Những ca khúc in dấu trên những chặng đường lịch sử (phần 4)

nhung ca khuc in dau

Tâm Quang Đặng Ngọc Bích

 

Tiếp theo sau hai ca khúc trên là ca khúc Dòng Anôma của nhạc sĩ Hoàng Cang (tức Huynh trưởng Nguyên Phương Hoàng Trọng Cang) ra đời. Dòng Anôma là ca khúc ngắn gọn, đã dễ hát mà lại rất hay. Huynh trưởng và đoàn sinh nào cũng hát được một cách khá dễ dàng.

                                                                                                                    

           Khung cảnh của hơn 2600 năm trước mà anh mô tả như cảnh thật đang hiện ra trước mắt, sinh động và đẹp như thơ:“Dòng Anôma sóng nhấp nhô bờ lau xanh...”

 

          Giai điệu và lời ca như dìu chúng ta đi theo dấu chân của đấng Điều Ngự. Dòng Anôma không chỉ làm sống lại không gian lịch sử trên bước đường tìm Đạo của Thái tử Tất-Đạt-Đa mà còn cuốn hút sự chú ý và ham thích của nhiều thế hệ Huynh trưởng và đoàn sinh. Trong Gia đình Phật tử chúng ta, dù đã trải qua bao nhiêu thế hệ, chắc không ai lại không thuộc nằm lòng ca khúc ngắn gọn mà hay đến tuyệt vời nầy.

 

          Cũng ca khúc nầy, một thời gian sau thì anh lại viết tiếp lời II, tức là thành Catyla. Lời của thành Catyla cũng hớn hở, vui tươi, cũng thể hiện trọn vẹn niềm hân hoan của muôn loài chúng sinh trong ngày đức Phật đản sinh:

                   “Thành Catyla sống yên vui đời Tịnh Vương...”

 

          Qua lời ca nầy, anh cũng đã làm sống lại không gian chói lọi của Vương thành Catylavệ, nơi đã lưu dấu bàn chân của bậc Đại  Siêu nhân suốt 19 năm, trước khi ngài từ giã Vương thành để ra đi tìm đạo.

          Một giai điệu mà cả hai lời ca, khi hát lời I hoặc lời II, đều hòa quyện nhuần nhuyễn. Hát trước hay sau đều không mất đi ý nghĩa. Lối viết như thế, có thể nói là hết sức tài tình.

 

                                                    &

    

          Sau ca khúc dòng Anôma của nhạc sĩ Hoàng Cang là ca khúc Mục Kiền Liên của nhạc sĩ Kim Bảng tiếp tục ra đời. Mục Kiền Liên là ca khúc đầu tiên và là tuyệt tác phẩm trong nền ca nhạc Gia đình Phật tử hát về ngày Đại lễ Vu lan.

          Giai điệu và lời ca của Mục Kiền Liên thật sâu lắng, thâm u, lạnh lùng nghe đến rờn rợn... Sức tưởng tượng của nhạc sĩ Kim Bảng thật vô cùng phong phú đến mức siêu hạng. Lời ca anh viết như dẫn chúng ta đi vào cảnh âm u, mờ mịt, buốt giá của địa ngục Atỳ:...đây nơi âm cung gió đưa tiếng sầu tê lòng...”

 

 

         Trong 70 năm qua, cũng có nhiều ca khúc viết về ngày Đại lễ Vu lan, nhưng Mục Kiền Liên của nhạc sĩ Kim Bảng vẫn là ca khúc chiếm địa vị độc tôn. Có thể nói, ca khúc nầy đã làm rạng rỡ cho dòng nhạc Vu lan và chắc chắn cũng đã in một dấu son chói lọi trên chặng đường lịch sử của nền ca nhạc Gia đình Phật tử Việt Nam.  

                                                   &

 

          Đến khoảng cuối năm 1952 đầu năm 1953, trong giờ sinh hoạt tại các Gia đình lại nghe hát vang lên ca khúc Em đến chùa của nhạc sĩ Dương Thiện Hiền (tức Huynh trưởng Thiện Hiền Dương Xuân Nhơn). Em đến chùa là một bài thơ Lục bát gồm có 4 khổ, 12 câu, được nhạc sĩ Dương Thiện Hiền sáng tác và phổ nhạc.

 

         Giai điệu mượt mà, vui tươi, đầm ấm, trang nghiêm mà lại dễ hát. Huynh trưởng và đoàn sinh nào hát cũng được, ai hát nghe cũng hay. Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, mà hôm nay nghe các em Oanh vũ hát, tôi cứ ngỡ như anh Dương Thiện Hiền mới sáng tác đâu ngày hôm qua. Ca khúc Em đến chùa là ca khúc đã vượt không gian, vượt thời gian để mãi mãi là một ca khúc thể hiện nỗi lòng và nguyện ước của nhiều thế hệ Oanh vũ mỗi khi các em bước chân đến chùa.

           Nhân đây, tôi cũng xin “tường thuật” một sự kiện cụ thể để anh chị em chúng ta cùng thấm thấu với thời gian qua sức sống dồi dào và mãnh liệt mà ca khúc Em đến chùa đã đem lại.

           Vào hai mùa Vu lan liên tiếp (Phật lịch 2548, 2549 - 2004, 2005) trong lễ kỷ niệm Chu niên lần thứ 54 và 55 Gia đình Phật tử Tây Lộc, được tổ chức tại khuôn Giáo hội Tây Lộc, ở đường Thái Phiên, thuộc phường Tây Lộc, thành phố Huế.                                                                                                                   

           Về tham dự lễ, có quý anh chị trong Ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử Thừa Thiên, Ban Đại diện Gia đình Phật tử các quận, huyện lân cận, Ban Huynh trưởng các Gia đình bạn và đông đủ thành phần quan khách, từ các Bác trong khuôn Giáo hội, đến phụ huynh của Huynh trưởng và đoàn sinh, cùng nhiều anh chị em cựu Huynh trưởng và đoàn sinh của Gia đình nầy.

 

 

           Sau lễ chính thức là có tiệc trà thân mật và phần văn nghệ giúp vui. Trong các tiết mục giúp vui, có tiết mục Độc diễn ca khúc Em đến chùa, do anh Nguyên Toại Trần Nguyên Vũ, Huynh trưởng cấp Tấn, Ủy viên ngành Nam Oanh vũ kiêm Ủy viên văn nghệ Ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử Thừa Thiên, kiêm Liên Đoàn trưởng Gia đình Phật tử An Cựu, Huế, trình bày.

 

          Xin được nói riêng về “người nghệ sĩ tài hoa” nầy một chút. Ngoài đời, anh là một vị Bác sĩ có tên tuổi trong xã hội, là vị thầy khả kính ở trường Đại học Y Huế. Anh có thân hình cao lớn, mập mạp, cân nặng đến 80 kg (theo lời anh nói với chúng tôi), phong thái rất uy nghi, càng nhìn càng dễ mến.

 

           Anh bình thản bước lên sân khấu, vẻ tự tin hiện rõ trên khuôn mặt người lãnh đạo. Anh đưa tay ra dấu cho người nhạc công ngừng đàn, không đánh đệm. Anh chỉ hát mà không cần đàn. Anh bắt đầu hát. Vừa hát vừa diễn tả điệu bộ và tâm trạng của một em Oanh vũ lúc đến chùa. Giọng ca dịu nhẹ, ngọt ngào. Khuôn mặt lộ hết vẻ thành kính, trang nghiêm, ngoan hiền như một em bé được theo mẹ đến chùa lễ Phật.

 

          Hàng mấy trăm người chúng tôi ngồi xem thật hết sức bất ngờ. Tài năng của anh đã làm cho chúng tôi đi từ ngạc nhiên đến thán phục. Một “ca sĩ nặng ký” như anh mà độc diễn dịu nhẹ và thần tình như một em Oanh vũ thì phải nói là hết chỗ để khen.

 

          Qua đó, chúng ta thấy ca khúc Em đến chùa không chỉ để cho các em Oanh vũ hát mà còn dành cho các “Oanh vũ cồ, loại nặng ký” như “Oanh vũ Nguyên Toại”. Nơi đây, chúng ta còn thấy được cái “hồn” của ca khúc Em đến chùa đã lan tỏa và đạt đến đỉnh điểm nghệ thuật của nền ca nhạc Gia đình Phật tử.

 

 

          Tôi có thể nói mà không sợ quá lời rằng: chưa có ca khúc nào viết cho các em Oanh vũ hát mà các anh lại hát và diễn tả uyển chuyển, mềm mại, hấp dẫn và cuốn hút người nghe, từ ngạc nhiên đến thán phục như ca khúc Em đến chùa của nhạc sĩ Thiện Hiền Dương Xuân Nhơn. Ca khúc Em đến chùa không chỉ sống mãi trong nếp sinh hoạt truyền thống của Gia đình Phật tử mà sẽ bất tử với thời gian và lay động cả không gian của Gia đình Phật tử.

 

(tiếp theo)

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác