phật lịch
2.507 là Phật lịch cũ, Phật lịch nầy tính theo niên đại đức Phật đản sinh năm
563.TCN. Năm 1956, Phật giáo Việt Nam vẫn còn sử dụng Phật lịch nầy.
6-7. Theo “Sứ mệnh Gia đình Phật tử” của Người Áo Lam, do Lữ Hồ xuất bản năm
1965 tại Sài Gòn.
8. Theo “Đây...Gia đình” của Võ Đình Cường, Nhà in Liên Hoa, Huế ấn hành năm
1956.
10. Theo “Đoàn Thanh niên Phật học Đức dục ”của Nguyên
Định Lê Kiểm, bản in năm 1995, tại Nha Trang.
11. Hòa thượng Thích Quảng Đức, pháp danh
Thị Thủy, pháp tự Hành Pháp. Thế danh là Lâm Văn Tuất, ngài sinh năm Đinh Dậu,
1897, tại làng Hội Khánh, quận Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Năm Nhâm Tuất, 1912,
ngài thọ Sa Di giới với Hòa thượng Hoằng Thâm. Năm Đinh Tỵ,
1917, ngài thọ Đại giới.
Năm Nhâm Thân, 1932, Hội Phật học tỉnh Ninh Hòa cung thỉnh Hòa thượng làm chứng
minh Đạo sư. Trải qua 33 năm trời hoằng hóa, ngài đã kiến tạo và trùng tu đến 31
cảnh chùa.
Năm Quí Tỵ, 1953, Giáo hội Tăng già Nam Việt cung thỉnh ngài về trú trì chùa
Phước Hòa (ở khu Bàn cờ, Chợ Lớn). Ngày 11.6.1963, ngài phát
nguyện tự thiêu tại ngã tư đường Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt, Sài Gòn.
12. Thiếu nữ Quách Thị Trang, sinh năm Mậu Tý, 1948, tại làng Cổ Khúc, huyện
Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình. Di cư theo gia đình vào Nam năm lên 6 tuổi (1954).
Sống với cha mẹ tại vùng khám Chí Hòa. Năm lên 8 tuổi
xin đến sinh hoạt với Gia đình Phật tử Minh Tâm. Cho đến ngày 25.8.1963,
trong khi đi đầu đoàn biểu tình thì bị cảnh sát của Ngô Đình Diệm bắn chết ngay
tại công trường Diên Hồng. Năm 1964, tượng đài Quách Thị Trang được dựng ở công
trường nầy. Đến sau ngày 30.4.1975, tượng đài Quách Thị Trang
đã bị dở bỏ.
13. Tâm Đại là pháp danh của Huynh trưởng Lê Văn Dũng, Ban viên BHD. Tổng Hội.
Theo quyết định số 84-HDTH/HT ngày 10.3.1956, anh được xếp Cấp Tấn.
14. Huynh trưởng Đào Thị Yến Phi, sinh ngày 26.4
năm Đinh Hợi (ngày 06.01.1948), tại tỉnh Hà Đông, Bắc Việt. Năm Mậu Tuất, 1958
gia nhập Đoàn Oanh vũ nữ Gia đình Phật tử Linh Thứu, Nha Trang.
Năm 1961, được lên ngành Thiếu. Năm 1962, quy y Tam
bảo, được đặt pháp danh là Nguyên Thường, tự Tuệ Mai.
Năm 1964, tham dự trại huấn luyện Lộc Uyển tại Khánh Hòa.
Sau khi trúng cách, Yến Phi xin về sinh hoạt với Gia đình Phật tử Khánh Quang
cho gần gia đình. Lúc 14giờ 30 ngày 26.01.1965, Yến Phi phát nguyện tự
thiêu trước tòa Tỉnh trưởng Khánh Hòa (Nha Trang), giữa lúc đông đảo Tăng Ni và
Phật tử đang ngồi tuyệt thực
15. Nha Tuyên úy Phật giáo Quân lực Việt Nam Cộng hòa được thành lập do Quyết
định số 04/VT/VP/QĐ ngày 07.3.1964 của Viện trưởng Viện Hóa đạo GHPGVNTN. Và Sắc lệnh số 224/QP ngày 01.7.1964 của Chính phủ Việt Nam Cộng
hòa. Thượng tọa Tâm Giác được cử làm Giám đốc với cấp
bậc đồng hóa Trung tá Quân đội Việt Nam Cộng hòa lúc bấy giờ.
I. SỬ LIỆU
Chúc từ của Gia đình Phật tử Thừa Thiên đọc trong Lễ khai mạc “Hội nghị Phật giáo toàn quốc Việt Nam”, năm 1951 tại chùa Từ Đàm,
Huế.
Thưa quí vị Đại biểu,
Chúng con thay mặt cho toàn thể Gia đình Phật tử trân trọng có lời xin chúc mừng
Hội nghị.
Trước cảnh tưng bừng chưa từng có nầy, lòng chúng con rộn lên vì sung
sướng. Bao năm Bắc Nam chia cách, hôm nay lần đầu tiên, chúng
con mới thấy được cảnh đoàn tụ huy hoàng.
Quen sống trong cảnh sum họp, vui vầy của Gia đình Phật tử, chúng con hằng mong
ước rằng Phật giáo Việt Nam cũng thành một Gia đình vĩ đại. Lòng mong ước ấy đã
được thực hiện hôm nay, đất Việt Nam yêu mến!
Thưa quí vị Đại biểu,
Để kỷ niệm ngày lịch sử hôm nay, chúng con xin dâng quí vị một bó hoa mà chúng
con mệnh danh là “Bó hoa Thống nhất”
và một bài hát mà chúng con vừa mới đặt tặng cho Hội nghị, nhan đề là ”PHẬT GIÁO
VIỆT NAM THỐNG NHẤT”.
Xin kính chào quí vị.
II. CÁC CA KHÚC
Xếp theo thứ tự được trình bày trong Phần biên
khảo.
1. Hải triều âm - Trầm Hương đốt Bửu Bác
2. Rangeons-nous mes amis Ưng Hội
3. Hoa Sen trắng Ưng Hội,
Phạm Hữu Bình, Nguyễn Hữu Quán
4. Phật giáo Việt Nam thống nhất Lê Cao
Phan
5. Vui dựng gia đình Kim
Bảng
6. Dây thân ái Lê Lừng
7. Gia đình thân ái Lê
Mộng Nguyên
8. Dòng Anôma Hoàng Cang
8bis Thành Catỳla Hoàng Cang
10. Mục Kiền liên Kim Bảng
11. Em đến chùa Dương Thiện Hiền
12. Xuất gia Hoàng Cang
13. Chim bốn phương Hoàng Cang
14. Kính mến Thầy Dương Xuân Dưỡng
15. Trai áo Lam
Mạnh Cương
16. Kết đoàn
Anh Lạc
17. Tiến trong Ánh vàng Lê Cao Phan
18. Hướng Phật đài
Lê Mộng Nguyên
19. Mừng Khánh đản
Lê Mộng Nguyên
20. Mừng ngày Đản sanh
Nguyên Thông
21. Mừng ngày Phật đản Y Mai, Đặng Lê Nguyễn
22. Về dưới Phật đài
Trần Nhật Thành
23. Tôi yêu màu Lam Trần Nhật Thành
24. Nhớ mái chùa xưa Nguyên Đàm, Nguyên Diệu
25. Chùa làng tôi
Nguyên Đàm, Hiếu Nghĩa
26. Ánh Đạo vàng
Hằng Vang
27. Trái tim
Bồ tát Trường Long
28. Em là vì sao sáng
Nguyễn Hiền
29. Từ Đàm quê hương tôi
Nguyên Thông, Tâm Đại
30. Mây loạn
Anh Lạc
31. Lửa Từ bi
Minh Kim
32. Tưởng niệm Yến Phi Hằng Vang
Tác phẩm
của các nhạc sĩ ngoài Gia đình Phật tử,
có đề cập trong Phần biên khảo.
1. Mầm Măng
Lưu Hữu Phước
2. Họp đoàn
Tâm Nguyện
3. Thiếu nhi
thôn quê
Tâm Nguyện
4. Hát to hát vang
Tâm Bảo
5. Trăng Trung thu Tâm Bảo
6. Thằng cuội
Lê Thương
7. Rước đèn tháng tám
Văn Thanh
8. Đêm trong rừng
Hoàng Quý
&
Được sự
đồng ý của tác giả, Học chúng Tô
Đà Di chúng tôi, chỉ in ấn được vài chục tập chuyền tay nhau Lưu hành nội bộ và
các Gia đình Phật tử lân cận. Do kinh phí hạn hẹp, nên không đáp ứng được nhu
cầu của độc giả. Vì vậy, các tổ chức, đơn vị GĐPT. nếu
có nhu cầu xin tự in ấn, hoặc hỗ trợ kinh phí cho chúng tôi tiếp tục in ấn.
Tập
II, tác giả đã hoàn thành bản thảo, nhưng cũng chưa có điều kiện để in ấn. Kính
mong quý độc giả chung tay góp sức cùng Học chúng Tô Đà
Di để thực hiện việc in ấn nói trên. Mọi ý kiến đóng góp xin gởi về:
“Học chúng Tô Đà Di, chùa Phước Duyên, Huế”
Đt. 0167.8732.563