Nguyễn Duy Nhiên
Bạn có nghĩ sự tu học sẽ
làm ta mất đi lòng say mê của mình đối với cuộc sống chăng? Nó có khiến chúng ta trở nên không còn tự
nhiên trong lối tiếp xử hằng ngày của mình?
Có người bạn bảo rằng sau khi "tu thiền" một thời gian rồi thì dường như chị
cũng bớt còn biết xúc cảm.
Và có một nhà soạn kịch chia sẻ là từ ngày biết "tu thiền", anh đã không
còn có thể "khóc cười với kịch" được nữa!
Đôi khi chúng ta nghĩ rằng, khi bước vào con đường tu học ta sẽ phải đánh mất đi
sự say mê (passion) và những bén nhạy
tự nhiên (spontaneity) của mình đối
với cuộc sống chung quanh. Dường như là thiền tập sẽ khiến ta trở
thành một người vô cảm! Nhưng sự
thật có đúng là như vậy chăng?
Thế nào là tự nhiên?
Tôi thấy vấn đề có lẽ là
vì chúng ta có một quan niệm sai lầm, một lối hiểu khác về thế nào là tánh tự
nhiên của mình. Có thể ta lầm lẫn
tính tự nhiên với lại những tập quán và thói quen sẳn có của mình, và cũng có lẽ
ta nghĩ rằng những hành động nào mà không suy tính, phản ứng theo cảm xúc, thì
mới là tự nhiên, spontaneity.
Thật ra phần lớn những hành động mà ta cho là "tự nhiên" ấy, chúng chỉ là những
phản ứng bị điều kiện của mình mà thôi.
Chúng ta bị điều kiện bởi các thói quen và tập quán lâu đời, mà chúng là sự huân
tập của những buồn vui, ham muốn, ghét bỏ qua năm tháng.
Chúng ta hành xử theo chúng, đôi khi làm mà không hề ý thức được hậu quả
của việc mình làm. Và rồi ta bị trôi
lăn theo những bận rộn, lo âu của cuộc sống hằng ngày, phản ứng máy móc theo
hoàn cảnh chung quanh. Và ta lại vô
tình cho đó là sự say mê (passion) và
tánh tự nhiên (spontaneity) của
mình.
Bạn biết không, ngày nay với công nghệ truyền thông dễ dàng, với những video
clips được đăng trên mạng, chúng ta thường được chứng kiến và xem những hình ảnh
rất bất nhẫn, những thái độ tàn bạo, những thờ ơ trước những khổ đau của con
người với nhau… và tôi không thể nào tin rằng đó lại là sự tự nhiên của mình
được.
Và thật ra tôi nghĩ chính sự tu học sẽ giúp ta tiếp xúc lại được những gì là
chân thật tự nhiên trong ta, và chung quanh ta.
Nếu như ta ít còn bị sai xử theo những tập quán và thói quen xưa cũ, của
những cố chấp và thù ghét, có lẽ cái nhìn của ta sẽ được sâu sắc hơn.
Và từ một cái thấy rộng mở ấy nó sẽ mang lại cho mình một tình thương
lớn.
Nhất kỳ nhất hội
Nếu bạn có dịp bước vào
một ngôi trà thất có lẽ bạn sẽ nhìn thấy một tờ thư pháp treo trên tường với
dòng chữ “nhất kỳ nhất hội”, one time one
meeting. Đó cũng là một câu châm ngôn trong
Trà đạo. Chúng ta chỉ có thể gặp nhau, tiếp
xúc nhau, một lần duy nhất mà thôi. Tuy trong cuộc sống ta có thể đã gặp nhau
nhiều lần, đã cùng ngồi uống với nhau bao nhiêu tách trà, nhưng mỗi lần là một
lần hoàn toàn mới.
Bao giờ cũng chỉ có thể là một lần gặp mặt này thôi và chỉ là một tách
trà này mà thôi. Không thể là một
lần thứ hai. Và nếu ta biết có mặt
trọn vẹn với giây phút ấy, ta mới có thể tiếp xúc được với sự tự nhiên chân thật
của sự sống.
Bà Maurine Stuart là một giáo thọ thuộc dòng thiền Lâm Tế, và cũng là một nhạc
sĩ trình tấu piano, có chia sẻ như sau:
“Chúng ta bao giờ cũng là đang bắt đầu. Lúc nào cũng sẽ là lần đầu tiên của mình.
Khi chơi piano, tôi thường đánh nhạc đến dấu hiệu lặp trở lại (repeat sign)
trong bài nhạc. Thật ra ta có thể
nào lặp lại đoạn nhạc ấy được chăng?
Mỗi khi dạy học trò mình chơi piano, và khi đánh đến dấu lặp trở lại ấy,
tôi bảo các em rằng, không có sự lặp lại. Chúng ta trở lại đầu của đoạn nhạc ấy,
nhưng nó sẽ không bao giờ giống y như trước. Lúc nào cũng sẽ là mới tinh khôi.”
Và sự sống của ta cũng vậy. Mà thật ra đó mới chính là cái ý nghĩa
chân thật, sâu xa của sự tự nhiên, nó khác biệt với những phản ứng và lối hành
xử máy móc có điều kiện kia biết là bao nhiêu!
Tuy hoàn cảnh có thể không thay đổi, năm tháng vẫn vậy, cũng tách trà ấy, cũng
trời mây ấy, nhưng những điều kiện chung quanh ta, và ngay chính ta, chắc gì
cũng vẫn là như xưa?
Và nếu như ta không thật sự có mặt thì mình có thể nào sống với một lòng
say mê tự nhiên như ta nghĩ được chăng?
Vì cuộc sống không bao giờ có một sự lặp lại, nhưng nhiều khi ta vẫn cứ
ôm ấp và tiếp nối mãi những nỗi muộn phiền xưa cũ của mình...
Về lại với chính tôi.
Một văn hào Pháp của thế kỷ thứ 16, ông Montaigne, có chia sẻ về một phương cách giúp ông
tiếp xúc với hạnh phúc trong cuộc sống"Khi tôi khiêu vũ, tôi khiêu vũ; khi
tôi ngủ, tôi ngủ; vâng, và khi tôi đi dạo một mình trong một vườn cây đẹp, nếu
như thỉnh thoảng sự suy nghĩ của tôi có trôi dạt về một nơi chốn xa xôi nào đó,
tôi mang nó trở về với những bước chân của mình, với vườn cây chung quanh, với
sự có mặt của một sự tĩnh lặng ngọt ngào, về lại với chính tôi."
Ông Montaigne chia sẻ những thực tập của ông như là một nhà thiền bạn nhỉ? Và chúng ta cũng có thể như ông, tập dừng
lại để tiếp xúc được với những gì đang xảy ra trên con đường mình đi mỗi ngày. Và nhiều khi ta lại có thể khám phá ra
rằng, thật ra trong giây phút này không
có những bất an và lo âu như ta nghĩ, mà là nó
"có mặt của một sự tĩnh lặng ngọt ngào" khi ta biết quay
"về lại với chính ta".
Trong
nhà thiền có một phương cách rất hay giúp ta trở về lại với chính mình bằng cách
tiếp xúc với những gì đang có mặt. Và bạn có thể bắt đầu bằng cách trở về
với hơi thở của mình, và lắng nghe những âm thanh nào đang có mặt chung quanh ta.
Dù là ta đang đứng giữa một khu phố ồn ào náo nhiệt hay đang ngồi trong một căn
phòng yên lắng, cũng không có gì khác biệt. Ta chỉ cần đơn giản chú ý đến hơi thở của
mình và những âm thanh nào đang có mặt chung quanh ta. Khi ta ý thức được những âm thanh khác
nhau tiếp nối nhau khởi lên rồi qua đi, ta sẽ cảm thấy mình được mở rộng ra hơn,
tĩnh lặng hơn. Và bạn cũng có thể đặt câu hỏi rằng, "Cái gì biết là mình đang nghe những âm thanh ấy?"
Ta đang nghe đó, nhưng cái gì đang
biết? Không phải là ai biết mà là cái gì đang biết?
Câu hỏi ấy sẽ mang ta trở về có mặt trong giờ phút hiện tại, và nó cũng
giúp cho mình không bị dính mắc vào những gì đang có mặt.
Bạn biết không, bài tập đơn giản ấy có thể giúp ta dừng lại, và bớt bị sai xử
bỡi những thói quen và tập quán mà có thể mang mình từ khổ đau này sang khổ đau
khác.
Trong cuộc sống cũng có lúc ta cần nương tựa vào hơi thở và sự thực tập, để giúp
ta có thể định phương hướng mỗi khi mình cảm thấy như đang lạc lối, những khi
cuộc sống quá bấp bênh, khi ta đang bối rối trước những mất mát, hờn giận, hay
là những tật bệnh. Khi đối diện với những hoàn cảnh khó khăn
ta thường dễ bị những thói quen, tập quán xưa sai xử, bằng những xúc cảm trong
ta.
Và nhiều khi chúng chỉ lại khiến cho tình trạng phức tạp hơn, phiền não
hơn mà thôi. Biết nương tựa vào sự
thực tập của mình ta sẽ thấy được con đường trở về.
Sau theo hoa rụng về
Có một lần thiền sư
Trường Sa đi dạo chơi trong núi trở về trể. Khi
Ông về đến thiền viện, vị thủ tọa đứng chờ hỏi, “Thưa Thầy đi đâu về, tăng chúng
đang chờ Thầy?” Trường Sa đáp, “Ta đi dạo trong núi
chơi.” Vị thủ tọa hỏi, “Đến chỗ nào
Thầy mới trở về?” Ông đáp, “Những
hoa anh đào trong rừng rất đẹp, trong khi bước theo nhìn, chúng dẫn ta đi vào
thật sâu trong núi. Và có những hoa
bồ công anh, và đóa hoa dại ba lá nở rộ trên cỏ, với những cánh bướm bay vờn bên
trên, và khi say mê nhìn ngắm chúng, ta thấy con đường quay trở về nhà.” Thủy tùy phương thảo khứ,
Hựu trục lạc hoa hồi.
Thiên nhiên cũng có một năng lượng nuôi dưỡng hạnh phúc và chuyển hóa muộn phiền
trong ta rất lớn, có lẽ nhờ sự tự nhiên của nó.
Có một lần tôi ở trên một tu viện trên núi, một bên là biển.
Có những đêm nhìn xuống xa ngoài kia phía chân trời, tôi thấy lấp lánh đèn những
chiếc ghe đánh cá ngoài biển xa, bên trên là ngàn sao lấp lánh như những hạt
thủy tinh vụn vỡ. Một không gian ấy
chợt mang ta trở về sự rộng lớn tự nhiên của chính mình.
Trong cuộc sống ta vẫn cần phải biết ứng xử sao cho thích hợp, nhưng đừng để
đánh mất sự tự nhiên của mình theo những buồn vui xưa cũ.
Có lẽ những hạnh phúc chân thật chỉ có mặt khi ta có khả năng trở về với
một sự trong sáng tự nhiên trong giờ phút này. Bạn biết không, dù ở nơi đâu thì mỗi bước
đi tới của ta cũng có thể là một bước trở về với chính mình. Trước tùy cỏ thơm đến, Sau theo hoa rụng về. Những hạnh phúc cũng đang
có mặt trên con đường ta đi, và "khi say mê nhìn ngắm chúng, ta thấy con đường
quay trở về nhà...”