Những ca khúc in dấu trên những chặng đường lịch sử (phần 6)

nhung ca khuc in dau

          Nhìn lại 14 năm trên chặng đường lịch sử của Gia đình Phật tử - giai đoạn từ năm 1951 đến năm 1965 - là giai đoạn mà nhiều ca khúc hát về Gia đình Phật tử được các Huynh trưởng nhạc sĩ sáng tác dồi dào và phong phú nhất. Ca khúc nào cũng hay, cũng nổi bật lên trong giai điệu, trong lời ca sự sống ngát thơm của tổ chức màu áo Lam hiền hòa, trong sáng dưới Ánh đạo vàng rạng rỡ, quang minh...

          Có thể nói chắc rằng: đây là giai đoạn mà các ca khúc nở rộ như Trăm hoa đua nở trong vườn hoa ca nhạc của Gia đình Phật tử. Một giai đoạn đã xây dựng vững chắc nền móng cho ngôi nhà ca nhạc Gia đình Phật tử Việt Nam sau nầy.

          Tiếp sau giai đoạn “Trăm hoa đua nở” là giai đoạn đất nước và dân tộc bước vào một khúc quanh của lịch sử. Ngày 20.7.1954, Hiệp định đình chiến được ký kết, nước Việt Nam bị chia cắt thành hai miền Nam Bắc.

 

          Vì thế đến năm 1957, năm 1958 đất nước đang gánh chịu cảnh qua phân. Quân lực của hai miền Nam Bắc đã có những cuộc giao tranh lẻ tẻ, tiếng súng đêm đêm vọng về một vài nơi, như báo hiệu cho một cuộc chiến tranh huynh đệ lâu dài...

           Vì thế, ở miền Nam Việt Nam một số đông Huynh trưởng đang sinh hoạt tại các Gia đình Phật tử phải lên đường làm nhiệm vụ của người thanh niên.

 

           Các anh ra đi... nhưng tâm hồn vẫn vấn vương, lưu luyến đến tình cảm chan hòa và cao quý nơi mái ấm các Gia đình Phật tử thân thương. Bước dọc ngang trên những nẻo đường đất nước, các anh vẫn không quên dành thì giờ để sáng tác nhiều ca khúc cho Gia đình Phật tử, với những giai điệu và lời ca chất ngất nỗi nhớ thương, mong ước... như ca khúc Về dưới Phật đàiTôi yêu Màu Lam của nhạc sĩ Trần Nhật Thành, ca khúc Nhớ mái chùa xưa của nhạc sĩ Nguyên Đàm, Nguyên Diệu, ca khúc Chùa làng tôi của nhạc sĩ Nguyên Đàm, Hiếu Nghĩa (nhạc sĩ Nguyên Đàm là bào đệ của nhạc sĩ Nguyên Thông).

 

           Các ca khúc nầy là nỗi xót xa chung của người Huynh trưởng Gia đình Phật tử, dù hoàn cảnh phải xa Gia đình, nhưng lúc nào các anh cũng luôn nhớ thương về Đàn em thơ ngây, những người em có đôi mắt long lanh và nụ cười hồn nhiên, trong sáng. Các anh nhớ thương về màu áo Lam hiền hòa, trung dũng, dù bao nhiêu mưa nắng, dù năm tháng có phôi pha, nhưng màu Lam đối với các anh“vẫn là màu Lam tinh khiết, Hương vẫn ngát thơm và sắc vẫn rạng ngời...”

          Các anh ra đi... nhưng lúc nào cũng nhớ thương về Mái chùa xưa, nơi hình bóng các em đang dõi mắt trông chờ vào những buổi hoàng hôn nhạt nhòa ánh nắng.

          Có thể nói rằng, đây là giai đoạn mà các ca khúc của Gia đình Phật tử đã có những lời ca thổn thức trước cảnh “kẻ ở người đi”. Chắc không còn lời ca nào hay hơn và buồn da diết như thế nầy nữa:

 

                    “Bao năm ra đi...

                      Nhạc sầu dâng khúc lâm ly,

                      Người ơi! Có nhớ nhung chi

                      Tình lưu luyến Mái Từ bi...”

                                                  (Nhớ mái chùa xưa)

 

          Hay:    Ra đi... lìa xa mái hiên chùa,

                       Còn đâu bóng Lam hiền,

                       Và đôi mắt long lanh của Đàn em yêu mến...”

                                                   (Về dưới Phật đài)

          Giai điệu và lời ca các anh viết càng nghe càng cảm thấy lòng buồn não nuột và cho dù “người đi hay kẻ ở” thì những lời ca chất chứa nỗi u hoài nầy cũng đã làm cho ta thấm thía nỗi chia ly và nghe xao xuyến đến chạnh cả lòng.                                                   

                                                   &

 

          Cũng vào khoảng năm 1957, 1958, nhạc sĩ Hằng Vang (tức Huynh trưởng Nguyễn Đình Vang) cho ra đời ca khúc Ánh Đạo Vàng. Ca khúc nầy, theo lời anh nói là ca khúc anh viết đầu tay, nhưng Ánh Đạo vàng đã có địa vị xứng đáng trên nền ca nhạc Gia đình Phật tử. Bởi lẽ, vào đầu năm 1965, Nha Tuyên úy Phật giáo Quân lực Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam, tổ chức kỳ thi sáng tác Phật nhạc, anh đã gởi ca khúc Ánh Đạo vàng tham dự và đã đoạt Giải nhất trong số hơn 100 ca khúc dự thi.

           Ánh Đạo vàng là ca khúc đầu tiên thuộc thể loại trình diễn trên sân khấu, mà ở vào giai đoạn lúc bấy giờ cũng như mãi cho đến ngày nay, chưa có ca khúc nào hay hơn, nổi bật hơn. Ánh Đạo vàng đoạt Giải nhất cũng thật là xứng đáng. Chắc anh chị em chúng ta ai cũng thấy có niềm tự hào khi Gia đình Phật tử có được một ca khúc hay như Ánh Đạo vàng.

            Giai điệu trang nghiêm, nhẹ nhàng, thanh thoát. Lời ca kể lễ, bồi hồi, xúc động, càng nghe càng cảm thấy kính yêu vô hạn Một Con Người - đúng hơn là một bậc Đại nhân, vì:

 

                    “Thương chúng sanh lạc loài trong kiếp luân hồi,

          :    “Cắt tóc xanh khoác mình manh áo nâu sòng...”

          Ánh Đạo vàng thật sự đã làm cho nền ca nhạc Gia đình Phật tử vốn đã rực rỡ lại càng rực rỡ thêm lên.

 

                                                       &

          Bước sang năm 1963,

          Cuộc tranh đấu của Tăng Ni và tín đồ Phật giáo tại miền Nam Việt Nam khởi đầu từ ngày 07.5.1963 và kết thúc vào ngày 1.11.1963, đã xô đổ cả triều đại nhà Ngô, sau 9 năm làm mưa làm gió trên chính trường miền Nam (1954-1963). Trong cuộc tranh đấu đầy gian lao, nguy hiểm nầy đã có nhiều tấm gương hy sinh vô cùng cao cả. Tiểu biểu là Hòa thượng Thích Quảng Đức (11), tự thiêu ngày 11.6.1963, tại ngã tư đường Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt, Sài Gòn. Ngọn lửa tự thiêu của vị Bồ tát hóa thân, đã rực sáng cả bầu trời nhân loại lúc bấy giờ.

 

         Cảm xúc trước ngọn lửa Đại hùng, Đại lực và thiêng liêng ấy, cuối năm 1963, nhạc sĩ Trường Long đã viết nên ca khúc Trái Tim Bồ Tát. Trái tim Bồ tát là ca khúc tỏ hết lòng thành kính ca ngợi vị Bồ tát hóa thân, đã dùng thân mình làm ngọn đuốc để thắp sáng hành động vô minh và đốt tan gông cùm, xiềng xích của bạo tàn quân Ngô Đình Diệm.

 

           Xưng tán công đức vô lượng và cao siêu của ngài, có lẽ bài thơ Lửa Từ bi, của thi sĩ Vũ Hoàng Chương cảm tác sau khi Hòa thượng tự thiêu mới diễn đạt được phần nào (xin trích 9 câu trong số 47 câu của bài thơ):

            “...Người siêu thăng... dông bão lắng từ đây,

                 Bóng Người vượt chín tầng mây,

                 Nhân gian mát rượi bóng cây Bồ đề,

                 Ngọc hay đá, tưởng chẳng cần ai tạc

                 Lụa hay tre, nào khiến bút ai ghi.

 

                                                                                                                   

 

                 Chỗ Người ngồi: Một Thiên - Thu - Tuyệt -Tác,

                 Trong vô hình sáng chói nét Từ bi,

                 Còn mãi chứ: Còn TRÁI TIM BỒ TÁT

                 Gội hào quang xuống tận ngục A-tỳ”.

 

            Đã gần 50 năm trôi qua, có lẽ đến 500 năm, rồi 5.000 năm nữa cũng trôi qua, nhưng TRÁI TIM BỒ TÁT vẫn còn hiển hiện là một vật thể thiêng liêng và bất hoại ở thế gian. Và ca khúc Trái tim Bồ tát vẫn còn vang vọng mãi những âm thanh huyền diệu giữa không gian vô cùng và thời gian vô tận...

  

           Đến ngày 25.8.1963, Thiếu nữ Quách Thị Trang (12). Đoàn sinh Gia đình Phật tử Minh Tâm, Sài Gòn, đi đầu đoàn biểu tình đã bị cảnh sát của Ngô Đình Diệm bắn chết ngay tại công trường Diên Hồng (Bồn binh chợ Bến Thành).

          Cảm xúc sâu xa trước cái chết đầy đau thương, nhưng vô cùng anh dũng của Thiếu nữ Quách Thị Trang, nhạc sĩ Nguyễn Hiền đã viết nên ca khúc Em Là Vì Sao Sáng,

          Chỉ với cái tiêu đề năm chữ ấy thôi, cũng đủ cho chúng ta thấy được sự hy sinh của người Thiếu nữ áo Lam ấy là oai hùng và rạng rỡ đến dường nào! Sự hy sinh của em là ánh sao rực sáng giữa bầu trời đêm đen tối.

           Giai điệu: Chậm-Buồn-Tha thiết. Lời ca như chất chứa cả niềm đau. Gợi cho ta một nỗi xót xa, quặn thắt, đôi khi như có chút hờn căm trào dâng trong huyết quản.

          Đã gần 50 năm trôi qua, kể từ ngày Thiếu nữ Quách Thị Trang nằm xuống, mà hình bóng người Thiếu nữ áo Lam thơ ngây, hiền dịu và trung dũng ấy vẫn còn in đậm trên đường chúng ta đi...

          Hình bóng thân yêu ấy, không chỉ: ”Giữa muôn tim Em còn mãi không phai”, mà hình bóng ấy sẽ Bất diệt và Rạng ngời trong lòng dân tộc và Phật giáo Việt Nam - Và tượng đài Em - Mãi đến thiên thu vẫn còn đứng kiêu hùng và rạng rỡ giữa đất trời Việt Nam thân yêu nầy.

 

 

 

 

          Em đứng đó - không chỉ để cho muôn triệu người tưởng nhớ mà còn để nhắc nhở cho các thế hệ sau Em thấy được Vì Sao Em Đã Hy Sinh cho lý tưởng cao quý Em phụng thờ!

          Qua hai ca khúc mang dấu ấn lịch sử nầy, thời gian đã khẳng định được rằng: Trái tim Bồ tátEm là vì sao sáng là hai ca khúc đã khắc chạm những nét tinh anh của hai con Người lỗi lạc, phi thường (một bậc xuất gia và một Phật tử) vào dòng lịch sử đấu tranh kiêu hùng, bất khuất của dân tộc và Phật giáo Việt Nam.

           Giai điệu và lời ca của hai ca khúc đã làm sống lại hình ảnh thiêng liêng và hùng của vị Bồ tát hóa thân, để cứu nguy cho Đạo pháp đang mắc trong vòng kềm tỏa khắc nghiệt của bạo lực vô minh. Một Đoàn sinh Gia đình Phật tử đã anh dũng bước đi tiên phong trong hàng ngũ đấu tranh để nung nấu chí khí kiên trinh cho Đại cuộc, để rồi nhân danh muôn triệu người, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã truy tôn Em lên hàng Thánh tử đạo. Một vinh dự lớn lao chung cho toàn thể Huynh trưởng và đoàn sinh Gia đình Phật tử chúng ta!

          Một điều đáng nói thêm nữa là từ đầu năm 1964 đến năm 1967, hai ca khúc nầy đã được rất nhiều anh chị em Huynh trưởng và đoàn sinh Gia đình Phật tử hát đi, hát lại không biết đến bao nhiêu lần. Hát trên sân khấu, hát trong đêm lửa trại, hát vào cả những buổi liên hoan họp mặt. Ai hát cũng được và người nào hát nghe cũng bồi hồi, xúc động.                 

           Cùng xuất hiện với hai ca khúc Trái tim Bồ tátEm là vì sao sáng, là ca khúc Từ Đàm Quê Hương Tôi của nhạc sĩ Nguyên Thông và Tâm Đại (12)

          Chúng ta ai cũng biết rằng: Từ ngày 6 đến ngày 9.5.1951 là Hội nghị Phật giáo toàn quốc Việt Nam, tổ chức tại chùa Từ Đàm, Huế và ngày 10.5.1963, cũng tại chùa Từ Đàm, Huế, Tổng Hội Phật giáo Việt Nam đã long trọng công bố trước quốc dân và thế giới Bản Tuyên ngôn lịch sử, mở đầu cho cuộc đấu tranh kiêu hùng và bất khuất của Phật giáo Việt Nam với chính quyền Ngô Đình Diệm.

 

          Cảm xúc trước hai sự kiện lịch sử trọng đại ấy của Phật giáo Việt Nam, nhạc sĩ Nguyên Thông đã viết nên ca khúc Từ Đàm Quê Hương Tôi bất tử nầy. (Theo chỗ tôi biết thì ca khúc Từ Đàm quê hương tôi, chỉ là một trích đoạn trong Bản trường ca Hào quang Máu lửa rất hoành tráng và qui mô của nhạc sĩ Nguyên Thông. Năm 1964,1965 Bản trường ca nầy anh đã viết xong, nhưng vì là trường ca nên ít được phổ biến rộng rãi, mặc dầu anh đã cho thu vào băng cassette).

 

         Từ Đàm quê hương tôi là ca khúc thể hiện rất sâu lắng, hòa quyện và rất rõ nét tình Quê hương - Dân tộc và Đạo pháp. Đạo pháp và dân tộc Việt Nam đã gắn liền với nhau như hình với bóng trong quá trình dựng nước và giữ nước suốt chiều dài lịch sử 2.000 năm qua.

 

         Việt Nam hay Từ Đàm - cũng là quê hương của người Phật tử. Năm 1963, nếu không có “Quê hương Từ Đàm”, thì người Phật tử Việt Nam chúng ta đã bị hóa thân thành những tín hữu của ngoại đạo mất rồi.

          Từ khi Từ Đàm quê hương tôi xuất hiện thì ngôi chùa Từ Đàm lịch sử đã nghiễm nhiên trở thành quê hương yêu dấu của muôn triệu người con Phật. Dù từ Nam ra Bắc hay từ Bắc vô Nam, dù ngược  bên trời Đông hay xuôi bên trời Tây, thì:

 

                 “...Quê hương tôi là đây,

                      Sớm hôm hương trầm nhẹ bay,

                      Vấn vương lời kinh chiều nay vơi đầy...”

 

          Giai điệu và lời ca của Từ Đàm quê hương tôi trầm hùng, lưu luyến, thiết tha, nghe ngọt ngào và êm ái như lời mẹ hiền ru bên vành nôi thuở ấu thơ của cuộc đời, mà dư âm như còn vang vọng giữa không gian mênh mông, vời vợi...

 

           Hơn 40 năm trời đã trôi qua, chưa ai mặc cả hay chối từ miền “Quê hương thiêng liêng ấy”. Ngược lại mọi người vẫn hát Từ Đàm quê hương tôi và sẽ còn hát mãi giữa lòng đất nước thân yêu nầy. Lời ca mặn nồng, tha thiết ấy như nhắc nhở cho chúng ta đừng bao giờ quên miền đất Thánh Từ Đàm cũng là quê hương.

 

          Từ Đàm quê hương tôi dù không mô tả đến sinh hoạt của Gia đình Phật tử, nhưng người dồn tâm trí để viết nó là Huynh trưởng Gia đình Phật tử và những người hát Từ Đàm quê hương tôi không ai khác hơn là anh chị em Huynh trưởng và đoàn sinh trong Gia đình Phật tử. Phải chăng anh chị em chúng ta hát để nhớ mãi một thời máu lửa trong lòng Đại cuộc đấu tranh và hát để ôm ấp mãi một Quê hương yêu dấu: TỪ ĐÀM.

(tiếp theo)

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác