LỜI
NÓI ĐẦU
Trải qua hơn 70 năm xây dựng và phát triển, tổ
chức Gia đình Phật tử Việt Nam chúng ta không chỉ thể hiện trên chiếc áo màu
Lam, trên lá cờ Sen trắng những sắc màu rực rỡ, mà Gia đình Phật tử Việt Nam
cũng đã làm nên những trang lịch sử hào hùng, quả cảm, bừng sáng trong lòng Dân
tộc và Giáo hội.
Song song với sự nghiệp xây dựng và phát triển
lớn lao ấy, Gia đình Phật tử Việt Nam chúng ta cũng đã tạo nên một đường hướng
Văn nghệ độc lập, có tính đặc thù, mang nặng tinh thần Dân tộc, ý thức khai
phóng con người đi vào giác ngộ và giải thoát một cách tích cực - Một đường
hướng Văn nghệ rất riêng biệt của màu áo Lam.
Văn nghệ Gia đình Phật tử nói
chung và nền ca nhạc Gia đình Phật tử nói riêng, đã loại trừ được những
tác phẩm ủy mị, trữ tình, giả tạo. Đã tách rời được những bài ca vong quốc, những bản nhạc kích động,
ngoại lai và cắt đứt được những tác phẩm chỉ chuộng hình thức, trốn tránh thực
tại, quên lãng tương lai.
Nền ca nhạc Gia đình Phật tử đã hòa quyện sâu
sắc với nền văn hóa rạng ngời của Dân tộc, đã thể nghiệm uyển chuyển Giáo pháp
thậm thâm của đức Từ phụ trong chân lý giác ngộ và giải thoát.
Đáng trân trọng hơn nữa,
là nền ca nhạc Gia đình Phật tử đã không xa rời hiện thực, không xao lãng trách
nhiệm trên nỗi khổ đau của kiếp người trong nhân sinh quan vô thượng của Phật
giáo.
Nhìn chung, nền ca
nhạc Gia đình Phật tử đã thể hiện một cách đúng đắn, hùng hồn, trong sáng trên
tinh thần hướng thượng và hướng thiện. Do đó, mà từ hơn nửa thế kỷ qua, các nhạc
sĩ Huynh trưởng Gia đình Phật tử chúng ta, đã không ngừng vận dụng
tim óc để sáng tác nên những ca khúc trung thực với đường hướng Văn nghệ
độc lập và đặc thù ấy.
Vì thế mà những ca khúc được
các anh viết ra phần nhiều đã IN DẤU TRÊN CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ vẻ vang của tổ
chức Gia đình Phật tử Việt Nam.
Trong ý niệm giữ gìn và phát huy phần nào giá trị vàng son của các ca
khúc mang đậm màu áo Lam hiền hòa mà trung dũng ấy, tôi trân trọng viết nên
Thiên biên khảo nầy.
Việc biên khảo cũng nhằm mục đích giới thiệu
với các thế hệ kế tiếp những ca khúc đã “mở đường” và làm hưng thịnh cho nền ca
nhạc Gia đình Phật tử. Cũng như trình bày với các em về đường hướng Văn nghệ của
Gia đình Phật tử là: đường hướng độc lập, đặc thù, hoàn toàn riêng biệt, chỉ màu
áo Lam mới có.
Trân trọng hơn nữa là để ghi nhớ phần nào công
lao to lớn của các nhạc sĩ Huynh trưởng, những người đã tận tụy, miệt mài
trong suốt bao nhiêu năm, để cho các thế hệ Huynh trưởng và đoàn sinh chúng ta
hôm nay được thừa hưởng kho tàng âm nhạc vô cùng quý báu nầy.
Và cũng là dịp để cùng quý anh chị Huynh trưởng ôn lại những kỷ niệm một thời
chúng ta đã sống, đã vinh dự chứng kiến sự ra đời của nhiều ca khúc mà giai điệu
và lời ca còn mãi in dấu trên đà chuyển di vô tận của lịch sử.
***
Trong việc biên khảo, tôi xin chia ra làm 3
giai đoạn như sau:
- Giai đoạn
I :
Từ khởi nguyên đến năm 1965 (25 năm)
- Giai đoạn II : Từ năm năm
1966 đến năm 1975 (10 năm)
- Giai đoạn III: Từ năm 1975 đến năm 2010 (35 năm)
Tuy phân chia như thế, nhưng khi sắp xếp thành
tập thì chỉ có 2 tập: Tập 1 cho giai đoạn I và tập 2 cho giai đoạn II và III. Vì
giai đoạn II và III, dù thời gian kéo dài đến 45 năm,
nhưng trong thực tế thì chỉ có giai đoạn II là các nhạc sĩ Huynh trưởng
còn lưu tâm sáng tác, chứ từ năm 1975 trở về sau thì hầu như chẳng còn có bao
nhiêu nhạc sĩ sáng tác nhạc cho Gia đình Phật tử nữa! Hay nói một cách khác là
chẳng còn nhạc sĩ Huynh trưởng trung kiên nào hưng phấn tâm hồn trong bối cảnh
Giáo hội phân ly, tổ chức Gia đình Phật tử trì trệ, phân hóa lại ngồi bình thản
mà sáng tác.
Sau mỗi giai đoạn, tôi có
biên tập thêm Phần phụ lục. Trong phần phụ lục sẽ ghi đầy đủ các sử liệu liên quan và những ca
khúc đã được đề cập đến trong phần biên khảo.
Phần nầy, theo thiển ý của tôi thì nó rất cần
thiết, vì các sử liệu liên quan sẽ chứng thực cho từng giai đoạn, các ca khúc sẽ
là những bài hát đã được xem xét kỹ lưỡng cho đúng với nguyên tác trước khi xếp
vào. Nếu so sánh thấy chỗ nào có DỊ BẢN thì tôi đã chú thích hoặc giải bày rõ
ràng. Vì dù sao khi đã được “ấn hành” trong thiên biên khảo nầy thì các thế hệ
kế tiếp sẽ vin vào đó mà đàn hoặc hát.
Như vậy, nếu in ra mà không đúng nhạc, đúng lời như nguyên tác thì rất có hại
cho các em sau nầy. Do đó, nên tôi luôn cố gắng và rất thận trọng trong
phần nầy.
Trong khi biên soạn, tôi đã dụng công khá nhiều, nhưng vì khả năng
có hạn, nên khó tránh khỏi những điều sai sót. Hơn nữa,
phần sử liệu về sự phát triển của nền ca nhạc Gia đình Phật tử dùng để tham khảo
thì chẳng có bao nhiêu. Thỉnh thoảng mới có vài ba
tuyển tập nhạc phát hành, vài ba bài viết đề cập một cách sơ lược đến nền Văn
nghệ Gia đình Phật tử. Còn các ca khúc được các nhạc sĩ viết ra, cũng chỉ
có một số rất ít in thành bản nhạc để phát hành, như ca khúc
Mừng Khánh đản
của nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên, ca khúc Về dưới Phật đài, Mẹ hiền Quan Âm của nhạc sĩ Trần Nhật Thành, ca khúc
Trái tim Bồ tát của nhạc sĩ Trường Long, ca khúc Em là vì sao sáng của nhạc sĩ Nguyễn Hiền,
ca khúc Nhớ mái chùa
xưa của nhạc sĩ Nguyên Đàm, Nguyên Diệu, ca khúc Từ Đàm quê hương tôi của
nhạc sĩ Nguyên Thông và Tâm Đại v.v... còn phần nhiều chỉ sao chép, chuyền tay nhau để hát. Do đó,
cho nên khó xác định một cách chính xác thời gian ra đời của mỗi ca khúc.
Vì vậy, kính mong quý anh chị Huynh trưởng hoan
hỷ góp ý bổ sung, để cho thiên biên khảo nầy được đầy đủ và rõ ràng hơn. Hầu ghi
nhớ phần nào công lao của các nhạc sĩ Huynh trưởng, những người đã để lại cho
Gia đình Phật tử chúng ta một kho tàng âm nhạc vô cùng to lớn và quý báu nầy.
Trân trọng!
Cố đô Huế, mùa Phật đản 2555
Tâm Quang ĐẶNG NGỌC BÍCH
ảnh: Đoàn Thiếu niên Phật
tử-Tô Đà Di vui tết trung thu tại chùa Phước Duyên