Những ca khúc in dấu trên những chặng đường lịch sử (phần 5)

nhung ca khuc in dau

          

        Sau ca khúc Em đến chùa là ca khúc Xuất giaChim bốn phương của nhạc sĩ Hoàng Cang xuất hiện, tiếng hát được vang lên trong những ngày Gia đình Phật tử sinh hoạt.

 

          Xuất gia là một ca khúc ngắn gọn, nhưng giai điệu và lời ca lại ngọt ngào, nhuần nhuyễn, thể hiện siêu việt tình thương bao la của bậc Đại nhân vô tiền khoáng hậu. Ngài từ bỏ tuyệt đỉnh danh vọng cao sang để dấn thân vào nơi cát bụi với lời nguyền cao cả:

         “…nguyện vì bao chúng sinh đang khổ đau Ngài ra đi…”

 

          Trong các ca khúc hát mừng ngày đức Thế Tôn xuất gia, thì ca khúc Xuất gia của nhạc sĩ Hoàng Cang là tiên phong và ưu việt. Tuy có nhiều ca khúc xuất gia được vài nhạc sĩ Huynh trưởng tiếp tục viết sau đó, nhưng vẫn chưa có ca khúc nào hay hơn và vượt qua được ca khúc nầy.

 

           Ca khúc Chim bốn phương cũng ngắn gọn, nhưng giai điệu và lời ca lại dàn trải, uốn lượn như đàn chim đang ríu rít tung cánh bay về tổ Đạo:

                                                                                                                   

                   Chúng ta là chim bốn phương bay về đây,

                     Về đây, chúng ta sống trong Đạo thiêng…”                                                                                                          

 

           Lòng tự hào và niềm tin tuyệt đối của các đoàn sinh khi đến với tổ chức Gia đình Phật tử, có thể nói đã được xây dựng và bồi đắp khá sinh động trong ca khúc nầy. Chính ca khúc nầy đã un đúc tinh thần cho các đoàn sinh thêm vững mạnh, để cho các em thấy được lý tưởng thiêng liêng mà các em phụng thờ.

 

           Liên tiếp sau đó lại xuất hiện nhiều ca khúc rất hay. Giai điệu trong sáng, tươi vui. Lời ca ngọt ngào, ngát thơm hương Đạo, như ca khúc Kính Mến Thầy của nhạc sĩ Dương Xuân Dưỡng.

          Kính mến Thầy là ca khúc được nhạc sĩ Dương Xuân Dưỡng viết ra để cho Huynh trưởng và đoàn sinh hát khi chào đón quý thầy Cố vấn Giáo lý về thăm Gia đình, hoặc các thầy Giảng sư về thuyết pháp tại các Khuôn Giáo hội.

 

          Giai điệu nhẹ nhàng, thanh thoát. Lời ca không chỉ tỏ nỗi lòng tôn kính, mà còn đặt hết niềm tin vào sự dắt dìu, che chở của quý thầy. Có lẽ qua ca khúc nầy mà suốt cả chặng đường dài hơn 60 năm qua, quý thầy luôn thao thức cho sự sinh tồn của tổ chức Gia đình Phật tử.

               “Thầy là bóng cây che mát chúng con,

                 Thầy là ánh sáng dắt dìu lòng son,

                 Thầy là con thuyền thanh lương,

                 Đưa chúng con đến bờ thơm hương

                 Thầy theo hạnh nguyện Pháp vương,

                 Treo gương tròn sáng soi mười phương.

 

            Anh chị em không chỉ tôn kính quý thầy mà còn tỏ rõ lời nguyền chan chứa, sắt son:

                “Chúng con nguyện tinh tấn, diệt tan tham sân hận,

                  Ánh Đạo hằng mong tiến đến dần.

                  Dù bao nhiêu gian khổ, dù gặp điều nguy khó,

                  Lý tưởng chúng con vẫn tôn thờ.

  

           Có thể nói, trong các ca khúc viết để xưng tán hạnh nguyện cao cả của quý thầy, thì ca khúc Kính mến thầy của nhạc sĩ Dương Xuân Dưỡng đã được đánh giá là một ca khúc rất chân thành, trong sáng, đã để lại trong lòng quý thầy một tình thương vô bờ bến.

 

           Rồi các ca khúc Trai Áo Lam của nhạc sĩ Mạnh Cương (tức Huynh trưởng Phạm Mạnh Cương), ca khúc Kết Đoàn của nhạc sĩ Anh Lạc (tức Huynh trưởng Tâm Bản Nguyễn Đình Luyện), ca khúc Tiến trong Ánh vàng của nhạc sĩ Lê Cao Phan, ca khúc Hướng Phật đài của nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên, lại tiếp tục ra đời.

 

          Đây là những ca khúc viết về sự sinh hoạt mang đầy niềm tín ngưỡng thiêng liêng của đoàn Áo Lam. Giai điệu mạnh mẽ, hùng hồn. Lời ca vui tươi, trong sáng. Thể hiện rất sắc nét tinh thần Bi Trí Dũng của tổ chức Gia đình Phật tử.

          Trong ca khúc Hướng Phật đài, có những câu như mang nặng lời thề son sắt trước chư tôn đức Tăng Ni, trước hồng ân Tam bảo:

                   “...Xa xăm muôn trùng nguyện bước đi.

                    Vang vang chân trời lời Từ bi,

                    Ta vì Đạo mà tiến lên,

                    Quyết vì Người nào có quên...”

 

           Trong ca khúc Tiến trong Ánh vàng, Trai Áo Lam và Kết Đoàn lại dạt dào sức sống của những chàng trai Áo Lam:

 

                    “Đoàn ta tiến vui lên đường hát vang,

                      Tim tươi thắm bước chân nghe dồn đều khắp nơi,

                      Cầm tay đi trên đường sáng, sáng ngời,

                      Bao tâm hồn trắng trong như trời quang.

                      Lòng mang Đóa sen lên đường hát vang...

                      Quyết tiến luôn, quyết Tiến trong Ánh vàng,

                      Hát ca, tiến lên Bi Trí quyết chí trau dồi,

                      Hát vang, tiến đều Thế Tôn gương Ngài cùng soi”

                         

                    “Ta Đoàn Áo Lam tiến bước lên đường,

                      Nhịp nhàng theo gió sớm về ngát hương,

                      Tâm hồn sáng tươi chứa chan niềm vui,

                      Đem bao chí cường ngợi ca Đạo thiêng...”

 

                     “Vai sánh vai tiến bước trên đường dài sá chi,

                       Đem sức trai bền tâm chí Kết đoàn vui trong

                       tình thân yêu,

                      Cùng đi nhịp nhàng ca dưới nắng mai hồng...

.

           Những ca khúc đầy ắp cả niềm vui và sự hăng say đi vào nếp sống Gia đình Phật tử như thế, nhưng ngày nay chúng tôi lại ít nghe các đơn vị Gia đình hát trong những giờ sinh hoạt.Thật đáng tiếc!

 

                                                    &

 

           Riêng đối với ca khúc Mừng Khánh đản của nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên, chắc quý anh chị Huynh trưởng và các em đoàn sinh đều biết: Trước đây, Đại lễ Phật đản tại Huế, thường được tổ chức trọng thể vào ngày mồng 8 tháng 4 âm lịch hằng năm. Huynh trưởng và đoàn sinh Gia đình Phật tử Thừa Thiên được tham dự lễ rước Phật từ chùa Diệu Đế lên chùa Từ Đàm, nơi tôn trí lễ đài chính. Đi đầu đoàn rước là đoàn Gia đình Phật tử. Khi đi, thường vừa đi vừa hát theo nhịp trống của giàn Quân nhạc và Ban cổ nhạc. Điệu nhạc cổ thì có bài Đăng đàn cung:

                      Vui mừng gặp ngày nay, Mồng Tám tháng Tư,

                      Là ngày Khánh tiết Phật Thích ca ngài,

                      hiện về Catylavệ…

          Về tân nhạc thì có ca khúc Mừng Khánh đản của nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên. Lời mở đầu của ca khúc nầy là:

                      Ngày mồng Tám tháng Tư về đây,

                      Ngày trần gian vui đón đức Phật từ tôn chúng ta…

 

                Ca khúc nầy, Gia đình Phật tử Thừa Thiên đã hát suốt nhiều năm mỗi khi mùa Phật đản trở về. Thế nhưng, đến khi có Phán quyết của Hội nghị Phật giáo thế giới họp tại Colombo, thủ đô nước Tích Lan (nay là Cộng hòa Sri-Lanka) vào ngày 25.5.1950, thì Đại lễ Phật đản phải được tổ chức vào ngày Trăng tròn cho toàn các nước Phật giáo trên thế giới. Phật giáo Việt Nam chúng ta cũng đã thực thi Phán quyết nầy.

 

          Vì lẽ ấy nên từ năm 1955 trở về sau, Đại lễ Phật đản tại Việt Nam lại được tổ chức vào ngày Rằm tháng Tư âm lịch. Do đó, lời mở đầu trong ca khúc Mừng Khánh đản của nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên đã không còn phù hợp với thời gian pháp định mà Hội nghị Phật giáo thế giới đã ban hành. Kể từ đó, Gia đình Phật tử chưa có ca khúc nào hát về ngày Rằm tháng Tư.

 

          Mãi cho đến khoảng cuối Năm 1957, đầu năm 1958, nhạc sĩ Nguyên Thông (tức nhạc sĩ Văn Giảng, Thông Đạt) và Tâm Đại đã sáng tác ca khúc Mừng Ngày Đản Sanh, đăng trong Liên Hoa nguyệt san tại Huế.

          Lời mở đầu trong ca khúc nầy là:

                    Trời là trời rạng đông,

                     Tươi sáng,tươi sáng Rằm tháng Tư…”

 

          Mừng ngày Đản sanh là một ca khúc giàu âm điệu, lời ca ngọt ngào, trong sáng…rất hay. Thế nhưng vẫn chưa thay thế được vị trí của ca khúc Mừng Khánh đản, vì một lý do rất đơn giản là các Huynh trưởng và đoàn sinh khó tập, khó hát hơn ca khúc Mừng Khánh đản rất nhiều.

 

          Nhận thấy tình trạng thiếu mất một ca khúc cần thiết như vậy, nên chúng tôi có ý định là sẽ viết một ca khúc có nội dung như ca khúc Mừng Khánh đản của nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên, để thay thế vào.

 

           Dưới bút hiệu Y Mai-Đặng Lê Nguyễn, chúng tôi cùng với Huynh trưởng Nguyên Hòa Lê Văn Hiệp, hợp soạn ca khúc Mừng Ngày Phật Đản. Ca khúc nầy, chúng tôi viết dựa theo ca khúc Mừng Khánh đản.

 

          Vẫn âm giai cung La trưởng, vẫn nhịp đi (To di Marcia) nên âm điệu rất rộn rã, tươi vui. Chỉ thay đổi chùm từ “Ngày mồng Tám tháng ” thành “Ngày Rằm tháng Tư” như sau:

                  Ngày Rằm tháng Tư sáng tươi về đây,

                   Trời bình minh ngàn chim líu lo vờn cây…”

 

           Sau khi viết xong, chúng tôi thấy có thể thay thế được ca khúc Mừng Khánh đản, vì rất phù hợp với thời gian pháp định và nội dung cũng hoàn toàn bày tỏ được niềm tôn kính đối vời Ngày Đản sanh của đức Từ phụ.

 

          Thế nhưng, những năm sau đó thì cục diện chính trị ở miền Nam Việt Nam có nhiều thay đổi. Việc tổ chức Đại lễ Phật đản không còn lớn lao như các năm về trước nữa. Do đó, ca khúc Mừng Ngày Phật Đản cũng chỉ được hát trong các chương trình ca nhạc Phật giáo hoặc tại các lễ đài mỗi khi mùa Phật đản trở về.

 

         Cũng xin trình bày thêm là ca khúc nầy, vào đầu năm 1965, chúng tôi có gởi đi tham dự cuộc thi sáng tác Phật nhạc, do Nha Tuyên Úy Phật giáo Quân lực Việt Nam Cộng Hòa tổ chức tại Sài Gòn và đã đạt được giải Ba trong cuộc thi nầy.

 

          Cũng với ca khúc nầy, năm 1992, Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chọn in vào: Tuyển tập Ca khúc Phật giáo 1”(xin xem trang 26 của tuyển tập) đã tự tiện sửa đổi phần ký âm, từ Cung La trưởng thành Cung Do thứ và đổi luôn cả điệu To di Marcia thành Andantino. Việc sửa đổi nầy hay hay dở chúng tôi chưa bàn đến, chỉ xin nêu lên vài điều sai phạm như sau:

 

 

           - Những người chủ biên trong bộ phận biên tập tùy tiện sửa đổi là không tôn trọng nguyên tác.

          - Sửa đổi một tác phẩm nghệ thuật mà không có sự đồng ý của tác giả là một việc làm tùy tiện.

          - Chọn in vào một tuyển tập để phát hành có tính cách thương mại mà không cần xin phép tác giả là vi phạm tác quyền và lạm dụng tác phẩm.

          Nói đến việc làm nầy, tôi nhớ rõ là sau khi ca khúc nầy được trúng giải, đến khi tổ chức phát thưởng, Nha Tuyên úy Phật giáo lúc bấy giờ cũng đã gởi thông báo cho chúng tôi và ghi rõ:”Những tác phẩm trúng giải, Nha Tuyên úy Phật giáo Quân lực Việt Nam Cộng hòa hoàn toàn được quyền sử dụng trên mọi hình thức”

          Ngoài ra, vào tháng 7 năm 1973, Ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử Cam Ranh, khi ấn hành “Hương Lam nhạc tuyển”, cũng có lời thưa đầu sách rằng:”Vì thiếu thiện duyên, không rõ địa chỉ để liên lạc, nên lời thưa gửi không đến được trực tiếp hay gián tiếp. Kính mong sự hoan hỷ cho phép chúng tôi được thực hiện các nhạc phẩm trong Tuyển tập Hương Lam để phổ cập đến đại Gia đình Áo Lam lãnh hội những nhạc phẩm mà quý anh chị đã dày công biên soạn và sáng tác”.

           Đến tháng 12 năm 1973, Gia đình Phật tử Giác Hoa, ở Tuyên Đức Đà Lạt, chọn in vào “Tuyển tập Hoa Niên”, cũng không quên thưa rằng:”Thưa quý nhạc sĩ có những bản ca in trong tập nầy, Ban Huynh trưởng Gia đình Phật tử Giác Hoa Đà Lạt, xin quý vị nhạc sĩ rộng tình tha thứ cho Ban Huynh trưởng chúng tôi vì in những bản nhạc do quý vị sáng tác mà không được phép của quý vị, cũng chỉ vì địa chỉ của quý vị chúng tôi không được biết rõ để gửi thư xin phép.

         Ngoài ra, chúng tôi nghĩ rằng đây là một việc làm có tính cách xã hội và hữu ích. Kính mong quý vị nhạc sĩ rộng  tình tha thứ cho”. 

        Thế mà khi thực hiện “Tuyển tập ca khúc Phật giáo 1”Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chẳng hề nói được một lời nào y như thế. Thật là đáng tiếc!

 

                                                                                                              

 

          Tiện đây, tôi xin trình bày thêm vài chi tiết về ca khúc Mừng Khánh đản của nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên, để quý anh chị Huynh trưởng và đoàn sinh được rõ hơn.

           Năm 1973, Gia đình Phật tử Giác Hoa ở Đà Lạt, cho ấn hành “Tuyển tập Hoa Niên”cũng có chọn in ca khúc nầy, nhưng câu thứ Nhất và câu thứ Ba đã bị sửa đổi như sau (chữ in nghiêng là chữ đã bị sửa đổi)

           Câu 1: Chào mừng đón Đản sanh về đây

           Câu 2: Ngày trần gian chào đón đức Phật Từ tôn chúng ta…

           Câu 3: Chào mừng đón Đản sanh lừng vang…”

           Qua hai câu bị sửa đổi như vậy, tôi thấy có một vài điều cần nêu lên để tham khảo ý kiến của các bậc Huynh trưởng cao niên, kỳ cựu, là những anh chị đã từng hát ca khúc nầy, rất mong quý anh chị góp ý bổ sung cho được hoàn chỉnh.

 

          Câu thứ Nhất và câu thứ Ba, nếu sửa đổi như vậy, theo thiển ý của tôi e không chỉnh lắm. Vì người ta thường dùng từ Chào đón, Chào mừng hoặc Đón mừng, chứ không ai dùng luôn một cụm từ”Chào mừng đón”. Vả lại, nếu sửa đổi như vậy, hai từ nầy sẽ bị lặp từ chào đón ở câu thứ Hai. Một đoạn lời ca chỉ có 3 câu ngắn mà có đến hai từ Chào mừng đón và một từ chào đón thì khó tránh khỏi sự lủng củng. Nhất là trong lời ca, khi hát lên nghe nó nặng lắm. Hơn nữa, nếu câu thứ Ba mà viết như thế thì mạch văn không xuôi, không ai dùng ”Chào mừng đón Đản sanh lừng vang”, từ lừng vang nối với chào mừng đón Đản sanh thì không tròn nghĩa.

           Vì vậy, tôi xin đề nghị sửa như sau:

           Câu 1. (nguyên văn) Ngày mồng Tám tháng Tư về đây.

           Xin đổi lại là: Ngày Rằm tháng Tư đã về đây.

            Câu 3 : (nguyên văn)“Ngày mồng Tám tháng Tư lừng vang”

            Xin sửa lại là:”Ngày Rằm tháng Tư tiếng lừng vang”.

            Sửa như vậy, về thời gian pháp định rất phù hợp, về âm nhạc vẫn giữ đúng nguyên tác. Đề nghị như thế, nhưng tôi không rõ ý tác giả như thế nào!

 

           (Trước năm 1975, nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên sống ở Paris. Năm 1974, anh về Huế thăm gia đình, có ghé trường Bồ Đề Thành Nội thăm anh em chúng tôi. Từ ấy đến nay, chúng tôi ít thấy anh về lại Huế, nên cũng không có dip để trình bày với anh về sự thay đổi lời ca trong ca khúc nầy).

           Tiện đây, tôi thấy có đôi điều cần trình bày để quý anh chị Huynh trưởng và đoàn sinh rõ thêm ca khúc Họp đoàn của nhạc sĩ Tâm Nguyện. Họp đoàn là một ca khúc ngắn rất hay. Giai điệu rộn rã, tươi vui, hùng tráng. Lời ca mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thể hiện rất rõ tình yêu quê hương, đất nước. Ca khúc lại “xuất hiện” đúng thời gian mà Gia đình Phật tử chúng ta đang cần.

           Tuy nhiên, có một điều mà chúng ta ai cũng thấy rõ là toàn cả ca khúc, không có một từ nào diễn đạt lý tưởng Gia đình Phật tử, hoặc mang một chút sắc thái nào của màu áo Lam, mà chỉ là lời ca, ca ngợi sự hội họp đông vui, sự chia tay luyến tiếc của các đoàn thể Thanh, thiếu niên hoặc học sinh ngoài xã hội, trong những dịp cắm trại hay hội hè. Như lời ca của hai câu cuối trong ca khúc thì rõ:

              “...Đồng lòng cùng hát cất cao tiếng ca,

                Họp đoàn càng thấy mến yêu nước nhà!”

 

           Hơn nữa, các nhạc sĩ Tâm Nguyện, Tâm Bảo, Lê Thương, Văn Thanh, Hoàng Quý...là những nhạc sĩ có tên tuổi ngoài xã hội. Các nhạc sĩ nầy đã có nhiều sáng tác rất hay cho thiếu nhi Việt Nam ở vào thập kỷ 40, như ca khúc Thiếu nhi thôn quê, ca khúc Họp đoàn của nhạc sĩ Tâm Nguyện, ca khúc Hát to hát vang, ca khúc Trăng thu của nhạc sĩ Tâm Bảo, ca khúc Thằng Cuội của nhạc sĩ Lê Thương, ca khúc Rước đèn tháng tám của nhạc sĩ Văn Thanh, ca khúc Đêm trong rừng của nhạc sĩ Hoàng Quý, ca khúc Mầm MăngReo vang bình minh của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước v.v...

          Cũng nên lưu ý rằng, ở vào giai đoạn các ca khúc nầy ra đời thì tổ chức Gia đình Phật tử chúng ta đang trong thời kỳ “thơ ấu”, nên chưa có nhiều ca khúc để hát. Do đó, các anh chị Huynh trưởng lúc bấy giờ đã “mượn” những ca khúc nầy để đưa vào chương trình sinh hoạt.

 

 

          Xin nêu lên một trường hợp cụ thể như sau: Vào mùa Hè năm 1953, chúng tôi được Gia đình chọn đi tham dự trại huấn luyện Đội trưởng Hằng Hà 3, do Ban Hướng dẫn tổ chức tại chùa Tây Thiên, Huế. Trong giờ sinh hoạt, Ban Quản trại đã đổi lời ca của ca khúc nầy để hát cho phù hợp với tên trại:

                “...Đồng lòng cùng hát cất cao tiếng ca,

                     Hằng Hà cười to ha, ha, ha...”

           Câu cuối vẫn giữ đúng như nguyên tác.

           Lúc bấy giờ và cho mãi đến những năm về sau, tôi cứ ngỡ ca khúc nầy là của một nhạc sĩ Huynh trưởng sáng tác. Nhưng sau khi tìm tòi, nghiên cứu mới thấy rõ là không phải. Việc sửa lời ca như thế chỉ là một việc làm nhằm “đáp ứng tình thế” mà thôi.

 

           Tiếp theo là ca khúc Mầm Măng của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Mầm Măng là một ca khúc ngắn, chỉ có 5 câu nhưng giai điệu thật uyển chuyển, mượt mà. Lời ca thì rõ ràng, súc tích. Giáo dục cho thiếu nhi bằng loại hình âm nhạc nầy thì tác giả đã thành công. Tuy nhiên, nó không phải là “sản phẩm” của Gia đình Phật tử, nên suốt cả bài, không có một từ nào có chút chất liệu màu Lam. Nhưng vì sao Gia đình Phật tử chúng ta lại sử dụng? sử dụng để làm bài ca Chính thức cho ngành Oanh vũ nữ. Điều nầy cũng dễ hiểu, vì khi tổ chức Gia đình Phật tử ra đời, thì ca khúc nầy đã hiện hữu, trong khi Gia đình Phật tử lại không có bài nào hay hơn bài nầy. Do dó, chúng ta đã “mượn”để dùng, và dùng lâu ngày quá cho nên nó trở thành “như của mình”.

          Nói về ca khúc Mầm Măng nầy, nhạc sĩ Nguyên Định Bửu Ấn lại cho là của nhạc sĩ Hoàng Cang sáng tác, khi anh viết trong bài tham luận”Văn nghệ Gia đình Phật tử Việt Nam cho tuổi trẻ hôm nayrằng :Bài Mầm Măng và bài Chim bốn phương của Huynh trưởng Hoàng Cang, cũng chỉ viết có 5 cung...”Chúng tôi e là đã có sự nhầm lẫn. Vì nhạc sĩ Nguyên Phương Hoàng Trọng Cang là người Huế, khi anh viết những ca khúc cho Gia đình Phật tử là thời kỳ anh đang ở Huế, nên chúng tôi rất gần gũi anh, nhất là anh thường hay đến sinh hoạt với các đơn vị Gia đình.

 

          Trong suốt quá trình sáng tác nhạc cho Gia đình Phật tử, chưa có ca khúc nào anh không sử dụng chất liệu màu Lam và thuật ngữ trong sáng của Phật giáo.

          Vì thế, chúng tôi khẳng định ca khúc Mầm Măng không phải của nhạc sĩ Hoàng Cang, mà là của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước sáng tác từ năm 1946, là bài hát dành cho các Đội Nhi đồng cứu quốc thời bấy giờ.

 

           Rồi từ ấy đến nay, đã trải qua 70 năm mà Gia đình Phật tử chúng ta vẫn còn hát, và hát một cách thường xuyên và rộng rãi hơn, nên các ca khúc nầy đã nghiễm nhiên trở thành “tài sản” của Gia đình Phật tử.

 

           Do đó, nên các anh chị Huynh trưởng ít nghiên cứu về Bộ môn văn nghệ Gia đình Phật tử, thường ngỡ là của các Huynh trưởng nhạc sĩ Gia đình Phật tử sáng tác, nên đã có nhiều Tuyển tập như: Hương Lam Nhạc Tuyển của Ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử Cam Ranh, ấn hành tháng 7 năm 1973. Nhạc Tuyển Hoa Niên của Gia đình Phật tử Giác Hoa, Đà Lạt, ấn hành tháng 12 năm 1973, cùng nhiều tuyển tập sao chép khác nữa, cũng đều đã chọn các ca khúc nầy để đưa vào Tuyển tập, mà không có một lời chú thích nào rõ ràng về xuất xứ của nó.

 

          Vì lẽ ấy, mà các ca khúc nầy, mặc dầu rất hay, nhưng vẫn không phải là “sản phẩm”của Gia đình Phật tử. Tôi có thể nói vui rằng: các ca khúc nầy có “ca” mà không có “Lam”. Do đó, chúng ta không nên xếp vào các Tuyển tập thường có tên nghe rất”Gia đình Phật tử là Lam Ca hay là Hương Lam”. Bởi lẽ, khi chúng ta xếp các ca khúc nầy vào các Tuyển tập Lam ca, thì những tổ chức khác họ cũng có quyền xếp vào Tuyển tập của họ và chắc chắn họ cũng sẽ đặt cho nó một cái tên riêng theo ý họ. Ví dụ như: Thiếu niên ca, Học sinh ca v.v..

                                                                                            

           Như thế, một ca khúc mà có hai, ba tổ chức giành nhau để làm Tuyển tập thì đó là một việc mà tổ chức Gia đình Phật tử chúng ta nên tránh. Không nên xếp vào và cũng không nên gọi là Lam ca. Vì thực chất những ca khúc nầy không phải là “linh hồn” của áo Lam.

        Gia đình phật tử chúng ta là một tổ chức có lý tưởng thiêng liêng. Những ca khúc được các nhạc sĩ Huynh trưởng Gia đình Phật tử viết ra thường mang một nội dung rất sâu sắc về lý tưởng giác ngộ và giải thoát. Chúng ta hát là hát để đi dần đến giác ngộ và giải thoát, chứ không chỉ hát thông thường như những ca khúc thiếu “chất Lam”.

         Nhưng dù sao thì những ca khúc nầy cũng đã “đồng hành” với Gia đình Phật tử chúng ta trên đường xây dựng và phát triển. Vì thế, cho nên các ca khúc nầy cũng đã in những dấu son trên chặng đường lịch sử của Gia đình Phật tử chúng ta rồi. (Trong Phần phụ lục chúng tôi sẽ cho in các ca khúc nầy).

 

(tiếp theo)

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác